Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Thương mại 2005 số 36/2005/QH11 áp dụng 2024

Số hiệu: 36/2005/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 14/06/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2005/QH11

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2005

LUẬT

THƯƠNG MẠI

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về hoạt động thương mại.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

MỤC 1. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này.

3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.

3. Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

2. Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai.

3. Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại.

4. Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.

5. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử.

6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

7. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.

9. Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.

10. Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.

11. Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá và đại lý thương mại.

12. Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.

13. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

14. Xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hoá đó.

15. Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Áp dụng Luật thương mại và pháp luật có liên quan

1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.

3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Thương nhân

1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.

3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.

Điều 7. Nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân

Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật.

Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thương mại.

2. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại cụ thể được quy định tại Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại trong lĩnh vực được phân công.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Điều 9. Hiệp hội thương mại

1. Hiệp hội thương mại được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân, động viên thương nhân tham gia phát triển thương mại, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại.

2. Hiệp hội thương mại được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.

MỤC 2. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Điều 10. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại

Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.

Điều 11. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại

1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

Điều 12. Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Điều 13. Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại

Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.

Điều 14. Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng

1. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.

2. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.

Điều 15. Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại

Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

MỤC 3. THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

Điều 16. Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam

1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.

2. Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.

3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.

Điều 17. Quyền của Văn phòng đại diện

1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.

3. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.

5. Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện

1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.

2. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép.

3. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này.

4. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Quyền của Chi nhánh

1. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.

2. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này.

4. Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.

5. Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

7. Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Nghĩa vụ của Chi nhánh

1. Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.

2. Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 22. Thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam

1. Chính phủ thống nhất quản lý việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; thành lập Chi nhánh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thương nhân đó chuyên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Điều 23. Chấm dứt hoạt động tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài

1. Thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép;

b) Theo đề nghị của thương nhân và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp nhận;

c) Theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật và quy định của giấy phép;

d) Do thương nhân bị tuyên bố phá sản;

đ) Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với hình thức Văn phòng đại diện, Chi nhánh và tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trước khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam.

Chương II

MUA BÁN HÀNG HÓA

MỤC 1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Điều 24. Hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá

1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Điều 25. Hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện

1. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó.

2. Đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước

1. Hàng hóa đang được lưu thông hợp pháp trong nước bị áp dụng một hoặc các biện pháp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa đó là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền các loại dịch bệnh;

b) Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.

2. Các điều kiện cụ thể, trình tự, thủ tục và thẩm quyền công bố việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Mua bán hàng hoá quốc tế

1. Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

2. Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 28. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép.

Điều 29. Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hoá

1. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

2. Tạm xuất, tái nhập hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, có làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu lại chính hàng hoá đó vào Việt Nam.

3. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập hàng hóa.

Điều 30. Chuyển khẩu hàng hoá

1. Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

2. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam;

b) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

c) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

3. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động chuyển khẩu hàng hóa.

Điều 31. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế

Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích quốc gia khác phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Điều 32. Nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

2. Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

3. Các nội dung cần ghi trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 33. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá và quy tắc xuất xứ hàng hóa

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế hoặc ưu đãi khác;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Chính phủ quy định chi tiết về quy tắc xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

MỤC 2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Điều 34. Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa

1. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.

2. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật này.

Điều 35. Địa điểm giao hàng

1. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.

2. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:

a) Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;

b) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;

c) Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;

d) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.

Điều 36. Trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển

1. Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hoá được vận chuyển.

2. Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hoá thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.

3. Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.

Điều 37. Thời hạn giao hàng

1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.

2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

Điều 38. Giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận

Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 40. Trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

1. Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật này, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

3. Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.

Điều 41. Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

2. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

Điều 42. Giao chứng từ liên quan đến hàng hoá

1. Trường hợp có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.

3. Trường hợp bên bán đã giao chứng từ liên quan đến hàng hoá trước thời hạn thỏa thuận thì bên bán vẫn có thể khắc phục những thiếu sót của các chứng từ này trong thời hạn còn lại.

4. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục những thiếu sót quy định tại khoản 3 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

Điều 43. Giao thừa hàng

1. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.

2. Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 44. Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng

1. Trường hợp các bên có thoả thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hoá có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hoá được chuyển tới địa điểm đến.

3. Trường hợp bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.

4. Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá.

5. Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.

Điều 45. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá

Bên bán phải bảo đảm:

1. Quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đã bán không bị tranh chấp bởi bên thứ ba;

2. Hàng hóa đó phải hợp pháp;

3. Việc chuyển giao hàng hoá là hợp pháp.

Điều 46. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá

1. Bên bán không được bán hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán.

2. Trường hợp bên mua yêu cầu bên bán phải tuân theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua.

Điều 47. Yêu cầu thông báo

1. Bên bán mất quyền viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật này nếu bên bán không thông báo ngay cho bên mua về khiếu nại của bên thứ ba đối với hàng hoá được giao sau khi bên bán đã biết hoặc phải biết về khiếu nại đó, trừ trường hợp bên mua đã biết hoặc phải biết về khiếu nại của bên thứ ba.

2. Bên mua mất quyền viện dẫn quy định tại Điều 45 và khoản 1 Điều 46 của Luật này nếu bên mua không thông báo ngay cho bên bán về khiếu nại của bên thứ ba đối với hàng hoá được giao sau khi bên mua đã biết hoặc phải biết về khiếu nại đó, trừ trường hợp bên bán biết hoặc phải biết về khiếu nại của bên thứ ba.

Điều 48. Nghĩa vụ của bên bán trong trường hợp hàng hóa là đối tượng của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Trường hợp hàng hoá được bán là đối tượng của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì bên bán phải thông báo cho bên mua về biện pháp bảo đảm và phải được sự đồng ý của bên nhận bảo đảm về việc bán hàng hóa đó.

Điều 49. Nghĩa vụ bảo hành hàng hoá

1. Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.

2. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép.

3. Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 50. Thanh toán

1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.

Điều 51. Việc ngừng thanh toán tiền mua hàng

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng được quy định như sau:

1. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;

2. Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;

3. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;

4. Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của Luật này.

Điều 52. Xác định giá

Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.

Điều 53. Xác định giá theo trọng lượng

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.

Điều 54. Địa điểm thanh toán

Trường hợp không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:

1. Địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;

2. Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.

Điều 55. Thời hạn thanh toán

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn thanh toán được quy định như sau:

1. Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;

2. Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thỏa thuận theo quy định tại Điều 44 của Luật này.

Điều 56. Nhận hàng

Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng.

Điều 57. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.

Điều 58. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Điều 59. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;

2. Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.

Điều 60. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

Điều 61. Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:

1. Trong trường hợp không được quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;

2. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.

Điều 62. Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hoá

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.

MỤC 3. MUA BÁN HÀNG HÓA QUA SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA

Điều 63. Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

1. Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.

2. Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.

Điều 64. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.

2. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.

3. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.

Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn

1. Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.

3. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.

Điều 66. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn

1. Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.

2. Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.

3. Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.

4. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.

Điều 67. Sở giao dịch hàng hoá

1. Sở giao dịch hàng hoá có các chức năng sau đây:

a) Cung cấp các điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá;

b) Điều hành các hoạt động giao dịch;

c) Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa, quyền hạn, trách nhiệm của Sở giao dịch hàng hóa và việc phê chuẩn Điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa.

Điều 68. Hàng hoá giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa

Danh mục hàng hoá giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định.

Điều 69. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá

1. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá chỉ được phép hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hoá khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hoạt động của thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

2. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá chỉ được phép thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá và không được phép là một bên của hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

3. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá có nghĩa vụ đóng tiền ký quỹ tại Sở giao dịch hàng hoá để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình hoạt động môi giới mua bán hàng hoá. Mức tiền ký quỹ do Sở giao dịch hàng hoá quy định.

Điều 70. Các hành vi bị cấm đối với thương nhân môi giới hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá

1. Lôi kéo khách hàng ký kết hợp đồng bằng cách hứa bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại phát sinh hoặc bảo đảm lợi nhuận cho khách hàng.

2. Chào hàng hoặc môi giới mà không có hợp đồng với khách hàng.

3. Sử dụng giá giả tạo hoặc các biện pháp gian lận khác khi môi giới cho khách hàng.

4. Từ chối hoặc tiến hành chậm trễ một cách bất hợp lý việc môi giới hợp đồng theo các nội dung đã thoả thuận với khách hàng.

5. Các hành vi bị cấm khác quy định tại khoản 2 Điều 71 của Luật này.

Điều 71. Các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hóa

1. Nhân viên của Sở giao dịch hàng hoá không được phép môi giới, mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

2. Các bên liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Gian lận, lừa dối về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch hoặc có thể được giao dịch và gian lận, lừa dối về giá thực tế của loại hàng hoá trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;

b) Đưa tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hoá mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa;

c) Dùng các biện pháp bất hợp pháp để gây rối loạn thị trường hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hoá;

d) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 72. Thực hiện biện pháp quản lý trong trường hợp khẩn cấp

1. Trường hợp khẩn cấp là trường hợp xảy ra hiện tượng rối loạn thị trường hàng hoá làm cho giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa không phản ánh được chính xác quan hệ cung cầu.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Thương mại có quyền thực hiện các biện pháp sau đây:

a) Tạm ngừng việc giao dịch qua Sở giao dịch hàng hoá;

b) Hạn chế các giao dịch ở một khung giá hoặc một số lượng hàng hóa nhất định;

c) Thay đổi lịch giao dịch;

d) Thay đổi Điều lệ hoạt động của Sở giao dịch hàng hoá;

đ) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 73. Quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài

Thương nhân Việt Nam được quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Chương III

CUNG ỨNG DỊCH VỤ

MỤC 1. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Điều 74. Hình thức hợp đồng dịch vụ

1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Điều 75. Quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ của thương nhân

1. Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền cung ứng dịch vụ sau đây:

a) Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam;

c) Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài;

d) Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài.

2. Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền sử dụng dịch vụ sau đây:

a) Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam;

c) Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài;

d) Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài.

3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng người cư trú, người không cư trú để thực hiện các chính sách thuế, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hình dịch vụ.

Điều 76. Dịch vụ cấm kinh doanh, dịch vụ hạn chế kinh doanh và dịch vụ kinh doanh có điều kiện

1. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục dịch vụ cấm kinh doanh, dịch vụ hạn chế kinh doanh, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh dịch vụ đó.

2. Đối với dịch vụ hạn chế kinh doanh, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, việc cung ứng dịch vụ chỉ được thực hiện khi dịch vụ và các bên tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 77. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ

Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích quốc gia khác phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm việc tạm thời cấm cung ứng hoặc sử dụng đối với một hoặc một số loại dịch vụ hoặc các biện pháp khẩn cấp khác đối với một hoặc một số thị trường cụ thể trong một thời gian nhất định.

MỤC 2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Điều 78. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung ứng các dịch vụ và thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thoả thuận và theo quy định của Luật này;

2. Bảo quản và giao lại cho khách hàng tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc;

3. Thông báo ngay cho khách hàng trong trường hợp thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm để hoàn thành việc cung ứng dịch vụ;

4. Giữ bí mật về thông tin mà mình biết được trong quá trình cung ứng dịch vụ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 79. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ theo kết quả công việc

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải đạt được một kết quả nhất định thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn kết quả cần đạt được, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của loại dịch vụ đó.

Điều 80. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải nỗ lực cao nhất để đạt được kết quả mong muốn thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ đó với nỗ lực và khả năng cao nhất.

Điều 81. Hợp tác giữa các bên cung ứng dịch vụ

Trường hợp theo thỏa thuận hoặc dựa vào tình hình cụ thể, một dịch vụ do nhiều bên cung ứng dịch vụ cùng tiến hành hoặc phối hợp với bên cung ứng dịch vụ khác thì mỗi bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trao đổi, thông tin cho nhau về tiến độ công việc và yêu cầu của mình có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ, đồng thời phải cung ứng dịch vụ vào thời gian và theo phương thức phù hợp để không gây cản trở đến hoạt động của bên cung ứng dịch vụ đó;

2. Tiến hành bất kỳ hoạt động hợp tác cần thiết nào với các bên cung ứng dịch vụ khác.

Điều 82. Thời hạn hoàn thành dịch vụ

1. Bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn hoàn thành dịch vụ thì bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ trong một thời hạn hợp lý trên cơ sở tính đến tất cả các điều kiện và hoàn cảnh mà bên cung ứng dịch vụ biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, bao gồm bất kỳ nhu cầu cụ thể nào của khách hàng có liên quan đến thời gian hoàn thành dịch vụ.

3. Trường hợp một dịch vụ chỉ có thể được hoàn thành khi khách hàng hoặc bên cung ứng dịch vụ khác đáp ứng các điều kiện nhất định thì bên cung ứng dịch vụ đó không có nghĩa vụ hoàn thành dịch vụ của mình cho đến khi các điều kiện đó được đáp ứng.

Điều 83. Yêu cầu của khách hàng liên quan đến những thay đổi trong quá trình cung ứng dịch vụ

1. Trong quá trình cung ứng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ phải tuân thủ những yêu cầu hợp lý của khách hàng liên quan đến những thay đổi trong quá trình cung ứng dịch vụ.

2. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, khách hàng phải chịu những chi phí hợp lý cho việc thực hiện những yêu cầu thay đổi của mình.

Điều 84. Tiếp tục cung ứng dịch vụ sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ

Sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ mà dịch vụ vẫn chưa hoàn thành, nếu khách hàng không phản đối thì bên cung ứng dịch vụ phải tiếp tục cung ứng theo nội dung đã thoả thuận và phải bồi thường thiệt hại, nếu có.

Điều 85. Nghĩa vụ của khách hàng

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, khách hàng có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thanh toán tiền cung ứng dịch vụ như đã thoả thuận trong hợp đồng;

2. Cung cấp kịp thời các kế hoạch, chỉ dẫn và những chi tiết khác để việc cung ứng dịch vụ được thực hiện không bị trì hoãn hay gián đoạn;

3. Hợp tác trong tất cả những vấn đề cần thiết khác để bên cung ứng có thể cung ứng dịch vụ một cách thích hợp;

4. Trường hợp một dịch vụ do nhiều bên cung ứng dịch vụ cùng tiến hành hoặc phối hợp với bên cung ứng dịch vụ khác, khách hàng có nghĩa vụ điều phối hoạt động của các bên cung ứng dịch vụ để không gây cản trở đến công việc của bất kỳ bên cung ứng dịch vụ nào.

Điều 86. Giá dịch vụ

Trường hợp không có thoả thuận về giá dịch vụ, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.

Điều 87. Thời hạn thanh toán

Trường hợp không có thỏa thuận và giữa các bên không có bất kỳ thói quen nào về việc thanh toán thì thời hạn thanh toán là thời điểm việc cung ứng dịch vụ được hoàn thành.

Chương IV

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

MỤC 1. KHUYẾN MẠI

Điều 88. Khuyến mại

1. Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

2. Thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh;

b) Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.

Điều 89. Kinh doanh dịch vụ khuyến mại

Kinh doanh dịch vụ khuyến mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác trên cơ sở hợp đồng.

Điều 90. Hợp đồng dịch vụ khuyến mại

Hợp đồng dịch vụ khuyến mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 91. Quyền khuyến mại của thương nhân

1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình.

2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được khuyến mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại Việt Nam cho thương nhân mà mình đại diện.

Điều 92. Các hình thức khuyến mại

1. Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.

2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.

3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.

5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.

8. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.

9. Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Điều 93. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại

1. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại để xúc tiến việc bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó.

2. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.

Điều 94. Hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá khuyến mại

1. Hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng.

2. Hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để khuyến mại có thể là hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đó đang kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ khác.

3. Hàng hóa, dịch vụ được dùng để khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.

4. Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.

Điều 95. Quyền của thương nhân thực hiện khuyến mại

1. Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.

2. Quy định các lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng phù hợp với khoản 4 Điều 94 của Luật này.

3. Thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình.

4. Tổ chức thực hiện các hình thức khuyến mại quy định tại Điều 92 của Luật này.

Điều 96. Nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại

1. Thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện các hình thức khuyến mại.

2. Thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng theo quy định tại Điều 97 của Luật này.

3. Thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng.

4. Đối với một số hình thức khuyến mại quy định tại khoản 6 Điều 92 của Luật này, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.

Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định các hình thức khuyến mại cụ thể thuộc các chương trình mang tính may rủi phải thực hiện quy định này.

5. Tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại nếu thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại.

Điều 97. Thông tin phải thông báo công khai

1. Đối với tất cả hình thức khuyến mại quy định tại Điều 92 của Luật này, thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo công khai các thông tin sau đây:

a) Tên của hoạt động khuyến mại;

b) Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại và các chi phí có liên quan để giao hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại cho khách hàng;

c) Tên, địa chỉ, số điện thoại của thương nhân thực hiện khuyến mại;

d) Thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại;

đ) Trường hợp lợi ích của việc tham gia khuyến mại gắn với các điều kiện cụ thể thì trong thông báo phải nêu rõ hoạt động khuyến mại đó có kèm theo điều kiện và nội dung cụ thể của các điều kiện.

2. Ngoài các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, thương nhân còn phải thông báo công khai các thông tin liên quan đến hoạt động khuyến mại sau đây:

a) Giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ được tặng cho khách hàng đối với hình thức khuyến mại quy định tại khoản 2 Điều 92 của Luật này;

b) Trị giá tuyệt đối hoặc phần trăm thấp hơn giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước thời gian khuyến mại đối với hình thức khuyến mại quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật này;

c) Giá trị bằng tiền hoặc lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng từ phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ và các loại hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng có thể nhận được từ phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ đối với hình thức khuyến mại quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này;

d) Loại giải thưởng và giá trị của từng loại giải thưởng; thể lệ tham gia các chương trình khuyến mại, cách thức lựa chọn người trúng thưởng đối với các hình thức khuyến mại quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 92 của Luật này;

đ) Các chi phí mà khách hàng phải tự chịu đối với các hình thức khuyến mại quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 92 của Luật này.

Điều 98. Cách thức thông báo

1. Việc thông báo khuyến mại hàng hoá theo quy định tại Điều 97 của Luật này được thực hiện bằng một trong các cách thức sau đây:

a) Tại địa điểm bán hàng hóa và nơi để hàng hoá bày bán;

b) Trên hàng hoá hoặc bao bì hàng hóa;

c) Dưới bất kỳ cách thức nào khác nhưng phải được đính kèm với hàng hóa khi hàng hóa được bán.

2. Việc thông báo khuyến mại dịch vụ theo quy định tại Điều 97 của Luật này phải được thực hiện dưới một trong các cách thức sau đây:

a) Tại địa điểm cung ứng dịch vụ;

b) Cách thức khác nhưng phải được cung cấp kèm với dịch vụ khi dịch vụ đó được cung ứng.

Điều 99. Bảo đảm bí mật thông tin về chương trình, nội dung khuyến mại

Trường hợp chương trình khuyến mại phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan đó phải giữ bí mật chương trình, nội dung khuyến mại do thương nhân cung cấp cho đến khi chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

1. Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

2. Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.

4. Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

5. Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng.

6. Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác.

7. Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

8. Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

9. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

10. Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật này.

Điều 101. Đăng ký hoạt động khuyến mại, thông báo kết quả khuyến mại với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại

1. Trước khi thực hiện hoạt động khuyến mại, thương nhân phải đăng ký và sau khi kết thúc hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thông báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký hoạt động khuyến mại và thông báo kết quả hoạt động khuyến mại của các thương nhân với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại.

MỤC 2. QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI

Điều 102. Quảng cáo thương mại

Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.

Điều 103. Quyền quảng cáo thương mại

1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.

2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại để thực hiện quảng cáo cho thương nhân mà mình đại diện.

3. Thương nhân nước ngoài muốn quảng cáo thương mại về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.

Điều 104. Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại

Kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại là hoạt động thương mại của thương nhân để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho thương nhân khác.

Điều 105. Sản phẩm quảng cáo thương mại

Sản phẩm quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.

Điều 106. Phương tiện quảng cáo thương mại

1. Phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại.

2. Phương tiện quảng cáo thương mại bao gồm:

a) Các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Các phương tiện truyền tin;

c) Các loại xuất bản phẩm;

d) Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác;

đ) Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

Điều 107. Sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại

1. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 106 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm;

b) Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;

c) Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 108. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại

Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật.

Điều 109. Các quảng cáo thương mại bị cấm

1. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

2. Quảng cáo có sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật.

3. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.

4. Quảng cáo thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên và các sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo.

5. Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

6. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cùng loại của thương nhân khác.

7. Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.

8. Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

9. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.

Điều 110. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại

Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 111. Quyền của bên thuê quảng cáo thương mại

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại có các quyền sau đây:

1. Lựa chọn người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.

Điều 112. Nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo thương mại

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại thông tin trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;

2. Trả thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.

Điều 113. Quyền của bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và theo đúng thoả thuận trong hợp đồng;

2. Nhận thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.

Điều 114. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện sự lựa chọn của bên thuê quảng cáo về người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;

2. Tổ chức quảng cáo trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại theo thông tin mà bên thuê quảng cáo đã cung cấp;

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác đã thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.

Điều 115. Người phát hành quảng cáo thương mại

Người phát hành quảng cáo thương mại là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại.

Điều 116. Nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo thương mại

Người phát hành quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

1. Tuân thủ các quy định về sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 107 của Luật này;

2. Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã giao kết với bên thuê phát hành quảng cáo;

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. TRƯNG BÀY, GIỚI THIỆU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ

Điều 117. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.

Điều 118. Quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; lựa chọn các hình thức trưng bày, giới thiệu phù hợp; tự mình tổ chức hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ để trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình.

2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của thương nhân do mình đại diện, trừ việc trưng bày, giới thiệu tại trụ sở của Văn phòng đại diện đó. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ để thực hiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân mà mình đại diện.

3. Thương nhân nước ngoài chưa được phép hoạt động thương mại tại Việt nam muốn trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ Việt Nam thực hiện.

Điều 119. Kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ cho thương nhân khác.

Điều 120. Các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

1. Mở phòng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.

2. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tại các trung tâm thương mại hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật.

3. Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.

4. Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 121. Điều kiện đối với hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu

1. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải là những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh hợp pháp trên thị trường.

2. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hoá.

Điều 122. Điều kiện đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu

Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 121 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là hàng hoá được phép nhập khẩu vào Việt Nam;

2. Hàng hoá tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu phải tái xuất khẩu sau khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu nhưng không quá sáu tháng, kể từ ngày tạm nhập khẩu; nếu quá thời hạn trên thì phải làm thủ tục gia hạn tại hải quan nơi tạm nhập khẩu;

3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu.

Điều 123. Các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

1. Tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người.

2. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

3. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm lộ bí mật nhà nước.

4. Trưng bày, giới thiệu hàng hoá của thương nhân khác để so sánh với hàng hoá của mình, trừ trường hợp hàng hoá đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

5. Trưng bày, giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh về chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn bảo hành và các chỉ tiêu chất lượng khác nhằm lừa dối khách hàng.

Điều 124. Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 125. Quyền của bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ thực hiện thoả thuận trong hợp đồng;

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.

Điều 126. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp đầy đủ hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu hoặc phương tiện cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;

2. Cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu và chịu trách nhiệm về các thông tin này;

3. Trả thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.

Điều 127. Quyền của bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng;

2. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng;

3. Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.

Điều 128. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng;

2. Bảo quản hàng hoá trưng bày, giới thiệu, tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng; khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày, giới thiệu cho bên thuê dịch vụ;

3. Thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ theo những nội dung đã được thoả thuận với bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.

MỤC 4. HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI

Điều 129. Hội chợ, triển lãm thương mại

Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.

Điều 130. Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại

1. Kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ này cung ứng dịch vụ tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân khác để nhận thù lao dịch vụ tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 131. Quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại

1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện.

2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại để tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân mà mình đại diện.

3. Thương nhân nước ngoài có quyền trực tiếp tham gia hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thay mặt mình tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam. Trong trường hợp muốn tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thực hiện.

Điều 132. Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam

1. Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải được đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung đăng ký và xác nhận việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 133. Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài

1. Thương nhân không kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại khi trực tiếp tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài về hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh phải tuân theo các quy định về xuất khẩu hàng hoá.

2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại khi tổ chức cho thương nhân khác tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phải đăng ký với Bộ Thương mại.

3. Thương nhân không đăng ký kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại không được tổ chức cho thương nhân khác tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.

4. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung đăng ký tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 134. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam

1. Hàng hoá, dịch vụ không được phép tham gia hội chợ, triển lãm thương mại bao gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa, dịch vụ do thương nhân ở nước ngoài cung ứng thuộc diện cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp trưng bày, giới thiệu để so sánh với hàng thật.

