ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
19 tháng 01 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH
NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
Căn cứ Quyết định số
524/QĐ-UBND ngày 20/7/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại
ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Tổ chức quán triệt, cụ thể
hoá các nhiệm vụ, giải pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu
ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày
28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động của ngành Công
Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 theo
Quyết định số 1971/QĐ-BCT ngày 02/8/2023 của Bộ Công Thương, Đề án cơ cấu lại
ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 theo Quyết
định số 524/Q Đ-UBND ngày 20/7/2023 UBND tỉnh gắn với việc thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII; Nghị quyết số 06-NQ/TU
ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển và quản lý
khu công nghiệp cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng
đến năm 2030; Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, định
hướng đến 2050 và các Nghị quyết của tỉnh Ninh Bình về phát triển các lĩnh vực
kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương,
góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội trên
địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Nâng cao nhận thức, trách
nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh
Bình và việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đưa ngành công
nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
II. MỤC TIÊU
1. Giai đoạn 2021-2025
- Đến năm 2025 tỷ trọng công
nghiệp chiếm trên 37,0% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản phẩm
công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 15%-20%.
- Chuyển dịch cơ cấu trong giá
trị sản xuất công nghiệp ngành khai khoáng chiếm khoảng 0,5%; ngành chế biến chế
tạo chiếm khoảng 98,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt chiếm khoảng
0,9% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải chiếm 0,2% trong cơ cấu
của toàn ngành công nghiệp.
- Phấn đấu cơ cấu ngành cơ khí
chế tạo chiếm khoảng 41,2%; cơ cấu ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử và tin
học chiếm khoảng 29,5% trong cơ cấu của toàn ngành công nghiệp. Phát triển công
nghiệp hỗ trợ từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp
cho ngân sách tỉnh.
- Về phát triển công nghiệp
giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 2010) đạt
12,0%/năm. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt khoảng 13,4%/năm.
2. Giai đoạn 2026-2030
- Đến năm 2030 tỷ trọng công
nghiệp chiếm trên 39,0% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản phẩm
công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 20-25%.
- Cơ cấu giá trị sản xuất công
nghiệp ngành khai khoáng chiếm khoảng 0,4%; ngành chế biến chế tạo chiếm khoảng
98,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt chiếm khoảng 0,8% và ngành
cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải chiếm 0,2% trong cơ cấu của toàn ngành
công nghiệp.
- Phấn đấu cơ cấu ngành cơ khí
chế tạo chiếm khoảng 41,5%; cơ cấu ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử và tin
học chiếm khoảng 32,0% trong cơ cấu của toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp hỗ
trợ phát triển mạnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp lớn
cho ngân sách tỉnh.
- Về phát triển công nghiệp
giai đoạn 2026-2030: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 2010) đạt
12,0%/năm. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt khoảng 11,6%/năm.
3. Định hướng đến năm 2035
Đến năm 2035 tỷ trọng công nghiệp
chiếm khoảng trên 43,0% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản phẩm
công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo trên 25%.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Về đầu tư phát triển hạ tầng
các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
- Trên cơ sở định hướng phát
triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày
11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển và quản lý khu
công nghiệp cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến
năm 2030 và đang được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút
các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây
dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa
bàn như: KCN Tam Điệp II (thành phố Tam Điệp), diện tích 386ha; KCN Kim Sơn
(huyện Kim Sơn), diện tích 200ha; KCN Gián Khẩu II (huyện Gia Viễn), diện tích
quy hoạch 495 ha; KCN Phú Long (huyện Nho Quan), diện tích 485 ha; KCN Xích Thổ
(huyện Nho Quan), diện tích 150 ha; KCN Yên Bình (huyện Yên Mô), diện tích 250
ha và CCN Gia Phú - Liên Sơn (huyện Gia Viễn), diện tích 40ha; CCN Yên Lâm (huyện
Yên Mô), diện tích 50ha; CCN Chất Bình (huyện Kim Sơn), diện tích 75ha; CCN
Khánh Vân (huyện Yên Khánh), diện tích 75ha; CCN Xuân Chính (huyện Kim Sơn), diện
tích 75ha; CCN Ninh Vân (huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô),diện tích 75ha; CCN Khánh
Lợi II (huyện Yên Khánh), diện tích 55ha. Nghiên cứu, mở rộng diện tích KCN
Gián Khẩu (diện tích mở rộng 33,12ha), CCN Đồng hướng (diện tích mở rộng
37,41ha), CCN Văn Phong (diện tích mở rộng 25ha), CCN Gia Phú (diện tích mở rộng
25ha), CCN Gia Lập (diện tích mở rộng 35,59ha), CCN Khánh Hải II (diện tích mở
rộng 30ha), CCN Khánh Hải I (diện tích mở rộng 13,6896ha).
