ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5024/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
21 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
DỰ TRỮ HÀNG HÓA THIẾT YẾU BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRƯỚC, TRONG VÀ
SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT
ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo
đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán
Giáp Thìn 2024 và nhằm bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi
dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu,
không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời, đẩy mạnh
công tác đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục
vụ nhân dân gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam”; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch dự trữ hàng
hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn
2024 như sau:
I. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích
Góp phần cân đối cung cầu hàng
hóa, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu
sản xuất tiêu dùng của nhân dân trong những tháng trước, trong và sau tết
Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, qua đó, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm
chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội
trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2. Yêu cầu
- Bảo đảm đầy đủ, thường xuyên
số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy
ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp trước, trong
và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường phải bảo
đảm chất chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả ổn định.
- Phát triển mạng lưới phân phối
bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt quan
tâm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp và huyện
Phú Quý.
II. Nội dung
thực hiện
1. Hàng hóa
bình ổn giá
Hàng hóa tham gia chương trình
bình ổn phải bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp
ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tập
trung vào các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống,
rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn, như: Gạo, nếp, thịt gia
súc, gia cầm, trứng, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả, muối Iốt,... theo
kế hoạch của doanh nghiệp đăng ký Sở Công Thương.
2. Các
doanh nghiệp tham gia
Doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp) do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các
sở, ngành liên quan xác định lựa chọn, bao gồm:
- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn
tỉnh; có năng lực tài chính lành mạnh; có đủ uy tín và thương hiệu trên thị trường.
- Doanh nghiệp có phương án tổ
chức kinh doanh, gắn kết đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm nguồn
cung hàng hóa với giá cả ổn định, vừa tạo nguồn hàng, vừa phát triển mạng lưới
bán lẻ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường.
- Doanh nghiệp có quy mô kinh
doanh lớn, có hệ thống mạng lưới phân phối, đảm bảo các điều kiện về chất lượng,
an toàn vệ sinh thực phẩm để có khả năng định hướng, dẫn dắt thị trường.
- Doanh nghiệp có kế hoạch hoặc
cam kết phát triển hệ thống phân phối tới các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng
xa, hải đảo.
- Doanh nghiệp có quá trình
tham gia và thực hiện tốt các quy định của chương trình trong những năm trước.
- Các doanh nghiệp có hành vi
vi phạm khi tham gia chương trình, doanh nghiệp bị xử phạt hành chính trong
lĩnh vực giá không được tham gia chương trình.
Ngoài các doanh nghiệp được lựa
chọn tham gia chương trình bình ổn thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn nhưng
không nhận hỗ trợ tín dụng ưu đãi với cam kết phải thực hiện theo đúng các quy
định đề ra.
a) Quyền lợi của doanh nghiệp:
Được hỗ trợ vay vốn lưu động
thông qua các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất
cho vay kinh doanh tại thời điểm thực hiện chương trình để dự trữ hàng hóa bảo
đảm nguồn hàng theo kế hoạch; được ưu tiên hỗ trợ mặt bằng (không tính phí thuê
mặt bằng) để tổ chức các điểm bán hàng bình ổn thị trường; có cơ hội kết nối
cung cầu hàng hóa các thị trường trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản
phẩm nhằm nâng cao uy tín thương hiệu.
b) Trách nhiệm của doanh nghiệp:
- Tổ chức sản xuất kinh doanh,
dự trữ lượng hàng hóa bảo đảm về số lượng, chất lượng, giá cả và các quy định
điều kiện khác của chương trình.
- Tổ chức bán hàng theo đúng
quy định; thực hiện đăng ký giá, kê khai giá hoặc thông báo giá; niêm yết giá
theo quy định tại các điểm bán hàng bình ổn.
- Thực hiện đúng cam kết và các
quy định của chương trình; thông tin công khai các điểm phân phối, bán hàng
bình ổn thị trường, treo băng rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá và bán đúng giá
niêm yết; bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu
dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.
- Kịp thời cung ứng đủ hàng khi
thị trường có biến động bất thường hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Sử dụng vốn vay đúng mục
đích, hoàn trả vốn vay và lãi vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký kết với các
Ngân hàng thương mại tham gia chương trình; trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn
vay không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng lượng hàng
theo kế hoạch, đơn vị phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất
theo quy định hiện hành.
