TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI
CAO - BỘ NGOẠI GIAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2016/TTLT-TANDTC-BNG
|
Hà Nội, ngày
tháng năm 2016
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ LIÊN
TỊCH
QUY
ĐỊNH VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CỦA VIỆT NAM Ở
NƯỚC NGOÀI ĐỂ TỐNG ĐẠT VĂN BẢN TỐ TỤNG CHO ĐƯƠNG SỰ Ở NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC VỤ
VIỆC DÂN SỰ VÀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 25 tháng
11 năm 2015;
Căn cứ Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng
11 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa tòa án
nhân dân và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt văn bản tố
tụng cho đương sự ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính.
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về việc phối
hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Cơ
quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng theo quy
định tại điểm d khoản 1 Điều 474 của Bộ luật tố tụng dân sự, điểm d khoản 1
Điều 303 của Luật tố tụng hành chính và khoản 13 Điều 8 của Luật Cơ quan đại diện nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với việc
tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự và
vụ án hành chính khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Đương sự là công dân Việt Nam, người nước
ngoài cư trú, cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở tại nước mà nước đó không
phản đối cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam
tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án Việt Nam cho các đương sự đó.
2. Tòa án của Việt Nam không được phép tống đạt
văn bản tố tụng cho cho đương sự theo đường bưu chính đã được quy định tại điểm
c khoản 1 Điều 474 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc điểm c khoản 1 Điều 303 của
Luật tố tụng hành chính do nước nơi đương sự cư trú hoặc có trụ sở phản đối
nước khác tống đạt văn bản tố tụng theo đường bưu chính cho các đương sự đó.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận là cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự.
2. Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ
quán; Cơ quan đại diện lãnh sự là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.
3. Người nước ngoài là công dân của quốc gia
tiếp nhận, người không quốc tịch và công dân nước khác cư trú tại quốc gia tiếp
nhận mà quốc gia này không phản đối cách thức tống đạt thông qua cơ quan đại
diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam.
4. Người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt
văn bản tố tụng là đương sự quy định tại Điều 152 và Điều 153 của Bộ luật tố
tụng dân sự.
5. Chi phí tống đạt văn bản tố tụng là các
chi phí sau đây:
a) Chí phí để Tòa án gửi văn bản tố tụng theo
đường bưu chính đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận;
b) Chí phí để cơ quan đại diện của Việt Nam ở
quốc gia tiếp nhận gửi văn bản tố tụng theo đường bưu chính cho đương sự cư trú
hoặc có trụ sở tại quốc gia đó;
c) Chi phí do ngân hàng thu khi người có
nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt nộp tiền vào tài khoản của cơ quan đại diện của
Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận;
d) Chi phí dịch, công chứng bản dịch hồ sơ
tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức
nước ngoài;
đ) Lệ phí tống đạt theo quy định của pháp
luật (nếu có).
Điều 4. Thẩm quyền
tống đạt văn bản tố tụng
Cơ quan có thẩm quyền tống đạt văn bản tố
tụng là Tòa án nhân dân các cấp. Trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân ban
hành các văn bản tố tụng liên quan đến đương sự ở nước ngoài, thì Viện kiểm sát
đã ban hành văn bản tố tụng áp dụng các quy định của Thông tư liên tịch này để
tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài.
Điều 5. Hồ sơ tống
đạt văn bản tố tụng
1. Hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng gồm có các
văn bản sau đây:
a) Văn bản đề nghị tống đạt văn bản tố tụng
và thông báo kết quả thực hiện tống đạt được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm
theo Thông tư liên tịch này;
b) Văn bản tố tụng cần phải tống đạt;
c) Văn bản thông báo cho đương sự gửi lời
khai, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án (nếu có);
d) Văn bản mà đương sự ở trong nước đề nghị
Tòa án hỗ trợ gửi cho đương sự ở nước ngoài (nếu có);
đ) Chứng từ nộp tiền vào tài khoản ngân hàng
nơi cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận mở tài khoản.
2. Họ, tên, địa chỉ của đương sự trong văn
bản quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này phải
được ghi đầy đủ, cụ thể, chi tiết theo đúng tài liệu, giấy tờ xác thực họ, tên,
địa chỉ mà người khởi kiện, người yêu cầu hoặc đương sự khác cung cấp cho Tòa
án.
