BỘ
TÀI CHÍNH
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02-TC/TT
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 02 năm 1967
|
THÔNG TƯ
VỀ THUẾ LỢI TỨC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP
Theo chủ trương chuyển hướng xây
dựng và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, sản xuất thủ công nghiệp đang
được đẩy mạnh nhằm góp phần phát huy khả năng kinh tế của từng địa phương, tự
cung, tự cấp với mức cao nhất các nhu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống
nhân dân của từng tỉnh, từng vùng.
Được sự lãnh đạo sát của các cấp
ủy Đảng và chính quyền địa phương, nhờ sự giúp đỡ của các ngành có liên quan,
và dựa vào sự nỗ lực của xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp, sản xuất thủ công
nghiệp cuối năm 1966 phát triển khá hơn đầu năm và tăng hơn so với cùng thời kỳ
năm 1965. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại của địch, các hợp tác
xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, các hợp tác xã vận tải thuyền cũng đang
gặp một số khó khăn nhất định về nguyên liệu, về chất đốt, về nhân lực và về vận
chuyển, nhiều hợp tác xã phải di chuyển, sơ tán phòng không, phải xây dựng cơ sở
mới, phải giúp đỡ xã viên tổ chức đời sống ở nơi sơ tán… nên quỹ tích lũy cũng
như quỹ công ích của hợp tác xã gần đây có bị giảm sút.
Căn cứ Điều lệ thuế công thương
nghiệp mới, ban hành đầu năm 1966, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 74-TC/TQD
ngày 05-5-1966 hướng dẫn việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp, nhằm góp phần
khuyến khích thủ công nghiệp phát triển đúng hướng (đúng ngành nghề và vùng
kinh tế), thúc đẩy việc trang bị và cải tiến kỹ thuật, giúp đỡ hợp tác xã tăng
cường quản lý lao động, vật tư, tài vụ, góp phần từng bước củng cố hợp tác xã,
trên cơ sở đó động viên đóng góp công bằng hợp lý giữa các hợp tác xã ngành nghề
khác nhau, thu nhập khác nhau.
Qua theo dõi việc thực hiện
thông tư nói trên, Bộ nhận thấy cần bổ sung và nói rõ thêm một số điểm cho phù
hợp với những biến chuyển mới trong tình hình sản xuất thủ công nghiệp và nhằm
đơn giản việc thanh toán thuế lợi tức cả năm 1966 đối với các hợp tác xã sản xuất
tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải và kiến trúc.
1. Tính toán
hao phí vật chất của hợp tác xã.
Để bảo đảm vốn cho hợp tác xã
tái sản xuất, cần tính cho đúng mức các hao phí vật chất để trừ cho hợp tác xã
khi tính số lợi tức phải chịu thuế.
Cơ quan thu khi tính thuế lợi tức,
cần căn cứ vào các định mức do cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đã xác định mà tiến
hành kiểm tra sự kê khai của hợp tác xã về số lượng và giá cả nguyên vật liệu
hao phí, rồi tính hao phí nguyên vật liệu được trừ.
Trường hợp hao phí thực tế thấp
hơn định mức thì trừ theo hao phí thực tế và báo ngay cho cơ quan đặt hàng để
điều chỉnh lại định mức cho sát.
Trường hợp hao phí thực tế cao
hơn định mức thì phân biệt giải quyết như sau: nếu xét thấy định mức đã sát
đúng rồi, nhưng do hợp tác xã quản lý không tốt nên hao phí nguyên vật liệu, chất
đốt vượt quá định mức, thì trừ theo như định mức, nếu xét thấy định mức không
còn sát nữa do đã có sự thay đổi về loại hay về chất lượng nguyên vật liệu, chất
đốt, thì cơ quan thu cần phối hợp với cơ quan đặt hàng và cơ quan cung cấp
nguyên vật liệu, chất đốt, để xác định lại định mức cho sát, làm cơ sở tính lại
số hao phí được trừ khi tính lợi tức chịu thuế. Gặp trường hợp cơ quan cung cấp
nguyên vật liệu, chất đốt chưa xác định lại kịp, thì cơ quan thu phải kiểm tra
kỹ số hao phí thực tế trong các kỳ sản xuất vừa qua để xác định chi phí về tiêu
hao vật chất của hợp tác xã làm cơ sở cho việc tính lợi tức chịu thuế, trong
trường hợp này, cần nói rõ với hợp tác xã là việc cơ quan thu xác định chi phí
về tiêu hao vật chất như vậy chỉ là để áp dụng cá biệt trong đợt tính thuế lợi
tức lần đó thôi, chứ không ràng buộc cơ quan gia công đặt hàng (việc định mức
tiêu hao vật chất thuộc trách nhiệm của cơ quan gia công đặt hàng và cơ quan
này phải quy định những định mức trung bình tiền tiến áp dụng chung cho nhiều hợp
tác xã).
