BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
12/2004/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 08 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ
NHÂN KHI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG THU PHÍ TRÊN QUỐC LỘ DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23
tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày
12 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức
ngày 26/02/1998, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công
chức ngày 28/4/2000 và ngày 29/4/2003; Pháp lệnh Chống tham nhũng ngày
26/02/1998;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí
ngày 28/8/2001, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP
ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường
bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định trách
nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong hoạt động
thu phí trên quốc lộ do Nhà nước quản lý”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 318/2003/QĐ-BGTVT ngày
30/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục
Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đào Đình Bình
|
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI VI PHẠM
TRONG HOẠT ĐỘNG THU PHÍ TRÊN QUỐC LỘ DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ
(ban hành theo Quyết định số 12/2004/QĐ-BGTVT ngày 19/8/2004 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải).
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi
áp dụng
1. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân thực hiện thu phí sử dụng đường
bộ và phí qua phà, bao gồm:
a) Trạm thu phí sử dụng đường bộ, Bến
phà.
b) Đơn vị quản lý thu phí: Công ty
(Đoạn) quản lý đường bộ hoặc Cụm phà trực tiếp quản lý Trạm thu phí, Bến phà.
c) Cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị
quản lý thu phí: Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công
chính), Cục Đường bộ Việt Nam.
d) Cá nhân thực hiện công tác thu phí
và quản lý thu phí gồm cán bộ nhân viên Trạm thu phí, Bến phà; lãnh đạo và cán
bộ nhân viên liên quan tại các đơn vị, cơ quan cấp trên của Trạm thu phí, Bến
phà.
2. Phạm vi áp dụng là Trạm thu phí sử
dụng đường bộ, Bến phà trên hệ thống quốc lộ do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân
sách nhà nước, bằng vốn vay và tổ chức thu phí hoàn vốn (sau đây gọi là Trạm
thu phí).
Quy định này không áp dụng đối với
các Trạm thu phí đường bộ, Bến phà được đầu tư để kinh doanh theo hình thức BOT
và các hình thức đầu tư để kinh doanh khác.
3. Đối với hoạt động thu phí sử dụng
đường bộ, bến phà trên hệ thống đường bộ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào Quy định này để quy định
cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Điều 2. Các tổ chức, cá nhân
nêu tại khoản 1 Điều 1 của Quy định này, ngoài việc tuân theo Quy định này còn
phải tuân theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản
lý, điều hành hoạt động thu phí và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên
quan.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG THU PHÍ
Mục A. TRÁCH NHIỆM
CỦA TỔ CHỨC
Điều 3. Trách nhiệm của Trạm thu phí
1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu phí
sử dụng đường bộ theo đúng những quy định quản lý hiện hành của Nhà nước, của Bộ
Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý cấp trên.
2. Căn cứ vào Quy định này và hướng dẫn
của cấp trên để xây dựng và tổ chức thực hiện Quy định của Trạm trong hoạt động
thu phí. Phải có quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện
thường xuyên.
3. Giáo dục, quản lý cán bộ, nhân
viên tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Quy định của Trạm; phấn đấu hoàn thành và
hoàn thành vượt mức kế hoạch thu phí, tiết kiệm chi phí; xây dựng đơn vị mạnh,
đoàn kết.
4. Thực hiện quản lý vé và tiền thu
phí, quản lý các tài sản giao cho Trạm theo đúng quy định chế độ hiện hành.
Điều 4. Trách nhiệm của Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ, Cụm phà trực tiếp quản lý Trạm thu phí
1. Thực hiện việc thành lập, tổ chức
bộ máy Trạm thu phí theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Xây dựng nội quy lao động, quy định
chi tiết của đơn vị về công tác quản lý thu phí theo đúng quy định của Nhà nước,
các cơ quan cấp trên, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Hướng dẫn việc
xây dựng và thực hiện quy định của Trạm thu phí.
3. Tổ chức hoạt động của Trạm thu phí
theo đúng quy định quản lý hiện hành; phối hợp với chính quyền địa phương để giữ
gìn trật tự trị an trong quá trình thu phí; có biện pháp giải quyết kịp thời để
tránh hiện tượng ùn tắc giao thông, gây phiền hà, cản trở... hoặc những hành vi
tiêu cực trong hoạt động thu phí.
