ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
21/CT-UBND
|
Sơn
La, ngày 04 tháng 6 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM CHỦ
LỰC CỦA TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Trong những năm qua, công tác quản lý
và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã cấp Văn bằng bảo hộ được các cấp, các ngành đặc
biệt quan tâm; việc thực hiện triển khai quản lý và phát triển thương hiệu các
sản phẩm chủ lực của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, đáp ứng nhu cầu của
các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trong việc sử dụng nhãn hiệu (thương hiệu)
phục vụ cho sản xuất, kinh doanh các sản phẩm; tính đến hết năm 2020, đã có 21 sản phẩm chủ lực của tỉnh được cấp
Văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn
hiệu tập thể tạo nhiều cơ hội cho các Doanh nghiệp, HTX quảng bá sản phẩm đến
người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước;
trong đó có 02 sản phẩm đăng ký bảo hộ tại nước ngoài: Sản phẩm chè Shan tuyết
Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017 (đây là sản phẩm nông
sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài);
theo cam kết tại hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020, sản phẩm chè Shan
Tuyết và sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường Châu Âu
Tuy nhiên, công tác quản lý; duy trì
và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh vẫn còn một số hạn chế
nhất định như: Một số doanh nghiệp, HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu được bảo
hộ nhưng chưa in, gắn nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm; quy trình sản xuất sản phẩm
chưa đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của các
cơ quan chuyên môn về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm ảnh hưởng đến
danh tiếng của sản phẩm cũng như uy tín của người sản xuất. Chưa có sự kết nối,
phối hợp chặt chẽ về công tác quản
lý sản phẩm có thương hiệu giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố với
các doanh nghiệp, HTX, việc phát triển thương hiệu sản phẩm còn có hạn chế.
Để tăng cường công tác quản lý, duy
trì và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân
liên quan triển khai một số nội dung như sau:
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hội
thảo các nội dung có liên quan đến việc quản lý và phát triển thương hiệu sản
phẩm chủ lực của tỉnh để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và thực hiện đầy
đủ các quy định về quản lý, sử dụng, duy trì và phát triển nhãn hiệu đã được bảo
hộ.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành
phố hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ trên bao
bì sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện.
- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được cấp Văn bằng
bảo hộ và các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu.
- Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu
trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng
dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng
sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
về nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm tạo khả năng cạnh tranh các sản
phẩm chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ nhãn hiệu.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu đối với các tổ chức, cá nhân được cấp
quyền sử dụng nhãn hiệu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các
hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của sản phẩm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các
doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng
các quy trình sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất hữu cơ
đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều,
từ đó đảm bảo các tiêu chí của một thương hiệu được bảo hộ.
- Tăng cường, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy trình kỹ thuật về sản xuất nhằm đảm bảo
chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung cao cho các sản phẩm đã được Văn bằng bảo
hộ.
- Lồng ghép các chương trình, dự án để
xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
nghiên cứu xây dựng các chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm,
quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó ưu tiên các sản phẩm
chủ lực đã có thương hiệu của tỉnh.
3. Sở Công Thương
- Tổ chức các hội nghị, hội chợ, hoạt
động giao thương, kết nối cung - cầu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm nông sản,
thực phẩm đã được cấp Văn bằng bảo hộ.
- Hỗ trợ các các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được cấp Văn bằng
bảo hộ tham gia các hội chợ, triển lãm, giao thương, đưa hàng vào các hệ thống
phân phối trong và ngoài nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư
vào vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức hội chợ, triển
lãm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao có thương hiệu của tỉnh.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Xây dựng các tuyến du lịch sinh thái,
du lịch canh nông, trải nghiệm gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thương
hiệu của tỉnh; quảng bá thương hiệu sản phẩm vào các dịp tổ chức lễ hội của tỉnh.
6. Đài Phát thanh Truyền hình và
Báo Sơn La
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến các quy định về bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm;
tuyên truyền phổ biến các mô hình quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu sản
phẩm điển hình trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các phóng sự tuyên truyền,
quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản có thương hiệu của tỉnh; các quy trình sản
xuất sản phẩm an toàn; hệ thống nhận diện các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh.
7. Cục Quản lý Thị trường tỉnh
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý
nghiêm các hành vi xâm phạm quyền đối với các sản phẩm có thương hiệu trên địa
bàn tỉnh.
8. Các tổ chức chính trị, xã hội,
đoàn thể
Đề nghị các tổ chức chính trị, xã hội,
đoàn thể, các hội ngành nghề vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia
tuyên truyền thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý nhà nước đối với
các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao
chất lượng, danh tiếng, giá trị sản phẩm có thương hiệu của tỉnh gắn với thực
hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương
trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa
bàn.
9. UBND các huyện, thành phố
- Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tổ
chức sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyên canh các
vùng sản xuất sản phẩm có thương hiệu.
- Tăng cường chỉ đạo các tổ chức, đơn
vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu duy trì và phát
huy hiệu quả các nhãn hiệu được công nhận trên địa bàn; chỉ đạo và kiểm tra các
tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành thực hiện các Quy chế quản lý nhãn hiệu
trên địa bàn.
- Chủ động huy động, bố trí nguồn
kinh phí cho duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm trên địa bàn; lồng ghép
việc phát triển thương hiệu sản phẩm với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa
phương và chương trình, kế hoạch khác.
10. Các chủ sở hữu nhãn hiệu, các
tổ chức Hội chỉ dẫn địa lý
- Tăng cường quản lý và kiểm soát quy
trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm có thương hiệu thuộc
trách nhiệm; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tuân thủ và phát huy
hiệu quả việc sử dụng nhãn hiệu; nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát chất
lượng sản phẩm có thương hiệu.
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền không
cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu đối với các tổ chức,
cá nhân không chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng nhãn hiệu.
11. Các tổ chức, cá nhân liên quan
hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm có thương hiệu
Tích cực tham gia xây dựng, duy trì
và phát triển sản phẩm có thương hiệu của tỉnh; nâng cao ý thức, trách nhiệm
trong quản lý, phòng ngừa, bảo vệ đấu tranh với các hành vi gian lận trong sử dụng
nhãn hiệu sản phẩm; chủ động ứng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Thực hiện tốt quy định về Quản lý,
Quy chế kiểm soát sản phẩm có thương hiệu; nâng cao ý thức tự kiểm tra việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc,
thu hoạch và bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với
sản phẩm có thương hiệu.
Đối với các Doanh nghiệp, HTX đã được
cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nhãn hiệu, in
nhãn hiệu (logo) trên các bao bì sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Chủ động
phối hợp với các cơ quan quản lý các cấp tích cực tham gia hoạt động quảng bá,
giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ, các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện,
thành phố; các tổ chức chính trị, xã hội; các tổ chức, cá nhân có liên quan triển
khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ
(Để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (Để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (Để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục SHTT - Bộ KH&CN;
- Các sở, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- Báo Sơn La;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thủy
|