ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 87/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 07
tháng 8 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH CÀ MAU NĂM 2019
Thực hiện Công văn số 4626/BKHĐT-HTX ngày 09/7/2018
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể
năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập
thể năm 2019 để thực hiện trên địa bàn tỉnh với nội dung chi tiết như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT
TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2018
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ
1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản
xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp
tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LH HTX, THT)
- Hoạt động tổ hợp tác: Tính đến cuối tháng
6/2017, toàn tỉnh có 1.076 THT; trong đó có 1.056 THT được Ủy ban nhân dân xã
chứng thực, chiếm 98%.
Doanh thu bình quân của THT đạt 300 triệu đồng/năm,
đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2018; lợi nhuận bình quân của THT đạt 100 triệu
đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2018.
- Hoạt động hợp tác xã: Tính đến cuối tháng
6/2017, toàn tỉnh có 167 HTX. Trong đó: Số lượng HTX đang hoạt động: 150 HTX; Số
lượng HTX ngưng hoạt động: 17 HTX.
Tình hình thành lập mới, giải thể, phá sản như sau:
+ Số lượng HTX thành lập mới: 19 HTX, so kế hoạch
năm 2018 đạt 100%.
+ Số lượng HTX giải thể: 04 HTX.
Doanh thu bình quân của HTX đạt 830 triệu đồng/năm,
đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2018; lợi nhuận trung bình của HTX đạt 159 triệu
đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch năm 2018; thu nhập bình quân của thành
viên 38 triệu đồng/năm/HTX.
b) Về thành viên, lao động của HTX, LH HTX,
THT
- Tổ hợp tác: Tổng số tổ viên tham gia
15.892 người, bình quân 15 thành viên/tổ, trong đó số lượng thành viên mới tham
gia vào THT năm 2018 là 1.004 người.
- Hợp tác xã: Tổng số thành viên hiện có
3.032 thành viên, so kế hoạch năm 2018 đạt 96%; số lao động thường xuyên trong
HTX là 3.888, đạt 92% so với kế hoạch năm 2018.
Thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 38 triệu
đồng/năm, so kế hoạch năm đạt 100%.
c) Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã,
liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác
Tổng số cán bộ quản lý HTX có 668 người/167 HTX.
Trong đó, trình độ cán bộ được đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp có 65 người.
2. Đánh giá theo lĩnh vực
a) Lĩnh vực nông nghiệp: Có 94
HTX (thủy sản, nông nghiệp 63 HTX; trồng trọt 17 HTX; chăn nuôi 03 HTX; lâm
nghiệp 02 HTX; tổng hợp 09 HTX).
- Loại hình dịch vụ nông nghiệp: Các HTX sau
khi củng cố, nhất là HTX thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã nhận thức
khá tốt về mô hình HTX kiểu mới, quan tâm tổ chức cung ứng các dịch vụ đầu vào
và tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm của thành viên. Một số HTX năng động nắm bắt
được thị trường, hợp tác liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức khoa học nên
có chiều hướng phát triển tốt.
- Loại hình dịch vụ và nuôi trồng thủy sản:
Các HTX nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, cua biển, sò huyết quan tâm đến
áp dụng mô hình nuôi mới, cải tiến quy trình nuôi, chăm sóc, giảm được chi phí,
kiểm soát được môi trường, tỷ lệ đạt kết quả khả quan. Do giá tôm nguyên liệu
giảm, nên lợi nhuận thấp, có khoảng 20% đạt lợi nhuận khá, 30% hòa vốn, còn lại
bị thua lỗ.
- Loại hình sản xuất giống thủy sản: Gặp nhiều
khó khăn trong cạnh tranh thị phần cung ứng giống. Những HTX có đăng ký nhãn hiệu,
duy trì được khách hàng truyền thống, doanh thu và lợi nhuận tuy có giảm nhưng
vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Loại hình khai thác đánh bắt thủy sản: Một
vài thành viên đủ điều kiện tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi đóng mới tàu đánh bắt xa
bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá. Số HTX còn lại do phương tiện hoạt động cũ kỹ xuống
cấp, chi phí cho một chuyến đánh bắt khá lớn, thiếu vốn, không đủ điều kiện
đánh bắt xa bờ nên hoạt động cầm chừng, một số ngưng hoạt động phải giải thể.
b) Lĩnh vực phi nông nghiệp: Có 56
HTX (xây dựng 10 HTX; giao thông vận tải 20 HTX; công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp 05 HTX; thương mại - dịch vụ 19 HTX; quỹ tín dụng 02 HTX).
