BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 9669/BC-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 11 năm 2024
|
BÁO CÁO
KỊCH
BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2025
Kính gửi: Thủ
tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp
với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng ngày 13/11/2024, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kịch bản tăng trưởng cao (8%)
năm 2025 để tạo đà tăng trưởng bứt tốc trong giai đoạn 2026-2030 như sau:
1. Bối cảnh, tình hình năm 2025
Bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những yếu tố
thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, các yếu tố rủi ro, có thể tác động
không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2025.
- Thuận lợi, thời cơ: (1) động lực
tăng trưởng và sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế trong năm 2024; (2)
quy định pháp luật mới, đột phá về đất đai, bất động sản, đầu tư công, đầu tư,
NSNN, chứng khoán, quản lý tài sản công….; (3) việc tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc, khơi thông nguồn lực đầu tư của Nhà nước và tư nhân bị tồn đọng trong các
dự án; (4) quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa đất
nước bước vào kỷ nguyên mới.
- Khó khăn, thách thức chủ yếu từ bên ngoài,
nổi lên là: (1) phản ứng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và nhiều
nước, rủi ro hình thành cuộc “chiến tranh thương mại mới” (chi tiết tại Phụ
lục báo cáo); (2) áp lực tỷ giá, xu hướng dòng vốn đầu tư gián tiếp
toàn cầu rút khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi; (3) sức ép
cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước; xu hướng gia tăng
hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất.
2. Kịch bản tăng trưởng cao năm
2025
(1) Kịch bản đã báo cáo Quốc hội (6,5-7%, phấn
đấu đạt 7-7,5%)
Theo kịch bản này, tăng trưởng của khu vực công
nghiệp - xây dựng khoảng 7,8% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng
8,3%); dịch vụ tăng 7,4%; nông, lâm, thủy sản tăng 3,3%).
Quy mô GDP năm 2025 khoảng 510 tỷ USD, GDP bình
quân đầu người khoảng 5.000 USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 163 tỷ USD (xấp
xỉ 32% GDP). Trong đó: đầu tư công khoảng 32 tỷ USD (tương đương 790 nghìn tỷ
đồng); đầu tư tư nhân khoảng 90 tỷ USD, FDI khoảng 27 tỷ USD, đầu tư
khác khoảng 14 tỷ USD. Bội chi NSNN năm 2025 khoảng 3,8% GDP.
(2) Kịch bản tăng trưởng cao (8%)
Theo kịch bản này, tăng trưởng của khu vực công
nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng
9,8%); dịch vụ tăng 8%; nông, lâm, thủy sản tăng 3,4%).
Quy mô GDP năm 2025 khoảng 520 tỷ USD, GDP bình
quân đầu người khoảng 5.100 USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 168 tỷ USD, xấp
xỉ 32,3% GDP (cao hơn 5 tỷ USD). Trong đó: đầu tư công khoảng 36 tỷ USD
(tương đương 880 nghìn tỷ đồng); đầu tư tư nhân khoảng 91 tỷ USD, FDI khoảng 27
tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Bội chi NSNN năm 2025 khoảng 4,5%
GDP.
(3) Kịch bản tăng trưởng cao được xây
dựng dựa trên:
- Về phía cung: khu vực công nghiệp - xây dựng,
nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao hơn khoảng 1,5%
so với kịch bản đã báo cáo.
- Về phía cầu: sự gia tăng của đầu tư công
(tăng thêm khoảng 90 nghìn tỷ đồng) và tiêu dùng trong nước.
Điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng
cao năm 2025:
- Duy trì ổn định và phát triển quan hệ thương mại
hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác lớn.
- Sớm tháo gỡ các dự án đang bị tồn đọng, ách tắc.
- Huy động thêm nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến
độ giải ngân.
- Củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy mạnh đầu tư
tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo.
- Phục hồi nhanh tiêu dùng, du lịch, dịch vụ trong
nước.
