ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:13/CT-UB
|
Bến Tre, ngày 22
tháng 6 năm 1999
|
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN
LÝ KINH DOANH ĐIỆN VÀ THỰC HIỆN GIÁ BÁN ĐIỆN TIÊU DÙNG SINH HOẠT ĐẾN HỘ DÂN
NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội
đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ VI, các ngành, huyện, thị trong tỉnh đã tập trung
chỉ đạo phát triển mạng lưới điện nông thôn bằng nhiều hình thức đa dạng và
phong phú. Nhờ vậy trong toàn tỉnh đã có trên 95% xã đã có điện về đến trung tâm
xã và 60% hộ dân được dùng điện. Song do phát triển ồ ạt, không theo đúng quy
hoạch, nhiều hình thức đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh khác nhau cho nên
dẫn đến tình hình thiếu kỹ cương nề nếp trong quản lý, chất lượng đường dây không
đảm bảo làm thất thoát điện năng thiếu an toàn trong sử dụng và giá điện không
thống nhất, ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.
Để từng bước lập lại trật tự trong quản lý kinh doanh
điện trên địa bàn tỉnh và thực hiện giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho dân
nông thôn theo đúng quy định tại Công văn số 1303/CP-KTTH ngày 03/11/1998 của
Chính phủ và Thông tư liên bộ số: 01/TTLB/BVGCP-BCN ngày 10/02/1999 của Ban Vật
giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ điện khí hoá
nông thôn trong toàn tỉnh, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội của
Đảng bộ lần thứ VI đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan,
UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường trong toàn tỉnh thực hiện một số vụ
việc cụ thể sau:
I. VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỚI VÀ CẢI TẠO LƯỚI ĐIỆN
HIỆN CÓ.
Việc đầu tư xây dựng mới và cải tạo lưới điện hiện
có phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, dự toán được
duyệt. Các đơn vị thi công phải đủ điều kiện và phải có giấy phép hành nghề xây
dựng chuyên ngành.
Vốn đầu tư vẫn thực hiện theo phương châm: “Nhà nước
và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm”. Trong đó cơ chế đầu tư được cụ
thể hoá như sau:
- Đối với đường dây trung thế, trạm biến áp và công
tơ đo đếm điện do ngành điện đầu tư.
- Đường dây, trục hạ thế do ngân sách địa phương
(chủ yếu bằng nguồn phụ thu) và nhân dân đầu tư.
- Nhánh rẽ từ đường trục hạ thế vào nhà hộ dùng điện
do chủ hộ đầu tư.
Trường hợp đường dây trung, hạ thế do địa phương
(xã, huyện) chủ động đề nghị phát triển, cải tạo nâng cấp mà không có nằm trong
quy hoạch, kế hoạch…hoặc đã có những tỉnh chưa có điều kiện thực hiện thì nếu được
chấp thuận cho thực hiện, địa phương hoàn toàn tự lo vốn đầu tư.
Sở Công Nghiệp với cương vị là chủ đầu tư các dự
án xây dựng đường dây hạ thế ở nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Điện
lực tỉnh và các ngành, các huyện, thị chủ động triển khai thực hiện các đề án
và quản lý các công trình theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
UBND các huyện và thị xã, UBND các xã, phường có
trách nhiệm tham gia quản lý các đường dây hiện có trên địa bàn, tích cực tham gia
đầu tư xây dựng mới các đường dây trung hạ thế, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm
theo sự phân công (giải toả mặt bằng, huy động vốn, nhân công…). Riêng đối với
các công trình hạ thế điện do huyện xã huy động vốn đầu tư, đã và đang xây dựng
chưa quyết toán bàn giao thì huyện, xã phải khẩn trương hoàn thành các phần còn
lại, tổ chức nghiệm thu, báo cáo thanh quyết toán và bàn giao cho Điện lực quản
lý để đưa vào khai thác sử dụng. Sở Công nghiệp, Sở Tài chánh Vật giá và Điện
lực Bến Tre có trách nhiệm tham gia các công việc thanh quyết toán, nghiệm thu,
bàn giao như trên.
