CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 44-CT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 1 năm 1985
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA, CẢI TẠO THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
I. Thực hiện Nghị quyết số 188-HĐBT ngày 23-11-1982 của Hội đồng
Bộ trưởng về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường,
Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 127-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng
Bộ trưởng về tiếp tục cải tạo công thương nghiệp tư doanh, và nhất là Nghị quyết
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá V), công tác cải tạo thương
nghiệp tư doanh, quản lý thị trường được đẩy lên một bước, đặc biệt là trên các
địa bàn trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần
Thơ, Quảng Nam - Đà Nẵng...
Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa,
nhất là thương nghiệp quốc doanh, được tăng cường một bước về lực lượng hàng
hoá, về tổ chức mạng lưới, về chiếm lĩnh bán buôn và bán lẻ, đã phục vụ sản xuất
và đời sống có mặt tốt hơn trước. Một số ngành hàng quan trọng như lương thực,
thịt lợn, thịt trâu, bò, thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu, vải và hàng may sẵn, xe
đạp và phụ tùng... ở nhiều địa phương đang được sắp xếp và tổ chức lại từ khâu
sản xuất đến khâu phân phối, lưu thông. Đã loại trừ được một số tư sản thương
nghiệp, sắp xếp, sử dụng, cải tạo một bộ phận tư thương, gắn liền với việc xây
dựng, củng cố các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiêu thụ ở phường, xã. Nhiều
mô hình tiên tiến đã được xây dựng và đang được nhân rộng.
Cuộc đấu tranh chống đầu cơ,
buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu xuất nhập khẩu biên giới, chống ăn cắp vật tư,
hàng hoá của Nhà nước, chống các hành vi tiêu cực trong kinh tế quốc doanh và tập
thể, chống làm hàng giả và kinh doanh trái phép, chống thất thu thuế... được
các ngành địa phương chú trọng hơn trước.
Sau một thời gian dài buông lơi
cải tạo và buông lỏng quản lý thị trường, những chuyển biến trên đây có ý nghĩa
rất quan trọng, chứng minh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải tạo
công thương nghiệp tư doanh là đúng đắn và đang tạo thêm điều kiện thuận lợi
cho phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thị trường, giá cả. Nhưng đó mới là
bước đầu chưa đồng đều và chưa đủ vững chắc.
Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa
còn nhiều mặt yếu kém. Ở nhiều nơi, tổ chức và mạng lưới phát triển chậm (kể cả
quốc doanh, hợp tác xã mua bán và các hình thức uỷ thác mua, đại lý bán, hợp
tác kinh doanh...); cơ sở vật chất và kỹ thuật còn nghèo nàn; việc chuyển từ chế
độ hành chính bao cấp sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa , đấu tranh đẩy lùi và
thu hẹp thị trường tự do còn chậm. Trong nhiều ngành hàng và ở một số địa bàn,
kể cả địa bàn trọng điểm, tư thương còn chi phối phần lớn bán buôn và bán lẻ.
Nhiều mặt hàng vật tư chiến lược thuộc Nhà nước độc quyền kinh doanh vẫn đang bị
mua đi bán lại trên thị trường. Những hoạt động đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp hàng
hoá của Nhà nước, làm hàng giả... chưa ngăn chặn được triệt để, Nhà nước chưa
khống chế được giá cả thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống,
nhất là đời sống của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và các lực lượng vũ
trang. Kẻ địch lợi dụng tình hình này để tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại
ta.
II.
Căn cứ vào các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Hội
đồng Bộ trưởng, các ngành trung ương và các tỉnh, thành phố, ngay từ đầu năm
1985, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh, quản
lý thị trường, gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, lần
thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương để đến hết năm 1985 hoàn thành về cơ bản cải
tạo công thương nghiệp tư doanh. Các ngành, các cấp cần tiếp tục coi đây là một
công tác trọng tâm, tập trung đúng mức sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với công tác
này; không được do dự, chần chừ; không được khoán trắng cho địa phương, cho cấp
dưới.
Yêu cầu cơ bản là trên cơ sở phục
vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển, nắm chắc các nguồn hàng công nghiệp và nông
sản mà mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa để đến hết năm 1985, thị trường có tổ
chức chiếm lĩnh được 80-90% bán buôn và 70-80% bán lẻ. Xoá bỏ tư sản thương
nghiệp, đồng thời sắp xếp, sử dụng và cải tạo những người buôn bán, nhất là
trong các ngành hàng quan trọng và trên các địa bàn trọng điểm. Kiên quyết làm
xong trong năm 1985, việc Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán
các mặt hàng lương thực, vật tư chiến lược và hàng công nghiệp tiêu dùng thiết
yếu được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 111-HĐBT ngày
25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Loại trừ "chợ đen". Nghiêm trị bọn
đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, nhất là buôn lâu xuất nhập khẩu qua biên giới.