3. Giải pháp thực hiện kịch bản
tăng trưởng cao
(1) Về thể chế
- Ban hành ngay cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể,
minh bạch để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
- Sửa đổi các quy định pháp luật để thực hiện quan
điểm không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; xóa bỏ triệt
để cơ chế xin - cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
- Phân cấp, phân quyền triệt để theo phương châm “địa
phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” trong huy động và sử
dụng nguồn lực.
(2) Về huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư công
- Để huy động thêm khoảng 90 nghìn tỷ đồng đầu tư
công, có thể thực hiện theo 02 phương án:
(i) Tăng thêm khoảng 0,7% GDP bội chi NSTW năm 2025
(tương đương khoảng 90 nghìn tỷ đồng).
(ii) Bố trí 90 nghìn tỷ đồng tăng thêm từ nguồn
tăng thu NSNN năm 2024.
- Phương án sử dụng 90 nghìn tỷ đồng tăng thêm:
+ Xác định các dự án có khả năng hấp thụ vốn để đẩy
nhanh tiến độ thực hiện, trong đó tập trung rà soát các dự án đường cao tốc cần
nâng cấp từ 02 làn lên 04 làn hoàn chỉnh theo quy định có thể triển khai ngay
trong năm 2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông
vận tải để tổng hợp nhu cầu đối với các dự án cao tốc cần nâng từ 02 làn lên 04
làn hoàn chỉnh với số vốn dự kiến khoảng 48 nghìn tỷ đồng, nâng cấp cao tốc Bắc
- Nam phía Đông từ 04 làn hạn chế lên quy mô hoàn chỉnh với số vốn dự kiến khoảng
165 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn để thực hiện 02 nhiệm vụ này là khoảng 213 nghìn
tỷ đồng, đang dự kiến bố trí trong kế hoạch 2026-2030, có thể nghiên cứu để thực
hiện ngay trong năm 2025.
+ Bố trí khoảng 60 nghìn tỷ đồng cho các dự án thuộc
kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa bố trí đủ vốn.
Đối với các dự án mới trong Kế hoạch trung hạn chưa
triển khai hoặc dự án đang trong quá trình điều chỉnh, khẩn trương hoàn thiện
thủ tục để tiếp tục thực hiện hoặc khởi công dự án trong năm 2025.
- Giải pháp để giải ngân được ngay nguồn vốn tăng
thêm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ
giao”:
+ Áp dụng ngay các cơ chế, chính sách mới, đột phá
trong các Luật Đầu tư công (sửa đổi) và quy định sửa đổi Luật NSNN, Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công...
+ Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
(3) Về thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch
quốc tế
- Kích cầu tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, lưu trú, du
lịch nội địa.
- Khẩn trương xem xét giải pháp miễn thị thực nhập
cảnh có thời hạn (khoảng 5 năm). Phấn đấu vượt mục tiêu 20 triệu lượt khách quốc
tế năm 2025.
(4) Về xuất khẩu
- Chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng
bộ về ngoại giao, kinh tế... để thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Mỹ,
Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu mới, nhất là các quốc
gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị
trường xuất khẩu; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán
phá giá.
(5) Về thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế
biến, chế tạo
- Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường
bất động sản, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp) để tăng nhanh nguồn
cung.
- Phát huy cơ chế Tổ công tác làm việc với từng nhà
đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng
xanh” để sớm đưa triển khai dự án tại Việt Nam.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp mới
nhằm hạ thấp chi phí cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, tăng sự hấp
dẫn đối với đầu tư tư nhân và đầu tư FDI.
- Rà soát ngay các dự án đang vướng mắc (dự án năng
lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác), tập trung
những dự án gặp vướng mắc nhưng không phức tạp làm trước, giải phóng nguồn lực
ngay trong năm 2025.
- Triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt;
bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược với
khai thác các hành lang phát triển mới được mở ra.
