ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------
|
Số:
45/2008/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA NGƯỜI CÓ NGHĨA VỤ PHẢI
KÊ KHAI THUỘC CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm
2005; Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về việc
điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về
minh bạch tài sản, thu nhập; Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm
2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục người có nghĩa vụ kê
khai tài sản, thu nhập theo quy định tại Khoản 11, Điều 6 Nghị định số
37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu
nhập;
Căn cứ Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra
Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm
2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội tại Công văn số 814/TTTP-TH
ngày 23 tháng 10 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về việc
kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ phải kê khai; việc xác minh
tài sản, thu nhập; kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và
công khai bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập đối với
các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố Hà Nội (trừ các ngành Công an, Quân đội,
Kiểm soát, Tòa án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng của Quyết định
này gồm:
a) Đại biểu Quốc hội chuyên
trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội,
đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Cán bộ, công chức từ Phó Trưởng
phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương
đương Phó Trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Giám đốc, Phó Giám đốc, Viện
trưởng, Phó Viện Trưởng, Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng
khoa, Phó Trưởng Khoa và Bác sĩ chính tại các Bệnh viện, Viện nghiên cứu của
Nhà nước.
d) Tổng biên tập, Phó Tổng Biên
tập, Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban
các báo, đài, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước;
đ) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng,
Kế toán trưởng trường mầm non, trường tiểu học của Nhà nước tại các quận và 2
thành phố Hà Đông, Sơn Tây; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Kế toán trường trung
học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề,
trung tâm giáo dục thường xuyên của Nhà nước; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Kế
toán trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa và Giảng
viên chính các trường đại học, cao đẳng của Nhà nước;
e) Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế
toán trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban
quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; Giám
đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA);
g) Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám
đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng
quản trị, Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát, Phó Trưởng ban Kiểm
soát, Thành viên Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng,
Trưởng ban, Phó Trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước;
người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của
Nhà nước;
h) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND
xã, phường, thị trấn; trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Quân sự xã; cán bộ Địa
chính – Xây dựng, Tài chính - Kế toán của UBND xã, phường, thị trấn;
i) Thanh tra viên, Chấp hành
viên, Công chứng viên nhà nước;
k) Danh mục người có nghĩa vụ kê
khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 03
tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi
người có nghĩa vụ kê khai công tác; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu xác
minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xác minh; cơ quan, tổ
chức, đơn vị tiến hành xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên
quan có trách nhiệm triển khai chỉ đạo, đôn đốc các đối tượng nêu trên thực hiện
nghiêm túc theo đúng các qui định của pháp luật và Quyết định này.
Điều 3. Kê
khai lần đầu
1. Kê khai lần đầu theo Quyết định
này là việc người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập thuộc các trường hợp
sau đây:
a) Kê khai vào tháng 12 năm 2007
và tháng 12 của các năm tiếp theo mà trước đó chưa kê khai lần nào;
b) Kê khai phục vụ bổ nhiệm vào
các chức danh lãnh đạo, quản lý và bổ nhiệm ngạch công chức là đối tượng phải
kê khai mà trước đó chưa kê khai lần nào;
c) Kê khai theo Danh mục do Thủ
tướng Chính phủ ban hành (trừ trường hợp đã kê khai phục vụ bầu cử bổ nhiệm);
d) Những người đã kê khai để phục
vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, phục vụ bổ nhiệm trong
năm 2007 sau ngày Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính
phủ có hiệu lực.
2. Việc kê khai lần đầu được thực
hiện theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm
2007 của Chính phủ (mẫu 1) và là bản gốc được dùng làm căn cứ để so sánh, đối
chiếu với các bản kê khai bổ sung.
Điều 4. Kê
khai bổ sung
1. Kê khai bổ sung theo Quyết định
này là việc người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập thuộc các trường hợp
sau đây:
a) Kê khai định kỳ vào tháng 12
từ năm 2008 trở đi mà trước đó đã từng kê khai;
b) Đã từng kê khai phục vụ bầu cử,
bổ nhiệm từ sau ngày Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của
Chính phủ có hiệu lực thi hành.
2. Việc kê khai bổ sung thực hiện
theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng 11
năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
Điều 5.
Trình tự kê khai hàng năm
Kê khai hàng năm được thực hiện
theo trình tự sau:
1. Các cơ quan, đơn vị giao
Phòng Tổ chức cán bộ (hoặc Bộ phận Tổ chức) lập Danh sách người có nghĩa vụ kê
khai và trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt trước ngày 30
tháng 11 hàng năm.
2. Phòng Tổ chức cán bộ phát bản
kê khai cho người có nghĩa vụ kê khai và hướng dẫn kê khai như sau:
a) Nếu là kê khai lần đầu thì
phát mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm
2007 của Chính phủ;
b) Nếu là kê khai bổ sung thì
phát mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng 11
năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
3. Người có nghĩa vụ kê khai phải
thực hiện việc kê khai hàng năm và kê khai phục vụ bổ nhiệm phải tự kê khai, chịu
trách nhiệm về nội dung và sự trung thực, chính xác theo bản mẫu trong thời
gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản kê khai.
