ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 656/KH-UBND
|
An Giang, ngày
06 tháng 12 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG THẤT THU THUẾ MẶT HÀNG XĂNG DẦU
THEO KẾ HOẠCH SỐ 352/KH-UBND NGÀY 01/7/2016 CỦA UBND TỈNH AN GIANG
Thực hiện công văn số 12733/BTC-TCT ngày
13/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác
quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; Công văn số 4156/TCT-DNL
ngày 13/9/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc tăng cường quản lý thuế
đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tiếp tục thực hiện các giải pháp chống
thất thu thuế mặt hàng xăng dầu theo Kế hoạch số 352/KH-UBND ngày 01/7/2016 của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện
một số biện pháp quản lý, cụ thể như sau:
I. Nội dung kế hoạch
1. Phạm vi điều chỉnh của Kế
hoạch:
a) Kế hoạch này áp dụng đối với tất cả các cơ sở
kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp...), các
doanh nghiệp là đầu mối hoặc tổng đại lý cung cấp xăng, dầu và người tiêu thụ
xăng, dầu hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang.
b) Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng tem niêm
phong công tơ tổng tại cột đo xăng, dầu được thực hiện theo Quy trình kiểm định
cột đo xăng dầu theo tiêu chuẩn ĐLVN 10: 2013; Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày
19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Thông tư số
15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
quy định về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
2. Quản lý sản lượng:
a) Bằng phương pháp dán tem niêm
phong công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu hiện đang sử dụng tại các cơ sở
kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh để xác định các chỉ số (chỉ số đầu
kỳ, chỉ số cuối kỳ), qua đó xác định lượng xăng, dầu xuất bán, cụ thể:
- Tem niêm phong công tơ tổng do
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất tỉnh An Giang phát hành,
quản lý và xác định vị trí dán tem.
- Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu
phải có trách nhiệm bảo quản tem niêm phong đang dán trên công tơ tổng theo Nghị
định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng sản phẩm
hàng hóa. Nếu cơ sở kinh doanh tự ý bóc dỡ tem niêm phong sẽ bị xử lý theo quy
định của ngành chuyên môn và ấn định thuế theo Luật quản lý thuế hiện hành.
- Hàng quý, vào ngày đầu của quý,
ngành Thuế cùng quản lý thị trường cử công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng,
dầu để ghi chỉ số đang thể hiện công tơ tổng, chỉ số công tơ là cơ sở đối chiếu
với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
- Khi doanh nghiệp có nhu cầu sửa chữa công tơ tổng
do sự cố, hư, hỏng thì phải thông báo bằng văn bản với Cơ
quan thuế và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được giải quyết. Sau khi sửa chữa, doanh nghiệp
thông báo cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm niêm phong và Cơ
quan thuế ghi chỉ số công tơ tại thời điểm niên phong.
b) Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu
tự xác định các chỉ số thể hiện trên công tơ tổng để tính toán lượng xăng, dầu
xuất bán làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khai thuế;
c) Cơ sở kinh doanh xăng, dầu thực
hiện ghi chép đầy đủ nội dung sổ nhật ký theo dõi sử dụng phương tiện đo xăng,
dầu mỗi khi doanh nghiệp tự kiểm tra cột đo xăng, dầu hoặc khi cơ quan nhà nước
chuyên môn kiểm tra, thanh tra xác nhận tình trạng hoạt động của cột đo xăng, dầu.
Đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước liên quan khi phát sinh việc
hư hỏng công tơ tổng.
d) Cơ quan thuế các cấp tiến hành
phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tem niêm phong công tơ tổng đối với
tất cả cột đo xăng, dầu; xử lý đối với các trường hợp có tác động chủ quan của
các cơ sở kinh doanh làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng dẫn đến sai lệch
lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ.
Trong quá trình kiểm tra, thanh
tra nếu xét thấy cần phải kiểm tra lượng xăng dầu tồn kho thực tế để có cơ sở
xác định tính trung thực của hồ sơ khai thuế thì tiến hành kiểm kê xăng, dầu tồn
kho tại cơ sở kinh doanh.
3. Quản lý giá:
a) Các cơ sở kinh doanh phải thực
hiện theo thông báo của doanh nghiệp đầu mối về giá bán xăng, dầu trên thị trường
nhưng không được vượt quá giá trần do ngành Tài chính thông báo; đồng thời thực
hiện niêm yết giá và bán theo đúng giá đã niêm yết. Việc niêm yết giá có thể
dùng bảng cố định, bảng giá tại quầy, tại bàn ... hoặc treo tại nơi khách hàng
có thể dễ dàng nhận biết, các cơ quan nhà nước dễ kiểm tra, kiểm soát.
b) Các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phải thường xuyên kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh vi phạm về giá bán
xăng, dầu, không thực hiện niêm yết giá xăng, dầu theo quy định.