Về giá cả nguyên vật liệu mua
ngoài và giá cước vận tải thì cần chú ý những điểm sau đây:
Nguyên tắc là nhất thiết không để
cho hợp tác xã mua ở thị trường tự do những vật tư Nhà nước thống nhất quản lý
và những vật tư lấy cắp ở kho của Nhà nước (gặp trường hợp này, phải phối hợp với
các cơ quan có trách nhiệm mà tìm cho ra nguồn bán để có biện pháp xử lý chính
đáng), nhất thiết không để cho hợp tác xã tùy tiện mua nguyên liệu hoặc trả cước
theo bất kỳ giá nào.
Vấn đề căn bản ở đây là cơ quan
và cán bộ thu phải giáo dục, giúp đỡ hợp tác xã nghiêm chỉnh tôn trọng các chế
độ và quy định của Nhà nước về quản lý vật tư và giá cả nguyên liệu, vật liệu
cũng như giá cước vận tải. Đối với những trường hợp mua hay thuê mướn cao hơn
giá quy định của Nhà nước mà xét ra là vì hợp tác xã lúng túng trước khó khăn
nên đã làm sai như vậy, thì cơ quan thu xét chiếu cố và cho hợp tác xã được
tính toán theo thực tế đã chi, đồng thời cần nhắc nhở hợp tác xã sau này phải
nghiêm chỉnh tôn trọng các quy định của Nhà nước.
Trong việc này, cán bộ thu phải
đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào những xã viên giác ngộ nhất để động viên
toàn thể hợp tác xã cũng như ban quản trị nêu cao ý thức chấp hành luật lệ của
Nhà nước, bảo vệ tài sản Nhà nước, đồng thời phát huy sáng kiến, khắc phục khó
khăn, làm ăn tiết kiệm. Ngoài ra, cần lưu ý các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước
quan tâm giúp đỡ hợp tác xã hơn nữa về nguyên vật liệu, chất đốt… tránh cho họ
khỏi phải xoay xở ở thị trường tự do.
2. Về mức miễn
thu.
Điều lệ thuế quy định mỗi xã
viên có thực tế tham gia sản xuất trong kỳ kinh doanh đều được trừ một suất miễn
thu do điều 14 Điều lệ thuế quy định cho mỗi khu vực (Hà Nội, Hải Phòng, các thị
xã, miền núi, các nơi khác, căn cứ vào tính chất lao động khác nhau của các
ngành nghề.
Sau khi đã xác định hợp tác xã
thuộc ngành nghề nào trong biểu chung của Điều lệ và biểu chi tiết do Bộ Tài
chính hướng dẫn, thì toàn bộ xã viên của hợp tác xã (chính thức hay dự bị) đều
được trừ một mức miễn thu như nhau (không phân tích từng giai đoạn của dây chuyền
sản xuất và áp dụng những mức miễn thu khác nhau). Đối với hợp tác xã làm nhiều
nghề (phân biệt theo danh mục ở điều 14), ví dụ vừa sản xuất cơ khí, vừa sản xuất
văn phòng phẩm… thì phân tách riêng từng phân xưởng hay tổ sản xuất mà áp dụng
mức miễn thu đã quy định cho mỗi nghề, cho số xã viên tham gia sản xuất trong từng
phân xưởng hay tổ sản xuất.
Về cách tính số suất miễn
thu.
Để đơn giản việc tính toán và để
theo sát quy định của điều 14 Điều lệ thuế, số suất miễn thu hợp tác xã được trừ
là số xã viên thực tế có tham gia sản xuất trong kỳ kinh doanh, không lấy tổng
số ngày công chia cho 25 ngày như đã hướng dẫn trong Thông tư số 74-TC/TQD.
