CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 293-CT
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 11 năm 1982
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO VAI TRÒ HỢP ĐỒNG KINH TẾ TRONG VIỆC XÂY DỰNG
VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH, PHÁT HUY HIỆU LỰC CÔNG TÁC TRỌNG TÀI NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ
TRONG QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ BẢO VỆ PHÁP CHẾ CỦA NHÀ NƯỚC
Chế độ hợp đồng kinh tế được ban
hành từ năm 1960 cho đến nay đã được từng bước cải tiến và mở rộng phù hợp với
yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế; công tác trọng tài Nhà nước về kinh tế
cũng được phát triển cùng với chế độ hợp đồng kinh tế.
Nhìn chung, công tác hợp đồng
kinh tế đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch
Nhà nước, tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế, bảo vệ quyền tài sản
và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sản xuất kinh doanh, xây dựng mối quan hệ
bình đẳng giữa các đơn vị kinh tế, đề cao kỷ luật quản lý và pháp luật Nhà nước.
Tuy vậy trong công tác hợp đồng
kinh tế còn có những thiếu sót:
- Việc ký kết hợp đồng kinh tế
còn quá chậm trễ. Tiến độ ký kết các hợp đồng không phù hợp với tiến độ chuẩn bị,
xây dựng kế hoạch, làm cho kế hoạch không xuất phát được từ đơn vị cơ sở nên
thiếu hiện thực, không bảo đảm tính cân đối.
- Nội dung các bản hợp đồng kinh
tế đã ký kết thường không quán triệt đầy đủ các quy định của Nhà nước, không thể
hiện đúng chỉ tiêu pháp lệnh; quy cách, chất lượng hàng hoá không được ghi vào
hợp đồng hoặc ghi không cụ thể; giá cả vận dụng không đúng hoặc không tính toán
chính xác, các điều kiện về giao nhận, vận chuyển, thanh toán ghi không rõ ràng
hoặc không theo đúng các quy định hiện hành.
Công tác trọng tài kinh tế, xét
xử các vụ vi phạm hợp đồng còn bị xem nhẹ, chưa phát huy hiệu lực đầy đủ đối với
việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch và chấp hành luật pháp kinh tế.
Sở dĩ có tình trạng nói trên là
do những người có trách nhiệm quản lý kinh tế ở các đơn vị cơ sở cũng như ở các
cơ quan quản lý thuộc các ngành, các địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa
và tác dụng của chế độ hợp đồng kinh tế trong công tác quản lý, nên chưa biết sử
dụng chế độ hợp đồng kinh tế như một công cụ quan trọng để quản lý và chỉ đạo sản
xuất, kinh doanh. Bộ máy của hệ thống trọng tài kinh tế Nhà nước ở các cấp chưa
được tăng cường đúng mức.
Thi hành nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng: "Nâng cao vai trò của các hợp đồng kinh
tế trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, tăng cường trách nhiệm của các
đơn vị kinh tế và người quản lý đối với các hợp đồng đã ký, phát huy hiệu lực của
công tác trọng tài Nhà nước về kinh tế", và nhằm khắc phục những mặt yếu
nói trên, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị:
1. Từ nay mọi
hoạt động và quan hệ về kinh tế giữa các đơn vị kinh tế đều phải thông qua ký kết
hợp đồng kinh tế.
a) Các đơn vị kinh tế (xí nghiệp,
liên hiệp xí nghiệp, công ty, tổng công ty...) ngay sau khi nhận được số kiểm
tra, chỉ tiêu kế hoạch của năm 1983 và của những năm 1983-1985 đều phải tiếp
xúc với các đơn vị tương ứng để ký kết các hợp đồng kinh tế. Sau khi kế hoạch
hàng năm được giao chính thức, phải cùng nhau bàn bạc, điều chỉnh kịp thời các
hợp đồng đã ký hoặc ký các hợp đồng bổ sung.
b) Khi ký các hợp đồng kinh tế
phải theo đúng quy định về thời hạn, nội dung, thủ tục ghi trong bản điều lệ về
chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của
Hội đồng Chính phủ.