4. Phải thường xuyên thực hiện kiểm
tra định kỳ, đột xuất và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra trong
hoạt động thu phí đường bộ theo đúng Quy định này.
5. Chấp hành đúng quy định về tổ chức,
thực hiện công tác kế toán, kế hoạch trong hoạt động thu phí; về quản lý thu,
chi và báo cáo kế toán, quyết toán phí sử dụng đường bộ; nộp ngân sách kịp thời,
đầy đủ, nộp trả nợ vay đúng kế hoạch, không chiếm dụng tiền thu phí để làm việc
khác.
6. Trang bị cơ sở vật chất cần thiết
cho trạm thu phí; giải quyết tiền lương, tiền thưởng và các chế độ cho cán bộ,
nhân viên thu phí theo quy định và đúng thẩm quyền.
7. Kiến nghị cơ quan cấp trên giải
quyết những vướng mắc về cơ chế quản lý thu phí, về chế độ quyền lợi cho cán bộ,
nhân viên thu phí hoặc tạo điều kiện và cơ sở vật chất
cần thiết cho hoạt động của Trạm thu phí.
Điều 5. Trách nhiệm của Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công
chính) có quản lý Trạm thu phí
1. Thực hiện chức năng tham mưu quản
lý chuyên ngành về thu phí đường bộ.
2. Xây dựng quy định trong quản lý điều
hành hoạt động thu phí. Tổ chức hướng dẫn chế độ và nghiệp vụ thu phí cho lực
lượng thu phí thuộc phạm vi phụ trách.
3. Hướng dẫn việc lập kế hoạch thu
phí, chi phí cho Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ, Cụm phà có quản lý Trạm thu
phí; tổng hợp kế hoạch thu phí, chi phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Hướng
dẫn công tác kế toán, báo cáo kế toán theo dõi thu phí cho Công ty (Đoạn) quản
lý đường bộ, Cụm phà; tổng hợp báo cáo kế
toán, quyết toán thu phí và kiểm tra kế toán theo quy định.
5. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất,
xử lý kịp thời những vi phạm của các trạm thu phí dưới quyền.
6. Đôn đốc các đơn vị quản lý thu phí
thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, nộp trả nợ vay theo kế hoạch được
giao. Hàng tháng, tổng hợp báo cáo kịp thời về số liệu thu phí, chi phí của các
Trạm thu phí thuộc quyền quản lý gửi Cục Đường bộ Việt Nam.
7. Đề xuất với lãnh đạo Cục Đường bộ
Việt Nam về những vấn đề cần sửa đổi, giải quyết trong cơ chế quản lý thu phí,
chế độ đối với nhân viên thu phí hoặc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hiện đại
hóa các Trạm thu phí dưới quyền.
Điều 6. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát
triển mạng lưới các Trạm thu phí sử dụng đường bộ trên hệ thống quốc lộ để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
2. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ
chế quản lý đối với hoạt động thu phí để trình cấp có thẩm quyền ban hành như:
quản lý thu phí, chi phí; quản lý lao động thu phí; chế độ tiền lương, tiền thưởng
và các chế độ khác trong hoạt động thu phí.
3. Tổ chức chỉ đạo việc thành lập, điều
chỉnh các Trạm thu phí theo quy hoạch được duyệt; từng bước trang bị hiện đại
hóa công tác thu phí đường bộ để đảm bảo hiệu quả, an toàn, thuận lợi trong
công tác thu phí.
4. Hướng dẫn thực hiện quy định của
Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức, quản lý hoạt động thu phí đường bộ; về công tác kế hoạch, công tác kế toán
trong thu phí; tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất, báo cáo quyết toán của các
Trạm thu phí.
5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ,
đột xuất về từng mặt hoặc toàn bộ hoạt động của Trạm thu phí, Công ty (Đoạn) Quản
lý đường bộ, Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (Giao thông công
chính) có Trạm thu phí; thực hiện xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Mục B. TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁ NHÂN
Điều 7. Trách nhiệm
của nhân viên bán vé, soát vé, nhân viên hướng dẫn xe, bảo vệ trạm thu phí (sau
đây gọi là nhân viên thu phí)
1. Phải có bản cam kết cá nhân trong
hoạt động thu phí, không vi phạm quy định của Nhà nước, của Bộ Giao thông vận tải,
của cấp trên đơn vị và nội quy của đơn vị trong quản lý thu phí đường bộ.
