BỘ TÀI
CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
179/2011/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày 08 tháng 12 năm 2011
|
HƯỚNG DẪN XỬ
LÝ HÀNG HÓA BỊ TỪ BỎ, THẤT LẠC, NHẦM LẪN, QUÁ THỜI HẠN KHAI HẢI QUAN TẠI CẢNG
BIỂN MÀ CHƯA CÓ NGƯỜI ĐẾN NHẬN QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 45 LUẬT HẢI QUAN VÀ HÀNG HÓA
KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN KHÁC
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10
ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm
2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan;
Căn cứ Nghị định số
97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi
phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải
quan;
Căn cứ Nghị định số
18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc
xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh
vực hải quan;
Căn cứ Nghị định số
118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi thống nhất
với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất
lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến
nhận quy định tại Điều 45 Luật hải quan và hàng hóa không có
người nhận khác như sau:
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn trình tự xử
lý đối với hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà
chưa có người đến nhận theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan
và hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ
hàng hóa; hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, ngoài lược khai không có người nhận
(sau đây gọi tắt là hàng tồn đọng) lưu giữ tại cảng biển.
2. Hàng tồn đọng tại cảng sông quốc
tế, cảng nội địa (ICD), địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS) cũng xử lý tương tự theo
hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Thông tư này không điều chỉnh đối
với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa do người vận chuyển đường
biển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam (thực hiện theo Nghị định số 46/2006/NĐ-CP
ngày 16/5/2006 của Chính phủ);
b) Thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa
nhận (thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2004/TTLT-BBCVT-BTC ngày 29/11/2004
của liên Bộ Bưu chính Viễn thông - Bộ Tài chính);
c) Hàng hóa, hành lý, tài sản tồn đọng
không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam (thực hiện theo Thông tư
số 33/2004/TT-BTC ngày 15/4/2004 của Bộ Tài chính);
d) Hàng tồn đọng trong kho ngoại quan (thực
hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 195/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài
chính);
đ) Hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm
lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận, có dấu hiệu vi phạm
pháp luật.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất
lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận, hàng hóa
do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;
hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, ngoài lược khai không có người nhận.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Hàng tồn đọng theo hướng dẫn tại Thông
tư này bao gồm:
1. Hàng hóa bị từ bỏ:
a) Hàng hóa mà chủ hàng có văn bản
thông báo việc từ bỏ; hoặc không đến nhận hoặc không hồi đáp sau khi đã được cơ
quan hải quan thông báo;
b) Hàng hoá do người vận chuyển đường
biển lưu giữ tại Việt Nam bỏ lại cảng biển và người vận chuyển có văn bản từ bỏ
quyền lưu giữ.
2. Hàng hóa bị thất lạc:
a) Hàng hóa có địa chỉ nhận tại Việt
Nam, bị thất lạc qua nước khác sau đó đưa về Việt Nam, không có người đến nhận;
b) Hàng hóa gửi đến nước khác, bị thất
lạc đến Việt Nam, không có người đến nhận;
3. Hàng hóa bị gửi nhầm địa chỉ người
nhận tại Việt Nam, không có người đến nhận.
4. Hàng hóa quá thời hạn khai hải quan
được cơ quan hải quan thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng nhưng không có người đến nhận.
5. Hàng hóa khác lưu giữ tại cửa khẩu
không có người nhận:
a) Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh
kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;
b) Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn,
ngoài lược khai.
Chương II
THEO
DÕI, THÔNG BÁO HÀNG TỒN ĐỌNG
Điều 4. Theo
dõi, phân loại hàng tồn đọng
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh
doanh kho, bãi:
a) Theo dõi, thống kê, phân loại hàng
tồn đọng theo Biểu mẫu 01/2011/TB-KB ban hành kèm Thông tư này.
b) Thông báo cho người nhận hàng hoặc
Hãng tàu/Đại lý hãng tàu/doanh nghiệp giao nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 5
Thông tư này.
c) Thông báo tình hình hàng tồn đọng cho
Chi cục hải quan quản lý (sau đây gọi tắt là Chi cục hải quan) định kỳ vào ngày
05 của tháng kế tiếp. Riêng đối với hàng hóa thuộc loại dễ bị hư hỏng, hàng
đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại, hàng sắp hết thời hạn sử dụng thì việc
thông báo được thực hiện trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày người nhận hàng có
văn bản thông báo việc từ bỏ hoặc kể từ ngày thứ 91 đối với hàng hóa lưu giữ
tại khu vực cửa khẩu quá 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu dỡ hàng.
d) Bố trí địa điểm kho, bãi đảm bảo
đáp ứng các điều kiện giám sát hải quan để lưu giữ, bảo quản hàng tồn đọng
trong thời gian chờ xử lý.
