Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Hồ Tế, Martin Malvy
Ngày ban hành: 10/02/1993 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP VỀ TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN VÀ NGĂN NGỪA VIỆC TRỐN VÀ LẬU THUẾ ĐỐI VỚI THUẾ ĐÁNH VÀO THU NHẬP VÀ VÀO TÀI SẢN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp

với mong muốn ký kết một hiệp định nhằm tránh việc đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với thuế thu nhập và thuế tài sản, đã thỏa thuận những quy định sau:

Điều 1. Phạm vi đối tượng áp dụng

Bản Hiệp định này được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai Nước ký kết.

Điều 2. Các loại thuế bao gồm trong Hiệp định

1. Hiệp định này áp dụng đối với các loại thuế do một Nước ký kết hoặc chính quyền địa phương của Nước đó, đánh vào thu nhập và vào tài sản, bất kể hình thức áp dụng của các loại thuế đó như thế nào.

2. Tất cả các loại thuế thu trên tổng thu nhập, tổng tài sản, hoặc những phần nào đó của thu nhập hoặc của tài sản, bao gồm các khoản thuế đối với lợi nhuận từ việc chuyển nhượng động sản hoặc bất động sản, thuế đánh trên tổng số tiền lương hoặc tiền công do xí nghiệp trả cũng như các khoản thuế đánh vào trị giá tài sản tăng thêm đều được coi là thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản.

3. Những loại thuế hiện hành được áp dụng trong Hiệp định này là:

a) tại Việt Nam:

(i) thuế thu nhập cá nhân;

(ii) thuế lợi tức;

(iii) thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;

(iv) thuế thu nhập đối với các nhà thầu nước ngoài;

(v) thuế thu nhập đối với các nhà thầu phụ nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí;

(vi) các khoản lệ phí mang tính chất thuế thu vào tài sản;

(dưới đây được gọi là “thuế Việt Nam”);

b) tại Pháp:

(i) thuế thu nhập;

(ii) thuế công ty;

(iii) thuế thu trên tài sản;

(dưới đây được gọi là “thuế Pháp”).

4. Hiệp định này cũng sẽ được áp dụng cho các loại thuế có tính chất tương tự hay về căn bản giống như các loại thuế trên được ban hành sau ngày ký kết Hiệp định để bổ sung hoặc thay thế các thứ thuế hiện hành. Các nhà chức trách có thẩm quyền của các Nước ký kết thông báo cho nhau biết một cách nhanh nhất có thể những thay đổi quan trọng trong luật thuế của từng Nước.

Điều 3. Các định nghĩa chung

1. Theo Hiệp định này, trừ những trường hợp ngữ cảnh đòi hỏi có một sự giải thích khác:

a) Từ “Việt Nam” hiểu theo nghĩa về địa lý là lãnh thổ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó bao gồm cả:

(i) các vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải của Việt Nam mà ở đó Việt Nam thực hiện các quyền chủ quyền, căn cứ theo luật pháp quốc tế và luật pháp của Việt Nam đối với đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và tài nguyên thiên nhiên;

(ii) các vùng nước và vùng trời phía trên những khu vực đề cập trong đoạn (i) xét về phương diện các hoạt động liên quan tới thăm dò hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó;

b) từ “Pháp” để chỉ những tỉnh nằm ở châu Âu và hải ngoại của nước Cộng hòa Pháp, kể cả lãnh hải và ra ngoài vùng lãnh hải, ở những vùng mà ở đó theo luật pháp quốc tế, nước Cộng hòa Pháp có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác những tài nguyên thiên nhiên của đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên;

c) thuật ngữ “Nước ký kết” và “Nước ký kết kia” có nghĩa là Việt Nam hay Pháp, tùy theo ngữ cảnh;

d) thuật ngữ “đối tượng” bao gồm cá nhân, công ty và bất cứ tổ chức nào khác;

e) thuật ngữ “công ty” để chỉ các tổ chức hoặc bất kỳ một thực thể nào được coi là tổ chức, dưới giác độ thuế;

f) thuật ngữ “xí nghiệp của Nước ký kết” và “xí nghiệp của Nước ký kết kia” có nghĩa là một xí nghiệp được điều hành bởi đối tượng cư trú của một Nước ký kết và một xí nghiệp được điều hành bởi đối tượng cư trú của Nước ký kết kia;

g) thuật ngữ “vận tải quốc tế” có nghĩa là bất cứ sự vận chuyển nào bằng máy bay hoặc tàu, thuyền được thực hiện bởi một đối tượng cư trú của một Nước ký kết, trừ trường hợp khi chiếc tàu, thuyền và máy bay đó chỉ hoạt động giữa những địa điểm trong Nước ký kết kia;

h) thuật ngữ “nhà chức trách có thẩm quyền” có nghĩa là:

(i) trong trường hợp tại Việt Nam, là ông Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người đại diện được ủy quyền của Bộ trưởng;

(ii) trong trường hợp tại Pháp, là ông Bộ trưởng Ngân sách hoặc người đại diện được ủy quyền của Bộ trưởng.

2. Trong khi một Nước ký kết áp dụng Hiệp định này, mọi từ và thuật ngữ nào chưa được định nghĩa trong Hiệp định sẽ có nghĩa theo như định nghĩa trong luật thuế của Nước đó đối với các loại thuế mà Hiệp định này áp dụng.

Điều 4. Đối tượng cư trú

1. Theo nghĩa trong Hiệp định này, thuật ngữ “đối tượng cư trú của một Nước ký kết” có nghĩa là bất cứ đối tượng nào, mà theo luật pháp của Nước đó, là đối tượng chịu thuế căn cứ vào nhà ở, nơi cư trú, trụ sở điều hành hoặc các tiêu chuẩn khác có tính chất tương tự. Tuy nhiên, thuật ngữ này không bao gồm các đối tượng là đối tượng chịu thuế tại Nước đó chỉ đối với các khoản thu nhập từ các nguồn tại Nước đó hay các tài sản nằm tại Nước đó.

2. Trường hợp theo những quy định tại khoản 1, khi một cá nhân là đối tượng cư trú của cả hai Nước ký kết thì thân phận cư trú của đối tượng đó sẽ được xác định như sau:

a) đối tượng đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Nước mà tại đó đối tượng đó có nhà ở thường trú; nếu đối tượng đó có nhà ở thường trú ở cả hai Nước, thì đối tượng đó sẽ được coi là đối tượng cư trú của Nước mà đối tượng đó có các quan hệ cá nhân và kinh tế chặt chẽ hơn (trung tâm của các quyền lợi chủ yếu);

b) nếu như không thể xác định được Nước mà ở đó đối tượng đó có trung tâm các quyền lợi chủ yếu, hoặc nếu đối tượng đó không có nhà ở thường trú ở cả hai Nước, thì đối tượng đó được coi là đối tượng cư trú của Nước mà đối tượng đó thường sống;

c) nếu đối tượng đó thường sống ở cả hai Nước hay không sống thường xuyên ở Nước nào, thì đối tượng đó được coi là đối tượng cư trú của Nước mà đối tượng đó mang quốc tịch;

d) nếu đối tượng đó có quốc tịch của cả hai Nước hoặc không có quốc tịch của cả hai Nước, thì các nhà chức trách có thẩm quyền của các Nước ký kết sẽ giải quyết vấn đề này bằng một thỏa thuận chung.