- Hợp tác xã xây dựng: Có điều kiện tham gia
các công trình phúc lợi công cộng; tuy nhiên, một số HTX tạm ngưng hoạt động do
khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật, máy móc trang thiết bị, tay nghề công
nhân không đủ năng lực và sức cạnh tranh trong tham gia đấu thầu.
- Hợp tác xã giao thông vận tải: Chủ yếu là
dịch vụ vận tải hành khách đường bộ bằng phương tiện xe buýt, taxi có chiều hướng
phát triển tốt. Các HTX tăng vốn đầu tư phương tiện hoạt động đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt đi lại của người dân ngày càng tăng nên hoạt động tương đối ổn định,
góp phần phát triển mạng lưới giao thông công cộng, tạo được nhiều việc làm cho
thành viên.
- Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp: Thành viên
chủ yếu là những hộ không có tư liệu sản xuất, thiếu vốn, tham gia hợp tác xã để
được hỗ trợ tạo việc làm, hoạt động theo ngành nghề truyền thống, tận dụng nguồn
nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: Hầm than, chế biến hàng nông, lâm, thủy
sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Những HTX mới thành lập gần đây sản xuất chế biến sản
phẩm đặc trưng của địa phương như: Chế biến thủy sản, tôm khô, cá khô, mật ong,
do có nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương đã thu hút giải quyết việc làm
cho nhiều lao động nên có xu thế phát triển.
- Hợp tác xã thương mại - dịch vụ: Các HTX
giết mổ gia súc, gia cầm chưa chủ động được nguồn cung ứng đầu vào. Riêng các
HTX kinh doanh chế biến hàng thủy hải sản, mua bán vật tư nông nghiệp, vật liệu
xây dựng, tuy giá cả có biến động, nhưng nhờ có thị trường ổn định nên duy trì
hoạt động.
- Quỹ tín dụng nhân dân: Quỹ tín dụng nhân
dân Phường 2, thành phố Cà Mau và Quỹ tín dụng nhân dân Thới Bình, huyện Thới
Bình, hoạt động ổn định và hiệu quả; phục vụ và giữ uy tín tốt với khách hàng;
cơ sở vật chất tốt, đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đáp ứng kịp
thời nhu cầu vốn cho thành viên Quỹ tín dụng nhân dân, góp phần tạo điều kiện
thuận lợi cho thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng sản xuất, phát triển
kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn gặp những khó khăn nhất định,
môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt với các tổ chức tín dụng và giới hạn về
địa bàn hoạt động.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT
VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng
dẫn
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung
ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành các văn bản chỉ đạo như:
Công văn số 1993/UBND-KT ngày 31/3/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển
kinh tế tập thể; Công văn số 4514/UBND-KT ngày 26/8/2015 về triển khai thực hiện
Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số
752/UBND-KT ngày 25/01/2017 về thực hiện một số nhiệm vụ về kinh tế tập thể;
Công văn số 1737/UBND-KT ngày 09/3/2017 về tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm
vụ trên lĩnh vực kinh tế tập thể và Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày
26/8/2017 ban hành Quy chế phối hợp hoạt động lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa
bàn tỉnh Cà Mau.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được quán triệt
thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đào tạo kết hợp phổ biến đến cán bộ,
thành viên HTX trong tỉnh về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về kinh tế tập thể như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về
kinh tế tập thể; Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 20/01/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục
lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX; Luật HTX năm 2012; Kế hoạch
số 59-KH/TU ngày 30/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 53/KH-UBND
ngày 16/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số
59-KH/TU ngày 30/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số
56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX
về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”.
2. Công tác quản lý nhà nước về KTTT
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể đã được
tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện, chính quyền các cấp kịp thời triển khai, hướng
dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KTTT, HTX thông qua
Chương trình phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ngành chức năng với
Liên minh Hợp tác xã tỉnh (Kế hoạch số 33/KHPH-SNN-SKHĐT-UBND ngày 11/4/2018 về
kế hoạch phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và
Đầu tư - Liên minh Hợp tác xã tỉnh với Ủy ban nhân dân các huyện, TP. Cà Mau
trong công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2018). Kế hoạch
phối hợp nhằm đẩy mạnh, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
hình thành, phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị, khai thác tiềm năng, lợi
thế các mặt hàng nông thủy sản - sản phẩm chủ lực của tỉnh, thúc đẩy phát triển
sản xuất, tăng thu nhập của người dân, đạt tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn
mới.