2. Ngoài việc tuân thủ các quy định về hội chợ, triển lãm thương mại của Luật này, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện quản lý chuyên ngành phải tuân thủ các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá, dịch vụ đó.

3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải được tái xuất khẩu trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại.

4. Việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật về hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 135. Hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài

1. Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

2. Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm xuất khẩu chỉ được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thời hạn tạm xuất khẩu hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài là một năm kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu; nếu quá thời hạn nói trên mà chưa được tái nhập khẩu thì hàng hóa đó phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Việc tạm xuất, tái nhập hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 136. Bán, tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam

1. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam được phép bán, tặng, cung ứng tại hội chợ, triển lãm thương mại; đối với hàng hóa nhập khẩu phải đăng ký với hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hàng hóa thuộc diện nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được bán, tặng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

3. Việc bán, tặng hàng hoá tại hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại khoản 2 Điều 134 của Luật này phải tuân thủ các quy định về quản lý chuyên ngành nhập khẩu đối với hàng hóa đó.

4. Hàng hóa được bán, tặng, dịch vụ được cung ứng tại hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Điều 137. Bán, tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài

1. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài được phép bán, tặng, cung ứng tại hội chợ, triển lãm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Việc bán, tặng hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu nhưng đã được tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

3. Hàng hóa thuộc diện xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được bán, tặng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

4. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài được bán, tặng, cung ứng ở nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Điều 138. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam

1. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận với thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Bán, tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định của pháp luật.

3. Được tạm nhập, tái xuất hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại.

4. Tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.

Điều 139. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài

1. Được tạm xuất, tái nhập hàng hoá và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Phải tuân thủ các quy định về việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.

3. Được bán, tặng hàng hoá trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài; phải nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 140. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại

1. Niêm yết chủ đề, thời gian tiến hành hội chợ, triển lãm thương mại tại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đó trước ngày khai mạc hội chợ, triển lãm thương mại.

2. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

3. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại và các phương tiện cần thiết khác theo thoả thuận trong hợp đồng.

4. Nhận thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.

5. Thực hiện việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo thoả thuận trong hợp đồng.

Chương V

CÁC HOẠT ĐỘNG TRUNG GIAN THƯƠNG MẠI

MỤC 1. ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN

Điều 141. Đại diện cho thương nhân

1. Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.

2. Trong trường hợp thương nhân cử người của mình để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 142. Hợp đồng đại diện cho thương nhân

Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 143. Phạm vi đại diện

Các bên có thể thoả thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện.

Điều 144. Thời hạn đại diện cho thương nhân

1. Thời hạn đại diện do các bên thoả thuận.

2. Trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi bên giao đại diện thông báo cho bên đại diện về việc chấm dứt hợp đồng đại diện hoặc bên đại diện thông báo cho bên giao đại diện về việc chấm dứt hợp đồng.

3. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên đại diện có quyền yêu cầu bên giao đại diện trả một khoản thù lao do việc bên giao đại diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà bên đại diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.

4. Trường hợp thời hạn đại diện chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều này theo yêu cầu của bên đại diện thì bên đại diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng nếu các bên không có thoả thuận khác.

Điều 145. Nghĩa vụ của bên đại diện

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;

2. Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;

3. Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;

4. Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;

5. Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;

6. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.

Điều 146. Nghĩa vụ của bên giao đại diện

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại diện có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thông báo ngay cho bên đại diện về việc giao kết hợp đồng mà bên đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà bên đại diện đã giao kết, việc chấp nhận hay không chấp nhận các hoạt động ngoài phạm vi đại diện mà bên đại diện thực hiện;

2. Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để bên đại diện thực hiện hoạt động đại diện;

3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại diện;

4. Thông báo kịp thời cho bên đại diện về khả năng không giao kết được, không thực hiện được hợp đồng trong phạm vi đại diện.

Điều 147. Quyền hưởng thù lao đại diện

1. Bên đại diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.

2. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao cho bên đại diện được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này.

Điều 148. Thanh toán chi phí phát sinh

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các khoản chi phí phát sinh hợp lý để thực hiện hoạt động đại diện.

Điều 149. Quyền cầm giữ

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.

MỤC 2. MÔI GIỚI THƯƠNG MẠI

Điều 150. Môi giới thương mại

Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

Điều 151. Nghĩa vụ của bên môi giới thương mại

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;

2. Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;

3. Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;

4. Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.

Điều 152. Nghĩa vụ của bên được môi giới

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;

2. Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới.

Điều 153. Quyền hưởng thù lao môi giới

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau.

2. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao môi giới được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này.

Điều 154. Thanh toán chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới phải thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới.

MỤC 3. ỦY THÁC MUA BÁN HÀNG HÓA

Điều 155. Uỷ thác mua bán hàng hóa

Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.

Điều 156. Bên nhận uỷ thác

Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.

Điều 157. Bên uỷ thác

Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.

Điều 158. Hàng hoá uỷ thác

Tất cả hàng hoá lưu thông hợp pháp đều có thể được uỷ thác mua bán.

Điều 159. Hợp đồng uỷ thác

Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 160. Uỷ thác lại cho bên thứ ba

Bên nhận uỷ thác không được uỷ thác lại cho bên thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá đã ký, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên uỷ thác.

Điều 161. Nhận uỷ thác của nhiều bên

Bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau.

Điều 162. Quyền của bên uỷ thác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;

2. Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 163 của Luật này.

Điều 163. Nghĩa vụ của bên uỷ thác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

2. Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;

3. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;

4. Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.

Điều 164. Quyền của bên nhận uỷ thác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

2. Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;

3. Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.

Điều 165. Nghĩa vụ của bên nhận uỷ thác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;

2. Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

3. Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận;

4. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;

5. Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

6. Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;

7. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

MỤC 4. ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI

Điều 166. Đại lý thương mại

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Điều 167. Bên giao đại lý, bên đại lý

1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.

2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.

Điều 168. Hợp đồng đại lý

Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 169. Các hình thức đại lý

1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.

2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.

3. Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.

Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.

4. Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.

Điều 170. Quyền sở hữu trong đại lý thương mại

Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý.

Điều 171. Thù lao đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.

3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.

4. Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:

a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;

b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;

c) Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

Điều 172. Quyền của bên giao đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:

1. ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;

2. Ấn định giá giao đại lý;

3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;

4. Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;

5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.

Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:

1. Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;

2. Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;

3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;

4. Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

5. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

Điều 174. Quyền của bên đại lý

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:

1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này;

2. Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

3. Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;

4. Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;

5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.

Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:

1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;

2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;

3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;

4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;

5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;

6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;

7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.

Điều 176. Thanh toán trong đại lý

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định.

Điều 177. Thời hạn đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.

Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

3. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Chương VI

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI CỤ THỂ KHÁC

MỤC 1. GIA CÔNG TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 178. Gia công trong thương mại

Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Điều 179. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 180. Hàng hóa gia công

1. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.

2. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công

1. Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thoả thuận.

2. Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Bán, tiêu huỷ, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.

5. Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.

Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công

1. Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.

2. Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.

3. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.

4. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.

5. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Điều 183. Thù lao gia công

1. Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công.

2. Trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu bên nhận gia công nhận thù lao gia công bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công thì phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu đối với sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.

Điều 184. Chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài

Việc chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giao công nghệ.

MỤC 2. ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA

Điều 185. Đấu giá hàng hoá

1. Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.

2. Việc đấu giá hàng hoá được thực hiện theo một trong hai phương thức sau đây:

a) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;

b) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

Điều 186. Người tổ chức đấu giá, người bán hàng

1. Người tổ chức đấu giá là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng của mình trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức đấu giá.

2. Người bán hàng là chủ sở hữu hàng hoá, người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán hàng hoá của người khác theo quy định của pháp luật.

Điều 187. Người tham gia đấu giá, người điều hành đấu giá

1. Người tham gia đấu giá hàng hoá là tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia cuộc đấu giá.

2. Người điều hành đấu giá là người tổ chức đấu giá hoặc người được người tổ chức đấu giá uỷ quyền điều hành bán đấu giá.

Điều 188. Nguyên tắc đấu giá

Việc đấu giá hàng hoá trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Điều 189. Quyền của người tổ chức đấu giá

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người tổ chức đấu giá có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu người bán hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá, tạo điều kiện cho người tổ chức đấu giá hoặc người tham gia đấu giá kiểm tra hàng hoá đấu giá và giao hàng hoá được bán đấu giá cho người mua hàng trong trường hợp người tổ chức đấu giá không phải là người bán hàng đấu giá;

2. Xác định giá khởi điểm trong trường hợp người tổ chức đấu giá là người bán hàng đấu giá hoặc được người bán hàng uỷ quyền;

3. Tổ chức cuộc đấu giá;

4. Yêu cầu người mua hàng thực hiện việc thanh toán;

5. Nhận thù lao dịch vụ đấu giá do người bán hàng trả theo quy định tại Điều 211 của Luật này.

Điều 190. Nghĩa vụ của người tổ chức đấu giá

1. Tổ chức đấu giá hàng hoá theo đúng nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định và theo phương thức đấu giá thoả thuận với người bán hàng.

2. Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hoá đấu giá.

3. Bảo quản hàng hoá đấu giá khi được người bán hàng giao giữ.

4. Trưng bày hàng hoá, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét.

5. Lập văn bản bán đấu giá hàng hoá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan quy định tại Điều 203 của Luật này.

6. Giao hàng hóa đấu giá cho người mua phù hợp với hợp đồng tổ chức dịch vụ đấu giá hàng hoá.

7. Làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá bán đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người bán hàng.

8. Thanh toán cho người bán hàng tiền hàng đã bán, kể cả khoản tiền chênh lệch thu được từ người rút lại giá đã trả quy định tại khoản 3 Điều 204 của Luật này hoặc trả lại hàng hoá không bán được cho người bán hàng theo thoả thuận. Trường hợp không có thoả thuận thì phải thanh toán tiền cho người bán hàng chậm nhất là ba ngày làm việc sau khi nhận được tiền của người mua hàng hoặc phải trả lại ngay hàng hoá trong thời hạn hợp lý sau cuộc đấu giá.

Điều 191. Quyền của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người bán hàng có các quyền sau đây:

1. Nhận tiền hàng đã bán đấu giá và khoản chênh lệch thu được trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 204 của Luật này hoặc nhận lại hàng hoá trong trường hợp đấu giá không thành;

2. Giám sát việc tổ chức bán đấu giá hàng hoá.

Điều 192. Nghĩa vụ của người bán hàng không phải là người tổ chức đấu giá

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, người bán hàng có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá, tạo điều kiện để người tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá xem xét hàng hoá và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá đấu giá;

2. Trả thù lao dịch vụ tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 211 của Luật này.

Điều 193. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá

1. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

2. Trường hợp hàng hoá được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp.

3. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá.

Điều 194. Xác định giá khởi điểm

1. Người bán hàng phải xác định giá khởi điểm. Trong trường hợp người tổ chức đấu giá được uỷ quyền xác định giá khởi điểm thì phải thông báo cho người bán hàng trước khi niêm yết việc bán đấu giá.

2. Trường hợp hàng hoá đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp phải thoả thuận với người cầm cố, thế chấp xác định giá khởi điểm.

3. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định.

Điều 195. Thông báo cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp

Trường hợp hàng hoá là đối tượng cầm cố, thế chấp, thì đồng thời với việc niêm yết đấu giá hàng hoá, người tổ chức đấu giá phải thông báo cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong thời hạn chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hóa đó theo quy định tại Điều 197 của Luật này.

Điều 196. Thời hạn thông báo và niêm yết đấu giá hàng hoá

1. Chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hoá, người tổ chức đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hoá và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 197 của Luật này.

2. Trường hợp người tổ chức đấu giá hàng hóa là người bán hàng thì thời hạn niêm yết đấu giá hàng hóa do người bán hàng tự quyết định.

Điều 197. Nội dung thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa

Thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung sau đây:

1. Thời gian, địa điểm đấu giá;

2. Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;

3. Tên, địa chỉ của người bán hàng;

4. Danh mục hàng hoá, số lượng, chất lượng hàng hóa;

5. Giá khởi điểm;

6. Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá;

7. Địa điểm, thời gian trưng bày hàng hoá;

8. Địa điểm, thời gian tham khảo hồ sơ hàng hoá;

9. Địa điểm, thời gian đăng ký mua hàng hoá.

Điều 198. Những người không được tham gia đấu giá

1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

2. Những người làm việc trong tổ chức bán đấu giá hàng hoá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó.

3. Người đã trực tiếp thực hiện việc giám định hàng hoá bán đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người đó.

4. Những người không có quyền mua hàng hoá đấu giá theo quy định của pháp luật.

Điều 199. Đăng ký tham gia đấu giá

1. Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người muốn tham gia đấu giá phải đăng ký tham gia trước khi bán đấu giá.

2. Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người tham gia đấu giá nộp một khoản tiền đặt trước, nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hoá được đấu giá.

3. Trường hợp người tham gia đấu giá mua được hàng hoá bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua, nếu không mua được thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người đã nộp khoản tiền đặt trước đó ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.

4. Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng sau đó không dự cuộc đấu giá thì người tổ chức đấu giá có quyền thu khoản tiền đặt trước đó.

Điều 200. Trưng bày hàng hoá đấu giá

Hàng hoá, mẫu hàng hoá, tài liệu giới thiệu về hàng hoá và các thông tin cần thiết khác về hàng hoá đó phải được trưng bày tại địa điểm được thông báo từ khi niêm yết.

Điều 201. Tiến hành cuộc đấu giá

Cuộc đấu giá được tiến hành theo trình tự sau đây:

1. Người điều hành đấu giá điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hoá;

2. Người điều hành đấu giá giới thiệu từng hàng hoá bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá;

3. Đối với phương thức trả giá lên, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác giá đã trả sau cùng cao hơn giá người trước đã trả ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá chỉ được công bố người mua hàng hoá bán đấu giá, nếu sau ba lần nhắc lại giá người đó đã trả mà không có người nào trả giá cao hơn;

4. Đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải nhắc lại một cách rõ ràng, chính xác từng mức giá được hạ xuống thấp hơn giá khởi điểm ít nhất là ba lần, mỗi lần cách nhau ít nhất ba mươi giây. Người điều hành đấu giá phải công bố ngay người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng hóa đấu giá;

5. Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm được mua là người mua hàng hoá bán đấu giá;

6. Người điều hành đấu giá phải lập văn bản bán đấu giá hàng hoá ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành. Văn bản bán đấu giá phải ghi rõ kết quả đấu giá, có chữ ký của người điều hành đấu giá, người mua hàng và hai người chứng kiến trong số những người tham gia đấu giá; đối với hàng hoá bán đấu giá phải có công chứng nhà nước theo quy định của pháp luật thì văn bản bán đấu giá cũng phải được công chứng.

Điều 202. Đấu giá không thành

Cuộc đấu giá được coi là không thành trong các trường hợp sau đây:

1. Không có người tham gia đấu giá, trả giá;

2. Giá cao nhất đã trả thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên.

Điều 203. Văn bản bán đấu giá hàng hoá

1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá là văn bản xác nhận việc mua bán. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá;

b) Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá;

c) Tên, địa chỉ của người bán hàng;

d) Tên, địa chỉ của người mua hàng;

đ) Thời gian, địa điểm đấu giá;

e) Hàng hoá bán đấu giá;

g) Giá đã bán;

h) Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến.

2. Văn bản bán đấu giá hàng hoá phải được gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan.

3. Trường hợp đấu giá không thành, trong văn bản bán đấu giá hàng hoá phải nêu rõ kết quả là đấu giá không thành và phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và h khoản 1 Điều này.

Điều 204. Rút lại giá đã trả

1. Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, nếu người trả giá cao nhất rút ngay lại giá đã trả thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trường hợp bán đấu giá theo phương thức đặt giá xuống, nếu người đầu tiên chấp nhận mức giá rút ngay lại giá đã chấp nhận thì cuộc đấu giá vẫn được tiếp tục từ giá đã đặt liền kề trước đó.

2. Người rút lại giá đã trả hoặc người rút lại việc chấp nhận giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

3. Trường hợp giá bán hàng hoá thấp hơn giá mà người rút lại giá đã trả đối với phương thức trả giá lên hoặc giá mà người rút lại việc chấp nhận đối với phương thức đặt giá xuống thì người đó phải trả khoản tiền chênh lệch cho người tổ chức đấu giá, nếu hàng hoá bán được giá cao hơn thì người rút lại không được hưởng khoản tiền chênh lệch đó.

4. Trường hợp cuộc đấu giá không thành thì người rút lại giá đã trả phải chịu chi phí cho việc bán đấu giá và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước.

Điều 205. Từ chối mua

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, sau khi tuyên bố kết thúc cuộc đấu giá, người mua hàng bị ràng buộc trách nhiệm; nếu sau đó người mua hàng từ chối mua hàng thì phải được người bán hàng chấp thuận, nhưng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá.

2. Trong trường hợp người mua được hàng hoá đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước mà từ chối mua thì không được hoàn trả khoản tiền đặt trước đó. Khoản tiền đặt trước đó thuộc về người bán hàng.

Điều 206. Đăng ký quyền sở hữu

1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá được dùng làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Căn cứ vào văn bản bán đấu giá hàng hoá và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng theo quy định của pháp luật.

3. Người bán hàng và người tổ chức đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng. Chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu được trừ vào tiền bán hàng hoá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 207. Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá

Thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hoá đấu giá thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá là thời điểm theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

Điều 208. Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hoá

Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm thanh toán là trụ sở kinh doanh của người tổ chức đấu giá.

Điều 209. Thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá

Trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người tổ chức đấu giá và người mua hàng, thời hạn giao hàng hoá bán đấu giá được quy định như sau:

1. Đối với hàng hoá không phải đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải giao ngay hàng hoá cho người mua hàng sau khi lập văn bản bán đấu giá;

2. Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.

Điều 210. Địa điểm giao hàng hoá bán đấu giá

1. Trường hợp hàng hoá là những vật gắn liền với đất đai thì địa điểm giao hàng là nơi có hàng hóa đó.

2. Trường hợp hàng hoá là động sản thì địa điểm giao hàng là nơi tổ chức đấu giá, trừ trường hợp người tổ chức đấu giá và người mua hàng có thoả thuận khác.

Điều 211. Thù lao dịch vụ đấu giá hàng hoá

Trường hợp không có thoả thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa thì thù lao được xác định như sau:

1. Trường hợp cuộc đấu giá thành công thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo Điều 86 của Luật này;

2. Trường hợp đấu giá không thành thì người bán hàng phải trả mức thù lao bằng 50% của mức thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 212. Chi phí liên quan đến đấu giá hàng hoá

Trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa người bán hàng và người tổ chức đấu giá, chi phí liên quan đến đấu giá hàng hóa được xác định như sau:

1. Người bán hàng phải chịu chi phí vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đã thoả thuận và chi phí bảo quản hàng hoá trong trường hợp không giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá bảo quản;

2. Người tổ chức đấu giá chịu chi phí bảo quản hàng hoá được giao, chi phí niêm yết, thông báo, tổ chức bán đấu giá và các chi phí có liên quan khác.

Điều 213. Trách nhiệm đối với hàng hóa bán đấu giá không phù hợp với thông báo, niêm yết

1. Trong thời hạn quy định tại Điều 318 của Luật này, người mua hàng có quyền trả lại hàng hóa cho người tổ chức đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hàng hóa bán đấu giá không phù hợp với thông báo, niêm yết.

2. Trường hợp người tổ chức đấu giá quy định tại khoản 1 Điều này không phải là người bán hàng và nội dung thông báo, niêm yết không phù hợp là do lỗi của người bán hàng thì người tổ chức đấu giá có quyền trả lại hàng hóa và yêu cầu người bán hàng bồi thường thiệt hại.

MỤC 3. ĐẤU THẦU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ

Điều 214. Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ

1. Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).

2. Các quy định về đấu thầu trong Luật này không áp dụng đối với đấu thầu mua sắm công theo quy định của pháp luật.

Điều 215. Hình thức đấu thầu

1. Việc đấu thầu hàng hoá, dịch vụ được thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu;

b) Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.

2. Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định.

Điều 216. Phương thức đấu thầu

1. Phương thức đấu thầu bao gồm đấu thầu một túi hồ sơ và đấu thầu hai túi hồ sơ. Bên mời thầu có quyền lựa chọn phương thức đấu thầu và phải thông báo trước cho các bên dự thầu.

2. Trong trường hợp đấu thầu theo phương thức đấu thầu một túi hồ sơ, bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong một túi hồ sơ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và việc mở thầu được tiến hành một lần.

3. Trong trường hợp đấu thầu theo phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ thì bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng biệt được nộp trong cùng một thời điểm và việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở trước.

Điều 217. Sơ tuyển các bên dự thầu

Bên mời thầu có thể tổ chức sơ tuyển các bên dự thầu nhằm lựa chọn những bên dự thầu có khả năng đáp ứng các điều kiện mà bên mời thầu đưa ra.

Điều 218. Hồ sơ mời thầu

1. Hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Thông báo mời thầu;

b) Các yêu cầu liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được đấu thầu;

c) Phương pháp đánh giá, so sánh, xếp hạng và lựa chọn nhà thầu;

d) Những chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu.

2. Chi phí về việc cung cấp hồ sơ cho bên dự thầu do bên mời thầu quy định.

Điều 219. Thông báo mời thầu

1. Thông báo mời thầu gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của bên mời thầu;

b) Tóm tắt nội dung đấu thầu;

c) Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu;

d) Thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu;

đ) Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.

2. Bên mời thầu có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với trường hợp đấu thầu rộng rãi hoặc gửi thông báo mời đăng ký dự thầu đến các nhà thầu đủ điều kiện trong trường hợp đấu thầu hạn chế.

Điều 220. Chỉ dẫn cho bên dự thầu

Bên mời thầu có trách nhiệm chỉ dẫn cho bên dự thầu về các điều kiện dự thầu, các thủ tục được áp dụng trong quá trình đấu thầu và giải đáp các câu hỏi của bên dự thầu.

Điều 221. Quản lý hồ sơ dự thầu

Bên mời thầu có trách nhiệm quản lý hồ sơ dự thầu.

Điều 222. Bảo đảm dự thầu

1. Bảo đảm dự thầu được thực hiện dưới hình thức đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu.

2. Bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu khi nộp hồ sơ dự thầu. Tỷ lệ tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hoá, dịch vụ đấu thầu.

3. Bên mời thầu quy định hình thức, điều kiện đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu. Trong trường hợp đặt cọc, ký quỹ thì tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu được trả lại cho bên dự thầu không trúng thầu trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả đấu thầu.

4. Bên dự thầu không được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu trong trường hợp rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thầu (gọi là thời điểm đóng thầu), không ký hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp trúng thầu.

5. Bên nhận bảo lãnh cho bên dự thầu có nghĩa vụ bảo đảm dự thầu cho bên được bảo lãnh trong phạm vi giá trị tương đương với số tiền đặt cọc, ký quỹ.

Điều 223. Bảo mật thông tin đấu thầu

1. Bên mời thầu phải bảo mật hồ sơ dự thầu.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc đấu thầu.

Điều 224. Mở thầu

1. Mở thầu là việc tổ chức mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định hoặc trong trường hợp không có thời điểm được ấn định trước thì thời điểm mở thầu là ngay sau khi đóng thầu.

2. Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn phải được bên mời thầu mở công khai. Các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.

3. Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở.

Điều 225. Xét hồ sơ dự thầu khi mở thầu

1. Bên mời thầu xét tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu.

2. Bên mời thầu có thể yêu cầu các bên dự thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu. Việc yêu cầu và giải thích hồ sơ dự thầu phải được lập thành văn bản.

Điều 226. Biên bản mở thầu

1. Khi mở thầu, bên mời thầu và các bên dự thầu có mặt phải ký vào biên bản mở thầu.

2. Biên bản mở thầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên hàng hoá, dịch vụ đấu thầu;

b) Ngày, giờ, địa điểm mở thầu;

c) Tên, địa chỉ của bên mời thầu, các bên dự thầu;

d) Giá bỏ thầu của các bên dự thầu;

đ) Các nội dung sửa đổi, bổ sung và các nội dung có liên quan, nếu có.

Điều 227. Đánh giá và so sánh hồ sơ dự thầu

1. Hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn làm căn cứ để đánh giá toàn diện.

Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu do bên mời thầu quy định.

2. Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm hoặc phương pháp khác đã được ấn định trước khi mở thầu.

Điều 228. Sửa đổi hồ sơ dự thầu

1. Các bên dự thầu không được sửa đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã mở thầu.

2. Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu làm rõ các vấn đề có liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu của bên mời thầu và ý kiến trả lời của bên dự thầu phải được lập thành văn bản.