3. Trường hợp do những quy định tại khoản 1, khi một đối tượng không phải là thể nhân, mà là đối tượng cư trú của hai Nước ký kết, thì đối tượng đó được coi là đối tượng cư trú của Nước mà tại đó đối tượng đó có trụ sở điều hành thực tế của mình.

Điều 5. Cơ sở thường trú

1. Theo Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở thường trú” có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó một xí nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.

2. Thuật ngữ “cơ sở thường trú” chủ yếu bao gồm:

a) trụ sở điều hành;

b) chi nhánh;

c) văn phòng;

d) nhà máy;

e) xưởng;

f) mỏ, giếng dầu hoặc khí, mỏ đá hoặc bất kỳ địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên nào.

3. Một địa điểm xây dựng hoặc công trường xây dựng hoặc lắp ráp chỉ được coi là cơ sở thường trú nếu thời gian hoạt động vượt quá 183 ngày.

4. Mặc dù có những quy định trên của điều này, thuật ngữ “cơ sở thường trú” không bao gồm:

a) việc sử dụng các phương tiện riêng cho mục đích lưu kho, trưng bày hoặc chuyển giao hàng hóa hay tài sản của xí nghiệp này;

b) việc duy trì kho hàng hóa hoặc tài sản của xí nghiệp chỉ với mục đích lưu kho, trưng bày hoặc giao hàng;

c) việc duy trì kho hàng hóa hoặc tài sản của xí nghiệp với mục đích chỉ để cho xí nghiệp khác gia công;

d) việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ nhằm mục đích mua hàng hóa hoặc tài sản hay để thu thập thông tin cho xí nghiệp đó;

e) việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ để thực hiện bất kỳ một hoạt động khác nào có tính chất chuẩn bị hay phụ trợ cho xí nghiệp;

f) việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ để cho bất kỳ sự kết hợp nào của các hoạt động đã được nêu từ điểm a) đến điểm e) với điều kiện toàn bộ hoạt động của cơ sở kinh doanh cố định bắt nguồn từ sự kết hợp này có tính chất chuẩn bị hoặc phụ trợ.

5. Mặc dù có những quy định tại khoản 1 và 2, trường hợp một đối tượng - trừ đại lý có tư cách độc lập được điều chỉnh bởi khoản 6 - hoạt động thay mặt cho một xí nghiệp và thông thường có thẩm quyền ký kết các hợp đồng mang tên xí nghiệp đó tại một Nước ký kết, thì xí nghiệp đó được coi như là có cơ sở thường trú ở Nước ký kết đó đối với bất kỳ các hoạt động nào mà đối tượng đó thực hiện cho xí nghiệp, trừ phi các hoạt động của đối tượng này giới hạn theo các hoạt động được nêu tại khoản 4 mà những hoạt động này nếu được thực hiện thông qua một cơ sở kinh doanh cố định, thì sẽ không làm cho cơ sở kinh doanh cố định này trở thành một cơ sở thường trú theo như các quy định tại khoản đó.

6. Một xí nghiệp sẽ không được coi là có cơ sở thường trú ở một Nước ký kết trong trường hợp xí nghiệp đó chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh của mình tại Nước đó thông qua một người môi giới, một cơ quan ủy thác hoặc bất kỳ một đại lý nào có tư cách độc lập với điều kiện những đối tượng này chỉ hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh thông thường của họ.

7. Việc một công ty là đối tượng cư trú của một Nước ký kết kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi một công ty là đối tượng cư trú của Nước ký kết kia hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh tại Nước kia (dù có thông qua một cơ sở thường trú hay không) thì đều không làm cho bất kỳ công ty nào trong các công ty nói trên trở thành cơ sở thường trú của công ty kia.

Điều 6. Thu nhập từ bất động sản

1. Thu nhập mà một đối tượng cư trú tại một Nước ký kết thu được từ bất động sản (kể cả thu nhập từ lâm nghiệp hoặc nông nghiệp) nằm tại Nước ký kết kia thì có thể bị đánh thuế tại Nước kia.

2. Thuật ngữ “bất động sản” sẽ có nghĩa theo như luật pháp của Nước nơi có bất động sản đó. Trong mọi trường hợp thuật ngữ này sẽ bao gồm cả những phần tài sản phụ kèm theo bất động sản, đàn gia súc và thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và lâm nghiệp, các quyền lợi được áp dụng theo như những quy định tại luật chung về điền sản, quyền sử dụng bất động sản, và quyền được hưởng các khoản thanh toán cố định hoặc thay đổi dưới dạng tiền công cho việc khai thác hoặc quyền khai thác các mỏ, nguồn khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác; các tàu, thuyền và máy bay không được coi là bất động sản.

3. Những quy định ở khoản 1 được áp dụng cả cho những khoản thu nhập thu được từ việc sử dụng trực tiếp, cho thuê hoặc lĩnh canh, cũng như sử dụng các loại bất động sản dưới bất kỳ hình thức nào khác.

4. Khi quyền sở hữu cổ phần, phần vốn hay các quyền lợi khác trong một công ty hay trong một pháp nhân khác cho phép chủ sở hữu quyền được hưởng lợi những bất động sản nằm tại một Nước và do công ty này hoặc pháp nhân này nắm giữ, thì những thu nhập mà chủ sở hữu này thu được từ việc sử dụng trực tiếp, cho thuê hoặc dùng dưới mọi hình thức khác quyền được hưởng lợi của nó sẽ bị đánh thuế tại Nước này.

5. Những quy định tại khoản 1, 3 và 4 cũng sẽ áp dụng cho thu nhập từ bất động sản của một xí nghiệp cũng như đối với thu nhập từ bất động sản được sử dụng để thực hiện các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập.

Điều 7. Lợi tức doanh nghiệp

1. Lợi tức của xí nghiệp của một Nước ký kết chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ trường hợp xí nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia. Nếu xí nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi tức của xí nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước kia, nhưng chỉ trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú đó.

2. Thể theo các qui định của khoản 3, khi một xí nghiệp của một Nước ký kết tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia, thì tại mỗi Nước ký kết sẽ có những khoản lợi tức được phân bổ cho cơ sở thường trú nói trên mà cơ sở đó có thể thu được, nếu nó là một xí nghiệp riêng, tách biệt cùng tham gia vào các hoạt động giống hoặc tương tự trong những điều kiện giống hoặc tương tự và có quan hệ hoàn toàn độc lập với xí nghiệp mà cơ sở đó được coi là cơ sở thường trú.

3. Để xác định lợi tức của một cơ sở thường trú, cơ sở này sẽ được phép trừ các khoản chi phí phát sinh phục vụ cho hoạt đông kinh doanh của cơ sở thường trú đó bao gồm chi phí điều hành và chi phí quản lý chung phát sinh tại Nước mà cơ sở thường trú này đóng hoặc ở bất kỳ nơi nào khác.

