BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 984/QĐ-BNN-CN
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ
GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020
và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Chăn nuôi, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo
hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (sau đây gọi tắt là Đề
án) với các nội dung chủ yếu sau;
I. MỤC TIÊU,
QUAN ĐIỂM
1. Mục tiêu
Phát huy lợi thế về khả năng sản xuất
một số loại vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; phát triển bền vững góp phần
đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
2. Quan điểm phát triển
- Tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải dựa
trên quan điểm tái cơ cấu tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng
thể ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn và Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
- Chú trọng phát triển những sản phẩm
có tiềm năng và lợi thế theo hướng tăng nhanh năng suất và hiệu quả để tăng sức
cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; gắn với bảo
vệ môi trường.
- Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn
nuôi theo cơ chế thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua
việc liên kết sản xuất, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho người chăn
nuôi và người tiêu dùng.
II. NỘI DUNG
TÁI CƠ CẤU
1. Tái cơ cấu sản xuất ngành chăn
nuôi theo vùng
Chuyển dịch dần chăn nuôi trang trại
từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có
mật độ dân số thấp (trung du, miền núi); hình thành các vùng chăn nuôi an toàn
dịch bệnh, xa thành phố, khu dân cư. Trong từng địa phương hình thành các vùng,
xã chăn nuôi trọng điểm (có thể là xã,
liên xã, huyện, liên huyện) theo quy hoạch và các sản phẩm chăn nuôi chủ lực để
tập trung đầu tư.
a) Chăn nuôi lợn
- Giảm đàn lợn ở vùng Đồng bằng sông
Hồng từ 25,74% năm 2013 xuống 15% năm 2020; vùng Đông Nam bộ từ 10,51% xuống
5%.
- Tăng đàn lợn ở vùng Trung du miền
núi phía Bắc từ 24,1% năm 2013 lên 30% năm 2020, Bắc trung bộ từ 19,38% lên 24%
và Tây Nguyên từ 6,58% lên 15%.
b) Chăn nuôi gia cầm
- Chăn nuôi gà: Trước mắt, duy trì cơ
cấu và quy mô đàn tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, Bắc
trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; sau đó mở rộng sang vùng Tây Nguyên (hiện
nay đàn gà ở Tây Nguyên chiếm 5,5%, đến năm 2020 tăng lên 20%).
- Chăn nuôi vịt: Trước mắt, duy trì ở
vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; sau đó mở rộng sang vùng
Trung du miền núi phía Bắc từ 9,48% (năm 2013) lên 15% năm 2020 và vùng Duyên hải
miền Trung từ 23,3% lên 31%.
c) Chăn nuôi bò:
- Bò thịt: Phát triển ở các vùng
Duyên hải miền Trung và Trung du miền núi phía Bắc.
- Bò sữa: Phát triển ở các vùng truyền
thống và có khả năng đầu tư công nghệ cao.
d) Chăn nuôi ong, trâu, thỏ: Phát triển
tại những vùng chăn nuôi có lợi thế.
2. Tái cơ cấu vật nuôi
- Loại vật nuôi:
+ Sản lượng thịt lợn hơi năm 2013 chiếm
74,2%, thịt gia cầm chiếm 17,3% và 8,5% đối với thịt trâu bò. Năm 2020, cơ cấu thịt lợn
hơi xuất chuồng giảm còn 62%, tăng tỷ trọng thịt gia cầm lên 28% và thịt trâu
bò là 10%.
+ Phát triển các loại vật nuôi khác
có tiềm năng về thị trường: ong, trâu, thỏ.
- Về cơ cấu sản xuất từng loại vật
nuôi;
+ Lợn: tỷ lệ lợn nái ngoại chiếm
19,8% năm 2013, tăng lên 30-33% năm 2020; phát triển lợn thịt giống ngoại và
lai trên 75% máu ngoại nuôi công nghiệp.
+ Gia cầm: Phát triển đàn gà lông
màu, thả vườn; sản lượng thịt gà lông màu
chiếm tỷ trọng từ 50-52% năm 2013 lên 60-62% năm 2020. Duy trì ổn định cơ cấu
đàn gà lông trắng công nghiệp.
- Tăng đàn vịt đẻ trứng, vịt nuôi thịt:
Tổng đàn thủy cầm đạt 84 triệu con năm 2013 lên 100 triệu con năm 2020, trong
đó vịt đẻ trứng từ 29 triệu con lên 40 triệu con; sản lượng thịt chiếm 40% tỷ
trọng thịt gia cầm.
+ Bò thịt: Tỷ lệ bò lai đạt 47,6% năm 2013, đến năm 2020 tăng lên 70%.