3. Trường hợp cần phải tống đạt cho một hoặc
nhiều đương sự có địa chỉ khác nhau, thì hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng phải
được lập theo từng địa chỉ của đương sự. Họ, tên, địa chỉ của đương sự phải
được ghi đúng theo giấy tờ, tài liệu xác thực do người khởi kiện, người yêu cầu
hoặc đương sự khác cung cấp cho Tòa án. Tòa án không được phiên âm ra tiếng
Việt đối với họ, tên, địa chỉ ghi bằng tiếng nước ngoài của đương sự.
Điều 6. Dịch hồ sơ
tống đạt văn bản tố tụng
1. Tòa án có trách nhiệm dịch hồ sơ
tống đạt văn bản tố tụng tại tổ chức dịch thuật ở trong nước.
2. Tòa án chỉ yêu cầu dịch các văn bản, giấy
tờ quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch này. Văn
bản, giấy tờ phải được dịch ra ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ mà nước nơi
đương sự cư trú hoặc có trụ sở chấp nhận.
3. Số lượng hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng
cần phải dịch ra tiếng nước ngoài là 02 bộ. Tòa án lưu 01 bộ hồ sơ tống đạt văn
bản tố tụng đã được dịch ra tiếng nước ngoài vào hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án
hành chính.
Điều 7. Thông báo về
chi phí tống đạt và cách thức thu chi phí tống đạt văn bản tố tụng tại cơ quan
đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận
1. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận đăng tải thông tin về chi phí tống đạt hồ sơ văn bản tố tụng theo
đường bưu chính ở quốc gia đó trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình và
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Trong trường hợp chi phí tống đạt theo đường
bưu chính chưa được cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Cục Lãnh sự, Bộ
Ngoại giao, thì Tòa án lập văn bản đề nghị cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc
gia tiếp nhận nơi đương sự cư trú hoặc có trụ sở cung cấp thông tin về chi phí
tống đạt. Tòa án gửi văn bản cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp
nhận thông qua hộp thư điện tử hoặc số máy Fax của cơ quan này đã được công bố
trên Cổng thông tin điện tử của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 03
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án, cơ quan đại diện của
Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận thông báo chi phí thông qua hộp thư điện tử hoặc
số máy Fax của Tòa án đã đề nghị cung cấp thông tin.
2. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận mở tài khoản tại ngân hàng để thực hiện việc thu, thanh toán chi phí
tống đạt văn bản tố tụng theo đường bưu chính tại quốc gia tiếp nhận. Sau khi
mở tài khoản, cơ quan đại diện của Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận công bố
thông tin về số tài khoản, tên, địa chỉ ngân hàng nơi mở tài khoản trên cổng
thông tin điện tử của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Phương án hai: chỉ mở một tài khoản
ngân hàng (đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho ý kiến về hai phương án này).
Điều 8. Nộp tiền tạm
ứng, chi phí tống đạt văn bản tố tụng
1. Trường hợp đương sự là công dân Việt Nam ở
nước ngoài, thì sau khi lập hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng, Tòa án thông báo
bằng văn bản cho người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt văn bản tố tụng để họ
đến Tòa án nộp tiền tạm ứng và thanh toán chi phí tống đạt ở trong nước và ở
nước ngoài. Thông báo phải có các nội dung sau đây:
a) Số tiền tạm ứng phải nộp để Tòa án gửi hồ
sơ tống đạt văn bản tố tụng bằng dịch vụ bưu chính ở trong nước đến cơ quan đại
diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận;
b) Số tiền phải nộp vào tài khoản, số tài
khoản, địa chỉ của ngân hàng nơi cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp
nhận mở tài khoản;
c) Thời hạn nộp tiền tạm ứng tại Tòa án và
nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận;
d) Người có nghĩa vụ nộp chi phí tống đạt văn
bản tố tụng không được tính chi phí chuyển tiền mà ngân hàng thu vào khoản tiền
mà họ nộp vào tài khoản của cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận.