II. VỀ TỔ CHỨC KINH DOANH ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN
XÃ.
Từ thực tế tình hình của địa phương và căn cứ vào
chủ trương của Chính phủ (Công văn số 1303/CP-KTTH ngày 03/11/1998 của Chính
phủ và Thông tư liên Bộ số 01/TTLBBVGCP-BCN ngày 10/02/1999) tỉnh chúng ta phải
cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong tổ chức kinh doanh điện trong thời
gian tới, về lâu dài Điện lực tỉnh phải trực tiếp bán điện đến hộ tiêu dùng,
trước mắt có thể thực hiện như sau:
1) Điện lực Bến Tre: Bán điện trực tiếp đến các hộ
dùng điện ở thị xã, thị trấn, thị tứ như trước nay và sẽ tiến hành bán điện trực
tiếp bán điện tiêu dùng ở những xã, những vùng mới được đầu tư xây dựng hoàn
chỉnh lưới điện trung hạ thế theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt và ở những
đường dây do xã huyện bàn giao lại.
2) Cho phép các Ban điện xã, các tổ chức kinh doanh
điện trên địa bàn sau khi đăng ký kinh doanh được tiếp tục kinh doanh điện trên
địa bàn, UBND tỉnh giao cho Sở Công nghiệp có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh cấp giấy
phép thành lập các doanh nghiệp và hướng dẫn các UBND các huyện, thị xã cấp
giấy phép kinh doanh theo Nghị định 66 hoặc Hợp tác xã kinh doanh điện trên điạ
bàn. Trước khi cấp giấy phép, phải tổ chức kiểm tra an toàn đường dây, trình độ
hiểu biết về điện tay nghề của những người trực tiếp làm nhiệm vụ kinh doanh về
điện, nơi nào chưa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn thì phải củng cố sửa
chữa cải tạo đường dây, bổ túc nâng cao tay nghề cho người tổ chức kinh doanh.
Phòng Kinh tế thị xã và các Phòng Công Thương nghiệp
huyện là cơ quan tham mưu giúp UBND huyện, thị thực hiện chức năng quản lý Nhà
nước về điện trên địa bàn, Ban quản lý điện huyện phải sắp xếp lại tổ chức kinh
doanh điện theo đúng quy định. Cơ quan nào cấp giấy phép cho cơ sở kinh doanh
điện thì phải có trách nhiệm theo dõi quản lý hoạt động của cơ sở đó.
3) Cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng
đường dây hạ thế (đảm bảo chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật) – đăng ký kinh doanh điện,
mua điện từ đồng hồ tổng, bán điện cho hộ tiêu dùng theo giá do UBND tỉnh phê duyệt.
4) Cho Sở Công nghiệp và Điện lực Bến Tre, Hội đồng
liên minh các Hợp tác xã tỉnh tổ chức nghiên cứu và tham quan học hỏi một số mô
hình hiện có ở một số tỉnh để xây dựng đề án thành lập một số hợp tác xã dịch
vụ về điện.
5) Các cai thầu tư nhân, Ban quản lý các trạm bơm
điện, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong, ngoài quốc doanh không có chức
năng kinh doanh điện… không được tiếp tục kinh doanh điện dưới bất kỳ hình thức
nào.
Ở những xã có các cai thầu tư nhân, Ban quản lý các
trạm bơm, các doanh nghiệp…kinh doanh trái phép về điện thì UBND xã cần có biện
pháp chấn chỉnh lại hoặc có tổ chức hình thức kinh doanh hợp lý, hoặc giao cho
Điện lực kinh doanh trực tiếp báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định. Tuyệt
đối không để tình trạng kinh doanh điện trái phép kéo dài, đồng thời cũng không
để các hộ dùng điện bị ngưng cấp điện.
III. VỀ GIÁ BÁN ĐIỆN.
1) Việc xử lý giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đối
với các hộ gia đình ở nông thôn, được đặt trong tổng thể việc điều chỉnh hệ thống
bán giá điện chung của cả nước. Nhà nước đảm bảo phân phối và quy định giá bán
điện ổn định đến công tơ tổng đặt tại các trạm biến áp của các xã. Những chi
phí phát sinh đưa lưới điện từ công tơ tổng đến các xã để phân phối đến ấp, hộ
gia đình thì huy động sự đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của ngân sách địa
phương.
