HIỆP ĐỊNH
VỀ
THƯƠNG MẠI VÀ HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC NAUY (1997).
Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ
Nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Nauy, dưới đây gọi là " các
Bên",
Với lòng mong muốn tăng cừơng
các mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế và
thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi,
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1
Phù hợp với luật pháp và thể lệ
hiện hành tại hai nước, các Bên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tạo
thuận lợi và thúc đẩy trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa hai nước và nỗ lực làm
đa dạng hoá thương mại hai bên.
Điều 2
1. Các Bên dành cho nhau
quy chế tối huệ quốc trong thương mại. Quy chế tối huệ quốc được áp dụng đối
với thuế hải quan và phụ phí cũng như đối với các loại thuế, thể lệ, thủ tục và
thể thức liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ ở hai nước.
2. Điều khoản trên sẽ không
áp dụng đối với các thuận lợi mà mỗi Bên đang hoặc sẽ dành cho nước khác trong
liên minh thuế quan, trong khu vực mậu dịch tự do hoặc các dàn xếp ưu đãi tương
tự khác, cũng như đối với các thuận lợi mà mỗi Bên đã dành hoặc có thể sẽ dành
cho các nước láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu biên giới.
Điều 3
Các Bên tạo thuận lợi cho hàng
hoá và dịch vụ của Việt Nam cung như của Nauy được tiếp cận thị trường nội địa
của nhau phù hợp với luật pháp và thể lệ hiện hành ở hai nước.
Điều 4
Buôn bán giữa các đối tác kinh
doanh ở hai nước sẽ được tiến hành phù hợp với tập quán thương mại quốc tế.
Thanh toán được tiến hành bằng đồng tiền tự do chuyển đổi phù hợp với quy chế
quản lý ngoại hối hiện hành ở hai nước.
Điều 5
1. Các Bên khuyến khích và
tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, hàng hải, công nghiệp và kỹ thuật và thương
mại giữa các tổ chức, các xí nghiệp và các chủ thể khác có quan tâm ở mỗi bên
phù hợp với luật pháp và thể lệ ở mỗi nước.
2. Các Bên khuyến khíc các tổ
chức, các xí nghiệp và các hãng làm thương mại ở hai nước đàm phán và ký kết
các hợp đồng kể cả những hợp đồng dài hạn theo những điều kiện thương mại.
3. Các bên thừa nhận tầm
quan trọng thông tin kinh tế và thương mại đối với sự phát triển thương mại và
sẽ thúc đẩy việc trao đổi ngày một tăng những thông tin đó.
4. Các Bên nỗ lực thúc đẩy
việc tham gia ngày càng nhiều vào thương mại song phương của các tổ chức, các
hãng và các xí nghiệp vừa và nhỏ làm thương mại ở hai nước.
5. Phù hợp với luật pháp và
thể lệ hiện hành ở mỗi nước và việc áp dụng những luật lệ đó, các Bên miễn thuế
nhập khẩu đối với hàng triển lãm và mẫu hàng, đưa vào tham gia hội chợ, triển
lãm hoặc những mục đích tương tự, và cho phép tái xuất. Nếu sau đó đem bán tại
nước nhập khẩu, sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu thông thường đối với những hàng
hoá đó.
Điều 6
Phù hợp với luật pháp và thể lệ
ở mỗi nước, các Bên cho phép các tổ chức, các xí nghiệp và các hãng làm thương
mại giữa hai nước của bên kia lập các đại diện thường trú hoặc văn phòng ở nước
mình.
Điều 7
1. Các Bên tiến hành tham khảo ý
kiến nếu một sản phẩm nhập khẩu vào lãnh thổ của một trong các Bên với khối
lượng nào đó hoặc với những điều kiện nào đó, gây tổn thương hoặc đe doạ gây
tổn thương nghiêm trọng đến các nhà sản xuất hàng tương tự trong nước hoặc hàng
hoá trực tiếp cạnh tranh. Tham khảo ý kiến được tiến hành nhằm tìm ra giải pháp
thoả đáng có tính đến mục tiêu cơ bản của Hiệp định này.
2. Nếu sau khi tham khảo ý
kiến các Bên thoả thuận rằng tình trạng như được nêu trong đoạn 1 của Điêù này
là có, các Bên sẽ tìm kiếm để đạt được thoả thuận về các biện pháp ngăn chặn
hoặc khắc phục tổn thương đó. Nếu không có khả năng đạt được thoả thuận giữa
các Bên về biện pháp ngăn chặn tổn thương, thì Bên bị, hoặc bị đe doạ tổn
thương nghiêm trọng, có thể tiến hành những biện pháp cần thiết ở mức độ và
thời gian cần thiết nhằm khắc phục tổn thương.