2. Phải bán đúng mệnh giá vé quy định
cho từng loại phương tiện. Phải trả lại đủ tiền thừa (nếu có) cho người mua.
3. Phải tự chịu trách nhiệm về quản
lý vé đã nhận và tiền đã thu được; nếu để nhầm lẫn, mất vé, mất tiền thì phải bồi
thường. Phải thực hiện giao nhận vé và nộp tiền bán vé theo đúng quy định.
4. Hướng dẫn lái xe dừng mua vé, vào
cửa kiểm soát vé, lên xuống phà đúng quy định. Khi kiểm tra vé, nếu phát hiện
thấy vé không đúng quy định (vé không đúng loại xe, vé giả, vé quay vòng, vé
quá hạn, cuống vé...) thì yêu cầu lái xe hoặc chủ xe phải dừng xe lại để giải
quyết, không để xe vượt qua trạm, bến phà mà không có vé hợp lệ, không được để
xảy ra ùn tắc giao thông.
5. Khi kiểm tra vé đúng loại thì phải
xé ngay vé giao lại cho lái xe phần vé thanh toán; nếu lái xe không nhận thì phải
xé bỏ. Phần vé kiểm soát phải thu lại, xử lý theo đúng quy định. Riêng vé thu
phí tự động, bán tự động có quy định chi tiết riêng, phải kiểm tra, xử lý theo
đúng quy định.
6. Không mang tiền mặt cá nhân trong
người khi đang làm nhiệm vụ.
7. Làm việc đúng vị trí quy định.
Không được tự ý đóng bớt cửa soát vé và ki ốt bán vé khi không có lệnh của Trạm
trưởng Trạm thu phí.
8. Phối hợp với lực lượng giữ gìn an
ninh và lực lượng của Trạm để bảo vệ tài sản, giữ trật tự tại ki ốt bán vé và
khu vực của Trạm thu phí. Không được để những người không có nhiệm vụ, người
bán hàng trong khu vực Trạm thu phí.
9. Phát hiện và báo cáo kịp thời những
hành vi vi phạm xảy ra trong đơn vị của mình.
Điều 8. Trách nhiệm của Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng
trạm thu phí
Trạm trưởng Trạm thu phí đường bộ là
người được Giám đốc Công ty (Đoạn) quản
lý đường bộ, Cụm phà giao trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của trạm.
Trạm trưởng có trách nhiệm sau:
1. Phải có bản cam kết cá nhân trước
khi bổ nhiệm; phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, chấp hành đúng quy định
chế độ của Nhà nước, thực hiện đúng nội quy lao động, đúng quy định của đơn vị,
của cấp trên đối với hoạt động của Trạm thu phí.
2. Tổ chức, sắp xếp, phối hợp giữa
các bộ phận, các ca làm việc để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch thu phí, tiết
kiệm chi phí, không để xảy ra ùn tắc giao thông; giải quyết mọi công việc theo
đúng quy định, đúng thẩm quyền.
3. Thường xuyên tổ chức và thực hiện
các hình thức, biện pháp kiểm tra cần thiết đối với việc thực hiện nhiệm vụ của
từng bộ phận, từng tổ, từng ca trong hoạt động thu phí. Nếu phát hiện có hành
vi vi phạm thì đình chỉ ngay bộ phận, cá nhân vi phạm, đồng thời báo cáo và đề
nghị Giám đốc Công ty (Đoạn) quản lý đường
bộ xử lý theo quy định.
4. Trạm trưởng không nhận những nhân
viên không đủ tiêu chuẩn hoặc nhân viên thu phí đã bị kỷ luật chuyển làm việc
khác; xử lý cán bộ, nhân viên vi phạm quy định của Trạm nhưng chưa đến mức vi
phạm Quy định này và phải chịu trách nhiệm về những quyết định xử lý.
5. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công ty (Đoạn) quản lý đường bộ, Cụm
phà về nhiệm vụ quản lý điều hành hoạt động của Trạm thu phí, chịu trách nhiệm
hoặc liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra tại đơn vị mình.
Ca trưởng, Tổ trưởng chịu trách nhiệm
trước Trạm trưởng về nhiệm vụ được phân
công.
Điều 9. Trách nhiệm của Giám đốc Công ty (Đoạn) quản lý
đường bộ, Cụm phà
1. Tổ chức, phối hợp hoạt động của
các Phòng, bộ phận nghiệp vụ để thực hiện tốt những nhiệm vụ quy định tại Điều
4.
