BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
34/2001/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2001
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 34/2001/TT-BTC NGÀY 25 THÁNG 05 NĂM 2001
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG, CÁC CƠ SỞ
GIÁO DỤC CÔNG LẬP
Căn cứ Luật giáo dục; Quyết định
số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng
học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc
dân;
Căn cứ Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ
phí thuộc ngân sách Nhà nước;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng
dẫn chế độ thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh vào các trường, các cơ sở giáo dục
công lập như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
THU VÀ MỨC THU:
1. Đối tượng nộp lệ phí tuyển
sinh quy định tại Thông tư này là những thí sinh đăng ký dự thi và thực tế dự
thi tuyển sinh vào các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo công lập do nhà nước
quản lý. Các trường hợp sau đây được miễn nộp lệ phí tuyển sinh :
a) Thí sinh thi vào các trường
phổ thông trung học ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo, trường dân tộc nội
trú;
b) Thí sinh có hộ khẩu thường
trú tại các vùng dân tộc ít người (tối thiểu là 3 năm tính đến ngày đăng ký dự
thi theo quy định hiện hành) thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp, dạy nghề.
2. Mức thu lệ phí tuyển sinh vào
các trường, các cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:
a) Thi tuyển sinh vào các trường,
cơ sở giáo dục bậc phổ thông trung học (nếu có tổ chức thi tuyển): 10.000 (mười
nghìn) đồng/thí sinh.
b) Thi tuyển sinh vào đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề:
- Đăng ký dự thi: 20.000 (hai
mươi nghìn) đồng/hồ sơ/thí sinh.
- Dự thi: 20.000 (hai mươi
nghìn) đồng/thí sinh/một lần dự thi.
II. QUẢN LÝ
THU, NỘP VÀ SỬ DỤNG:
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng
ký dự thi và cơ quan trực tiếp tổ chức thi tuyển có trách nhiệm thu lệ phí tuyển
sinh theo mức thu quy định tại Thông tư này, được sử dụng số tiền lệ phí tuyển
sinh thu được để trang trải các chi phí phục vụ công tác tổ chức thi tuyển theo
nội dung sau đây:
a) Đối với các trường phổ thông
trung học có tổ chức thi tuyển:
- Tập huấn nghiệp vụ cho các cán
bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh ở quận, huyện và các trường phổ thông
trung học;
- Tổ chức thực hiện giao nhận hồ
sơ đăng ký dự thi;
- Nhập số liệu đăng ký dự thi,
phiếu báo thi, báo điểm cho thí sinh (tại Sở Giáo dục và Đào tạo);
- Chi cho các công việc về máy
tính;
- Thuê phòng thi, tổ chức thực
hiện giao nhận hồ sơ đăng ký dự thi, làm giấy báo thi;
- Chi y tế, vệ sinh, nước uống
cho thí sinh, công tác bảo vệ (tại trường);
- Các công việc khác có liên
quan đến công tác tuyển sinh.
b) Đối với thi tuyển vào đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề:
b1- Chi cho công tác chuẩn bị
tuyển sinh đăng ký dự thi, bao gồm:
- Chi cho việc triển khai công
tác tuyển sinh liên quan đến cơ quan Bộ: tổ chức triển khai công tác tuyển sinh
cho tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường; hội nghị tổng kết, tổ chức
thanh tra tuyển sinh, xây dựng ngân hàng đề thi...;
- Chi cho việc triển khai tại địa
phương (Sở Giáo dục và Đào tạo): tổ chức hội nghị triển khai tuyển sinh, tập huấn
cho cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh ở quận, huyện và các trường phổ
thông trung học, giao nhận hồ sơ đăng ký dự thi, nhập số liệu đăng ký dự thi,
phiếu báo thi, báo điểm cho thí sinh...;
- Chi tại trường đào tạo cho
công tác chuẩn bị kỳ tuyển sinh: chi cho các công việc về máy tính, thuê phòng
thi, tổ chức thực hiện giao nhận hồ sơ đăng ký dự thi, làm giấy báo thi, y tế,
vệ sinh, nước uống cho thí sinh, công tác bảo vệ...
b2- Chi cho công tác thi tuyển,
bao gồm: Chi cho các khâu từ giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi đến các khâu làm đề
thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển, báo điểm, báo gọi thí sinh trúng tuyển...
Trường hợp lệ phí tuyển sinh tổ
chức thu tập trung ở một nơi thì cơ quan (hoặc đơn vị) quyết định tuyển sinh có
trách nhiệm phân phối số tiền thu được cho các đơn vị được phân công thực hiện
công tác tuyển sinh phù hợp với chi phí phục vụ công tác tổ chức thi tuyển.
2. Các cơ quan, đơn vị làm công
tác tuyển sinh, hàng năm phải lập dự toán thu chi phần lệ phí tuyển sinh cùng với
dự toán thu chi của cơ quan, đơn vị mình. Việc lập và chấp hành dự toán phải thực
hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ
Tài chính hướng dẫn việc phân cấp, lập và chấp hành quyết toán ngân sách Nhà nước.
Việc quản lý thu, chi tiền thu lệ phí phải thực hiện theo đúng chế độ tài chính
hiện hành và tổng hợp vào báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của cơ sở theo
phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai, dân chủ.
3. Sở Tài chính Vật giá, cơ quan
Thuế địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thu lệ phí
tuyển sinh theo đúng quy định tại Thông tư này, Thông tư số 54/1999/TT-BTC ngày
10/5/1999 và Thông tư số 21/2001/TT-BTC ngày 3/4/2001 của Bộ Tài chính sửa đổi
một số nội dung tại Thông tư số 54/1999/TT-BTC ngày 10/5/1999 hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc
ngân sách Nhà nước.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho tất cả các văn bản quy định về lệ
phí tuyển sinh vào các trường, các cơ sở giáo dục công lập trước đây.
Đối tượng nộp lệ phí tuyển sinh,
cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thu lệ phí tuyển sinh và các cơ quan liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.