ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 88/UBND-KH
|
Quảng Ninh, ngày
24 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
ĐẢM
BẢO CUNG ỨNG XĂNG DẦU VÀ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
XĂNG DẦU NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp về
nguồn cung và giá cả của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, vừa qua, tại thị trường
trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một
số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế,
đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm của Lãnh đạo tỉnh và các sở,
ngành, địa phương, nên chưa xảy ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu ảnh hưởng đến
sản xuất, sinh hoạt của người dân; tuy nhiên, hành vi vi phạm trong hoạt động
kinh doanh xăng dầu vẫn còn xảy ra bị các lực lượng chức năng xử lý. Để bảo đảm
cân đối cung - cầu, ổn định thị trường kinh doanh xăng và hỗ trợ phục hồi, phát
triển kinh tế - xã hội thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công
điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu,
và Bộ Công Thương tại: Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/01/2023 về việc tăng cường
giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Chỉ thị số
09/CT-BCT ngày 04/11/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh
doanh xăng dầu; Công văn số 6956/BCT-TTTN ngày 04 tháng 11 năm 2022 về việc phối
hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý đối với
mặt hàng xăng dầu. Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số
465/SCT-QLTM1 ngày 21/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo
cung ứng xăng dầu và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu
năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối
với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày
03/9/2014, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018, Nghị định số
95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ
Công Thương và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy và UBND
tỉnh.
- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành
vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật; chống
đầu cơ, tích trữ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Huy động sự tham gia tích
cực của toàn xã hội vào công tác phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến
hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước
pháp luật của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo về chất lượng,
số lượng, giá xăng dầu bán ra trên toàn bộ hệ thống phân phối của mình theo quy
định.
- Quản lý chặt chẽ lượng xăng dầu mua vào, bán ra của
các đơn vị kinh doanh xăng dầu đảm bảo dự trữ, nguồn cung ứng liên tục không bị
gián đoạn; kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng xăng dầu.
2. Yêu cầu:
- Tổ chức thực hiện kế hoạch phải đảm bảo khách quan,
minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc theo quy định
gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc và
tăng lượng dự trữ đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng để đảm bảo
các chỉ tiêu tăng trưởng.
- Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát
hoạt động kinh doanh xăng dầu; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định trật
tự trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; Phát hiện những thiếu sót, chồng chéo
trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về kinh doanh xăng dầu
để làm căn cứ kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong
quản lý kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.
- Không làm ảnh hưởng hoặc gây cản trở đến hoạt động
kinh doanh xăng dầu; không gây phiền hà cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu;
nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu,
đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ 1: Về cung ứng
và dự trữ xăng dầu
1.1. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham
mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu;
Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về kinh
doanh xăng dầu thuộc thẩm quyền của ngành; Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh
xăng dầu dự báo tình hình, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị
không để bị động trước các diễn biến (do giá xăng dầu thế giới, nhu cầu cung ứng,
tiêu thụ xăng dầu) đảm bảo phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dự trữ và cung ứng xăng, dầu; thực hiện
đình chỉ, thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định
đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu
hiệu ngừng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng.
1.2. Các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối,
thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh: (1) Lập kế hoạch cung ứng,
tiêu thụ năm 2023, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ sản
xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; Đồng thời dự trữ, cung ứng kịp
thời theo tiến độ và kế hoạch cho các thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý, đại
lý, đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh; Chủ động
nắm bắt các thông tin, tình hình dự trữ xăng dầu trên thị trường trong nước và
thế giới, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, đảm bảo nguồn
xăng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các đơn vị
ngành than, nhiệt điện, các đơn vị trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đơn
vị xây dựng..; (2) Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ
xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của đơn vị trên địa bàn, đảm bảo việc bán
hàng không bị gián đoạn. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra các
hành vi vi phạm gây mất ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh;
(3) Định kỳ tháng (ngày cuối của tháng báo cáo) lập báo cáo sản lượng xăng dầu
tồn kho đầu kỳ, nhập trong kỳ (số lượng mua của đơn vị trong nước, số lượng nhập
khẩu,...), xuất trong kỳ (xuất bán, xuất hao hụt,...) và tồn kho cuối kỳ gửi về
Sở Công Thương và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
1.3. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu
trên địa bàn tỉnh: (1) Ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại điều 26 Nghị
định 83/2014/NĐ-CP ngày 30/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và điều
1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi khoản 6, Điều 26
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật
trong hoạt động kinh doanh xăng dầu (về giá bán, niêm yết giá, thời gian bán
hàng, nhập bán xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ,...); (2) Tăng cường đảm bảo
an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại đơn vị mình để
không ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
1.4. Các Sở, ngành chức năng (Cục Quản lý thị
trường tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh, Công an tỉnh), Ủy ban nhân dân các địa phương
kiểm tra, giám sát việc dự trữ, cung ứng xăng dầu, không để khan hiếm, đứt gãy
chuỗi cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ 2: Kiểm tra, kiểm
soát thị trường, chống buôn lậu
2.1. Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm các hành
vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nội địa về niêm yết giá, bán
đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán hàng, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu
cơ, tích trữ,... làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong tỉnh.