- Tập trung tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm
công nghiệp trên địa bàn, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng
các KCN Tam Điệp II, KCN Phú Long, CCN Khánh Hải I, Khánh Hải II, CCN Trung
Sơn,…; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho các
tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công
nghiệp trên địa bàn, tạo quỹ đất phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Đảm bảo 100% các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp mới có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, tập trung và đảm
bảo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường theo quy định; 100% dự án đầu
tư đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
2. Về cơ cấu lại các ngành
công nghiệp của tỉnh
- Ngành cơ khí, chế tạo: Tiếp
tục phát huy hiệu quả các dự án của Tập đoàn Thành Công với công suất trên
193.000 xe/năm; đồng thời đầu tư các hệ thống robot, dây chuyền máy móc, thiết
bị đồng bộ, hiện đại để nâng công suất nhà máy, phục vụ sản xuất các dòng xe ô
tô mới (trong đó có các dòng xe ô tô điện). Đến năm 2030: Phấn đấu sản lượng ô
tô các loại đạt trên 205.000 xe (trong đó, xe ô tô điện đạt khoảng 20.000 xe).
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí phục vụ cho ngành
ô tô, điện tử, điện gia dụng và cho các ngành khác. Sản xuất chi tiết, linh kiện
chính xác chất lượng cao, định hướng hỗ trợ sản xuất cho các dòng xe ô tô cao cấp
vào các khu, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật. Tiếp tục
thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện phụ tùng, thiết bị ngành ô tô.
Hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp
lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết
kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ hiện đại máy
móc nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô, v.v... Chú trọng phát triển các ngành
công nghiệp hỗ trợ như đúc, dập, khuôn mẫu; sản xuất dây và thiết bị dây dẫn; sản
xuất máy móc, lắp ráp động cơ, sản xuất các linh kiện, thiết bị, khí cụ điện,…
thiết bị chuyên dùng cho các ngành kinh tế; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ
cho ô tô, xe máy.
- Ngành sản xuất thiết bị điện,
điện tử, tin học: Tiếp tục phát triển, mở rộng và phát huy tối đa công suất
dự án nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty Mcnex Vina
tại KCN Phúc Sơn và các dự án điện tử hiện có trên địa bàn. Đưa vào hoạt động
các dự án đã được chấp thuận đầu tư, trong đó: nhà máy MS Electronics Việt Nam;
sản xuất linh kiện điện tử (CABLE ASSY); nhà máy King Star Ninh Bình,... Tiếp tục
thu hút đầu tư các dự án cơ quy mô lớn sản xuất các sản phẩm điện tử, vi mạch
điện tử, bo mạch điện tử, phụ tùng, linh
kiện điện tử; sản xuất sản phẩm
thiết bị điện; … nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Phát
triển ngành thiết bị điện, điện tử và tin học trở thành ngành công nghiệp chủ lực
và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Liên kết sản xuất các doanh
nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và quản lý tổng thể doanh nghiệp
điện tử nhằm tối ưu hóa quy trình. Ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực
như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại, phát triển phần mềm, nội dung số,
dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.
- Công nghiệp hỗ trợ: Đẩy
mạnh thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với tiềm năng và lợi
thế của Ninh Bình trong liên kết cụm ngành phục vụ cho sản xuất trong nước và
xuất khẩu như: Các chi tiết khung, gầm, thân vỏ, cửa xe, các chi tiết dạng tấm,
hệ thống treo, hệ thống truyền lực, hệ thống làm mát, chi tiết động cơ, động cơ
điện, bu lông, ốc vít, ổ bi, bánh răng cụm linh kiện và các mạch điện tử sử dụng
trong công nghiệp ô tô, các loại chi tiết nhựa chất lượng cao, các bộ phận bằng
cao su. Phát triển các loại linh kiện thiết bị điện tử, bộ vi mạch điện tử,
chip điện tử, IC, bo mạch điều khiển. Các loại khuôn mẫu, các loại chi tiết cơ
khí tiêu chuẩn chất lượng cao; các loại chi tiết nhựa chất lượng;... Phụ kiện
cho ngành may, da giầy: sợi, khóa, chỉ may, chỉ khâu, đế giầy, mũ giầy... và sản
xuất bao bì.