2. Trường hợp đương sự là người nước ngoài,
cơ quan, tổ chức nước ngoài, thì cùng với các nội dung quy định tại khoản 1
Điều này, Tòa án còn phải thông báo cho người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt
biết về mức tiền tạm ứng, thời hạn nộp tiền tạm ứng để dịch, công chứng bản
dịch hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được thông báo của Tòa án quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này,
người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt phải hoàn thành việc nộp tiền vào tài
khoản của cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận và đến Tòa án để
nộp tiếp tiền tạm ứng chi phí tống đạt.
4. Khi đến Tòa án nộp tiền tạm ứng chi phí
tống đạt, người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt phải mang theo chứng từ của
ngân hàng xác nhận đã nộp tiền vào tài khoản của cơ quan đại diện của Việt Nam
ở quốc gia tiếp nhận.
5. Khi nhận được chứng từ nộp tiền vào tài
khoản ngân hàng quy định tại khoản 4 Điều này, Tòa án có trách nhiệm kiểm tra,
đối chiếu khoản tiền mà đương sự đã nộp với số tiền cần phải nộp vào tài khoản
ngân hàng của cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận. Trong trường
hợp phát hiện thấy đương sự chưa nộp đủ số tiền cần phải nộp vào tài khoản ngân
hàng, thì Tòa án yêu cầu đương sự nộp bổ sung số tiền còn thiếu.
Chương II
THỦ TỤC
GỬI, TIẾP NHẬN HỒ SƠ TỐNG ĐẠT VĂN BẢN TỐ TỤNG
Điều 9. Thủ tục gửi
hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận
1. Tòa án gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng
cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận theo dịch vụ bưu phẩm bảo
đảm quốc tế có chuyển hoàn kết quả sau khi nhận hồ sơ tống đạt đã được dịch từ
tổ chức dịch thuật hoặc sau khi người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt nộp đầy
đủ tiền tạm ứng và chi phí tống đạt theo quy định tại Điều 8 của Thông tư liên
tịch này trong trường hợp đương sự là công dân Việt Nam.
2. Tòa án thanh toán chi phí gửi hồ sơ tống
đạt văn bản tố tụng cho tổ chức bưu chính ở trong nước từ khoản tiền tạm ứng mà
người có nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt đã nộp cho Tòa án.
Điều 10. Trình tự,
thủ tục nhận và gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng tại cơ quan đại diện của
Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 9 của
Thông tư liên tịch này, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận giải
quyết như sau:
a) Kiểm tra và vào sổ hồ sơ tống đạt đã nhận
được;
b) Kiểm tra, đối chiếu khoản tiền đã nhận
được với chứng từ nộp tiền vào tài khoản ngân hàng được gửi kèm trong hồ sơ
tống đạt văn bản tố tụng;
c) Chứng thực bản sao từ bản chính các văn
bản quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch
này để thực hiện niêm yết công khai theo yêu cầu của Tòa án trong trường hợp
không nhận được kết quả chuyển giao hồ sơ từ tổ chức bưu chính ở quốc gia nước
tiếp nhận.
d) Chuyển hồ sơ tống đạt cho đương sự tại
quốc gia tiếp nhận theo dịch vụ bưu chính thư bảo đảm có chuyển hoàn kết quả.
2. Trường hợp sau khi nhận được hồ sơ tống
đạt văn bản tố tụng mà phát hiện thấy địa chỉ của đương sự không đủ chi tiết đến
mức không thể thực hiện được việc tống đạt hoặc địa chỉ đó không có thật hoặc
họ, tên, địa chỉ ở nước ngoài của đương sự được phiên âm ra tiếng Việt, thì cơ
quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận tạm dừng việc tống đạt hồ sơ và
thông báo bằng Fax hoặc thư điện tử cho Tòa án đã gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố
tụng về các sai sót này để lập lại hồ sơ mới. Sau khi nhận được hồ sơ tống đạt
văn bản tố tụng thay thế, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận
gửi hồ sơ đó cho đương sự theo phương thức quy định tại điểm d khoản 1 Điều
này.