2. Tổ chức thực hiện kiểm tra thường
xuyên, đột xuất đối với hoạt động của các Trạm thu phí thuộc quyền quản lý dưới
nhiều hình thức; xử lý nghiêm và kịp thời theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề nghị
cấp có thẩm quyền xử lý khi kiểm tra phát hiện có vi phạm.
3. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản
lý cấp trên về nhiệm vụ quản lý thu phí được giao; chịu trách nhiệm hoặc liên đới
chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra trong hoạt động thu phí.
Phó Giám đốc phụ trách thu phí chịu
trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công. Các Trưởng Phòng và nhân
viên có liên quan chịu trách nhiệm trước Phó Giám đốc phụ trách thu phí.
Điều 10. Trách nhiệm của Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường
bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính)
1. Tổ chức chỉ đạo việc thành lập, điều
chỉnh các Trạm thu phí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Đường
bộ Việt Nam, chỉ đạo cụ thể việc thực hiện quy định
trong tổ chức, quản lý hoạt động thu phí; chỉ đạo các Phòng, bộ phận nghiệp vụ
hoàn thành tốt trách nhiệm của Khu Quản lý đường bộ, của Sở Giao thông vận tải
(Giao thông công chính) trong quản lý hoạt động thu phí đã ghi tại Điều 5 Quy định
này.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường
xuyên, đột xuất đối với các Trạm thu phí thuộc quyền quản lý; xử lý nghiêm và kịp
thời theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm hoặc kịp thời kiến nghị cấp trên
xử lý.
4. Chịu trách nhiệm về các hoạt động
thu phí đường bộ, bến phà thuộc phạm vi
quản lý của mình và liên đới chịu trách nhiệm về các vi phạm xảy ra tại Trạm
thu phí dưới quyền.
Phó Tổng Giám đốc Khu phụ trách thu
phí chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Phó Giám đốc Sở phụ trách thu phí chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) về nhiệm vụ được giao.
Các Trưởng Phòng và nhân viên có liên quan chịu trách nhiệm trước Phó Tổng giám đốc Khu, Phó Giám đốc Sở phụ
trách thu phí.
Điều 11. Trách nhiệm của Cục
trưởng Cục Đường bộ Việt Nam
1. Tổ chức phối hợp hoạt động của các
Phòng, bộ phận tham mưu nghiệp vụ để hoàn thành tốt trách nhiệm của Cục Đường bộ
Việt Nam đã ghi tại Điều 6 Quy định này.
2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động
thu phí theo thẩm quyền quản lý của Cục; xử lý nghiêm và kịp thời những trường
hợp vi phạm theo thẩm quyền sau khi kiểm tra, thanh tra.
3. Chịu trách nhiệm về hoạt động thu
phí do Cục trực tiếp quản lý và liên đới chịu trách nhiệm về vi phạm xảy ra ở
đơn vị thu phí dưới quyền.
Phó Cục trưởng phụ trách thu phí chịu
trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ
được phân công. Các Trưởng Phòng và nhân viên có liên quan chịu trách nhiệm trước
Phó Cục trưởng phụ trách thu phí.
Chương 3.
HÀNH VI VI PHẠM
VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ
Mục A. HÀNH VI VI
PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN THU PHÍ
Điều 12. Hành vi vi phạm
1. Không thực hiện đúng một trong những
quy định trách nhiệm về:
a) Giao nhận vé và tiền bán vé.
b) Hướng dẫn xe dừng mua vé, vào cửa
kiểm soát vé, lên xuống phà, mở đóng cửa soát vé, ki ốt bán vé.
c) Giữ trật tự an ninh trong khu vực
Trạm thu phí.
d) Phát hiện và báo cáo những hành vi
vi phạm.
2. Có mùi rượu, bia trong giao tiếp
khi làm nhiệm vụ.
3. Có thái độ nóng nảy, thiếu văn
minh lịch sự với lái xe, chủ phương tiện.
4. Tự ý bỏ vị trí làm việc khi chưa
được sự đồng ý của người phụ trách.
5. Mang tiền cá nhân khi thi hành nhiệm
vụ.
6. Bán vé, soát vé không đúng loại
xe, vé rời, vé quay vòng, vé giả, cuống vé.
