Ngày 17/6/2010, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá
XII đã thông qua Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thuế SDĐPNN) có hiệu lực
thi hành từ ngày 01-01-2012. Đây là Luật thuế có sự kế thừa, bổ sung và nâng
cao tính pháp lý của Pháp lệnh thuế Nhà đất đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
ban hành ngày 31/7/1992 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh
thuế nhà, đất ngày 19/5/1994, đồng thời là Luật thuế có đối tượng Người nộp thuế
rất rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của các hộ
gia đình, cá nhân, các tổ chức và đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc.
Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật thuế
SDĐPNN trên địa bàn tỉnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của quý
II năm 2012, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đảm bảo động viên công bằng,
hợp lý sự đóng góp của Người sử dụng đất, khuyến khích các tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ về đất
và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh mà còn góp phần
tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai ở cơ sở, tạo nguồn thu ổn định và chủ động
cho Ngân sách địa phương. Để thực hiện có hiệu quả và đảm bảo hoàn thành đúng
thời hạn theo Kế hoạch triển khai Luật thuế SDĐPNN trên địa bàn tỉnh, thực hiện
Công văn số 12056/BTC-TCT ngày 09/9/2011 của Bộ Tài chính về việc phối hợp triển
khai Luật thuế SDĐPNN, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã
trong tỉnh; Cục thuế tỉnh; Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể có liên quan thực hiện
tốt một số nhiệm vụ như sau:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã:
1.1. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện
Luật thuế SDĐPNN của huyện, thành phố, thị xã do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch
UBND cấp huyện làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Chi cục trưởng Chi cục thuế là Phó ban
thường trực, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường làm Phó ban và các thành
viên tham gia BCĐ của huyện, thành phố, thị xã là Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch,
Chánh Văn phòng UBND và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.
Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật thuế
SDĐPNN của huyện, thành phố, thị xã có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch của UBND huyện,
thành, thị và trực tiếp chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai Luật thuế
SDĐPNN trên địa bàn huyện, thành, thị theo Kế hoạch, Hướng dẫn của Cục thuế tỉnh.
Đảm bảo nguồn nhân lực phân công trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm
tra thực hiện các công việc triển khai Luật thuế SDĐPNN tại từng xã, phường, thị
trấn (lực lượng chủ yếu là cán bộ của Phòng Tài nguyên Môi trường và cán bộ của
Chi cục thuế). Tạo điều kiện về cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí (nếu có) cho
triển khai thực hiện Luật thuế SDĐPNN trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã.
1.2. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên
địa bàn huyện, thành phố, thị xã thành lập Tổ công tác triển khai Luật thuế
SDĐPNN của các xã, phường, thị trấn do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã
làm Tổ trưởng, cán bộ Tài chính là Tổ phó thường trực, Cán bộ Địa chính là Tổ
phó, các thành viên tham gia Tổ công tác là các cán bộ Uỷ nhiệm thu thuế của
xã, phường, thị trấn và các Trưởng thôn, Tổ trưởng khu phố.
Tổ công tác triển khai Luật thuế SDĐPNN của các
xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ Xây dựng kế hoạch của UBND xã, phường, thị trấn
và thực hiện các bước công việc triển khai Luật thuế SDĐPNN tại xã, phường, thị
trấn theo Kế hoạch và yêu cầu chỉ đạo của Ban chỉ đạo huyện, thành phố, thị xã.
1.3. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường
phối hợp chặt chẽ với Chi cục thuế, UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan phối
hợp triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc xác định diện tích đất sử dụng không
đúng mục đích, diện tích đất lấn chiếm, diện tích đất chưa sử dụng để tính thuế
sử dụng đất phi nông nghiệp theo Thông tư số 45/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường;
1.4. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Cục thuế
tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thi hành Luật
thuế; Chỉ đạo các Chi cục thuế và các phòng, ban liên quan thường xuyên phối hợp
đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, phát hiện và xử lý kịp thời
những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật thuế SDĐPNN trên địa
bàn hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc:
2.1. Chủ trì, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra,
giám sát tình hình triển khai Luật thuế SDĐPNN trên địa bàn; Chủ động xây dựng
Kế hoạch cụ thể để hướng dẫn và chỉ đạo Ban chỉ đạo triển khai Luật thuế SDĐPNN
của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó thường xuyên
báo cáo, tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh kịp thời chi đạo Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành, thị và các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh có liên
quan tập trung phối hợp để triển khai thực hiện đúng các nội dung và thời hạn Kế
hoạch đề ra.
2.2. Chủ động phối hợp với các cơ quan Thông tin
truyền thông để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng những điểm cơ bản của Luật Thuế
SDĐPNN, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành, các
Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Luật thuế SDĐPNN;
Chuẩn bị và cung cấp nội dung tuyên truyền phù hợp theo từng đối tượng khác
nhau với hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thực hiện liên tục trong
quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật thuế SDĐPNN.