- Ngành dệt may - da giầy: Thực
hiện chủ trương tỉnh tại Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 11/10/2021 trong thời
gian tới không thu hút các dự án may mặc, giầy dép thông thường. Đẩy mạnh đầu
tư nâng cấp, đầu tư công nghệ hiện đại vào các dự án hiện có trên địa bàn tỉnh
theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao dựa
trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa nhằm tạo bước nhảy vọt về chất
và lượng sản phẩm. Thu hút dự án đầu tư sản xuất phụ liệu phục vụ ngành dệt may
- da giầy.
- Ngành sản xuất vật liệu
xây dựng: Duy trì và phát huy năng lực sản xuất xi măng của các nhà máy hiện
có trên địa bàn. Thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại
các nhà máy xi măng theo quy định. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất
vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công
nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Giảm dần tỷ trọng sản lượng gạch nung phù
hợp với tăng dần gạch không nung một cách hợp lý, theo đúng lộ trình. Thu hút đầu
tư sản xuất vật liệu mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường (như bê tông
khí; gạch siêu nhẹ, siêu chống nóng, vật liệu cách điện).
- Ngành công nghiệp hóa chất:
Phát triển ngành hoá chất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện
đại. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư hướng vào các lĩnh vực như hóa dược, dược liệu,
hoá mỹ phẩm. Tập trung đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động dự án đầu tư xây dựng
nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và GMP-EU của Công ty cổ phần
Dược phẩm Ninh Bình tại phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình.
- Ngành chế biến nông lâm sản,
thực phẩm và đồ uống : Tiếp tục duy trì sản xuất, đầu tư mở rộng quy mô và
hiện đại hóa công nghệ trong sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương,
có thương hiệu, có uy tín phục vụ xuất khẩu. Phát huy tối đa công suất hoạt động
của các nhà máy sản xuất, chế biến rau quả hiện có trên địa bàn tỉnh như Công
ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty cổ phần chế biến nông sản
Việt Xanh, Công ty Á Châu,... Đưa vào hoạt động ổn định nhà máy tái chế giấy phế
liệu HKB (sản xuất giấy, bột giấy từ giấy tái chế); đầu tư sản xuất gỗ
ván dán cho sàn xe khách và xe tải; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại CCN Đồng
Hướng,… Di chuyển cơ sở sản xuất của Công ty giấy Tiến Dũng vào CCN Văn Phong,
huyện Nho Quan. Thu hút các dự án sản xuất bánh, kẹo, chế biến thực phẩm, sản
xuất nước giải khát chất lượng cao, sản xuất sữa dê công nghệ hiện đại phục vụ
thị trường trong nước và xuất khẩu; các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản
xuất nông sản, thực phẩm (sản xuất hộp giấy, vỏ sắt…).
- Phát triển tiểu thủ công
nghiệp: Thúc đẩy công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống, đặc
sản địa phương… phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với nguồn
nguyên liệu, các hoạt động du lịch, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức
liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển
kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thiết kế những sản phẩm mới phù hợp
với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh
quan, môi trường làng nghề. Tiếp tục bảo tồn, phát triển các sản phẩm TTCN,
làng nghề truyền thống phục vụ xuất khẩu và gắn với du lịch như sản phẩm thêu
ren Ninh Hải (huyện Hoa Lư), đồ gỗ mỹ nghệ Ninh Phong (Thành phố Ninh Bình), đá
mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư), làng nghề truyền thống gốm, sứ Bồ Bát (huyện
Yên Mô). Khuyến khích phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp kết hợp với dịch
vụ du lịch.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm
vụ giải pháp của kế hoạch này. Định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện kế
hoạch, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định;
- Chủ động phối hợp các sở,
ban, ngành, địa phương kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên
quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Tập trung triển khai các
chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành Công Thương giai đoạn đến năm
2030: Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; Chương
trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, thiết
thực.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư và các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các cơ chế
chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh về lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát
triển trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai Chương trình xúc tiến thu
hút đầu tư; xây dựng Danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2021-2025; theo dõi và đôn đốc các dự án ngoài KCN, CCN triển khai theo tiến độ
dự án được chấp thuận; chủ động rà soát, xử lý nghiêm theo quy định đối với các
dự án không đảm bảo tiến độ.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đầu tư, phát
triển các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng
xanh; tham mưu kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ ngân sách nhà nước
để thực hiện các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp trên địa bàn.