2.2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, địa phương có liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật quản lý
nhà nước trong kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch và đối với các trường hợp có dấu
hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
2.3. Cục Hải quan tỉnh chủ trì thực hiện nhiệm
vụ chổng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo
“389” tỉnh Quảng Ninh và phối hợp các Sở, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ,
chống buôn lậu trong hoạt động xuất, nhập khẩu xăng dầu.
2.4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối
hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương kiểm soát chặt chẽ, chống buôn
lậu, đặc biệt trên tuyến biển; chỉ đạo các Đồn Biên phòng kiểm soát hoạt động của
các phương tiện thủy, tàu cá nhằm ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi liên quan
đến buôn lậu xăng dầu trên biển.
2.5. Công an tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm
quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và bảo vệ
môi trường đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu theo quy định; Tăng cường phối hợp
với các cơ quan chức năng nắm tình hình, trao đổi thông tin, nhằm kịp thời phát
hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ,
tiêu thụ xăng dầu trái phép, hành vi gian lận thương mại, sử dụng hóa đơn bất hợp
pháp,... trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
2.6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành, UBND các địa phương kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc
thực hiện các quy định về quản lý phương tiện đo lường và chất lượng xăng dầu
trong quá trình vận chuyển, lưu thông trên thị trường; việc sử dụng biểu tượng
(lô gô) nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
2.7. Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế, nộp thuế và đôn đốc việc thực hiện
các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Xử
lý vi phạm hành chính về thuế; nếu phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm
pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển thông tin đến cơ
quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn về
hóa đơn điện tử và phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các
hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa đối với xăng dầu nhập lậu,
không rõ nguồn gốc, xuất xứ
2.8. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng
cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định đối với
các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng dừng bán hàng tại các cửa
hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định (khi chưa được Sở Công Thương
chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng như cháy nổ, lũ
lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc
bán hàng); Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát
chặt chẽ các hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử
lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
3. Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền,
thông tin về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh
3.1. Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp
đầu mối, phân phối đăng tải về lượng dự trữ xăng dầu trên trang thông tin điện
tử của đơn vị; phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông,
Trung tâm Truyền thông tỉnh liên quan đến tình hình cung ứng và dự trữ xăng dầu
trên địa bàn tỉnh;
3.2. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp với Sở Công Thương, Sở
Khoa học và công nghệ, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức
năng có liên quan, thương nhân cung ứng xăng dầu thông tin đầy đủ và kịp thời đến
người tiêu dùng về tình hình cung ứng, giá cả, chất lượng xăng dầu trên địa bàn
tỉnh luôn đảm bảo, để người dân yên tâm, không nên tích trữ xăng dầu, tiềm ẩn
nguy cơ mất an toàn trong phòng chống cháy nổ; Đồng thời, tuyên truyền, khuyến
khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả, góp phần ổn
định thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh; lấy hóa đơn khi mua hàng hóa nhằm
khi mua hàng hình thành thói quen tiêu dùng văn minh, vừa đảm bảo quyền lợi người
tiêu dùng, vừa tăng cường quản lý doanh thu xăng dầu, tránh thất thu cho ngân
sách nhà nước.
3.3. Các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối,
thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh: Chỉ đạo nhân viên bán hàng
xăng dầu trực tiếp tuyên truyền, vận động người mua xăng dầu sử dụng hình thức
thanh toán điện tử.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch
UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm quán
triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này và các quy định của
pháp luật. Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện.
2. Chế độ báo cáo:
- Định kỳ hằng quý: Trước ngày 22 tháng cuối quý,
các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này
về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nội dung và
thời gian theo yêu cầu.
- Báo cáo năm: Trước ngày 20 tháng 12 năm 2023, các
Sở, ban, ngành, UBND các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở
Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết năm 2023
trước ngày 31/12/2023.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn
vướng mắc vượt thẩm quyền, hoặc phát sinh vấn đề mới, các cơ quan, đơn vị, tổ
chức và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp và tham
mưu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy trình./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành trong tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0, V1-3,TM,TH;
- Sở Công Thương gửi Kế hoạch này đến các doanh nghiệp KD xăng dầu trên địa
bàn tỉnh;
- Lưu: VT, TM2;
P02, CV123b
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Văn Khắng
|