3. Trong những trường hợp
khẩn cấp khi việc chậm trễ áp dụng các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn tới tổn thương
khó có thể khắc phục thì Bên có liên quan không cần phải tham khảo ý kiến
trước, có thể tam thời tiến hành các biện pháp như được nêu trong đoạn 2 của
Điều này cho tới khi các Bên đạt được thoả thuận về những biện pháp ngăn chặn
hoặc khắc phục tổn thương.
Điều 8
1. Các Bên sẽ dành và bảo
đảm sự bảo hộ và thực thi một cách có hiệu quả và thích đáng các quyền sở hữu
trí tuệ, đồng thời bảo đảm rằng những biện pháp và thủ tục bảo hộ và thực thi
quyền sở hữu trí tuệ không trở thành những cản trở đối với thương mại hợp pháp.
2. Mỗi Bên sẽ áp dụng
nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và tối huệ quốc đối với công dân của Bên kia liên
quan đến việc nhận, bảo hộ, hưởng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
3. Về bảo hộ và thực thi
quyền sở hữu trí tuệ, các Bên thoả thuận tiến hành sự kiểm tra liên tục và
thường xuyên tham khảo ý kiến của nhau nhằm đánh giá việc giải thích và thực
hiện nghiã vụ nói trên.
4. Các Bên thoả thuận, theo
yêu cầu của một trong hai Bên tiến hành xem xét lại các điều khoản về bảo hộ
quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định này nhằm phát triển hơn nữa mức bảo hộ và
nhằm tránh hoặc khắc phục những sai lệch thương mại do mức độ bảo hộ hiện thời
đối với quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
5. Các Bên thoả thuận ngay
lập tức tiến hành tham khảo ý kiến lẫn nhau theo yêu cầu của một trong hai Bên
về những vấn đề liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nảy sinh
trong quan hệ kinh tế giữa các Bên.
Điều 9
1. Các Bên thoả thuận thành
lập một Uỷ ban hỗn hợp. Uỷ ban hỗn hợp sẽ bao gồm đại diện các cơ quan có thẩm
quyền của hai nước.
2. Uỷ ban hỗn hợp chịu
trách nhiệm kiểm điểm việc thực hiện Hiệp định này, nghiên cứu và xem xét các
khả năng mở rộng và tạo thuận lợi cho thương mại song phương.
3. Uỷ ban hỗn hợp chịu
trách nhiệm soạn thảo và đệ trình lên các cơ quan thẩm quyền cảu mỗi nước những
đề xuất và khuyến nghị về các vấn đề trong thương mại song phương.
4. Khi cần thiết, Uỷ ban
hỗn hợp có thể thành lập các nhóm làm việc cho các vấn đề cụ thể trong thương
mại.
5. Uỷ ban hỗn hợp sẽ luân
phiên họp tại Việt Nam và Nauy vào thời gian hai bên thoả thuận.
Điều 10
Mọi tranh chấp nẩy sinh từ việc
giải thích và thực hiện những điều khoản của Hiệp định này sẽ được giải quyết
ngay thông qua tham khảo ý kiến giữa các Bên.
Điều 11
Các Bên thoả thuận sửa đổi hoặc
bổ sung những điều khoản của Hiệp định này vào bất cứ thời điểm nào. Những sửa
đổi hoặc bổ sung sẽ có hiệu lực theo trình tự ghi trong Điều 12 trừ phi các Bên
thoả thuận khác đi.
Điều 12
1. Hiệp định này có hiệu lực
trong thời gian 5 năm kể từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo mà trước đó các
Bên đã thông báo cho nhau bằng văn bản qua con đường ngoại giao rằng các yêu
cầu pháp lý của mỗi Bê nhăm đưa Hiệp định này vào hiệu lực đã được hoàn tất.
Sau đó Hiệp định này sẽ được mặc nhiên ra hạn mỗi lần 1 năm trừ phi mmột trong
các Bên gửi thông báo bằng văn bản qua con đường ngoại giao mong muốn chấm dứt
Hiệp định ít nhất 3 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực
2. Việc chấm dứt Hiệp định này
không ảnh hưởng đến việc thực thi các hợp đồng và cam kết đã ký giữa các tổ
chức, các xí nghiệp và các hãng của hai nước trong khuôn khổ Hiệ định này.
Làm tại Hà Nội, ngày 22 tháng 4
năm 1997 thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Nauy và tiếng Anh, tất cả có giá
trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự hiểu sai, bản tiêng Anh sẽ là bản quyết
định.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
VƯƠNG QUỐC NAUY
|