Để đạt được yêu cầu trên, các
ngành, các cấp cần làm tốt những công tác chính sau đây:
1. Kiên quyết trừng trị bọn ăn cắp,
bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn lưu manh trong thương nghiệp, bọn làm hàng giả. Bộ Nội
vụ và các ngành có liên quan cần tổ chức điều tra, phát hiện và đánh trúng những
ổ buôn lậu, những phần tử nguy hiểm, những tên đầu sỏ. Kết hợp việc đấu tranh
chống đầu cơ, buôn lậu với việc đấu tranh chống địch phá hoại và đấu tranh chống
bọn đồng loã với chúng trong các cơ quan xí nghiệp.
2. Phấn đấu trong năm 1985 hoàn
thành về cơ bản trong cả nước việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương
nghiệp tư doanh và nông nghiệp cá thể gắn liền với việc Nhà nước độc quyền kinh
doanh các ngành hàng lương thực, thịt lợn và thịt trâu, bò, thuốc lá, rượu,
bia, xăng dầu, vải, xe đạp và phụ tùng xe đạp, thuốc chữa bệnh... Ở các đô thị,
nhất là các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung, còn phải làm tốt đối với
các ngành rau quả, cá, nước mắm, chất đốt, ăn uống công cộng và dịch vụ.
Trong từng ngành hàng, phải xoá
bỏ kinh doanh tư bản chủ nghĩa (chủ chành, chủ vựa, tư thương bán buôn, buôn
chuyến đường dài); thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải nhanh chóng vươn lên
thay thế họ, làm tốt hơn họ và thông qua các hình thức quá độ thích hợp như hợp
tác kinh doanh, uỷ thác mua... mà cải tạo, sử dụng họ. Mặt khác, phải sắp xếp,
sử dụng và cải tạo những người buôn bán nhỏ, tìm công ăn việc làm cho họ bằng
cách mở mang kinh doanh các nghề thủ công nghiệp, dịch vụ, chế biến, làm hàng
xuất khẩu, phát triển kinh tế gia đình... Thị trường xã hội chủ nghĩa vươn lên
đến đâu thì thu hẹp thị trường tự do đến đấy.
Đối với những người buôn bán nhỏ
còn được phép kinh doanh thì các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cần phải tăng
cường quản lý trên các mặt hàng đăng ký kinh doanh, giá cả, thuế.v.v...
3. Thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa phải phát triển nhanh chóng hơn nữa về mọi mặt, phải tăng cường tính năng
động trong kinh doanh, xoá bỏ hành chính bao cấp; chuyển hẳn sang phương thức
kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh thu mua nắm nguồn hàng, mở rộng kinh
doanh trên ba lĩnh vực thương nghiệp, ăn uống, và dịch vụ. Chỉ trên cơ sở phát
triển mạnh thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán về mọi mặt mới làm tốt
được công tác cải tạo thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường.
Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa
phải bám sát các cơ sở sản xuất để phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trên cơ sở đó mà nắm chắc nguồn hàng, nhất là nắm nguồn hàng công nghiệp (do
các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các hợp tác xã, các tổ hợp tác và
cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất) để có điều kiện tăng cường quan hệ liên
minh kinh tế trực tiếp giữa Nhà nước với nông dân. Các tổ chức thương nghiệp
bán buôn, đặt biệt là các công ty trung ương, phải được nhanh chóng kiện toàn để
đảm nhiệm tốt việc điều phối hàng hoá trong phạm vi cả nước và trên những khu vực
rộng lớn.
Hết sức chú ý củng cố và nâng
cao chất lượng của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa về mọi mặt cơ sở vật chất kỹ
thuật; chất lượng phục vụ; chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên...; kiên quyết
đấu tranh ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hệ thống thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa. Loại bỏ ngay số cán bộ, nhân viên thoái hoá, biến chất, móc ngoặc với tư
thương.
Đối với các chợ cần có quy hoạch
chợ trong phạm vi tỉnh, thành phố, quận, huyện, bảo đảm trật tự, vệ sinh, mỹ
quan đô thị. Cần tu bổ hoặc xây dựng mới, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật
cho các chợ, đưa mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa vào chợ.
Xoá bỏ ngay các tụ điểm chợ trời
đang còn hoạt động ở nhiều nơi.
III.
Để làm tốt các mặt công tác trên đây, cần tăng cường
công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
1. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung
và hướng dẫn thực hiện một số chính sách cụ thể:
- Bộ Nội thương nghiên cứu hướng
dẫn việc xác định tư sản thương nghiệp và phương pháp xoá bỏ tư sản thương nghiệp
trong các ngành hàng; hướng dẫn việc thực hiện chính sách đối với người Hoa
kinh doanh thương nghiệp theo chủ trương đã đề ra trong nghị quyết 14 của Bộ
Chính trị, nghiên cứu và hướng dẫn các hình thức cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
thương nghiệp tư doanh.
