THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Trong thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Luật
Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả
cụ thể như: pháp luật về đấu giá tài sản ngày càng hoàn thiện đảm bảo tính
thống nhất trong hoạt động đấu giá, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo,
mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được
chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, được xã hội hóa một cách mạnh mẽ với các tổ
chức đấu giá tài sản phát triển rộng khắp trên cả nước đáp ứng yêu cầu xử lý
tài sản của tổ chức, cá nhân; các loại tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, đa
dạng với nhiều loại tài sản mới bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như kho số
viễn thông, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện... Qua đó nâng cao
tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài
sản công; giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đóng góp
vào việc thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hiệu
lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng
bước được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt
động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém
như: việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với
giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn
trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá; việc giám
sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu
hiện buông lỏng; chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế;
xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng
đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.
Tình trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân
khác nhau như: một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi Luật Đấu
giá tài sản có hiệu lực chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời nên còn có chồng
chéo, mâu thuẫn; việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt
động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; một số cơ quan, người có tài sản đấu giá
còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức đấu
giá tài sản; tình trạng thông đồng, dìm giá, dàn xếp kết quả, cò mồi, đe dọa,
cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, phức tạp, khó phát hiện; công tác thanh tra, kiểm
tra còn chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe cao.
Để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những hạn chế,
yếu kém nêu trên, đồng thời, để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Đấu giá tài
sản năm 2016, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá
tài sản và hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu giá tài sản, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức
thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau đây:
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan đến đấu giá tài sản và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ
những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất
về trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; nghiên
cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành quy định các loại tài sản phải bán thông
qua hình thức đấu giá; việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá
đảm bảo sát với giá thị trường;
b) Tăng cường chỉ đạo người có tài sản bán đấu giá
trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài
sản, giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, giao tài sản cho
người trúng đấu giá, hủy hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá
theo đúng quy định của pháp luật;
c) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc
chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản
trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu
giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá; xử lý nghiêm theo quy định đối với
các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý tài sản, cán bộ, công chức, viên
chức có hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài
sản và thẩm định giá;
d) Quán triệt, chỉ đạo người có tài sản lựa chọn
hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với từng cuộc đấu giá; tổ chức thực hiện
thí điểm việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với một số loại tài
sản công do bộ, ban, ngành ở trung ương quản lý và tài sản là quyền sử dụng đất
để giao đất, cho thuê đất hoặc tài sản thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với quyền
sử dụng đất có giá trị lớn.
2. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp
tục rà soát pháp luật về xác định giá để làm giá khởi điểm đối với tài sản đấu
giá là tài sản công; trường hợp cần thiết thì ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp
luật về vấn đề này, bảo đảm giá khởi điểm tài sản đấu giá sát với giá thị
trường;
b) Tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy
trình, quy chuẩn tổ chức định giá của các tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá,
việc xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá là tài sản công gắn liền với quyền
sử dụng đất thuộc thẩm quyền; trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt giá
khởi điểm của tài sản đấu giá.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương
nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về việc xác định giá để làm giá khởi điểm đấu
giá quyền sử dụng đất, đảm bảo giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp
tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp trong việc
thực hiện quy trình, quy chuẩn tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản
đấu giá là quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất thuộc thẩm quyền theo
đúng quy định của pháp luật.
4. Bộ Công an:
a) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phát
hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm
pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; phát hiện, đấu tranh với các
tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc
đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen (đe dọa, khống chế, hành hung người
tham gia đấu giá...);
b) Chỉ đạo Công an địa phương triển khai các biện
pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự các cuộc đấu giá nhất là các cuộc đấu giá
tài sản công có giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
5. Bộ Tư pháp:
a) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đấu
giá tài sản bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá công khai, minh bạch, khách quan;
nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức
đấu giá tài sản; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của
tổ chức đấu giá tài sản; xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn đấu giá viên và đạo
đức nghề nghiệp của đấu giá viên;
b) Tiếp tục triển khai Luật Đấu giá tài sản và các
văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo việc thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật
thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản với
các hình thức phù hợp với yêu cầu, điều kiện, tình hình thực tiễn; nâng cao
nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản;
c) Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy
tắc đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ đấu giá viên; tăng cường năng lực tổ chức,
hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản;
d) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn, đánh
giá, đảm bảo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công khai, khách quan, minh
bạch; vận hành và sử dụng ổn định Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá
tài sản tạo cơ sở thống nhất cho việc đăng thông tin đấu giá tài sản trên phạm
vi cả nước; tuyên truyền rộng rãi hình thức đấu giá trực tuyến;
đ) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà
nước về đấu giá tài sản, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra các tổ
chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo
đức nghề nghiệp của đội ngũ đấu giá viên; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ
chức có liên quan.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương:
a) Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản với
các hình thức phù hợp với yêu cầu điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương;
b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý
nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương, trong đó chú trọng công tác thanh
tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân
theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên tại địa phương; kịp thời
chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu
giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan;
c) Đề nghị, phối hợp với cơ quan công an thực hiện
các biện pháp hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá tài sản tại
địa phương theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường thực hiện các
biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thông qua
các chuyên án, nhất là các băng nhóm tội phạm, thông đồng, dìm giá trong các
cuộc đấu giá tài sản;
d) Chỉ đạo người có tài sản thuộc thẩm quyền quản
lý phối hợp, thông tin cho Sở Tư pháp các vụ việc đấu giá tại địa phương nhất
là các vụ việc đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở ở tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương khác thực hiện tại địa phương để theo dõi, kiểm tra,
thanh tra, xử lý vi phạm (nếu có); tăng cường các đoàn theo dõi, giám sát trực
tiếp việc tổ chức đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản, nhất là việc
đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất;
đ) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo
đức nghề nghiệp đối với đội ngũ đấu giá viên, chất lượng hoạt động của các tổ
chức đấu giá tài sản tại địa phương, trong đó chú trọng việc đổi mới hệ thống
tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch
vụ đấu giá tài sản của tỉnh.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm
tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương báo cáo kết quả thực hiện của địa phương theo
định kỳ về Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và
cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về
tình hình thực hiện Chỉ thị./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VL, PL (2).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|