+ Bò sữa: Đến năm 2020 đàn bò đạt
300.000 con, sản lượng sữa đạt trên 0,9 triệu tấn/năm.
3. Tái cơ cấu về phương thức sản
xuất chăn nuôi
- Chuyển
dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại
phù hợp với từng loại vật nuôi, từng vùng, địa phương, nhất là chăn nuôi lợn, vịt
và gà lông màu,
Phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng
chăn nuôi công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn
sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Đến năm 2020, cơ cấu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi đối với phương thức chăn
nuôi trang trại đạt:
+ Lợn: Số lượng đầu con tăng từ 30%
lên 52% và sản lượng thịt lợn tăng từ 40% lên trên 60%.
+ Gà: Số
lượng đầu con tăng từ 30% lên 60% và sản lượng thịt, trứng từ 45% tăng lên 75%.
+ Vịt: Số
lượng đầu con tăng từ 20% lên 60%, sản lượng thịt tăng từ 25% lên 50%, trứng
tăng từ 25% lên 45%,
+ Bò sữa: Đến năm 2020 đàn bò đạt
300.000 con, sản lượng sữa đạt trên 0,9 triệu tấn/năm; 100% đàn bò sữa được
nuôi theo hình thức trang trại và chăn nuôi công nghiệp.
4. Tái cơ cấu theo chuỗi giá trị,
ngành hàng
- Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm
từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm
trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, Hội, Hiệp
hội ngành hàng; chú trọng việc xây dựng các thương
hiệu.
- Đối với ngành hàng thịt lợn đến năm
2020 phấn đấu xuất khẩu 1,0 triệu tấn thịt lợn hơi.
- Đối với ngành hàng trứng vịt muối
và thịt vịt đến năm 2020 xuất khẩu 1-2 tỷ quả trứng muối và 70-100 ngàn tấn thịt
vịt.
III. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp chung
a) Chăn nuôi lợn
- Rà soát, quy hoạch lại các vùng
chăn nuôi lợn gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường.
- Nâng cao chất lượng đàn giống cụ kỵ,
ông bà; tạo đực cuối cùng có năng suất cao.
- Trước mắt kiểm tra, giám định; bình
tuyển và loại thải đực giống không đảm bảo chất lượng. Sau đó xây dựng đàn đực
giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và được quản lý chặt chẽ.
- Nâng cấp các trung tâm sản xuất giống,
tinh dịch, khảo kiểm nghiệm, kiểm định.
- Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ dẫn
tinh viên.
- Bảo tồn và khai thác có hiệu quả một
số giống lợn nội.
b) Chăn nuôi gia cầm
- Nâng cao chất lượng đàn giống dòng thuần, ông bà để sản xuất gà, vịt bố mẹ có chất lượng cao.
- Chọn tạo các giống gà màu thả vườn
có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương, đảm bảo mỗi địa phương chỉ
có một đến hai giống chủ lực.
- Xây dựng hệ thống giống 4 cấp. Các
cơ sở nuôi giống bố mẹ phải nằm trong hệ thống giống và có đăng ký với chính
quyền cấp xã. Không được phép lưu hành con giống nằm ngoài hệ thống giống,
- Quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, không sử dụng gà, vịt thương phẩm làm
gà giống bố mẹ, bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống phải công bố tiêu
chuẩn chất lượng giống.
- Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gia cầm, sản xuất và cung ứng giống (kiểm tra đầu vào và kiểm soát đầu ra).
- Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi vịt
theo phương thức nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội. Khoanh vùng kiểm
soát vịt chạy đồng, hạn chế vịt chạy đồng xa.
c) Chăn nuôi bò
- Bổ sung đàn đực giống ngoại có năng
suất, chất lượng cao.
- Tiếp tục cải tạo đàn bò theo hướng
Zêbu hóa, chuyên thịt. Áp dụng rộng rãi biện pháp thụ tinh nhân tạo.
- Tăng cường áp lực chọn lọc giống
bò.
- Đào tạo mới để tăng số lượng dẫn
tinh viên gắn với chính sách hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong
chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng thịt, sữa.
d) Thức ăn chăn nuôi
- Phát triển chế biến thức ăn công
nghiệp.
- Sử dụng các nguyên liệu có sẵn
(thóc, gạo, sắn, ngô,...), phối trộn với thức ăn đậm đặc, cao đạm làm thức ăn
chăn nuôi để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi.
- Áp dụng công nghệ sinh học trong việc
chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng.