3. Trường hợp bên mời thầu sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải gửi nội dung đã sửa đổi bằng văn bản đến tất cả các bên dự thầu trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu ít nhất là mười ngày để các bên dự thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu của mình.

Điều 229. Xếp hạng và lựa chọn nhà thầu

1. Căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải xếp hạng và lựa chọn các bên dự thầu theo phương pháp đã được ấn định.

2. Trong trường hợp có nhiều bên tham gia dự thầu có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì bên mời thầu có quyền chọn nhà thầu.

Điều 230. Thông báo kết quả đấu thầu và ký kết hợp đồng

1. Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo kết quả đấu thầu cho bên dự thầu.

2. Bên mời thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với bên trúng thầu trên cơ sở sau đây:

a) Kết quả đấu thầu;

b) Các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;

c) Nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu.

Điều 231. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Các bên có thể thỏa thuận bên trúng thầu phải đặt cọc, ký quỹ hoặc được bảo lãnh để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Số tiền đặt cọc, ký quỹ do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 10% giá trị hợp đồng.

2. Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng có hiệu lực cho đến thời điểm bên trúng thầu hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng.

3. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên trúng thầu được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng khi thanh lý hợp đồng. Bên trúng thầu không được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng nếu từ chối thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng được giao kết.

4. Sau khi nộp tiền đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng, bên trúng thầu được hoàn trả tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu.

Điều 232. Đấu thầu lại

Việc đấu thầu lại được tổ chức khi có một trong các trường hợp sau đây:

1. Có sự vi phạm các quy định về đấu thầu;

2. Các bên dự thầu đều không đạt yêu cầu đấu thầu.

MỤC 4. DỊCH VỤ LOGISTICS

Điều 233. Dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.

Điều 234. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics.

Điều 235. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác;

b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;

c) Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn;

d) Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.

2. Khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải.

Điều 236. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, khách hàng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;

2. Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

3. Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

4. Đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đảm nhận công việc này;

5. Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí hợp lý phát sinh cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của mình hoặc trong trường hợp do lỗi của mình gây ra;

6. Thanh toán cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.

Điều 237. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:

a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;

d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;

đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;

e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.

2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.

Điều 238. Giới hạn trách nhiệm

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, toàn bộ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hoá.

2. Chính phủ quy định chi tiết giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phù hợp với các quy định của pháp luật và tập quán quốc tế.

3. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.

Điều 239. Quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền cầm giữ một số lượng hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hoá đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng.

2. Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hoá hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hoá hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật; trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hoá ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng.

3. Trước khi định đoạt hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó.

4. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu.

5. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan; nếu số tiền thu được từ việc định đoạt vượt quá giá trị các khoản nợ thì số tiền vượt quá phải được trả lại cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.

Điều 240. Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi cầm giữ hàng hoá

Khi chưa thực hiện quyền định đoạt hàng hoá theo quy định tại Điều 239 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện quyền cầm giữ hàng hoá có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản, giữ gìn hàng hoá;

2. Không được sử dụng hàng hoá nếu không được bên có hàng hoá bị cầm giữ đồng ý;

3. Trả lại hàng hoá khi các điều kiện cầm giữ, định đoạt hàng hoá quy định tại Điều 239 của Luật này không còn;

4. Bồi thường thiệt hại cho bên có hàng hoá bị cầm giữ nếu làm mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá cầm giữ.

MỤC 5. QUÁ CẢNH HÀNG HÓA QUA LÃNH THỔ VIỆT NAM VÀ DỊCH VỤ QUÁ CẢNH HÀNG HÓA

Điều 241. Quá cảnh hàng hóa

Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.

Điều 242. Quyền quá cảnh hàng hóa

1. Mọi hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và chỉ cần làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa là các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao khác, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép;

b) Hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi được Bộ trưởng Bộ Thương mại cho phép.

2. Hàng hóa quá cảnh khi xuất khẩu, phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh khi xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam phải đúng là toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu, phương tiện vận tải đã nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ Việt Nam phải thuê thương nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quá cảnh thực hiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài tự mình thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, thuê thương nhân nước ngoài thực hiện quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh và giao thông vận tải.

Điều 243. Tuyến đường quá cảnh

1. Hàng hóa chỉ được quá cảnh qua các cửa khẩu quốc tế và theo đúng những tuyến đường nhất định trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Căn cứ điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể tuyến đường được vận chuyển hàng hoá quá cảnh.

3. Trong thời gian quá cảnh, việc thay đổi tuyến đường được vận chuyển hàng hoá quá cảnh phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 244. Quá cảnh bằng đường hàng không

Quá cảnh bằng đường hàng không được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế về hàng không mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 245. Giám sát hàng hóa quá cảnh

Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam trong toàn bộ thời gian quá cảnh.

Điều 246. Thời gian quá cảnh

1. Thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tối đa là ba mươi ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất trong quá trình quá cảnh.

2. Đối với trường hợp hàng hóa được lưu kho tại Việt Nam hoặc bị hư hỏng, tổn thất trong thời gian quá cảnh cần phải có thêm thời gian để lưu kho, khắc phục hư hỏng, tổn thất thì thời gian quá cảnh được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh chấp thuận; trường hợp hàng hóa quá cảnh theo giấy phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại thì phải được Bộ trưởng Bộ Thương mại chấp thuận.

3. Trong thời gian lưu kho và khắc phục hư hỏng, tổn thất quy định tại khoản 2 Điều này, hàng hóa và phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh vẫn phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan Việt Nam.

Điều 247. Hàng hoá quá cảnh tiêu thụ tại Việt Nam

1. Hàng hoá quá cảnh thuộc diện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 242 của Luật này không được phép tiêu thụ tại Việt Nam.

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, hàng hoá quá cảnh được phép tiêu thụ tại Việt Nam nếu được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

3. Việc tiêu thụ hàng hoá quá cảnh tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu hàng hoá, thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác.

Điều 248. Những hành vi bị cấm trong quá cảnh

1. Thanh toán thù lao quá cảnh bằng hàng hóa quá cảnh.

2. Tiêu thụ trái phép hàng hóa, phương tiện vận tải chở hàng quá cảnh.

Điều 249. Dịch vụ quá cảnh hàng hóa

Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân thực hiện việc quá cảnh cho hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng thù lao.

Điều 250. Điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh

Thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định tại Điều 234 của Luật này.

Điều 251. Hợp đồng dịch vụ quá cảnh

Hợp đồng dịch vụ quá cảnh phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 252. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ quá cảnh

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ quá cảnh có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ quá cảnh tiếp nhận hàng hóa tại cửa khẩu nhập theo thời gian đã thỏa thuận;

b) Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ quá cảnh thông báo kịp thời về tình trạng của hàng hóa quá cảnh trong thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

c) Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ quá cảnh thực hiện mọi thủ tục cần thiết để hạn chế những tổn thất, hư hỏng đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê dịch vụ quá cảnh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập của Việt Nam theo đúng thời gian đã thỏa thuận;

b) Cung cấp đầy đủ cho bên cung ứng dịch vụ quá cảnh các thông tin cần thiết về hàng hóa;

c) Cung cấp đầy đủ các chứng từ cần thiết để bên cung ứng dịch vụ quá cảnh làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu;

d) Thanh toán thù lao quá cảnh và các chi phí hợp lý khác cho bên cung ứng dịch vụ quá cảnh.

Điều 253. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ quá cảnh

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quá cảnh có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu bên thuê dịch vụ quá cảnh đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập của Việt Nam theo đúng thời gian đã thỏa thuận;

b) Yêu cầu bên thuê dịch vụ quá cảnh cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về hàng hóa;

c) Yêu cầu bên thuê dịch vụ quá cảnh cung cấp đầy đủ chứng từ cần thiết để làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu;

d) Được nhận thù lao quá cảnh và các chi phí hợp lý khác.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quá cảnh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tiếp nhận hàng hóa tại cửa khẩu nhập theo thời gian đã thỏa thuận;

b) Làm thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa quá cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

c) Chịu trách nhiệm đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

d) Thực hiện các công việc cần thiết để hạn chế những tổn thất, hư hỏng đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

đ) Nộp phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam;

e) Có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để xử lý những vấn đề có liên quan đến hàng hóa quá cảnh.

MỤC 6. DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH

Điều 254. Dịch vụ giám định

Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

Điều 255. Nội dung giám định

Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

Điều 256. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.

Điều 257. Điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

2. Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 của Luật này;

3. Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.

Điều 258. Phạm vi kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại chỉ được cung cấp dịch vụ giám định trong các lĩnh vực giám định khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 257 của Luật này.

Điều 259. Tiêu chuẩn giám định viên

1. Giám định viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

b) Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;

c) Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ.

2. Căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định công nhận giám định viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 260. Chứng thư giám định

1. Chứng thư giám định là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định được khách hàng yêu cầu.

2. Chứng thư giám định phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, chữ ký, họ tên của giám định viên và phải được đóng dấu nghiệp vụ được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

3. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với những nội dung được giám định.

4. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận trong Chứng thư giám định.

Điều 261. Giá trị pháp lý của chứng thư giám định đối với bên yêu cầu giám định

Chứng thư giám định có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.

Điều 262. Giá trị pháp lý của chứng thư giám định đối với các bên trong hợp đồng

1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.

2. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 261 của Luật này. Bên kia trong hợp đồng có quyền yêu cầu giám định lại.

3. Khi chứng thư giám định lại có kết quả khác với chứng thư giám định ban đầu thì xử lý như sau:

a) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì kết quả của chứng thư giám định lại có giá trị pháp lý với tất cả các bên;

b) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu không thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì các bên thoả thuận lựa chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác giám định lại lần thứ hai. Kết quả giám định lại lần thứ hai có giá trị pháp lý với tất cả các bên.

Điều 263. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu cần thiết để thực hiện dịch vụ giám định;

b) Nhận thù lao dịch vụ giám định và các chi phí hợp lý khác.

2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành các tiêu chuẩn và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến dịch vụ giám định;

b) Giám định trung thực, khách quan, độc lập, kịp thời, đúng quy trình, phương pháp giám định;

c) Cấp chứng thư giám định;

d) Trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 266 của Luật này.

Điều 264. Quyền của khách hàng

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, khách hàng có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thực hiện việc giám định theo nội dung đã thoả thuận;

2. Yêu cầu giám định lại nếu có lý do chính đáng để cho rằng thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định không thực hiện đúng các yêu cầu của mình hoặc thực hiện giám định thiếu khách quan, trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định;

3. Yêu cầu trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 266 của Luật này.

Điều 265. Nghĩa vụ của khách hàng

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, khách hàng có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các tài liệu cần thiết cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khi có yêu cầu;

2. Trả thù lao dịch vụ giám định và các chi phí hợp lý khác.

Điều 266. Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai

1. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

2. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.

3. Khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.

Điều 267. Uỷ quyền giám định

Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định nước ngoài được thuê thực hiện giám định mà chưa được phép hoạt động tại Việt Nam thì thương nhân đó được ủy quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định.

Điều 268. Giám định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định có đủ điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu giám định có trách nhiệm giám định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

2. Cơ quan nhà nước yêu cầu giám định có trách nhiệm trả thù lao giám định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở giá thị trường.

MỤC 7. CHO THUÊ HÀNG HÓA

Điều 269. Cho thuê hàng hoá

Cho thuê hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hoá (gọi là bên cho thuê) cho bên khác (gọi là bên thuê) trong một thời hạn nhất định để nhận tiền cho thuê.

Điều 270. Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cho thuê có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Giao hàng hoá cho thuê theo đúng hợp đồng cho thuê với bên thuê;

2. Bảo đảm cho bên thuê quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hoá cho thuê không bị tranh chấp bởi bên thứ ba liên quan trong thời gian thuê;

3. Bảo đảm hàng hoá cho thuê phù hợp với mục đích sử dụng của bên thuê theo thoả thuận của các bên;

4. Bảo dưỡng và sửa chữa hàng hóa cho thuê trong thời hạn hợp lý. Trường hợp việc sửa chữa và bảo dưỡng hàng hóa cho thuê gây phương hại đến việc sử dụng hàng hóa đó của bên thuê thì phải có trách nhiệm giảm giá thuê hoặc kéo dài thời hạn cho thuê tương ứng với thời gian bảo dưỡng, sửa chữa;

5. Nhận tiền cho thuê theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

6. Nhận lại hàng hoá cho thuê khi kết thúc thời hạn cho thuê.

Điều 271. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên thuê có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Chiếm hữu và sử dụng hàng hoá cho thuê theo hợp đồng cho thuê và theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể về cách thức sử dụng hàng hóa cho thuê thì hàng hóa cho thuê phải được sử dụng theo cách thức phù hợp với tính chất của hàng hóa đó;

2. Giữ gìn và bảo quản hàng hoá cho thuê trong thời hạn thuê và trả lại hàng hoá đó cho bên cho thuê khi hết thời hạn;

3. Yêu cầu bên cho thuê thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa hàng hóa; nếu bên cho thuê không thực hiện nghĩa vụ này trong một thời hạn hợp lý thì bên thuê có thể tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hàng hóa cho thuê và bên cho thuê phải chịu các chi phí hợp lý của việc bảo dưỡng, sửa chữa đó;

4. Trả tiền thuê hàng hoá theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

5. Không được bán, cho thuê lại hàng hoá đã thuê.

Điều 272. Sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê

1. Bên thuê không được sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê nếu không được bên cho thuê chấp thuận.

2. Trường hợp bên thuê thực hiện việc sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê mà không có sự chấp thuận của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê khôi phục lại tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 273. Trách nhiệm đối với tổn thất trong thời hạn thuê

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cho thuê phải chịu tổn thất đối với hàng hoá cho thuê trong thời hạn thuê nếu bên thuê không có lỗi gây ra tổn thất đó.

2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, bên cho thuê có trách nhiệm sửa chữa hàng hoá cho thuê trong thời hạn hợp lý để bảo đảm mục đích sử dụng của bên thuê.

Điều 274. Chuyển rủi ro đối với hàng hóa cho thuê

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc chuyển rủi ro cho bên thuê nhưng không xác định thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định như sau:

1. Trường hợp hợp đồng cho thuê có liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá:

a) Nếu hợp đồng không yêu cầu giao hàng hoá cho thuê tại một địa điểm cụ thể thì rủi ro sẽ chuyển cho bên thuê khi hàng hoá cho thuê được giao cho người vận chuyển đầu tiên;

b) Nếu hợp đồng yêu cầu phải giao hàng hoá cho thuê tại một địa điểm cụ thể thì rủi ro chuyển cho bên thuê hoặc người được bên thuê ủy quyền nhận hàng tại địa điểm đó;

2. Trường hợp hàng hoá cho thuê được nhận bởi người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro chuyển cho bên thuê khi người nhận hàng xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá cho thuê của bên thuê;

3. Trong các trường hợp khác không được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì rủi ro được chuyển cho bên thuê khi bên thuê nhận hàng hoá cho thuê.

Điều 275. Hàng hoá cho thuê không phù hợp với hợp đồng

Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

2. Không phù hợp với mục đích cụ thể mà bên thuê đã cho bên cho thuê biết hoặc bên cho thuê phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

3. Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng mà bên cho thuê đã giao cho bên thuê.

Điều 276. Từ chối nhận hàng

1. Bên cho thuê phải dành cho bên thuê một thời gian hợp lý sau khi nhận được hàng hoá để kiểm tra.

2. Bên thuê có quyền từ chối nhận hàng hoá trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê không dành cho bên thuê điều kiện, thời gian hợp lý để kiểm tra hàng hoá;

b) Khi kiểm tra hàng hóa, bên thuê phát hiện thấy hàng hoá không phù hợp với hợp đồng.

Điều 277. Khắc phục, thay thế hàng hoá cho thuê không phù hợp với hợp đồng

1. Trong trường hợp bên thuê từ chối nhận hàng hoá cho thuê do không phù hợp với hợp đồng, nếu thời hạn thực hiện việc giao hàng vẫn còn thì bên cho thuê có thể thông báo ngay cho bên thuê về việc khắc phục hoặc thay thế hàng hoá và thực hiện việc khắc phục hoặc thay thế hàng hoá đó trong khoảng thời gian còn lại.

2. Khi bên cho thuê thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê khắc phục bất lợi hoặc trả chi phí phát sinh đó.

Điều 278. Chấp nhận hàng hoá cho thuê

1. Bên thuê được coi là đã chấp nhận hàng hoá cho thuê sau khi bên thuê có cơ hội hợp lý để kiểm tra hàng hoá cho thuê và thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Không từ chối hàng hoá cho thuê;

b) Xác nhận sự phù hợp của hàng hoá cho thuê với thoả thuận trong hợp đồng;

c) Xác nhận việc sẽ nhận hàng hoá đó, dù không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng.

2. Trường hợp bên thuê phát hiện ra sự không phù hợp với hợp đồng của hàng hóa sau khi đã chấp nhận hàng hóa mà sự không phù hợp đó có thể được xác định thông qua việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa thì bên thuê không được dựa vào sự không phù hợp đó để trả lại hàng.

Điều 279. Rút lại chấp nhận

1. Bên thuê có thể rút lại chấp nhận đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hoá cho thuê nếu sự không phù hợp của hàng hoá cho thuê làm cho bên thuê không đạt được mục đích giao kết hợp đồng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê không khắc phục một cách hợp lý theo quy định tại Điều 277 của Luật này;

b) Bên thuê không phát hiện được sự không phù hợp của hàng hoá xuất phát từ bảo đảm của bên cho thuê.

2. Việc rút lại chấp nhận phải được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý, nhưng không quá ba tháng, kể từ thời điểm bên thuê chấp nhận hàng hoá.

Điều 280. Trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hoá cho thuê

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hoá cho thuê được quy định như sau:

1. Trong thời hạn thuê, bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá cho thuê đã có vào thời điểm hàng hóa được giao cho bên thuê, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

2. Bên cho thuê không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm giao kết hợp đồng mà bên thuê đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

3. Bên cho thuê không chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết của hàng hoá được phát hiện sau khi bên thuê chấp nhận hàng hoá cho thuê mà khiếm khuyết đó có thể được bên thuê phát hiện nếu thực hiện việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa;

4. Bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó xuất phát từ việc bên cho thuê vi phạm nghĩa vụ đã cam kết của mình.

Điều 281. Cho thuê lại

1. Bên thuê chỉ được cho thuê lại hàng hoá khi có sự chấp thuận của bên cho thuê. Bên thuê phải chịu trách nhiệm về hàng hoá cho thuê lại trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên cho thuê.

2. Trong trường hợp bên thuê cho thuê lại hàng hóa cho thuê mà không có sự chấp thuận của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền hủy hợp đồng cho thuê. Người thuê lại phải có trách nhiệm trả lại ngay hàng hóa cho bên cho thuê.

Điều 282. Lợi ích phát sinh trong thời hạn thuê

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, mọi lợi ích phát sinh từ hàng hóa cho thuê trong thời hạn thuê thuộc về bên thuê.

Điều 283. Thay đổi quyền sở hữu trong thời hạn thuê

Mọi thay đổi về quyền sở hữu đối với hàng hóa cho thuê không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng cho thuê.

MỤC 8. NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Điều 285. Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Điều 286. Quyền của thương nhân nhượng quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:

1. Nhận tiền nhượng quyền;

2. Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;

3. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

Điều 287. Nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

2. Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

3. Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;

4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;

5. Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Điều 288. Quyền của thương nhân nhận quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;

2. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Điều 289. Nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

2. Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

3. Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

5. Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

6. Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;

7. Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

Điều 290. Nhượng quyền lại cho bên thứ ba

1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật này.

Điều 291. Đăng ký nhượng quyền thương mại

1. Trước khi nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại và trình tự, thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại.

Chương VII

CHẾ TÀI TRONG THƯƠNG MẠI VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG THƯƠNG MẠI

MỤC 1. CHẾ TÀI TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 292. Các loại chế tài trong thương mại

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

2. Phạt vi phạm.

3. Buộc bồi thường thiệt hại.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

6. Huỷ bỏ hợp đồng.

7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Điều 293. Áp dụng chế tài trong thương mại đối với vi phạm không cơ bản

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.

Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Điều 295. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm

1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

Điều 296. Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng

1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:

a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;

b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.

2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.

4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.

Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

2. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

3. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

4. Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.

Điều 298. Gia hạn thực hiện nghĩa vụ

Trường hợp buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 299. Quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các loại chế tài khác

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác.

2. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Điều 300. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Điều 302. Bồi thường thiệt hại

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Điều 304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 305. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 307. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Điều 308. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 309. Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Điều 310. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 311. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Điều 312. Huỷ bỏ hợp đồng

1. Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.

2. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.

3. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

4. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 313. Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần

1. Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ.

2. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý.

3. Trường hợp một bên đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ thì bên đó vẫn có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hoá đã giao, dịch vụ đã cung ứng không thể được sử dụng theo đúng mục đích mà các bên đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Điều 314. Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng

1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật này, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Điều 315. Thông báo tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng

Bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Điều 316. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi đã áp dụng các chế tài khác

Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác.

MỤC 2. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG THƯƠNG MẠI

Điều 317. Hình thức giải quyết tranh chấp

1. Thương lượng giữa các bên.

2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

Điều 318. Thời hạn khiếu nại

Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;

2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;

3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.

Điều 319. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THƯƠNG MẠI

Điều 320. Hành vi vi phạm pháp luật về thương mại

1. Các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại bao gồm:

a) Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh của thương nhân; thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam và của thương nhân nước ngoài;

b) Vi phạm quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh;

c) Vi phạm chế độ thuế, hóa đơn, chứng từ, sổ và báo cáo kế toán;

d) Vi phạm quy định về giá hàng hóa, dịch vụ;

đ) Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

e) Buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả hoặc nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép;

g) Vi phạm các quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;

h) Gian lận, lừa dối khách hàng khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

i) Vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;

k) Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu;

l) Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa;

m) Các vi phạm khác trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 321. Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại

1. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, tổ chức, cá nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:

a) Xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 322. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại

Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 323. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Luật này thay thế Luật thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997.

Điều 324. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Văn An

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No.36/2005/QH11

Hanoi, June 14, 2005

 

LAW

COMMERCIAL

(No. 36/2005/QH11)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of 25 December, 2001, of the X th National Assembly, the 10 th session;

This Law provides for commercial activities.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

SECTION 1. GOVERNING SCOPE AND SUBJECTS OF APPLICATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Commercial activities conducted in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

2. Commercial activities conducted outside the territory of the Socialist Republic of Vietnam in cases where the involved parties agree to this Law for application, or where a foreign law or a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party stipulates the application of this Law.

3. Activities not for profit purposes conducted by a party in its transactions with traders in the territory of the Socialist Republic of Vietnam in cases where the party conducting such not-for-profit activities chooses to apply this Law.

Article 2.- Subjects of application

1. Traders conducting commercial activities as provided for in Article 1 of this Law.

2. Other organizations and individuals conducting commerce-related activities.

3. Basing itself on the principles provided for by this Law, the Government shall specify the application of this Law to individuals who independently and regularly conduct commercial activities without having to make business registration.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Law, the following terms shall be construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Goods include:

a/ All types of movables, including those to be formed in the future;

b/ Things attached to land;

3. Custom in commercial activities means a code of conduct that has an explicit meaning, is established and repeated time and again for a long period of time between and implicitly recognized by involved parties in order identify their respective rights and obligations in commercial contracts.

4. Commercial practice means a custom that is widely recognized in commercial activities in an area, a region or a commercial domain, has an explicit meaning, and is recognized by involved parties in order to identify their respective rights and obligations in commercial activities.

5. Data message means information created, sent, received and stored in electronic media.

6. Vietnam-based representative office of a foreign trader means a dependent unit of the foreign trader, which is established under the provisions of Vietnamese law to conduct market survey and a number of commercial promotion activities permitted by Vietnamese law.

7. Vietnam-based branch of a foreign trader means a dependent unit of the foreign trader, which is established and conducts commercial activities in Vietnam under the provisions of Vietnamese law or treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

8. Purchase and sale of goods mean commercial activities whereby the seller is obliged to deliver goods, transfer ownership of goods to the purchaser and receive payment; the purchaser is obliged to pay to the seller and receive goods and the ownership thereof as agreed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. Commercial promotion means activities of promoting and seeking opportunities for the purchase or sale of goods and provision of services, including sale promotion, commercial advertisement, display and exhibition of goods and services, and trade fairs and exhibitions.

11. Commercial intermediary activities mean activities carried out by a trader to effect commercial transactions for one or several identified traders, including representation for traders, commercial brokerage, goods sale or purchase entrustment, and commercial agency.