Trong việc tính trừ suất miễn
thu, cần giải thích cho hợp tác xã thông suốt yêu cầu quản lý lao động tốt để
phát triển sản xuất, hiểu rõ ý nghĩa của chính sách miễn thu là góp phần quản
lý tốt lao động, và trên cơ sở đó, tính trừ cả suất miễn thu cho số xã viên làm
từ 15 ngày trở lên và tính trừ 1/2 suất miễn thu cho số xã viên làm dưới 15
ngày.
Số ngày xã viên làm nhiệm vụ trực
chiến phòng không, xây hầm hố, di chuyển hoặc xây dựng cơ sở sơ tán đều được
coi như ngày tham gia sản xuất. Trường hợp do phải di chuyển, sơ tán, do báo động,
do mất điện, do không được cung cấp đủ nguyên vật liệu, nên bắt buộc phải có một
số xã viên nghỉ việc trong một số ngày, thì cũng vẫn được kể những ngày đó khi
tính toán số suất miễn thu được trừ. Trường hợp hợp tác xã có cơ sở sản xuất
tương đối ổn định, nhưng vì không quản lý tốt lao động, nên xã viên ngày làm,
ngày nghỉ, thì cần bàn bạc với ban quản trị hợp tác xã để loại trừ không tính
suất miễn thu cho những xã viên chỉ có danh nghĩa, chỉ làm việc từ 3 ngày trở
xuống.
Thuê nhân công trong phạm vi 20%
số xã viên thì được tính trừ tiền công phải trả cho số công thuê ngoài.
Trường hợp hợp tác xã sản xuất để
phục vụ quốc phòng, giao thông hay xuất khẩu, nếu vì nhu cầu đột xuất nhất thời
mà phải thuê quá mức 10% để bảo đảm sản xuất kịp thời gian, thì tính trừ tiền
công cho toàn bộ nhân công thuê ngoài như đã hướng dẫn trong Thông tư số
74-TC/TQD.
3. Về lợi tức
chịu thuế bình quân xã viên.
Để tính thuế, cần chia bình quân
số lợi tức của hợp tác xã để tìm ra lợi tức bình quân một xã viên (điều 16): lấy
lợi tức chịu thuế của hợp tác xã, chia cho tổng số xã viên thực sự có tham gia
sản xuất (cụ thể là chia cho số suất miễn thu đã trừ cho xã viên, cả xã viên
chính thức và dự bị), không được kể số thợ học việc, số người trong gia đình xã
viên làm thêm…
Đối với hợp tác xã có lợi tức vượt
mức (nói ở điều 16 Điều lệ thuế) thì cuối mỗi năm các Chi cục thu, Sở, Ty tài
chính cần nghiên cứu tính chất kinh doanh của hợp tác xã và căn cứ Điều lệ thuế
và thông tư số 74-TC/TQD, quán triệt yêu cầu khuyến khích cải tiến kỹ thuật và
cải tiến quản lý đồng thời điều tiết đúng mức những khoản thu nhập không hợp lý
mà đề nghị Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh xét quyết định mức thu đối với phần
lợi tức vượt mức của từng hợp tác xã, cũng như quyết định những trường hợp
không thu thêm vào lợi tức vượt mức.
4. Về miễn
giảm thuế lợi tức.
Nhằm khuyến khích hợp tác xã
tăng cường trang bị kỹ thuật, tận dụng phế liệu, phế phẩm để làm ra hàng hóa và
để chiếu cố các khó khăn của hợp tác xã trong thời chiến, Điều lệ thuế có quy định
nhiều trường hợp giảm thuế, miễn thuế lợi tức.
Việc trích giảm thuế cho các hợp
tác xã có mua sắm máy móc, công cụ và xây dựng nhà xưởng để sản xuất (điều 17
Điều lệ thuế), cần được tiến hành ngay sau khi hợp tác xã có mua sắm máy móc,
công cụ hoặc khởi công xây nhà xưởng sản xuất, không đợi hợp tác xã đưa vào sản
xuất rồi mới trích giảm. Tiền thuế được giảm, hợp tác xã phải bỏ vào quỹ tích
lũy để tăng cường quỹ tích lũy của hợp tác xã, không được đem chia cho xã viên
thành thu nhập cá nhân.
