Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý thanh lý tài sản

Số hiệu: 22/2015/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 16/02/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hướng dẫn mới về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Theo đó, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải:

- Cử ít nhất 01 Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp của mình hành nghề tại chi nhánh.

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp mình.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định những hành vi nghiêm cấm đối với doanh nghiệp hành nghề. Đơn cử như:

- Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan tới hoạt động hành nghề.

- Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền, hay lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản.

Nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 06/4/2015.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÁ SẢN VỀ QUẢN TÀI VIÊN VÀ HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phá sản ngày 19 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và quản nhà nước đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cơ quan quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh tài sản.

Điều 2. Nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

3. Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, tính trung thực, minh bạch, khách quan.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề.

Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên:

a) Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản , thanh lý tài sản;

b) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;

c) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;

d) Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

2. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

a) Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

b) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được nhận theo quy định của pháp luật;

c) Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

d) Tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà doanh nghiệp biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.

Chương II

QUẢN TÀI VIÊN

Điều 4. Cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Người thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Phá sản muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-01 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp Thẻ luật sư đối với luật sư; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên; bản chụp bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng đối với người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

c) Giấy tờ chứng minh có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng làm việc;

d) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về luật sư, kiểm toán viên là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về kiểm toán muốn hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì lập hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-02 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp; bản chụp Chứng chỉ kiểm toán viên đối với kiểm toán viên là người nước ngoài do Bộ Tài chính cấp;

c) Bản tóm tắt lý lịch (tự khai);

d) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

3. Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này để đối chiếu.

Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Bộ Tư pháp khi có yêu cầu thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị theo mẫu TP-QTV-08 ban hành kèm theo Nghị định này; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Người bị từ chối cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

4. Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

a) Không đủ điều kiện hành nghề Quản tài viên theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 12 của Luật Phá sản;

b) Các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Phá sản.

Điều 5. Cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nếu bị mất chứng chỉ hoặc chứng chỉ bị hư hỏng không thể sử dụng được thì được xem xét, cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo mẫu TP-QTV-03 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 2 ảnh màu cỡ 3cm x 4cm.

3. Người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gửi 01 bộ hồ sơ theo đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí cấp lại theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho người đề nghị.

Điều 6. Thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên nếu người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Luật Phá sản.

2. Khi phát hiện hoặc có căn cứ cho rằng người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Luật Phá sản thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của người đó.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên được gửi cho người bị thu hồi chứng chỉ, Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân có địa chỉ giao dịch hoặc nơi doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề có trụ sở và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

4. Quản tài viên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thì bị xóa tên khỏi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản , thanh lý tài sản.

Điều 7. Nghĩa vụ của Quản tài viên trong hoạt động hành nghề

1. Tuân thủ nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Điều 2 của Nghị định này.

2. Chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Ký báo cáo, văn bản về kết quả thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về phá sản.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đối với trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.

5. Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Phá sản và pháp luật có liên quan.

Chương III

HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

Điều 8. Hình thức hành nghề của Quản tài viên

1. Các hình thức hành nghề của Quản tài viên bao gồm:

a) Hành nghề với tư cách cá nhân;

b) Hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Tại cùng một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên chỉ được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản ở một doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân.

3. Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 9. Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân

1. Người có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú.

Người đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân phải có địa chỉ giao dịch.

2. Người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp và nộp lệ phí đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân theo mẫu TP-QTV-04 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh tài sản với tư cách cá nhân nộp Phiếu lý lịch tư pháp.

Trường hợp người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này để đối chiếu.

Trường hợp người đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Tư pháp khi có yêu cầu thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp quyết định ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và thông báo bằng văn bản cho người đó; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, Sở Tư pháp gửi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho Bộ Tư pháp.

Văn bản ghi tên vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề quản , thanh lý tài sản của Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.

4. Người đề nghị đăng ký được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản kể từ ngày được Sở Tư pháp quyết định ghi tên vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân chấm dứt việc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì phải gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp quyết định xóa tên Quản tài viên đó khỏi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và báo cáo Bộ Tư pháp.

5. Những người sau đây không được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân:

a) Không đủ điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật phá sản;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Phá sản;

c) Người đang bị cấm hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo bản án hay quyết định của Tòa án đã có hiệu lực.

6. Luật sư, kiểm toán viên được đồng thời hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Điều 10. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thành lập và hoạt động theo hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Luật Phá sản. Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phá sản.

2. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cử ít nhất 01 Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp mình hành nghề tại chi nhánh.

Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính; trong trường hợp doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì doanh nghiệp gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đó có trụ sở.

3. Sở Tư pháp lập danh sách chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương, công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi báo cáo Bộ Tư pháp.

Điều 11. Thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân quản lý, thanh lý tài sản

1. Thành viên hợp danh của công ty hợp danh quản lý, thanh lý tài sản là Quản tài viên không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh hành nghề quản lý, thanh lý tài sản khác để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

2. Khi thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản hoặc thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản thì chậm nhất là 10 ngày sau khi thực hiện việc thay đổi, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký hành nghề quản , thanh lý tài sản cho thành viên hợp danh mới hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân mới. Trình tự, thủ tục đăng ký được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 của Nghị định này. Thành viên hợp danh mới của công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân mới phải tuân theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 12. Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho các Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp của mình. Người thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 9 của Nghị định này thì không được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp và nộp lệ phí đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo mẫu TP-QTV-05 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản; bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của những người khác hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong công ty hợp danh (nếu có); bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản; bản chụp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của những người khác hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong doanh nghiệp tư nhân (nếu có).

Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu doanh nghiệp đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản nộp Phiếu lý lịch tư pháp của những người quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.

Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trực tiếp tại Sở Tư pháp thì xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này để đối chiếu.

Trường hợp doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản qua đường bưu điện đến Sở Tư pháp khi có yêu cầu thì phải xuất trình bản chính giấy tờ quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp quyết định ghi tên doanh nghiệp vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh tài sản và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp đó; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản. Doanh nghiệp bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định ghi tên doanh nghiệp vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, Sở Tư pháp gửi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho Bộ Tư pháp.

4. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản kể từ ngày được Sở Tư pháp quyết định ghi tên vào danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chấm dứt hoạt động, chấm dứt hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì phải gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp quyết định xóa tên doanh nghiệp đó khỏi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và báo cáo Bộ Tư pháp.

Điều 13. Nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong hoạt động hành nghề

1. Quản lý Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp do Quản tài viên mà doanh nghiệp cử quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 của Nghị định này.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xem xét, ký các văn bản do Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp mình thực hiện.

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

5. Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Lập, công bố danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

1. Sở Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương mình theo mẫu TP-QTV-06 ban hành kèm theo Nghị định này. Danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi báo cáo Bộ Tư pháp.

2. Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên phạm vi toàn quốc theo mẫu TP-QTV-07 ban hành kèm theo Nghị định này. Danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Điều 15. Thay đổi thông tin đăng ký hành nghề của Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

1. Khi có thay đổi về địa chỉ giao dịch trong hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thay đổi, Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quản tài viên đăng ký hành nghề.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Quản tài viên, Sở Tư pháp thay đổi thông tin về địa chỉ giao dịch của Quản tài viên trong danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

2. Khi có thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh, người đại diện theo pháp luật, danh sách Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký hành nghề.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của doanh nghiệp, Sở Tư pháp thay đổi thông tin về tên, địa chỉ trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh, người đại diện theo pháp luật, danh sách Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp trong danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh tài sản.

Trong trường hợp doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bổ sung Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng ký hành nghề cho người được bổ sung. Trình tự, thủ tục đăng ký cho những người được bổ sung vào danh sách Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi thông tin đăng ký hành nghề quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp gửi báo cáo Bộ Tư pháp về việc thay đổi đó.

Điều 16. Thông báo tham gia vụ việc phá sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh tài sản

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân gửi văn bản thông báo tham gia vụ việc phá sản cho Thẩm phán, trong đó ghi rõ tên, số, ngày cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; trong trường hợp từ chối tham gia vụ việc phá sản thì Quản tài viên phải thông báo bằng văn bản.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi văn bản cử Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp của mình đại diện cho doanh nghiệp tham gia vụ việc phá sản cho Thẩm phán, trong đó ghi rõ tên, số, ngày cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của Quản tài viên hoặc các Quản tài viên được cử; trong trường hợp từ chối tham gia vụ việc phá sản thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản.

3. Trong trường hợp Quản tài viên được doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cử theo quy định tại Khoản 2 Điều này bị tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Quản tài viên được cử bị tạm đình chỉ hành nghề, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cử Quản tài viên khác hành nghề trong doanh nghiệp thay thế.

Trường hợp doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thể cử Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp thay thế thì thông báo bằng văn bản cho Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để chỉ định Quản tài viên khác hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khác.