Chương III
THÔNG
BÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN TỐNG ĐẠT, NIÊM YẾT CÔNG KHAI, THÔNG BÁO TRÊN CỔNG THÔNG
TIN ĐIỆN TỬ VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TỐNG ĐẠT VĂN BẢN TỐ TỤNG
Điều 11. Thông báo kết
quả thực hiện tống đạt văn bản tố tụng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được văn bản của tổ chức bưu chính ở quốc gia tiếp nhận xác nhận đã
hoàn thành hoặc không thực hiện được việc giao hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng
cho đương sự, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia đó lập thông báo kết quả
tống đạt và gửi cùng văn bản của tổ chức bưu chính cho Tòa án đã gửi hồ sơ tống
đạt văn bản tố tụng.
2. Trường hợp nhận được văn bản của Tòa án đã
gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng theo quy định của Thông tư liên tịch này đề
nghị cung cấp kết quả thực hiện việc tống đạt theo quy định tại khoản 4 Điều
477 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc khoản 4 Điều 305 của Luật tố tụng hành
chính, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của
Tòa án, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận yêu cầu tổ chức bưu
chính ở nước đó cung cấp thông tin về việc chuyển giao hồ sơ tống đạt văn bản
tố tụng. Ngay sau khi nhận được thông báo của tổ chức bưu chính về việc chuyển
giao hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận lập văn bản và gửi kèm thông báo của tổ chức bưu chính cho Tòa án đã
đề nghị cung cấp kết quả thực hiện việc tống đạt.
3. Trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở
quốc gia tiếp nhận đã yêu cầu tổ chức bưu chính cung cấp thông tin về việc
chuyển giao hồ sơ văn bản tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng đã
quá thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày yêu cầu mà không nhận được văn bản
trả lời của tổ chức bưu chính, thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận lập văn bản thông báo cho Tòa án đề nghị cung cấp kết quả thực hiện
việc tống đạt về công việc đã thực hiện.
4. Thông báo của cơ quan đại diện của Việt
Nam ở quốc gia tiếp nhận quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này được
lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Điều 12. Niêm yết
công khai hồ sơ văn bản tố tụng và thông báo trên cổng thông tin điện tử của cơ
quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận
1. Trường hợp nhận được văn bản của Tòa án đã
gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng đề nghị niêm yết công khai hồ sơ tống đạt
văn bản tố tụng và thông báo trên cổng thông tin điện tử theo quy định tại
khoản 3 Điều 474 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc khoản 3 Điều 303 của Luật tố
tụng hành chính, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề
nghị của Tòa án, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận tiến hành
niêm yết công khai hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng tại trụ sở và công bố việc
niêm yết công khai hồ sơ tống đạt trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình
(nếu có). Thời hạn niêm yết công khai hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng là 01
tháng, kể từ ngày niêm yết. Hết thời hạn này, cơ quan đại diện của Việt Nam ở
quốc gia tiếp nhận thông báo cho Tòa án biết về công việc đã thực hiện theo Mẫu
số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
2. Trường hợp trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là
công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài mà Tòa án đã
yêu cầu xác minh địa chỉ của người nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều
473 của Bộ luật tố tụng dân sự và đã yêu cầu nguyên đơn và người thân thích
trong nước của đương sự ở nước ngoài (nếu có) cung cấp địa chỉ đúng hoặc địa
chỉ mới của đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 477
của Bộ luật này nhưng không có kết quả, thì theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án lập văn bản đề nghị
thông báo về việc giải quyết vụ án ly hôn trên cổng thông tin điện tử
của cơ
quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận nơi người nước ngoài có quốc
tịch hoặc nơi người nước ngoài đã cư trú.
Trong thời hạn 05
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Tòa án, cơ quan đại diện của
Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận tiến hành công bố về việc giải quyết vụ án trên cổng thông
tin điện tử của cơ quan mình. Thời hạn công bố là 01 tháng, kể từ ngày công bố.
Hết thời hạn này, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận lập và gửi
thông báo cho Tòa án biết về công việc đã thực hiện theo Mẫu số 03 ban
hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Điều 13. Xử lý kết
quả tống đạt tại Tòa án đã gửi hồ sơ tống đạt
Sau khi nhận được thông báo từ cơ quan đại
diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận theo quy định tại Điều 11 hoặc Điều 12
của Thông tư liên tịch này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự hoặc vụ
án hành chính theo quy định tại Điều 477 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Điều
305 của Luật tố tụng hành chính.