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về chất lượng thức ăn, nguyên liệu thức
ăn chăn nuôi.
đ) Công tác thú y
- Kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch
bệnh lây lan, khống chế, tiến tới thanh toán một số bệnh nguy hiểm ở động vật,
bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y
trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm an toàn thực
phẩm cho người tiêu dùng; tăng cường quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi
sinh vật và hóa chất dùng trong thú y bảo
đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.
- Xây dựng và chỉ đạo có hiệu quả mạng
lưới thú y cộng đồng.
- Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh
phục vụ xuất khẩu.
- Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn,
quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi an
toàn dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến.
- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm
soát xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm
chăn nuôi.
- Xây dựng mới, củng cố và tiêu chuẩn
hóa hệ thống phòng phân tích về thú y, an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực, quốc tế.
- Đàm phán, ký các hiệp định về thú y
với các nước, khu vực có trao đổi khoa học công nghệ, thương mại đối với các sản
phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
e) Khuyến nông chăn nuôi
- Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn
dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Đào tạo, tập huấn cho các các chủ
trang trại, chủ hộ có kiến thức về chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy trình an toàn dịch bệnh, kinh tế thị trường
và hội nhập quốc tế.
2. Giải pháp chính sách
- Xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn
nuôi.
- Đất đai: Dành quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, kéo
dài thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi.
- Thuế: Có
ưu đãi về thuế với các đơn vị nhập khẩu nguyên
liệu thức ăn chăn nuôi; miễn thuế VAT đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
- Tín dụng: Đa dạng các hình thức và
phương thức tín dụng theo hướng tạo điều
kiện dễ tổ chức, cá nhân đầu tư chăn
nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất ưu
đãi.
- Thương mại: Đơn giản hóa thủ tục
hành chính để các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn
để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Cục Chăn nuôi
- Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện
các giải pháp triển khai Đề án, có sự phân kỳ theo từng giai đoạn; định kỳ báo
cáo tiến độ và kết quả thực hiện,
- Chủ trì và phối hợp với các Cục, Vụ
liên quan xây dựng và tổ chức triển khai
thực hiện các Chương trình, chính sách, dự án ưu tiên.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai có hiệu quả
các nội dung của Đề án.
2. Các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao,
phối hợp với Cục Chăn nuôi thực hiện tốt các nội dung của Đề án này.
3. Trung tâm Khuyến nông quốc gia
- Chủ trì xây dựng và
hướng dẫn triển khai các mô hình sản xuất
trong lĩnh vực chăn nuôi.
- Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn
về quản lý kinh tế kỹ thuật cho các chủ cơ sở
chăn nuôi.
4. Các Viện, Học viện, Trường
- Nghiên cứu và
chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về giống vật nuôi mới có năng suất,
chất lượng cao và có lợi thế cạnh tranh để
nâng cao giá trị gia tăng của người chăn nuôi. Đồng thời, nghiên cứu bảo tồn
các nguồn gen giống vật nuôi bản địa.
- Nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học,
công nghệ mới về chế biến, sử dụng thức ăn chăn nuôi. Nghiên cứu sử dụng các
nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm nhập khẩu, giảm giá thành thức ăn chăn
nuôi và nâng cao giá trị gia tăng.
- Chủ trì, phối hợp với các trường đại học và viện
nghiên cứu liên quan triển khai nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp xử lý
môi trường chăn nuôi.
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất chăn nuôi.
- Phối hợp với địa phương đào tạo đội ngũ kỹ thuật
viên chăn nuôi, thú y.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu
vật nuôi phù hợp với lợi thế cạnh tranh và điều
kiện kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Tuyên truyền các nội dung của Đề án.
- Xây dựng và triển khai các nội dung tái cơ cấu về
chăn nuôi trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giống,
thức ăn và môi trường chăn nuôi; giết mổ, chế biến.
- Đề xuất, xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi
trên địa bàn.
6. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực
chăn nuôi
- Căn cứ vào quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp
và PTNT và địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư, chăn nuôi phù hợp theo
hướng hàng hóa quy mô lớn có liên kết chuỗi
theo cơ chế thị trường, định hướng tới xuất khẩu sản phẩm và đầu tư chăn nuôi ra
nước ngoài.
- Thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn kỹ thuật về giống,
thức ăn và môi trường; thú y và giết mổ,
chế biến.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4,
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, Tài chính, Công thương, KH&CN, TN&MT;
- Các Vụ: KH, KHCN&MT, TC, PC;
- Cục TY;
- Các Hội, Hiệp hội chăn nuôi, thú y;
- Lưu: VT, CN.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|