4. Trong thời gian 05 ngày, kể từ
ngày nhận được bản kê khai, cán bộ tổ chức phải kiểm tra lại bản kê khai, nếu
thấy việc kê khai chưa đúng mẫu quy định thì yêu cầu kê khai lại. Thời hạn kê
khai lại là 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Khi tiếp nhận bản kê khai,
cán bộ tổ chức phải làm giấy giao nhận bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu số
02 ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của
Chính phủ.
5. Trình tự kê khai và xử lý
phát sinh theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này phải hoàn thành chậm nhất
là vào ngày 31 tháng 12 của năm kê khai và gửi đến các cơ quan lưu giữ theo quy
định của pháp luật trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc kê khai.
Điều 6. Lưu
giữ bản kê khai
1. Nếu người kê khai không thuộc
diện cấp ủy quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì bản kê khai được
lưu cùng hồ sơ cán bộ của người đó tại đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ.
2. Nếu người kê khai thuộc diện
Thành ủy Hà Nội quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì thực hiện
như sau:
a) Bản gốc kê khai gửi cho Ban Tổ
chức Thành ủy Hà Nội;
b) Lưu 01 bản sao y tại cơ quan,
đơn vị;
c) Gửi 01 bản sao y cho Ủy ban
Kiểm tra Thành ủy Hà Nội;
d) Gửi 01 bản sao y cho Thanh
tra thành phố Hà Nội.
3. Nếu người kê khai thuộc diện
quận, huyện, thành phố trực thuộc (gọi chung là cấp huyện) quản lý theo quy định
phân cấp quản lý cán bộ thì thực hiện như sau:
a) Bản gốc kê khai gửi cho Ban Tổ
chức cấp Huyện ủy;
b) Lưu 01 bản sao y tại cơ quan,
đơn vị;
c) Gửi 01 bản sao y cho Ủy ban
Kiểm tra cấp Huyện ủy;
d) Gửi 01 bản sao y cho Thanh
tra cấp huyện.
4. Các cơ quan, đơn vị lưu giữ bản
kê khai phải có trách nhiệm phân công bộ phận lưu giữ, bảo quản theo chế độ “mật”
và chỉ phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của người có
thẩm quyền.
Điều 7. Kê
khai phục vụ việc bổ nhiệm
1. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền bổ nhiệm yêu cầu người dự kiến được bổ nhiệm thực hiện việc kê khai theo
trình tự sau:
a) Nếu chưa kê khai lần đầu thì
phát mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm
2007 của Chính phủ;
b) Nếu đã kê khai lần đầu thì
phát mẫu số 01 kê khai bổ sung ban hành kèm theo Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP
ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
2. Thời hạn kê khai, nộp bản kê
khai hoàn thành trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm và bảo đảm đủ thời gian 10
ngày cho người kê khai thực hiện việc kê khai.
Điều 8. Xác
minh tài sản, thu nhập
1. Khi có những căn cứ theo quy định
tại Điều 16, Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ
thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Điều 17, Nghị định số
37/2007/NĐ-CP có trách nhiệm ra văn bản yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập. Đối
với tố cáo, phản ánh giấu tên, mạo tên thì không xem xét để ra yêu cầu xác
minh.
2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị
có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập ra quyết định
xác minh tài sản, thu nhập theo mẫu số 03 Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, khi có văn
bản yêu cầu theo quy định; khi thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc miễn
nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật hoặc khi có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
3. Giải trình về việc kê khai:
a) Trước khi ra quyết định xác
minh, người có thẩm quyền phải có văn bản yêu cầu người dự kiến được xác minh,
giải trình về số lượng, biến động tài sản. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày
nhận được yêu cầu phải có văn bản giải trình về các nội dung yêu cầu và gửi cho
người có thẩm quyền.
b) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản giải trình, người có thẩm quyền ra quyết định phải xem
xét, cân nhắc, nếu thấy nội dung giải trình có căn cứ, thể hiện kê khai trung
thực, việc xác minh không cần thiết, thì người có thẩm quyền không ra quyết định
xác minh và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Điều 9. Cơ
quan, đơn vị tiến hành xác minh
1. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
tiến hành xác minh trường hợp cán bộ thuộc diện Thành ủy Hà Nội quản lý; trường
hợp cần thiết thì trưng tập cán bộ của Thanh tra thành phố Hà Nội tham gia xác
minh.
2. Ủy ban Kiểm tra cấp Huyện ủy
tiến hành xác minh trường hợp cán bộ thuộc diện cấp Huyện ủy quản lý. Trường hợp
cần thiết thì trưng tập cán bộ Thanh tra cấp huyện tham gia xác minh.
3. Trong trường hợp người được
xác minh là cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Đảng mà không thuộc diện
do cấp ủy quản lý thì tiến hành như sau:
a) Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội
tiến hành xác minh đối với cán bộ công tác tại Thành ủy Hà Nội;
b) Ban Tổ chức cấp Huyện ủy tiến
hành xác minh đối với cán bộ công tác tại quận, huyện, thành phố trực thuộc và
xã, phường, thị trấn.