2.3. Hướng dẫn quy trình lập tờ khai thuế SDĐPNN
năm 2012 tại xã, phường, thị trấn và tại Chi cục thuế trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo
Chi cục thuế phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tập huấn cho toàn bộ
cán bộ xã, phường, thị trấn trực tiếp tham gia thực hiện công tác này.
2.4. Tổ chức công bố đường dây nóng tại Văn
phòng Cục thuế và các Chi cục thuế để thường xuyên nắm bắt các thông tin và vướng
mắc trong thời gian triển khai thực hiện Luật thuế SDĐPNN, phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. Đối với
những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Tổng
cục thuế - Bộ Tài chính để được giải quyết.
2.5. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng
dẫn thực hiện Luật (hạn mức, xác định diện tích đất lấn chiếm, diện tích sử dụng
không đúng mục đích, diện tích chưa sử dụng…), thực hiện tốt việc trao đổi cơ sở
dữ liệu và tổ chức thực hiện.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
3.1. Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng
Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã:
- Tích cực tham gia Ban Chỉ đạo triển khai thực
hiện Luật thuế SDĐPNN của huyện, thành phố, thị xã và kịp thời hỗ trợ cán bộ Địa
chính xã, phường, thị trấn cung cấp cơ sở dữ liệu và ngành Tài nguyên Môi trường
đang quản lý giúp cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có sử dụng đất ở, đất
phi nông nghiệp trên địa bàn của từng xã, phường, thị trấn và huyện, thành, thị
lập tờ khai thuế SDĐPNN.
- Hướng dẫn cán bộ địa chính và UBND các xã, phường,
thị trấn phê duyệt Tờ khai thuế SDĐPNN của các hộ gia đình, cá nhân (mục II
trong tờ khai thuế SDĐPNN); Giúp Chi cục thuế xác định căn cứ tính thuế của các
tổ chức khi có đề nghị của Chi cục thuế, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và kịp
thời theo Kế hoạch triển khai thực hiện Luật thuế SDĐPNN trên địa bàn tỉnh.
3.2. Sớm hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến
năm 2020, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 trình cấp có thẩm quyền thông qua;
Chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện cung cấp hồ
sơ kê khai của các thửa đất cho cơ quan Thuế để làm căn cứ tính thuế;
3.3. Thực hiện rà soát các Quyết định của UBND tỉnh
về quy định hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc tương ứng với các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong
từng thời kỳ làm căn cứ tính thuế SDĐPNN.
3.4. Phối hợp với Cục thuế tỉnh hướng dẫn thực
hiện Luật đối với những lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành (hạn mức,
xác định diện tích đất lấn chiếm, diện tích sử dụng không đúng mục đích, diện
tích chưa sử dụng…), đảm bảo kết hợp triển khai thực hiện Luật thuế SDĐPNN với
việc quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai theo quy định.
4. Sở Xây dựng: Chủ trì, rà
soát cơ sở dữ liệu về nhà đất, đối với đất ở, nhà chung cư (bao gồm cả trường hợp
vừa để ở, vừa để kinh doanh), cung cấp cho cơ quan thuế để xác định hệ số phân
bổ diện tích tính thuế đối với đất ở nhà chung cư theo quy định của Luật thuế
SDĐPNN;
5. Sở Lao động Thương binh Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan cung cấp cho cơ quan thuế hệ thống cơ sở
dữ liệu về các đối tượng chính sách để làm căn cứ miễn, giảm nộp thuế theo quy
định tại Nghị định số 53/2011/NĐ-CP ngày 01/7/2011 của Chính phủ và Thông tư số
153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính;
6. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp
với các cơ quan liên quan, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành bảng giá đất
trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng, đủ để làm căn cứ tính thuế; Thống nhất với Cục
thuế tỉnh về kinh phí thực hiện triển khai tại các huyện, thành phố, thị xã tại
Điểm 1.1. nói trên (Ngân sách tỉnh, huyện hay kinh phí của ngành thuế), báo cáo
UBND tỉnh chỉ đạo.
7. Các Tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân là người nộp thuế có trách nhiệm chấp hành kê khai thuế, nộp thuế theo quy
định của Luật thuế SDĐPNN và các Văn bản hướng dẫn thi hành.
8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Các cơ quan Báo Vĩnh
Phúc, Đài phát thanh Truyền hình Vĩnh Phúc, các Sở, Ban, Ngành và các Đoàn thể
có liên quan: Tích cực và kịp thời phối hợp với Cục Thuế tỉnh để thực hiện tốt
công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung của Luật thuế SDĐPNN và các văn bản hướng
dẫn thi hành đồng bộ với thời gian thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Luật
thuế SDĐPNN trên địa bàn tỉnh, phối hợp giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức thực
hiện.
Việc triển khai thực hiện tốt Luật thuế SDĐPNN lần
này không chỉ đảm bảo cho Hệ thống các Luật thuế đã được Quốc Hội phê chuẩn ban
hành được thực thi nghiêm túc, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời nguồn thu thuế ổn
định, chủ động cho Ngân sách địa phương, nhất là cấp cơ sở theo quy định của
Pháp luật mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với việc tăng cường một bước
công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Các Sở,
Ban, ngành và các đoàn thể có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị
này./.