UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày 29 tháng 8 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN
TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
An toàn vệ sinh thực phẩm là mối
quan tâm và nhu cầu chính đáng của toàn xã hội. Trong thời gian qua, công tác đảm
bảo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ
đạo và đạt được một số kết quả như: Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất,
kinh doanh và người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thanh
tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; trên địa bàn chưa để xẩy
ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được,
trong quá trình tổ chức, thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục
như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số ngành và chính quyền địa
phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật
chưa được thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý
thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về tầm quan
trọng và tác dụng của công tác ATVSTP đối với đời sống của cộng đồng, xã hội;
tình trạng ô nhiễm sinh học và dư lượng các hóa chất độc hại trong chăn nuôi, tồn
dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc kiểm
soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP chưa được
thường xuyên; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp
và là mối đe dọa to lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Để
tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa
bàn, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Thông
tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các Sở Y
tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và các đơn vị liên quan chỉ
đạo thực hiện tốt công tác truyền thông về ATVSTP trên các phương tiện thông
tin đại chúng. Trong đó, chú trọng đến các nhóm đối tượng trong xã hội với hình
thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ nghe, dễ hiểu; xây dựng các nội dung,
chương trình truyền thông phù hợp với trình độ dân trí từng vùng, nhất là miền
núi, vùng sâu, vùng xa. Có phương án xã hội hoá về truyền thông ATVSTP.
2. Sở Y tế
- Là cơ quan đầu mối, tổng hợp
giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về ATVSTP trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với
các ngành liên quan xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, kế hoạch thanh
tra, kiểm tra hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ
máy, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATVSTP từ tuyến tỉnh đến
cơ sở; thống nhất chương trình hành động trong phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước về ATVSTP; tổ chức các đợt Thanh tra, kiểm tra liên ngành
và chuyên ngành, phát hiện và xử phạt các vi phạm hành chính về ATVSTP theo quy
định pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý
ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển,
kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống
đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác
theo quy định của Chính phủ.
- Thực hiện nghiêm túc việc cấp
giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố hợp quy
và phù hợp quy định an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của
pháp luật.
- Xây dựng các mô hình điểm về
quản lý thức ăn đường phố, nhà hàng, bếp ăn tập thể từng bước hoàn thiện mô
hình, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
3. Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn
- Tăng cường áp dụng các công
nghệ sinh học, hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt...,
quy hoạch các cánh đồng mẫu lớn, các lò giết mổ tập trung, các đội thuyền đánh
bắt hải sản xa bờ để tạo ra những sản phẩm thực phẩm sạch, thân thiện với môi
trường.
- Tăng cường công tác quản lý
ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo
quản, vận chuyển, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy
sản và sản phẩm thủy sản, rau củ quả và sản phẩm rau củ quả, trứng và sản phẩm
từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các
nông sản, thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
- Thực hiện nghiêm túc việc cấp
giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc thẩm quyền
quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Sở Công
Thương
-
Tăng cường áp dụng các công nghệ và các hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất
công nghiệp, các mặt hàng thực phẩm...., xây dựng các Quy hoạch về hệ thống chợ,
chợ đầu mối, siêu thị. Chủ trì trong việc phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm
không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại trong lưu thông, phân phối thị trường.
- Tăng cường công tác quản lý
ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh
doanh đối với các loại bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản
phẩm chế biến bột, tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ...
- Thực hiện nghiêm túc việc cấp
giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc thẩm quyền
quản lý theo quy định của pháp luật.
5. Công an
Nghệ An
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Môi
trường tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong sản xuất, lưu thông, kinh
doanh thực phẩm trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông
nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan khác
khi có yêu cầu trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về
an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống,
kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm các phương tiện vận chuyển thực phẩm,
kiểm soát thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất
phụ gia, chất hỗ trợ, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
6. Các Sở,
ban, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan
Phối
hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:
- Bố trí nguồn lực, nhân lực,
trang thiết bị và kinh phí để đảm bảo triển khai tốt công tác ATVSTP trên địa
bàn.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
và thực hành về ATVSTP ngay tại địa bàn, đơn vị công tác; Vận động đoàn viên, hội
viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào công tác an toàn vệ sinh thực
phẩm.
7. UBND các
huyện, thành phố, thị xã
- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo
liên ngành về ATVSTP từ huyện đến xã đủ thành phần, đủ năng lực và trình độ về
quản lý ATVSTP. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về
ATVSTP trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục,
truyền thông, nâng cao nhận thức về ATVSTP, ý thức chấp hành pháp luật về quản
lý ATVSTP, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
đối với cộng đồng, ý thức của người tiêu dùng thực phẩm.
- Tổ chức thực hiện quy hoạch
vùng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn để đảm bảo việc quản lý ATVSTP
được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
- Tăng cường công tác quản lý
ATVSTP trên địa bàn; quản lý điều kiện đảm bảo ATVSTP đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống,
ATVSTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các
ngành, các đơn vị, địa phương có kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai Chỉ
thị này, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực
hiện (qua Sở Y tế - Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh để tổng hợp, báo
cáo).
Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị; Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh tình hình thực hiện Chỉ thị và tình hình công tác đảm bảo an toàn vệ sinh
thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm theo đúng quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Thị Lệ Thanh
|