HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ
NHÂN DÂN TRUNG HOA VỀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CÔNG NHẬN
LẪN NHAU (1994).
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Công hoà Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi
tắt là hai bên ký kết).
Với mục đích đảm bảo sức khoẻ,
sự an toàn của nhân dân, bảo vệ mội trường tự nhiên và lợi ích người tiên dùng
hai nước, đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, chất lượng phục vụ, thúc
đẩy sự phát triển kinh tế và thương mại hai nước.
Đã thoả thuận như sau:
ĐIỀU 1
Các pháp nhân có quyền kinh
doanh ngoại thương (sau đây gọi tắt là "đơn vị ngoại thương") và các
tổ chức hữu quan của hai bên ký kết trong quá trình thực hiện Hiệp định này
phải tuân thủ pháp luật, văn bản pháp quy, quy chế có liên quan của nước Cộng
hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
ĐIỀU 2
Hai bên ký kết uỷ quyền cho Tổng
cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Mội trường
nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập
khẩu Nhà nước Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là "cơ
quan được uỷ quyền của hai bên") chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối, giám
sát việc thi hành Hiệp định này.
ĐIỀU 3
Để thực hiện Hiệp định này, cơ
quan được uỷ quyền của hai bên sẽ triển khai các công việc sau:
1/Căn cứ vào các quy định về
kiểm nghiệm, chứng nhận theo luật định đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của mỗi
bên, bàn bạc để xác nhận danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng của mỗi
bên.
2/Đối với các phòng thử nghiệm
của hai bên được các tổ chức quốc tế mà hai cơ quan uỷ quyền cùng tham gia đã
công nhận thì sẽ thừa nhận lẫn nhau.
3/Đối với các phòng thử nghiệm
được các tổ chức quốc tế khác nhau công nhận hoặc do cơ quan được uỷ quyền của
mỗi bên công nhận thì theo hướng dãan số 25 và số 58 của ISO/IEC hoặc theo tiêu
chuẩn hai bên thoả thuận để công nhận lẫn nhau.
4/Thừa nhận lẫn nhau các tiêu
chuẩn thử nghiệm và điều kiện kỹ thuậ của mỗi nước hoặc của quốc tế đối với
việc chứng nhận hàng hoá về an toàn vệ sinh và chất lượng.
5/Thông báo cho nhau tình hình
thực hiện Hiệp định này.
ĐIỀU 4
Khi các đơn vị ngoại thương của
hai bên xuất khẩu hàng hoá thuộc danh mục nêu ở khoản 1 điều 3 cuả Hiệp định
này thì chỉ hàng hoá có giấy chứng nhận chất lượng hoặc (và) có tem (dấu) kiểm
nghiệm do cơ quan được uỷ quyền của hai bên chấp nhận mới được xuất khẩu.
ĐIỀU 5
Hai bên ký kết đồng ý: nhằm đảm
bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu, cơ quan được uỷ quyền của mỗi bên căn cứ vào
thỏa thuận về nội dung và phương pháp theo tiêu chuẩn quốc tế để thẩm định hệ
thống chất lượng của cơ sở sản xuất của nước mình.
ĐIỀU 6
Các tổ chức kiểm tra do cơ quan
được uỷ quyền của mỗi bên thừa nhận sẽ cấp giấy chứng nhận chất lượng hoặc (và)
tem (dấu) kiểm nghiệm cho lô hàng xuất khẩu của đơn vị ngoại thương của mình
khi thỏa mãn các yêu cầu sau đây:
1/Áp dụng các tiêu chuẩn chất
lượng hàng xuất khẩu về an toàn, vệ sinh mà hai bên đã thừa nhận, đồng thời phù
hợp với yêu cầu của hợp đồng ngoại thương và các điều kiện bổ sung mà hai bên
đã ký kết.
2/Hàng hoá xuất nhập khẩu đã
được phòng kiểm nghiệm hai bên công nhận lẫn nhau theo khoản 2 và 3 điều 3 của
Hiệp định này chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
ĐIỀU 7
Cơ quan được uỷ quyền của hai
bên sẽ cung cấp cho bên kia mẫu giấy chứng nhận chất lượng hoặc (và) tem (dấu)
kiểm nghiệm của nước mình để mỗi bên giao cho hải quan lưu giữ để kiểm soát.
ĐIỀU 8
Cơ quan được uỷ quyền của hai
bên, các tổ chức kiểm tra, các phòng thử nghiệm và các giám định viên có trách
nhiệm giữ bí mật đối với mọi thông tin thu nhận được trong phạm vi Hiệp định
này.
ĐIỀU 9
Trường hợp hàng hoá xuất khẩu
thuộc danh mục quy định tại khoản 1 điều 3 của Hiệp định này không có giấy
chứng nhận chất lượng hoặc (và) tem (dấu) của tổ chức kiểm tra do cơ quan được
uỷ quyền của bên xuất khẩu thừa nhận thì bất kỳ bên nào cũng có quyền từ chối
nhập cảnh cho hàng hoá đó.
Đối với hàng hoá đã nhập khẩu,
nếu đơn vị ngoại thương của một bên ký kết thấy chất lượng hàng hoá có dấu hiệu
không phù hợp với giấy chứng nhận chất lượng hoặc (và) tem (dấu) kiểm nghiệm
thì căn cứ vào hợp đồng ngoại thương đã ký kết, có thể yêu cầu phía bên kia bồi
thường.
ĐIỀU 10
Trong quá trình thi hành Hiệp
định này nếu xảy ra tranh chấp thì cơ quan được uỷ quyền của hai bên phải kịp
thời giải quyết trên cơ sở thương lượng hữu nghị.
ĐIỀU 11
Hiệp định có thể được bổ sung
hoặc sửa đổi trên cơ sở bàn bạc nhất trí giữa hai bên ký kết.
ĐIỀU 12
Hiệp định này có hiệu lực kể từ
ngày ký, thời hạn có hiệu lực của Hiệp định là 3 năm. Ít nhất 6 tháng trước khi
Hiệp định hết hạn, nếu một trong hai bên ký kết không thông báo bằng văn bản
yêu cầu chấm dứt hiệp định cho bên kia thì Hiệp định tiếp tục có hiệu lực 3 năm
tiếp theu, và được kéo dài theo thể thức đó.
Nếu một trong hai bên ký kết yêu
cầu chấm dứt Hiệp định này thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất
6 tháng kể từ khi đưa ra thông báo chấm dứt.
Hiệp định này làm tại Hà nội
ngày 22 tháng 11 năm 1994 thành hai bản, bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung
Quốc, hai văn bản này có giá trị ngang nhau.
ĐẠI
DIỆN CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
ĐẠI
DIỆN CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
|