12. Contractual breach means the failure of a party to perform, to fully or properly perform its obligations according to the agreement between the involved parties or the provisions of this Law.

13. Substantial breach means a contractual breach by a party, which causes damage to the other party to an extent that the other party cannot achieve the purpose of the entry into the contract.

14. Origin of goods means a country or a territory where all the goods are turned out or where the last stage of substantial processing of goods is performed in cases where many countries or territories join in the process of producing such goods.

15. Forms of validity equivalent to documents include telegraph, telex, facsimile, data message and other forms provided for by law.

Article 4.- Application of the Commercial Law and relevant laws

1. Commercial activities must comply with the Commercial Law and relevant laws.

2. Particular commercial activities provided for in other laws shall comply with the provisions of such laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 5.- Application of treaties, foreign laws and international commercial practices

1. Where a treaty to which Vietnam is a contracting party stipulates the application of foreign laws or international commercial practices, or contain provisions different from those of this Law, the provisions of such treaty shall apply.

2. Parties to commercial transactions involving foreign elements may agree to apply foreign laws or international commercial practices if such foreign laws or international commercial practices are not contrary to the fundamental principles of the Vietnamese law.

Article 6.- Traders

1. Traders include lawfully established economic organizations and individuals that conduct commercial activities in an independent and regular manner and have business registrations.

2. Traders are entitled to conduct commercial activities in occupations and sectors, in geographical areas, in forms and by modes which are not banned by law.

3. The right of traders to conduct lawful commercial activities is protected by the State.

4. The State exercises for a definite time its monopoly over commercial activities in respect to a number of goods and services or in a number of geographical areas in order to ensure the national interests. The Government shall specify the lists of goods, services and geographical areas subject to the State monopoly.

Article 7.- Obligation of traders to register business

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 8.- Agencies in charge of state management over commercial activities

1. The Government performs the unified state management over commercial activities.

2. The Trade Ministry is answerable to the Government for performing the state management over activities of goods sale and purchase and specific commercial activities provided for in this Law.

3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their respective tasks and powers, have to perform the state management over commercial activities in their assigned domains.

4. People’s Committees at all levels perform the state management over commercial activities in their respective localities according to the decentralization by the Government.

Article 9.- Commercial associations

1. Commercial associations are established to protect the legitimate rights and interests of traders, mobilize traders to take part in commercial development, and disseminate and propagate the provisions of law on commerce.

2. Commercial associations are organized and operate according to the provisions of law on associations.

SECTION 2. FUNDAMENTAL PRINCIPLES IN COMMERCIAL ACTIVITIES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Traders of all economic sectors are equal before law in commercial activities.

Article 11.- Principle of freedom and freewill to agreement in commercial activities

1. Parties have the rights of freedom to reach agreements not in contravention of the provisions of law, fine traditions and customs and social ethics in order to establish their rights and obligations in commercial activities. The State respects and protects such rights.

2. In commercial activities, the parties shall act on their own freewill, and neither party is allowed to impose its own will on, to force, intimidate or obstruct, the other party.

Article 12.- Principle of application of customs in commercial activities pre-established between parties

Except otherwise agreed, the parties shall be regarded as automatically applying customs in commercial activities pre-established between them which they have already known or ought to know, provided that such customs are not contrary to the provisions of law.

Article 13.- Principle of application of practices in commercial activities

Where it is neither provided for by law nor agreed by the parties, and there exist no customs pre-established between them, commercial practices shall be applied provided that such practices are not contrary to the principles provided for in this Law and the Civil Code.

Article 14.- Principle of protection of legitimate interests of consumers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Traders conducting commercial activities must be responsible for the quality and lawfulness of goods and/or services they trade in or provide.

Article 15.- Principle of recognition of legal validity of data messages in commercial activities

In commercial activities, data messages which satisfy all technical conditions and standards provided for by law shall be recognized legally valid as documents.

SECTION 3. FOREIGN TRADERS CONDUCTING COMMERCIAL ACTIVITIES IN VIETNAM

Article 16.- Foreign traders conducting commercial activities in Vietnam

1. Foreign traders mean traders established and making their business registrations according to the provisions of foreign laws or recognized by foreign laws.

2. Foreign traders are entitled to set up their representative offices or branches in Vietnam; to establish in Vietnam foreign-invested enterprises in the forms provided for by Vietnamese law.

3. Vietnam-based representative offices and branches of foreign traders have the rights and obligations specified by Vietnamese law. Foreign traders shall be held responsible before Vietnamese law for all activities of their Vietnam-based representative offices and branches.

4. Foreign-invested enterprises established in Vietnam by foreign traders according to the provisions of Vietnamese law or international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party shall be regarded as Vietnamese traders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To operate for the purposes, within the scope and duration stipulated in their establishment licenses.

2. To rent offices, rent and purchase equipment and facilities necessary for their operations.

3. To recruit Vietnamese and expatriate employees to work for them according to the provisions of Vietnamese law.

4. To open accounts in foreign currencies or foreign currency-based Vietnam dong at banks licensed to operate in Vietnam, and to be allowed to use those accounts solely for their operations.

5. To have seals bearing their names according to the provisions of Vietnamese law.

6. To have other rights as defined by law.

Article 18.- Obligations of representative offices

1. Not to directly conduct profit-generating activities in Vietnam.

2. To conduct commercial promotion activities within the scope permitted by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To pay taxes, fees and charges, and fulfil other financial obligations provided for by Vietnamese law.

5. To report on their operations according to Vietnamese law.

6. To have other obligations as defined by Vietnamese law.

Article 19.- Rights of branches

1. To rent offices, rent and purchase equipment and facilities necessary for their operations.

2. To recruit Vietnamese and expatriate employees to work for them according to Vietnamese law.

3. To enter into contracts in Vietnam in compliance with their operation contents specified in their establishment licenses and the provisions of this Law.

4. To open Vietnam dong accounts and foreign-currency accounts at banks licensed to operate in Vietnam.

5. To transfer profits overseas according to the provisions of Vietnamese law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To conduct activities of goods purchase and sale and other commercial activities in compliance with their establishment licenses according to the provisions of Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

8. To have other rights provided for by law.

Article 20.- Obligations of branches

1. To observe the accounting regime provided for by Vietnamese law; in cases where it is necessary to apply another commonly used accounting system, the approval by the Finance Ministry of the Socialist Republic of Vietnam is required.

2. To report on their operations according to the provisions of Vietnamese law.

3. To have other obligations provided for by law.

Article 21.- Rights and obligations of foreign-invested enterprises

Rights and obligations of foreign invested enterprises shall be determined according to the provisions of Vietnamese law or treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 22.- Competence to license foreign traders to conduct commercial activities in Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Planning and Investment Ministry shall be answerable to the Government for managing the issuance of licences to foreign traders investing in Vietnam according to the provisions of Vietnamese law.

3. The Trade Ministry shall be answerable to the Government for managing the issuance of licences to set up Vietnam-based representative offices of foreign traders; or licenses to set up branches, joint-venture enterprises or enterprises with 100% foreign capital in Vietnam in cases where such traders are specialized in conducting activities of goods purchase and sale or other activities directly related to goods purchase and sale in compliance with Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

4. Where a specialized law contains specific provisions on the competence of ministries or ministerial-level agencies, which are responsible before the Government for managing the issuance of licences to foreign traders for conducting commercial activities in Vietnam, the provisions of such specialized law shall apply.

Article 23.- Termination of operations in Vietnam of foreign traders

1. Foreign traders shall terminate their operations in Vietnam in the following cases:

a/ Upon expiration of the operation duration stipulated in their licenses;

b/ At the request of traders, which is approved by competent state management agencies;

c/ Under decisions of competent state management agencies as a sanction against their violations of law and their licenses;

d/ Where traders are declared bankrupt;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Other cases provided for by law.

2. Before terminating their operations in Vietnam, foreign traders are obliged to pay debts and fulfill other obligations toward the State, concerned organizations and individuals in Vietnam.

Chapter II

PURCHASE AND SALE OF GOODS

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS ON ACTIVITIES OF PURCHASE AND SALE OF GOODS

Article 24.- Form of contracts for purchase and sale of goods

1. Contracts for sale and purchase of goods may be expressed in verbal or written form or established by specific acts.

2. For types of contracts for purchase and sale of goods, which, as provided for by law, must be made in writing, such provisions must be complied with.

Article 25.- Goods banned from business, goods subject to business restrictions and goods subject to conditional business

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For goods subject to business restrictions and goods subject to conditional business, the purchase and sale thereof shall be effected only when goods and the goods purchasing and selling parties fully meet the conditions provided for by law.

Article 26.- Application of urgent measures with respect to domestically circulated goods

1. Goods legally and domestically circulated may be subject to the application of one or all of such measures as compulsory withdrawal from circulation, circulation ban, circulation suspension, conditional circulation, or compulsory circulation permission in the following cases:

a/ Where such goods constitute sources or transmitters of various epidemics and diseases;

b/ Where an emergency circumstance occurs.

2. Specific conditions, order, procedures and competence for announcing the application of urgent measures to domestically circulated goods shall comply with the provisions of law.

Article 27.- International purchase and sale of goods

1. International purchase and sale of goods shall be conducted in form of export, import, temporary import for re-export, temporary export for re-import and transfer through border-gates.

2. International purchase and sale of goods shall be conducted on the basis of written contracts or other forms of equal legal validity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Export of goods means the bringing of goods out of the territory of the Socialist Republic of Vietnam or into special zones in the Vietnamese territory, which are regarded as exclusive customs zones according to the provisions of law.

2. Import of goods means the bringing of goods into the territory of the Socialist Republic of Vietnam from foreign countries or special zones in the Vietnamese territory, which are regarded as exclusive customs zones according to the provisions of law.

3. On the basis of socio-economic conditions in each period and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, the Government shall specify the lists of goods banned from import and/or export, goods to be imported or exported under permits of competent state management agencies, and the procedures for granting permits.

Article 29.- Temporary import for re-export and temporary export for re-import of goods

1. Temporary import of goods for re-export means the bringing of goods into Vietnam from foreign countries or special zones locating in the Vietnamese territory, which are regarded as exclusive customs zones according to the provisions of law, with the completion of the procedures for importing such goods into Vietnam, then procedures for exporting the same goods out of Vietnam.

2. Temporary export of goods for re-import means the bringing of goods overseas or into special zones in the Vietnamese territory which are regarded as exclusive customs zones according to the provisions of law, with the completion of procedures for exporting such goods out of Vietnam, then procedures for importing the same goods back into Vietnam.

3. The Government shall specify activities of temporary import for re-export and temporary export for re-import of goods.

Article 30.- Transfer of goods through border-gates

1. Transfer of goods through border-gates means the purchase of goods from a country or territory for sale to another country or territory outside the Vietnamese territory without carrying out the procedures for importing such goods into Vietnam and the procedures for exporting such goods out of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Goods are transported directly from the exporting country to the importing country without going through Vietnamese border-gates;

b/ Goods are transported from the exporting country to the importing country through Vietnamese border-gates without carrying out the procedures for importing them into Vietnam and the procedures for exporting them out of Vietnam;

c/ Goods are transported from the exporting country to the importing country through Vietnamese border-gates and brought into bonded warehouses or areas for transshipment of goods at Vietnamese ports without carrying out the procedures for importing them into Vietnam and the procedures for exporting them out of Vietnam.

3. The Government shall provide for in detail activities of transfer of goods through border-gates.

Article 31.- Application of urgent measures to activities of international purchase and sale of goods

Where it is necessary to protect the national security or other national interests in compliance with Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, the Prime Minister shall decide on the application of urgent measures to activities of international purchase and sale of goods.

Article 32.- Labels for domestically circulated, exported and imported goods

1. Goods labels mean writings, prints, drawings or photos of texts, pictures or images, which are stuck, printed, affixed, molded, carved or engraved directly on goods or their commercial packing or other materials which are attached to the goods or their packing.

2. All goods that are domestically circulated, imported and exported must have their labels, except for some cases specified by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 33.- Certificates of origin of goods and rules of origin of goods

1. Export goods and import goods must have certificates of origin in the following cases:

a/ Goods are eligible for tax or other preferences;

b/ It is so provided for by Vietnamese laws or treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

2. The Government shall provide in detail for the rules of origin for exports and imports.

SECTION 2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF PARTIES TO CONTRACTS FOR PURCHASE AND SALE OF GOODS

Article 34.- Delivery of goods and goods-related documents

1. The seller must deliver goods and relevant documents, as agreed in contracts on quantity, quality, packing and preservation modes and other contractual terms.

2. In cases where there is no specific agreement, the seller is obliged to deliver goods and relevant documents according to the provisions of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The seller is obliged to deliver goods at the agreed place.

2. In cases where there is no agreement on place of goods delivery, such a place shall be specified as follows:

a/ In cases where goods are things attached to land, the seller must deliver goods at the place where such goods exist;

b/ In cases where the contract contains a provision on goods transportation, the seller is obliged to deliver goods to the first carrier;

c/ In cases where the contract contains no provision on goods transportation, and at the time the contract is entered into, the parties know the location of the goods storage, the place of goods loading or the place of goods manufacture, the seller shall have to deliver the goods at such place;

d/ In other cases, the seller shall have to deliver goods at his/her place of business, or his/her place of residence identified at the time the purchase and sale contract is entered into in cases he/she has no place of business.

Article 36.- Responsibilities upon delivery of goods where carriers are involved

1. Where goods are handed over to the carrier without being identified with specific signs or marks on them, accompanied with transportation documents or otherwise, the seller must notify the purchaser of the handover of goods to the carrier and clearly identify names and method of recognizing transported goods.

2. Where the seller is obliged to arrange the goods transportation, the seller shall have to enter into necessary contracts for the transportation of goods to the destination by means of transportation suitable to specific circumstances and under normal conditions for such modes of transportation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37.- Time limit for delivery of goods

1. The seller must deliver goods at the time already agreed upon in the contract;

2. Where only the time limit for delivery of goods is agreed upon without a specific time for delivery of goods, the seller may deliver goods at any time within such time limit and must notify the purchaser of the delivery in advance;

3. Where there is no agreement on the time limit for delivery of goods, the seller must deliver goods within a reasonable time limit after the contract is entered into.

Article 38.- Delivery of goods before the agreed time

Where the seller delivers goods earlier than the agreed time, the purchaser may receive or reject the goods, unless otherwise agreed upon by the parties.

Article 39.- Goods which are not appropriate to contracts

1. Where it is not specified in the contract, goods shall be considered not appropriate to the contract when they fall into one of the following cases:

a/ They are not suitable to common use purposes of goods of the same type;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Their quality is not the same as the quality of the samples previously handed over by the seller to the purchaser;

d/ They are not preserved or packaged by a method common to such goods, or not preserved by proper preserving methods in cases where no common preserving method is available.

2. The purchaser may reject the goods if such goods are not appropriate to the contract according to the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 40.- Liability for goods which are not appropriate to contracts

Unless otherwise agreed upon by the parties, the liability for goods which are not appropriate to contracts is provided for as follows:

1. The seller shall not be liable for any defect of the goods if the purchaser, at the time the contract is entered into, knew or should have known such defect;

2. Except for the case specified in Clause 1 of this Article, within the time limit for lodging complaint provided for in this Law, the seller shall be liable for any defect of the goods which already exists before the time of passing the risk to the purchaser despite the fact that such defect may be discovered after passing the risks.

3. The seller shall be liable for defects of goods occurring after the pass of risks if such defects are attributable to contract breaches by the seller.

Article 41.- Remedies in case of delivery of goods in insufficient quantity or delivery of goods not appropriate to contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where the seller, when applying the remedies provided for in Clause 1 of this Article, causes disadvantages or unreasonable costs to the purchaser, the purchaser shall have the right to request the seller to deal with such disadvantages or bear such costs.

Article 42.- Delivery of goods-related documents

1. Where there is an agreement on the delivery of documents, the seller is obliged to deliver all goods-related documents to the purchaser within the time limit, at the place and by mode already agreed.

2. Where there is no agreement on the time limit and place for delivery of goods-related documents to the purchaser, the seller must deliver such documents to the purchaser within a reasonable time limit and at a convenient place so that the purchaser can receive the goods.

3. Where the seller has delivered goods-related documents before the agreed time, the seller can still rectify errors of such documents within the remaining duration of the time limit.

4. When the seller, when rectifying errors mentioned in Clause 3 of this Article, causes disadvantages or unreasonable costs to the purchaser, the purchaser shall have the right to request the seller to deal with such disadvantages or bear such costs.

Article 43.- Delivery of goods in excessive quantity

1. Where the seller delivers goods in excessive quantity, the purchaser may reject or accept such excessive quantity of goods.

2. Where the purchaser accepts the excessive quantity of goods, the purchaser must pay for that quantity at the price agreed in the contract unless otherwise agreed upon by the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Where it is agreed by the parties that the purchaser or the purchaser’s representative shall examine the goods before the delivery, the seller must ensure that the purchaser or the purchaser’s representative shall be given conditions for conducting such examination.

2. Except where it is otherwise agreed, the purchaser or the purchaser’s representative in the cases mentioned in Clause 1 of this Article must examine the goods within the shortest period of time allowed by practical circumstances. Where the contract provides for the transportation of goods, the examination of goods may be postponed until the goods are transported to the destination.

3. Where the purchaser or the purchaser’s representative does not conduct the examination of goods before the delivery of goods as agreed, the seller may deliver the goods according to the contract.

4. The seller shall not be liable for defects of goods which the purchaser or the purchaser’s representative has known or should have known but failed to notify them to the seller within a reasonable time limit after the examination of goods.

5. The seller shall be liable for defects of goods already examined by the purchaser or the purchaser’s representative if the defects of the goods cannot be detected in the course of examination through common measures and the seller knew or should have known such defects but failed to notify them to the purchaser.

Article 45.- Obligation to assure the ownership right over goods

The seller must assure that:

1. The ownership right of the purchaser over goods sold is not disputed by any third party;

2. The goods are lawful;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 46.- Obligation to assure intellectual property rights over goods

1. The seller must not sell goods infringing upon intellectual property rights. The seller shall be held responsible for any dispute related intellectual property rights over goods sold.

2. Where the purchaser requests the seller to observe technical drawings, designs, formulas or specifications furnished by the purchaser, the purchaser shall be liable for complaints related to infringements of intellectual property rights which arise from the fact that the seller has complied with the request of the purchaser.

Article 47.- Notification requirements

1. The seller shall lose the right to invoke the provisions of Clause 2, Article 46 of this Law when failing to promptly notify the purchaser of a third party’s complaint about the delivered goods after the seller knew or should have known such complaint, except for cases where the purchaser knew or should have known a third party’s complaint.

2. The purchaser shall lose the right to invoke the provisions of Article 45 and Clause 1, Article 46 of this Law when failing to promptly notify the seller of a third party’s complaint about the delivered goods after the purchaser knew or should have known such complaint, except for cases where the purchaser knew or should have known a third party’s complaint.

Article 48.- Obligation of the seller in cases where goods are subject to measures of security for performance of civil obligations

Where the goods sold are subject to measures of security for performance of civil obligations, the seller must notify the purchaser of such security measures and must obtain the consent of the security beneficiary regarding the sale of such goods.

Article 49.- Obligation to provide warranty for goods

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The seller must fulfill the warranty obligation as soon as the practical situation permits.

3. The seller must bear all warranty expenses unless otherwise agreed.

Article 50.- Payment

1. The purchaser is obliged to pay for goods and receive goods as agreed upon.

2. The purchaser must comply with the payment modes and make the payment according to the agreed order and procedures and the provisions of law.

3. The purchaser shall still have to pay for goods in cases where goods are lost or damaged after the time the risk is passed from the seller to the purchaser, except for cases where the loss or damage is caused due to the fault of the seller.

Article 51.- Suspension of payment for goods

Unless otherwise agreed, the suspension of payment for goods is provided for as follows:

1. The purchaser that has proofs of deceit of the seller shall have the right to suspend the payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The purchaser that has proofs that the seller has delivered goods which do not conform with the contract shall have the right to suspend the payment until the seller remedy such inconformity.

4. If the proofs produced by the purchaser for the cases of payment suspension mentioned in Clauses 2 and 3 of this Article are unfounded, thus causing damage to the seller, the purchaser must pay compensations for such damage and be subject to other penalties provided for in this Law.

Article 52.- Determination of prices

Where there is neither agreement on goods price or on the price-determining method nor other price indexes, the goods price shall be determined according to the price of such type of goods under similar conditions on mode of goods delivery, time of goods purchase and sale, geographical market, payment mode and other conditions which affect the prices.

Article 53.- Pricing by weight

Unless otherwise agreed, if the goods price is determined according to the weight of the goods, such weight must be net weight.

Article 54.- Place of payment

Where there is no agreement on specific place of payment, the purchaser must pay to the seller at one of the following places:

1. The seller’s place of business, which is identified at the time of entering into the contract; or the seller’s place of residence where the seller has no place of business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55.- Time limit for payment

Unless otherwise agreed, the time limit for payment is provided for as follows:

1. The purchaser must make payment to the seller at the time the seller delivers the goods or the goods-related documents.

2. The purchaser is not obliged to make payment until the goods examination can be completed in cases where an agreement is reached according to the provisions of Article 44 of this Law.

Article 56.- Receipt of goods

The purchaser is obliged to receive the goods as agreed upon and do appropriate things to help the seller deliver the goods.

Article 57.- Pass of risks in cases where there is a fixed place of delivery of goods

Unless otherwise agreed, if the seller is obliged to deliver the goods to the purchaser at a particular place, the risk of goods loss or damage shall be passed to the purchaser as soon as the goods are delivered to the purchaser or the person authorized by the purchaser to receive the goods at such place, even in cases where the seller is authorized to retain the documents which establish the ownership rights over the goods.

Article 58.- Pass of risks in cases where there is no fixed place of delivery of goods

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 59.- Pass of risks in cases where goods are handed over to a bailee that is not a carrier

Unless otherwise agreed, if the goods are being kept by a bailee that is not a carrier, the risks of goods loss or damage shall be passed to the purchaser in one of the following cases:

1. Upon receipt by the purchaser of documents of title to the goods;

2. Upon the confirmation by the bailee of the purchaser’s right to possession of the goods.

Article 60.- Pass of risks in case of purchase and sale of goods in transportation

Unless otherwise agreed, if the subject matter of the contract is goods in transportation, the risk of goods loss or damage shall be passed to the purchaser as from the time the contract is entered into.

Article 61.- Pass of risks in other cases

Unless otherwise agreed, the pass of risks in other cases is provided for as follows:

1. For cases not specified in Articles 57, 58, 59 and 60 of this Law, the risk of goods loss or damage is to be passed to the purchaser as from the time the goods fall under the purchaser’s right of disposal and the purchaser breaches the contract by rejecting the goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62.- Time of transferring ownership of goods

Unless otherwise provided for by law or agreed upon by the parties, ownership of goods shall be passed from the seller to the purchaser as from the time of handover of the goods.

SECTION 3. PURCHASE AND SALE OF GOODS THROUGH THE GOODS EXCHANGE

Article 63.- Purchase and sale of goods though the Goods Exchange

1. Purchase and sale of goods through the Goods Exchange mean commercial activities whereby the parties agree to purchase and sell a defined quantity of goods of a defined type through the Goods Exchange under the standards of the Goods Exchange, at a price agreed upon at the time the contract is entered into, and with the time of goods delivery determined to be a specific point of time in the future.

2. The Government shall specify activities of purchase and sale of goods through the Goods Exchange.

Article 64.- Contracts for purchase and sale of goods through the Goods Exchange

1. Contracts for purchase and sale of goods through the Goods Exchange include forward contracts and option contracts.

2. Forward contract means an agreement whereby the seller undertakes to deliver and the purchaser undertakes to receive the goods at a specific point of time in the future under the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 65.- Rights and obligations of parties to forward contracts

1. Where the seller delivers the goods under the contract, the purchaser is obliged to receive the goods and pay for them.

2. Where the parties agree that the purchaser may make cash payment and reject the goods, the purchaser shall have to pay to the seller a sum of money equal to the difference between the price agreed upon in the contract and the market price announced by the Goods Exchange at the time the contract is performed.

3. Where the parties agree that the seller may make cash payment and refuse to deliver the goods, the seller shall have to pay to the purchaser a sum of money equal to the difference between the market price announced by the Goods Exchange at the time the contract is performed and the price agreed upon in the contract.

Article 66.- Rights and obligations of parties to option contracts

1. The call option or put option purchaser shall have to pay for option purchase in order to become call option or put option holder. The sum of money to be paid for option purchase shall be agreed upon by the parties.

2. The call option holder has the right to purchase but is not obliged to purchase goods ascertained in the contract. Where the call option holder decides to perform the contract, the seller shall be obliged to sell goods to the call option holder. The seller that has no goods to deliver shall have to pay to the call option holder a sum of money equal to the difference between the price agreed upon in the contract and the market price announced by the Goods Exchange at the time the contract is performed.

