ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
13/2013/CT-UBND
|
Ninh Thuận,
ngày 16 tháng 5 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU, KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG (LPG) TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Thời gian qua, các sở, ngành, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng trong quản lý hoạt động
kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng (khí dầu mỏ hoá lỏng gọi tắt là
LPG), bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước quản lý và kiểm
soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG. Tuy nhiên, hiện tượng gian lận về chất
lượng, đo lường, chưa tuân thủ các quy định, điều kiện kinh doanh, an toàn
phòng, chống cháy nổ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG còn diễn biến phức
tạp, đặc biệt đã xảy ra một số tai nạn trong quá trình sử dụng xăng dầu, LPG,
có vụ việc rất nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân,
gây ảnh hưởng xấu đến việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu
là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh
xăng dầu, LPG chưa nghiêm túc; việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người
tiêu dùng trong mua, sử dụng xăng dầu, LPG bảo đảm an toàn chưa được thực hiện
đầy đủ; công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện chưa triệt để, chưa thường
xuyên, thiếu phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng chức năng; chế
tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, …
Nhằm tăng cường kỷ cương pháp
luật, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh
xăng dầu và LPG, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2011/NĐ-CP ngày 16
tháng 11 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu;
Nghị định số 105/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2011 quy định xử phạt vi phạm
hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng và một số văn bản có liên quan của
Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương về việc chấn chỉnh, tăng cường kiểm
tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ
hoá lỏng. Để bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của
Chính phủ, của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan; đồng thời triển
khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động
kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị
liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Công
Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch hệ thống
phân phối xăng dầu và các điểm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, kiên quyết di
dời các cơ sở kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt;
rà soát, đánh giá sự phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản
lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, LPG với thực tế sản xuất, kinh doanh để kiến
nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước
trong kinh doanh xăng dầu và LPG;
b) Kiểm tra, giám sát việc chấp
hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn
phòng chống cháy nổ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là tổng đại
lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu; tổng đại lý và đại lý LPG, cửa hàng bán
LPG chai, trạm nạp, trạm cấp LPG, cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG trên địa
bàn tỉnh; đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu, LPG
trên địa bàn, khi có dấu hiệu khan nguồn kịp thời yêu cầu doanh nghiệp trên địa
bàn có biện pháp khắc phục; đồng thời báo cáo cụ thể bằng văn bản về Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương để có phương án chỉ đạo, hướng xử lý và điều tiết
nguồn cung;
c) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị
trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng chuyên ngành tập trung
tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu và
LPG về điều kiện kinh doanh; thực hiện việc mua bán trong hệ thống phân phối;
trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối, tổng
đại lý, đại lý; việc thực hiện cung xăng dầu, LPG liên tục ra thị trường; các
quy định về tồn chứa, vận chuyển xăng dầu, LPG và các quy định khác. Kiên quyết
xử lý các hành vi mua bán xăng dầu, LPG ngoài hệ thống phân phối; các cơ sở sản
xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều
kiện an toàn phòng chống cháy nổ, gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu,
LPG; các điểm pha chế, bán xăng dầu, sang chiết, nạp LPG trái phép; đồng thời
giám sát chặt chẽ các cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện
kinh doanh xăng dầu, LPG.
2. Sở Khoa học
và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan tiến hành rà soát để kiến nghị các cấp có thẩm quyền quyết định
sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia trong lĩnh vực xăng dầu, LPG;
b) Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và các vi phạm khác theo thẩm quyền
hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong lĩnh vực xăng dầu, LPG theo
đúng quy định của pháp luật;
c) Thường xuyên tổ chức các lớp
đào tạo tập huấn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho cán bộ và nhân viên của
các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG.
3. Công an tỉnh:
a) Chỉ đạo Công an các đơn vị địa
phương tập trung nắm tình hình, phát hiện và triệt phá các đường dây, các điểm
pha chế xăng dầu, sang chiết LPG trái phép, các hành vi trộm cắp xăng dầu, pha
trộn trái phép các chất khác vào xăng dầu, nhất là hành vi có tổ chức, quy mô lớn;
kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật;
b) Nhanh chóng điều tra, xác định
nguyên nhân các vụ cháy, nổ xăng dầu; các vụ cháy nổ LPG; công khai kết luận điều
tra theo quy định và khuyến cáo kịp thời cho người dân để phòng ngừa;
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát
Phòng cháy chữa cháy rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ của
tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu và LPG. Tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp
vụ về an toàn phòng chống cháy, nổ cho cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở
kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng;
d) Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, Báo Ninh Thuận và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức an toàn phòng chống cháy nổ
trong kinh doanh, sử dụng xăng dầu, LPG;
e) Phối hợp với các sở, ngành
liên quan rà soát các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ trong
kinh doanh xăng dầu và LPG, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
4. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
a) Phối hợp với các sở, ngành
liên quan phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao
động, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu và LPG; tổ chức công
tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý và nhân
viên trực tiếp làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu và LPG theo quy
định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, kiểm tra an toàn
lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu và LPG;
rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của pháp luật nhằm
đáp ứng yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất,
kinh doanh xăng dầu, LPG.
