ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
20/2012/CT-UBND
|
Quảng Ngãi,
ngày 04 tháng 12 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI
NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Trong thời gian qua, các sở,
ngành, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh đã phối hợp triển khai thực
hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng; các cơ quan chức năng đã phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử
lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, đo lường, chất
lượng sản phẩm, hàng hoá, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bước đầu đạt một số kết quả nhất định,
góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về quyền và nghĩa vụ
của người tiêu dùng, về các quy định pháp luật cũng như kiến thức, kỹ năng tiêu
dùng; nhận thức cộng đồng về quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của nhà sản
xuất, nhà phân phối hàng hoá và dịch vụ, vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản
lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Song, thực tiễn cho thấy, các vụ
việc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không giảm mà còn có
xu hướng gia tăng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận
thương mại điện tử ngày một gia tăng; trong thời gian gần đây, nhiều vụ vi phạm
nghiêm trọng đến lợi ích người tiêu dùng được phát hiện như: nước tương nhiễm
chất 3-MCPD, xăng dầu bị pha chế kém chất lượng, thịt lợn có chứa chất tạo nạc
bị cấm, sữa nhiễm melamine và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm
bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; các vụ lừa đảo, bán hàng kém chất
lượng qua mạng đã gây tổn hại đến sức khỏe và thiệt hại lợi ích kinh tế của người
tiêu dùng.
Việc phối hợp giữa các ngành và
địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng chưa thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân; công tác thanh tra,
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại nêu
trên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu
dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định đời sống nhân
dân trong tỉnh; thực hiện Luật số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010 về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng và các văn bản liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng
các sở, ban ngành, cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tham
mưu, hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Công
Thương
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ
được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chủ trì, phối hợp
với các sở, ban ngành chức năng liên quan triển khai thực hiện việc chống độc
quyền, chống bán phá giá, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian
lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm,... ảnh hưởng đến quyền lợi người
tiêu dùng; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh
tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo
đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Được yêu cầu các tổ chức, cá
nhân liên quan trong tỉnh, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực
hiện nhiệm vụ được giao về quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền,
chống bán phá giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp các cơ quan
liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những sản phẩm
thuộc chức năng quản lý của ngành y tế; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc
phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền,
trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
con người, chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Sở Xây dựng
Tăng cường công tác quản lý các
hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thuộc chức năng quản lý ngành; chủ trì, phối
hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong
lĩnh vực xây dựng cơ bản và xây dựng dân dụng, chất lượng vật liệu xây dựng
trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chất lượng công trình.
4. Sở Giao
thông vận tải
Tăng cường công tác quản lý
ngành; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra về an
toàn giao thông, chất lượng an toàn kỹ thuật các phương tiện giao thông vận tải,
đường bộ, đường thủy nội địa, bến cảng nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng
trong các dịch vụ kinh doanh vận chuyển.
5. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất
lượng sản phẩm hàng hóa như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y-thủy
sản, các sản phẩm sinh học phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi; giống cây trồng,
vật nuôi; các loại thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; công cụ, dụng cụ, ngư lưới
cụ phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm
xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Sở Khoa
học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sở hữu trí tuệ, xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các hoạt động tuyên truyền, thông tin, quảng
cáo về hàng hóa, văn hóa phẩm và dịch vụ văn hoá theo quy định của pháp luật.
8. Sở Thông
tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, chất lượng dịch vụ, giá cả các dịch vụ bưu
chính và chuyển phát; viễn thông và Internet, truyền dẫn phát sóng; tần số, vô
tuyến điện; hoạt động báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở:
Công Thương, Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi
và các sở, ban ngành chức năng liên quan tuyên truyền, phổ biến các quy định
pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin tuyên truyền theo các
chuyên đề về gian lận thương mại điện tử trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
9. Sở Tài
chính
Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra về giá đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, nhất là
đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc diện phải đăng ký, niêm yết giá.
Trên cơ sở dự toán của Liên hiệp
các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và khả năng
cân đối ngân sách, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí hỗ trợ
từ ngân sách đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10. Công
an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các sở, ngành chức năng liên quan tăng cường các biện pháp quản lý,
giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
hàng kém chất lượng; điều tra, xử lý và đề nghị truy tố theo quy định của pháp
luật các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm
quyền.
11. Hội Bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực hiện nội dung tham gia bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Hàng năm, cùng với thời điểm
xây dựng dự toán ngân sách, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm
xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng theo chế độ quy định hiện hành, gửi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật thẩm định và tổng hợp, gửi Sở Tài chính.
12. Đài
Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi
Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương và các sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin
liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; dành thời lượng phát sóng thích
hợp để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng. Quản lý chặt chẽ việc đăng tải các quảng cáo về hàng hóa, dịch vụ
trên Báo, Đài theo quy định của pháp luật.
13. Ban quản
lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại
Có trách nhiệm thực hiện nội
dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
14. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tổ chức, cá
nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và người tiêu dùng trên địa bàn;
Chủ trì, phối hợp với các ngành
chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử lý các hành
vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền và theo quy định
của pháp luật;
Giải quyết các yêu cầu bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác
quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các Ban quản lý chợ, thương nhân
kinh doanh chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn trong việc thực hiện nội quy
đã được phê duyệt và các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác theo
quy định của pháp luật.
15. Đề nghị
Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban ngành, các hội, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền
của người tiêu dùng, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà sản xuất, nhà phân phối hàng
hoá - dịch vụ.
Yêu cầu Giám đốc các sở, ngành,
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ban
quản lý các chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại và thủ trưởng
các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương).
Sở Công Thương có trách nhiệm
theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các ngành triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này;
tổng hợp báo cáo, tham mưu đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo,
giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày
kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Khoa
|