4. Quản lý doanh thu và
thuế:
a) Xác định số lượng xăng, dầu xuất
bán, cụ thể:
Số lượng xăng, dầu tiêu thụ
trong kỳ = (chỉ số xăng, dầu cuối kỳ thể hiện trên công tơ tổng - chỉ số xăng,
dầu đầu kỳ thể hiện trên công tơ tổng) + số lượng xăng, dầu giao bán thẳng
không qua công tơ tổng.
Trong đó:
- Cần phải quản lý chỉ số đầu kỳ
và chỉ số cuối kỳ phản ảnh trên công tơ tổng cột đo xăng, cột đo dầu để xác định
số lượng xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ;
- Cần phải quản lý các hợp đồng
kinh tế mua, bán xăng, dầu bằng hình thức giao thẳng đến chân công trình, đến tận
nhà máy... không qua công tơ tổng (giao tay ba giữa các doanh nghiệp với nhau).
b) Xác định doanh thu tính thuế của
cơ sở kinh doanh xăng, dầu:
Doanh thu tính thuế = số lượng
xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ nhân (x) đơn giá bán theo thông báo của doanh nghiệp
đầu mối tại thời điểm xuất bán.
Trong đó:
- Để quản lý giá bán xăng, dầu cần
theo dõi, cập nhật thông báo giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo từng
thời điểm.
- Kiểm tra liên lưu hóa đơn (liên 1)
của hàng hóa bán ra với các chỉ số phản ánh trên công tơ tổng để đối chiếu phát
hiện các trường hợp kê khai số lượng, kê khai giá tính thuế và thuế suất thuế
GTGT chưa đúng quy định.
c) Xác định khoản chi phí được trừ
và không được trừ, trong đó tập trung kiểm tra đối chiếu hợp đồng kinh tế, hóa
đơn, chứng từ để xác định lượng và giá trị xăng, dầu mua vào tương ứng với lượng
và giá trị xăng, dầu bán ra.
d) Áp dụng chính sách thuế hiện
hành để xác định các khoản thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
đ) Trường hợp các cơ sở kinh doanh
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn chứng từ, không ghi chép hạch
toán sổ sách theo quy định để trốn thuế, gian lận thương mại phải kiên quyết xử
lý nghiêm minh. Các cơ sở kinh doanh không được sử dụng bất cứ một loại hóa
đơn, chứng từ khác ngoài những hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật để
cung cấp và thu tiền của khách mỗi khi có giao dịch.
e) Làm tốt công tác xác minh hóa
đơn đầu vào, đầu ra; xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm chế độ
phát hành, sử dụng hóa đơn.
II. Các biện
pháp thực hiện
1. Tuyên
truyền, phổ biến nội dung Kế hoạch:
Giao Cục Thuế chủ trì và phối hợp các sở, ngành
có liên quan:
a) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi
trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân, doanh nghiệp và nhất
là các cơ sở kinh doanh đang hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An
Giang biết và thực hiện về phương án quản lý thu thuế bằng phương
pháp dán tem công tơ tổng trên cột đo xăng, dầu.
b) Tuyên truyền
các nội dung về việc chấp hành niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, về việc
thực hiện quy định về hóa đơn khi bán xăng, dầu cho khách hàng, về việc thực hiện
sổ sách kế toán, về việc kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.
c) Đẩy mạnh dịch vụ công hỗ trợ
người nộp thuế qua điện thoại, kịp thời giải đáp các vướng mắc theo yêu cầu của
các cơ sở kinh doanh; duy trì và phát huy tính hiệu quả của “đường dây nóng”.
2. Thực hiện
quy chế phối hợp:
a) Thực hiện
quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, thường
xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, bắt giữ và
xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh An
Giang.
b) Sở Công Thương chủ động xây dựng
kế hoạch thanh tra, kiểm tra; chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Cục
Thuế và Công an tỉnh để tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá
nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, tập trung vào những cơ sở kinh doanh có
biểu hiện buôn lậu xăng, dầu, gian lận về thuế, gian lận thương mại và kiểm tra
việc bảo quản tem niêm phong chỉ số công tơ tổng của cơ sở kinh doanh. Qua đó,
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cục Thuế căn cứ vào kế hoạch của
Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và Công an tỉnh để
phối hợp kiểm tra thuế.
III. Tổ chức thực hiện
1. Ngành Thuế
(Cục Thuế và các Chi cục Thuế):
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, bảo đảm quản lý bao quát toàn bộ hoạt động
kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành liên quan trên địa
bàn tỉnh, huyện, thành phố phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện kế
hoạch.
b) Thực hiện tốt vai trò tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền địa phương về quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành các chính sách, biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn phù hợp từng thời kỳ; Chủ trì phối hợp với các cơ
quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý thuế
đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải
pháp đã đề ra.
c) Phối hợp với các ngành liên
quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung của kế hoạch đến toàn bộ các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
d) Giao Cục trưởng Cục Thuế quyết
định thành lập các Tổ công tác liên ngành gồm công chức ngành thuế (Cục Thuế,
các Chi cục Thuế trực thuộc), công chức Sở Công Thương (Chi cục Quản lý Thị trường)
và công chức Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
tổ chức dán tem niêm phong công tơ tổng đối với các cột đo xăng, dầu.