Đối với hợp tác xã di chuyển cơ
sở hoặc sơ tán phòng không, nếu sản xuất gặp khó khăn, thu nhập bị giảm sút,
thì cần quan tâm xem xét tình hình khó khăn, nếu tiền công xã viên và nhất là
quỹ tích lũy của hợp tác xã bị giảm sút so với trước khi di chuyển (do phải xây
dựng cơ sở mới, phải di chuyển nhiều lần nên tốn phí tiền vận tải…) thì cần giảm
thuế cho họ, không đợi thu nhập của hợp tác xã phải giảm sút ít nhất 25% mới
xét giảm như trước đây đã hướng dẫn trong Thông tư số 74-TC/TQD. Tỷ lệ giảm thuế
theo như quy định ở điều 19 Điều lệ thuế.
Đối với những cơ sở sản xuất thủ
công nghiệp bị thiệt hại do địch đánh phá, cơ quan thu các cấp cần quan tâm chiếu
cố, cần thống kê lại các trường hợp bị thiệt hại trong năm 1966 và đề nghị Ủy
ban hành chính cấp huyện xét giảm, miễn thuế lợi tức doanh nghiệp đúng chính
sách.
Việc miễn thuế lợi tức cho hợp
tác xã tận dụng phế liệu, phế phẩm hoặc nguyên vật liệu thay thế để làm ra bảng
hàng hóa sẽ do một thông tư quy định riêng.
5. Thanh
toán thuế lợi tức năm 1966.
Theo điều 16 Điều lệ thuế thì
căn cứ để tính thuế lợi tức doanh nghiệp là số lợi tức cả năm của hợp tác xã.
Đến nay đã hết năm 1966, cho nên
cần tiến hành thanh toán thuế lợi tức năm 1966. Các Chi cục thu, Sở, Ty tài
chính cần chỉ đạo chặt chẽ công việc này qua các bước tuyên truyền, giải thích
chủ trương chính sách, tiến hành kê khai lợi tức cả năm của hợp tác xã, xét trừ
hao phí vật chất và suất miễn thu, tính thuế theo thuế biểu và thực hiện giảm
miễn thuế, thu nộp thuế. Cần chỉ đạo riêng một, hai phòng tài chính để rút kinh
nghiệm chỉ đạo chung.
Riêng đối với các hợp tác xã
trong năm 1966 bị thiệt hại do địch bắn phá, các hợp tác xã di chuyển sơ tán,
các hợp tác xã dùng phế liệu, phế phẩm hoặc nguyên vật liệu thay thế để làm ra
hàng hóa, các hợp tác xã mà theo tính toán của các phòng tài chính, năm 1966 phải
chịu thuế suất 22% (ở Hà Nội và Hải Phòng) hay thuế suất 18% trở lên (ở các tỉnh),
thì các Chi cục thu, các Sở, Ty tài chính phải kiểm tra lại việc tính trừ hao
phí vật chất và suất miễn thu, việc tính thuế theo thuế biểu và việc thi hành
miễn giảm, để đảm bảo việc làm của cấp dưới theo đúng với điều lệ, chính sách,
rồi mới cho tiến hành việc thu nộp.
Đối với các hợp tác xã mà thuế lợi
tức năm 1966 tăng đột ngột so với năm 1965 thì cơ quan thu cần đề nghị với Ủy
ban hành chính địa phương xét cho nộp làm nhiều kỳ, nếu cần thiết lắm thì có thể
giảm thuế một phần, để tránh ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của hợp tác xã, tạo
điều kiện cho hợp tác xã ổn định sản xuất, kinh doanh, như đã hướng dẫn trong
Thông tư số 74-TC/TQD.
6. Tạm thu
thuế hàng tháng.
Để việc thu thuế lợi tức theo thật
sát tình hình chi phí và thu nhập hàng tháng của các ngành nghề và các hợp tác
xã, do đó góp phần giúp đỡ thúc đẩy hợp tác xã quản lý tốt sản xuất và tài vụ,
kịp thời ngăn ngừa lãng phí, tham ô, cần tiến hành việc tạm thu thuế lợi tức
hàng tháng trên cơ sở lợi tức chịu thuế ước tính của hợp tác xã, không tính
theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, cứ 3 hoặc 6 tháng một lần, cần căn cứ vào
quyết toán kinh doanh của hợp tác xã mà thanh toán thuế lợi tức và cuối năm thì
căn cứ vào lợi tức cả năm của hợp tác xã, sau khi kiểm tra lại chi phí, suất miễn
thu, v.v… mà tính lại thuế để thanh toán.
7. Đối với hợp
tác xã nông nghiệp kiêm nhiều nghề.