Điều 17. Trách nhiệm báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đối với Chấp hành viên; đề xuất thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh tài sản

1. Khi tổ chức việc định giá tài sản theo quy định tại Điều 122 của Luật Phá sản, bán tài sản theo quy định tại Điều 124 của Luật Phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

a) Việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản để ký hợp đồng định giá tài sản, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản;

b) Việc thay đổi tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Không lựa chọn được tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản;

d) Bán đấu giá tài sản không thành.

Hình thức báo cáo thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 của Luật Phá sản.

2. Khi nhận được báo cáo việc lựa chọn, thay đổi tổ chức thẩm định giá của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh tài sản quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này, Chấp hành viên quyết định việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá tài sản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này, Chấp hành viên quyết định việc thanh lý tài sản.

3. Trong trường hợp Chấp hành viên phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về phá sản, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên thì Chấp hành viên đề xuất Thẩm phán thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Điều 18. Thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị Thẩm phán quyết định thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Phá sản.

2. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị Thẩm phán thay đổi nếu thuộc trường hợp bị tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh tài sản theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

3. Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì việc hoàn trả tiền tạm ứng, việc thanh toán chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, việc bàn giao công việc được thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 46 của Luật Phá sản.

Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải trả lại toàn bộ tiền tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán chi phí tương ứng với phần công việc đã thực hiện. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện bàn giao công việc theo quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều 46 của Luật Phá sản.

Điều 19. Các trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải từ chối thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản

Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải từ chối thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản trong các trường hợp sau đây:

1. Là người có liên quan với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Khi có căn cứ cho rằng Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu trái với quy định của pháp luật, nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hoặc không phù hợp với Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

3. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tạm đình chỉ hành nghề đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Quản tài viên bị tạm đình chỉ hành nghề nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Quản tài viên là luật sư bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư;

d) Quản tài viên kiểm toán viên hành nghề bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, bị đình chỉ hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập; quản tài viên là kiểm toán viên bị tước quyền sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty hợp danh thay đổi thành viên hợp danh mà không bảo đảm điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản; doanh nghiệp tư nhân thay đổi chủ doanh nghiệp mà không đảm bảo điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản;

b) Thành viên hợp danh của công ty hợp danh bị tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này dẫn đến công ty hợp danh không bảo đảm điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản; chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này dẫn đến doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản.

3. Thời gian tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp thời gian tạm đình chỉ nêu trên đã hết mà lý do tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản vẫn còn thì thời gian tạm đình chỉ tiếp tục được kéo dài, mỗi lần không quá 12 tháng.

Thời gian tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định xử lý kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Thời gian tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

4. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:

a) Có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên không có tội đối với Quản tài viên quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Quản tài viên không còn bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

c) Công ty hợp danh đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản; doanh nghiệp tư nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Sở Tư pháp có thẩm quyền tạm đình chỉ, gia hạn, hủy bỏ việc tạm đình chỉ hoạt động hành nghề quản lý, thanh tài sản đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

6. Quyết định tạm đình chỉ, gia hạn và hủy bỏ việc tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được gửi cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân có địa chỉ giao dịch hoặc nơi doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà Quản tài viên bị tạm đình chỉ đang hành nghề có trụ sở, Bộ Tư pháp và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Điều 21. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.

2. Thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Thời gian Quản tài viên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ;

b) Công sức của Quản tài viên trong việc thực hiện nhiệm vụ;

c) Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên.

3. Thù lao được tính dựa trên một hoặc các phương thức sau đây:

a) Giờ làm việc của Quản tài viên;

b) Mức thù lao trọn gói;

c) Mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý.

4. Mức thù lao được xác định cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 của Luật Phá sản thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở xem xét, áp dụng căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định Khoản 3 Điều này;

b) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 80, Khoản 4 Điều 83, Khoản 7 Điều 91 của Luật Phá sản thì mức thù lao được xác định như sau:

TT

Tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý

Mức thù lao

1

Dưới 100 triệu đồng

5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý

2

Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng

5 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 4% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng

3

Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng

20 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 500 triệu đồng

4

Từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng

36 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 2% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 1 tỷ đồng

5

Từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồng

Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 10 tỷ đồng xác định theo mục 4 của Bảng này + 0,5% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 10 tỷ đồng

6

Từ trên 50 tỷ đồng

Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 50 tỷ đồng xác định theo mục 5 của Bảng này + 0,3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 50 tỷ đồng.

c) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định tại Điểm b hoặc Điểm c Khoản 1 Điều 95 của Luật Phá sản thì thù lao bao gồm mức thù lao được xác định theo từng trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này cộng với thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện phương án phục hồi kinh doanh. Thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định tại Khoản 3 Điều này;

d) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp thực hiện xong phương án phục hồi kinh doanh quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 95 của Luật Phá sản thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Trong trường hợp Hội nghị chủ nợ và Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thỏa thuận khác về mức thù lao quy định tại Khoản 4 Điều này thì mức thù lao được áp dụng theo thỏa thuận đó.

6. Trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại Chương VIII của Luật Phá sản thì thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được xác định theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều này.

7. Chi phí khác của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản. Việc thanh, quyết toán chi phí khác của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

8. Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản căn cứ vào từng vụ việc cụ thể quyết định mức tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nhận chi phí tạm ứng thực hiện việc thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN TÀI VIÊN, DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

2. Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

3. Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên, các mẫu văn bản, giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, thanh lý tài sản.

4. Lập, công bố và quản lý danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

5. Kiểm tra, thanh tra về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

6. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề quản lý, thanh lý tài sản.

7. Hợp tác quốc tế về Quản tài viên và hành nghề quản , thanh lý tài sản.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; lệ phí đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và quản lý Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương;

b) Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo thẩm quyền;

d) Hàng năm báo cáo Bộ Tư pháp về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương;

đ) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương;

e) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Đăng ký hành nghề, công bố danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương;

b) Tạm đình chỉ, gia hạn, hủy bỏ việc tạm đình chỉ hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; xóa tên Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khỏi danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

c) Rà soát, thống kê và báo cáo số liệu về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương; rà soát, phát hiện các trường hợp thuộc diện thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên tại địa phương và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên theo quy định;

d) Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo thẩm quyền;

e) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương định kỳ hàng năm và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc cản trở Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hành nghề thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản bất hợp pháp

1. Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề quản lý, thanh lý tài sản mà hành nghề quản , thanh lý tài sản dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề quản lý, thanh lý tài sản mà hành nghề quản lý, thanh lý tài sản dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Khiếu nại, tố cáo

1. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Việc giải quyết khiếu nại tuân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về thi hành án.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật về phá sản, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên. Việc giải quyết tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà đã thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11, nếu đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa thực hiện xong nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với vụ việc phá sản đó.

Trường hợp Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 và Nghị định này đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản nêu trên thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản chấm dứt hoạt động và bị giải thể theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản đối với vụ việc phá sản đó, trừ phần công việc mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11. Kết quả công việc do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện được công nhận và có giá trị sử dụng theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13.

2. Đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 mà chưa thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 21/2004/QH11, đến ngày 01 tháng 01 năm 2015, Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 và Nghị định này.

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 4 năm 2015.

2. Bãi bỏ các quy định về Tổ quản lý, thanh lý tài sản của các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

a) Khoản 3 Điều 1, Khoản 2 Điều 2, Điều 11 và Chương III Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

b) Điều 6, Điều 7, Khoản 1 Điều 17, Khoản 3 Điều 27, Khoản 3 Điều 31 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng.

Điều 30. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này./

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3b). XH 240

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

PHỤ LỤC

MỘT SỐ BIỂU MẪU
(Ban hành kèm theo Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ)

Mẫu TP-QTV-01

Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên

Mẫu TP-QTV-02

Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên

Mẫu TP-QTV-03

Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề quản tài viên

Mẫu TP-QTV-04

Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân

Mẫu TP-QTV-05

Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Mẫu TP-QTV-06

Danh sách quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Mẫu TP-QTV-07

Danh sách quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Mẫu TP-QTV-08

Chứng chỉ hành nghề quản tài viên

Mẫu TP-QTV-01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Ảnh

3x4

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ QUẢN TÀI VIÊN

Kính gửi: ……………………………………………

Tên tôi là: ………………………………………………………. Nam/Nữ ......................

Ngày sinh: ……/……./…….. Nơi sinh: .......................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ...............................................................................

Chỗ ở hiện nay: ..........................................................................................................

Điện thoại: ……………………………………… Email: ................................................

Chứng minh nhân dân số: ……………………………………. Ngày cấp: ……/…./….

Nơi cấp: .......................................................................................................................

Dân tộc: …………………………………………… Tôn giáo:..........................................

Là luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo: ………………………………………………………………….

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA BẢN THÂN
(Ghi rõ từ khi tốt nghiệp phổ thông trung học)

Từ ngày tháng năm đến ngày tháng năm

Làm gì

Ở đâu

Ghi chú

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
(Ghi rõ hình thức khen thưởng, kỷ luật)

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

....................................................................................................................................

