BỘ VĂN HOÁ-THÔNG
TIN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 04/CT
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 1 năm 1997
|
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO VÀ XỬ LÝ
NGHIÊM NHỮNG VI PHẠM VỀ QUẢNG CÁO
Kính
gửi: Các Sở Văn hoá thông tin
Sau thời gian thực hiện Nghị định
194/CP về hoạt động quảng cáo và Thông tư số 37/VHTT của Bộ Văn hoá thông tin,
đặc biệt từ khi triển khai Nghị định 87, 88/CP và Chỉ thị 814/TTg của Chính phủ,
hoạt động quảng cáo trong cả nước đã được chấn chỉnh một bước. Tình trạng quảng
cáo lộn xộn, tuỳ tiện, quảng cáo ghép trên biển hiệu giảm được khá nhiều. Những
hình thức quảng cáo đẹp, hiện đại cũng bắt đầu được phát triển làm tăng vẻ mỹ
quan của thành phố, thị xã.
Tuy vậy, công tác quản lý hoạt động
quảng cáo còn bộc lộ nhiều lúng túng, thiếu chặt chẽ. Ngày 19/3/1996 Bộ Văn hoá
thông tin đã có Công văn số 625/CV-VHTT yêu cầu Sở Văn hoá thông tin tăng cường
quản lý các hoạt động qủang cáo nhưng tình hình chuyển biến vẫn chậm chạp, còn
bộc lộ nhiều tồn tại cần phải giải quyết:
- Tình trạng quảng cáo không giấy
phép; không ghi rõ số giấy phép, thời hạn và tên dịch vụ; chữ viết sai quy định;
nội dung không phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam v.v... vẫn phổ biến mà
không được nhắc nhở và xử lý kịp thời. Đặc biệt rượu và thuốc lá là những mặt
hàng đã bị cấm quảng cáo nhưng các chủ hãng vẫn cố tìm mọi cách, mọi hình thức
để thuê quảng cáo ở những nơi công cộng, nơi vui chơi giải trí, trên sân khấu,
trên sân bãi TDTT, trên báo chí... mà vẫn không bị xử lý kiên quyết, nghiêm khắc,
gây nhiều dư luận không tốt, làm giảm hiệu lực các văn bản của Nhà nước.
- Việc quản lý, cấp phép quảng
cáo còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có
quy hoạch quảng cáo trên địa bàn; việc cấp phép thực hiện quảng cáo chưa được cải
tiến, vẫn phải qua nhiều cửa với nhiều thủ tục rườm rà; tốc độ giải quyết cấp
phép rất chậm chạp, hầu như đều không đảm bảo đúng thời gian quy định gây nhiều
khó khăn trong việc kinh doanh của các cơ sở dịch vụ quảng cáo. Có địa phương
còn thu thêm những khoản lệ phí ngoài quy định hoặc không cho những đơn vị đã
có giấy phép hành nghề toàn quốc được thực hiện quảng cáo tại địa phương, trong
khi đó lại cấp giấy phép cho những đơn vị không có chức năng làm quảng cáo hoặc
cho những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trực tiếp đi làm quảng cáo ở nhiều nơi
ngoài cơ sở sản xuất của mình, gây ra tình trạng lộn xộn, làm Nhà nước thất
thoát một khoản thuế lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm
chấn chỉnh thêm một bước và tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển
đúng hướng, Bộ Văn hoá thông tin chỉ thị cho các đơn vị trong ngành phối hợp với
các ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 194/CP, Thông tư
37/VHTT, Nghị định 87, 88/CP, Nghị định 36/CP "về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều khoản của quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87, 88/CP và Nghị định
194/CP của Chính phủ" và những điều hướng dẫn cụ thể sau đây:
I. CHẤN CHỈNH
VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO ĐÚNG QUY ĐỊNH
1. Việc cấp giấy chứng nhận đủ
điều kiện hành nghề quảng cáo phải làm chặt chẽ theo đúng những thủ tục, điều
kiện quy định tại Điều 10, Điều 12 của Thông tư 37, trong đó cần ghi rõ phạm
vi, lĩnh vực hoạt động của mỗi tổ chức, cá nhân xin kinh doanh, dịch vụ quảng
cáo. Thực hiện Chỉ thị 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ "về
tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ
ngoài quốc doanh" để rà soát lại các đơn vị làm quảng cáo thuộc khu vực
này. Đình chỉ và xử lý nghiêm đối với những cơ sở hoạt động không có giấy phép
hành nghề hoặc vượt quá phạm vi, lĩnh vực cho phép theo khoản 5 Điều 26 Nghị định
88/CP.