4. Tại một Nước ký kết, nếu vẫn thường xác định lợi tức được phân bổ cho một cơ sở thường trú dựa trên cơ sở phân bố tổng lợi tức của xí nghiệp thành các phần khác nhau, thì không có nội dung nào tại khoản 2 sẽ ngăn cản Nước này xác định lợi tức chịu thuế theo phương pháp phân bổ nói trên; tuy nhiên, phương pháp phân bổ được chấp nhận đó phải có những kết quả phù hợp với nguyên tắc của điều này.

5. Không một khoản lợi tức nào sẽ được phân bổ cho một cơ sở thường trú vì cơ sở thường trú đó chỉ đơn thuần mua hàng hóa hoặc tài sản cho xí nghiệp đó.

6. Theo những quy định tại các khoản nói trên, các khoản lợi tức được phân bổ cho một cơ sở thường trú sẽ được xác định hàng năm theo cùng một phương pháp, trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý để tiến hành theo cách khác.

7. Khi những khoản lợi tức bao gồm các khoản thu nhập được đề cập riêng tại các điều khác của Hiệp định này, thì các quy định của những điều khoản đó không bị ảnh hưởng bởi những quy định tại điều khoản này.

Điều 8. Vận tải biển và vận tải hàng không

1. Lợi tức của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ việc kinh doanh tàu thủy hoặc máy bay trong vận tải quốc tế chỉ bị đánh thuế tại Nước này.

2. Các qui định tại khoản 1 cũng áp dụng đối với những lợi tức thu được từ việc tham gia vào một tổ hợp, một liên doanh hoặc một hãng hoạt động quốc tế.

Điều 9. Những xí nghiệp liên kết

1. Khi:

a) một xí nghiệp của một Nước ký kết tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát và góp vốn vào một xí nghiệp của một Nước ký kết kia, hoặc

b) cùng các đối tượng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát và góp vốn vào một xí nghiệp của một Nước ký kết này và vào một xí nghiệp của một Nước ký kết kia,

và trong cả hai trường hợp, trong mối quan hệ tài chính và thương mại, hai xí nghiệp trên bị ràng buộc với nhau bởi những điều kiện do thỏa thuận hoặc áp đặt khác với những điều kiện được thỏa thuận giữa các xí nghiệp độc lập, lúc đó mọi khoản lợi tức mà một xí nghiệp đã có thể thu được, khi không có những điều kiện trên, nhưng nay vì những điều kiện này mà xí nghiệp đó không thu được, sẽ vẫn được tính vào tổng số các khoản lợi tức của xí nghiệp đó và phải nộp thuế tương ứng.

2. Khi một Nước ký kết tính vào các khoản lợi tức của một xí nghiệp của Nước đó và đánh thuế tương ứng các khoản lợi tức mà một xí nghiệp của Nước ký kết kia đã bị đánh thuế ở Nước kia và những khoản lợi tức được tính như vậy là những khoản lợi tức lẽ ra thuộc về xí nghiệp của Nước thứ nhất nếu như những điều kiện đặt ra giữa hai xí nghiệp trên là những điều kiện giữa hai xí nghiệp độc lập, khi đó Nước ký kết kia sẽ điều chỉnh các khoản thuế tại Nước mình đối với các khoản lợi tức trên cho phù hợp nếu như việc điều chỉnh này đáng được xem xét. Để xác định sự điều chỉnh này, sẽ xem xét đến các điều khoản khác của Hiệp định này và các nhà chức trách có thẩm quyền của các Nước ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau khi cần thiết.

Điều 10. Tiền lãi cổ phần

1. Tiền lãi cổ phần do một công ty là đối tượng cư trú của một Nước ký kết trả cho một đối tượng cư trú của một Nước ký kết kia phải chịu thuế ở Nước kia.

2. Tuy nhiên, những khoản tiền lãi cổ phần đó cũng bị đánh thuế tại Nước ký kết mà công ty trả tiền lãi cổ phần là đối tượng cư trú và theo luật pháp của Nước này, nhưng nếu đối tượng nhận lãi cổ phần là người thực hưởng, thuế tính như vậy sẽ không được quá:

a) khi công ty trả lãi cổ phần là một đối tượng cư trú của Việt Nam:

(i) 7 phần trăm của tổng khoản lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 50 phần trăm số vốn của công ty chia lãi cổ phần;

(ii) 10 phần trăm của tổng khoản lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25 phần trăm số vốn của công ty chia lãi cổ phần;

(iii) 15 phần trăm tổng số lãi cổ phần trong mọi trường hợp khác;

b) khi công ty trả lãi cổ phần là một đối tượng cư trú của Pháp:

(i) 5 phần trăm của tổng khoản lãi cổ phần nếu đối tượng thực hưởng là một công ty (không phải là một công ty có nhiều đối tượng) nắm giữ ít nhất 10 phần trăm số vốn của công ty trả lãi cổ phần;

(ii) 15 phần trăm tổng số tiền lãi cổ phần trong mọi trường hợp khác.

Những qui định của khoản này sẽ không ảnh hưởng đến việc đánh thuế công ty đối với những khoản lợi tức được dùng để trả các khoản tiền lãi cổ phần này.

3. Một người cư trú của Việt Nam nhận được lãi cổ phần do một công ty là đối tượng cư trú của Pháp trả có thể được hoàn trả khoản khấu trừ trong trường hợp khoản khấu trừ này đã thực sự được công ty thanh toán theo các khoản lãi cổ phần này. Tổng khoản khấu trừ chưa chịu thuế được hoàn trả này được coi như một khoản lãi cổ phần theo sự áp dụng của Hiệp định này. Nó sẽ bị đánh thuế tại Pháp phù hợp theo những quy định của khoản 2.

4. Từ “lãi cổ phần” sử dụng trong điều này được dùng để chỉ những thu nhập từ lãi cổ phần, cổ phần hoặc phiếu hưởng lợi, cổ phần khai thác, cổ phần thành lập hoặc mọi quyền hưởng lợi khác, không kể các khoản trả nợ, được tham gia vào lợi tức, cũng như các thu nhập chịu sự điều tiết của chế độ phân phối áp dụng theo luật thuế của Nước mà công ty chia lãi cổ phần là đối tượng cư trú. Đương nhiên thuật ngữ này không bao gồm những khoản thu nhập áp dụng ở điều 15.

5. Những quy định tại khoản 1, 2 và 3 sẽ không áp dụng trong trường hợp đối tượng thực hưởng các khoản tiền lãi cổ phần là đối tượng cư trú của một Nước ký kết có tiến hành hoạt động doanh nghiệp tại Nước ký kết kia, nơi công ty trả tiền lãi cổ phần là đối tượng cư trú, thông qua một cơ sở thường trú nằm tại Nước đó, hay tiến hành tại Nước kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định nằm tại Nước kia, và phần tham gia cổ phần có các khoản tiền lãi cổ phần được trả có sự liên hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định nói trên. Trong trường hợp nêu trên, các quy định tại điều 7 hoặc điều 13, tùy từng trường hợp, sẽ được áp dụng.

