ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4251/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 29
tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC VỀ PHÒNG VỆ
THƯƠNG MẠI TRONG BỐI CẢNH THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI” CỦA
TỈNH KON TUM
Căn cứ Quyết định số
1659/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
“Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới”;
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ
thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của
tỉnh Kon Tum như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao nhận thức, năng lực
về phòng vệ thương mại của các Sở, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh
nghiệp tại địa phương;
- Phối hợp củng cố cơ chế phối
hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đội ngũ cán bộ ở địa phương
được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện
pháp phòng vệ thương mại;
- Nội dung phòng vệ thương mại
được đưa vào một số chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản
xuất trọng điểm của tỉnh;
- Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm
của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ;
kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện
Kế hoạch này.
II. NHỮNG
NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện
pháp luật, chính sách về phòng vệ thương mại
a) Rà soát và đề xuất sửa đổi,
hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
b) Lồng ghép nội dung về phòng
vệ thương mại vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghiệp
nền tảng để tăng cường khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm
bảo vệ sản xuất trong nước tại địa phương.
2. Nâng cao
năng lực điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
a) Lựa chọn một số ngành sản xuất
nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường
năng lực phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại
tự do. Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản
xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng
biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định pháp luật.
b) Phối hợp, xây dựng cơ sở hạ
tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp
phòng vệ thương mại.
3. Tăng cường
cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại
a) Đối với các vụ việc phòng vệ
thương mại do Việt Nam điều tra
- Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ
quan quản lý Nhà nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội
và doanh nghiệp trong việc theo dõi, phát hiện hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột
biến, có dấu hiệu được trợ cấp hoặc bán phá giá;
- Địa phương tăng cường phối hợp
với các Bộ, ngành trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ
thương mại; theo dõi công tác thực thi và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ
thương mại;
- Hỗ trợ kết nối, trao đổi
thông tin dữ liệu giữa cơ quan điều tra phòng vệ thương mại với cơ quan hải
quan.
b) Đối với các vụ việc phòng vệ
thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
- Phối hợp xây dựng, triển khai
các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các
vụ việc phòng vệ thương mại;
- Xây dựng tài liệu và cơ sở dữ
liệu về các chương trình, chính sách có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ
thương mại.
4. Đẩy mạnh
công tác đào tạo, tuyên truyền về phòng vệ thương mại
a) Đối với cán bộ của địa
phương
- Phối hợp với Bộ Công Thương
triển khai các hoạt động bồi dưỡng kiến thức phòng vệ thương mại cho cán bộ làm
công việc có liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại;
- Đưa nội dung về phòng vệ
thương mại vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất trong nước có
tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
b) Đối với cộng đồng doanh nghiệp,
hiệp hội
- Xây dựng, triển khai tài liệu
hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phổ biến về phòng vệ thương mại cho cộng đồng
doanh nghiệp, hiệp hội, theo các mức độ từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp với từng
ngành hàng cụ thể;
- Các cơ quan quản lý Nhà nước
phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan truyền
thông, hiệp hội và ngành sản xuất để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn
về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
5. Đẩy mạnh
hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại
a) Chủ động đề xuất sáng kiến
thúc đẩy hợp tác về phòng vệ thương mại trong các tổ chức quốc tế, các diễn
đàn, nhất là với các đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
b) Triển khai cơ chế phối hợp về
phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân
sách nhà nước theo phân cấp, quy định của Luật ngân sách nhà nước và nguồn đóng
góp, tài trợ hợp pháp khác (nếu có). Giao Sở Công Thương làm cơ quan đầu
mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị rà soát, tổng hợp dự toán kinh phí gửi Sở
Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, bố trí
kinh phí sự nghiệp để thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà
nước, các quy định có liên quan và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa
phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án
“Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới” của tỉnh; đồng thời, là cơ quan đầu mối theo dõi,
đôn đốc các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế
hoạch này; định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất) tổng hợp, tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương theo quy định.
b) Rà soát và đề xuất sửa đổi,
hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
c) Lồng ghép nội dung về phòng
vệ thương mại vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghiệp
nền tảng để tăng cường khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm
bảo vệ sản xuất trong nước tại địa phương.
d) Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan cung cấp thông tin để xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có
liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính cân đối,
bố trí dự toán chi thường xuyên thực hiện các nội dung thuộc phạm vi chi từ nguồn
ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Bố trí kinh phí, ngân sách hàng
năm cho phù hợp với quy định hiện hành để triển khai các hoạt động phòng vệ
thương mại.
3. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với các đơn vị thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu: Xây dựng tiêu chí xác định
các ngành nông nghiệp của Việt Nam cần ưu tiên nâng cao năng lực phòng vệ
thương mại khi thực thi các hiệp định thương mại tự do và xây dựng cơ sở dữ liệu
về các ngành này; Xây dựng tài liệu về các chương trình, chính sách thuộc phạm
vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nguy cơ bị nước ngoài điều tra
phòng vệ thương mại.
b) Lồng ghép nội dung về phòng
vệ thương mại vào chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp
trọng điểm để tăng cường khả năng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo
vệ sản xuất trong nước.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông; phối hợp với Sở
Công Thương và các hiệp hội tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng
vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trên
địa bàn tỉnh.
5. Sở Ngoại vụ
a) Kết nối giữa các cơ quan quản
lý nhà nước của tỉnh và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc
theo dõi, phát hiện hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, có dấu hiệu được trợ
cấp hoặc bán phá giá trên địa bàn tỉnh.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
đề xuất sáng kiến thúc đẩy hợp tác về phòng vệ thương mại trong các tổ chức quốc
tế, các diễn đàn, nhất là với các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt
Nam; phối hợp triển khai cơ chế hợp tác quốc tế về phòng vệ thương mại để bảo vệ
lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu của tỉnh.
6. Cục Hải quan Gia Lai
- Kon Tum căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Tổng cục Hải
quan, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện nội dung Kế hoạch này.
7. Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được phân công, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch
này; Định kỳ ngày 15 tháng 12 hằng năm hoặc đột xuất, báo cáo về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương) kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ
được phân công trong Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham
gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” của tỉnh Kon Tum. Trong quá
trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp
thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) để xem xét theo
quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Báo Kon Tum, Đài PT-TH tỉnh
- Văn phòng UBND tỉnh (CVP, PCVPKSX);
- Lưu: VT, HTKT.LDT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|