(6) Về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường
vốn
- Giữ mặt bằng tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường,
sẵn sàng can thiệp trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối,
tiền tệ.
- Đáp ứng các tiêu chí để thị trường chứng khoán Việt
Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2025.
Trên đây là báo cáo về kịch bản tăng trưởng năm
2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, Vụ TH.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|
PHỤ LỤC
DỰ BÁO ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI CỦA MỸ
TRONG NĂM 2025 TỚI KINH TẾ VIỆT NAM
1. Một số nét chính trong chính sách kinh tế của
Mỹ thời gian tới
(1) Nâng hàng rào thuế quan để bảo hộ sản xuất
của Mỹ: thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể lên đến 60% hoặc
cao hơn; các nước khác lên mức 10-20%, bao gồm cả hàng hóa của EU và Mexico.
Trong năm 2025, Mỹ có thể áp mức thuế suất mới đối
với gần 40% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
(2) Triển khai các chính sách thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế, kéo dòng vốn FDI trở lại Mỹ: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ
21% xuống 18% (có thể xuống 15% đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước); kéo
dài chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân; tăng đầu tư hạ tầng
giao thông, đường cao tốc, sân bay... (dự kiến khoảng 110 tỷ USD/năm)... Khuyến
khích người dân tiết kiệm và táng đầu tư.
(3) Đàm phán, ký kết lại các FTA theo hướng
tăng cường lợi ích của Mỹ, bao gồm cả việc xem xét rút khỏi Hiệp định Đối tác
chiến lược toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khung Kinh tế Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương (IPEF)... Ưu tiên đàm phán các FTA song phương.
(4) Đẩy mạnh khai thác dầu mỏ trong nước,
tăng cường đàm phán với OPEC để tăng sản lượng khai thác dầu và giảm bớt căng
thẳng tại Trung Đông, Ucraina để ổn định nguồn cung năng lượng, giảm biến động
giá dầu thế giới và trong nước.
(5) Thúc đẩy thị trường bất động sản và đổi
mới sáng tạo trong nước thông qua giảm thuế bất động sản, chi phí nghiên cứu và
phát triển.
(6) Thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất để hỗ trợ
tăng trưởng kinh tế.
(7) Xem xét lại các thỏa thuận, cam kết về
biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh; dự kiến sẽ hạn chế trợ giá năng
lượng xanh.
2. Bối cảnh thế giới mới do tác động chính sách
của Mỹ
(1) Tiềm ẩn rủi ro xuất hiện “cuộc chiến
thương mại” toàn cầu, nhất là về thuế quan[1].
(2) Kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với
nhiều rủi ro hơn, tăng trưởng chậm lại do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Áp lực
cạnh tranh toàn cầu gia tăng do hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể chuyển
hướng sang các thị trường lớn khác như EU, Ấn Độ, Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
(3) Dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng quay
trở lại Mỹ và dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc, đến các nền kinh tế mới nổi như Ấn
Độ, Đông Nam Á.
(4) Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu trở lên
phức tạp hơn đối với các nước đang phát triển do sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ
và các nước OECD.
Các quốc gia này một mặt vẫn phải thực hiện Quy tắc
thuế tối thiểu toàn cầu, mặt khác phải hài hòa quan hệ với Mỹ (có khả năng rút
khỏi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu).
(5) Chính sách điều hành của Fed, lộ trình
điều chỉnh lãi suất có thể khó đoán định hơn trước áp lực lạm phát toàn cầu[2] và tại Mỹ. Đồng USD có thể
tiếp tục mạnh lên so với đồng tiền của các quốc gia đang phát triển.
(6) Nợ công toàn cầu có xu hướng tăng; dòng
vốn đầu tư gián tiếp toàn cầu thông qua các quỹ đầu tư lớn có xu hướng rút khỏi
các thị trường đang phát triển và mới nổi để quay trở lại Mỹ; áp lực điều chỉnh
tỷ giá...