đ) Tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa bị
từ bỏ
2. Trách nhiệm của Hãng tàu/Đại lý
hãng tàu/doanh nghiệp giao nhận (sau đây gọi tắt là người vận chuyển):
Người vận chuyển có trách nhiệm thông
báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập về danh sách vận đơn quá 90 ngày kể từ
ngày hàng đến cửa khẩu nhập, chưa có người nhận theo Biểu mẫu 01/2011/TB-KB ban
hành kèm Thông tư này, kèm các chứng từ thông báo hàng đến cửa khẩu.
3. Trách nhiệm của Chi cục hải quan:
a) Phối hợp với doanh nghiệp kinh
doanh kho, bãi và người vận chuyển để tổng hợp, theo dõi, thống kê, phân loại và
tổ chức giám sát lượng hàng tồn đọng (theo Biểu mẫu số 02/2011/TH-HQ ban hành
kèm Thông tư này).
b) Làm thủ tục thông báo theo quy định
tại Điều 5 Thông tư này.
Điều 5. Thủ
tục thông báo
1. Đối với các lô hàng tồn đọng quy
định tại khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này:
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày
nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi về lô hàng tồn đọng
tại khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này, Chi cục hải quan quản lý đăng tải thông
tin 03 lần liên tiếp về lô hàng trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình
địa phương, Báo Hải quan, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, đồng thời niêm yết công
khai tại trụ sở Chi cục hải quan; Thời hạn thông báo để người đến nhận hàng là
180 ngày kể từ ngày thông báo.
Đối với hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng
đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại thì thời hạn thông báo để người đến nhận
hàng là 30 ngày và thông báo 02 lần liên tiếp.
2. Đối với hàng hóa không có người
nhận khác quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Thông tư này:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng
về đến cửa khẩu dỡ hàng, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thông báo cho người
nhận hàng/người vận chuyển đến nhận theo Biểu mẫu số 03/2011/TB-KB ban hành kèm
Thông tư này; số lần thông báo là 02 lần trong thời hạn 30 ngày.
3. Quá thời hạn thông báo quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều này, nếu không có người đến nhận hàng thì Chi cục hải
quan lập hồ sơ đề nghị xử lý theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư này.
4. Trong thời hạn thông báo, nếu chủ
hàng hóa đến nhận thì được làm thủ tục nhập khẩu và phải nộp tiền phạt do việc
làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn quy định theo quy định về xử lý vi
phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và các chi phí phát sinh do việc chậm nhận
hàng. Trường hợp việc đăng ký tờ khai được thực hiện tại Chi cục hải quan khác,
thì Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai phải có văn bản thông báo cho Chi cục
hải quan quản lý hàng tồn biết để theo dõi và làm các thủ tục tiếp theo.
5. Các trường hợp không phải thông
báo:
a) Hàng hóa nêu tại khoản 1 Điều 3 và điểm
b khoản 5 Điều 3 Thông tư này;
b) Cơ quan hải quan xác định được hàng
hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nhưng không phải là
buôn lậu, gian lận thương mại;
c) Trường hợp yêu cầu phải xử lý khẩn
cấp để kịp thời ngăn chặn hoặc giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra đối với hàng
hóa, người và tài sản trong khu vực cảng biển thì Chi cục hải quan phối hợp
doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi và người vận chuyển báo cáo Cục trưởng Cục hải
quan tiến hành xử lý theo quy định tại Thông tư này, không phải thông báo.
Chương III
TỊCH
THU VÀ LẬP HỒ SƠ XỬ LÝ HÀNG TỒN ĐỌNG
Điều 6. Tịch
thu và lập hồ sơ xử lý hàng tồn đọng
1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày hết
thời hạn thông báo (180 ngày hoặc 30 ngày) tại Điều 5 Thông tư này, Chi cục hải
quan nơi có hàng tồn đọng lập hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, liên
tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục hải quan) ra quyết định tịch thu.
Hồ sơ đề nghị gồm:
a) Văn bản đề nghị xử lý hàng tồn
đọng;
b) Bảng kê chi tiết về hàng hóa (tên
hàng, số lượng cont, trọng lượng, tên/ địa chỉ người gửi, người nhận, tên
phương tiện/ngày nhập cảnh, số/ngày vận đơn, nước xuất khẩu): 01 bản chính;
c) Công văn đề nghị đăng tải gửi Đài
truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình địa phương, Báo Hải quan, Báo Diễn đàn
doanh nghiệp về lô hàng hoặc thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cho
người nhận hàng/ người vận chuyển: 01 bản sao của từng lần thông báo;
d) Văn bản thông báo từ bỏ hàng hoá
hoặc chứng từ chứng minh việc từ bỏ hàng hóa của chủ hàng hoặc người vận chuyển
(nếu có): 01 bản chính.
2. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày
nhận được bộ hồ sơ đề nghị xử lý của Chi cục hải quan, Cục trưởng Cục hải quan
căn cứ quy định tại Điều 35 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07
tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, ra Quyết định
tịch thu số hàng tồn đọng (theo mẫu QĐ-34 - Quyết định tịch thu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính ban hành kèm Nghị định 97/2007/NĐ-CP) và gửi cho
các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện, đồng thời có văn bản đề nghị Sở
Tài chính thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, gửi kèm Bảng kê chi tiết hàng
tồn đọng.
Chương IV
XỬ
LÝ HÀNG TỒN ĐỌNG
Mục 1. Trình
tự xử lý hàng tồn đọng
Điều 7. Hội
đồng xử lý
1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày
nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng tồn của Cục hải quan, Giám đốc Sở Tài
chính tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng.
Thành phần Hội đồng xử lý gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Sở Tài
chính;
b) Phó chủ tịch Hội đồng: Giám đốc
doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi;
c) Các thành viên:
c.1. Đại diện Cục Hải quan (Phòng Tham
mưu chống buôn lậu và xử lý và Chi cục hải quan);
c.2. Đại diện hàng tàu/đại lý hãng tàu
(nếu cần thiết);
c.3. Đại diện cơ quan quản lý chuyên
ngành, như: Sở Tài nguyên môi trường, Chi cục kiểm dịch,.... (trường hợp việc
xử lý hàng tồn đọng có liên quan đến môi trường, kiểm dịch,...)
2. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch
Hội đồng có thể giao doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi (Phó chủ tịch Hội đồng)
tiến hành xử lý hàng tồn đọng theo hướng dẫn tại mục 1 Chương này, kết thúc xử
lý phải có báo cáo cụ thể kết quả với Hội đồng.
3. Hội đồng xử lý được sử dụng con dấu
của Sở Tài chính để thực hiện nhiệm vụ và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm
vụ.
4. Căn cứ vào tình hình thực tế hàng
hóa tồn đọng tại khu vực cửa khẩu do đơn vị quản lý, Giám đốc Sở Tài chính
tỉnh, thành phố có thể thành lập Hội đồng thường trực để xử lý hàng hoá tồn
đọng theo từng giai đoạn trong năm.
5. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ,
nếu thấy cần thiết, Hội đồng xử lý có thể thành lập các bộ phận chuyên môn giúp
việc cho Hội đồng (như: kiểm kê, phân loại hàng tồn, thư ký Hội đồng,...) hoặc thuê
tổ chức giám định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để
giám định chất lượng, làm cơ sở xây dựng phương án xử lý tài sản và xác định
giá trị tài sản.
Điều 8. Kiểm
kê, phân loại và ra quyết định xử lý hàng tồn đọng
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thành
lập (hoặc 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, đề nghị xử lý hàng tồn của Cục
hải quan đối với tỉnh, thành phố có Hội đồng thường trực), Hội đồng xử lý tiến
hành:
1. Mở niêm phong hàng hoá hoặc niêm
phong container (nếu có);
2. Kiểm tra, phân loại hàng tồn đọng;
3. Xác định giá trị hàng hóa tồn đọng;
4. Lập Biên bản chứng nhận;
5. Ra quyết định tiêu hủy hoặc bán
thanh lý (chia thành từng lô hoặc cả lô hàng);
6. Bàn giao hàng tồn đọng cho doanh
nghiệp kinh doanh kho, bãi quản lý, chờ xử lý.
Điều 9. Hình
thức xử lý
1. Xử lý tiêu huỷ đối với hàng hoá
không còn giá trị sử dụng (mục nát, đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất, quá hạn sử
dụng, không bảo đảm chất lượng sử dụng) hoặc thuộc diện cấm lưu hành theo quy
định của pháp luật Việt Nam.