6. Khi một công ty là đối tượng cư trú của một Nước ký kết này có lợi tức hay thu nhập phát sinh từ Nước ký kết kia thì Nước kia có thể không đánh thuế đối với những khoản tiền lãi cổ phần do công ty này trả, trừ trường hợp những khoản tiền lãi cổ phần này được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia, hoặc phần tham gia cổ phần có các khoản tiền lãi cổ phần được trả có sự liên hệ thực tế với một cơ sở thường trú hay một cơ sở cố định ở tại Nước ký kết kia, đồng thời Nước ký kết kia cũng không buộc các khoản lợi tức không chia của công ty trên phải chịu thuế đối với những khoản lợi tức không chia của công ty, cho dù những khoản tiền lãi cổ phần hoặc các khoản lợi tức không chia bao gồm toàn bộ hay một phần các khoản lợi tức hoặc thu nhập phát sinh tại Nước kia.

Điều 11. Tiền bản quyền

1. Tiền bản quyền phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia phải chịu thuế tại Nước đó.

2. Tuy nhiên, những khoản tiền bản quyền đó cũng bị đánh thuế ở Nước phát sinh theo luật của Nước này, nhưng nếu người nhận là người thực hưởng thì thuế được tính sẽ không quá 10% tổng số tiền bản quyền được trả.

3. Thuật ngữ “tiền bản quyền” được sử dụng trong điều này có nghĩa là các khoản thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho việc sử dụng, hoặc quyền sử dụng, bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim khác hoặc các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình, bằng phát minh, nhãn hiệu thương mại, thiết kế hoặc mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật hoặc quyền sử dụng hoặc việc sử dụng thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học, hay cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học.

4. Những quy định tại khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng nếu đối tượng thực hưởng các khoản tiền bản quyền là đối tượng cư trú của một Nước ký kết tiến hành hoạt động công nghiệp hoặc thương mại ở Nước ký kết kia nơi mà có khoản tiền bản quyền phát sinh, thông qua một cơ sở thường trú nằm tại đó, hoặc tiến hành tại Nước ký kết kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định nằm tại đó, và quyền hay tài sản có các khoản tiền bản quyền được trả có sự quan hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định đó. Trong trường hợp này, các quy định của điều 7 hoặc điều 13, tùy theo từng trường hợp, sẽ được áp dụng.

5. Các khoản tiền bản quyền sẽ được coi là phát sinh tại một Nước ký kết khi đối tượng trả tiền chính là Nhà nước đó, một chính quyền cơ sở, một chính quyền địa phương hoặc một đối tượng cư trú của Nước đó. Tuy nhiên, khi đối tượng trả tiền bản quyền, dù là hay không là đối tượng cư trú của một Nước, có tại một Nước một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà vì nó có liên quan đến trách nhiệm trả tiền bản quyền và cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định vừa nêu có trách nhiệm thanh toán những khoản tiền bản quyền này, thì những khoản tiền bản quyền này được coi như phát sinh từ Nước nơi cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định đó đóng.

6. Trường hợp vì mối quan hệ đặc biệt giữa đối tượng trả và đối tượng thực hưởng hoặc giữa cả hai đối tượng trên với các đối tượng khác khoản tiền bản quyền được trả đối với việc sử dụng, quyền hoặc thông tin vượt quá khoản tiền được thỏa thuận giữa đối tượng trả tiền và đối tượng thực hưởng khi không có mối quan hệ đặc biệt này, thì các quy định của điều khoản này sẽ chỉ áp dụng đối với khoản tiền thanh toán khi không có mối quan hệ trên. Trong trường hợp này, phần thanh toán vượt sẽ bị đánh thuế theo luật pháp của từng Nước ký kết có xem xét đến các quy định khác của Hiệp định này.

Điều 12. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản

1. Thu nhập do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ việc chuyển nhượng bất động sản được nêu ở điều 6 và nằm tại Nước ký kết kia phải chịu thuế tại Nước đó.

2. Những khoản thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng cổ phần, một phần vốn hoặc các quyền lợi khác trong một công ty hoặc ở một pháp nhân khác đang sở hữu trực tiếp hay gián tiếp những bất động sản nằm tại một Nước hoặc những quyền lợi đối với loại tài sản này thì phải chịu thuế ở Nước này nếu những thu nhập này chịu sự điều tiết cùng một hệ thống thuế như những thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng bất động sản theo qui định của luật pháp Nước này.

3. Những khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng động sản là một phần của tài sản kinh doanh của một cơ sở thường trú mà một xí nghiệp của một Nước ký kết này có tại Nước ký kết kia hoặc những động sản thuộc một cơ sở cố định của một đối tượng cư trú của Nước ký kết có ở Nước ký kết kia để tiến hành hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập kể cả những thu nhập về việc chuyển nhượng cơ sở thường trú đó (riêng cơ sở thường trú đó hoặc cùng với toàn bộ xí nghiệp) hoặc cơ sở cố định đó có thể bị đánh thuế ở Nước kia.

4. Thu nhập của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết từ việc chuyển nhượng tàu thủy hoặc máy bay trong vận tải quốc tế hoặc động sản liên quan đến việc kinh doanh những con tàu hoặc máy bay này sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước này.

5. Thu nhập từ việc chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào khác với những tài sản đã được nêu ở khoản 1, 2, 3 và 4 sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi mà người chuyển nhượng là đối tượng cư trú.

Điều 13. Hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập

1. Thu nhập do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ các hoạt động dịch vụ ngành nghề hay các hoạt động có tính chất độc lập khác sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi đối tượng đó thường xuyên sử dụng ở Nước ký kết kia một cơ sở cố định để tiến hành những hoạt động của mình. Nếu đối tượng đó có một cơ sở cố định như vậy, thì thu nhập có thể bị đánh thuế ở Nước ký kết kia nhưng chỉ với số thu nhập được phân bổ cho cơ sở cố định này.

2. Thuật ngữ “dịch vụ ngành nghề tự do” bao gồm chủ yếu những hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và giảng dạy mang tính chất độc lập cũng như các hoạt động độc lập của các thầy thuốc bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ nha khoa và kế toán viên.

Điều 14. Hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc

1. Thể theo các quy định tại điều 15, 17 và 18 các khoản tiền lương và các khoản tiền công tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc lao động được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó phải chịu thuế tại Nước kia.

2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công lao động của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ phải nộp thuế tại Nước thứ nhất nếu:

a) người nhận tiền công có mặt ở nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong một năm dương lịch; và

b) chủ lao động hay người đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú của Nước kia; và

c) số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại Nước kia.

3. Mặc dù có những quy định trên của điều này, tiền công từ lao động làm trên tàu thủy hoặc máy bay trong vận tải quốc tế thu được bởi một đối tượng cư trú của một Nước ký kết có thể bị đánh thuế tại Nước đó.

Điều 15. Thù lao cho giám đốc

Các khoản thù lao cho giám đốc và các khoản thanh toán tương tự khác do đối tượng cư trú của một Nước ký kết nhận được với tư cách là thành viên của ban giám đốc công ty là đối tượng cư trú của Nước kia có thể phải nộp thuế ở Nước kia.

Điều 16. Nghệ sĩ và vận động viên

1. Mặc dù có những quy định tại điều 13 và 14, thu nhập của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được với tư cách người biểu diễn như diễn viên sân khấu, điện ảnh, phát thanh hoặc truyền hình, hoặc nhạc công hoặc với tư cách là vận động viên, từ những hoạt động cá nhân của mình thực hiện tại Nước ký kết kia phải chịu thuế tại Nước đó.