Thực hiện chế độ báo cáo về hợp tác xã, liên hiệp hợp
tác xã theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, chế độ thông tin, báo cáo của cơ quan đăng ký HTX và chế độ
báo cáo về tình hình hoạt động của các HTX thời gian qua được chấn chỉnh và từng
bước thực hiện đúng quy định.
3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi
hợp tác xã
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:
Nguồn ngân sách tỉnh năm 2018 hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng mở 50 lớp cho
gần 1.640 lượt người tham gia, đối tượng là cán bộ chủ chốt ở cơ sở và cán bộ
quản lý HTX với kinh phí 937.500.000 đồng.
Đang hoàn chỉnh Kế hoạch triển khai thí điểm mô
hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời gian ở HTX
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2018 - 2020; bồi dưỡng 02 lớp
nâng cao năng lực quản lý HTX.
- Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường: Đã vận động, tổ chức và hỗ trợ cho 05 HTX với 13 mặt hàng (trong đó
có các mặt hàng chủ lực của tỉnh), đạt chuẩn quy định tham gia Hội chợ, xúc tiến
thương mại cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX năm 2018 do Liên minh HTX Việt Nam
chủ trì tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên HTX tỉnh Cà Mau có mặt ở một sự
kiện xúc tiến thương mại có quy mô toàn quốc. Gian hàng của tỉnh Cà Mau được
nhiều khách hàng quan tâm, chọn mua (như mặt hàng cua biển Năm Căn, tôm khô Rạch
Gốc).
HTX G.V.H.B cua biển Năm Căn Cà Mau được chọn là một
trong các HTX tiêu biểu tham gia ký kết hợp tác xúc tiến thương mại với các đối
tác liên kết hợp tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn một số HTX tham gia triển
lãm sản phẩm nông nghiệp của các HTX khu vực miền Đông Nam bộ tại tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu.
- Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công
nghệ mới: Hàng năm, các trung tâm chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học
- kỹ thuật của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn về kỹ
thuật trồng trọt, chăn nuôi. Triển khai các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh
tế cao, cung cấp các loại phân bón, con giống, cây giống mới có năng suất, chất
lượng cao và đã hỗ trợ công nhận nhãn hiệu tập thể cho 03 HTX (Bồn Bồn - Cái
Nước, Cá Chình - Tân Thành, Cá Khô Khoai - Cái Đôi Vàm).
- Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển
HTX: Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã thẩm định, giải ngân 6 dự án, với tổng số
tiền là 1,7 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ là 88 dự án với tổng số tiền là 12.594
triệu đồng; đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về vốn, giúp HTX duy trì, mở
rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thành
viên và người lao động trong HTX.
- Chính sách thành lập mới HTX: Trong 6
tháng đầu năm, Liên minh HTX tỉnh chi hỗ trợ thành lập mới 02 HTX với tổng số
tiền là 13.860.000 đồng.
- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng: Đang triển khai hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các HTX nông nghiệp
theo kế hoạch năm 2018.
- Chính sách giao đất, cho thuê đất: Hiện
nay đa số các hợp tác xã chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai. Vì vậy,
việc xây dựng trụ sở, mặt bằng sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chưa
đáp ứng yêu cầu. Một số HTX do không có quỹ đất xây dựng nên không thể áp dụng
được chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ.
- Chính sách ưu đãi về tín dụng: Về tín dụng
thương mại, HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp từ các Ngân hàng
thương mại theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ do
không đủ điều kiện để về bảo đảm tiền vay theo quy định của các ngân hàng.
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014
của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ cho 01 HTX vay vốn đóng tàu với tổng số tiền 15 tỷ
đồng.
III. CÁC VẤN ĐỀ TỒN TẠI, HẠN CHẾ,
NGUYÊN NHÂN
- Tồn tại, hạn chế: Kinh tế tập thể, HTX của
tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Từ 19 HTX thành lập mới đầu năm đến nay cho thấy
quy mô thành viên HTX tăng rất ít, trung bình 14 thành viên/HTX. Việc huy động
vốn điều lệ của HTX còn khó khăn, các HTX chưa tổ chức được nhiều dịch vụ để hỗ
trợ cho thành viên; phần lớn các HTX đều chưa tạo được quỹ đất để xây trụ sở
giao dịch, HTX chưa hội đủ điều kiện để tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi
của Nhà nước; liên kết trong tiêu thụ nông sản còn khó khăn.
