BỘ
QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
182/2019/TT-BQP
|
Hà Nội,
ngày 04 tháng 12 năm
2019
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN QUÀ VÀ LIÊN
LẠC VỚI THÂN NHÂN BẰNG ĐIỆN THOẠI
Căn cứ Luật thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP
ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông
tư quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận quà và liên lạc
với thân nhân bằng điện thoại.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định việc thăm gặp; nhận,
gửi thư; nhận quà và liên lạc bằng điện thoại của phạm nhân đang chấp hành án
phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam trong Quân đội (sau đây gọi tắt là cơ
sở giam giữ).
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với phạm nhân
đang chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ trong Quân đội; cơ quan, đơn vị,
tổ chức và cá nhân có liên quan.
2. Thông tư này không áp dụng đối với:
a) Các trường hợp thăm gặp ngoại giao,
thăm gặp và tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân là người nước ngoài;
b) Phạm nhân đang bị khởi tố điều tra,
truy tố, xét xử về tội phạm khác và bị giam riêng.
Chương II
PHẠM NHÂN GẶP
THÂN NHÂN
Điều 3. Chế độ
gặp thân nhân
1. Phạm nhân được gặp thân nhân theo quy
định tại khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự, trừ trường
hợp đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thi
hành án hình sự; phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân theo
quy định tại Điều 76 Luật Thi hành án hình sự.
2. Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy cơ
sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, yêu cầu giáo dục, cải tạo hoặc để thực
hiện quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo quy định của pháp luật thì Thủ trưởng cơ
sở giam giữ có thể kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp
vợ (chồng) ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập
công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
3. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong
tuần, kể cả ngày Lễ, Tết. Thời gian tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân trong
ngày do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
4. Trường hợp thăm gặp quy định tại
khoản 2 Điều này hoặc phạm nhân có ít nhất 04 tháng liền kề thời điểm xét duyệt
được xếp loại Tốt hoặc do yêu cầu của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân cần
có sự phối hợp, tác động của gia đình thì Thủ trưởng cơ sở
giam giữ có thể xem xét, quyết định cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại nhà
thăm gặp trong thời gian không quá 60 phút. Việc tổ chức cho phạm nhân ăn cơm
cùng thân nhân phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an
toàn.
Điều 4. Đối tượng
được thăm gặp phạm nhân
1. Đối tượng được thăm gặp phạm nhân gồm:
Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp
pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em
ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu,
cháu ruột, số lượng thân nhân mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân không quá 03 người.
2. Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân
khác ngoài những người được quy định tại Khoản 1 Điều này được thăm gặp phạm nhân
nếu Thủ trưởng cơ sở giam giữ xét thấy phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống
tội phạm và công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Điều 5. Thủ tục thăm
gặp phạm nhân
1. Cơ sở giam giữ cấp Sổ thăm gặp phạm nhân theo mẫu thống nhất của cơ quan quản lý thi hành án
hình sự đã ban hành. Sổ thăm gặp được
Thủ trưởng cơ sở giam giữ ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc
Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của
phạm nhân.
2. Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải
là người có tên trong sổ thăm gặp; trường hợp thăm gặp lần
đầu chưa có sổ thăm gặp hoặc cá nhân không có tên trong sổ
thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân
dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó
đang làm việc, học tập.
3. Đại diện cơ quan, tổ chức quy định
tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này khi đến thăm gặp phạm nhân phải có công văn đề nghị
cơ sở giam giữ xin thăm gặp phạm nhân. Trong công văn phải nêu rõ phạm nhân
được thăm gặp, người đến thăm gặp, lý do thăm gặp, thời gian thăm gặp.
4. Khi đến thăm gặp, ngoài đơn (đối
với cá nhân), công văn (đối với cơ quan, tổ chức), người đến thăm gặp phải kèm theo một trong các loại giấy tờ
sau: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; hộ chiếu;
giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ
trang; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì phải có đơn
đề nghị có dán ảnh được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú
hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu
vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
5. Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm
nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự thì phải có bản sao
giấy đăng ký kết hôn hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi vợ (chồng) của phạm nhân cư trú.
