ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3990/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
22 tháng 11 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CỤM LIÊN KẾT NGÀNH KINH TẾ BIỂN GẮN
VỚI XÂY DỰNG CÁC TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN MẠNH THỜI KỲ ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số
892/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển
cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh
thời kỳ đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Quyết định số 892/QĐ- TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính trên địa bàn tỉnh
như sau:
I. MỤC TIÊU
Phối hợp với các bộ, ngành và
các tỉnh, thành phố ở vùng biển các tỉnh Đông Nam Bộ mở rộng tạo dựng cụm liên
kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn
với các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát
triển nhanh, bền vững kinh tế biển của tỉnh trên tất cả các mặt kinh tế, văn
hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh phấn đấu hình thành được cụm liên kết
ngành kinh tế biển đến năm 2030, trong đó phát triển các ngành lĩnh vực ưu
tiên:
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.
- Phát triển du lịch sinh thái,
giải trí, du lịch nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế cao ở Châu Á Thái Bình Dương.
Hình thành các khu du lịch sinh thái, phát triển du lịch đảo Phú Quý là là điểm
du lịch quốc gia.
- Phát triển nghề cá xa bờ,
đánh bắt, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại
nghề cá và chế biến xuất khẩu tập trung; phát triển khu căn cứ dịch vụ hậu cần
trên biển tại Phú Quý.
- Hình thành các khu đô thị,
khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển gắn với cảng biển của
tỉnh và cảng biển khu vực Đông Nam bộ.
- Chủ động gắn kết chặt chẽ,
hài hoà giữa phát triển kinh tế biển với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc
phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Chủ động, phối hợp, đề xuất
chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất… để thu hút đầu
tư và liên kết hợp tác các tỉnh với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển,
khu công nghệ cao, đô thị lớn ven biển.
2. Đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng đồng bộ, hiện đại và cơ sở vật chất hạ tầng cho ngành du lịch và các địa
bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo của tỉnh,
kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghệ cao, đô thị du lịch biển gắn
với không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập
trung, vùng du lịch, đô thị ven biển hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh.
3. Phối hợp các cấp, ngành và
các tỉnh, thành phố ở vùng biển các tỉnh Đông Nam Bộ mở rộng thực hiện lồng
ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch
tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên
quan. Chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp các khu vực, không gian hoạt động ven
biển theo ngành kinh tế biển; sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển,
liên kết không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp
tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo
sức hấp dẫn để thu hút đầu tư.
4. Tạo lập cơ chế, chính sách
thông thoáng cho phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp trong ngành kinh
tế biển và liên quan đến kinh tế biển trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác, hỗ
trợ các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh thiết lập,
mở rộng quan hệ đối tác, tham gia vào mạng lưới cụm liên kết ngành kinh tế biển.
5. Củng cố, tăng cường năng lực
thực thi pháp luật, quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo, bảo vệ an toàn,
an ninh, bảo vệ quyền hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam. Nghiên cứu
cơ chế phối hợp, liên kết các thành phần trong phát triển kinh tế biển gắn với
tăng cường quốc phòng, an ninh biển đảo.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị có liên quan triển khai lồng ghép nội dung tham mưu liên kết ngành kinh tế
biển vào quy hoạch tỉnh và các kế hoạch, chương trình phát triển của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung về chủ trì luân phiên giữa
các tỉnh, thành phố ở vùng biển các tỉnh Đông Nam Bộ mở rộng tổ chức thực hiện
phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương huy động nguồn lực, thu hút đầu tư các dự án trong và ngoài
nước; bố trí vốn đầu tư công đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh tổ chức
các hoạt động xúc tiến đầu tư, đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc
tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án, kiên quyết thu hồi
các dự án không triển khai; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng
cao cấp, các khu vui chơi - giải trí cao cấp,... và ưu tiên các dự án đầu tư hạ
tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; chủ
động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương huy động nguồn lực cho các dự án đầu
tư, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gắn với tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển.
- Chủ trì triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/12/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy
động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu kinh tế xã hội đến năm 2025.