Tôi đề nghị được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Tôi xin cam đoan tuân thủ các nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên gồm có:

1……………………………………

2……………………………………

3……………………………………

4……………………………………

5……………………………………

Tỉnh (thành phố), ngày... tháng... năm...
Người khai
(Ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu TP-QTV-02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Ảnh

3x4

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ QUẢN TÀI VIÊN

Kính gửi: ……………………………………………

Tên tôi là: ………………………………………………………. Nam/Nữ ......................

Ngày sinh: ……/……./…….. Nơi sinh: ......................................................................

Quốc tịch: ..................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ........................................................................................................

Điện thoại: ……………………………………… Email: ..............................................

Hộ chiếu: ………………………………………. Ngày cấp: ……/….../…….

Nơi cấp: .....................................................................................................................

Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam/Chứng chỉ kiểm toán viên số: ………………. Ngày cấp: ……./……/………

Đang làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư/doanh nghiệp kiểm toán:

Tên: ............................................................................................................................

Địa chỉ trụ sở: .............................................................................................................

Điện thoại: ………………………….. Email: …………………………… Fax: ...............

Tôi đề nghị được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Tôi xin cam đoan tuân thủ các nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên do pháp luật quy định.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên gồm có:

1……………………………………

2……………………………………

3……………………………………

4……………………………………

5……………………………………

Tỉnh (thành phố), ngày... tháng... năm...
Người khai
(Ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu TP-QTV-03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Ảnh

3x4

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ QUẢN TÀI VIÊN

Kính gửi: ……………………………………………

Tên tôi là: ………………………………………………………. Nam/Nữ ......................

Ngày sinh: ………/……./…….. Nơi sinh: ......................................................................

Quốc tịch: .....................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ...........................................................................................................

Điện thoại: ……………………………………… Email: .................................................

Chứng minh nhân dân số/hộ chiếu số: ………………………. Ngày cấp: ……/…./….

Nơi cấp: ........................................................................................................................

Đã được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: .............................

Ngày cấp: …..../……./……..

Lý do xin cấp lại: ..........................................................................................................

Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp lại chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung ghi trong đơn này.

Tỉnh (thành phố), ngày... tháng... năm...
Người đề nghị
(Ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu TP-QTV-04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ

HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

VỚI TƯ CÁCH CÁ NHÂN

Kính gửi: …………………………………………………

Tên tôi là: ………...…………. Nam/Nữ: ……………….. Ngày sinh: ……/…../……..

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: ………………………………... do Bộ Tư pháp cấp ngày: ……/……./…….

Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân với các nội dung sau đây:

1. Họ và tên (ghi bằng chữ in hoa): ............................................................................

Tên giao dịch (nếu có): ...............................................................................................

.....................................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………………. Fax: ...............................................

Email: ..........................................................................................................................

Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu số: …………………………… Ngày cấp: …../…./…..

Nơi cấp: ........................................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: .................................................................................

Chỗ ở hiện nay:............................................................................................................

Địa chỉ giao dịch:..........................................................................................................

.....................................................................................................................................

Điện thoại: ………………………………………. Fax:....................................................

Email:...........................................................................................................................

2. Lĩnh vực hành nghề: Theo quy định của Luật Phá sản.

Tôi xin cam đoan nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ do pháp luật quy định.

Tỉnh (thành phố), ngày... tháng... năm...
Ký, ghi rõ họ tên

Mẫu TP-QTV-05

TÊN DOANH NGHIỆP
QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY ĐỀ NGHỊ

ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN 1

Kính gửi: …………………………………….

1. Tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp: .....................................................................

Tên giao dịch: .............................................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở: .......................................................................................................

Điện thoại: ……………………………………………….. Fax: .......................................

Email: ..........................................................................................................................

Website: ......................................................................................................................

Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với các nội dung sau đây:

1. Tên doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (tên gọi ghi bằng chữ in hoa):..............

.....................................................................................................................................

Tên giao dịch (nếu có): ................................................................................................

Tên viết tắt (nếu có): ....................................................................................................

Tên tiếng Anh (nếu có): ...............................................................................................

2. Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân quản lý, thanh lý tài sản:

Họ và tên: ………………………………….. Nam/Nữ:……… Ngày sinh: ……/…../……

Chứng minh nhân dân số: …………………………………. Ngày cấp: ......./…../…….

Nơi cấp: ......................................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ...............................................................................

....................................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ..........................................................................................................

....................................................................................................................................