6. Thủ tục thăm gặp phạm nhân là
người nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 52
Luật Thi hành án hình sự.
Điều 6. Trách
nhiệm của thân nhân và phạm nhân trong thăm gặp
1. Thân nhân; cá nhân; đại diện cơ quan,
tổ chức đến thăm gặp phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Nội quy
cơ sở giam giữ, Nội quy nhà thăm gặp, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm
vụ tổ chức thăm gặp và những cán bộ có trách nhiệm khác. Nếu gửi đồ vật cho phạm nhân thì phải kê khai danh
mục các đồ vật trừ đồ vật thuộc danh mục cấm và cam kết chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc gửi đồ không đúng quy định. Không được đưa vào nhà thăm gặp
các đồ vật cấm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Khi thân nhân là vợ (chồng) gặp
phạm nhân tại phòng riêng nhà thăm gặp thì phải kê khai đồ dùng, tư trang cá
nhân để cán bộ có trách nhiệm kiểm duyệt, nếu đồ vật không được đưa vào thì
phải gửi ở tủ tại nhà thăm gặp; phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh
Nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời
gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, Nội quy cơ sở giam giữ,
thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Phạm nhân nữ thực hiện kế hoạch
hóa gia đình để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.
3. Khi giao tiếp, người đến gặp phạm nhân
và phạm nhân phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc thiểu
số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ khác.
Người bị hạn chế về khả năng nghe, nói được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thiết
bị hỗ trợ cho việc giao tiếp nhưng phải được cán bộ có trách nhiệm kiểm tra
trước khi sử dụng.
4. Phạm nhân khi gặp thân nhân phải
mặc quần áo được cấp, bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ, trường hợp phạm nhân mới đến
chấp hành án, chưa được cấp quần, áo (theo quy định) thì được mặc quần, áo dài
thường nhưng phải đóng dấu “PHẠM NHÂN”; nghiêm chỉnh chấp
hành Nội quy cơ sở giam giữ, Nội quy nhà thăm gặp và tuân theo sự hướng dẫn của
cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp.
Điều 7. Trách
nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp
1. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm
gặp phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực, có kinh
nghiệm công tác, khả năng quản lý, giám sát phạm nhân và phải được sự phân công
của Thủ trưởng cơ sở giam giữ.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm
gặp có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ của người
đến thăm gặp; lập danh sách phạm nhân được thăm gặp trình Thủ trưởng cơ sở giam
giữ duyệt, ký trước khi thăm gặp;
b) Nếu phạm nhân từ chối gặp người
đến thăm thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp lập biên bản và thông báo cho
thân nhân phạm nhân biết;
c) Đề xuất bằng văn bản có ý kiến của
cán bộ quản giáo phụ trách tổ, đội phạm nhân để Thủ trưởng cơ sở giam giữ xem xét,
quyết định cho phạm nhân được kéo dài thời gian thăm gặp thân nhân, được gặp vợ
hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ;
d) Kiểm tra đồ vật đối với thân nhân gặp
phạm nhân tại nhà thăm gặp và phòng gặp riêng, trường hợp phát hiện hành vi đưa
vật cấm vào nhà thăm gặp thì phải lập biên bản thu giữ và báo cáo Thủ trưởng cơ
sở giam giữ để xử lý theo quy định của pháp luật;
đ) Tiếp nhận, kiểm tra tiền, đồ vật do
thân nhân gửi cho phạm nhân;
e) Quản lý, giám sát phạm nhân từ khi
nhận đến khi kết thúc thăm gặp bàn giao cho cán bộ trực khu giam, ký vào số giao
nhận phạm nhân.
3. Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ
phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, điều lệnh, quy định. Nghiêm cấm cán bộ,
chiến sĩ có thái độ, hành vi tiêu cực, gây phiền hà trong việc tổ chức thăm
gặp; không được tự ý giải quyết thăm gặp hoặc cho phạm nhân gặp thân nhân, nhận
gửi thư, quà ngoài khu vực nhà thăm gặp; không được tự ý nhận, chuyển thư, quà
cho phạm nhân; không được thu bất kỳ khoản tiền nào khi giải quyết thăm gặp.
4. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm
gặp phải ghi vào số theo dõi thăm gặp, cập nhật đầy đủ thông tin, phản ánh tình
hình thăm gặp để quản lý, lưu trữ tài liệu theo đúng quy định và báo cáo Thủ trưởng
cơ sở giam giữ biết; bàn giao ngay tiền, thuốc chữa bệnh, đồ vật khác của phạm
nhân (nếu có) cho người có trách nhiệm quản lý.
Điều 8. Nhà thăm gặp
phạm nhân
1. Mỗi cơ sở giam giữ có một nhà thăm
gặp phạm nhân được xây dựng theo mẫu thiết kế thống nhất, đặt ở nơi thuận tiện cho
việc quản lý, giám sát phạm nhân và tổ chức thăm gặp. Nhà thăm gặp phải được trang
bị những thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ cho yêu cầu thăm gặp và sinh hoạt
của người đến thăm gặp.
2. Nhà thăm gặp phải treo biển “Nhà thăm
gặp phạm nhân”, có tủ để tư trang của người đến gặp phạm
nhân, có hòm thư, có Bảng “Nội quy nhà thăm gặp” và “Danh mục đồ vật cấm đưa
vào cơ sở giam giữ”.
Chương III
PHẠM NHÂN NHẬN, GỬI
THƯ VÀ NHẬN QUÀ
Điều 9. Phạm nhân
nhận, gửi thư và nhận quà
1. Khi gặp những người được quy định tại
Điều 4 Thông tư này, phạm nhân được nhận, gửi thư, quà theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự nhưng tối đa không quá
03 kg trong một lần gặp; ngoài ra, mỗi tháng phạm nhân được nhận quà do thân nhân
gửi qua đường Bưu chính 02 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 52
Luật Thi hành án hình sự, mỗi lần không quá 03 kg, nếu gửi 01 lần thì không
quá 06 kg. Trường hợp phạm nhân từ chối nhận quà do thân nhân chuyển đến hoặc
gửi qua đường Bưu chính thì phải lập biên bản và thông báo cho người gửi đến nhận
lại. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo, nếu không có người đến
nhận thì lập biên bản và tiến hành tiêu hủy trước sự chứng kiến của phạm nhân.
Thư và đồ vật của phạm nhân phải được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào cơ sở giam
giữ, trường hợp phát hiện đồ vật cấm phải xử lý theo quy định.
Trong trường hợp lâu ngày phạm nhân không
được gặp thân nhân và nhận quà theo quy định thì trọng lượng quà có thể được nhận
nhiều hơn và do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
2. Phạm nhân được gửi 02 lá thư trong
một tháng, trước khi gửi nếu phát hiện có nội dung xấu,
ảnh hưởng quá trình chấp hành án của phạm nhân thì lập biên bản và không cho
gửi.
3. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội
quy cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì trong thời
gian chưa được công nhận cải tạo tiến bộ, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể hạn
chế việc nhận, gửi thư và nhận quà. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo việc
hạn chế nhận, gửi thư và nhận quà cho thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.
4. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm
hướng dẫn phạm nhân thông báo cho thân nhân biết tổ, đội nơi phạm nhân đang
chấp hành án phạt tù và những đồ vật thuộc danh mục cấm không được gửi cho phạm
nhân.