4. Trong trường hợp người được
xác minh không thuộc diện cấp ủy quản lý; không phải là cán bộ đang công tác tại
các cơ quan Đảng ở thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn thì cơ quan tiến
hành xác minh được xác định như sau:
a) Thanh tra thành phố Hà Nội tiến
hành xác minh đối với cán bộ đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc
thành phố nhằm phục vụ cho việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật thuộc thẩm quyền
quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Trong trường hợp cần thiết thì
Thanh tra thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Thanh tra Sở nơi
cán bộ công tác xác minh;
b) Các tổ chức chính trị - xã hội,
xã hội – nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước thì đơn vị
phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan đó tiến hành xác minh;
c) Thanh tra Sở tiến hành xác
minh đối với cán bộ công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Sở nhằm phục vụ
việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở. Trong
trường hợp cần thiết thì Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với cán bộ tổ chức của
các đơn vị tham gia xác minh;
d) Thanh tra cấp huyện tiến hành
xác minh đối với cán bộ đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp
huyện nhằm phục vụ việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết
định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết thì Thanh tra cấp
huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
và phòng, ban chuyên môn có liên quan của UBND cấp huyện tham gia xác minh;
đ) Đối với doanh nghiệp Nhà nước,
đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tiến hành xác minh đối với cán bộ đang công
tác tại doanh nghiệp mình. Đối với người được cử đại diện phần vốn góp của Nhà
nước tại các doanh nghiệp do cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp tiến hành xác
minh. Trong trường hợp không có cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp thì giao
cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ tiến hành xác minh.
Điều 10. Kết
luận, công bố công khai bản kết luận
1. Bản kết luận về sự minh bạch
trong kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện theo mẫu số 04 ban hành kèm theo
Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ. Nếu nội dung
kê khai phù hợp với kết quả xác minh thì ghi tại kết luận của người xác minh về
việc kê khai tài sản, thu nhập: “Nội dung kê khai phù hợp với kết quả xác
minh”. Không ghi các thông tin về tài sản, thu nhập của người được xác minh; nếu
nội dung kê khai không phù hợp với kết quả xác minh thì bản kết luận chỉ ghi rõ
loại tài sản, thu nhập nào có sự chênh lệch, phần chênh lệch cụ thể giữa bản kê
khai và kết quả xác minh.
2. Việc công khai bản kết luận
được thực hiện như sau:
a) Đối với việc xác minh phục vụ
bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật thì người có thẩm quyền kết luận phải
ra quyết định công khai bản kết luận đó ngay sau khi bản kết luận được ban
hành;
b) Đối với việc xác minh theo
yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá
nhân đã ra kết luận phải ra quyết định công khai bản kết luận đó trong thời hạn
05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu công khai.
3. Bản kết luận được công bố
công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai làm việc.
Hình thức và thời hạn công khai do người ra quyết định công khai lựa chọn phù hợp
với mục đích, yêu cầu, thời hạn của việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật
theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Kê
khai, xác minh, kết luận, công khai kết luận phục vụ việc bầu cử
1. Việc kê khai phục vụ việc bầu
cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh
do Quốc hội bầu, phê chuẩn thực hiện theo Phần 4 Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP
ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
2. Việc kê khai phục vụ việc bầu
cử, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân; bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức
danh do Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn và phê chuẩn các chức danh do Hội đồng
nhân dân bầu thực hiện theo Phần 5 Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng
11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
Điều 12. Tổ
chức thực hiện
1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Thanh tra trong hệ thống tổ chức Thanh tra
Nhà nước chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng và cơ quan Nội vụ cùng cấp
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai, xác minh, kết luận và công khai bản
kết luận; thực hiện chế độ báo cáo tổng hợp định kỳ trước ngày 15 tháng 3 hàng
năm với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà
Nội, Thành ủy Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung
ương theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc
thành phố Hà Nội ngoài việc thực hiện Quyết định này, phải thực hiện đầy đủ các
quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ.
Quyết định số 85/2005/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành Danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định
tại Khoản 11, Điều 6 Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của
Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày
13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về UBND thành phố Hà Nội
(qua Thanh tra thành phố Hà Nội) để được xem xét, giải quyết.
Điều 13.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định trước đây của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND
thành phố Hà Nội (cũ) ban hành trái với Quyết định này.
Chánh Văn phòng UBND thành phố,
Chánh Thanh tra thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận,
huyện, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN;
- Bộ Nội vụ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (cục Kiểm tra văn bản);
- Thường trực Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch, các phó Chủ tịch UBND TP;
- Đoàn ĐBQH TP;
- Các Ban Đảng Thành ủy;
- Các Ban HĐND TP;
- Ban chỉ đạo PCTN TP;
- Như Điều 13;
- Báo Hà Nội mới;
- CVP, PVP; Công báo;
- Các CVNCTH;
- Lưu: Văn thư, Chung NC1 (2b)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Hồng Khanh
|