- Chủ trì, phối hợp với sở,
ngành địa phương, các cơ quan trung ương tham mưu đề xuất hình thành khu kinh tế
ven biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 289/TB-VPCP ngày
19/9/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc
với Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp các sở,
ngành thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng
sạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Triển khai các giải pháp hỗ
trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm
- thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Kêu gọi đầu tư phát triển ngành
công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng; sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu
ngành dệt may, da giày; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung
tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với cảng biển.
- Phát triển kết cấu hạ tầng
công nghiệp và thương mại, lưu ý phát triển hệ thống dịch vụ logistics để tạo
điều kiện cho nhà đầu tư thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm logistics phục
vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, lưu thông và phân phối hàng hóa cho sản xuất, tiêu
dùng.
- Chủ trì triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển
công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Ban Quản lý các Khu công
nghiệp
Khẩn trương đôn đốc đẩy nhanh
tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; thực hiện công tác xúc tiến đầu tư
và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp; tạo điều kiện để
các chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, kịp thời
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ
1, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, Khu công nghiệp Tân Đức...
4. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Tham mưu đẩy mạnh phát triển
nghề cá xa bờ; đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng hải sản trên biển giá trị hàng
hóa cao theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn kết với dịch vụ thương mại
nghề cá và chế biến xuất khẩu tập trung.
- Tiếp tục áp dụng khoa học
công nghệ và phát triển kinh tế hợp tác thu hút đầu tư doanh nghiệp để hiện đại
hóa quản lý nguồn lợi thủy sản và hoạt động của đội tàu khai thác; hoàn chỉnh đầu
tư dịch vụ hạ tầng cơ sở nghề cá, khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển tại đảo
Phú Quý.
- Đẩy mạnh phát triển sản phẩm
OCOP của tỉnh gắn với tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển. Xây dựng và tổ
chức thực hiện kế hoạch triển khai OCOP Bình Thuận theo từng giai đoạn và hằng
năm.
- Chủ trì triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển
ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
- Xây dựng đề án đa dạng các loại
hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để
góp phần thu hút khách du lịch, phát triển tỉnh thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng
biển tầm quốc tế ở châu Á Thái Bình Dương
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan xây dựng, hình thành các điểm
khu du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa
bàn toàn tỉnh, phát triển thành các điểm đến có sức thu hút khách quốc tế.
- Chủ trì triển khai thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du
lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với các bộ, ngành
Trung ương, tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn
thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan thuộc Bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai nâng cấp, cải tạo các tuyến
quốc lộ (Quốc lộ 55, Quốc lộ 28B; Quốc lộ 28; Quốc lộ 1 từ Phan Thiết - Đồng
Nai), cảng hàng không Phan Thiết…; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục
vụ logistics gắn kết với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các tỉnh trong
khu vực.
- Xây dựng mới, sửa chữa, nâng
cấp các tuyến đường huyết mạch, đường trục ven biển phục vụ phát triển cụm liên
kết ngành kinh tế biển (ĐT.711, ĐT.715, ĐT.716, ĐT.717, ĐT.719, đường ven biển
...).
7. Ban Quản lý dự án công
trình giao thông
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi
công xây dựng công trình đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà,
đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719; đường trục ven biển
ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải…
8. Sở Xây dựng
Phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư,
các sở, ngành, địa phương ven biển cập nhật, bổ sung nội dung phát triển cụm
liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên
quan.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương triển khai lồng ghép nội dung thực hiện kế hoạch vào các
chương trình phát triển bền vững kinh tế biển theo chức năng nhiệm vụ được
giao.
10. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương, các cơ quan trung ương tham mưu đề xuất thành lập khu công
nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 289/TB-VPCP ngày
19/9/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính tại buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận.
11. Các Sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố ven biển
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về yêu cầu, chủ trương và định hướng phát triển cụm
liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh
cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân
trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp triển khai thực hiện
các nội dung về phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các
trung tâm kinh tế biển mạnh.
- Thực hiện cập nhật, bổ sung nội
dung phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch đô thị, quy hoạch
xây dựng có liên quan.
Đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển nghiêm túc triển
khai thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng
hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện
theo yêu cầu./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KT.An
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Văn Đăng
|