HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/2013/NQ-HĐND
|
Tây Ninh, ngày 12 tháng 7 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY ĐỊNH MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 06 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm
2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC, ngày 24 tháng 7 năm 2002
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC, ngày 25 tháng 5 năm 2006
của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC, ngày 24 tháng 7
năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ
phí;
Căn cứ Thông tư số 39/2008/TT-BTC, ngày 19 tháng 5 năm 2008
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29 tháng
11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1120 /TTr-UBND, ngày 31 tháng 5
năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc Quy định mức thu và quản lý,
sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh,
báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến
của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua mức thu và quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường
đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức thu và quản lý, sử dụng phí bảo
vệ môi trường đối với chất thải rắn.
b) Đối tượng áp dụng
- Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn
là chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại phát sinh từ quá trình
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác (trừ chất thải rắn thông
thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình).
- Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn
là các tổ chức, cá nhân có thải chất thải rắn thuộc đối tượng chịu phí quy định
tại điểm a khoản 2 mục I Điều 1.
- Đối tượng không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với
chất thải rắn là cá nhân, hộ gia đình thải chất thải rắn sinh hoạt thông
thường; tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí nhưng tự xử lý hoặc ký hợp
đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định
của pháp luật.
2. Mức thu phí
a) Đối với chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động
của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề:
40.000 đồng/tấn.
b) Đối với chất thải rắn nguy hại: 6.000.000 đồng/tấn.
3. Mức trích để lại cho đơn vị thu phí và việc quản lý, sử
dụng tiền phí
a) Mức trích để lại cho đơn vị thu phí
Đơn vị tổ chức thu phí được để lại không quá 25% (hai mươi
lăm phần trăm) số phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí: Chi phí
phân tích mẫu đối chứng và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất làm cơ sở xác định
tính chất và khối lượng của chất thải; tiền lương, tiền công, phụ cấp lương,
văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, trang thiết bị, thông tin liên lạc, nhiên
liệu, điện, nước, công tác phí, khen thưởng.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức trích cụ thể cho
đơn vị thu phí, phù hợp với tình hình thực tế.
b) Phần còn lại sau khi trích cho đơn vị thu phí là khoản
thu ngân sách địa phương hưởng 100%, được dùng chi cho các nội dung theo quy
định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 174/2007/NĐ-CP, ngày 29/11/2007 của Chính
phủ, cụ thể:
- Chi cho việc xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi
trường, như: Đốt, khử khuẩn, trung hóa, trơ hóa, chôn lấp chất thải rắn hợp vệ
sinh, đảm bảo có kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá
trình xử lý chất thải.
- Chi hỗ trợ cho việc phân loại chất thải rắn, bao gồm cả
hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đối với cộng đồng trong
việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng bãi chôn lấp, công trình xử lý
chất thải rắn, sử dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý và tiêu hủy chất
thải rắn.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức triển khai thực hiện Nghị
quyết này đảm bảo đúng quy định.
Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh
và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa
VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua.