BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 709/KH-CHK
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 02 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG,
CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ QUA ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG NĂM 2024
Thực hiện Quyết định số 123/QĐ-BGTVT ngày
02/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) ban hành Kế hoạch hành
động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, Cục Hàng
không Việt Nam (Cục HKVN) ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Giao
thông vận tải về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các đơn
vị nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu,
vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không. Trọng tâm là kiểm soát chặt
các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh hàng không, an ninh trật
tự, an toàn xã hội, như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, tiền giả, tài liệu phản động,
động vật hoang dã, vàng, rượu, thuốc chữa bệnh...
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý của
các đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức,
viên chức của cơ quan quản lý nhà nước và các cấp quản lý, nhân viên của các
doanh nghiệp về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối
với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người
dân.
2. Yêu cầu
Các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, phân công
nhiệm vụ cụ thể; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và tập trung nguồn lực triển khai
quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách
nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các văn
bản, các quy định của pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
và hàng giả tới cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý nhà nước và
các cấp quản lý, nhân viên của các doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành
các quy định trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,
không bảo kê, tiếp tay, chứa chấp hàng lậu, không tiêu dùng hàng lậu, hàng giả.
Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả
giữa các lực lượng chức năng, các đơn vị có liên quan trong công tác chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
II. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Chỉ đạo, quản lý công tác đấu tranh ngăn chặn
các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất
lượng qua đường hàng không quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Xác định công
tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính
trị quan trọng, thường xuyên của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động trong cơ quan, đơn vị.
2. Chủ động phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi
phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động
của cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các chuyến bay quốc tế, các địa bàn trọng
điểm.
3. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hoàn thiện quy trình
kiểm soát an ninh nội bộ; kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không; xếp, dỡ, đưa
hàng hóa lên, xuống tàu bay tại cảng hàng không, sân bay; mang đồ vật vào, ra
các khu vực hạn chế.
4. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, hệ thống quản
lý nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phụ
trách.
5. Tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các
quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân
viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt
động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
6. Chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan
trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trong lĩnh vực hàng không.
7. Tích cực, chủ động, nâng cao hiệu quả công tác
phối hợp với các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị của ngành hàng không
trong đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều
hành và quản lý phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và giám sát hoạt động hàng
không dân dụng cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả.
9. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và
hàng giả; đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nội quy của cơ
quan, đơn vị đối với những trường hợp vi phạm.
III. CÁC GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ CỤ
THỂ
Ngoài các nhiệm vụ chung nêu trên, các cơ quan, đơn
vị lưu ý các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Cảng vụ hàng không miền Bắc,
miền Trung, miền Nam
Triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức,cá
nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý.
Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong
khu vực cảng hàng không, sân bay cam kết thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ,
Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam về chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm
như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực
sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất
ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp
thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa
bằng đường hàng không.
2. Tổng công ty Cảng hàng không
Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công
an, Tổng cục Hải quan và các cơ quan, đơn vị liên quan:
- Tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không
nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu;
- Kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan
đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc
phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm.
- Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật
ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
4. Các hãng hàng không Việt Nam
Tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy
định của pháp luật, chính sách không vận chuyển và không tiếp tay cho vận chuyển
hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ đến các tổ
chức, cá nhân liên quan. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trong nội bộ
không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không
tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng
không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; qua đó vận
động người lao động tố giác các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Chỉ đạo Đoàn bay, Đoàn tiếp viên, các bộ phận thường
xuyên làm nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay làm tốt công tác kiểm soát an
ninh nội bộ, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt
và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.
Chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không và các bộ phận
liên quan của Hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm
về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động
để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có
biện pháp kiểm tra chặt chẽ đối với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng
cao hiệu quả công tác đấu tranh của đơn vị.
Tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức
năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn
buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị.