- Nguyên nhân: Công tác tuyên truyền, vận động
còn hạn chế; cán bộ HTX có tâm huyết, uy tín, được thành viên tín nhiệm nhưng
phần đông là lớn tuổi, ít nhạy bén, trình độ năng lực hạn chế; các doanh nghiệp
chưa thực sự quan tâm ký kết hợp đồng liên kết cung ứng giống, vật tư và tiêu
thụ sản phẩm. Một số nội dung quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tập thể thực
hiện chưa chặt chẽ.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH
TẾ TẬP THỂ NĂM 2019
I. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
NĂM 2019
1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn
a) Thuận lợi
Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị
về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát
triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật HTX năm 2012 đi vào thực tiễn
sẽ có tác dụng tích cực đối với phát triển KTTT, tạo điều kiện cho các HTX sẽ
phát huy tốt hơn vai trò đối với kinh tế hộ gia đình.
Tỉnh đã chú trọng và có biện pháp đẩy mạnh phát triển
HTX, tạo điều kiện cho KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển; nền kinh tế của tỉnh
có tốc độ tăng trưởng khá qua nhiều năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
theo hướng tăng khả năng cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh của từng ngành,
tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng. Cơ cấu sản xuất nông
nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng bền vững và hiệu quả, chú trọng
cả trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi; cơ cấu trong nội bộ từng ngành
từng bước chuyển dịch gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu là lợi thế cho
việc phát triển KTTT.
b) Khó khăn:
Tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh biến đổi bất
thường tiềm ẩn nhiều nhân tố bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khu vực
KTTT vốn còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa đủ điều kiện để tiếp cận để tiếp cận
các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước.
Nhận thức và thực hiện các quan điểm, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về KTTT của một bộ phận cán bộ, đảng
viên chưa toàn diện, nên ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực KTTT.
2. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX
- Rà soát, đánh giá một cách toàn diện, đồng bộ số
THT hiện có trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn cụ thể để các THT thực hiện việc
đăng ký thành lập, tổ chức hoạt động đúng theo quy định của Nghị định số
151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ.
- Củng cố các HTX hiện có, phát triển HTX mới nhằm
đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm của thành viên
theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành. Làm tốt công tác tuyên
truyền, vận động kết nạp thành viên để mở rộng quy mô thực hiện, tăng năng lực
sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Phát triển HTX theo mô hình kinh doanh đa ngành
nghề; hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển ngành nghề, tăng thu nhập.
Thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc hình thành HTX kiểu mới gắn với sản phẩm chủ
lực của tỉnh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,
hàng hóa.
- Phát triển HTX gắn với nhiệm vụ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lồng ghép với các chương trình, dự
án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, ngành và lĩnh vực, tranh thủ
mọi điều kiện thuận lợi trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Quan tâm, tạo điều
kiện để các HTX xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tham quan học tập
kinh nghiệm trong và ngoài nước.
3. Mục tiêu tổng quát
Chuyển đổi và phát triển HTX hoạt động theo Luật Hợp
tác xã năm 2012 và pháp luật về HTX. Thúc đẩy phát triển KTTT với nòng cốt là
HTX đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, góp phần xóa
đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất tinh thần
của xã viên và dân cư ở địa phương. Gắn với các mô hình HTX kiểu mới, tái cơ cấu
nền kinh tế và xây dựng nông thôn mới, tích cực chủ động hội nhập quốc tế.
Tăng cường xây dựng và phát triển KTTT trong các
lĩnh vực, ngành, nghề theo hướng chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu
quả, bền vững; thu hút đông đảo nhân dân, những người sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt
trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từng bước khẳng định vai trò, vị trí của
khu vực KTTT trong nền kinh tế của địa phương.
4. Một số mục tiêu cụ thể
- Phát triển mới 80 THT, bình quân 01 THT/xã.
- Phát triển mới từ 18 - 20 HTX, bình quân 02
HTX/huyện, thành phố.
- Số HTX khá và giỏi đạt từ 20% trở lên; yếu, kém
dưới 10%; không còn HTX ngưng, nghỉ hoạt động.
- Xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới có HTX hoạt động
có hiệu quả.
- Thu nhập bình quân của người lao động và thành
viên trong các HTX trên 40 triệu đồng. Doanh thu bình quân của HTX 900 triệu đồng
trở lên.
- Cán bộ chủ chốt HTX được bồi dưỡng bổ sung kiến
thức chuyên môn và pháp luật có liên quan đạt 80%.
- Bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể cho cán bộ chủ
chốt xã, phường, thị trấn: 09 lớp.