- Bộ Tài chính nghiên cứu bổ
sung một số điểm cụ thể về thuế công thương nghiệp cho phù hợp với tình hình mới,
nhất là chính sách thuế đối với các tổ chức liên doanh, hợp tác kinh doanh giữa
Nhà nước với tư nhân; nghiên cứu hướng dẫn việc tính giá đối với các tài sản và
phương tiện kinh doanh của tư nhân đưa vào các tổ chức liên doanh, hợp tác kinh
doanh.
Những điểm bổ sung, sửa đổi về
chính sách cần được nghiên cứu và trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét
trong quý I năm 1985.
- Đối với cán bộ, đảng viên đang
tham gia buôn bán, cần phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy định ngày 16-1-1984 của
Ban bí thư Trung ương Đảng: "Cấm cán bộ, đảng viên không được bóc lột,
tham ô, lợi dụng móc ngoặc, ăn hối lộ dưới bất cứ hình thức nào. Cấm không được
làm ăn phi pháp, buôn gian, bán lậu... Phải đấu tranh kiên quyết với những việc
làm sai trái và những hiện tượng tiêu cực của cán bộ, đảng viên... Các cán bộ,
đảng viên phải giáo dục gia đình gương mẫu chấp hành chính sách và luật pháp của
Nhà nước... Cán bộ, đảng viên khi ra nước ngoài phải chấp hành đúng quy định của
Đảng và Nhà nước. Cấm không được buôn bán, hoặc đem theo vàng, ngoại tệ, hàng
hoá trái phép...".
- Đối với gia đình công nhân,
viên chức Nhà nước vì đời sống khó khăn trước mắt, phải ra buôn bán kiếm thêm,
một mặt cần giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mặt khác phải
giúp anh chị em tìm kiếm công ăn việc làm, làm thêm kinh tế gia đình, hoặc sử dụng
một số làm đại lý bán lẻ hàng hoá cho thương nghiệp quốc doanh hoặc lựa chọn một
số đưa vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
2. Về chỉ đạo thực hiện:
a) Cần tổ chức tốt việc phổ biến
kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiên tiến, các hình thức cải tạo thích hợp
đã được kiểm nghiệm, xác nhận.
b) Cải tạo thương nghiệp tư
doanh và quản lý thị trường phải làm theo từng ngành hàng. Trong mỗi ngành hàng
phải kết hợp chặt chẽ cả ba mặt xây dựng, cải tạo và quản lý, lấy xây dựng làm
chính.
Phải tiến hành điều tra cơ bản,
nắm chắc tình hình mọi mặt của từng ngành hàng mà định phương án xây dựng và cải
tạo.
Trách nhiệm của các ngành Trung
ương là phải hướng dẫn các địa phương tiến hành xây dựng và cải tạo nghành hàng
thuộc phạm vi phụ trách của mình kể từ sắp xếp sản xuất đến lưu thông, tiêu
dùng.
c) Phải tập trung chỉ đạo điểm,
tiến hành trước một bước ở các địa bàn trọng điểm; khi đã có kết quả và kinh
nghiệm thì phải mở rộng ngay ra cả địa bàn. Trong quá trình cải tạo và quản lý
thị trường, có nhiều vấn đề cụ thể, phức tạp phải có chủ trương ứng phó kịp thời,
phải phối hợp, kết hợp lực lượng của nhiều ngành, nhiều biện pháp (nắm hàng, nắm
tiền, phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, quản lý giá, thuế chống đầu
cơ, buôn lậu...); vì vậy cơ quan chỉ đạo phải nắm sát tình hình, hội ý, hội báo
thường kỳ như trong một chiến dịch.
d) Phải huy động lực lượng của
các ngành (thương nghiệp, thuế, cảnh sát kinh tế, vv...) và các đoàn thể có
liên quan nhất là đoàn thể phụ nữ, phối hợp đồng bộ các lực lượng này nhằm vào
những mục tiêu cụ thể, trong từng thời gian.
e) Hợp nhất Ban Cải tạo công
thương nghiệp tư doanh và Ban Chỉ đạo quản lý thị trường ở cấp tỉnh, thành phố
và quận, huyện thành Ban Cải tạo và quản lý thị trường.
Nhận được Chỉ thị này, các ngành
ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần khẩn trương có kế hoạch
cụ thể để thi hành, bảo đảm trong năm 1985 hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo
công thương nghiệp tư doanh và làm chủ thị trường.