HIỆP ĐỊNH
HÀNG HẢI THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA (1993).
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, dưới đây gọi là "các bên ký
kết".
Với mong muốn củng cố quan hệ hữu
nghị giữa hai nước và phát triển hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong kĩnh vực
hàng hải thương mại trên cơ sở công bằng và các bên cùng có lợi, tôn trọng pháp
luật của cả hai nước,
Đã cùng thoả thuận như sau:
Điều 1
Trong Hiệp
định này :
1) Thuật ngữ " Tàu của
bên ký kết" có ý nghĩa là bất kỳ tàu nào được đăng ký trên lãnh thổ và
mang cờ của nước đó. Tuy nhiên thuật ngữ này không bao hàm tàu chiến, tàu thể
thao và du thuyền.
2) Thuật ngữ " thuyền
viên" có nghĩa là thuyền trưởng và bất kỳ người nào khác thực tế đảm
nhận chức trách và công việc trên tàu đó và có tên trong danh sách thuyền viên.
3) Thuật ngữ "hành khách"
có nghĩa là bất kỳ người nào được chuyên chở trên tàu của mỗi bên ký kết và có
tên trong danh sách hành khách của tàu.
4) Thuật ngữ " cơ quan
chức trách có thẩm quyền" là các cơ quan chính phủ của các bên ký kết
chịu trách nhiệm về lĩnh vực vận tải hàng hải và các vấn đề có liên quan của
hai nước.
Điều 2
Các bên ký
kết trong khuôn khổ pháp luật của mình sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và phát triển
mối quan hệ công tác có hiệu quả giữa các cơ quan chức trách có thẩm quyền của
hai nước. Đặc biệt, các bên ký kết thoả thuận tiếp tục xúc tiến việc trao đổi ý
kiến, thông tin giữa các cơ quan chức trách có thẩm quyền và khuyến khích tăng
cường việc tiếp xúc giữa các tổ chức và công ty vận tải biển giữa hai nước.
Điều 3
1. Các bên
thoả thuận :
Thúc đẩy hơn nữa việc ưu tiên
cho các tàu của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tham gia
vào lĩnh vực vận tải biển thương mại giữa các cảng của các nước được mở cho tàu
nước ngoài.
Hợp tác loại trừ những trở ngại
có thể gây tác hại cho việc phát triển vận tải biển thương mại giữa các cảng của
hai nước.
Không gây trở ngại cho các tàu của
một trong các bên tham gia vào vận tải biển thương mại giữa các cảng của các
bên ký kết.
2. Những quy định của điều khoản
này sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền của các tàu của các nước thứ ba tham gia
vào vận tải biển thương mại giữa các cảng của các bên ký kết.
Điều 4
1. Nếu như
không được quy định khác đi trong hiệp định này, các bên ký kết sẽ dành cho
nhau chế độ tối huệ quốc trong tất cả các vấn đề có liên quan đến vận tải biển
thương mại.
2. Những quy định trong phần 1 của
điều khoản này:
a) Sẽ không được áp dụng đối với
các cảng không mở cho tàu nước ngoài:
b) Sẽ được áp dụng đối với việc
thực hiện các dịch vụ ở cảng bao gồm
Hoa tiêu, tàu kéo cũng như vận tải
nội địa.
Điều 5
Các bên ký
kết sẽ sử dụng các biện pháp thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy
giao lưu hàng hải, tránh những chậm trễ không cần thiết đối với các tàu, tạo điều
kiện thuận lợi và đơn giản hoá các thủ tục hải quan và các thủ tục cần thiết
khác tại cảng.
Điều 6
Các bên ký
kết sẽ hạn chế các hành động có thể gây nguy hại cho sự phát triển bình thường
của ngành vận tải biển quốc tế và hạn chế các biện pháp phân biệt đối xử với
tàu và thuyền viên của bên kia.
Điều 7
1) Các giấy
tờ chứng nhận quốc tịch tàu, giấy chứng nhận dung tích và các tài liệu khác của
tàu do một trong hai bên ký kết cấp và thừa nhận sẽ được phía bên kia công nhận.