2. Chỉ cấp giấy phép thực hiện
quảng cáo cho những tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề
quảng cáo và giấy phép kinh doanh về quảng cáo do Bộ Văn hoá thông tin hoặc Sở
Văn hoá thông tin cấp (chỉ cấp cho nơi đặt trụ sở chính. Các chi nhánh có thể
dùng bản sao in của trụ sở chính). Những đơn vị đã được Bộ Văn hoá thông tin cấp
giấy phép hoạt động toàn quốc đều có thể được thực hiện quảng cáo ở các địa
phương mà không cần đặt thêm chi nhánh. Các chủ quảng cáo chỉ có thể trực tiếp
thực hiện các hình thức quảng cáo hàng hoá, sản phẩm của mình tại cơ sở sản xuất
và trên các phương tiện của mình (Điều 7, TT 37); muốn quảng cáo ở những nơi
khác phải thông qua cơ sở kinh doanh, dịch vụ quảng cáo để đảm bảo việc quản lý
và thu thuế Nhà nước.
3. Căn cứ Công văn số
2506/TC-TCNH ngày 22/9/1995 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý sử dụng
các nghiệp vụ xổ số để quảng cáo, các Sở Văn hoá thông tin chỉ cấp giấy phép
cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ được quảng cáo khuyến mại dưới các
hình thức bán hàng có thưởng đơn giản. Trường hợp quảng cáo khuyến mại có phát
hành vé riêng, quay số hoặc sử dụng kết quả xổ số để xác định trúng thưởng phải
có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính. Các báo, đài phát thanh, đài
truyền hình ở Trung ương và địa phương khi ký hợp đồng thực hiện quảng cáo cũng
phải kiểm soát để bảo đảm quy định này.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý
theo khoản 6 Điều 24, Nghị định 88/CP.
4. Tất cả các hoạt động tài trợ
(liên hoan văn nghệ, biểu diễn thời trang, thi vui, thi đấu thể thao v.v...) có
kèm nội dung quảng cáo và các quảng cáo khuyến mại đều phải có giấy phép của Sở
Văn hoá thông tin sở tại. Nếu vi phạm sẽ xử lý theo khoản 6 Điều 4 Nghị định
88/CP.
5. Các cơ quan cấp phép phải thực
hiện việc niêm yết công khai quy hoạch quảng cáo; các quy định về thủ tục và lệ
phí tại trụ sở cấp phép; phải đảm bảo việc cấp phép trong thời hạn quy định và
không được gây trở ngại cho các hoạt động quảng cáo hợp pháp.
Từ nay việc thu lệ phí giấp phép
hoạt động quảng cáo chỉ được thực hiện theo Thông tư số 28/TT-LB ngày 30/5/1996
của Liên Bộ Tài chính và Văn hoá Thông tin. Các tỉnh, thành phố, quận, huyện
không được yêu cầu người làm quảng cáo nộp thêm bất cứ khoản tiền hoặc hiện vật
nào khác. Các Sở Văn hoá Thông tin cần phối hợp với Sở Tài chính địa phương có
văn bản hướng dẫn việc sử dụng các khoản thu chi lệ phí quảng cáo tại Thông tư
28/TT-LB để đảm bảo chế độ, chính sách cho các quận, huyện và các đơn vị có
liên quan đến việc quản lý quảng cáo trên địa bàn.
II. KIÊN QUYẾT
XỬ LÝ NHỮNG VI PHẠM VỀ QUẢNG CÁO
1. Tất cả các quảng cáo ngoài trời
cố định hay di động đều phải ghi rõ số giấy phép, thời hạn và tên chủ dịch vụ
quảng cáo (Điều 24 Nghị định 194/CP); nếu không sẽ kiên quyết xử phạt và dỡ bỏ
theo quy định tại mục a, khoản 3, Điều 24, Nghị định 88/CP.
Tất cả các quảng cáo dưới hình
thức xuất bản phẩm (quy định tại Điều 1, Nghị định 79/CP ngày 6/11/1996 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật xuất bản) đều phải ghi rõ nhà xuất bản
hoặc tổ chức được phép xuất bản, số bản in, nơi in, số giấy chứng nhận đăng ký
kế hoạch xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản. Nếu không sẽ bị xử phạt theo mục
C, khoản 4 Điều 24, Nghị định 88/CP.
2. Chữ viết trên quảng cáo, biển
hiệu phải đảm bảo đúng theo quy định sửa đổi tại Nghị định 36/CP ngày 19/6/1996
của Chính phủ.
a. Chỉ có những biển hiệu của tổ
chức kinh tế nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài mới được thể hiện tên
riêng, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài với kích thước lớn hơn chữ
Việt Nam nhưng không quá 2 lần khổ chữ Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo
khoản 2 Điều 28, Nghị định 88/CP.
b. Chỉ những quảng cáo có nhãn
hiệu hàng hoá viết tắt và viết bằng tiếng nước ngoài, tên giao dịch quốc tế của
các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
(cấp Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh) cho phép; những từ ngữ đã được quốc tế hoá hoặc
những từ ngữ mà tiếng Việt không thay thế được thì được viết to hơn phần chữ Việt
Nam, nhưng không quá 2 lần khổ chữ Việt Nam, đồng thời phải có phần chữ Việt
Nam viết ở phía trên phần chữ nước ngoài. Phần này nhằm nói rõ nội dung, mặt
hàng, ngành nghề định quảng cáo.
Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo điểm
a, khoản 4, Điều 25, Nghị định 88/CP.
3. Căn cứ Nghị định 194/CP, tại
Điều 5 Thông tư số 37/VHTT Bộ Văn hoá thông tin đã quy định cấm quảng cáo dưới
mọi hình thức các mặt hàng thuốc lá các loại, rượu các loại... Do vậy, mọi hoạt
động quảng cáo quy định tại Điều 1 Nghị định 194/CP bao gồm: "Việc giới
thiệu và thông báo rộng rãi về doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ, nhãn hiệu hàng
hoá, tên gọi, biểu tượng theo nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất - kinh
doanh - dịch vụ" nếu liên quan đến mặt hàng thuốc lá (không chỉ là thuốc
lá điếu) và rượu (kể cả rượu bổ) đều không được phép thực hiện qua các phương
tiện quảng cáo quy định tại Điều 7 Nghị định 194/CP.
b. Tất cả các khách sạn, nhà trọ,
nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, quán bia, quán cà phê giải khát v.v... có sử dụng
tranh, ảnh, áp phích, tờ dán (đề can), tờ rời, tờ gấp, dù che, xe đẩy, thùng
hàng, giá để hàng, hộp đèn, dây cờ, người chào hàng và các hình thức khác để quảng
cáo thuốc lá, rượu; những tổ chức cá nhân làm dịch vụ quảng cáo rượu, thuốc lá
trên bảng, biển, trên phương tiện giao thông; những nơi hoạt động văn hoá công
cộng: biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, sân bãi thi đấu thể dục thể
thao, hội chợ triển lãm có quảng cáo rượu, thuốc lá; các cơ quan báo chí, xuất
bản có quảng cáo rượu, thuốc lá đều phải xử lý nghiêm theo đúng những quy định
tại Điều 27 Nghị định 88/CP.
c. Cần điều tra, phát hiện những
tổ chức, cá nhân cố tình kinh doanh, sản xuất loại hàng hoá phục vụ cho việc quảng
cáo rượu, thuốc lá. Ngoài việc xử lý nghiêm theo khoản 5, 6 Điều 25 Nghị định
88/CP, nếu tái phạm nhiều lần cần phải đề nghị truy tố.
d. Các chủ hãng rượu, thuốc lá
phải chịu trách nhiệm về các hình thức và sản phẩm quảng cáo của mình tại các địa
phương, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 88/CP. Những
hãng kinh doanh nhiều ngành nghề (ví dụ Dunhill) nhưng thực tế chỉ đăng ký mặt
hàng thuốc lá tại Việt Nam, khi quảng cáo không nêu rõ mặt hàng cần quảng cáo
theo quy định tại Điều 4 Thông tư 37; không xuất trình được giấy phép nhập khẩu
mặt hàng định quảng cáo còn bị xử phạt theo khoản 4 Điều 25 Nghị định 88/CP.
III. MỘT SỐ
BIỆN PHÁP CỤ THỂ
Để triển khai có hiệu quả những
công việc nêu trên, Bộ Văn hoá thông tin yêu cầu các đơn vị trong Bộ, các Sở
văn hoá thông tin tiến hành một số biện pháp cụ thể sau đây:
1. Các Sở văn hoá thông tin: cần
tổ chức đánh giá lại tình hình quản lý quảng cáo ở địa phương; phát hiện những
vướng mắc, tồn tại, đề ra biện pháp khắc phục phương hướng xử lý những vi phạm,
chấn chỉnh ngay việc quản lý hoạt động quảng cáo tại địa phương vào nền nếp.
2. Cục Văn hoá thông tin cơ sở:
chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan bàn biện pháp tăng cường quản lý
các hoạt động quảng cáo trên các lĩnh vực theo đúng những quy định của Nhà nước;
tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương quản lý tốt các hoạt động quảng
cáo.
3. Thanh tra chuyên ngành văn
hoá thông tin: hướng dẫn thanh tra các Sở Văn hoá thông tin triển khai mạnh việc
kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời cần phối hợp với các ngành liên quan tổ
chức các cuộc thanh tra, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố và có biện pháp xử
lý đối với những vi phạm của các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở dịch vụ quảng
cáo.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu
các đơn vị có liên quan trong Bộ, các Sở Văn hoá thông tin có kế hoạch triển
khai ngay và thường xuyên báo cáo kết quả về Bộ.