5. Đối với phạm nhân đang bị khởi tố
điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm khác mà bị giam riêng thì việc gửi, nhận
thư, quà được thực hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 10. Phạm nhân
nhận, sử dụng thuốc chữa bệnh
1. Thân nhân phạm nhân khi đến thăm
gặp hoặc qua đường bưu chính, có thể gửi thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho phạm
nhân theo chỉ định của y sỹ, bác sỹ tại cơ sở giam giữ hoặc tại cơ sở khám,
chữa bệnh của Nhà nước nơi phạm nhân khám và điều trị. Thuốc do thân nhân gửi
cho phạm nhân phải có nhãn, mác ghi rõ hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và
còn thời hạn sử dụng.
2. Các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ
do thân nhân gửi cho phạm nhân phải có sổ theo dõi và tủ
đựng riêng; cán bộ y tế cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý. Khi
phạm nhân sử dụng thuốc, cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị để
cấp thuốc, hướng dẫn và giám sát phạm nhân sử dụng có sự chứng kiến của Quản
giáo trực khu giam. Thuốc của phạm nhân nào thì phạm nhân đó sử dụng, phải ghi
rõ trong bệnh án và số theo dõi: “Thuốc do thân nhân gửi”. Phạm nhân nhận, sử
dụng thuốc phải ký tên, nếu không biết chữ thì điểm chỉ vào bệnh án hoặc sổ
theo dõi. Thuốc hết hạn sử dụng phải lập biên bản tiêu hủy, có sự
chứng kiến, ký hoặc điểm chỉ của phạm nhân.
3. Khi phạm nhân chấp hành xong án
phạt tù, cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại cho phạm nhân số thuốc
chưa sử dụng và phải có ký nhận của phạm nhân ở sổ theo
dõi; trường hợp phạm nhân chuyển cơ sở giam giữ khác để tiếp tục chấp hành án
thì bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khỏe của phạm nhân cho đơn vị tiếp nhận.
Chương IV
QUẢN LÝ ĐỒ LƯU KÝ;
NHẬN, SỬ DỤNG TIỀN LƯU KÝ VÀ LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN CỦA PHẠM NHÂN
Điều 11. Quản lý
tiền mặt và đồ lưu ký
1. Phạm nhân có tiền Việt Nam, ngân phiếu,
ngoại tệ, vàng bạc, đồ trang sức, tư trang hoặc đồ vật có giá trị khác phải gửi
lưu ký để cơ sở giam giữ quản lý và được nhận lại đồ lưu ký khi chấp hành xong
án phạt tù.
2. Trường hợp phạm nhân có nhu cầu
được chuyển tiền, đồ lưu ký cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp thì cơ
sở giam giữ có trách nhiệm lập biên bản bàn giao trực tiếp hoặc gửi qua đường
Bưu chính, cước phí do phạm nhân chi trả. Biên bản nhận hay trả tiền, đồ lưu ký
phải mô tả đúng thực trạng số lượng, khối lượng, chủng loại, hình dạng, kích
thước, màu sắc, các đặc điểm khác của đồ vật và lưu hồ sơ phạm nhân.
Điều 12. Phạm nhân
nhận và sử dụng tiền, đồ lưu ký
1. Người đến thăm gặp gửi tiền mặt cho
phạm nhân thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách nhiệm nhận và cùng
người gửi tiền cho phạm nhân ký nhận vào phiếu gửi tiền lưu ký và “Sổ theo dõi thăm gặp phạm nhân”. Thân nhân phạm nhân gửi tiền cho phạm
nhân qua đường Bưu chính thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ cử cán bộ đến Bưu điện
nhận tiền, sau đó bàn giao cho Tài chính đơn vị quản lý. Cán bộ phụ trách lưu
ký vào sổ theo dõi, đồng thời thông báo cho phạm nhân biết
và ghi số tiền này vào “Sổ theo dõi tiền gửi lưu ký và mua
hàng căng tin” để phạm nhân ký, nhận.
2. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội
quy cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm, trong thời gian chưa được công nhận cải tạo tiến bộ
thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể hạn chế việc mua hàng hóa tại căng tin.
3. Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm
giờ, tăng năng suất lao động, tiền công lao động theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án hình sự được chuyển vào lưu ký để phạm
nhân sử dụng theo quy định, gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại khi chấp hành xong
án phạt tù.
4. Tiền mua lương thực, thực phẩm ăn thêm
của mỗi phạm nhân trong một tháng phải theo quy định tại khoản 2
Điều 48 Luật Thi hành án hình sự. Tiền mua các loại hàng hóa thiết yếu khác
phục vụ nhu cầu sinh hoạt không tính vào số lượng tiền mua lương thực, thực phẩm
ăn thêm của phạm nhân.
5. Phạm nhân có tiền, đồ vật gửi lưu ký
khi chuyển đến cơ sở giam giữ khác, cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện việc chuyển
giao số tiền, đồ vật này cho nơi tiếp nhận phạm nhân. Việc giao nhận phải lập
biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và phạm nhân.
6. Trường hợp phạm nhân chết, phải ghi
rõ vào biên bản phạm nhân chết số tiền lưu ký còn lại chưa sử dụng, đồ vật gửi
lưu ký và những tài sản cá nhân khác để bàn giao cho thân nhân họ hoặc đề nghị
giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Phạm
nhân liên lạc điện thoại với thân nhân
1. Cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan
bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại và tổ chức cho phạm nhân
liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được tính
theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền lưu
ký.
2. Phạm nhân được liên lạc điện thoại
trong nước với thân nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật
Thi hành án hình sự; phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng
điện thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Luật Thi hành án
hình sự.
Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy cơ sở
giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết
định tăng thêm mỗi tháng 01 lần không quá 10 phút.
Trong trường hợp gia đình thân nhân phạm
nhân gặp thiên tai, địch họa; có thân nhân hy sinh, từ trần, bị bệnh nặng; phạm
nhân không còn thuốc do thân nhân bảo đảm để sử dụng theo đơn chỉ định của cơ
quan y tế hoặc các trường hợp đặc biệt khác thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết
định cho phạm nhân điện thoại liên lạc với thân nhân nhưng không được quá thời
lượng cho 01 lần liên lạc theo quy định.
3. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội
quy cơ sở giam giữ bị giam riêng; phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm trong thời gian chưa được công nhận
cải tạo tiến bộ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể hạn chế thời lượng liên
lạc điện thoại với thân nhân.
4. Phạm nhân đang bị phạt giam tại
buồng kỷ luật, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về
tội phạm khác thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.
5. Khi liên lạc điện thoại với thân nhân,
phạm nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký; sử dụng ngôn
ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số
và là người nước ngoài không biết tiếng Việt.
6. Thủ trưởng cơ sở giam giữ bố trí buồng
gọi điện thoại và cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi của phạm nhân
với thân nhân. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì phải
dừng cuộc gọi; trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản, đề xuất xử lý
kỷ luật.
7. Cán bộ giám sát phải cập nhật đầy đủ
thông tin việc tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân vào số
theo dõi.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 14. Hiệu
lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 22 tháng 01 năm 2020 và bãi bỏ các Chương II, III Nội
quy trại giam quân sự ban hành kèm theo Thông tư số 132/2012/TT-BQP ngày 07
tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 15. Trách
nhiệm thi hành
1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ
Quốc phòng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị có liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng
(để b/c);
- Các đồng chí lãnh đạo BQP(6);
- Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị;
- Các Quân khu, Quân đoàn;
- Các BTL: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển;
- Tòa án quân sự trung ương;
- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Cục Điều tra hình sự BQP;
- Cục Thi hành án BQP;
- Cục Quân lực/BTTM;
- Cục Bảo vệ an ninh Quân đội;
- Công báo Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Văn phòng BQP (NC, PC, CTTĐT/BQP);
- Lưu: VT, ĐTHS.Hg36.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Chiêm
|