3. The put option holder has the right to sell but is not obliged to sell goods ascertained in the contract. Where the put option holder decides to perform the contract, the purchaser shall be obliged to purchase goods from the put option holder. Where the purchaser does not purchase goods, it shall have to pay to the put option holder a sum of money equal to the difference between the market price announced by the Goods Exchange at the time the contract is performed and the price agreed upon in the contract.

4. Where the call option or put option holder decides not to perform the contract within the valid duration of the contract, the contract shall automatically be invalidated.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Goods Exchange has the following functions:

a/ Providing the material - technical conditions necessary for transactions of purchasing or selling goods;

b/ Running trading operations;

c/ Listing specific prices formed at the Goods Exchange at each specific time.

2. The Government shall specify the conditions for the establishment of the Goods Exchange, the powers and tasks of the Goods Exchange, and the approval of the operation charter of the Goods Exchange.

Article 68.- Goods traded at the Goods Exchange

The list of goods traded at the Goods Exchange shall be promulgated by the Trade Minister.

Article 69.- Brokers for purchase and sale of goods through the Goods Exchange

1. Brokers for purchase and sale of goods through the Goods Exchange shall be allowed to operate at the Goods Exchange only when they fully satisfy the conditions provided for by law. The Government shall specify the conditions for operation of brokers for the purchase and sale of goods through the Goods Exchange.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Brokers for purchase and sale of goods through the Goods Exchange shall be obliged to deposit money at the Goods Exchange to secure the performance of their obligations arising in the course of goods purchase and sale brokerage activities. The deposit level shall be set by the Goods Exchange.

Article 70.- Prohibited acts of brokers for purchase and sale of goods through the Goods Exchange

1. Enticing customers to enter into contracts by promising to compensate the whole or part of loss incurred or to guarantee profits for them.

2. Offering or conducting brokerage for goods without entering into contracts with customers.

3. Using sham prices or other fraudulent measures in the course of brokerage.

4. Refusing or unreasonably delaying the brokerage for contracts in accordance with contents agreed upon with customers.

5. Other prohibited acts specified in Clause 2, Article 71 of this Law.

Article 71.- Prohibited acts in activities of purchase and sale of goods through the Goods Exchange

1. Staff members of the Goods Exchange shall not be allowed to conduct the brokerage for, purchase or sale of goods through the Goods Exchange.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Committing fraudulences or deceits about volumes of goods in forward or option contracts which are transacted or may be transacted, and fraudulences and deceits about real prices of goods in forward or option contracts;

b/ Supplying false information on transactions, the market or prices of goods purchased or sold through the Goods Exchange;

c/ Applying illegal measures to cause disorder of the goods market at the Goods Exchange;

d/ Committing other prohibited acts provided for by law.

Article 72.- Application of management measures in emergency cases

1. Emergency cases mean circumstances where the disorder of the goods market occurs, making transactions through the Goods Exchange unable to accurately reflect the goods supply and demand relation.

2. In emergency cases, the Trade Minister shall be entitled to apply the following measures:

a/ Temporarily suspending transactions through the Goods Exchange;

b/ Limiting transactions within a price bracket or a specific quantity of goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Adjusting the operation charter of the Goods Exchange;

e/ Other necessary measures as provided for by the Government.

Article 73.- Right to conduct the purchase and sale of goods through overseas Goods Exchanges

Vietnamese traders are entitled to conduct purchase and sale of goods through overseas Goods Exchanges according to regulations of the Government.

Chapter III

PROVISION OF SERVICES

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS ON ACTIVITIES OF PROVISION OF SERVICES

Article 74.- Forms of service contracts

1. A service contract shall be expressed in verbal or written form or established with specific acts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Unless otherwise provided for by law or treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, traders shall have the following rights to provide services:

a/ To provide services to residents in Vietnam for use in the Vietnamese territory;

b/ To provide services to non-residents in Vietnam for use in the Vietnamese territory;

c/ To provide services to residents in Vietnam for use in foreign territories;

d/ To provide services to non-residents in Vietnam for use in foreign territories.

2. Unless otherwise provided for by law or treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, traders shall have the following rights to use services:

a/ To use services provided in the Vietnamese territory by residents in Vietnam;

b/ To use services provided in the Vietnamese territory by non-residents in Vietnam;

c/ To use services provided in foreign territories by residents in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall specify the residents and non-residents that are subject to the implementation of tax and import-export management policies toward various types of services.

Article 76.- Services banned from business, services subject to business restrictions and services subject to conditional business

1. On the basis of socio-economic conditions in each period and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, the Government shall specify the lists of services banned from business, services subject to business restrictions and services subject to conditional business as well as the conditions for providing such services.

2. Services subject to business restrictions and services subject to conditional business shall be provided only when these services and parties involved in the provision thereof fully satisfy the conditions defined by law.

Article 77.- Application of urgent measures to activities of providing or using services

Where it is necessary to protect the national security and other national interests in compliance with the Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, the Prime Minister shall decide on application of urgent measures to activities of providing or using services, including temporary ban on the provision or use of one or several types of service or other urgent measures to one or several particular markets for a definite time period.

SECTION 2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF PARTIES TO SERVICE CONTRACTS

Article 78.- Obligations of the service providers

Unless otherwise agreed, the service provider shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To preserve and hand back to their customers documents and means supplied to them for the service provision after the completion thereof;

3. To promptly notify to their customers in cases where information and documents are insufficient and means are inadequate for completion of the service provision;

4. To keep secret information they know in the course of service provision if so agreed upon by the parties or provided for by law.

Article 79.- Obligations of the service providers according to performance result

Unless otherwise agreed, if the nature of the type of service to be provided requires a service provider to achieve a certain result, the service provider must conduct the service provision with a result appropriate with the terms and purpose of the contract. Where the contract does not specify the standards of result to be achieved, the service provider must conduct the service provision with a result compliant with the common standards applicable to such type of service.

Article 80.- Obligations of the service providers to make the best effort

Unless otherwise agreed, if the nature of the type of service to be provided requires a service provider to make the best effort to achieve a desired result, the service provider shall perform the obligation of service provision with the best effort and the highest capacity.

Article 81.- Cooperation among service providers

Where under a contractual agreement or on the basis of practical circumstances, a service is jointly performed by many service providers or performed by a service provider in cooperation with other service providers, each of the said service providers shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To carry out any necessary cooperation with other service providers.

Article 82.- Time limit for completion of services

1. Service providers must complete their services within the time limits already agreed upon in contracts.

2. Where there is no agreement on the time limits for completing services, service providers shall have to complete their services within a reasonable time limit on the basis of taking into account all conditions and circumstances which service providers knew at the time the contracts were entered into, including any specific needs of customers regarding such time limit for service completion.

3. Where a service can be completed only when the customer or another service provider satisfies certain conditions, the provider of such service is not obliged to complete his/her service until those conditions are satisfied.

Article 83.- Customers’ requests for changes during the provision of services

1. During the provision of services, service providers must satisfy all reasonable requests of their customers for changes during the provision of services.

2. Unless otherwise agreed, customers must bear reasonable expenses for the satisfaction of their requests for changes.

Article 84.- Continued provision of services after the expiration of the time limit for completing the provision of services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 85.- Obligations of customers

Unless otherwise agreed, customers shall have the following obligations:

1. To pay charges for provision of services as agreed upon in contracts;

2. To provide in a timely manner plans, instructions and other details so that the provision of services can be made without any delay or interruption;

3. To cooperate with service providers in all other matters necessary for the proper provision of services;

4. Where a service is performed jointly by many service providers or by a provider in coordination with other service providers, customers shall be obliged to coordinate operations of these service providers so as not to impede the work of any service provider.

Article 86.- Service charge rate

Where there is no agreement on service charge rate, no agreement on methods of determining service charge rate, and also there is not any indication to service charge rate, the service charge rate shall be determined according to the charge rate of the same type of service under similar conditions on mode of provision, time of provision, geographical market, mode of payment and other conditions which can affect the service charge rate.

Article 87.- Time limit for payment

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

COMMERCIAL PROMOTION

SECTION 1. SALE PROMOTION

Article 88.- Sale promotion

1. Sale promotion means activities of commercial promotion conducted by traders to promote the purchase and sale of goods or the provision of services by offering certain benefits to customers.

2. Traders conducting sale promotion are those falling into one of the following cases:

a/ Traders directly conduct sale promotion for goods and/or services that they trade in;

b/ Traders engaged in providing sale promotion services conduct sale promotion for goods and/or services of other traders under an agreement with the latter.

Article 89.- Provision of sale promotion service

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 90.- Sale promotion service contracts

Sale promotion service contracts must be made in writing or in other forms of equal legal validity.

Article 91.- Rights of traders to conduct sale promotion

1. Vietnamese traders, branches of Vietnamese traders, and Vietnam-based branches of foreign traders shall have the right to conduct sale promotion themselves or to hire traders engaged in provision of sale promotion services to do so.

2. Representative offices of traders shall not be allowed to conduct sale promotion themselves or to hire other traders to conduct sale promotion in Vietnam for the traders that they are representing.

Article 92.- Forms of sale promotion

1. Giving samples of goods or providing samples of services to customers for trial use free of charge.

2. Presenting goods as gifts or providing free-of-charge services to customers.

3. Selling goods or providing services at prices lower than goods sale prices or service provision charge rates previously applied during the period of sale promotion already registered or announced. In case of goods or services subject to the State management over their prices, the sale promotion in this form shall comply with regulations of the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Selling goods or providing services together with prize-contest entrance tickets to customers, for purpose of selecting prize winners according to the rules and prizes already announced.

6. Selling goods or providing services together with opportunities for customers to participate in games of chance, the participation in which comes after the purchase of goods or services and the winning of prizes depends on the luck of participants according to the rules and prizes already announced.

7. Organizing programs for frequent customers whereby gifts are presented to customers on the basis of the quantities or values of goods purchased or services used by such customers and expressed in forms of customers’ cards, coupons acknowledging the purchase of goods or services, or other forms.

8. Organizing cultural, artistic or entertainment programs or other events for customers for the purpose of sale promotion.

9. Other forms of sale promotion if approved by the State management agency in charge of commerce.

Article 93.- Sale promotion goods and services

1. Sale promotion goods and services mean goods and services use by traders to promote their sale and provision in various forms of sale promotion.

2. Sale promotion goods and services must be those traded lawfully.

Article 94.- Goods and services used for sale promotion, sale promotion discount rates

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Goods and services used by traders for sale promotion may be goods and services they are trading in or other goods and services.

3. Goods and services used for sale promotion must be those traded lawfully.

4. The Government shall specify the maximum value of goods and services used for sale promotion, and the maximum discount rate for sale promotion goods and services, which traders can apply in their sale promotion activities.

Article 95.- Rights of traders conducting sale promotion

1. To choose the form, time and venue for sale promotion, goods and services to be used for sale promotion.

2. To define specific benefits which customers shall be entitled to enjoy according to Clause 4, Article 94 of this Law.

3. To hire traders engaged in the business of providing sale promotion services to conduct sale promotion for them.

4. To organize the application of the sale promotion forms specified in Article 92 of this Law.

Article 96.- Obligations of traders conducting sale promotion

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To publicly notify all information on sale promotion activities to customers according to Article 97 of this Law.

3. To strictly adhere to the sale promotion program already announced, and to fulfill their commitments with customers.

4. With regard to the forms of sale promotion specified in Clause 6, Article 92 of this Law, traders must set aside and remit 50% of the value of the prizes already announced into the state budget in cases where there is no prize-winner.

The Trade Minister shall provide for specific forms of sale promotion under prize programs which must comply with this provision.

5. To comply with agreements in sale promotion service contracts if traders conducting sale promotion are those providing sale promotion services.

Article 97.- Information that must be publicly notified

1. For all forms of sale promotion specified in Article 92 of this Law, traders conducting sale promotion must publicly notify the following information:

a/ Names of sale promotion activities;

b/ Sale prices or charge rates of sale promotion goods or services and related costs for delivery of sale promotion goods or services to customers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Sale promotion duration, the starting date and ending date and area of sale promotion activities;

e/ Where benefits of the participation in sale promotion depend on specific conditions, notices must clearly state that such sale promotion activities are conditional and specific conditions.

2. Apart from the information defined in Clause 1 of this Article, traders shall also publicly notify the following sale promotion-related information:

a/ Sale prices of goods or charge rates of services given as gifts to customers, for the form of sale promotion mentioned in Clause 2, Article 92 of this Law;

b/ Absolute value or discount percentage of normal prices of goods, or normal charge rates of services before the sale promotion duration, for the form of sale promotion specified in Clause 3, Article 92 of this Law;

c/ Monetary values or specific benefits of coupons which customers are entitled to enjoy; places of sale of goods or provision of services as well as types of goods or services which customers may receive from coupons, for the form of sale promotion specified in Clause 4, Article 92 of this Law;

d/ Types of prize and value of each prize; rules for participation in sale promotion programs, method of selecting prize-winners, for the form of sale promotion specified in Clauses 5 and 6, Article 92 of this Law;

e/ Expenses which must be borne by customers, for the form of sale promotion specified in Clauses 7 and 8, Article 92 of this Law.

Article 98.- Modes of notification

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ At places where goods are sold and where goods are displayed for sale;

b/ On goods or their packing;

c/ In any other forms which must be attached to goods when such goods are sold.

2. The notification of sale promotion for services according to the provisions of Article 97 of this Law shall be made by one of the following modes:

a/ At places where services are provided;

b/ In any other forms which must be provided together with services when such services are provided.

Article 99.- Keeping secret information on sale promotion programs and details

Where sale promotion programs must be approved by competent state agencies, such agencies must keep secret the sale promotion programs and details provided by traders until such programs are approved by competent state agencies.

Article 100.- Prohibited acts in sale promotion activities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Using, for sale promotion purpose, goods and services which are banned from business; goods and services subject to business restrictions; goods not yet permitted for circulation; and services not yet permitted for provision;

3. Conducting sale promotion for alcohol and beer, or using alcohol and beer for sale promotion targeted at under-18 people;

4. Conducting sale promotion for, or using cigarette or alcohol of an alcoholic volume of 30o or higher for sale promotion in any form;

5. Conducting untruthful or misleading sale promotion for goods and services so as to deceive customers;

6. Conducting sale promotion for selling inferior-quality goods, causing harms to the environment, human health and other public interests;

7. Conducting sale promotion at schools, hospitals or offices of state agencies, political organizations, socio-political organizations and people’s armed forces units;

8. Promising to present gifts or prizes but failing to do so or doing it improperly;

9. Conducting sale promotion for purpose of unfair competition;

10. Conducting sale promotion with the value of sale promotion goods and/or services exceeding the maximum limit or the maximum discount rate of sale promotion goods and services mentioned in Clause 4, Article 94 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Before conducting sale promotion activities, traders must register them with the state management agency in charge of commerce, and after such sale promotion activities are completed, report sale promotion results to such agency.

2. The Government shall provide for in detail the registration of sale promotion activities with, and the notification of results of such activities to, the state management agency in charge of commerce.

SECTION 2. COMMERCIAL ADVERTISING

Article 102.- Commercial advertising

Commercial advertising means commercial promotion activities of traders aimed at introducing to customers their goods and service business activities.

Article 103.- Right to commercial advertising

1. Vietnamese traders, branches of Vietnamese traders and branches of foreign traders licensed to conduct commercial activities in Vietnam shall have the right to advertise their goods and/or service business activities or to hire traders providing advertising services to do so for them.

2. Representative offices of traders must not directly conduct commercial advertising activities. When being authorized by traders, representative offices may sign contracts with traders providing commercial advertising services to advertise for the traders they are representing.

3. Foreign traders who wish to commercially advertise their goods and/or service business activities in Vietnam shall have to hire Vietnamese traders engaged in business of providing commercial advertising services to do so.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Provision of commercial advertising services means commercial activities of traders aimed at conducting commercial advertisement for other traders.

Article 105.- Commercial advertising products

Commercial advertising products consist of information in images, actions, sounds, voices, scripts, symbols, colors and lights containing commercial advertising details.

Article 106.- Means of commercial advertising

1. Means of commercial advertising are instruments used for introducing commercial advertising products.

2. Means of commercial advertising include:

a/ The mass media;

b/ Means of communications;

c/ Publications of all kinds;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Other means of commercial advertising.

Article 107.- Use of means of commercial advertising

1. The use of means of commercial advertising specified in Article 106 of this Law must comply with the regulations of the competent state management body.

2. The use of means of commercial advertising must satisfy the following requirements:

a/ Being in compliance with the provisions of law on press, publishing, information, programs on cultural or sport activities, trade fairs and exhibitions;

b/ Being in compliance with the regulations on locations of advertisement, causing no adverse impact on the landscape, environment, traffic order and safety, and social safety;

c/ Being in accordance with the intensity, time volume and timing prescribed for each type of mass media.

Article 108.- Protection of intellectual property rights over commercial advertising products

Traders shall have the right to register for protection of their intellectual property rights over commercial advertising products according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Advertisements which reveal state secrets, are detrimental to the national independence, sovereignty and security, and social order and safety.

2. Advertisements that use advertising products or means of advertisement which are contrary to the historic, cultural and ethical traditions and the fine customs and practices of Vietnam and in contravention of law.

3. Advertisements for goods and services which are banned or restricted from business or banned from advertisement by the State.

4. Advertisements for cigarette and alcohol with an alcoholic volume of 30o or higher and products and goods not yet permitted for circulation or services not yet permitted for provision in the Vietnamese market at the time of advertising.

5. Commercial advertisements which can be taken advantage of to cause harms to interests of the State, organizations and/or individuals.

6. Advertisements using the method of comparing a trader’s goods and service production and business activities with goods and service production and business activities of the same kind of other traders.

7. Advertisements containing untruthful information on any of the following contents: quantity, quality, price, utility, design, origin, category, packing, service mode and warranty duration of goods or services.

8. Advertisements for a trader’s business activities by using advertising products which infringe upon intellectual property rights; using images of other organizations or individuals for advertising purpose without the consent of such organizations or individuals.

9. Advertisements for the purpose of unfair competition according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Commercial advertising service contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 111.- Rights of commercial advertising hirers

Unless otherwise agreed, commercial advertising hirers shall have the following rights:

1. To select commercial advertising distributors, forms, contents, means, scope and duration;

2. To inspect and supervise the performance of commercial advertising service contracts.

Article 112.- Obligations of commercial advertising hirers

Unless otherwise agreed, commercial advertising hirers shall have the following obligations:

1. To supply commercial advertising service providers with truthful and accurate information on goods and commercial service business activities, and to be responsible for such information;

2. To pay commercial advertising service charges and other reasonable costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, commercial advertising service providers shall have the following rights:

1. To request commercial advertising hirers to supply truthful and accurate information according to agreements in contracts;

2. To receive commercial advertising service charges and other reasonable costs.

Article 114.- Obligations of commercial advertising service providers

Unless otherwise agreed, commercial advertising service providers shall have the following obligations:

1. To comply with service hirers’ choice of commercial advertising distributors, forms, contents, means, scope and duration;

2. To organize truthful and accurate advertisement for goods or commercial service business activities according to information supplied by advertising hirers;

3. To perform other obligations agreed upon in commercial advertising service contracts.

Article 115.- Commercial advertising distributors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 116.- Obligations of commercial advertising distributors

Commercial advertising distributors shall have the following obligations:

1. To comply with the provisions of Article 107 of this Law on the use of means of commercial advertising;

2. To perform advertising distribution contracts already entered into with advertising distribution hirers;

3. To perform other obligations provided for by law.

SECTION 3. DISPLAY AND INTRODUCTION OF GOODS AND SERVICES

Article 117.- Display and introduction of goods and services

Display and introduction of goods and services mean commercial promotion activities of traders that use goods and/or services and documents thereon to introduce such goods and/or services to customers.

Article 118.- Right to display and introduce goods and services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Representative offices of traders shall not be allowed to directly display and introduce goods and/or services of traders they are representing, except for displays and introductions at their offices. When being authorized by traders, representative offices shall have the right to enter into contracts with traders providing goods/service display and introduction services for the display and introduction of goods and/or services of traders they are representing.

3. Foreign traders not yet licensed to conduct commercial activities in Vietnam and wishing to display and introduce their goods and/or services in Vietnam must hire Vietnamese traders providing goods/service display and introduction services to do so.

Article 119.- Provision of goods/service display and introduction services

Provision of goods/service display and introduction services means commercial activities whereby a trader provides goods/service display and introduction services to other traders.

Article 120.- Forms of display and introduction of goods and services

1. Opening showrooms for displaying and introducing goods and/or services.

2. Displaying and introducing goods and/or services at trade centers or in entertainment, sport, cultural or artistic activities.

3. Organizing conferences and seminars involving the display and introduction of goods and/or services.

4. Displaying and introducing goods and/or services online and in other forms specified by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Displayed and introduced goods and/or services must be those which are legally traded in the market.

2. Displayed and introduced goods and/or services must comply with the provisions of law on goods quality and goods labeling.

Article 122.- Conditions for goods imported into Vietnam for display and introduction

Goods imported into Vietnam for display and introduction must, apart from the conditions defined in Article 121 of this Law, also satisfy the following conditions:

1. Being goods permitted for import into Vietnam;

2. Goods which are temporarily imported for display and introduction must be re-exported after the end of such display and introduction within six months as from the date of temporary import; past this time limit, the procedures for time limit prolongation must be carried out at the customs offices where the temporary import has been made;

3. Goods temporarily imported for display and introduction which are sold in Vietnam shall comply with the provisions of Vietnamese law on import goods.

Article 123.- Cases where display and introduction of goods and/or services are prohibited

1. The organization of display and introduction of goods and/or services, or the use of forms and means of goods and/or service display and introduction, which are detrimental to national security, social order and safety, landscape, environment and human health;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Display and introduction of goods and/or services, which reveal state secrets;

4. Display and introduction of goods of other traders for comparison with one’s own goods, except where the goods for comparison are counterfeit goods or goods infringing upon intellectual property rights according to the provisions of law;

5. Display and introduction of goods samples which are inconsistent with goods being traded in terms of quality, price, utility, design, category, packing, warranty duration and other quality standards in order to deceive customers.

Article 124.- Contracts for provision of goods and/or service display and introduction services

Contracts for provision of goods and/or service display and introduction services must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 125.- Rights of goods and/or service display and introduction service hirers

Unless otherwise agreed, goods and/or service display and introduction service hirers shall have the following rights:

1. To request goods and/or service display and introduction service providers to fulfill agreements in contracts;

2. To inspect and supervise the performance of goods and/or service display and introduction service contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, goods and/or service display and introduction service hirers shall have the following obligations:

1. To supply all goods and/or services to be displayed and introduced, or means to service providers as agreed upon in contracts;

2. To supply information on goods and/or services to be displayed and introduced and take responsibility for such information;

3. To pay service charges and other reasonable expenses.

Article 127.- Rights of goods and/or service display and introduction service providers

Unless otherwise agreed, goods and/or service display and introduction service providers shall have the following rights:

1. To request service hirers to supply goods and/or services to be displayed and introduced within time limits agreed upon in contracts;

2. To request service hirers to supply information on goods and/or services to be displayed and introduced and other necessary means as agreed upon in contracts;

3. To receive service charges and other reasonable expenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, goods and/or service display and introduction service providers shall have the following obligations:

1. To display and introduce goods and/or services as agreed upon in contracts;

2. To preserve displayed and introduced goods, documents and means supplied to them during the performance of contracts; and upon the completion of the goods and/or service display and introduction, to return all displayed and introduced goods, documents and means to service hirers;

3. To conduct the goods and/or service display and introduction according to contents agreed with service hirers.

SECTION 4. TRADE FAIRS AND EXHIBITIONS

Article 129.- Trade fairs and exhibitions

Trade fairs and exhibitions mean commercial promotion activities conducted in a concentrated manner at particular locations and for given periods of time for traders to display and introduce their goods and/or services for the purpose of promoting them and seeking opportunities for entering into contracts for sale and purchase of goods or service contracts.

Article 130.- Provision of trade fair and exhibition services

1. Provision of trade fair and exhibition services means commercial activities whereby traders dealing in these services provide services of organizing or participating in trade fairs and exhibitions to other traders for receiving trade fair and exhibition organization service charges.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 131.- Rights to organize or participate in trade fairs and exhibitions

1. Vietnamese traders, branches of Vietnamese traders, Vietnam-based branches of foreign traders shall have the right to directly organize or participate in trade fairs and exhibitions for goods and/or services they trade in or hire traders providing trade fair and exhibition services to do so.

2. Representative offices of traders shall not be allowed to directly organize or participate in trade fairs and exhibitions. When being authorized by traders, representative offices shall have the right to sign contracts with traders providing trade fair and exhibition services to do so for the traders they are representing.

