ỦY BAN NHÂN DÂN - HỘI NÔNG DÂN - HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ THÀNH PHỐ CẦN
THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/KH-UBND-HND-HLHPN
|
Cần
Thơ, ngày 13 tháng 3 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN,
VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
GIAI ĐOẠN 2018 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Chương trình phối hợp số
526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 03 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, Hội Nông dân
Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất,
kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 -
2020;
Ủy ban nhân dân thành phố, Hội
Nông dân thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện
“Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực
phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020” trên địa bàn thành phố
Cần Thơ, với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nâng cao ý thức, trách nhiệm
tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông
sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để
ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống,
heo hai chuồng”.
b) Thúc đẩy
việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất, cung
ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình
trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích
tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường.
c) Phát huy vai trò và tạo điều kiện
thuận lợi cho các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an
toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.
d) Kịp thời phát hiện, tôn vinh
các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phấm an toàn;
đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.
2. Yêu cầu
a) Phối hợp
tuyên truyền, vận động và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy
sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tham gia sản xuất
theo chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
b) Phát huy vai trò tuyên truyền,
vận động của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp thành
phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; các cơ quan chuyên môn cấp thành phố, quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm
phát huy sức mạnh tổng hơp để đạt Kế hoạch đề ra.
c) Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút
kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu
tranh, lên án và phản ảnh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
II. ĐỐI TƯỢNG
1. Các tổ chức,
hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân sản
xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm; tập trung vào các hộ sản
xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
2. Các cấp hội và hội viên Hội
Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; các cơ
quan chuyên môn cấp thành phố, cấp huyện.
III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức,
quy định của pháp luật về sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
2. Vận động và hướng dẫn các tổ chức,
cá nhân ký cam kết về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
3. Vận động, hướng dẫn, tập huấn
áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh
doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản
xuất, kinh doanh theo chuỗi với các
hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như:
a) Các công ty, doanh nghiệp, hợp
tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ
nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.
b) Liên kết sản xuất, cung ứng
nông sản thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu (trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản) với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh và các hệ thống phân phối tiêu thụ sản
phẩm.
4. Vận động và hỗ trợ kết nối cơ sở
sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
5. Hỗ trợ các
cấp hội và hội viên Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; giám
sát, đề xuất xử lý các trường họp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực
phẩm không an toàn; kịp thời biểu dương tôn vinh những điển
hình tiên tiến.
IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH
1. Ủy ban
nhân dân thành phố
a) Chỉ đạo các sở, ban ngành căn cứ
chức năng nhiệm vụ được phân công triển khai, phối hợp thực
hiện nội dung Kế hoạch này.
b) Chỉ đạo Ủy
ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện nội dung chương
trình phối hợp trên địa bàn.
c) Chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện
các nội dung Kế hoạch đảm bảo đến cấp xã và khu dân cư.
2. Hội Nông dân thành phố
a) Căn cứ nội dung Kế hoạch này và Kế hoạch hàng năm của Hội Nông dân Việt
Nam thực hiện chương trình phối hợp của Hội Nông dân thành
phố và phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
trong quá trình triển khai.
b) Chủ trì tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp về kiến thức, quy định của
pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn, phổ
biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ
chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an
toàn.
c) Tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực
phẩm an toàn; vận động hội viên ký cam kết và giám sát tuân thủ quy định về an
toàn thực phẩm; nói không với sản xuất “rau hai luống, heo
hai chuồng”; tích cực tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông
sản thực phẩm an toàn.
d) Xây dựng và nhân rộng các mô
hình nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
đ) Phối hợp với
các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, phát hiện, lên án các trường hợp sản xuất,
kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn.
e) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ở địa phương trong việc tổ chức triển
khai nội dung chương trình phối hợp, Kế hoạch triển khai
hàng năm.
g) Kịp thời phát hiện, tuyên truyền
và đề xuất tuyên dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân
điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sản xuất, kinh
doanh nông sản an toàn.
3. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
a) Căn cứ vào Kế hoạch phối hợp và chức năng,
nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, hàng năm thực hiện chương trình phối
hợp chặt chẽ với Hội Nông dân thành phố trong quá trình triển khai.
b) Chủ trì tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp về kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ
chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
c) Tổ chức
các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực
phẩm an toàn; vận động hội viên ký cam kết và giám sát
tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm; nói không với sản xuất “rau hai luống,
lợn hai chuồng”; tích cực tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh
nông sản thực phẩm an toàn.
d) Xây dựng và nhân rộng các mô
hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
đ) Phối hợp với
các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, phát hiện, lên án
các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực
phẩm không an toàn.
e) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ở địa phương trong việc tổ chức triển
khai nội dung chương trình phối hợp, kế hoạch triển khai hàng năm;
- Kịp thời phát hiện, tuyên truyền
và đề xuất tuyên dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân
điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sản xuất,
kinh doanh nông sản an toàn.
4. Các cơ quan chuyên môn cấp
thành phố
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Kế
hoạch này:
- Căn cứ nội dung Kế hoạch này và
Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chức
năng nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ
thể hóa các nội dung kế hoạch thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến
thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an
toàn; tài liệu hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình,
quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất,
tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
- Phối hợp với Hội Nông dân thành
phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên
môn về an toàn thực phẩm nông sản cho các cấp hội.
- Phối hợp với cơ quan truyền
thông tại địa phương, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp
Phụ nữ thành phố phổ biến kinh nghiệm tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
triển khai thực hiện và phối hợp với Hội Nông dân, Hội
Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện triển khai
các nhiệm vụ được phân công theo chương trình phối hợp.
b) Sở Y tế:
- Phối hợp với
sở, ban ngành liên quan triển khai Kế hoạch này và chỉ đạo
Phòng Y tế cấp huyện phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên
hiệp Phụ nữ cấp huyện tổ chức triển khai các nhiệm vụ được
phân công.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong
việc biên soạn tài liệu và cử cán bộ làm giảng viên trong tập huấn cho các cán
bộ, hội viên ở địa phương (quận, huyện) theo tài liệu biên soạn.
- Triển khai
các tiêu chí an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành cho các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
- Chủ trì tổ chức tuyên truyền, hướng
dẫn, việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến
kinh doanh nông sản thực phẩm.
c) Sở Công Thương:
- Phối hợp với
sở, ban ngành liên quan triển khai Kế hoạch này và chỉ đạo Phòng Kinh tế quận,
Phòng Kinh tế hạ tầng huyện phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp
huyện tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công theo
Chương trình phối hợp ở địa phương; căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương, xây dựng và triển khai thực hiện
tiêu chí an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trong việc biên soạn tài liệu và cử
cán bộ làm giảng viên trong tập huấn cho các cán bộ, hội
viên ở địa phương (quận, huyện) theo tài liệu biên soạn.
- Chủ trì tổ chức hỗ trợ kết nối
thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực phẩm
an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu,
hàng giả và thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường.
d) Sở Thông tin và Truyền thông:
Cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan báo, đài địa phương, Cổng thông tin điện tử thành phố, Đài Truyền thanh quận, huyện để tuyên truyền về kiến thức an toàn thực phẩm, sản
xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và tình hình, kết quả triển khai
Chương trình.
đ) Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình
thành phố, Báo cần Thơ: Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân
thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các sở, ngành liên quan tăng cường
thông tin, tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; biểu dương các điển hình tiên tiến; đưa tin kịp thời về các tổ chức, cá
nhân vi phạm.
6. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai nội dung Kế
hoạch.
b) Phối hợp với Hội Nông dân, Hội
Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp trong tổ chức thực hiện Chương
trình.
c) Bố trí kinh phí và tạo điều kiện thực hiện nội dung Chương trình phối hợp
này đảm bảo đến cấp xã và khu dân cư.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN VÀ BÁO CÁO
1. Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố
về vệ sinh an toàn thực phẩm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố:
a) Theo dõi, chỉ đạo các sở, ban
ngành, địa phương triển khai đầy đủ các nội dung được phân công trong Kế
hoạch.
b) Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết
quả thực hiện Kế hoạch.
2. Các bên thường xuyên cập nhật
thông tin, kết quả thực hiện Kế hoạch, kịp thời trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao
hiệu quả Kế hoạch.
Định kỳ hàng năm, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổng hợp
kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành
thành phố về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Kết thúc Kế
hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành
phố và các cơ quan liên quan đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và báo cáo Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
“Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an
toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020” trên địa
bàn thành phố Cần Thơ giữa Ủy ban
nhân dân thành phố, Hội Nông dân thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố./.
HỘI LIÊN HIỆP
PHỤ NỮ
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Diệp Thị Thu Hồng
|
HỘI NÔNG DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Lê Bá Phước
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Anh Dũng
|