2. Tổ chức bán thanh lý đối với hàng
hóa còn giá trị sử dụng.
a) Việc bán hàng tồn đọng được thực
hiện thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, hoặc
bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều
này.
b) Các trường hợp được phép bán trực
tiếp, không thông qua đấu giá:
b.1. Hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu,
khó bảo quản;
b.2. Hàng thực phẩm đã qua chế biến,
thuốc chữa bệnh mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày;
b.3. Các loại hàng hóa khác nếu không
xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, hết thời hạn sử dụng.
b.4. Hàng hoá theo kết quả định giá có
giá trị dưới 100 triệu đồng/lô hàng.
c) Trường hợp hàng hoá quy định tại khoản
2 Điều này thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện hoặc thuộc Danh mục
hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thì Hội đồng xử lý đề nghị cơ quan quản
lý chuyên ngành có văn bản cho phép nhập khẩu trước khi thực hiện bán hàng.
Điều 10. Thực
hiện quyết định xử lý
1. Đối với hàng hoá
phải tiêu huỷ:
a) Doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi
chủ trì thực hiện việc tiêu hủy hoặc thuê các tổ chức, đơn vị được cấp giấy
phép hành nghề tiêu hủy để thực hiện việc tiêu hủy trong thời hạn do Hội đồng
quy định. Việc tiêu huỷ phải được lập thành Biên bản tiêu huỷ và có sự giám sát
trực tiếp của Hội đồng xử lý.
Nội dung chủ yếu của Biên bản tiêu huỷ
gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần
tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm
tiêu huỷ; hình thức tiêu huỷ và các nội dung khác có liên quan.
b) Đối với loại hàng hoá mà việc tiêu
huỷ làm ảnh hưởng đến môi trường thì phải được sự chấp thuận và hướng dẫn của
cơ quan quản lý môi trường sở tại trước khi tổ chức tiêu huỷ.
2. Đối với hàng bán thanh lý:
a) Đối với hàng hoá
bán trực tiếp (không qua đấu giá):
Trên cơ sở giá trị
hàng hoá được xác định, Hội đồng xử lý giao doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi
bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua theo hình thức bán công khai
hoặc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài
sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) thực hiện việc bán hàng hoá tồn
đọng.
Việc bán hàng hoá phải được lập biên
bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ thực hiện bán; thời gian, địa điểm
bán; người bán; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm
bán; đơn giá bán, giá trị thanh toán; người mua và các nội dung khác có liên
quan.
b) Đối với hàng hoá
bán đấu giá:
b.1. Giá khởi điểm để
tổ chức bán đấu giá là giá do Hội đồng xử lý xác định trên cơ sở trị
giá hàng tồn đọng (đã có thuế) theo quy định tại điểm a khoản 2
Điều 36a Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ
về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6
năm 2007 của Chính phủ.
b.2. Hội đồng xử lý
giao doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi trực tiếp tổ chức bán đấu giá hoặc thuê
các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản
hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) thực hiện việc bán đấu giá đối với số
hàng hoá tồn đọng.
b.3. Trình tự, thủ
tục bán đấu giá hàng hoá tồn đọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về
bán đấu giá tài sản.
c) Kết thúc việc bán
hàng hóa quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh
kho, bãi báo cáo kết quả và đề nghị Hội đồng xử lý ra Quyết định bán hàng.
d) Người mua được
hàng hóa quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này có trách nhiệm thanh toán
tiền mua hàng cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, không phải làm thủ tục nhập
khẩu, không phải nộp các loại thuế và lệ phí nhập khẩu.
3. Khi bán hàng hoá
tồn đọng quy định tại khoản 2 Điều này, Hội đồng xử lý có trách nhiệm cung cấp
bộ chứng từ cho người mua, gồm:
a) Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung
công quỹ nhà nước theo mẫu số 01/TSSQ-3L.04 ban hành kèm theo Quyết định số
12/2004/QĐ-BTC ngày 09 tháng 01 năm 2004 của Bộ Tài chính: 01 bản chính;
b) Quyết định bán hàng tồn đọng: 01
bản chính;
c) Phiếu xuất kho của doanh nghiệp
kinh doanh kho, bãi: 01 bản chính;
d) Văn bản cho phép của cơ quan có
thẩm quyền đối với mặt hàng nhập khẩu có điều kiện (nếu có): 01 Bản sao;
Các bản sao phải được Chủ tịch Hội
đồng ký xác nhận và đóng dấu.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận đủ bộ chứng từ mua hàng, nếu người mua không đến nhận hàng hoặc không đưa
hàng hóa ra khỏi khu vực cửa khẩu, mà không có lý do chính đáng, thì Hội đồng
tổ chức xử lý lại lô hàng tồn đọng theo hướng dẫn tại Chương IV Thông tư này.
Mục 2. Quản
lý tài chính sau khi xử lý
Điều 11. Quản
lý tài chính sau khi xử lý
Toàn bộ tiền thu được từ việc bán hàng
tồn đọng được người mua thanh toán và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi chịu
trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 12 và 13 Thông tư này.