5. Sở Thông
tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở
Công Thương và các cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để nhân
dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh
xăng dầu và LPG, chế tài xử lý, quy trình quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết
bị cũng như sử dụng an toàn xăng dầu, LPG;
b) Giám sát, hướng dẫn các cơ
quan thông tấn báo chí phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách
quan về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và LPG, nhất là vi phạm về
đo lường, chất lượng, điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ; thông
tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân
có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và LPG theo quy định của pháp luật.
6. Sở Tài
Chính: chỉ đạo phòng nghiệp vụ của sở, thanh tra ngành chủ trì, phối hợp với
các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát
tình hình giá cả đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng
trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức phối hợp Chi cục Quản lý thị trường kiểm
tra và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo Thông tư
liên tịch số 29/2011/TTLT-BCT-BTC ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Bộ Công Thương
và Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữa cơ quan Quản lý thị
trường và cơ quan Quản lý giá.
7. Sở Tài
nguyên và Môi trường: phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về môi trường và cấp giấy chứng
nhận cho các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh xăng dầu, LPG theo quy định của pháp luật; đồng thời tiến hành thanh tra,
kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường trên
địa bàn.
8. Cục Thuế tỉnh:
a) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ
của Cục; Chi cục Thuế huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý
thị trường, Công an tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hoá đơn,
chứng từ đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, lưu thông trên thị trường;
phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp
pháp để trốn thuế;
b) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra giám sát việc kê khai thuế, nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân
kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý
nghiêm minh các hành vi vi phạm.
9. Bộ chỉ huy
Bộ đội Biên phòng và Chi cục Hải quan:
a) Chủ động xây dựng kế hoạch
và phối hợp triển khai công tác chống buôn lậu xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng,
tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
các phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biên giới biển của tỉnh, nhằm
phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm;
b) Phối hợp cấp ủy, chính quyền
địa phương vùng ven biển triển khai các nội dung, biện pháp tuyên truyền vận động
cho quần chúng nhân dân, ngư dân nâng cao nhận thức để tích cực tham gia thực
hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, đặc biệt là chống buôn lậu
xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng; tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân tại
các vùng ven biển và các ngư dân đánh bắt trên tuyến biển của tỉnh ký cam kết
không chứa chấp xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng nhập lậu, không tham gia tiếp
tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, ...
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các
ngành có liên quan tổ chức, thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh
doanh xăng dầu và LPG trên địa bàn mình quản lý; đồng thời thường xuyên chỉ đạo
các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường tổ chức
kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, LPG trên địa bàn; xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh xăng dầu và
LPG.
11. Các doanh
nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu và LPG:
a) Các doanh nghiệp đầu mối,
các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, LPG chịu trách nhiệm quản lý chặt
chẽ, thường xuyên kiểm tra hệ thống phân phối của mình, bảo đảm các cơ sở kinh
doanh tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về: điều kiện kinh doanh, đo
lường, chất lượng, về an toàn, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh,
an toàn lao động và bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm của từng khâu
trong hệ thống phân phối; thực hiện nghiêm quy trình vận chuyển xăng dầu, LPG từ
các kho, bồn chứa đến các địa điểm bán lẻ; chịu trách nhiệm đối với các vi phạm
về đo lường, chất lượng xảy ra trong quá trình phân phối xăng dầu, LPG trong hệ
thống của mình;
b) Các cơ sở bán lẻ xăng dầu,
LPG thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống
cháy nổ. Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn việc mua, sử dụng
an toàn xăng dầu, LPG cho người tiêu dùng tại các cơ sở kinh doanh và trong quá
trình sử dụng.
12. Tổ chức
thực hiện:
Chỉ thị này có hiệu lực thi
hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
có liên quan và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu, LPG nghiêm túc
quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Sở Công Thương thường xuyên
theo dõi tình hình thực hiện Chỉ thị, kịp thời báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Hữu Nghị
|