3. Foreign traders shall have the right to directly participate or hire Vietnamese traders providing trade fair and exhibition services to participate, on their behalf, in trade fairs and exhibitions in Vietnam. Where they wish to organize trade fairs and exhibitions in Vietnam, foreign traders must hire Vietnamese traders providing trade fair and exhibition services to do so.

Article 132.- Organization of trade fairs and exhibitions in Vietnam

1. Trade fairs and exhibitions organized in Vietnam must be registered with and certified in writing by the state management agencies in charge of commerce of the provinces or centrally-run cities where such trade fairs and exhibitions are to be organized.

2. The Government shall specify the order, procedures, contents of registration and certification of the organization of trade fairs and exhibitions in Vietnam provided for in Clause 1 of this Article.

Article 133.- Organization of and participation in overseas trade fairs and exhibitions

1. Traders not providing trade fair and exhibition services, when directly organizing or participating in overseas trade fairs and exhibitions for goods and/or services they trade in, must comply with the regulations on export of goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Traders that have not yet registered their business of providing trade fair and exhibition services shall not be allowed to arrange for other traders to participate in overseas trade fairs and exhibitions.

4. The Government shall specify the order, procedures and contents of registration for organization of, and participation in, overseas trade fairs and exhibitions provided for in Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 134.- Goods and/or services displayed and introduced at trade fairs and exhibitions in Vietnam

1. Goods and/or services which are not permitted for participation in trade fairs and exhibitions include:

a/ Goods and/or services banned from business, subject to business restrictions, or not yet permitted for circulation according to the provisions of law;

b/ Goods and/or services provided by overseas traders and banned from import according to the provisions of law;

c/ Counterfeit goods and goods infringing upon intellectual property rights, except where they are displayed and introduced for comparison with genuine ones.

2. Apart from the provisions of this Law on trade fairs and exhibitions, goods and/or services subject to specialized management must also comply with regulations on specialized management of such goods and/or services.

3. Goods temporarily imported for participation in trade fairs or exhibitions in Vietnam must be re-exported within thirty days after the end of such trade fairs or exhibitions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 135.- Goods and/or services participating in overseas trade fairs and exhibitions

1. All types of goods and services shall be permitted to participate in overseas trade fairs and exhibitions, except for those banned from export according to the provisions of law.

2. Goods and/or services banned from export shall only be permitted for participation in overseas trade fairs and exhibitions when so approved by the Prime Minister.

3. The time limit for temporary export of goods for participation in overseas trade fairs and exhibitions shall be one year from the date such goods are temporarily exported. If past that time limit, the goods are not re-imported yet, such goods shall be subject to taxes and other financial obligations as provided for by Vietnamese law.

4. The temporary export for re-import of goods for participation in overseas trade fairs and exhibitions must comply with the provisions of customs law and other relevant provisions of law.

Article 136.- Sale, presentation of goods as gifts and provision of services at trade fairs and exhibitions in Vietnam

1. Goods and services displayed and introduced at trade fairs and exhibitions in Vietnam are permitted to be sold, presented as gifts or provided at such trade fairs and exhibitions; for imported goods, registration thereof must be made with customs offices, except for the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. Goods which are imported under permits of competent state agencies shall be sold or presented as gifts only after written approvals of such competent state agencies are obtained.

3. The sale and presentation of goods as gifts at trade fairs and exhibitions mentioned in Clause 2, Article 134 o this Law must comply with regulations on specialized import management of such goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 137.- Sale, presentation of Vietnamese goods as gifts and provision of Vietnamese services participating in overseas trade fairs and exhibitions

1. Vietnamese goods and services participating in overseas trade fairs and exhibitions are permitted to be sold, presented as gifts or provided at such trade fairs and exhibitions, except the cases defined in Clauses 2 and 3 of this Article.

2. The sale and presentation as gifts of goods, which are banned from export but have been temporarily exported for participation in overseas trade fairs and exhibitions, shall be made only after the Prime Minister’s approval is obtained.

3. Goods exported under permits of competent state agencies shall be sold or presented as gifts only after written approvals of such competent state agencies are obtained.

4. Vietnamese goods and/or services participating in overseas trade fairs and exhibitions and being sold, presented as gifts or provided overseas shall be subject to taxes and other financial obligations as provided for by law.

Article 138.- Rights and obligations of organizations and individuals participating in trade fairs and exhibitions in Vietnam.

1. To exercise rights and perform obligations as agreed upon with traders organizing trade fairs and exhibitions.

2. To sell, present goods as gifts and provide services displayed and introduced at trade fairs and exhibitions according to the provisions of law.

3. To temporarily import and re-export goods and documents on goods and/or services for display at trade fairs and exhibitions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 139.- Rights and obligations of traders organizing or participating in overseas trade fairs and exhibitions

1. To temporarily export and re-import goods and documents on goods and/or services for display and introduction at trade fairs or exhibitions.

2. To comply with regulations on organization of, and participation in, overseas trade fairs and exhibitions.

3. To sell and present as gifts goods displayed and introduced at overseas trade fairs and exhibitions; and to pay taxes and fulfill other financial obligations as provided for by Vietnamese law.

Article 140.- Rights and obligations of traders providing trade fair and exhibition services

1. To post up topics and durations of trade fairs and exhibitions at places where such trade fairs and exhibitions are to be organized before their opening dates.

2. To request service hirers to supply goods for participation in trade fairs and exhibitions within time limits agreed upon in contracts.

3. To request service hirers to supply information on goods and/or services for participation in trade fairs and exhibitions and other necessary means as agreed upon in contracts;

4. To receive service charges and other reasonable expenses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

INTERMEDIARY ACTIVITIES IN COMMERCE

SECTION 1. REPRESENTATION OF TRADERS

Article 141. Representation for traders

1. Representation for traders is defined as an arrangement where a trader is granted authorization (hereinafter referred to as the representative) by another trader (hereinafter referred to as the principal) to perform trades under the name or direction of the former, and earn remunerations for his/her representation service rendered.

2. Where a trader assigns one of his/her employees as his/her representative, the Civil Code shall be applied.

Article 142. Agreement on representation for traders

An agreement on representation for traders must be in writing or take other forms which have the same legal value.

Article 143. Scope of representation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 144. Duration of representation for traders

1. Duration of representation shall be agreed upon by contracting parties.

2. In the absence of any agreement, the validity duration of representation ends in either case where the principal or the representative notifies the other of termination of the representation agreement.

3. Unless otherwise agreed, if the principal unilaterally gives notification of termination of an agreement on representation in accordance with Clause 2 of this Article, the representative shall be entitled to claim remunerations paid by the principal for conclusion of contracts with his/her own clients and other payments that (s)he would have received.

4. Where duration of representation ends in such a manner, referred to in Clause 2 of this Article, upon the request of the representative, the representative shall be deprived of the right to claim any remuneration for trades that (s)he would have received, unless otherwise agreed upon by contracting parties.

Article 145. Obligations of the representative

Unless otherwise agreed, the representative shall take on the following obligations:

1. Perform trades under the name, and for the interests of, the principal;

2. Inform the principal of opportunities for, and outcomes of, performance of trades which have been authorized; 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Avoid performing trades under the name of his/her own or of any third party within the scope of representation;

5. Avoid disclosing or providing any non-party confidential information about his/her trades during the validity duration when his/her representation is rendered and within two years after that representation agreement is terminated;

6. Provide safe custody of assets or documents which have been entrusted to perform representation activities.

Article 146. Obligations of the principal

Unless otherwise agreed, the principal shall assume the following obligations:

1. Promptly inform the representative of conclusion of contracts that the representative has negotiated, execution of contracts that the representative has negotiated, approval or rejection of activities which do not fall within the agreed remit of the representative;

2. Provide assets, documents and any information necessary for the representative’s contractual representation activities;

3. Pay remunerations and other reasonable expenses to the representative;

4. Duly inform the representative of possibility that a contract may not be concluded or executed within the stated scope of representation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The representative shall be entitled to remunerations for any contract which is concluded within the contractual scope of representation. Entitlement to such remunerations arises as from the date agreed upon in an agreement on representation by contracting parties.

2. In the absence of any agreement, remuneration rate shall be defined in accordance with Article 86 hereof.

Article 148. Payment for any expense incurred

Unless otherwise agreed, the representative shall be accorded the right to claim payments for any expense incurred on a reasonable basis for the purpose of performing contractual representation activities.

Article 149. Lien

Unless otherwise agreed, the representative shall be entitled to exercise lien over entrusted assets and documents to secure the payment of remunerations and expenses due.

SECTION 2. COMMERCIAL BROKERAGE

Article 150.- Commercial brokerage

Commercial brokerage means a commercial activity whereby a trader acts as an intermediary (referred to as broker) between parties selling and purchasing goods or providing commercial services (referred to as principals) in the course of negotiations and entering into contracts for sale and purchase of goods or provision of services and shall be entitled to a remuneration under a brokerage contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, a commercial broker shall have the following obligations:

1. To preserve samples of goods and documents assigned for the performance of brokerage activities, and to return them to the principals after the completion of brokerage;

2. Not to disclose or supply information to the detriment of the interests of the principals;

3. To be responsible for the legal status, but not for the solvency, of the principals;

4. Not to take part in the performance of contracts between the principals, except where so authorized by the principals.

Article 152.- Obligations of principals

Unless otherwise agreed, a principal shall have the following obligations:

1. To supply information, documents, necessary means related to goods and services;

2. To pay brokerage remuneration and other reasonable expenses to the broker.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Unless otherwise agreed, the right to enjoy brokerage remuneration arises from the time the principals enter into contracts.

2. Where there is no agreement, brokerage remuneration rates shall be determined according to the provisions of Article 86 of this Law.

Article 154.- Payment of expenses incurred in relation to brokerage

Unless otherwise agreed, principals must pay all reasonable expenses incurred in relation to brokerage to brokers, even where the brokerage does not bring about any results for principals.

SECTION 3. SALE AND PURCHASE OF GOODS BY MANDATED DEALERS

Article 155.- Purchase and sale of goods by mandated dealers

Purchase and sale of goods by mandated dealers mean commercial activities whereby the mandatory conducts the purchase and sale of goods in his/her/its own name under terms agreed upon with the mandator and is entitled to receive mandate commission.

Article 156.- Mandatories

A mandatory for purchase and sale of goods is a trader dealing in goods which are consistent with the mandated goods and conducting the purchase and sale of goods under terms agreed upon with the mandator.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A mandator of purchase and sale of goods may, or may not, be a trader that authorizes a mandatory to conduct the purchase and sale of goods at his/her/its request and pays a commission.

Article 158.- Mandated goods

All goods which are lawfully circulated may become the subject matter of a mandated sale and purchase.

Article 159.- Mandate contracts

Mandate contracts for purchase and sale of goods must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 160.- Sub-mandate to a third party

A mandatory shall not be allowed to sub-mandate a third party to perform the signed mandate contract for purchase and sale of goods, except where it is so approved in writing by the mandator.

Article 161.- Multilateral mandate

A mandatory may accept the mandate for purchase and sale of goods from different mandators.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, mandators shall have the following rights:

1. To request mandatories to supply adequate information on the performance of mandate contracts;

2. Not to bear responsibility in cases where mandatories commit law violations, except for cases specified in Clause 4, Article 163 of this Law.

Article 163.- Obligations of mandators

Unless otherwise agreed, mandators shall have the following obligations:

1. To provide information, documents and means necessary for the performance of mandate contracts;

2. To pay mandate commissions and other reasonable expenses to mandatories;

3. To hand over money and goods as agreed upon;

4. To bear joint responsibility in cases where mandatories commit law violations which are attributable to acts of mandators or intentional law-breaking acts of the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, mandatories shall have the following rights:

1. To request mandators to provide information and documents necessary for the performance of mandate contracts;

2. To receive mandate commissions;

3. Not to bear responsibility for goods handed over to mandators strictly under agreement.

Article 165.- Obligations of mandatories

Unless otherwise agreed, mandatories shall have the following obligations:

1. To conduct the purchase and sale of goods as agreed upon;

2. To notify mandators of matters related to the performance of mandate contracts;

3. To follow instructions of mandators as agreed upon;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To keep secret information related to the performance of mandate contracts;

6. To hand over money and goods as agreed upon;

7. To bear joint responsibility for law violation acts of mandators, in cases where such law violation acts are partially attributable to their own faults

SECTION 4. COMMERCIAL AGENCY

Article 166.- Commercial agency

Commercial agency means a commercial activity whereby the principal and the agent agree that the agent, in its own name, sells or purchases goods for the principal or provides services of the principal to customers for remuneration.

Article 167.- Principals and agents

1. Principals are traders that deliver goods to agents for sale or provide money to agents for purchase of goods, or traders that authorize the provision of services to service-providing agents.

2. Agents are traders that receive goods to act as sale agents or receive money to act as purchase agents or accepts the authorization to provide services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Agency contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 169.- Forms of agency

1. Off-take agency is a form of agency whereby the agent definitely sells or purchases a specific quantity of goods or provides a full service for the principal.

2. Exclusive agency is a form of agency whereby a sole agent is authorized by the principal to sell or purchase one or more goods items or to provide one or more types of services within a given geographical area.

3. General goods sale or purchase or service provision agency is a form of agency whereby an agent organizes a network of sub-agents to sell or purchase goods, or provide services for the principal.

The general agent represents the network of sub-agents. Sub-agents operate under the management and in the name of the general agent.

4. Other forms of agency agreed upon by the parties.

Article 170.- Ownership right in commercial agency

The principal is the owner of goods or money delivered to the agent(s).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Unless otherwise agreed, agency remuneration shall be paid to agents in the form of commission or price margin.

2. Where principals fix goods purchase or sale prices or service charge rates, agents shall enjoy commissions calculated in percentage of such goods purchase or sale prices or service charge rates.

3. Where principals do not fix goods purchase or sale prices or service charge rates but fix only agency prices, agents shall enjoy price margins. Price margin is determined to be the difference between goods purchase or sale price or service charge rate and the price fixed by the principals for the agent.

4. Where the parties do not agree upon the agency remuneration level, the remuneration level shall be calculated as follows:

a/ The actual remuneration level which has been previously paid by/to parties;

b/ Where Point a of this Clause cannot apply, the agency remuneration level shall be the average remuneration level applicable to the same type of goods or service paid by the principal to other agents;

c/ Where Points a and b of this Clause cannot apply, the agency remuneration level shall be the ordinary remuneration level applicable to the same type of goods or service in the market.

Article 172.- Rights of principals

Unless otherwise agreed, principals shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To fix agency prices;

3. To request agents to take security measures as provided for by law;

4. To request agents to make payments or deliver goods under agency contracts;

5. To inspect and supervise the performance of contracts by agents;

Article 173.- Obligations of principals

Unless otherwise agreed, principals shall have the following obligations:

1. To guide, supply information to, and facilitate, agents to perform agency contracts;

2. To bear responsibility for quality of goods of goods sale or purchase agents, and quality of services of service-providing agents;

3. To pay remuneration and other reasonable expenses to agents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To bear joint responsibility for law violation acts of agents if such law violation acts are partly attributable to their faults.

Article 174.- Rights of agents

Unless otherwise agreed by the parties, agents shall have the following rights:

1. To enter into agency contracts with one or more principals, except for cases specified in Clause 7, Article 175 of this Law;

2. To request principals to deliver goods or money under agency contracts; to take back assets used as security (if any) upon the termination of agency contracts;

3. To request principals to guide, supply information and create other related conditions for the performance of agency contracts;

4. To decide on goods sale prices or service charge rates for customers, for off-take agents;

5. To enjoy remunerations and other lawful rights and interests brought about by agency activities.

Article 175.- Obligations of agents

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To purchase or sell goods or provide services to customers at prices or charge rates fixed by principals;

2. To comply strictly with agreements on handover and receipt of money and goods with principals;

3. To take security measures for performance of civil obligations as provided for by law;

4. To pay to principals any proceeds of the sale of goods, for sale agents; to deliver purchased goods to principals, for purchase agents; or to pay service charges to principals, for service-providing agents;

5. To preserve goods after the receipt thereof, for sale agents, or prior to the delivery thereof, for purchase agents; to bear joint responsibility for quality of goods of purchase or sale agents or quality of services of service-providing agents in cases where they are at fault;

6. To submit to inspection and supervision by principals, and to report to principals on their agency activities;

7. Where it is specified by law that an agent shall be allowed to enter into an agency contract with a principal for a certain type of goods or service, such provision of law must be complied with.

Article 176.- Payment in agency activities

Unless otherwise agreed, payments for goods, payment of service charges and payment of agency remunerations shall be made in installments after agents complete the purchase or sale of a specific quantity of goods or the provision of a specific volume of services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Unless otherwise agreed, the duration of agency shall expire only after a reasonable period of time which must be at least 60 days after either party to the agency contract notifies the other party of the termination of such agency contract.

2. Unless otherwise agreed, if the principal notifies the termination of the agency contract according to the provisions of Clause 1 of this Article, the agent shall have the right to request the principal to pay a compensation for the period of time during which it has acted as an agent for such principal.

The value of such compensation shall be an average one-month’s agency remuneration for each year the agent has acted as an agent for the principal. Where the duration of agency is less than one year, such compensation shall be equal to an average one-month’s agency remuneration during the agency term.

3. Where an agency contract is terminated at the request of the agent, the agent shall not have the right to request the principal to pay compensation for the period of time during which it has acted as an agent for the principal.

Chapter VI

SOME OTHER SPECIFIC COMMERCIAL ACTIVITIES

SECTION 1. COMMERCIAL PROCESSING

Article 178.- Commercial processing

Commercial processing means a commercial activity whereby a processor uses part or whole of raw materials and materials supplied by the processee to perform one or several stages of the production process at the latter’s request in order to receive remuneration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Processing contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 180.- Goods for processing

1. Goods of all types can be processed, except for goods banned from business.

2. In case of processing of goods for foreign traders for overseas consumption, goods banned from business, goods banned from export or import may be processed if so permitted by competent state agencies.

Article 181.- Rights and obligations of processees

1. To hand over part or whole of raw materials and materials for processing in accordance with processing contracts or transfer money for purchase of materials with agreed quantities, quality and at agreed prices;

2. To take back all processed products, leased or lent machinery and equipment, raw materials, auxiliary materials, supplies and discarded materials after the liquidation of processing contracts, unless otherwise agreed.

3. To sell, destroy, donate or give as gifts on the spot processed products, leased or lent machinery and equipments, raw materials, auxiliary materials, redundant supplies, faulty products and discarded materials according to agreements and provisions of law.

4. To send their representatives to examine and supervise processing activities at processing places, to assign experts to guide production technology and inspect quality of processed products according to agreements in processing contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 182.- Rights and obligations of processors

1. To supply a part or whole of raw materials and materials for processing as agreed upon with processees in terms of quantities, quality, technical standards and prices.

2. To receive processing remunerations and other reasonable expenses.

3. In case of processing for foreign organizations and individuals, to be entitled to export on spot processed products; leased or borrowed machinery and equipment, raw materials, materials, redundant supplies, faulty products and discarded materials under the authorization of processees.

4. In case of processing for foreign organizations and individuals, to be exempt from import tax on machinery, equipment, raw materials, auxiliary materials and supplies, that are temporarily imported for the performance of processing contracts according to the provisions of tax law.

5. To be responsible for the legality of goods processing activities in cases where goods being processed are those banned from business, export or import.

Article 183.- Processing remuneration

1. Processors may receive processing remunerations paid in cash or in processed products, or machinery and equipment used for the processing.

2. In case of processing for foreign organizations and individuals, if processors receive processing remunerations in processed products, machinery and equipment used for processing, regulations on import of such products, machinery and equipment must be complied with.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technology transfer in goods processing with foreign organizations and individuals shall be carried out in accordance with agreements in processing contracts and the provisions of Vietnamese law on technology transfer.

SECTION 2. AUCTION OF GOODS

Article 185.- Auction of goods

1. Auction of goods means a commercial activity whereby sellers themselves conduct or hire auction organizers to conduct public sale of goods to select purchasers that offer the highest prices.

2. Auctions of goods shall be performed by either of the following two modes:

a/ Upward bidding mode, which is an auctioning mode whereby the person who offers the highest price as compared with the reserve price shall have the right to purchase the auctioned goods;

b/ Downward bidding mode, which is an auctioning mode whereby the person who first accepts the reserve price or the lower price next to the reserve price shall have the right to purchase the auctioned goods.

Article 186.- Auction organizers, goods sellers

1. Auction organizers are traders that register the business of providing auctioning services or sell their own goods in cases where goods sellers conduct auctions by themselves.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 187.- Auction participants, auctioneers

1. Auction participants are organizations and individuals that register to participate in auctions.

2. Auctioneers are auction organizers or persons authorized by auction organizers to run auctions.

Article 188.- Auctioning principles

The auction of goods in commerce must be conducted on the principles of publicity, honesty and assurance of legitimate rights and interests of auction participants.

Article 189.- Rights of auction organizers

Unless otherwise agreed, auction organizers shall have the following rights:

1. To request goods sellers to provide fully, accurately and promptly necessary information on auctioned goods, to create conditions for auction organizers or auction participants to examine auctioned goods and hand over auctioned goods to goods purchasers in cases where auction organizers are not goods sellers;

2. To determine reserve prices in cases where auction organizers are sellers of auctioned goods or persons authorized by goods sellers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To request goods purchasers to make payments;

5. To receive auction service charges paid by goods sellers according to the provisions of Article 211 of this Law.

Article 190.- Obligations of auction organizers

1. To organize auctions of goods in compliance with the principles and procedures provided for by law and by auction modes agreed upon with goods sellers.

2. To notify and post up in a public, full and accurate manner necessary information on auctioned goods.

3. To preserve auctioned goods when they are entrusted by sellers for safe-keeping.

4. To display goods, goods samples or documents introducing goods for auction participants to consider.

5. To compile documents on auctions of goods and send them to goods sellers and purchasers and relevant parties according to the provisions of Article 203 of this Law.

6. To deliver auctioned goods to purchasers according to contracts for provision of goods auctioning services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To pay to goods sellers proceeds from the sale of goods, including differences collected from persons that withdraw their offered prices defined in Clause 3, Article 204 of this Law or return unsold goods to goods sellers according to agreements. In case of no agreement, to pay money to goods seller within three working days after receiving money from goods purchasers, or to return the goods immediately within a reasonable time after auctions;

Article 191.- Rights of goods sellers that are not auction organizers

Unless otherwise agreed, goods sellers shall have the following rights :

1. To receive money amounts for auctioned goods and differences collected in cases specified in Clause 3, Article 204 of this Law or receive goods back in case of unsuccessful auctions;

2. To supervise the organization of auctions of goods.

Article 192.- Obligations of goods sellers that are not auction organizers

Unless otherwise agreed, goods sellers shall have the following obligations:

1. To deliver goods to auction organizers, create conditions for auction organizers and auction participants to examine goods, and supply in a full, accurate and timely manner necessary information on auctioned goods;

2. To pay auction organizing service charges according to Article 211 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Goods auction organizing service contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

2. In cases where auctioned goods are objects of pledges or mortgages, goods auction organizing service contracts must be approved by pledgees or mortgagees, and sellers shall have to notify auction participants of the pledged or mortgaged goods.

3. If the auction is agreed upon in pledge or mortgage contracts but pledgors or mortgagors are absent without plausible reasons or refuse to enter into goods auction organizing service contracts, such contracts shall be entered into between pledgees or mortgagees and auction organizers.

Article 194.- Determination of reserve prices

1. Goods sellers must determine reserve prices. In cases where auction organizers are authorized to determine reserve prices, goods sellers must be notified thereof before auctions are posted up.

2. In cases where auctioned goods are objects of pledges or mortgages, pledgees or mortgagees must reach agreements with pledgors or mortgagors on the determination of reserve prices.

3. If the auction is agreed upon in pledge or mortgage contracts but pledgors or mortgagors are absent without plausible reasons or refuse to enter into goods auction organizing service contracts, the reserve prices shall be determined by pledgees or mortgagees.

Article 195.- Notification to persons with rights and obligations related to goods being objects of mortgage or pledge

In cases where goods are objects of pledge or mortgage, auction organizers, simultaneously with posting up goods auctions, must notify persons with related rights and obligations within seven working days before such goods are auctioned according to the provisions of Article 197 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within seven working days before a goods auction is held, the auction organizer must post up the auction at the auction venue, the place of goods display and his/her/its head office according to the provisions of Article 197 of this Law.

2. In cases where auction organizers are also goods sellers, the time limit for posting up auctions shall be decided by goods sellers themselves.