2) Quy định giá trần bán điện tiêu dùng sinh hoạt
cho hộ nông dân là 700đ/Kwh. Các trường hợp cụ thể như sau:
a/ Đối với những nơi giá bán điện tiêu dùng sinh
hoạt cho hộ nông dân thấp hơn 700đ/Kwh, UBND địa phương cùng các ngành điện tiếp
tục chỉ đạo, quản lý giữ mức giá hiện tại. Khi có điều kiện thì tiếp tục kéo
giá xuống cho bằng giá điện sinh hoạt ở thị xã, thị trấn.
b/ Đối với những nơi giá bán điện cao hơn giá 700đ/Kwh,
Sở Tài chánh Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp, Điện lực tỉnh và UBND
địa phương tìm các giải pháp kỹ thuật thích hợp lựa chọn mô hình tổ chức phân
phối điện đảm bảo các điều kiện: có khả năng quản lý lưới điện (từ công tơ tổng
đến hộ gia đình), giảm được các chi phí vận hành và giảm được chi phí tổn thất
điện, để đưa giá điện giảm xuống ngang giá trần.
c/ Trường hợp cá biệt, sau khi đã thực hiện các biện
pháp nhưng vẫn không bảo đảm đưa giá điện xuống ngang mức (700đ/Kwh) thì tổ
chức quản lý điện nông thôn phải xây dựng phương án giá bán điện, có xác nhận
của UBND huyện, thị xã, báo cáo với Sở Tài chánh Vật giá, Điện lực tỉnh và Sở
Công nghiệp thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt từng trường hợp.
Hộ sử dụng điện khi dùng cho nhiều mục đích khác
nhau (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh…) cần có đồng hồ đo đếm riêng cho từng mục
đích để áp dụng mức giá cho phù hợp.
3) Các tổ chức quản lý kinh doanh điện nông thôn
phải xây dựng phương án giá trình UBND tỉnh phê duyệt và phải công khai giá được
duyệt cho hộ sử dụng điện biết, thực hiện. Đồng thời phải thực hiện thống kê và
hạch toán rõ ràng, công khai theo đúng chế độ thống kê, kế toán của Nhà nước
quy định.
4) Việc xem xét định giá bán điện đến hộ dân ở từng
xã, ấp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh do Sở Tài chính Vật giá, Sở Công nghiệp
và Điện lực tỉnh làm tham mưu. Chậm nhất cuối tháng 12 năm 1999 trong toàn tỉnh
phải hoàn chỉnh việc lập lại kỷ cương trong tổ chức kinh doanh điện và bán điện
theo quyết định của UBND tỉnh.
Giao cho Giám đốc Sở Tài chánh Vật giá có trách nhiệm
xây dựng cơ cấu hình thành giá điện cho tiêu dùng các hộ dân nông thôn để hướng
dẫn các tổ chức kinh doanh điện xây dựng giá bán điện, chủ trì phối hợp với các
ngành như: Điện lực, Sở Công nghiệp, Thanh tra tỉnh, UBND các huyện thị xã và
các cơ quan có liên quan chỉ đạo giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện
giá bán điện nông thôn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật.
Lập lại trật tự kỷ cương trong tổ chức quản lý và
kinh doanh điện trong địa bàn tỉnh là một yêu cầu hết sức bức bách đồng thời cũng
rất khó khăn và phức tạp. Song nếu để kéo dài tình trạng như thời gian qua thì
công cuộc điện khí hoá nông thôn của tỉnh sẽ không đạt được chỉ tiêu chất lượng,
không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và mục tiêu Nghị quyết Đại hội VI
của Đảng bộ đã đề ra.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, UBND các
huyện, thị xã, UBND các xã, phường và toàn thể nhân dân trong tỉnh quan tâm thực
hiện tốt Chỉ thị này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trịnh Văn Y
|