2. Trường hợp thu nhập liên quan đến các hoạt động trình diễn cá nhân của người biểu diễn hoặc vận động viên nhưng không được trả cho bản thân người biểu diễn hoặc vận động viên, mà trả cho một đối tượng khác thì thu nhập này phải chịu thuế tại Nước ký kết nơi diễn ra những hoạt động trình diễn của người biểu diễn hoặc vận động viên, mặc dù có những quy định tại điều 7, 13 và 14.

3. Mặc dù đã có những qui định tại khoản 1, những khoản thu nhập mà một nghệ sĩ hoặc vận động viên là người cư trú của một Nước ký kết, thu được từ những hoạt động cá nhân của mình thực hiện ở Nước ký kết kia và với tư cách đó thì chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu những hoạt động này ở Nước bên kia chủ yếu được tài trợ bằng công quỹ của Nước thứ nhất, của một chính quyền địa phương hoặc của một pháp nhân công pháp của Nước này.

4. Mặc dù đã có những quy định của khoản 2, khi những khoản thu nhập từ hoạt động của một nghệ sĩ hay vận động viên là người cư trú của một Nước ký kết thực hiện với tư cách đó ở Nước ký kết kia, không được trao cho chính nghệ sĩ hay vận động viên đó mà cho một đối tượng khác, thì những thu nhập này, bất kể những qui định của điều 7, 13 và 14, chỉ bị đánh thuế ở Nước thứ nhất trong trường hợp đối tượng khác đó được tài trợ chủ yếu bằng công quĩ của Nước này, của một chính quyền địa phương hoặc của một pháp nhân công pháp của Nước này.

Điều 17. Tiền lương hưu

Thể theo các quy định tại khoản 2 của điều 18, tiền lương hưu và các khoản tiền công tương tự được trả cho một đối tượng cư trú của một Nước ký kết do các công việc đã làm trước đây sẽ chỉ chịu thuế ở Nước này.

Điều 18. Phục vụ nhà nước

1. a) Các khoản thu nhập khác với tiền lương hưu do một Nước ký kết hoặc chính quyền địa phương hoặc pháp nhân công pháp của Nước này trả cho một cá nhân đối với việc phục vụ cho Nhà nước hoặc chính quyền địa phương hoặc pháp nhân đó sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước đó.

b) Tuy nhiên, khoản thu nhập này sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước ký kết kia nếu việc phục vụ này cho Nước kia và cá nhân này là đối tượng cư trú của Nước kia và là người có quốc tịch của Nước kia nhưng không đồng thời là người có quốc tịch của Nước ký kết thứ nhất.

2. a) Bất kỳ khoản tiền lương hưu nào do một Nước ký kết hoặc một chính quyền địa phương hoặc một pháp nhân công pháp của Nước này được trả trực tiếp hoặc trích từ các quĩ do họ lập ra trả cho một cá nhân vì các công việc phục vụ cho Nhà nước này, chính quyền địa phương này hoặc pháp nhân này sẽ chỉ chịu thuế ở Nước này.

b) Tuy nhiên, những khoản tiền lương hưu này sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước ký kết kia nếu cá nhân này là đối tượng cư trú của Nước ký kết kia và là người có quốc tịch của Nước kia nhưng không đồng thời là người có quốc tịch của Nước ký kết thứ nhất.

3. Các quy định của điều 14, 15, và 17 sẽ áp dụng đối với những khoản tiền công và lương hưu đối với các công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh do một Nước ký kết hoặc chính quyền cơ sở hoặc chính quyền địa phương của Nước đó tiến hành.

Điều 19. Sinh viên

Những khoản tiền mà một sinh viên hay thực tập sinh nhận được để trang trải các chi phí sinh hoạt, học tập hay đào tạo mà người sinh viên hay thực tập sinh này ngay trước khi đến Nước này đang và đã là người cư trú của Nước ký kết kia và đến Nước thứ nhất chỉ với mục đích học tập hay đào tạo thì không bị đánh thuế ở Nước này với điều kiện nguồn của những khoản tiền này nằm ngoài Nước này.

Điều 20. Thu nhập khác

1. Những khoản thu nhập của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết, bất kể phát sinh ở đâu, không được đề cập đến tại các điều khoản trên của Hiệp định này sẽ chỉ bị đánh thuế ở Nước này.

2. Các quy định của khoản 1 sẽ không áp dụng đối với những thu nhập khác với những thu nhập từ bất động sản đã được qui định tại khoản 2 của điều 6, nếu đối tượng hưởng các thu nhập loại này là đối tượng cư trú của một Nước ký kết tiến hành một hoạt động công nghiệp hay thương mại tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú đóng tại đó, hoặc tiến hành tại Nước ký kết kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định đóng tại đó, và nếu quyền hoặc tài sản làm phát sinh các khoản thu nhập này có quan hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định này. Trong trường hợp này, các quy định tại điều 7 hoặc điều 13, tùy từng trường hợp, sẽ được áp dụng.

Điều 21. Tài sản

1. Tài sản là các bất động sản được nêu ở điều 6 mà do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết sở hữu và nằm tại Nước ký kết kia sẽ chịu thuế ở Nước đó. Những qui định của khoản này cũng được áp dụng đối với tài sản là cổ phần, phần vốn hoặc những quyền lợi khác đã nêu trong khoản 2 điều 12 bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi có những bất động sản nằm ở đó.

2. Tài sản là các động sản hợp thành một phần tài sản kinh doanh của một cơ sở thường trú mà một xí nghiệp của một Nước ký kết có tại Nước ký kết kia, hoặc các động sản thuộc về một cơ sở cố định mà một đối tượng cư trú của một Nước ký kết có tại Nước ký kết kia dùng để thực hiện một nghề nghiệp độc lập, phải chịu thuế tại Nước đó.

3. Tài sản của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết là những tàu thủy và máy bay được kinh doanh trong vận tải quốc tế cũng như những động sản liên quan đến việc kinh doanh của những tàu thủy và máy bay này chỉ bị đánh thuế ở Nước này.

4. Tất cả các phần tài sản khác của một đối tượng cư trú của một Nước ký kết chỉ bị đánh thuế ở Nước này.

Điều 22. Biện pháp loại trừ việc đánh thuế hai lần

1. Về phía Việt Nam, việc đánh thuế hai lần được loại bỏ như sau:

Trường hợp một đối tượng cư trú tại Việt Nam có nguồn thu nhập hay tài sản mà theo những qui định của Hiệp định này phải chịu thuế tại Pháp, thì Việt Nam sẽ:

a) cho phép trừ vào khoản thuế đánh trên thu nhập của đối tượng cư trú đó một khoản bằng số thuế thu nhập đã nộp tại Pháp;

b) cho trừ vào số thuế đánh trên tài sản của đối tượng cư trú đó một khoản bằng số thuế tài sản đã nộp tại Pháp.

Tuy nhiên, khoản thuế được trừ trong cả hai trường hợp sẽ không vượt quá phần thuế thu nhập hoặc thuế tài sản của Việt Nam, trước khi cho phép trừ các khoản trên, đối với thu nhập hoặc tài sản đó theo như các luật thuế và qui định của Việt Nam.