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: ……………………… Ngày cấp …./…/……

3. Thành viên hợp danh, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là Quản tài viên đối với công ty hợp danh quản lý, thanh lý tài sản:

a) Họ và tên: ……………………………….. Nam/Nữ: …… Ngày sinh: …./…./.........

Chứng minh nhân dân số: ……………………………. Ngày cấp: ......./…../..............

Nơi cấp: ......................................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ...............................................................................

....................................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: .........................................................................................................

...................................................................................................................................

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: ………………….… Ngày cấp …./…/.........

b) Họ và tên: ……………………………….. Nam/Nữ: …… Ngày sinh: …./…./.........

Chứng minh nhân dân số: ……………………………. Ngày cấp: ......./…../..............

Nơi cấp: .....................................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ..............................................................................

...................................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: .........................................................................................................

...................................................................................................................................

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: ……………………… Ngày cấp …./…/.........

c) Họ và tên: …………………………………. Nam/Nữ: …… Ngày sinh: …./…./.........

Chứng minh nhân dân số: ……………………………. Ngày cấp: ......./…../..............

Nơi cấp: .......................................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ................................................................................

.....................................................................................................................................

Chỗ ở hiện nay: ..........................................................................................................

....................................................................................................................................

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên số: ……………………… Ngày cấp …./…/.........

4. Danh sách những người hành nghề quản lý, thanh lý tài sản khác trong doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh (nếu có):

Stt

Họ tên

Năm sinh

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
(ghi rõ số, ngày cấp)

Địa chỉ, số điện thoại liên hệ

5. Lĩnh vực hành nghề: Theo quy định của Luật Phá sản.

Tôi/chúng tôi xin cam đoan nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ do pháp luật quy định.

Tỉnh (thành phố), ngày... tháng... năm...
Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu

Mẫu TP-QTV-06

SỞ TƯ PHÁP TỈNH,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

DANH SÁCH

QUẢN TÀI VIÊN, DOANH NGHIỆP HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

I. QUẢN TÀI VIÊN HÀNH NGHỀ VỚI TƯ CÁCH CÁ NHÂN

TT

Họ và tên

Năm sinh

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
(Ghi rõ số, ngày cấp)

Địa chỉ giao dịch, số điện thoại, fax, email

Ghi chú

1

2

II. DOANH NGHIỆP HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

TT

Tên doanh nghiệp

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
(Ghi rõ số, ngày cấp)

Địa chỉ trụ sở, số điện thoại, fax, email,

Họ, tên, năm sinh Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp
(Ghi rõ số, ngày cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên)

Ghi chú

1

2

Mẫu TP-QTV-07

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

DANH SÁCH

QUẢN TÀI VIÊN, DOANH NGHIỆP HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

I. QUẢN TÀI VIÊN HÀNH NGHỀ VỚI TƯ CÁCH CÁ NHÂN

TT

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

TT

Họ và tên

Năm sinh

Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
(Ghi rõ số, ngày cấp)

Địa chỉ giao dịch, số điện thoại, fax, email

Ghi chú

1

Hà Nội

1

2

II. DOANH NGHIỆP HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN

TT

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

TT

Tên doanh nghiệp
(Ghi rõ số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

Địa chỉ trụ sở, số điện thoại, fax, email

Họ, tên, năm sinh Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp
(Ghi rõ số, ngày cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên)

Ghi chú

1

Hà Nội

1

2


Mẫu TP-QTV-08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Nguyên tắc hành nghề quản ,
thanh lý tài sản

Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

3. Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, tính trung thực, minh bạch, khách quan.

CHỨNG CHỈ
HÀNH NGHỀ QUẢN TÀI VIÊN

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động hành nghề.

BỘ TƯ PHÁP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Biểu tượng
Bộ Tư pháp

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ QUẢN TÀI VIÊN

Số: /TP/QTV-CCHN

Ảnh

3x4

Cấp cho ông (bà):

………………………………………………….

Năm sinh: ……………………………………

Nơi thường trú: …………………………….

Được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Chữ ký

Hà Nội, ngày tháng năm
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Ký, họ tên, đóng dấu)



1 Mẫu này cũng được áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay đổi thành viên hợp danh quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 22/2015/NĐ-CP.

Decree No. 22/2015/ND-CP dated February 16, 2015, providing detailed regulations on implementation of several articles of the bankruptcy Law for the asset management officer, asset management and liquidation practicing
Văn bản này đang cập nhật Nội dung => Bạn vui lòng "Tải về" để xem.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 hướng dẫn Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


69.204

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.59.121
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!