c) Phải lấy hợp đồng kinh tế làm
căn cứ để xây dựng kế hoạch, xét duyệt kế hoạch, và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
2. Bộ trưởng
các Bộ, thủ trưởng các ngành có hoạt động kinh tế, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan quản
lý kinh tế cấp trên, các cơ quan quản lý tổng hợp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng
dẫn và kiểm tra các cơ quan thuộc quyền ký kết hợp đồng kinh tế, cụ thể là:
a) Phải giao nhiệm vụ, số kiểm
tra và chỉ tiêu của kế hoạch cho cấp dưới kịp thời, đồng bộ, đúng tiến độ quy định.
b) Đối với các chỉ tiêu kế hoạch
Nhà nước có liên quan giữa ngành này với ngành khác thì thủ trưởng ngành ở
trung ương và tỉnh, thành phố phải bàn bạc thống nhất để ra văn bản hướng dẫn
cho cấp dưới, quy định cụ thể các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, giá cả, thời
hạn, điều kiện giao nhận và thanh toán, v.v...
c) Giải quyết kịp thời các trở
ngại nảy sinh trong khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế mà cấp dưới không
tự giải quyết được.
d) Lấy hợp đồng kinh tế làm căn
cứ để xét duyệt hoàn thành kế hoạch của cơ sở. Đối với những đơn vị vi phạm hợp
đồng kinh tế hoặc không hoàn thành đúng hợp đồng đã ký thì nhất thiết không công
nhận hoàn thành kế hoạch.
3. Các tổ chức
trọng tài Nhà nước về kinh tế có trách nhiệm:
a) Tăng cường thanh tra việc chấp
hành chế độ hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế, giải quyết kịp thời và đúng
đắn các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế; xử phạt nghiêm minh các vi phạm chế
độ hợp đồng kinh tế.
áP dụng các biện pháp buộc sửa
chữa những thiếu sót, buộc bồi thường những thiệt hại, xử phạt các đơn vị vi phạm
chế độ hợp đồng kinh tế, kiến nghị thi hành kỷ luật hành chính, phạt trừ vào tiền
lương, tiền thưởng, chuyển đến toà án nhân dân để truy cứu trách nhiệm đối với
những hành vi sai trái của người quản lý, góp phần vào việc đề cao kỷ luật kế
hoạch, kỷ luật hợp đồng, kỷ luật tài chính và pháp luật của Nhà nước.
b) Phát hiện những thiếu sót của
các cơ quan quản lý cấp trên, kiến nghị hoặc cùng các cơ quan quản lý cấp trên,
kiến nghị hoặc cùng các cơ quan quản lý cấp trên bàn để khắc phục những thiếu
sót đó, nhằm từng bước góp phần vào việc củng cố, xây dựng mối quan hệ giữa cấp
trên và cấp dưới.
Để phát huy hiệu lực của công
tác trọng tài kinh tế Nhà nước trong quản lý kinh tế, các bộ trưởng, chủ nhiệm
Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương phải tăng
cường tổ chức trọng tài Nhà nước về kinh tế theo đúng nghị định số 24-HĐBT ngày
10-8-1981; phát huy vai trò của các cơ quan trọng tài kinh tế các cấp trong việc
quản lý kinh tế, bảo vệ pháp chế của Nhà nước; tạo mọi điều kiện về vật chất và
kỹ thuật để cơ quan trọng tài Nhà nước về kinh tế ở ngành mình, địa phương mình
thực hiện đúng chức năng đã được Nhà nước quy định. Chấn chỉnh tổ chức và sắp xếp
cán bộ chuyên trách công tác hợp đồng kinh tế ở các cơ quan quản lý kinh tế, ở
các đơn vị kinh tế, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho số cán bộ này về công
tác hợp đồng kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu
cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố và đặc khu có biện pháp chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thực hiện tốt chỉ
thị này, trước hết là vận dụng vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1982, đổi
mới thực sự việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1983 và 3 năm 1983 - 1985.
Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà
nước có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ các ngành, các cấp thực hiện chỉ thị này,
hàng quý báo cáo kết quả với Hội đồng bộ trưởng.