2. Về phía Pháp, việc đánh thuế hai lần được loại bỏ như sau:

a) Những khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam bị đánh thuế hoặc chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam phù hợp với những qui định của Hiệp định này phải coi như bị đánh thuế theo cách tính thuế của Pháp, nếu người hưởng các khoản thu này là một đối tượng cư trú của Pháp và nếu những khoản thu nhập này không được miễn giảm thuế công ty theo sự áp dụng của luật Pháp. Trong trường hợp này, khoản thuế nộp tại Việt Nam không được trừ vào những thu nhập này, nhưng người hưởng các khoản thu nhập này được hưởng một khoản trừ thuế đối với khoản thuế phải nộp tại Pháp. Khoản trừ thuế này bằng:

(i) đối với tất cả các thu nhập khác với những thu nhập nêu tại điểm (ii) sau đây, số thuế Pháp tương ứng với các khoản thu nhập đó;

(ii) đối với những thu nhập nêu tại điều 10, 11 và khoản 1, 2 điều 12, khoản 3 điều 14, điều 15 và khoản 1 và 2 điều 16, bằng số thuế đã nộp tại Việt Nam theo các qui định ở những điều hoặc những khoản đó; tuy nhiên khoản trừ đó không được vượt quá tổng số thuế Pháp tương ứng với những khoản thu nhập này.

b) Theo qui định tại điểm a) khoản này, khi khoản trừ thuế được trừ vào thuế phải nộp tại Pháp bằng tổng khoản thuế phải nộp tại Việt Nam, thì khoản này được coi như bằng khoản thuế đáng lẽ đã phải nộp tại Việt Nam theo áp dụng của những qui định của luật pháp Việt Nam và theo những hạn chế ấn định trong Hiệp định này, nếu như những thu nhập tương ứng chưa được hưởng những miễn giảm thuế có hiệu lực từ ngày ký kết Hiệp định này, như những miễn giảm qui định trong luật Việt Nam ngày 29/12/1987 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những nhà chức trách có thẩm quyền của cả hai Nước ký kết thông qua một hiệp định chung trong một khoảng thời gian xác định, có thể nới rộng những qui định này về miễn giảm thuế có thể nảy sinh sau ngày ký kết Hiệp định này vì mục đích thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

c) Về việc áp dụng điểm a) đối với những khoản thu nhập đã nêu tại điều 11, khi tổng khoản thuế đã nộp tại Việt Nam theo qui định của những điều khoản này - không tính đến khoản thuế được coi như đã nộp theo qui định tại điểm b - vượt quá tổng khoản thuế phải nộp tại Pháp tương ứng với các thu nhập đã nêu, thì đối tượng cư trú của Pháp nhận được các thu nhập này có thể khiếu nại trường hợp của mình với nhà chức trách có thẩm quyền của Pháp. Nếu nhà chức trách của Pháp thấy rằng kết quả tình trạng trên sẽ dẫn đến một sự đánh thuế không thể được coi là sự đánh thuế thu nhập sau thuế, nhà chức trách này, trong những điều kiện xác định, có thể cho trừ khoản vượt quá trong tổng số thuế đã nộp tại Việt Nam vào khoản thuế phải nộp ở Pháp đánh vào những thu nhập khác thu từ nguồn nước ngoài của đối tượng cư trú này.

d) Một đối tượng cư trú của Pháp sở hữu một tài sản phải chịu thuế tại Việt Nam theo qui định của những khoản 1 hoặc 2 của điều 21, cũng bị đánh thuế tại Pháp trên những tài sản này. Khoản thuế nộp tại Pháp sẽ được tính trên phần tài sản sau khi đã trừ đi khoản trừ thuế bằng tổng khoản thuế đã phải nộp tại Việt Nam thu trên tài sản này. Khoản trừ thuế này không được vượt quá tổng số thuế tương ứng phải nộp tại Pháp thu trên tài sản này.

Điều 23. Các thủ tục thỏa thuận song phương

1. Trường hợp một đối tượng của một Nước ký kết nhận thấy rằng việc giải quyết và xử lý của cơ quan có thẩm quyền tại một hay cả hai Nước ký kết làm cho hay sẽ làm cho đối tượng đó phải nộp thuế không đúng nội dung Hiệp định này, lúc đó đối tượng này có thể giải trình trường hợp của mình với cơ quan có thẩm quyền của Nước ký kết nơi đối tượng đó đang cư trú, mặc dù trong luật pháp quốc gia của các Nước ký kết đã quy định những chế độ xử lý khiếu nại. Trường hợp như trên phải được gửi tới cơ quan có thẩm quyền trong vòng 3 năm kể từ khi có thông báo xử lý đầu tiên dẫn đến khoản thuế phải nộp không đúng theo quy định của Hiệp định này.

2. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cố gắng, nếu trong trường hợp khiếu nại là hợp lý và bản thân cơ quan đó không thể đi đến một giải pháp thỏa đáng, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại Nước ký kết kia để cùng giải quyết trường hợp khiếu nại, nhằm mục đích tránh đánh thuế không phù hợp với nội dung của Hiệp định này. Giải pháp đạt được như trên sẽ được thực hiện không phụ thuộc vào những hạn định thời gian ghi trong luật pháp quốc gia của từng Nước ký kết.

3. Các nhà chức trách có thẩm quyền của các Nước ký kết sẽ cố gắng cùng giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình áp dụng Hiệp định này. Các nhà chức trách có thẩm quyền có thể bàn bạc thống nhất với nhau nhằm tránh việc đánh thuế hai lần trong những trường hợp không nêu trong Hiệp định này.

4. Các nhà chức trách có thẩm quyền của hai Nước ký kết có thể trực tiếp thông báo cho nhau nhằm mục đích đạt được thỏa thuận như đã được nêu tại các khoản trên.

5. Các nhà chức trách có thẩm quyền của hai Nước có thể thể điều chỉnh thủ tục áp dụng của Hiệp định, đặc biệt là đối với những thủ tục mà những đối tượng cư trú của một Nước phải hoàn thành để nhận được ở Nước kia những miễn giảm và ưu đãi về thuế được qui định trong Hiệp định. Những thủ tục này có thể bao gồm việc trình bày một mẫu chứng nhận cư trú ghi rõ nguồn gốc và tổng số hoặc giá trị của những khoản thu nhập hoặc của tài sản liên quan cùng với sự chứng thực của các cơ quan thuế của Nước thứ nhất.

Điều 24. Trao đổi thông tin

1. Các nhà chức trách có thẩm quyền của các Nước ký kết sẽ trao đổi với nhau những thông tin cần thiết cho việc triển khai thực hiện bản Hiệp định này hay các luật trong nước của từng Nước ký kết liên quan đến các loại thuế mà Hiệp định này áp dụng sao cho chính sách thuế trong từng bộ luật sẽ không trái với tinh thần của Hiệp định này. Việc trao đổi thông tin sẽ không bị điều 1 hạn chế. Mọi thông tin do một Nước ký kết nhận được sẽ được giữ bí mật giống như thông tin thu nhận theo luật trong nước của Nước này và chỉ được dùng để cung cấp cho các đối tượng hay các cơ quan chức trách (bao gồm cả các tòa án, các cơ quan hành chính) có liên quan đến việc tính toán, thu, cưỡng chế hay truy tố trách nhiệm hoặc xác định trường hợp khiếu nại về các loại thuế mà Hiệp định này áp dụng và sẽ chỉ được sử dụng cho các mục đích trên đây. Các nhà chức trách có thẩm quyền có thể cung cấp các thông tin này trong quá trình điều tra của tòa án quốc gia hay trong các quyết định có tính chất pháp lý.