7. Không xé vé trả lại phần vé thanh
toán hoặc không trả lại vé tự động, bán tự động đã kiểm soát cho lái xe theo
quy định.
8. Thông đồng nhận tiền, hiện vật của
lái xe dưới mọi hình thức.
9. Tham gia vào các tệ nạn xã hội,
mua bán, sử dụng các chất ma túy, chất kích thích khác mà pháp luật có quy định
cấm.
Điều 13. Hình thức xử lý vi phạm
1. Khiển trách (bằng văn bản) trong
thời gian tối đa 3 tháng khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 1, 2, 3, 4, 5
của Điều 12.
2. Chuyển làm việc khác có mức lương
thấp hơn ngoài hoạt động thu phí khi tái phạm hoặc vi phạm hai khoản trong các
khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 12.
3. Sa thải khi:
a) Vi phạm 3 khoản trở lên trong các
khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 12.
b) Vi phạm lần đầu một trong các khoản
6, 7, 8, 9 của Điều 12.
c) Bị xử phạt theo quyết định của Tòa
án.
Nhân viên thu phí trong thời gian bị
khiển trách nếu trực tiếp phát hiện, có báo cáo Trạm trưởng hoặc Giám đốc Công
ty về các cá nhân vi phạm khoản 2, điểm a và b khoản 3 của Điều này, sẽ được
xét xóa bỏ kỷ luật.
Mục B. HÀNH VI VI
PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TRẠM TRƯỞNG, CA TRƯỞNG, TỔ TRƯỞNG TRẠM THU PHÍ
Điều 14. Hành vi vi phạm
1. Không hoàn thành một trong những
nhiệm vụ quy định tại Điều 8.
2. Thiếu tinh thần trách nhiệm trong
việc quản lý, kiểm soát thu phí dẫn đến việc nhân viên thu phí vi phạm bị xử
lý.
3. Có hành vi che dấu vi phạm của cán
bộ, nhân viên dưới quyền. Lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm các quy chế quản
lý tài chính làm thất thoát tiền phí, tài
sản của đơn vị hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác.
4. Nhận hoặc tổ chức nhận hối lộ dưới
mọi hình thức.
Điều 15. Hình thức xử lý
1. Khiển trách khi:
a) Vi phạm khoản 1 của Điều 14.
b) Vi phạm khoản 2 của Điều 14 dẫn đến có 3 nhân
viên thu phí trở lên bị khiển trách.
2. Cách chức chuyển làm việc khác có mức lương thấp
hơn ngoài hoạt động thu phí khi:
a) Không hoàn thành những nhiệm vụ quy định tại Điều
8.
b) Vi phạm khoản 2 của Điều 14 dẫn đến có 4 nhân
viên thu phí trở lên bị chuyển làm việc khác, hoặc có 2 nhân viên thu phí trở
lên bị sa thải.
3. Sa thải khi:
a) Vi phạm khoản 2 của Điều 14 dẫn đến có 4 nhân
viên thu phí trở lên bị sa thải.
b) Vi phạm khoản 3, 4 của Điều 14.
c) Bị xử phạt theo quyết định của Tòa án.
Tùy theo trường hợp cụ thể, việc xử lý Trạm trưởng
được xem xét kỹ vai trò trách nhiệm, có thể xử lý thấp hơn một mức so với hình
thức xử lý Ca trưởng, Tổ trưởng.
Trạm trưởng, Ca trưởng, Tổ trưởng trực tiếp phát hiện
và có báo cáo Giám đốc Công ty về các cá nhân vi phạm thì không phải chịu trách
nhiệm liên đới.
Mục C. HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI
LÃNH ĐẠO CẤP TRÊN CỦA TRẠM THU PHÍ
Điều 16. Xử lý vi phạm đối với Giám đốc Công ty (Đoạn) quản lý đường
bộ, Giám đốc Cụm phà
1. Khiển trách khi:
a) Không thực hiện một trong những nhiệm vụ quy định
tại Điều 4.
b) Để 1 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
2. Cảnh cáo khi:
a) Không thực hiện 2 trong những nhiệm vụ quy định
tại Điều 4.
b) Để 2 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
3. Hạ bậc lương khi:
a) Không hoàn thành 3 trong những nhiệm vụ quy định
tại Điều 4.
b) Để 3 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
4. Cách chức khi:
a) Không hoàn thành những nhiệm vụ quy định tại Điều
4.
b) Để 4 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
5. Buộc thôi việc khi:
a) Để 5 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
b) Bị Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động
thu phí.