2) Các tàu của một trong các bên
ký kết có giấy chứng nhận dung tích được cấp trên cơ sở Công ước quốc tế về đo
dung tích tàu năm 1969 hoặc theo luật lệ hiện hành sẽ được miễn không phải đo lại
dung tích tại cảng của phía bên kia. Trong trường hợp có thay đổi trong hệ thống
đo đạc dung tích của một trong các bên ký kết thì bên đó phải thông báo cho
phía bên kia về những thay đổi đó.
Điều 8
Mỗi bên ký
kết sẽ dành cho người mang giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên do cơ quan chức
trách có thẩm quyền của phía bên kia cấp những quyền hạn được quy định ở Điều 9
và 10 của Hiệp định này.
Những giấy tờ tuỳ thân đó là:
Đối với thuỷ thủ các tàu Nga – Hộ
chiếu thuyền viên.
Đối với thuỷ thủ các tàu Việt
Nam – Hộ chiếu thuyền viên.
Điều 9
Trong trường
hợp là thuyền viên trên tàu của một bên ký kết mang giấy tờ tuỳ thân của thuyền
viên được quy định ở Điều 8 của Hiệp định này sẽ được phép ở lại trên bờ trong
một thời hạn nhất định mà không cần thị thực trong thời gian nằm tại cảng của
phía bên kia với điều kiện là thuyền trưởng phải trình danh sách thuyền viên tới
các cơ quan chức trách sở tại theo quy định hiện hành tại cảng đó.
2) Thuyền viên của các tàu thuộc
các bên ký kết khi ở tại cảng hoặc vùng nước của phía bên kia phải tuân thủ luật
pháp và các quy định hiện hành của phía bên đó. Những thuyền viên này được phép
tiếp xúc với các nhân viên ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mình để giải quyết
bất kỳ công việc nào có liên quan
3) Thuyền viên trên các tàu của
mỗi bên, khi cần điều trị bệnh tật sẽ được phép ở lại trên lãnh thổ của phía
bên kia trong một thời hạn cần thiết cho việc điều trị đó.
Điều 10
1) Những
người mang giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên được quy định ở Điều 8 của Hiệp định
này sẽ được coi là hành khách trên bất kỳ phương tiện giao thông nào để đi vào
lãnh thổ của phía bên kia hoặc qúa cảnh qua nước đó để về tàu hoặc đến tàu khác
hoặc quay về nước hoặc vì bất cứ lý do nào khác được các nhà chức trách của bên
đó chấp thuận.
2) Trong tất cả các trường hợp
quy định ở phần 1 của điều khoản này, thuyền viên phải có thị thực tương ứng do
các cơ quan chức trách có thẩm quyền của phía bên kia cấp trong một thời hạn ngắn
nhất.
3) Trong trường hợp người mang
giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên được quy định ở Điều 8 của Hiệp định này không
phải là công dân của một trong các bên ký kết thì các thị thực nhập hoặc quá cảnh
lãnh thổ của phía bên kia như quy định trong điều khoản này vẫn được cấp với điều
kiện là bên cấp giấy tờ tuỳ thân thuyền viên cho người đó bảo đảm rằng người
này sẽ quay về lãnh thổ của mình.
Điều 11
Đối với
các quy định trong Điều 8 – 10 của Hiệp định này, các quy chế liên quan đến việc
nhập cảnh, tạm trú và xuất cảnh của các công dân nước ngoài vẫn có hiệu lực
trên lãnh thổ của các bên ký kết.
Mỗi bên ký kết dành cho mình quyền
từ chối không cho nhập cảnh với các thuyền viên nếu không cần thiết.
Điều 12
1. Các cơ
quan pháp luật của mỗi bên ký kết không được giải quyết các tranh chấp phát
sinh từ hợp đồng làm việc của thuyền viên trên một tàu của phía bên kia nếu
không có sự đồng ý của các nhân viên ngoại giao hoặc lãnh sự có thẩm quyền của
nước đó.
2. Trong trường hợp một thuyền
viên trên tàu của một trong hai bên ký kết phạm tội trên tàu khi đang ở tại
vùng nội thuỷ của phía bên kia, thì các cơ quan chức trách của phía đó không được
truy tố thuyền viên này nếu không có sự đồng ý của nhân viên ngoại giao hoặc
lãnh sự của bên có tàu mang cờ trừ những trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền
nói trên có ý kiến như sau:
a) Các hậu quả của việc vi phạm
này có thể ảnh hưởng tới lãnh thổ của nước mà tàu đang đỗ; hoặc
b) Việc vi phạm này có ảnh hưởng
đến trật tự công cộng và an ninh của nước đó: hoặc
c)Việc vi phạm này chống lại bất
kỳ người nào không phải là thuyền viên của tàu đó; hoặc
d) Việc truy tố là cần thiết để
ngăn chặn việc chống buôn lậu ma tuý và các chất kích thích.
3. Những quy định trong phần 2 của
điều này không ảnh hưởng đến quyền kiểm soát và điều tra của các cơ quan chức
trách của mỗi bên ký kết theo luật pháp của mình.
Điều 13
1. Nếu
tàu của một trong các bên ký kết bị đắm, mắc cạn hoặc dạt vào bờ hay gặp bất kỳ
tai nạn nào ngoài khơi của phía bên kia thì phía đó sẽ dành cho tàu và hàng hoá
bị tai nạn những quy chế tương tự như tàu và hàng hoá bị tai nạn những quy chế
tương tự như tàu và hàng hoá của mình.
2. Thuyền viên và hành khách
cũng như bản thân con tàu vào bất kỳ lúc nào cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ, hỗ
trợ tương tự như đối với tàu của nước đó.
3. Hàng hoá và các vật dụng được
dỡ hoặc cứu vớt từ tàu như đề cập ở mục 1 điều khoản này sẽ được miễn thuế hải
quan với điều kiện hàng hoá và vật dụng đó không được đưa ra sử dụng hoặc tiêu
thụ trên lãnh thổ của phía bên kia.
Điều 14
Nếu không
được quy định khác đi trong các hiệp định thanh toán thương mại và hợp tác kinh
tế giữa hai nước thì tất cả các khoản thanh toán phát sinh từ các hoạt động
liên quan đến Hiệp định này sẽ được tính bằng ngoại tệ tự do chuyển đôỉ theo
đúng các quy định hiện hành về quản lý ngoại tệ của từng nước.
Điều 15
Các bên
ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức vận tải biển phía bên kia thiết lập
các văn phòng đại diện trên lãnh thổ của mình.
Hoạt động của các văn phòng đại
diện này phải tuân thủ theo pháp luật của nước chủ nhà.
Điều 16
Đại diện
của các nhà chức trách có thẩm quyền của các bên ký kết sẽ gặp nhau khi cần thiết
luân phiên tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tại Liên bang Nga để
trao đổi về những vấn đề liên quan đến việc thi hành Hiệp định này và các vấn đề
vận tải biển khác mà các bên cùng quan tâm.
Điều 17
Bất kỳ
tranh chấp nào có liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ
được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữ các cơ quan chức trách có thẩm
quyền của các bên ký kết. Nếu những cơ quan trên không đạt được sự thoả thuận
thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng đường ngoại giao.
Điều 18
Hiệp định
này có thể sửa đổi vào bất kỳ lúc nào với sự thoả thuận của các bên ký kết.
Điều 19
Hiệp định
này sẽ có hiệu lực kể từ ngày có thông báo cuối cùng của các bên ký kết sau khi
đã hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết.
Hiệp định này có hiệu lực trong
thời hạn 5 năm và sẽ tự động gia hạn trong thời hạn 1 năm trừ khi một trong hai
bên ký kết thông báo cho phía bên kia ý định chấm dứt Hiệp định 6 tháng trước
khi gia hạn theo từng thời hạn kể trên.
Để làm bằng, những người có tên
dưới đây được Chính phủ các bên uỷ quyền đã ký tên vào văn bản hiệp định này.
Làm tại Hà Nội ngày 27 tháng 5
năm 1993, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh, tất cả
các bản bằng các thứ tiếng có giá trị như nhau.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
LIÊN BANG NGA
|