ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Cần Thơ, ngày
09 tháng 6 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN
DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Kế hoạch số 10/KH-TU ngày 05 tháng 3 năm
2005 của Thành ủy Cần Thơ, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW,
ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị, về Xây dựng và phát triển thành phố
Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Ngày 27 tháng 5 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành
phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1242/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình
xây dựng phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
cùng với quá trình phát triển KT-XH, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố
Cần Thơ đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Từ năm 2005 đến nay, lượng
khách đến Cần Thơ tăng trưởng bình quân 12 - 15 %/năm, năm 2013 số lượng du
khách đạt trên 1,2 triệu lượt, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế xã
hội của thành phố. Tuy nhiên, hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng
và vị trí hiện tại. Đầu tư du lịch còn mang tính tự phát, manh mún, chưa có
khu, điểm du lịch tầm cỡ, sản phẩm du lịch thiếu tính độc đáo, thiếu đồng bộ,
liên kết chưa cao, ít sáng tạo, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa
đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với
hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đồng thời đẩy mạnh công tác
phát triển du lịch, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của
Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ yêu
cầu các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai
thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến,
nâng cao nhận thức đến tất cả cán bộ trong ngành và quần chúng nhân dân về mục
đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong tình hình hiện
nay; đầu tư cho du lịch là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển
du lịch phải gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc đồng thời đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường
công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch trên địa bàn
thành phố:
- Xây dựng kế hoạch phát triển ngành du lịch
trong từng giai đoạn phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố
Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc và tạo điều kiện
thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã
được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại cán bộ
quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh du
lịch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và Công an thành
phố hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn và các cơ sở
Karaoke, vũ trường, masage, du thuyền trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm tạo
môi trường du lịch an toàn, tin cậy cho du khách;
- Phối hợp với các ngành, các cấp trong việc
hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế
trong ngành chấp ngành nghiêm chỉnh các qui định Nhà nước về hoạt động du lịch;
tăng cường sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp
luật trong du lịch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Trung tâm Xúc tiến Đầu
tư Thương mại và Du lịch, Cục Thuế thành phố và các ngành có liên quan tham mưu
cho UBND thành phố xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; thu
hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án du lịch trọng điểm
của thành phố đã được phê duyệt; thông tin đầy đủ tình hình thành lập doanh
nghiệp mới đến các Sở chuyên ngành để phối hợp quản lý.
4. Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận
tải, Sở Lao động - thương binh và Xã hội, các sở, ngành có liên quan căn cứ vào
chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình chủ động, tăng cường công tác kiểm tra,
phối hợp chặt chẽ nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch và tạo môi
trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn cho khách du lịch.
5. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du
lịch thành phố đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du
lịch với nhiều hình thức nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu du lịch của
thành phố, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư lĩnh vực du
lịch.
6. Công an thành phố có trách nhiệm chỉ đạo lực
lượng nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức
kiểm tra, triệt xóa các tụ điểm tệ nạn xã hội nhằm tạo ấn tượng tốt cho du
khách đến với thành phố, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật
tự tại các khu, điểm du lịch; chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các đối tượng
có hành vi cướp giật, móc túi, lừa đảo, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài
sản của du khách; tiếp nhận và giải quyết nhanh các tin tố giác, đảm bảo môi
trường an toàn, thân thiện để thu hút khách du lịch.
7. Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch
thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố phê duyệt. Các
quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với
tài nguyên du lịch của từng địa phương; đầu tư tôn tạo các công trình kiến
trúc, di tích văn hóa, lịch sử theo hướng gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn
và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, các làng nghề truyền
thống, đưa các loại hình văn hóa phi vật thể vào chương trình du lịch để phục
vụ du khách; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước
đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của
các địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du
lịch mới; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp và hộ
gia đình nhằm tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của từng địa phương;
quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch.
- Sắp xếp bố trí nhân sự phụ trách du lịch theo
hướng chuyên trách và phân bổ kinh phí hoạt động cho công tác quản lý nhà nước
về du lịch tại địa phương.
8. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên
địa bàn thành phố phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của
Luật Du lịch và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan. Trong quá trình hoạt
động kinh doanh tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại đơn
vị nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thể hiện thái độ văn minh, lịch sự khi
tiếp đón khách; đồng thời đảm bảo an toàn cho du khách; vận động cán bộ, công
nhân viên nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào giữ gìn trật tự, vệ
sinh môi trường, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại đến du
khách tại các khu, điểm tham quan du lịch. Các hoạt động kinh doanh du lịch
phải chịu sự quản lý hành chính nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
các sở, ban ngành có liên quan theo qui định của pháp luật. Việc thanh tra,
kiểm tra được thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất, chuyên ngành hoặc liên
ngành. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch vi phạm tùy theo tính chất, mức độ
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám
đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện, xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch triển khai
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng
mắc, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo kịp thời./.