Từ đó, khiến thị trường tài chính toàn cầu và tại
nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển tiềm ẩn nhiều rủi ro.
(7) Giá dầu thế giới có xu hướng ổn định hoặc
giảm.
(8) Xu thế toàn cầu về phát triển xanh, năng
lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu có thể đối mặt với nhiều thách thức.
3. Dự báo một số ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam
a) Thuận lợi, thời cơ
(1) Sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, thương
mại hàng hóa toàn cầu và trong khu vực.
(2) Doanh nghiệp có thể giảm bớt áp lực đầu
tư đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường của các thị
trường lớn.
(3) Nguồn cung, giá xăng dầu trong nước có
xu hướng ổn định hơn (giá xăng dầu có thể sẽ giảm trong thời gian tới).
b) Khó khăn, thách thức
(1) Tăng trưởng kinh tế[3], sản xuất công nghiệp, xuất khẩu[4] có thể bị ảnh hưởng do sự
gia tăng hàng rào bảo hộ từ Mỹ và các nước; áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị
trường xuất khẩu và trong nước.
Các nhóm nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn, mức thặng
dư thương mại với Mỹ cao như dệt may, thép, tôn mạ, thủy sản... có thể bị ảnh
hưởng lớn; hàng hóa Việt Nam có rủi ro bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao hơn
và bị xem xét xuất xứ nguồn gốc kỹ lưỡng hơn.
(2) Áp lực điều chỉnh tỷ giá, ổn định kinh tế
vĩ mô, thị trường tài chính gia tăng; tiềm ẩn rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách
theo dồi về “thao túng tiền tệ”.
(3) Áp lực bảo đảm hài hòa giữa Mỹ và các nước
OECD trong việc áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
4. Một số nhiệm vụ, giải pháp cần lưu ý thời
gian tới
- Thúc đẩy phát triển thương mại hài hòa, bền vững
với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn.
- Tăng cường quản lý, kiểm soát xuất xứ hàng hóa,
phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
- Tăng cường đàm phán, hợp tác, trao đổi thông tin
chặt chẽ với Mỹ về việc điều hành chính sách tiền tệ, thương mại của Việt Nam.
- Triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu
hút các dự án FDI lớn, nhà đầu tư chiến lược, có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ
trợ đầu tư phù hợp với từng đối tác (nhất là với các nhà đầu tư từ Mỹ) để áp dụng
hài hòa Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, tăng sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam;
triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” để sớm đưa triển khai dự án tại Việt
Nam.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp mới
nhằm hạ thấp chi phí cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, tăng sự hấp
dẫn đối với đầu tư tư nhân và đầu tư FDI.
- Phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả chính sách
tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên thúc đẩy
tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì
mặt bằng tỷ giá, lãi suất phù hợp, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
[1]
Thúc đẩy các FTA giữa các khối nước để tạo chính sách “đáp trả” thương mại về
thuế quan, được dẫn dắt bởi Mỹ, Trung Quốc, EU, tập trung vào các thị trường
đông dân như Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi.
[2]
Theo trường Harvard Kennedy, thị trường đang kỳ vọng lạm phát toàn cầu sẽ tăng
trở lại.
[3]
Theo dự báo của Tạp chí Economist, các chính sách mới của Mỹ có thể làm giảm
khoảng 0,8% tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025, 2026 (Đài
Loan giảm khoảng 0,7%, Trung Quốc và Singapore khoảng 0,4%, Indonesia và Thái
Lan khoảng 0,3%, Nhật Bản, Philipin, Hàn Quốc, Malaysia, Úc khoảng 0,2%)
[4]
Theo thống kê của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam ở vị trí thứ 3
trong những nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Trong giai đoạn
2016-2020, Việt Nam đã hưởng lợi từ việc Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc; tuy
nhiên, thời gian tới Việt Nam có thể bị áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại
từ Mỹ.