- Thực hiện hiệu quả các chính
sách như chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và
vừa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất,
nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa
bàn tỉnh.
3. Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh
- Đẩy mạnh triển khai hiệu quả
chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước các dự án đầu tư sản
xuất công nghiệp vào các KCN trên địa bàn tỉnh theo đúng định hướng. Tập trung
nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hệ thống
xử lý nước thải các KCN phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển ngành công nghiệp
trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi, đôn đốc các dự án
trong KCN triển khai theo tiến độ dự án được chấp thuận; rà soát và kiên quyết
thu hồi các dự án đầu tư không c ó khả năng triển khai, chậm triển khai tạo môi
trường đầu tư, cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự đầu tư.
4. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch xây
dựng các KCN, CCN (lập mới hoặc điều chỉnh) theo thẩm quyền phê duyệt của UBND
tỉnh.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành
phố và các Chủ đầu tư lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch chi tiết xây dựng
các KCN, CCN thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện theo quy định.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ
khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi
thường xuyên, lồng ghép với kinh phí thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch
khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này theo đúng
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì có ý kiến, thẩm định
về công nghệ các dự án đầu tư, ngăn ngừa các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ
thuộc danh mục công nghệ cấm chuyển giao và công nghệ có nguy cơ tác động xấu đến
môi trường.
- Triển khai hiệu quả các chính
sách phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả
năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
- Đẩy mạnh triển khai các hoạt
động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ vào sản xuất, chế
biến, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm
đắp ứng quỹ đất phục vụ phát triển các KCN, CCN và các dự án công nghiệp trên địa
bàn; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững.
8. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế,
chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng
phát triển của tỉnh về cô ng nghiệp; tham mưu các giải pháp tăng cường hợp tác,
đa dạng hóa liên kết đào tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo, thu
hút nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động
ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ban, ngành có liên quan
trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo Đề án cơ cấu lại
ngành công nghiệp của tỉnh của tỉnh và các nội dung của Kế hoạch này.
- Chủ động rà soát, cập nhật,
điều chỉnh bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo quỹ đất phục vụ
cho phát triển các dự án công nghiệp, thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cũng
như phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
10. Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh tỉnh
- Đẩy mạnh triển khai các
chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại; thường xuyên rà soát,
đánh giá kết quả thực hiện chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, khó
khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai.
- Chỉ đạo các chi nhánh ngân
hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình,
thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình vay vốn nhằm đẩy
nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp đảm
bảo tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho
người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao hiệu
quả, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của
doanh nghiệp; chú trọng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng nhằm tăng cường
cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý được dòng tiền và kiểm soát
rủi ro.
11. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với
các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả, đặc biệt là trong xử lý các vấn đề mới như kinh doanh trên các
nền tảng số, thương mại điện tử… đạt hiệu quả cao nhất.
12. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Ninh Bình
Tăng cường tổ chức sản xuất,
truyền dẫn, phát sóng, phát hành các chương trình, chuyên mục, ấn phẩm về các
hoạt động phát triển công nghiệp , tiểu thủ công nghiệp để tuyên truyền sâu rộng
về công tác xây dựng và thực thi chính sách cũng như các hoạt động của ngành
công nghiệp.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2035, yêu cầu cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố theo chức
năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý nghiêm túc triển khai thực hiện. Giao Sở Công
Thương chủ trì, làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi,
đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh định kỳ ngày
20 tháng 12 hàng năm và đột xuất theo quy định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT,VP3, 4, 5.
Th_VP3_02KH
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Cao Sơn
|