Chương IV
TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
Điều 14. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
1. Hướng dẫn Tòa án
nhân dân các cấp thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng thông qua cơ quan
đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận.
2. Chủ trì, phối hợp
với Bộ Ngoại giao rà soát, tổng kết tình hình thực hiện công tác tống đạt văn
bản tố tụng tại Tòa án nhân dân và cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp
nhận.
3. Chủ trì, phối hợp
với Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật tố tụng, hướng dẫn nghiệp
vụ cho các cán bộ, Thẩm phán của Tòa án nhân dân và cơ quan đại diện của Việt
Nam ở quốc gia tiếp nhận thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng.
4. Chủ trì, phối hợp
với Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin, thảo
luận, quyết định các biện pháp phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong
việc thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng.
5. Phối hợp với Bộ
Ngoại giao tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện tống đạt văn bản tố
tụng tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận.
6. Cập nhật và đăng
tải trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao về danh sách các
quốc gia tiếp nhận cho phép cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện
lãnh sự của Việt Nam tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự là công dân quốc gia
đó và công dân của quốc gia khác cư trú, cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở
tại quốc gia tiếp nhận.
7. Thông báo cho Bộ
Tư pháp về kết quả thực hiện tống đạt văn bản tố tụng cho công dân nước ngoài,
cơ quan, tổ chức nước ngoài theo quy định tại Thông tư liên tịch này khi có đề
nghị.
Điều
15. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Hướng dẫn, đôn đốc
cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận thực hiện việc tống đạt văn
bản tố tụng theo đề nghị của Tòa án nhân dân các cấp và cơ quan nhà nước khác
có thẩm quyền.
2. Phối
hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật tố tụng,
hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia
tiếp nhận thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng.
3. Chủ trì, phối hợp
với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện
tống đạt văn bản tố tụng tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp
nhận.
4. Phối hợp với Tòa
án nhân dân tối cao tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin, thảo
luận, quyết định các biện pháp phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong
việc thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng.
5. Chỉ đạo cập nhật
thông tin về địa chỉ, cách thức liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở
quốc gia tiếp nhận trên cổng thông tin điện tử của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
6. Chỉ đạo đăng tải,
cập nhật thông tin về chi phí dịch vụ bưu chính để gửi hồ sơ tống đạt văn bản
tố tụng ở các quốc gia tiếp nhận trên cổng thông tin điện tử của Cục Lãnh sự,
Bộ Ngoại giao.
Điều
16. Trách nhiệm của cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận
1. Thực hiện công tác
tống đạt văn bản tố tụng theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này.
2. Đăng tải, cập nhật
thông tin về chi phí dịch vụ bưu chính để gửi hồ sơ tống đạt văn bản tố tụng
trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Thông báo về chi phí này khi có đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng ở trong
nước.
3. Định kỳ hàng năm,
thông báo tình hình thực hiện công tác tống đạt văn bản tố tụng cho Bộ Ngoại
giao.
Điều
17. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân các cấp
1. Thực hiện
công tác tống đạt văn bản tố tụng theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này
và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Định kỳ hàng năm
hoặc khi có yêu cầu, thông báo tình hình thực hiện công tác tống đạt văn bản tố
tụng cho Tòa án nhân dân tối cao.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi
hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ
ngày...tháng...năm 2017.
Điều 19. Tổ chức thực
hiện
Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch
này, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc cần sửa
đổi, bổ sung Thông tư liên tịch, thì Tòa
án nhân dân các cấp, cơ quan đại diện của Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận và các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh với Tòa án nhân dân tối cao và
Bộ Ngoại giao để giải thích, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG
|
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng
Chính phủ
(để b/c);
-
Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Chánh án TANDTC và Bộ trưởng BNG (để b/c);
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Các Bộ, cơ
quan ngang
Bộ, cơ
quan thuộc
Chính phủ;
- Tòa
án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp;
-
Cục
Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng Thông
tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng
thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao.
- Lưu: VT
(TANDTC) và (BNG).
|