Việc xử lý Phó Giám đốc phụ trách thu phí, các Trưởng
Phòng và nhân viên có liên quan được xem xét theo trách nhiệm, mức độ liên đới
và hình thức xử lý tương ứng cao hơn một mức so với Giám đốc.
Điều 17. Hình thức xử lý đối với Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ
và Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính)
Không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 5 thì
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo Pháp lệnh Cán bộ công chức, đồng
thời phải liên đới chịu trách nhiệm:
1. Bị khiển trách khi:
a) Để 3 Trạm trưởng Trạm thu phí dưới quyền bị sa
thải hoặc Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
b) Để 2 hoặc 2 lần Giám đốc Công ty (Đoạn) bị cảnh
cáo liên quan đến hoạt động thu phí.
c) Để 1 Giám đốc Công ty bị hạ bậc lương liên quan
đến hoạt động thu phí.
2. Bị cảnh cáo khi:
a) Để 4 Trạm trưởng Trạm thu phí dưới quyền bị sa
thải hoặc Tòa án xử phạt về tội liên quan đến hoạt động thu phí.
b) Để 2 hoặc 2 lần Giám đốc Công ty bị hạ bậc lương
liên quan đến hoạt động thu phí.
c) Để 1 Giám đốc Công ty bị cách chức liên quan đến
hoạt động thu phí.
3. Bị hạ bậc lương khi:
a) Để 5 Trạm trưởng Trạm thu phí dưới quyền bị sa thải hoặc Tòa án xử phạt về tội
liên quan đến hoạt động thu phí.
b) Để 2 Giám đốc Công ty bị cách chức liên quan đến
hoạt động thu phí.
c) Để 1 Giám đốc Công ty bị buộc thôi việc liên
quan đến hoạt động thu phí.
4. Bị cách chức khi:
a) Để 6 Trạm trưởng Trạm thu phí bị sa thải hoặc
Tòa án xử phạt về tội liên quan đến thu phí.
b) Để 2 Giám đốc công ty bị buộc thôi việc liên
quan đến hoạt động thu phí.
Việc xử lý Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải
(Giao thông công chính) phụ trách thu phí, các Trưởng Phòng và nhân viên có
liên quan được xem xét theo trách nhiệm, mức độ liên đới và hình thức xử lý
tương ứng cao hơn một mức so với Tổng Giám đốc Khu, Giám đốc Sở.
Điều 18. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, các Trưởng Phòng và
chuyên viên liên quan của Cục không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 11
thì tùy theo tính chất, Cán bộ công chức; đồng thời phải chịu trách nhiệm liên
đới và bị xử lý tùy theo mức độ bị xử lý của cấp dưới trong công tác quản lý,
điều hành hoạt động các Trạm thu phí.
1. Cục trưởng: bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc
lương hoặc cách chức tùy theo trách nhiệm cá nhân và mức độ vi phạm bị xử lý của
cấp dưới.
2. Phó Cục trưởng phụ trách thu phí, các Trưởng Phòng và chuyên viên liên quan của Cục Đường
bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra: bị khiển trách, cảnh
cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức tùy theo trách nhiệm cá nhân và mức độ vi phạm
bị xử lý của cấp dưới. Mức độ liên đới và hình thức xử lý tương ứng cao hơn một
mức so với Cục trưởng.
Mục D. THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19. Thẩm quyền xử lý vi phạm
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định xử lý
kỷ luật Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Đường
bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ.
2. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xử lý kỷ luật Giám đốc,
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính).
3. Các chức danh còn lại thực hiện nguyên tắc: cấp
nào quyết định bổ nhiệm thì cấp đó quyết định xử lý kỷ luật.
4. Trình tự quyết định xử lý kỷ luật được thực hiện
theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc Khu Quản lý
đường bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải
(Giao thông công chính) quản lý Trạm thu phí đường bộ do Nhà nước quản lý có
trách nhiệm phổ biến Quy định này tới các đơn vị trực thuộc để thực hiện.
Điều 21. Cục trưởng Cục Đường
bộ Việt Nam, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài
chính có trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Định kỳ hàng năm Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam
có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện Quy
định này.
Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức,
cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải phủ để xem
xét, giải quyết./.