BỘ CHÍNH TRỊ
--------
|
ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 25-KL/TW
|
Hà Nội, ngày
17 tháng 10 năm 2003
|
KẾT LUẬN
VỀ CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM
Tại
phiên họp ngày 25-9-2003, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về
Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng
đến năm 2020 và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận
và cơ bản nhất trí với Báo cáo chiến lược đã trình, đồng thời nhấn mạnh một số
nội dung sau:
1.
Ngành Cơ khí Việt Nam được hình thành, phát triển từ thời kỳ kháng chiến chống
thực dân Pháp và ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đã
phát huy tác dụng tích cực trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong
những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đi vào kinh tế thị trường, do đặc điểm của
ngành Cơ khí là đầu tư ban đầu lớn chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi
nhuận thấp hơn các ngành khác, lại đòi hỏi tổ chức chuyên môn hoá, hợp tác hoá
cao, trong khi đó chúng ta lại thiếu các chính sách để hỗ trợ phát triển và bảo
vệ thị trường trong nước, nên ngành Cơ khí không chuyển đổi kịp, chậm thích ứng
được với cơ chế mới, sức cạnh tranh kém, nhiều sản phẩm từng là thế mạnh hàng
chục năm trước như máy động lực nhỏ, máy kéo nhỏ, xe đạp, quạt điện.. mất dần
thị trường tiêu thụ.
Song
những năm gần đây, ngành Cơ khí cả nước đã từng bước đổi mới và nâng cao khả
năng thiết kế, năng lực công nghệ và thiết bị, trình độ quản lý và điều hành đã
phục hồi, phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 21,2%/năm. Nhiều doanh nghiệp cơ
khí đã tự vươn lên tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công
nghệ - thiết bị tiên tiến, đã có thể làm tổng thầu (EPC) chế tạo và cung cấp
thiết bị cho một số dự án lớn như nhiệt điện, xi măng, bột giấy; mở rộng mặt
hàng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, từng bước
làm chủ được thị trường nội địa (máy động lực cỡ nhỏ, quạt điện, xe đạp, thiết
bị điện, đóng tàu biển 6.500 tấn và 12.000 tấn), xuất khẩu được một số mặt hàng
chuẩn bị để hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đó của ngành Cơ
khí đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cải
thiện, nâng cao đời sống của nhân dân và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước.
2.
Bên cạnh những kết quả đó, ngành Cơ khí còn những hạn chế sau:
Công
tác xây dựng, quy hoạch chiến lược phát triển của ngành chưa được quan tâm đúng
mức nên định hướng về mục tiêu, phương hướng, ngành nghề mũi nhọn, trọng tâm,
trọng điểm, công nghệ chưa được xác định rõ. Phần lớn công nghệ và thiết bị của
ngành Cơ khí đều cũ, lạc hậu so với khu vực và thế giới; 95% là các thiết bị
lẻ, không đồng bộ, không có chuyển giao công nghệ, phần lớn đã hết khấu hao;
trong khi đó, đầu tư cho cơ khí nhỏ bé lại phân tán, dàn trải, ít quan tâm đến
đầu tư chiều sâu để đổi mới trang thiết bị và công nghệ nên các sản phẩm cơ khí
mẫu mã chưa đa dạng, chất lượng còn thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh kém so
với các nước trong khu vực.
-Trình
độ quản lý và tổ chức sản xuất còn yếu kém, lạc hậu, không theo kịp tiến trình
đổi mới nền kinh tế. Tổ chức sản xuất còn khép kín, thiếu chuyên môn hóa, mức
độ hợp tác hóa còn thấp, tư tưởng bao cấp, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước
trong nhiều doanh nghiệp còn khá nặng nề. Việc tổ chức sắp xếp lại ngành Cơ khí
cả nước đã được đặt ra, nhưng chưa thực hiện tốt; công tác quản lý nhà nước về
lĩnh vực này còn phân tán và bị buông lỏng.
-
Chưa tích cực tổ chức thị trường trong nước để tạo điều kiện cho sản xuất cơ
khí phát triển. Trong khi đó các doanh nghiệp cơ khí chưa thực sự chủ động tham
gia hội nhập kinh tế quốc tế.