2. Không có trường hợp nào những quy định tại khoản 1 được giải thích là buộc một cơ quan có thẩm quyền tại một Nước ký kết có nghĩa vụ:

a) thực hiện các biện pháp hành chính khác với luật pháp hay thông lệ về quản lý hành chính của Nước đó hay của Nước ký kết kia; hay

b) cung cấp những chi tiết không thể tiết lộ được theo các bộ luật hay theo như quá trình quản lý hành chính thông thường của Nước đó hay của Nước ký kết kia; hay

c) cung cấp những thông tin có thể làm tiết lộ bí mật về mậu dịch, thương mại, công nghiệp, thương nghiệp hay bí mật nghề nghiệp hoặc các phương thức kinh doanh; hoặc cung cấp những thông tin trái với chính sách nhà nước hoặc an ninh quốc gia.

Điều 25. Các viên chức ngoại giao và lãnh sự

Những nội dung trong Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến những ưu đãi về thuế của các viên chức ngoại giao và lãnh sự theo những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế hay những quy định tại các điều ước quốc tế riêng biệt.

Điều 26. Phạm vi lãnh thổ áp dụng mở rộng

1. Hiệp định này cũng có thể áp dụng mở rộng, nguyên văn hoặc với những bổ sung cần thiết, đối với những lãnh thổ hải ngoại và những đơn vị lãnh thổ khác của Cộng hòa Pháp thu những khoản thuế có tính chất tương tự như những khoản thuế được áp dụng trong Hiệp định này. Việc áp dụng mở rộng như vậy có hiệu lực kể từ ngày có một thỏa thuận chung được ấn định giữa hai Nước bằng con đường trao đổi công hàm ngoại giao hoặc theo những thủ tục khác phù hợp với những qui định của hiến pháp hai Nước. Thỏa thuận này cũng qui định, nếu có thể, những thay đổi cần thiết đối với hiệp định và những điều kiện thực hiện Hiệp định ở những lãnh thổ hải ngoại và ở những đơn vị lãnh thổ khác nơi mà Hiệp định được áp dụng mở rộng.

2. Trừ trường hợp hai Nước có những thỏa thuận khác, việc một trong hai Nước hủy bỏ Hiệp định này theo qui định của điều 28 cũng sẽ chấm dứt việc thực hiện Hiệp định này ở mọi lãnh thổ hoặc đơn vị lãnh thổ nơi mà Hiệp định được áp dụng mở rộng theo những qui định của điều này.

Điều 27. Hiệu lực

1. Mỗi Bên ký kết thông báo cho Bên ký kết kia biết việc hoàn thành các thủ tục cần thiết liên quan đến việc có hiệu lực của Hiệp định này. Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng.

2. Những qui định của Hiệp định này sẽ được áp dụng lần đầu tiên:

a) đối với những khoản thuế thu bằng cách khấu trừ tại gốc, cho những khoản tiền bị đánh thuế kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực;

b) đối với những khoản thuế khác đánh trên thu nhập, cho những thu nhập được thực hiện trong năm dương lịch hoặc năm kế toán hiện hành vào ngày Hiệp định có hiệu lực;

c) đối với những khoản thuế đánh vào tài sản, cho tài sản được sở hữu cho đến ngày 1 tháng 1 của năm Hiệp định có hiệu lực.

Điều 28. Hủy bỏ

1. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn. Tuy nhiên, sau năm thứ năm dương lịch kể từ năm Hiệp định có hiệu lực, mỗi bên có thể hủy bỏ Hiệp định này vào cuối một năm dương lịch, sau khi báo trước tối thiểu là 6 tháng bằng đường ngoại giao.

2. Trong trường hợp hủy bỏ, những qui định của Hiệp định này sẽ được áp dụng lần cuối cùng:

a) đối với những khoản thuế thu bằng cách khấu trừ tại gốc, cho những khoản tiền bị đánh thuế trong năm dương lịch mà cuối năm đó việc bãi bỏ sẽ được thông báo;

b) đối với những khoản thuế khác đánh vào thu nhập, cho những khoản thu nhập được thực hiện trong năm dương dịch hoặc năm kế toán mà cuối năm đó việc bãi bỏ sẽ được thông báo;

c) đối với những khoản thuế đánh vào tài sản, cho tài sản được sở hữu đến ngày 1 tháng 1 năm dương lịch mà cuối năm đó việc bãi bỏ sẽ được thông báo.

Để làm bằng những người được ủy quyền dưới đây của Nhà nước mình đã ký vào Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội ngày 10 tháng 2 năm 1993 thành hai bản, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai văn bản cùng có giá trị pháp lý ngang nhau.

 

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Hồ Tế

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ NGÂN SÁCH





Martin Malvy

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ

Khi tiến hành việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp nhằm tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản, những người ký kết đã thỏa thuận những điều khoản sau đây hợp thành một bộ phận của Hiệp định này.

1. Về khoản 1 của điều 4, đương nhiên thuật ngữ “đối tượng cư trú của một Nước ký kết” bao gồm, khi Nhà nước này là Nhà nước Pháp, những công ty có nhiều đối tượng và mọi tổ chức có nhiều đối tượng khác có trụ sở điều hành thực tế tại Pháp và những hội viên hoặc thành viên của nó phải chịu thuế trên phần thu nhập của mình một cách riêng biệt phù hợp với luật pháp của Pháp.

2. a) Về điều 10 và điều 11, nếu trong một hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế với một Nước thứ ba là thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (CEE), Việt Nam thỏa thuận một thuế suất tại gốc thấp hơn (kể cả thuế suất bằng 0) những thuế suất đã được ghi trong Hiệp định này, những thuế suất này sẽ tự động thay thế những thuế suất ghi trong Hiệp định này, được tính từ ngày có hiệu lực của hiệp định đó giữa Việt Nam và Nước thứ ba đã nói.

b) Nếu một hay nhiều hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký sau ngày 30 tháng 7 năm 1992 giữa Việt Nam với một hay nhiều nước thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu bao hàm một hay nhiều qui định giống hoặc tương tự như những qui định của điều 24 của mẫu hiệp định thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), thì Việt Nam sẽ chấp nhận đối xử một cách thuận lợi nhất bằng việc áp dụng một cách tự động một hay nhiều qui định này đối với những công dân, xí nghiệp hoặc đối tượng cư trú của Pháp như thể là đối với những công dân, xí nghiệp hoặc đối tượng cư trú của Nước thành viên đó.

3. Những khoản tiền công trả cho những dịch vụ kỹ thuật, kể cả những phân tích hoặc nghiên cứu mang tính chất khoa học, địa chất hoặc kỹ thuật, đối với các công trình nghiên cứu công nghiệp kể cả các đề án có liên quan đến các dịch vụ tư vấn hay giám sát, không được coi như tiền bản quyền, nhưng được coi như những thu nhập, tùy từng trường hợp, được áp dụng theo những qui định của điều 7 hoặc điều 13.