- Doanh nghiệp chủ động liên hệ
với địa phương, đơn vị quản lý sử dụng đất (Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản
lý các khu công nghiệp) để được sắp xếp bố trí vị trí, địa điểm bán hàng cho
phù hợp với quy mô bán hàng của doanh nghiệp. Cần có kế hoạch, thời gian bán
hàng cụ thể để địa phương dễ theo dõi, quản lý báo cáo cho các ngành quản lý của
tỉnh.
3. Ngân
hàng thương mại tham gia chương trình bình ổn giá
- Các ngân hàng đang có quan hệ
cho vay với các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch này. Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến
khích các ngân hàng thương mại khác chủ động tham gia chương trình này.
- Cân đối nguồn vốn cho vay đối
với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với mức lãi suất cho vay
ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay kinh doanh cùng thời điểm.
4. Thời
gian, địa điểm thực hiện bán hàng bình ổn
- Thời gian thực hiện: Từ khi
ban hành Kế hoạch này đến tháng 3 năm 2024.
- Địa điểm bán hàng bình ổn: Ưu
tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng
sâu, vùng xa, hải đảo. Điểm bán hàng bình ổn phải treo biển hiệu nhận diện
riêng; sắp xếp, trang trí hàng hóa bảo đảm văn minh thương mại; hàng hóa phải
bày bán trên giá kệ, sắp xếp gọn gàng thuận tiện cho việc mua sắm. Có bảng niêm
yết giá bán các mặt hàng bình ổn tại cửa ra vào, bố trí hàng bình ổn ở các vị
trí thuận tiện, riêng biệt nếu bán cùng với hàng hóa khác, thực hiện niêm yết
giá bán cho từng sản phẩm. Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố
định, các đơn vị tổ chức thêm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện, thị xã,
thành phố trong tỉnh.
5. Giá bán
hàng bình ổn
Giá bán hàng bình ổn của các
doanh nghiệp tham gia chương trình ổn định, thấp hơn từ 05-10% so với giá thị
trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
6. Kế hoạch
dự trữ hàng hóa của các đơn vị
Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết
yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị dịp trước, trong và sau tết Nguyên
đán Giáp Thìn 2024 khoảng 391,2 tỷ đồng(1) với
nhiều mặt hàng bình ổn tại các đơn vị(2).
III. Tổ chức
thực hiện
1. Sở
Công Thương
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam – Chi nhánh Bình Thuận, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp
tham gia chương trình tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình
ổn thị trường.
- Đôn đốc việc thực hiện của
doanh nghiệp để bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó,
chú ý đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm để phục vụ nhân dân trên địa bàn với
giá hợp lý.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến
thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có
phương án hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị
trường khi cần thiết. Trong đó, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, các mặt hàng
lương thực, thực phẩm, rau quả, trứng gia cầm…bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng của
nhân dân trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Vận động các doanh nghiệp thuộc
mọi thành phần kinh tế tham gia bình ổn thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn
2024; đặc biệt, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung
để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân dịp cuối năm 2023 và tết
Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan
chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về giá bán các mặt
hàng thuộc diện bình ổn giá theo Kế hoạch này.
- Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh
và Ủy ban nhân dân các huyện vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình
bình ổn thị trường phục vụ cho bà con nhân dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
2. Sở Tài
chính
Phối hợp Sở Công Thương, các cơ
quan liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về giá bán các
mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
3. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương
thực, thực phẩm, rau quả, trứng gia cầm…bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng của người
dân trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Căn cứ số lượng heo dự kiến
xuất chuồng theo kế hoạch của các đơn vị chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, các cơ quan chức năng và địa phương
vận động, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi heo cân đối số lượng, ưu tiên xuất
bán cho các đơn vị thu mua heo thịt của các hộ chăn nuôi tham gia bình ổn tại địa
bàn tỉnh đảm bảo đầy đủ, kịp thời dịp cuối năm 2023 và tết Nguyên đán Giáp Thìn
2024.
4. Ngân
hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Thuận
- Theo dõi, đôn đốc các ngân
hàng thương mại tham gia chương trình thực hiện việc cho vay vốn với lãi suất
được hỗ trợ theo Kế hoạch này.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương
mại chủ động cân đối nguồn tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các doanh nghiệp
tham gia chương trình bình ổn giá.
- Tạo điều kiện giúp các doanh
nghiệp tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhanh
chóng, thuận lợi.
5. Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh
Bố trí mặt bằng thuận tiện đang
quản lý, sử dụng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia chương trình đặt địa
điểm bán hàng bình ổn tại các Khu công nghiệp.
6. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền
về các điểm bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp tham gia chương trình để
người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.
- Rà soát các mặt bằng thuận tiện
đang quản lý, sử dụng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia chương trình
đặt địa điểm bán hàng bình ổn.
- Vận động các cơ sở sản xuất
kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…tại địa bàn tham gia dự trữ hàng
hóa thiết yếu bình ổn thị trường tại địa phương.
7. Đối với
các doanh nghiệp tham gia Kế hoạch này
- Xây dựng kế hoạch tổ chức nguồn
hàng, dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng với
giá cả ổn định, tổ chức tốt hệ thống phân phối và bán hàng bình ổn. Trong đó, chú
ý tăng số lượng mặt hàng thịt gia súc, gia cầm so với các nhóm thực phẩm khác,
đặc biệt trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Có trách nhiệm công bố cụ thể
các điểm bán hàng bình ổn, thời gian thực hiện chương trình,… và cam kết hàng
hóa phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của pháp
luật.
- Kết hợp thực hiện chương
trình bình ổn với việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam”.
- Kịp thời cung ứng, điều tiết đủ
lượng hàng khi thị trường có biến động bất thường hoặc theo yêu cầu của cấp có
thẩm quyền. Tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn về nông
thôn, các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa để phục vụ
nhân dân.
- Tăng cường liên kết với các
doanh nghiệp ngoài tỉnh nhằm khai thác nguồn hàng có hiệu quả và mở rộng hệ thống
phân phối, chú trọng việc mở rộng các điểm bán hàng bình ổn phục vụ nhân dân tại
các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Các doanh nghiệp kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng
để kịp thời phục vụ người dân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn
2024.
8. Đối với
các ngân hàng thương mại
- Có hạn mức tín dụng, mức lãi
suất cho vay phù hợp dành cho các doanh nghiệp tham gia Kế hoạch này.
- Tạo điều kiện thuận lợi, giải
quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp
tham gia chương trình.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc giao Sở Công Thương tổng hợp tham
mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải;
- Các sở, ban, ngành có liên quan;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Bình Thuận;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Các doanh nghiệp tham gia bình ổn
(Giao Sở Công Thương gửi);
- Lưu: VT, TTTT, KT. Thường.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Hải
|
(1) Bao gồm: Chi nhánh Công ty CP Thương mại
Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận: 253,9 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Thiết:
51,4 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart La Gi: 31,5 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan
Rí Cửa: 13 tỷ đồng; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam – Chi nhánh
Bình Thuận: 30 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ: 01 tỷ đồng;
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan: 10 tỷ đồng; Trung tâm Dịch vụ miền
núi: Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện của những năm trước, năm nay Trung
tâm dự kiến chi tạm ứng cho hệ thống 11 cửa hàng và 05 đại lý trực thuộc đóng
chân tại 11 xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh để
chủ động mua hàng hóa bán phục vụ tết Đầu lúa và tết Nguyên đán với số tiền dự
kiến từ 30 đến 50 triệu đồng/đại lý, cửa hàng (tổng số tiền dự kiến các cửa
hàng, đại lý tự mua sắm hàng hóa khoảng trên 400 triệu đồng).
(2) Mặt hàng bán bình ổn, trị giá: Gạo tẻ,
gạo nếp: 7,8 tỷ đồng; sản phẩm ăn liền (mì gói, phở gói, cháo gói,…):
31,2 tỷ đồng; đường ăn các loại: 4,7 tỷ đồng; dầu ăn: 8,8 tỷ đồng; thịt gia
súc, gia cầm: 24,02 tỷ đồng; sữa hộp các loại: 16,8 tỷ đồng; rau củ quả: 6,6 tỷ
đồng; thực phẩm chế biến: 63,3 tỷ đồng; bánh, mứt, kẹo… gói quà chưng Tết:
139,2 tỷ đồng; nước mắm, nước tương: 7,8 tỷ đồng; bột ngọt, hạt nêm: 9,9 tỷ đồng;
bia, nước ngọt, nước giải khát, nước uống đóng chai: 66,4 tỷ đồng và một số mặt
hàng khác như: Trứng gia cầm, gia vị, muối ăn,... khoảng 05 tỷ đồng.