đ) Cử công chức tham gia các Tổ kiểm
tra để Sở Công Thương quyết định thành lập cùng với các ngành liên quan thực hiện
kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Thuế.
e) Hàng quý, vào ngày đầu của quý,
ngành Thuế cùng quản lý thị trường cử công chức thuế đến cơ sở kinh doanh xăng,
dầu để ghi chỉ số đang thể hiện công tơ tổng, chỉ số công tơ là cơ sở đối chiếu
với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
g) Thực hiện kiểm tra đối chiếu số
liệu của cơ sở kinh doanh xăng dầu phản ảnh trên hồ sơ khai thuế với lượng xuất
ra phản ảnh trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu và giá trị xuất bán
xăng, dầu để xử lý theo các quy định của pháp luật về Thuế.
h) Định kỳ 6 tháng, phối hợp với Sở
Khoa học và Công nghệ (Chi cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường) họp đánh giá
kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
i) Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Cơ
quan thuế các cấp phải đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này và đề ra các giải
pháp mới, bổ sung hoặc điều chỉnh phương pháp quản lý thu thuế cho phù hợp với
tình hình thực tế (có thể lồng ghép trong báo cáo sơ, tổng kết).
k) Gắn việc tổ chức thực hiện kế
hoạch này với thực hiện các chuyên đề quản lý thuế của
ngành thuế; đưa việc thực hiện kế hoạch thành
một trong những mục tiêu thi đua, có động viên khen thưởng kịp thời.
2. Sở Khoa học
và Công nghệ:
a) Giao Chi cục Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng phát hành, quản lý tem, vị trí dán tem
(dán tem niêm phong tại vị trí lắp đặt công tơ, niêm phong hai đầu dây hàn vào
mạch in trên bộ số và lập biên bản niêm phong ghi chỉ số công tơ tổng tại thời
điểm niêm phong); thời điểm kiểm tra đối với tem đang dán trên
công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu là thời gian kiểm định định kỳ tiếp
theo (chu kỳ kiểm định cột đo nhiên liệu là 1 năm).
b) Phối hợp cử công chức tham gia
các Tổ công tác để Cục Thuế quyết định thành lập thực hiện niêm phong bằng
phương pháp dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cơ sở
kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
c) Cử công chức tham gia phối hợp liên ngành thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
3. Sở Công
Thương:
a) Giao Giám đốc Sở Công Thương
quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên ngành gồm công chức Sở Công Thương (Chi cục
Quản lý Thị trường), công chức ngành Thuế (Cục Thuế, các Chi cục Thuế trực thuộc),
công chức Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng),
Công an tỉnh và sở ngành liên quan tổ chức, thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột
xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện, thành phố
trong tỉnh.
b) Thực hiện xử lý nghiêm theo thẩm
quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, quản lý thị trường đối với
hoạt động kinh doanh xăng dầu.
4. Sở Tài
Chính:
a) Tổ chức triển khai thực hiện
nhiệm vụ, chức năng quản lý giá đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; phối hợp
với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
b) Thông báo về giá cả thị trường
của một số sản phẩm xăng, dầu theo từng thời điểm để cơ quan thuế tham khảo,
xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, mua đối với các
cơ sở kinh doanh kê khai thuế không trung thực.
5. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra
liên ngành và trực tiếp triển khai thực hiện kế hoạch trong phạm vi địa bàn huyện,
thị, thành phố.
b) Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành
tại địa phương cung cấp các thông tin có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh
doanh xăng, dầu đóng tại địa bàn.
6. Đối với cơ sở
kinh doanh xăng, dầu:
a) Thực hiện đầy đủ và đúng nội
dung quy định của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Quốc
hội khóa 13 và các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Khi bán xăng,
dầu phải xuất đầy đủ hóa đơn theo quy định cho người tiêu dùng.
b) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ
sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan nhà nước
có thẩm quyền khi được kiểm tra.
c) Thực hiện theo quy định của Nhà
nước về giá bán xăng, dầu; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lượng
xăng, dầu tồn kho tại thời điểm nhà nước điều chỉnh giá bán xăng, dầu trên thị
trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.
d) Thông báo kịp thời cho cơ quan
nhà nước có thẩm quyền khi tem niêm phong bị hư hỏng do ảnh hưởng của các tác động
khách quan để được thay thế tem mới.
Trong quá trình tổ chức triển khai
thực hiện kế hoạch, nếu có các quy định mới liên quan đến quản lý, thu thuế đối
với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|