Article 197.- Contents of goods auction notification and posting up

A notice and post-up of a goods auction must have all the following contents:

1. The date and venue of auction;

2. The name and address of the auction organizer;

3. The name and address of the goods seller;

4. The list of goods, their quantities and quality;

5. The reserve prices;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. The place and time for displaying the goods;

8. The place and time for consulting the goods files;

9. The place and time for registering the purchase of goods.

Article 198.- Persons not allowed to participate in auctions

1. Persons who do not have civil act capacity, lose civil act capacity, or have restricted civil act capacity under the provisions of the Civil Code, or persons who, at the time of auction, are unable to cognize or control their acts;

2. Persons working in auctioning organizations; their parents, spouses and children;

3. Persons who have personally conducted the assessment of to be-auctioned goods; their parents, spouses and children;

4. Persons who do not have the right to purchase auctioned goods as provided for by law.

Article 199.- Registration for participation in auctions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Auction organizers may request persons who wish to participate in auctions to make token payments which must not exceed 2% of the reserve prices of auctioned goods.

3. Where persons participating in auctions purchase auctioned goods, their token payments shall be cleared against the purchase prices; if they cannot purchase auctioned goods, their token payments shall be refunded to them right after auctions are completed.

4. Where persons who register for participation in auctions have made token payments but later failed to participate in auctions, auction organizers shall be entitled to retain such token payments.

Article 200.- Display of auctioned goods

Goods, goods samples, documents introducing goods and other necessary information on such goods must be displayed at places announced since the posting up.

Article 201.- Conducting of auctions

An auction shall be conducted in the following order:

1. The auctioneer makes a roll call of registered participants in the goods auction;

2. The auctioneer presents each auctioned goods item, repeats their reserve prices, answer questions of the auction participants, and ask them to offer bids;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. As for the downward bidding mode, the auctioneer must clearly and accurately repeat every reduced price level below the reserve price for at least three times with an interval of at least thirty seconds. The auctioneer shall announce immediately the person who first accepts the reserve price or any reduced price level below the reserve price to have the right to purchase the auctioned goods.

5. In cases where many persons concurrently offer the last price as for the upward bidding mode, or the first price as for the downward bidding mode, the auctioneer shall have to organize a lot drawing among such persons and announce the person who has drawn the winning lot as the purchaser of auctioned goods.

6. The auctioneer shall have to prepare a document on goods auction right at the auction venue, even when the auction is unsuccessful. The auction document must clearly state the auction result and be signed by the auctioneer, the purchaser and two witnesses from among the auction participants. For auctioned goods which must be notarized by the State Notary according to the provisions of law, the auction document must also be notarized.

Article 202.- Unsuccessful auctions

An auction shall be considered unsuccessful in the following cases:

1. There is no auction participant or no bid price is offered;

2. The highest price offered is lower than the reserve price, for the upward bidding mode.

Article 203.- Goods auction documents

1. Goods auction documents are documents certifying the goods purchase and sale. A goods auction document must have the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The name and address of the auctioneer;

c/ The name and address of the goods seller;

d/ The name and address of the goods purchaser;

e/ The time and venue of the auction;

f/ The auctioned goods;

g/ The price at which the goods were sold;

h/ The names and addresses of two witnesses.

2. Auction documents must be sent to goods sellers, goods purchasers and related parties.

3. In case of unsuccessful auctions, auction documents must clearly state that the auctions were unsuccessful and have the contents specified at Points a, b, c, e, f and h, Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In case of an auction by the upward bidding mode, if the person offering the highest price immediately withdraws his/her bid, the auction shall still continue, starting again from the preceding offered price. In case of an auction by the downward bidding mode, if the person who first accepts the price immediately withdraws the accepted price, the auction shall still continue, starting again from the preceding accepted price.

2. The person who withdraws his/her offered price or withdraws his/her acceptance of the price shall not be allowed to further participate in the auction.

3. Where the auctioned goods are sold at a price lower than the withdrawn price which is previously offered for the upward bidding mode, or accepted for the downward bidding mode, the bid withdrawer shall have to pay the price difference to the auction organizer. Where the goods are sold at a higher price, the bid withdrawer shall not be entitled to such a difference.

4. In case of an unsuccessful auction, the bid withdrawer shall have to bear expenses for the auction and not be refunded his/her token payment.

Article 205.- Refusal to purchase

1. Unless otherwise agreed, after auctions are declared to be complete, purchasers shall be held liable. If purchasers refuse to purchase goods, they must obtain consents of goods sellers and bear all costs related to the organization of auctions.

2. In cases where purchasers of auctioned goods have paid token payments but refuse to purchase such goods, they shall not be refunded such token payments. Such token payments shall belong to goods sellers.

Article 206.- Registration of ownership right

1. Auction documents shall serve as basis for the transfer of the ownership right over auctioned goods, which must be registered according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Sellers and auction organizers are obliged to carry out procedures for transferring goods ownership rights to goods purchasers. Expenses for carrying out procedures for such transfer shall be deducted from proceeds from goods sale, unless otherwise agreed.

Article 207.- Time of payment for goods purchase

Time of payment for goods purchase shall be agreed upon by auction organizers and auctioned goods purchasers. If no agreement is reached, the time of payment for goods purchase shall be the time provided for in Article 55 of this Law.

Article 208.- Place of payment for goods purchase

Place of payment for goods purchase shall be agreed upon by auction organizers and goods purchasers. If no agreement is reached, the place of payment shall be the places of business of auction organizers.

Article 209.- Time limit for delivery of auctioned goods

Unless otherwise agreed upon by auction organizers and goods purchasers, the time limit for delivery of auctioned goods is provided for as follows:

1. For goods over which the ownership right is not required to be registered, auction organizers must deliver goods to their purchasers immediately after auction documents are made;

2. For goods over which the ownership rights have been registered, auction organizers must immediately carry out procedures for transferring the ownership rights and deliver goods to their purchasers immediately after the procedures for ownership right transfer are completed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Where goods are things attached to land, the place of delivery thereof is the place where such goods are located.

2. Where goods are movables, the place of delivery thereof is the place where the auction is organized, unless otherwise agreed upon by auction organizers and goods purchasers.

Article 211.- Goods auction service charges

Where there is no agreement on goods auction service charges, such charges shall be determined as follows:

1. In case of successful auctions, auction service charges shall be determined according to Article 86 of this Law;

2. In case of unsuccessful auctions, goods sellers must pay a charge equal to 50% of the charge rate provided for in Clause 1 of this Article.

Article 212.- Expenses related to auctions of goods

Unless otherwise agreed upon between goods sellers and auction organizers, expenses related to auctions of goods shall be determined as follows:

1. Goods sellers shall bear the expenses for transportation of goods to the agreed places and the expenses for preservation of goods in cases where they do not deliver the goods to auction organizers for preservation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 213.- Responsibilities for auctioned goods untrue to notified or posted up ones

1. Within the time limit provided for in Article 318 of this Law, goods purchasers may return the goods to auction organizers and request compensations for damage if the auctioned goods are untrue to notified or posted up ones.

2. Where the auction organizer defined in Clause 1 of this Article is not the seller and the untruthful notified or posted up contents are attributable to the fault of the seller, the auction organizer shall have the right to return the goods and claim damages from the seller.

SECTION 3. BIDDING FOR GOODS OR SERVICES

Article 214.- Bidding for goods or services

1. Bidding for goods or services means a commercial activity whereby a party purchases goods or services through bidding (referred to as bid solicitor) in order to select, among traders participating in the bidding (referred to as bidders), a trader that satisfies the requirements set forth by the bid solicitor and is selected to enter into and perform a contract (referred to as bid winner).

2. The provisions on bidding in this Law shall not apply to bidding for public procurement according to the provisions of law.

Article 215.- Forms of bidding

1. Bidding for goods or services shall be conducted in either of the following two forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Restricted bidding which is a form of bidding whereby the bid solicitor invites only a limited number of bidders to participate in the bidding.

2. The selection of the form of open bidding or restricted bidding shall be decided by bid solicitors.

Article 216.- Modes of bidding

1. Modes of bidding include bidding with one bid dossier bag and bidding with two dossier bags. Bid solicitors shall have the right to select the mode of bidding and must notify such in advance to bidders.

2. In case of bidding by mode of one dossier bag, a bidder shall submit its bid dossier consisting of technical and financial proposals in one dossier bag according to the requirements in the tendering dossier and the opening of bids shall be effected only once.

3. In case of bidding by mode of two dossier bags, a bidder shall submit its bid dossier consisting of technical and financial proposals in two separate dossier bags submitted simultaneously, and the opening of bids shall be effected twice. The dossier on technical proposals shall be opened first.

Article 217.- Pre-qualification of bidders

Bid solicitors may organize the pre-qualification of bidders in order to select those bidders that are capable of satisfying the conditions set forth by bid solicitors.

Article 218.- Tendering dossiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Tendering notice;

b/ Requirements related to goods or services subject to bidding;

c/ Methods of evaluation, comparison, grading and selection of bidders;

d/ Other instructions related to bidding.

2. Expenses for supply of documents provided to bidders shall be stipulated by bid solicitors.

Article 219.- Tendering notice

1. A tendering notice comprises the following principal contents:

a/ Name and address of the bid solicitor;

b/ Brief description of bidding contents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Time limit, place and procedures for submission of bid dossiers;

e/ Instructions for reading tendering dossiers.

2. Bid solicitors shall have to notify on the mass media in case of open bidding or send notices on invitation to register for bidding participation to qualified bidders in case of restricted bidding.

Article 220.- Instructions to bidders

Bid solicitors shall have to provide bidders with instructions on the tendering conditions, procedures to be applied in the bidding process, and to answer questions of bidders.

Article 221.- Management of bid dossiers

Bid solicitors shall have to manage bid dossiers.

Article 222.- Bid bonds

1. Bid bonds shall be made in the form of bid deposit, collateral or guarantee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Bid solicitors shall stipulate the mode and conditions for making deposits, collaterals or providing bid guarantees. In case of bid deposits or collaterals, such deposits or collaterals shall be returned to unsuccessful bidders within seven working days from the date the bidding results are announced.

4. Bidders shall not be allowed to receive back their bid deposits or collaterals in cases where they withdraw bid dossiers after the expiration of the time limit for submitting bid dossiers (referred to as “bidding closure”), fail to enter into contracts or refuse to perform contracts in cases where they are bid winners.

5. Guarantors for bidders are obliged to guarantee bids for the guaranteed within the value equal to deposits or collaterals.

Article 223.- Confidentiality of bidding information

1. Bid solicitors must keep confidential bid dossiers.

2. Organizations and individuals involved in the organization of bidding and in the evaluation and selection of bids must keep confidential information relevant to the bidding.

Article 224.- Bid opening

1. Bid opening is the opening of bid dossiers at a fixed time or in cases where there is no prefixed time, the time of bid opening shall be the time immediately after the bidding closure.

2. All bid dossiers submitted on time must be opened publicly by bid solicitors. Bidders shall be entitled to attend the bid opening.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 225.- Consideration of bid dossiers upon bid opening

1. Bid solicitors consider the validity of bid dossiers.

2. Bid solicitors may request bidders to clarify unclear contents in their bid dossiers. Requests and clarification of bid dossiers must be made in writing.

Article 226.- Minutes of bid opening

1. Upon bid opening, the bid solicitor and bidders that are present shall have to sign the minutes of bid opening.

2. A minutes of bid opening must have the following contents:

a/ Name of goods or service subject to bidding;

b/ Date, time and place of the bid opening;

c/ Names and addresses of the bid solicitor and bidders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Written amendments or supplements and relevant contents, if any.

Article 227.- Evaluation and comparison of bid dossiers

1. Bid dossiers shall be evaluated and compared according to each criterion for an overall evaluation.

The criteria for evaluation of bid dossiers shall be provided for by bid solicitors.

2. The criteria mentioned in Clause 1 of this Article shall be evaluated by the score-giving method or other methods determined prior to the bid opening.

Article 228.- Amendment of bid dossiers

1. Bidders are not allowed to amend their bid dossiers after the bid opening.

2. In the course of evaluation and comparison of bid dossiers, bid solicitors may request bidders to clarify matters related to their bid dossiers. Requests of solicitors and replies of bidders must be made in writing.

3. Where bid solicitors amend some contents in tendering dossiers, they must send such amendments in writing to all bidders at least ten days before the deadline for submitting bid dossiers so that bidders have enough time to finalize their bid dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. On the basis of the result of the evaluation of bid dossiers, bid solicitors shall have to classify and select bidders according to the method already determined.

2. Where many bidders obtain equal scores and equally satisfy criteria to win the bidding, the bid solicitor shall have the right to select winning bidder.

Article 230.- Notification of bidding results and entry into contracts

1. Immediately after bidding results are available, bid solicitors shall have to notify them to bidders.

2. Bid solicitors shall finalize and enter into contracts with bid winners on the following bases:

a/ Bidding results;

b/ Requirements stated in tendering dossiers;

c/ Contents in bid dossiers.

Article 231.- Contract performance security

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Contract performance security measures shall be effective up to the time of completion of contractual obligations by bid winners.

3. Unless otherwise agreed, bid winners shall receive back deposits or collaterals as security for the performance of contracts upon the liquidation of such contracts. Bid winners shall not be entitled to receive back deposits or collaterals as security for the performance of contracts if they refuse to perform such contracts after they are entered into.

4. After paying deposits or making collaterals to secure the contract performance, bid winners shall have their bid deposits or collaterals refunded.

Article 232.- Reorganization of bidding

A bidding shall be reorganized in one of the following cases:

1. Where there is a violation of the regulations on bidding;

2. Where all bidders fail to satisfy the bidding requirements.

SECTION 4. LOGISTIC SERVICES

Article 233.- Logistic services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 234.- Conditions for logistic service provision

1. Traders providing logistic services are enterprises fully satisfying the conditions for logistic service business provided for by law.

2. The Government shall specify logistic service business conditions.

Article 235.- Rights and obligations of traders providing logistic services

1. Unless otherwise agreed, traders providing logistic services shall have the following rights and obligations:

a/ To enjoy service charges and other reasonable expenses;

b/ To depart from instructions of customers during the performance of contracts for plausible reasons and in the interests of customers, provided that customers must be notified thereof immediately;

c/ To notify such customers immediately for further instructions in cases where instructions of customers cannot be followed in part or in whole;

d/ To perform their obligations within a reasonable period of time if there is no agreement on specific time limit for performance of their obligations to customers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 236.- Rights and obligations of customers

Unless otherwise agreed, customers shall have the following rights and obligations:

1. To guide, inspect and supervise the performance of contracts;

2. To provide sufficient instructions to traders providing logistic services;

3. To provide sufficient, detailed and accurate information on the goods to traders providing logistic services;

4. To pack and mark the goods according to contracts for purchase and sale of goods, except where there is an agreement that traders providing logistic services shall undertake to do such job;

5. To compensate for damage caused to, and pay reasonable costs incurred by, traders providing logistic services if such traders have strictly complied with customers’ instructions or if the customers are at fault;

6. To pay traders providing logistic services all amounts due.

Article 237.- Liability exemption for traders providing logistic services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The loss is caused by faults of customers or their authorized persons;

b/ The loss is caused by traders that have strictly followed the instructions of their customers or persons authorized by customers;

c/ The loss is attributed to defects of the goods;

d/ The loss occurs in cases of liability exemption according to law and transportation practices, if traders providing logistic services organize transportation;

e/ Trader providing logistic services are not notified of complaints within fourteen days from the date they deliver goods to recipients;

f/ After being complained against, traders providing logistic services are not notified of lawsuits against them being instituted at arbitrations or courts within nine months from the date of delivery of goods.

2. Traders providing logistic services shall not be liable for the loss of profits which their customers would have earned, for any services delayed or provided at wrong addresses, for which they are not at fault.

Article 238.- Limitation to liability

1. Unless otherwise agreed, the full liability of traders providing logistic services shall not exceed the limitation of liability for the full loss of the goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Traders providing logistic services shall not enjoy the limitation of liability for damage compensation if persons with related rights and benefits prove that the loss, damage or delayed delivery of goods is caused by deliberate actions or inactions of traders providing logistic services with the intention to cause such loss, damage or delayed delivery or their actions or inactions are known to be risky who were also aware of such loss, damage, or delay would certainly occur.

Article 239.- The right to withhold and dispose of goods

1. Traders providing logistic services shall be entitled to withhold a certain quantity of goods and related documents in order to claim payment of due debts by customers but shall have to notify promptly customers thereof in writing.

2. After forty five days from the date of notification of the withholding of goods or their related documents, if customers fail to pay debts, traders providing logistic services shall be entitled to dispose of such goods or documents according to provisions of law. Where there are indications of deterioration of goods, traders providing logistic services shall have the right to dispose of the goods immediately after any debt of customers becomes due.

3. Before disposing of goods, traders providing logistic services must immediately notify their customers of such disposal.

4. All expenses for the withholding and disposal of goods shall be borne by customers.

5. Traders providing logistic services shall be entitled to use proceeds from the disposal of goods to pay for debts owed to them by their customers and related expenses. If the proceeds from the disposal of goods exceed the value of debts, the difference must be returned to customers. From that point of time, traders providing logistic services shall no longer be responsible for the goods or documents already disposed of.

Article 240.- Obligations of traders providing logistic services when withholding goods

When the right to dispose of goods provided for in Article 239 of this Law is not yet exercised, traders providing logistic services and withholding goods shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Not to use goods without consent of the parties whose goods are withheld;

3. To return goods where the conditions for withholding and disposal of goods provided for in Article 239 of this Law no longer exist;

4. To pay damages to the parties whose goods are withheld if they cause loss or damage to withheld goods.

SECTION 5. TRANSIT OF GOODS THROUGH THE VIETNAMESE TERRITORY; AND GOODS TRANSIT SERVICES

Article 241.- Transit of goods

Transit of goods means the transportation of goods owned by foreign organizations or individuals through the Vietnamese territory, including transshipment, portage, warehousing, shipment separation or alteration of modes of transportation or other jobs performed in the course of transit.

Article 242.- Right to transit goods

1. All goods owned by foreign organizations and individuals are allowed to be transited through the Vietnamese territory and subject only to customs clearance at import border-gates and export border-gates according to the provisions of law, except for the following cases:

a/ Goods are weapons, ammunitions, explosive materials and other type of highly dangerous goods, unless they are permitted by the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Goods in transit when being exported from, and means of transport carrying goods in transit when leaving, the Vietnamese territory must be the goods or means of transport which have previously entered the Vietnamese territory.

3. Foreign organizations or individuals that wish to transit their goods through the Vietnamese territory must hire Vietnamese traders providing transit services to do so, except for cases mentioned in Clause 4 of this Article.

4. The transit of goods through the Vietnamese territory by foreign organizations and individuals themselves or by hired foreign traders must comply with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party and the provisions of Vietnamese law on exit, entry and transport.

Article 243.- Routes for transit

1. Goods shall only be transited through international border-gates and on certain routes in the Vietnamese territory.

2. On the basis of treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, the Transport Minister shall specify routes on which the transportation of goods in transit is allowed.

3. In the course of transit, any change of routes on which the transportation of goods in transit is allowed must be consented by the Transport Minister.

Article 244.- Transit by airways

Transit by airways shall be carried out in accordance with treaties on aviation to which

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 245.- Supervision of goods in transit

Goods in transit through the Vietnamese territory shall be subject to the supervision by Vietnamese customs authorities throughout the course of transit.

Article 246.- Transit duration

1. The maximum duration of transit through the Vietnamese territory shall be thirty days from the date of completion of customs procedures at import border-gates, except where goods are warehoused in Vietnam or damaged or lost in the course of transit.

2. Where goods are warehoused in Vietnam or damaged or lost in duration of transit and require more time for warehousing, remedying such damage or loss, the transit duration may be prolonged according to the amount of time required for such jobs and with approval of customs authorities where transit procedures are carried out; in cases where goods are transited under permits of the Trade Minister, approval of the Trade Minister is required.

3. During the period of warehousing or remedying damage and loss mentioned in Clause 2 of this Article, transit goods and means of transport carrying transit goods must still be subject to supervision by Vietnamese customs authorities.

Article 247.- Goods in transit consumed in Vietnam

1. Goods in transit defined at Points a and b, Clause 1, Article 242 of this Law shall not be permitted for consumption in Vietnam

2. Except for cases mentioned in Clause 1 of this Article, goods in transit shall be permitted for consumption in Vietnam only when it is so approved in writing by the Trade Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 248.- Prohibited acts during transit

1. To pay transit remunerations in transit goods.

2. To illegally consume goods in transit or means of transport carrying goods in transit.

Article 249.- Goods transit services

Goods transit services mean commercial activities whereby traders carry out the transit of goods under the ownership of foreign organizations or individuals through the Vietnamese territory for remunerations.

Article 250.- Conditions for providing transit services

Traders providing transit services must be enterprises with registrations of business of providing transportation services or logistic services according to Article 234 of this Law.

Article 251.- Transit service contracts

Transit service contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Unless otherwise agreed, transit service hirers shall have the following rights:

a/ To request transit service providers to receive goods at import border-gates at the agreed time;

b/ To request transit service providers to promptly notify the conditions of goods in the course of transit through the Vietnamese territory;

c/ To request transit service providers to carry out all necessary procedures to limit damage or loss of goods in transit in the course of transit through the Vietnamese territory.

2. Unless otherwise agreed, transit service hirers shall have the following obligations:

a/ To deliver goods to import border-gates of Vietnam on time as agreed;

b/ To supply transit service providers with sufficient information on the goods;

c/ To supply sufficient documents necessary for transit service providers to carry out procedures for import or transportation in the Vietnamese territory and the export procedures;

d/ To pay transit remunerations and other reasonable expenses to transit service providers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, transit service providers shall have the following rights:

a/ To request transit service hirers to deliver goods to import border-gates of Vietnam on time as agreed;

b/ To request transit service hirers to supply sufficient necessary information on the goods;

c/ To request transit service hirers to supply sufficient necessary documents for carrying out procedures for import and transportation in the Vietnamese territory and export procedures;

d/ To receive transit remunerations and other reasonable expenses.

2. Unless otherwise agreed, transit service providers shall have the following obligations:

a/ To receive the goods at import border-gates at the agreed time;

b/ To carry out procedures to import and export the goods in transit into and out of the Vietnamese territory;

c/ To be responsible for goods in transit in the course of transit through the Vietnamese territory;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To pay assorted fees and charges and other financial obligations applicable to goods in transit as provided for by Vietnamese law;

f/ To cooperate with competent state agencies of Vietnam in dealing with matters related to the goods in transit.

SECTION 6. ASSESSMENT SERVICES

Article 254.- Assessment services

Assessment services are commercial activities whereby traders perform necessary jobs to determine actual conditions of goods, results of the provision of services and other contents at the request of customers.

Article 255.- Contents of assessment

Assessment comprises one or a number of contents regarding the quantity, quality, packing, value of goods, origin of goods, losses, safety, hygienic and quarantine standards, results of the provision of services, method of providing services and other contents at the request of customers.

Article 256.- Traders providing commercial assessment services

Only traders that satisfy all the conditions provided for by law and are granted business registration certificates for provision of commercial assessment services shall be allowed to provide assessment services and issue assessment certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Traders providing commercial assessment services must fully satisfy the following conditions:

1. Being enterprises established according to the provisions of law;

2. Having assessors who have all the qualifications specified in Article 259 of this Law;

3. Being capable of carrying out procedures and methods for assessing goods or services under the provisions of law, the international standards or which are commonlly applied by countries in assessment of such goods or services.

Article 258.- Scope of providing commercial assessment services

Traders providing commercial assessment services shall be allowed to provide assessment services in domains of assessment only when they fully satisfy the conditions provided for in Clauses 2 and 3, Article 257 of this Law.

Article 259.- Criteria of assessors

1. An assessor must fully satisfy the following criteria:

a/ Possessing a university or college degree suitable to the requirements of the domain of assessment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Having worked for at least three years in the domain of assessment of goods or services.

2. Basing themselves on the criteria specified in Clause 1 of this Article, directors of enterprises providing commercial assessment services shall recognize assessors and be responsible before law for their decisions.

Article 260.- Assessment certificates

1. Assessment certificates are documents determining the actual conditions of goods and services according to the assessment contents required by customers.

2. Assessment certificates must be signed by competent representatives of enterprises providing commercial assessment services, have signatures and full names of assessors, and be affixed with professional seals already registered with competent agencies.

3. Assessment certificates shall only be valid for those contents already assessed.

4. Traders providing assessment services shall be responsible for accuracy of results and conclusions in assessment certificates.

Article 261.- Legal validity of assessment certificates with respect to assessment requesters

Assessment certificates shall be legally binding on assessment requesters in cases where they cannot prove that assessment results are non-objective, untruthful or obtained with technical or professional errors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Where contracting parties agree on the use of an assessment certificate issued by a particular trader providing assessment services, such assessment certificate shall be legally binding on all the parties if they cannot prove that the assessment results are non-objective, untruthful or obtained with technical or professional errors.