Cần chú ý miễn thuế doanh nghiệp
và thuế lợi tức doanh nghiệp cho phần sản phẩm dùng trong nội bộ hợp tác xã, phần
dùng để xây dựng các công trình sản xuất và phúc lợi trong xã và phần bán cho
xã viên trong hợp tác xã dùng vào sản xuất. Cần chú ý trừ suất miễn thu cho số
xã viên và những người trong gia đình họ chuyên sản xuất thủ công nghiệp cũng
như cho số xã viên làm nông nghiệp nhưng luân phiên sản xuất thủ công nghiệp. Đối
với những trường hợp sản xuất thủ công nghiệp chỉ có tính cách là nghề phụ, hoặc
là hoạt động từng thời vụ, quy mô nhỏ, thu nhập ít thì chưa thu thuế lợi tức
doanh nghiệp. Thuế lợi tức doanh nghiệp thu vào hợp tác xã nông nghiệp kiêm thủ
công nghiệp theo thuế suất thấp nhất, tức là 80% và thu dứt khoát từng tháng,
cuối năm không phải thanh toán lại.
8. Sản xuất
thủ công nghiệp trong từng vùng kinh tế.
Sản xuất thủ công nghiệp trong từng
vùng kinh tế: thành thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng có đặc điểm khác nhau.
Do đó, Ủy ban hành chính các cấp cần lãnh đạo chặt chẽ việc thi hành chính sách
thuế công thương nghiệp, nhất là thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các cơ sở sản
xuất thủ công nghiệp. Trong điều lệ thuế cũng như trong các thông tư hướng dẫn
của Bộ chỉ nêu những điểm chung, căn cứ theo đó Ủy ban hành chính các cấp thành
phố, tỉnh, trong những trường hợp cần thiết, cần vận dụng chính sách và những
điều quy định chung mà có những quyết định cụ thể, thích hợp với tình hình của
địa phương mình.
Các Chi cục thu, Sở, Ty, tài
chính cần nghiên cứu kỹ tình hình thủ công nghiệp ở địa phương, bàn bạc với cơ
quan quản lý thủ công nghiệp cùng xét kỹ các trường hợp cụ thể và căn cứ vào Điều
lệ thuế và các thông tư của Bộ Tài chính mà đề xuất ý kiến với cấp ủy và chính
quyền địa phương để giải quyết cho thích đáng, đồng thời báo cáo về Bộ để theo
dõi và rút kinh nghiệm chung.
Năm 1966 là năm đầu thi hành Điều
lệ thuế công thương nghiệp mới, tình hình kinh tế năm 1966 lại có nhiều biến
chuyển do hoàn cảnh chiến tranh. Để bảo đảm thực hiện đúng chính sách, cần phải
nắm vững quan điểm và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sản xuất
thủ công nghiệp, thực hiện đầy đủ các điều quy định trong Điều lệ thuế, phát
huy tác dụng của chính sách để góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất và củng cố hợp
tác xã. Trong việc chỉ đạo của cơ quan thu cũng như trong việc chấp hành của
cán bộ thu, có quán triệt sâu sắc quan điểm chính sách và yêu cầu nhiệm vụ, thì
mới tránh được lối làm việc tùy tiện, buông lỏng. Thông tư này hướng dẫn việc
thanh toán thuế lợi tức năm 1966, đồng thời cũng giải thích thêm về tinh thần
và yêu cầu quản lý của cán bộ thu đối với hợp tác xã thủ công nghiệp từ nay về
sau. Theo yêu cầu đó, không phải đến lúc phải thu thuế lợi tức, cán bộ mới đi
sâu tìm tòi tài liệu để tính toán, mà phải thường xuyên quản lý hợp tác xã.
Trong công tác quản lý thường xuyên hợp tác xã, điều căn bản nhất là cán bộ thu
phải có nhiệt tình rất cao đối với hợp tác xã do mình phụ trách quản lý, phải
đi sát với hợp tác xã, ra sức chăm nom cho hợp tác xã sản xuất tốt và tiết kiệm,
động viên và giúp đỡ cho các xã viên và các ủy viên quản trị, trước tiên là các
người giác ngộ nhất, biết chăm lo tăng cường và củng cố hợp tác xã, tự giác đấu
tranh ngăn ngừa những hành động vi phạm luật lệ của Nhà nước, có hại cho lợi
ích lâu dài của hợp tác xã.
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính
|