5. Tổng công ty Quản lý bay Việt
Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bay bảo đảm hoạt động bay, cung ứng suất
ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ khác tại các cảng hàng không, sân bay
Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của
đơn vị mình khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay
nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả, trong đó lưu ý:
- Các đơn vị bảo dưỡng tàu bay kiểm tra chặt chẽ
người, đồ vật phục vụ bảo dưỡng khi thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm soát
chặt chẽ người, đồ vật mang lên tàu bay phục vụ bảo dưỡng nội trường và thực hiện
nghiêm túc quy định kiểm tra an ninh hàng không trước khi bàn giao tàu bay.
- Các đơn vị phục vụ suất ăn kiểm soát chặt chẽ người,
đồ vật dụng cụ thu hồi sau chuyến bay đặc biệt là các chuyến bay quốc tế;
- Các đơn vị phục vụ mặt đất phối hợp với lực lượng
kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với nhân
viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay; khu vực tập kết rác sau khi chuyến bay;
- Các đơn vị phục vụ hàng hóa phối hợp với đơn vị
chức năng của Hải quan tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về hành vi buôn lậu;
phân biệt hàng thật, hàng giả để ngăn ngừa từ khâu chấp nhận vận chuyển hàng
hóa. Phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra chặt chẽ quy
định mang đồ vật vào/ra khu vực hạn chế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị lập kế hoạch cụ thể triển khai thực
hiện nghiêm các nội dung được phân công trong Kế hoạch này.
2. Công tác báo cáo:
Các cơ quan đơn vị gửi báo cáo về Cục HKVN như sau:
- Báo cáo hàng tháng (số liệu từ ngày 16 tháng trước
liền kề đến hết ngày 15 của tháng báo cáo): Trước ngày 16 hàng tháng;
- Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm (số liệu từ ngày
16 tháng 12 năm 2023 đến hết ngày 15 tháng 6 năm 2024): Trước ngày 16 tháng
6 của năm 2024;
- Báo cáo tổng kết năm (số liệu từ ngày 16 tháng 12
năm 2023 đến hết ngày 15 tháng 12 năm 2024): Trước ngày 16 tháng 12 của năm
2024.
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, các cơ
quan, đơn vị chưa tổng hợp đủ số liệu của những ngày gần kề ngày báo cáo (nếu
có), yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải bổ sung những số liệu đó vào kỳ báo cáo
liền kề sau.
- Trong thời gian tăng cường phục vụ Tết Nguyên đán
Giáp Thìn 2024, các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo theo văn bản số
7447/CHK-ANHK ngày 25/12/2023 của Cục HKVN về việc triển khai thực hiện cao điểm
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết
Nguyên đán Giáp Thìn 2024;
- Nội dung, hình thức, biểu mẫu báo cáo theo Quyết
định số: 01/QĐ-BCĐ389 ngày 04/01/2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Báo cáo được gửi bản chính thức theo quy định về
văn thư và bản điện tử về hòm thư avsec@caa.gov.vn.
3. Giao Phòng An ninh hàng không - Cục HKVN đôn đốc,
theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Cục trưởng Cục
HKVN theo quy định.
Liên hệ: Đ/c Lưu Tuấn Kiên Chuyên viên Phòng An
ninh hàng không, SĐT: 097234566.
(Tài liệu kèm theo: Quyết định số 123/QĐ-BGTVT
ngày 02/02/2024 của Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 01/QĐ-BCĐ389 ngày
04/01/2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại
và hàng giả)./.
Nơi nhận:
- Bộ GTVT (để báo cáo);
- Cục trưởng (để báo cáo);
- Các Phó Cục trưởng;
- Tổng cục Hải quan (để phối hợp);
- Văn phòng Đảng ủy Cục Hàng không Việt Nam;
- Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam;
- Các CVHK: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam;
- Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP;
- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam;
- Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn;
- Các Hãng hàng không Việt Nam;
- Các Công ty cung cấp dịch vụ hàng không;
- Trang Thông tin điện tử Cục HKVN;
- Lưu: VT, ANHK (01) LTK (60).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Đỗ Hồng Cẩm
|