2. Where contractual parties do not agree on the use of an assessment certificate issued by a particular trader providing assessment services, such assessment certificate shall only be binding on the party requesting the assessment according to Article 261 of this Law. The other contractual party shall have the right to request re-assessment.

3. If a re-assessment certificate is inconsistent with the original assessment certificate:

a/ Where the trader providing assessment services and issuing the original assessment certificate accepts the results stated in the re-assessment certificate, such results shall be legally binding on all the parties;

b/ Where the trader providing assessment services and issuing the original assessment certificate does not accept the results stated in the re-assessment certificate, the parties shall agree to select another trader providing assessment services to perform the re-assessment for the second time. The results of the second-time re-assessment shall be legally binding on all the parties.

Article 263.- Rights and obligations of traders providing assessment services

1. Traders providing assessment services shall have the following rights:

a/ To request customers to supply in a sufficient, accurate and timely manner necessary documents for performance of assessment services;

b/ To receive assessment service charges and other reasonable expenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To observe the standards and other relevant provisions of law on assessment services;

b/ To perform the assessment in an honest, objective, independent, timely manner and according to the assessment procedures and methods;

c/ To issue assessment certificates;

d/ To pay violation fines and/or damages according to the provisions of Article 266 of this Law.

Article 264.- Rights of customers

Unless otherwise agreed, customers shall have the following rights:

1. To request traders providing assessment services to perform the assessment according to the agreed contents;

2. To request re-assessment if they have sound reasons to believe that traders providing assessment services fail to properly satisfy their requirements or perform the assessment in an untruthful and non-objective manner or with technical and professional errors;

3. To request payment of fines or damages according to the provisions of Article 266 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, customers shall have the following obligations:

1. To supply in a sufficient, accurate and timely manner necessary documents to traders providing assessment services when so requested;

2. To pay assessment service charges and other reasonable expenses.

Article 266.- Fines and damages in case of incorrect assessment results

 1. Where traders providing assessment services issue assessment certificates showing incorrect results caused by their unintentional faults, they must pay fines therefor to customers. The fine level shall be agreed upon by the parties but must not exceed ten times the assessment service charge.

2. Where traders providing assessment services issue assessment certificates showing incorrect results caused by their intentional faults, they must pay compensations for damage caused to customers that directly request the assessment.

3. Customers are obliged to prove that assessment results are incorrect and traders providing assessment services are at fault.

Article 267.- Authorized assessment

Where foreign traders providing assessment services are hired to perform assessment while having no license to operate in Vietnam, such traders may authorize traders providing assessment services which have been licensed to operate in Vietnam to provide assessment services but must still be held responsible for the assessment results.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Traders providing assessment services which fully satisfy the conditions and criteria suitable with assessment requirements shall have to perform assessment at the request of state agencies.

2. State agencies which request the assessment shall have to pay assessment remunerations to traders providing assessment services according to agreements between the two parties on the basis of market prices.

SECTION 7. LEASE OF GOODS

Article 269.- Lease of goods

Lease of goods means commercial activities whereby one party transfers the right to possess and use goods (referred to as lessor) to another party (referred to as lessee) for a certain duration to enjoy rentals.

Article 270.- Rights and obligations of lessors

Unless otherwise agreed, lessors shall have the following rights and obligations:

1. To deliver leased goods to lessees as agreed upon in lease contracts;

2. To ensure that the right of lessees to possess and use leased goods is not disputed by a concerned third party in the lease duration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To maintain and repair leased goods within a reasonable duration. Where the maintenance and repair of leased goods cause harms to the use of such goods by lessees, lessors shall have to reduce rent rates or prolong lease duration corresponding to the time of maintenance and repair;

5. To receive rentals according to agreements or provisions of law;

6. To take back leased goods upon the expiration of the lease duration.

Article 271.- Rights and obligations of lessees

Unless otherwise agreed, lessees shall have the following rights and obligations:

1. To possess and use leased goods according to lease contracts and the provisions of law. Where there is no specific agreement on the manner in which leased goods should be used, such leased goods shall be used in a manner appropriate to their nature;

2. To maintain and preserve leased goods in the lease duration and return such goods to lessors upon the expiration of the lease duration;

3. To request lessors to perform the maintenance and repair of goods. If lessors fail to perform such obligation within a reasonable period of time, lessees may perform the maintenance and repair of leased goods and lessors shall bear all reasonable expenses for such maintenance and repair;

4. To pay rentals as agreed or according to the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 272.- Repair or alteration of original status of leased goods

1. Lessees must not repair or alter the original status of leased goods if not so consented by lessors.

2. Where lessees perform the repair or alter the original status of the leased goods without lessors’ consents, lessors shall have the right to request lessees to restore the original status of the leased goods or claim damages.

Article 273.- Liability for loss occurring in the lease duration

1. Unless otherwise agreed, lessors shall bear loss of leased goods occurring in the lease duration if lessees are not at fault in causing such loss.

2. In cases mentioned in Clause 1 of this Article, lessors shall have to repair leased goods within a reasonable duration to ensure the achievement of use purposes of lessees.

Article 274.- Pass of risks incurred to leased goods

Where the parties agree on the pass of risk to the lessee but the point of time of passing risks is not determined, that point of time shall be determined as follows:

1. In cases where the lease contract involves the transportation of goods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ If the contract requires the leased goods to be delivered at a designated place, risks shall be passed to the lessee or the person authorized by the lessee to receive the goods at such place;

2. In cases where the leased goods are received by a bailee other than a carrier for delivery, risks shall be passed to the lessee as soon as the bailee acknowledge the lessee’s right to possess the leased goods;

3. In other cases not mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article, risks shall be passed to the lessee upon the receipt of the leased goods by the lessee.

Article 275.- Leased goods inappropriate to contracts

Where there is no specific agreement, goods shall be deemed inappropriate to contracts when such goods fall into one of the following cases:

1. They are suitable to common utility of goods of the same type;

2. They are not suitable to specific purposes which the lessee has informed the lessor or the lessor should have known at the time the contract was entered into;

3. Their quality is not the same as goods samples handed over by the lessor to the lessee.

Article 276.- Rejection of goods

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The lessee may reject the goods in the following cases:

a/ The lessor does not give conditions and a reasonable time to the lessee for inspecting the goods;

b/ When inspecting the goods, the lessee discovers that the goods are inappropriate to the contract.

Article 277.- Rectification or replacement of leased goods inappropriate to contracts

1. Where the lessee rejects leased goods inappropriate to the contract, if the time limit for delivery of goods has not yet expired, the lessor may promptly notify the lessee of the rectification or replacement of the goods and then perform such rectification or replacement of goods within the remaining duration.

2. Where the lessor, when performing the rectification mentioned in Clause 1 of this Article, causes inconvenience or unreasonable expenses to be borne by the lessee, the lessee shall have the right to request the lessor to remedy such inconvenience or pay such unreasonable expenses.

Article 278.- Acceptance of leased goods

1. The lessee shall be deemed having accepted the leased goods after being given a reasonable opportunity to inspect the leased goods and taking one of the following acts:

a/ Not rejecting the leased goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Confirming the acceptance of the goods despite their inappropriateness to agreements in the contract.

2. If the lessee discovers the inappropriateness of the leased goods to the contract after accepting such goods and such inappropriateness is detectable through a reasonable inspection before the acceptance, the lessee shall not be entitled to rely on such inappropriateness as an excuse for returning the goods.

Article 279.- Withdrawal of acceptance

1. Lessees may withdraw their acceptance of part or whole of the leased goods if the inappropriateness of such leased goods may render them unable to achieve the objectives of the entry into of contracts and falls into one of the following cases:

a/ Lessors fail to make reasonable rectification according to Article 277 of this Law;

b/ Lessees fail to detect the inappropriateness of the goods due to lessors’ guarantee.

2. The withdrawal of acceptance must be made within a reasonable period of time, which must not exceed three months as from the date lessees accept the goods.

Article 280.- Responsibility for defects of leased goods

Unless otherwise agreed, responsibility for defects of leased goods is provided for as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Lessors shall not be responsible for any defects of leased goods which already exist prior to the entry into of contracts and which lessees knew or should have known;

3. Lessors shall not be responsible for any defects of leased goods which are detected after lessees have accepted the leased goods and which would have been detected by lessees through reasonable inspections before accepting the goods.

4. Lessors shall be responsible for any defects of leased goods appearing after the time of passing risks due to lessors’ breaches of their committed obligations.

Article 281.- Sub-lease

1. Lessees shall be entitled to sub-lease goods only when they obtain consents of lessors. Lessees shall be responsible for sub-leased goods, unless they otherwise agree with lessors.

2. Where lessees sub-lease leased goods without consents of lessors, lessors may revoke lease contracts. Sub-lessees shall have to return the goods to lessors immediately.

Article 282.- Benefits arising in the lease duration

Unless otherwise agreed, all benefits arising from leased goods in the lease duration shall belong to lessees.

Article 283.- Change of ownership in the lease duration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION 8. COMMERCIAL FRANCHISE

Article 284.- Commercial franchise

Commercial franchise means a commercial activity whereby franchisors permit and require franchisees to undertake by themselves to purchase or sell goods or provide services on the following conditions:

1. The purchase or sale of goods or provision of services shall be conducted in accordance with methods of business organization prescribed by franchisors and associated with the franchisors’ trademarks, trade names, business knows-how, business slogans, business logos and advertisements.

2. Franchisors shall be entitled to supervise and assist franchisees in conducting their business activities.

Article 285.- Commercial franchise contracts

Commercial franchise contracts must be made in writing or in other forms of equivalent legal validity.

Article 286.- Rights of franchisors

Unless otherwise agreed, franchisors shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To organize advertising for the commercial franchise system and the commercial franchise network.

3. To conduct periodical or extraordinary inspections of activities of franchisees in order to ensure the uniformity of the commercial franchise system and the stability of quality of goods and services.

Article 287.- Obligations of franchisors

Unless otherwise agreed, franchisors shall have the following obligations:

1. To supply documents guiding the commercial franchise system to franchisees;

2. To provide initial training and regular technical assistance to franchisees for managing the latter’s activities in accordance with the commercial franchise system;

3. To design and arrange places of sale of goods or provision of services at the expenses of franchisees;

4. To guarantee the intellectual property rights over objects stated in franchise contracts;

5. To equally treat all franchisees in the commercial franchise system.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, franchisees shall have the following rights:

1. To request franchisors to provide fully technical assistance related to the commercial franchise system;

2. To request franchisors to equally treat all franchisees in the commercial franchise system.

Article 289.- Obligations of franchisees

Unless otherwise agreed, franchisees shall have the following obligations:

1. To pay franchise sums and other amounts under commercial franchise contracts;

2. To invest adequate material facilities, financial sources and human resources to take over business rights and know-how transferred by franchisors;

3. To submit to the control, supervision and instruction by franchisors; to comply with all requirements set forth by franchisors on designing and arrangement of places of sale of goods or provision of services;

4. To keep secret the franchised business know-how even after the expiration or termination of commercial franchise contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To manage their activities in accordance with the commercial franchise system;

7. Not to sub-franchise without permissions of franchisors.

Article 290.- Sub-franchise to a third party

1. A franchisee shall be entitled to sub-franchise to a third party (referred to as sub-franchisee) if it is so consented by the franchisor.

2. Sub-franchisees shall have the rights and obligations of franchisees provided for in Articles 288 and 289 of this Law.

Article 291.- Registration of commercial franchises

1. Before granting commercial franchises, intended franchisors must register them with the Trade Ministry.

2. The Government shall specify the conditions for conducting business under commercial franchise and the order and procedures for registering commercial franchises.

Chapter VII

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION 1. COMMERCIAL REMEDIES

Article 292.- Types of commercial remedies

1. Specific performance of contracts.

2. Fines for breaches.

3. Forcible payment of damages.

4. Suspension of performance of contracts.

5. Stoppage of performance of contracts.

6. Cancellation of contracts.

7. Other remedies agreed upon by involved parties which are not contrary to the fundamental principles of Vietnamese law, treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party and international commercial practices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unless otherwise agreed, aggrieved parties are not entitled to apply the remedy of suspension of performance of contracts, stoppage of performance of contracts or cancellation of contracts against insubstantial breaches.

Article 294.- Cases of exemption from liability for breaching acts

1. A party that breaches a contract shall be exempted from liability in the following cases:

a/ A case of liability exemption agreed upon by the parties occurs;

b/ A force majeure event occurs;

c/ A breach by one party is entirely attributable to the other party’s fault;

d/ A breach is committed by one party as a result of the execution of a decision of a competent state management agency which the party cannot know, at the time the contract is entered into.

2. The contract-breaching party shall bear the burden of proof of cases of liability exemption.

Article 295.- Notification and certification of cases of liability exemption

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When a case of liability exemption no longer exists, the contract-breaching party must promptly notify such to the other party. The breaching party must pay damages if it fails to notify or notifies the other party not in a prompt manner.

3. Breaching parties are obliged to prove their cases of liability exemption to aggrieved parties.

Article 296.- Extension of time limit for performance of contracts, or refusal to perform contracts in force majeure circumstances

1. In a force majeure circumstance, the parties may agree to extend the time limit for performing their respective contractual obligations. If the parties do not agree or cannot agree upon such extension, the time limit for performing contractual obligations shall be extended for a period of time equal to the time length of such force majeure circumstance plus a reasonable period of time for remedying consequences, but not exceeding:

a/ Five months for goods or services for which the agreed time limit for their delivery or provision does not exceed twelve months from the date the contract is entered into;

b/ Eight months for goods or services for which the agreed time limit for their delivery or provision exceeds twelve months from the date the contract is entered into.

2. Beyond the time limits specified in Clause 1 of this Article, the parties may refuse to perform the contract and neither party is entitled to request the other party to pay damages.

3. Where a party refuses to perform a contract, it must, within ten days from the expiry date of the time limit specified in Clause 1 of this Article, notify the other party thereof before the latter begins to perform its contractual obligations.

4. The extension of the time limit for performing contractual obligations mentioned in Clause 1 of this Article does not apply to contracts for purchase and sale of goods or contracts for provision of services with fixed time limit for goods delivery or service completion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Specific performance of a contract means a remedy whereby the aggrieved party requests the breaching party to properly perform the contract or apply other measures to cause the contract to be performed and the breaching party shall have to bear any costs incurred.

2. Where the breaching party fails to deliver goods in full or provide services in accordance with the contract, it shall have to deliver goods in full or provide services in accordance with the contract. Where the breaching party delivers goods or provides services of inferior quality, it shall have to rectify defects of the goods or shortcomings of the services or to deliver other goods as substitutes or provide services in accordance with the contract. The breaching party must not use money or goods or services of other types as substitutes unless so consented by the aggrieved party.

3. Where the breaching party fails to comply with Clause 2 of this Article, the aggrieved party may purchase goods or receive services of correct type as stated in the contract from another seller or provider for substitution and the breaching party must bear the price difference and relevant expenses, if any; or may rectify defects of the goods or shortcomings of the services by itself, and the breaching party must pay actual and reasonable expenses for the rectification.

4. The aggrieved party shall have to receive goods or services and make payments therefor if the breaching party has fulfilled all obligations according to Clause 2 of this Article.

5. Where the breaching party is the purchaser, the seller may request the purchaser to pay for and receive goods or fulfill other obligations stipulated in the contract and provided for in this Law.

Article 298.- Extension of time limit for performance of obligations

In case of specific performance of a contract, the aggrieved party may extend the time limit for a reasonable period for the breaching party to perform its contractual obligations.

Article 299.- Relationship between the remedy of specific performance of contracts and other remedies

1. Unless otherwise agreed, during the period of application of specific performance of a contract, the aggrieved party may claim for damages and fines to be paid but must not apply other remedies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 300.- Fine for breach

Fine for breach means a remedy whereby the aggrieved party requests the breaching party to pay an amount of fine for its breach of a contract, if so agreed in the contract, except for cases of liability exemption specified in Article 294 of this Law.

Article 301.- Fine level

The fine level for a breach of a contractual obligation or the aggregate fine level for more than one breach shall be agreed upon in the contract by the parties but must not exceed 8% of the value of the breached contractual obligation portion, except for cases specified in Article 266 of this Law.

Article 302.- Damages

1. Damages means a remedy whereby the breaching party pays compensation for the loss caused by a contract-breaching act to the aggrieved party.

2. The value of damages covers the value of the material and direct loss suffered by the aggrieved party due to the breach of the breaching party and the direct profit which the aggrieved party would have earned if such breach had not been committed.

Article 303.- Grounds for liability to pay damages

Except for cases of liability exemption specified in Article 294 of this Law, liability to pay damages shall arise upon existence of all of the following elements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Material loss;

3. Act of breaching the contract is the direct cause of the loss.

Article 304.- Burden of proof of loss

The party claiming damages shall bear the burden of proof of the loss, the extent of the loss caused by the act of breach, and direct profit amount which the aggrieved party would have earned if the breach had not been committed.

Article 305.- Obligations to mitigate loss

The party claiming damages must apply appropriate measures to mitigate the loss caused by a contract breach, including the loss of direct profit which it would have earned. If the party claiming damages fails to do so, the breaching party may request a rebate of the value of damages to the extent of the loss that would have been mitigated.

Article 306.- Right to claim interest on delayed payment

Where a contract-breaching party delays making payment for goods or payment of service charges and other reasonable fees, the aggrieved party may claim an interest on such delayed payment at the average interest rate applicable to overdue debts in the market at the time of payment for the delayed period, unless otherwise agreed or provided for by law.

Article 307.- Relationship between remedy of fines and remedy of damages

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where the parties agree upon fines for breaches, the aggrieved party shall be entitled to apply both remedies of fines and damages, unless otherwise provided for by this Law.

Article 308.- Suspension of performance of contracts

Except for cases of liability exemption specified in Article 294 of this Law, suspension of performance of a contract means a remedy whereby a party temporarily ceases the performance of its contractual obligations in one of the following cases:

1. Upon commission of a breaching act which serves as a condition for the suspension of performance of the contract as agreed upon by the parties;

2. Upon a substantial breach of contractual obligations by a party.

Article 309.- Legal consequences of suspension of performance of contracts

1. Contracts which are suspended from performance are still in full force and effective.

2. Aggrieved parties are entitled to claim damages according to the provisions of this Law.

Article 310.- Stoppage of performance of contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Upon commission of a breaching act which serves as a condition for stoppage of the performance of the contract as agreed upon by the parties;

2. Upon a substantial breach of contractual obligations by a party.

Article 311.- Legal consequences of stoppage of performance of contracts

1. Where a contract is stopped from performance, it shall be terminated from the date when one party receives the notice on stoppage. The parties shall not have to further perform their contractual obligations. A party that has performed its contractual obligations may request the other party to pay or perform its reciprocal obligations.

2. The aggrieved party may claim damages according to the provisions of this Law.

Article 312.- Cancellation of contracts

1. Cancellation of a contract includes cancellation of part of a contract or cancellation of the entire contract.

2. Cancellation of the entire contract means the complete annulment of the performance of all contractual obligations for the entire contract.

3. Cancellation of part of a contract means the annulment of the performance of some contractual obligations while other parts of the contract are still valid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Upon commission of a breaching act which serves as a condition for the cancellation of the contract as agreed upon by the parties;

b/ Upon a substantial breach of contractual obligations by a party.

Article 313.- Cancellation of contracts in case of delivery of goods or provision of services in installments

1. Where there is an agreement on delivery of goods or provision of services in installments, if one party fails to perform its obligation for the delivery of goods or provision of services and such failure constitutes a substantial breach in that time of delivery of goods or provision of services, the other party shall have the right to declare the cancellation of the contract for such delivery of goods or provision of services.

2. Where the failure of a party to perform its obligation for a delivery of goods or a provision of services serves as the basis for the other party to conclude that a substantial breach of the contract shall happen in subsequent deliveries of goods or provisions of services, the aggrieved party shall have the right to declare the cancellation of the contract for subsequent deliveries of goods or provisions of services, provided that such party must exercise that right within a reasonable period of time.

3. Where a party has declared the cancellation of a contract for a single delivery of goods or provision of services, such party shall still have the right to declare the cancellation of the contract for a delivery of goods or provision of services that has been conducted or will be conducted subsequently if the interrelation between the deliveries of goods makes the delivered goods or provided services unable to be used for the purposes intended by the parties at the time they enter into the contract.

Article 314.- Legal consequences of cancellation of contracts

1. Except for cases specified in Article 313 of this Law, following the cancellation of a contract, such contract shall be invalid from the time it is entered into, and the parties shall not have to continue performing their contractual obligations, except for their agreements on their post-cancellation rights and obligations and resolution of disputes.

2. The parties shall have the right to claim benefits brought about by their performance of their contractual obligations. Where both parties have indemnity obligations, their obligations must be performed concurrently. Where it is impossible to make the indemnity with benefits which one party has enjoyed, the obliged party must make the indemnity in cash.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 315.- Notification of suspension of performance of contracts, stoppage of performance of contracts or cancellation of contracts

A party that suspends the performance of a contract, stops the performance of a contract or cancels a contract must immediately notify the other party of such suspension, stoppage or cancellation. Where a failure to do so causes a loss to the other party, the party that suspends the performance of the contract, stops the performance of the contract or cancels the contract must pay damages.

Article 316.- Right to claim damages when other remedies have been applied

A party shall not lose its right to claim damages for the loss caused by a contract breach by the other party when other remedies have been applied.

SECTION 2. RESOLUTION OF COMMERCIAL DISPUTES

Article 317.- Forms of resolution of disputes

1. Negotiations between the parties.

2. Conciliation between the parties by a body, organization or individual selected by the parties to act as the conciliation mediator.

3. Resolution by the Arbitration or the Court.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 318.- Time limit for lodging complaints

Except for cases specified at Point e, Clause 1, Article 237 of this Law, the time limit for lodging complaints shall be agreed upon by the parties, where there is no such agreement, the time limit for lodging complaints shall be provided for as follows:

a/ Three months from the date of delivery of goods for complaints about quantity of goods;

b/ Six months from the date of delivery of goods for complaints about quality of goods. Where goods are under warranty, the time limit for lodging complaints shall be three months from the expiry of the warranty period;

c/ Nine months from the date on which the breaching party shall have to fulfil its contractual obligations; or in the case of a warranty, from the expiry of the warranty period, for complaints about other violations.

Article 319.- Statute of limitations for initiating lawsuits

The statute of limitations for lawsuits applicable to commercial disputes shall be two years from the moment when the legitimate rights and interests are infringed upon, except for cases specified at Point f, Clause 1, Article 237 of this Law.

Chapter VIII

HANDLING OF VIOLATIONS OF COMMERCIAL LAW

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Acts of violation of commercial law include:

a/ Violating provisions on business registration; business licenses of traders; establishment and operation of representative offices and branches of Vietnamese traders and foreign traders;

b/ Violating provisions on domestically traded goods and services, and exported or imported goods and services; temporary import for re-export, temporary export for re-import; transfer through border-gates; transit;

c/ Violating provisions on taxes, invoices, documents, accounting books and reports;

d/ Violating provisions on prices of goods and services;

e/ Violating provisions on labeling of domestically circulated goods and exports and imports;

f/ Smuggling, trading in goods illegally imported, counterfeit goods or raw materials and materials for production of counterfeit goods, or conducting illegal business;

g/ Violating provisions on quality of domestically traded goods and services, and exported or imported goods and services;

h/ Defrauding and deceiving customers in the purchase and sale of goods or the provision of services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



j/ Violating provisions on intellectual property rights to domestically traded goods and services; and exported or imported goods and services;

k/ Violating provisions on origin of goods;

l/ Other violations in commercial activities according to the provisions of law.

2. The Government shall specify acts of violation of commercial law provided for in Clause 1 of this Article.

Article 321.- Forms of handling of violations of commercial law

1. Depending on the nature, seriousness and consequences of violations, violating organizations and individuals shall be handled in one of the following forms:

a/ Sanctions according to the provisions of law on handling of administrative violations;

b/ Where an act of violation involves all elements constituting a crime, the violator shall be examined for penal liability according to the provisions of law.

2. Where an act of violation causes harm to the interests of the State or legitimate rights and interests of organizations and/or individuals, compensation must be paid according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Government shall specify the sanctioning of administrative violations in commercial activities.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 323.- Implementation effect

This Law takes effect on January 1, 2006.

This Law replaces the Commercial Law of May 10, 1997.

Article 324.- Detailed provisions and implementation guidance

The Government shall detail and guide the implementation of this Law.

This Law was passed on June 14, 2005, by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 7th session.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Van An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Thương mại 2005

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.034.943

DMCA.com Protection Status
IP: 3.129.23.179
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!