-
Công tác nghiên cứu phục vụ cho phát triển ngành Cơ khí còn yếu. Công tác tư
vấn thiết kế, công nghệ, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu đã hạn chế đến khả năng
làm chủ việc chế tạo các sản phẩm cơ khí phức tạp.
-
Công tác đào tạo chưa được quan tâm đúng mức, số người học nghề và học đại học
ngành Cơ khí ngày một giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu thợ giỏi có tay nghề
cao.
3.
Về định hướng chiến lược phát triển ngành Cơ khí, Bộ Chính trị nhấn mạnh một số
nội dung đã được Nghị quyết Đại hội IX xác định, đó là:
-
Phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan
trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh
tế, củng cố an ninh, quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
-
Phải xây dựng ngành Cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị
trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục tình trạng bao cấp trong đầu tư
phát triển ngành Cơ khí, các chính sách khuyến khích áp dụng bình đẳng cho mọi
thành phần kinh tế, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp
với lộ trình hội nhập AFTA và WTO.
-
Tập trung phát triển ngành Cơ khí một cách có hiệu quả, bền vững trên cơ sở
phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài. Khuyến khích
các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành Cơ khí một cách có tổ chức,
bảo đảm sự phân công và hợp tác thích hợp; đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp
xếp, phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước về cơ khí đủ mạnh để giữ vai
trò nòng cốt, là lực lượng chủ lực của ngành.
-
Khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về tài nguyên, nguồn nhân lực để tập
trung phát triển có chọn lọc một số chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm có
lợi thế, có sức cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và xuất
khẩu.
-
Bộ Công nghiệp phải tập trung vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với
toàn ngành Cơ khí, đối với các doanh nghiệp cơ khí thuộc mọi thành phần kinh
tế; từng bước tách khỏi chức năng chủ quản đối với doanh nghiệp cơ khí nhà
nước, xoá bỏ sự phân biệt cơ khí trung ương, cơ khí địa phương.
-
Tăng cường năng lực nghiên cứu, chế tạo, đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa
học công nghệ tiên tiến nhằm đạt trình độ công nghệ trung bình tiên tiến của
khu vực, tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí có khả năng cạnh tranh cao.
-
Phấn đấu đến năm 2010 ngành Cơ khí đáp ứng tối thiểu 45 - 50% nhu cầu sản phẩm
cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.
4.
Về chính sách và biện pháp, cần tập trung vào một số nội dung sau:
-
Phát huy tốt nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ
bên ngoài để phát triển ngành Cơ khí. Tăng cường sự liên kết hợp tác giữa các
doanh nghiệp cơ khí trong các ngành kinh tế khác nhau thuộc mọi thành phần kinh
tế theo hướng hợp tác hoá, chuyên môn hoá; kết hợp chặt chẽ cơ khí dân sự với
cơ khí quốc phòng, ra sức phát huy năng lực công nghiệp cơ khí quốc phòng phục
vụ phát triển kinh tế trong thời bình. Khắc phục tình trạng chia cắt, phân tán
trong ngành Cơ khí hiện nay.
-
Hình thành các tổng công ty hoặc tập đoàn cơ khí mạnh về công nghệ và tài
chính, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cổ phần
hóa các doanh nghiệp cơ khí Nhà nước không cần giữ 100% vốn, kể cả bán cổ phần
cho người nước ngoài để tạo vốn đầu tư phát triển và đa dạng hóa nguồn vốn.
-
Thực hiện bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện và có thời hạn đối với một số sản
phẩm cơ khí trong nước. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về lãi suất và
thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình
chế tạo thiết bị toàn bộ cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài, các dự án sản xuất
các sản phẩm cơ khí trọng điểm.
-
Tổ chức tốt thị trường trong nước cũng như tạo điều kiện để ngành Cơ khí đẩy
mạnh xuất khẩu sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất cơ khí phát triển. Nghiên
cứu xây dựng, ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu
thụ các sản phẩm cơ khí trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
-
Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành Cơ khí và hỗ trợ kinh
phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các
chương tình, dự án được phê duyệt.
Trên
cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc bổ
sung, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành Cơ khí
Việt Nam.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Phan Diễn
|