4. a) Về lãi tiền cho vay, trong trường hợp vì những quan hệ đặc biệt giữa người trả và người thực hưởng hoặc trong trường hợp vì giữa người này hoặc người kia có quan hệ này với những người thứ ba, tổng khoản tiền lãi cho vay, đặc biệt là tính đến lãi suất và qui mô của khoản vay mà vì thế phải trả khoản lãi này, vượt quá tổng khoản lãi được thỏa thuận giữa người trả và người thực hưởng khi chưa có những quan hệ như vậy, thì những qui định của điều 20 chỉ được áp dụng đối với khoản đã được thỏa thuận. Trong trường hợp này, khoản vượt trội vẫn phải chịu thuế theo luật pháp của từng Nước ký kết và đồng thời xem xét đến những qui định khác của Hiệp định này.

b) Nói chung đối với mọi thu nhập hoặc mọi phần của tài sản, không một điều nào trong Hiệp định này ngăn cản một Nước ký kết áp dụng những qui định của luật pháp của mình nhằm ngăn ngừa hoăc trừng phạt việc trốn thuế hoặc lậu thuế đối với đối tượng cư trú của Nước đó.

5. Đối với khoản 2 đều 22, đương nhiên thuật ngữ “tổng khoản thuế Pháp tương ứng với các thu nhập này” dùng để chỉ:

a) tổng các thu nhập ròng liên quan nhân với thuế suất được thực sự áp dụng đối với các thu nhập đó, trong trường hợp các khoản thuế phải trả đối với các thu nhập này được tính theo thuế suất tỉ lệ;

b) tổng các thu nhập ròng liên quan nhân với thuế suất được rút ra từ tỉ lệ giữa khoản thuế thực sự phải trả đối với toàn bộ thu nhập ròng phải chịu thuế theo luật thuế của Pháp với tổng của thu nhập này, trong trường hợp khoản thuế phải trả đối với các thu nhập này được tính theo biểu lũy tiến.

Tương tự sự diễn giải này cũng được áp dụng đối với các thuật ngữ “tổng khoản thuế Pháp tương ứng với tài sản này”.

6. Không một điều nào trong Hiệp định này ngăn cản Pháp áp dụng những qui định của luật pháp nước mình mà những qui định này cho phép những công ty cư trú của Pháp, căn cứ vào yêu cầu của những công ty này, xác định lợi tức chịu thuế của mình theo chế độ tập hợp toàn bộ bao gồm đặc biệt là những kết quả của các chi nhánh cư trú của Việt Nam hoặc của các cơ sở thường trú đóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, qui định này hoàn toàn không ảnh hưởng đến luật pháp Việt Nam trong việc xác định và đánh thuế những lợi tức của những chi nhánh và cơ sở thường trú nói trên theo luật pháp của mình và theo mọi qui định khác của Hiệp định này.

7. Đương nhiên những qui định tại điều 4 của hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương được ký ngày 26 tháng 5 năm 1992 không được áp dụng trong lĩnh vực thuế.

Làm tại Hà Nội ngày 10 tháng 2 năm 1993 thành hai bản, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cả hai văn bản cùng có giá trị pháp lý ngang nhau.

 

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Hồ Tế

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ NGÂN SÁCH





Martin Malvy

 

FOR THE GOVERNMENT OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
MINISTER OF FINANCE




Ho Te

FOR THE GOVERNMENT OF FRANCE
MINISTER OF FINANCE





Martin Malvy

 

PROTOCOL

When signing the Agreement between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the French Republic to avoid double taxation and prevent tax evasion and contraband for taxes imposed on income and on the property, the persons who signed have agreed the following provisions which constitute a part of this Agreement.

1. With respect to Clause 1 of Article 4, automatically, the term “resident of a Contracting State”  includes, when this State is French State, the companies have many persons and all other organizations have many persons and have place of management in France and their members must be levied on their income respectively in accordance with the law of France.

2. a) With respect to Article 10 and Article 11, if in an Agreement on avoidance of double taxation and prevention of tax evasion and contraband with a third State which is a member of the European Economic Community (CEE), Vietnam shall agree upon a tax rate at source lower than (including the tax rate of 0%) the tax rates mentioned in this Agreement, such tax rates shall automatically replace the tax rates mentioned in this Agreement and calculated from the effective date of that Agreement between Vietnam and the mentioned third State.

b) In the event that one or many Agreements on avoidance of double taxation are signed after 30/07/1992 between Vietnam and one or many States of the European Economic Community (CEE) imply one or many provisions which are like or the same as the ones specified in Article 24 of sample of tax Agreement of Organization for economic Co-operation and Development (OCDE), Vietnam shall accept a treatment in the most favorable manner by automatic application of one or many of such provisions to the citizens, enterprises or residents of France like the citizens, enterprises or residents of that member State.

3. The remuneration paid for technical services, including the analyses or researches with the scientific, geological or technical character, the industrial researches including the projects pertaining to the supervision or consultation services shall not be regarded as the royalty but the gains, as the case may be, apply according to the provisions of Article 7 or Article 13.

4. a) With respect to loan interest, in the event for the purpose of special relationship between the payer and the beneficiary or in the event of such relationship between this person or the other person and a third person, the total loan interest, especially when taking into account the interest and scale of loan thus this interest must be paid, exceeds the total interest agreed upon between the payer and the beneficiary in the absence of such relationship, the provisions of Article 20 shall only apply to the agreed amount. In this case, the excessive amount must be taxed in accordance with the law of each Contracting State while considering the other provisions of this Agreement.

b) Generally for any income or property, no Article in this Agreement shall prevent a Contracting State to apply its regulations of law to prevent or punish illegal tax evasion or contraband to the resident of that State.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) sum of relevant net gains multiplied by the tax rate actually applies to those gains. In this case, the taxes payables to such gains must be calculated by the rated tax;

b) sum of relevant net gains multiplied by the tax rate is drawn from the rate between the tax actually paid for the entire taxable net gains according to the French tax law with the sum of such gains in the event the taxes payable for such gains are calculated by the progressive tariff.

Similarly this interpretation also applies to the term "the sum of French taxes corresponding with such property"

6. No article in this Agreement prevents France to apply its regulations of law which permit the French resident companies, based on the requirements of such companies, to determine their taxable profits under the regime of whole gathering especially including the results of Vietnamese resident branches or permanent establishments situated in Vietnam. However, this regulation does not affect the law of Vietnam in identification and taxation of profits of the said branches and permanent establishments according to its law and any other provision of this Agreement.

7. It is obvious that the provisions in Article of the Agreement between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and the Government of the French Republic on bilateral promotion and protection of investments signed on 26/05/1992 shall not apply in the field of taxation.

DONE in Hanoi, on 10th February of 1993 in duplicate, in Vietnamese and French languages, both texts being equally authentic.

 

FOR THE GOVERNMENT OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
MINISTER OF FINANCE




Ho Te

FOR THE GOVERNMENT OF FRANCE
MINISTER OF FINANCE





Martin Malvy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam - Pháp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


28.275

DMCA.com Protection Status
IP: 3.129.250.222
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!