Điều 12. Nội
dung chi liên quan
1. Chi thuê các dịch vụ liên quan đến
xử lý hàng hoá tồn đọng bao gồm:
a) Kiểm kê, phân loại hàng hoá;
b) Giám định chất lượng, trị giá hàng
hóa;
c) Đăng tải thông tin trên các phương
tiện thông tin đại chúng;
d) In ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá,
phí bán đấu giá (trong trường hợp thuê các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp
thực hiện).
2. Chi phí cho các dịch vụ kho bãi,
gồm:
a) Phí lưu kho, bãi (lưu hàng hóa và
lưu container - nếu có) tính từ ngày Cục trưởng Cục hải quan ra Quyết định tịch
thu;
b) Chi phí nâng hạ, bốc xếp trong quá
trình bán hàng;
c) Chi phí giao nhận và bảo quản hàng
hóa trong quá trình bán hàng.
Chi phí cho các dịch vụ kho bãi chỉ
được áp dụng đối với hàng hóa còn giá trị sử dụng và được Hội đồng xử lý bán
thanh lý.
3. Chi bồi dưỡng cho các thành viên
của Hội đồng trong quá trình bán hàng tồn đọng (kiểm kê, phân loại, giám định,
định giá, lập phương án, tổ chức bán hàng) thực hiện theo chế độ công tác phí
do Bộ Tài chính quy định. Ngày thanh toán là số ngày thực tế các thành viên
thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.
4. Chi phí tổ chức tiêu hủy.
Điều 13.
Quyết toán tài chính
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày
kết thúc việc xử lý (ngày hoàn thành việc tiêu hủy hoặc ngày ra quyết định bán
hàng), doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tổng hợp các khoản chi, kèm hồ sơ,
chứng từ có liên quan, báo cáo Hội đồng xử lý phê duyệt. Việc chi trả được thực
hiện đúng theo thứ tự ưu tiên tuần tự từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 12 Thông tư
này. Nếu lô hàng có một phần hàng bán thanh lý, một phần phải xử lý tiêu hủy
thì chi phi tổ chức tiêu hủy được ưu tiên thanh toán trước.
Trường hợp chưa có nguồn kinh phí để
thực hiện chi trả, thì doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi ứng trước kinh phí để
thực hiện chi trả.
2. Số tiền thu được từ việc bán hàng
hoá tồn đọng, sau khi đã trừ đi các chi phí quy định tại Điều 12, doanh nghiệp
kinh doanh kho, bãi có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của
pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày kết thúc việc chi trả. Nếu doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi có hành vi
chậm nộp khoản tiền này so với thời hạn quy định thì sẽ bị xử phạt 0,05% mỗi
ngày tính trên số tiền chậm nộp. Việc xử phạt do Chủ tịch Hội đồng xử lý ra
quyết định.
3. Trong trường hợp tiền thu được từ
việc xử lý hàng không đủ bù chi thì doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi được bù
trừ khi xử lý lô hàng kế tiếp, nếu tiếp tục không đủ bù chi thì được chuyển
sang năm sau.
Chương V
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Báo
cáo hàng tồn đọng
Căn cứ thông báo hàng tồn đọng quá 90
ngày của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi kết quả công tác giám sát hải quan, định
kỳ vào ngày 15 tháng đầu của Quý, Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm
tổng hợp, rà soát, thống kê số lượng các lô hàng tồn đọng và kết quả xử lý hàng
tồn đọng trong Quý (theo Biểu mẫu số 04/2011/BC-HQ ban hành kèm Thông tư này) gửi
về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan).
Điều 15. Lưu trữ hồ sơ xử lý hàng tồn đọng
Hồ
sơ xử lý hàng tồn đọng bao gồm: Hồ sơ đề nghị xử lý của Chi cục hải quan, Cục
Hải quan tỉnh và hồ sơ xử lý của Hội đồng xử lý phải được lưu trữ theo quy định
đối với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày
kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 05/2003/TT-BTC ngày 13 tháng 01 năm 2003
của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển Việt Nam.
2. Đối với các lô hàng tồn đọng phát
sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nhưng chưa được xử lý, thì trình tự
xử lý thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc phát sinh đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính
để xem xét hướng dẫn giải quyết.
Nơi nhận:
-
VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Quốc Hội, VP Chủ tịch nước, VPCP;
- Viện kiểm sát NDTC, Toà án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Website Bộ Tài chính;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Website Tổng cục Hải quan;
-
Lưu: VT, TCHQ.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG
Đỗ Hoàng
Anh Tuấn
|