5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm
2019
a) Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống
văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012
Tiếp tục đề xuất cụ thể hóa một số chính sách của
Trung ương vào địa phương để khuyến khích, động viên các HTX phấn khởi, khắc phục
khó khăn để vươn lên trong sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP
ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn theo hướng từ gửi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cho
ngân hàng sang “Hợp đồng liên kết với doanh nghiệp mua giống, vật tư và tiêu thụ
sản phẩm” (quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP).
b) Tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã
2012 và nâng cao nguồn nhân lực HTX
Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT đến cán
bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức sâu rộng, nhằm tạo
tiền đề cho KTTT phát triển theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Nâng cao chất lượng tin bài, thông tin trên website
của tỉnh, cơ quan báo, đài địa phương về phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Tổ chức các cuộc tọa đàm - gặp gỡ đối thoại chính sách
HTX về xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp
và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội chợ, kết hợp với
tuyên truyền về kinh tế hợp tác, HTX.
Tập trung tuyên truyền: Các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX; như: Luật HTX năm 2012, Chỉ thị
số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 445/QĐ-TTg
ngày 21/3/2016, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ...
c) Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ
trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai
đoạn 2015 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt
Quan tâm hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi giá trị
(theo Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để hoạt động có hiệu quả,
nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo chung việc phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Có kế
hoạch phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về chủ trương “mỗi xã một sản phẩm” tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực
của tỉnh (thủy sản, lúa, gạo, gỗ, chuối), xây dựng 13 mô hình HTX (04 đoàn thể,
8 huyện và thành phố Cà Mau, mỗi đơn vị có 01 mô hình).
d) Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực
KTTT, HTX
- Phối hợp rà soát, đánh giá, kiện toàn, củng cố hoạt
động của HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, xử lý dứt điểm các HTX yếu kém hoặc
ngừng hoạt động.
- Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của
các HTX, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ HTX hoạt động đúng luật và hiệu quả. Vận động
các thành viên của HTX nâng mức vốn góp, các HTX có điều kiện thu hút thêm
thành viên, hợp nhất, sáp nhập các HTX cùng ngành nghề và hoạt động trên cùng địa
bàn để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX.
đ) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về
KTTT
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng,
phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong
phát triển HTX.
- Kiện toàn hệ thống bộ máy các cấp để thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản
quy phạm pháp luật về HTX. Ban hành một số chính sách phù hợp với tình hình của
tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao
chất lượng hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thực hiện có hiệu quả các
chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phát triển
HTX, tư vấn, hỗ trợ thành viên, tham gia xây dựng và phối hợp hướng dẫn thực hiện
chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế HTX.
- Chấn chỉnh tổ chức và đổi mới nội dung và phương
thức hoạt động trong từng HTX để đảm bảo đúng tính chất là một tổ chức KTTT
theo nguyên tắc tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm; phát huy dân chủ, phục
vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của thành viên, giải quyết được nhiều việc làm,
tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
- Tập hợp và huy động được đội ngũ cán bộ chủ chốt
HTX có năng lực và phẩm chất, tận tâm, nhiệt tình, có tâm huyết với công việc của
HTX; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực dưới nhiều
hình thức cho HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX.
- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với khu vực
HTX theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định khác. Tăng cường
công tác kiểm tra, chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện
Nghị quyết, Luật Hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối
với kinh tế tập thể.
e) Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức
đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển HTX; khuyến
khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX đổi
mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học,
kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hạ giá
thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.
Lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc
gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm thu
hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.
Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông
dân khi tham gia HTX, THT và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất
kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp.
Đẩy mạnh sự liên kết trong khu vực HTX và giữa HTX
với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực tập
trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Có chính sách khuyến khích thu hút cán bộ quản lý,
khoa học kỹ thuật, sinh viên mới ra trường về làm việc tại HTX, từng bước tiêu
chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở một số lĩnh vực, ngành nghề (chủ nhiệm, kế
toán trưởng, trưởng ban kiểm soát) nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và
ổn định cán bộ.
II. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sớm triển khai các hoạt
động hỗ trợ HTX tham gia chuỗi giá trị theo Quyết định số 88/QĐ-LMHTXVN ngày
01/02/2018 của Liên minh HTX Việt Nam.
Trên đây là Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm
2019 của tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo đề cương yêu cầu của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư (kèm theo các biểu số liệu có liên quan)./.
Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Cục Phát triển Hợp tác xã - Bộ KH&ĐT (gửi: cucpthtx@mpi.gov.vn);
- CT, các PCT UBND tỉnh (VIC);
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- PVP UBND tỉnh (Q);
- Phòng KT (D02);
- Lưu: VT. Tr 58/8.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Sử
|