Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 Quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng,thi hành án tử hình

Số hiệu: 810/2006/QĐ-BCA-C11 Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Công An Người ký: Lê Hồng Anh
Ngày ban hành: 04/07/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------

Số: 810/2006/QĐ-BCA-C11

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH BẢO VỆ PHIÊN TÒA, ÁP GIẢI BỊ CÁO, DẪN GIẢI NGƯỜI LÀM CHỨNG RA TÒA VÀ QUY TRÌNH THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Điều 187, 198, 258 và 259 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;
Căn cứ Điều 14 của Luật Công an nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:

- Quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa.

- Quy trình thi hành án tử hình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Bộ Công an trái với các quy trình ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đồng chí Tổng Cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

 

QUY TRÌNH

BẢO VỆ PHIÊN TÒA, ÁP GIẢI BỊ CÁO, DẪN GIẢI NGƯỜI LÀM CHỨNG RA TÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 ngày 04 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy trình này quy định trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa của các đơn vị, lực lượng chức năng thuộc Công an nhân dân.

Điều 2. Bảo vệ phiên tòa hình sự và các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình khi Tòa án nhân dân có yêu cầu,  áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là nòng cốt, nhằm bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm an ninh, trật tự nơi diễn ra phiên tòa và bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng pháp luật.

Điều 3.

1. Yêu cầu của Tòa án về việc bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa được gửi đến Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (nếu ở Bộ), Phòng Cảnh sát bảo vệ  và hỗ trợ tư pháp (nếu ở cấp tỉnh) hoặc Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Nhà tạm giữ (nếu ở cấp huyện).

2. vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi nhận được yêu cầu của Tòa án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng, báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp được phân công phụ trách Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt. Các đơn vị tham gia phối hợp căn cứ vào kế hoạch, phương án chung để lập kế hoạch và phương án cụ thể của đơn vị mình, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa phải tuân theo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của người chỉ huy; nắm vững nhiệm vụ, tuân thủ pháp luật và quy chế làm việc của ngành Công an, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh nội vụ Công an nhân dân; giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác và đúng thẩm quyền.

Chương 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4.

Việc xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa thực hiện như sau:

1. Trước khi xây dựng kế hoạch phải khảo sát thực tế, nắm vững tính chất, đặc điểm của vụ án; mức độ nguy hiểm của tội phạm; số lượng bị cáo, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; thời gian, địa điểm xét xử; tuyến đường áp giải, dẫn giải; tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội nơi diễn ra phiên tòa, dư luận quần chúng đối với vụ án và những yếu tố khác liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng.

Nội dung kế hoạch gồm: mục đích, yêu cầu, đặc điểm tình hình; phân công người chỉ huy chung; người chỉ huy bảo vệ Hội đồng xét xử và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, hồ sơ, vật chứng, tài liệu của vụ án; người chỉ huy bảo vệ khu vực xung quanh phòng xử án; người chỉ huy áp giải, dẫn giải; trang bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng; quy ước thông tin liên lạc; trách nhiệm phối hợp hỗ trợ giữa các lực lượng và những hoạt động cần thiết khác.

2. Nội dung phương án phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng tổ, từng cán bộ, chiến sĩ, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý tình huống. Đối với những phiên tòa xét xử vụ án phức tạp gây dư luận bức xúc trong xã hội, phạm tội có tổ chức, phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, bị cáo là người nước ngoài thì phải xây dựng phương án tổng thể, đồng thời có phương án cục bộ để giải quyết tình huống trong phạm vi hẹp theo từng khu vực; bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, lực lượng ứng trực dự phòng. Khi dự kiến các tình huống như xảy ra khủng bố, bắt cóc con tin, cháy, nổ… phải có phương án phối hợp với các cơ quan, lực lượng chuyên trách để giải quyết.

Điều 5.

Việc bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa và phương tiện áp giải bị cáo thực hiện như sau:

1. Về lực lượng, căn cứ vào đặc điểm, tính chất phức tạp của vụ án, số lượng bị cáo, người làm chứng để bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa. Mỗi tổ bảo vệ phiên tòa có từ 3 cán bộ, chiến sĩ trở lên. Một bị cáo có ít nhất 2 cán bộ, chiến sĩ áp giải và thay nhau giám sát trong thời gian xét xử, trong giờ nghỉ giải lao, nghỉ ăn trưa.

Đối với những phiên tòa xét thấy cần thiết phải tăng cường bảo vệ thì phải bố trí lực lượng tại các vị trí quan trọng như cửa ra vào, khu vục dành cho Hội đồng xét xử, khu vực dành cho bị cáo…, có tổ hộ tống áp giải (từ 3 cán bộ, chiến sĩ trở lên được trang bị vũ khí), cán bộ y tế, cán bộ kỹ thuật và phương tiện dò tìm chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ…, hàng rào dây thép gai, chó nghiệp vụ, sử dụng xe dẫn đường, xe phòng cháy, chữa cháy.

2. Về phương tiện, dùng xe ô tô phục vụ áp giải; nếu bị cáo là đối tượng phải cách ly thì mỗi xe chỉ chở một đối tượng (trừ trường hợp xe có vách ngăn). Không dùng xe đạp, xe máy, xe mô tô hai bán để chở bị cáo.

Điều 6. Áp giải bị cáo đang bị tạm giam phải có lệnh trích xuất; áp giải bị cáo đang tại ngoại phải có lệnh hoặc quyết định áp giải; dẫn giải người làm chứng phải có giấy triệu tập hợp lệ, lệnh hoặc quyết định dẫn giải và công văn yêu cầu dẫn giải người chứng của Tòa án.

Điều 7.

1. Trước khi triển khai lực lượng, người chỉ huy bảo vệ phiên tòa tiến hành các bước: họp cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, quán triệt nội dung kế hoạch, phương án và giao nhiệm vụ cho từng tổ, từng người; kiểm tra công tác chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ về vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ, trường hợp cần thiết phải tổ chức thực tập phương án xử lý các tình huống.

2. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải sử dụng trang phục đúng điều lệnh nội vụ Công an nhân dân (trừ trường hợp được giao nhiệm vụ hóa trang trinh sát); phải có mặt tại vị trí làm nhiệm vụ đúng giờ quy định, không được rời vị trí khi chưa có lệnh của chỉ huy, không giải quyết các công việc không liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

Điều 8.

Việc áp giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa thực hiện như sau:

1. Người chỉ huy áp giải phải dự kiến thời gian phù hợp, bảo đảm đúng giờ xét xử của Tòa án. Trường hợp áp giải đường dài phải chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết, chủ động liên hệ với Công an địa phương nơi có tuyến đường áp giải đi qua để đề nghị phối hợp bảo vệ.

2. Nhận bị cáo từ trại tạm giam, nhà tạm giữ: căn cứ vào lệnh trích xuất để xác định đúng bị cáo cần áp giải, kiểm tra tình trạng sức khỏe của bị cáo; kiểm tra tư trang, đồ dùng cá nhân bị cáo mang theo (nếu có); ký biên bản giao, nhận bị cáo với cán bộ quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ.

3. Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa.

4. Giải bị cáo lên, xuống xe:

- Lên xe: Cán bộ áp giải số 1 lên trước, một tay nắm vào thành xe, tay kia che đỉnh đầu bị cáo. Cán bộ áp giải số 2 đứng ở dưới đẩy hỗ trợ bị cáo lên xe;

- Xuống xe: Cán bộ áp giải số 2 xuống trước đỡ hỗ trợ bị cáo, cán bộ số 1 một tay nắm thành xe, tay kia che phần đỉnh đầu bị cáo.

Không để bị cáo ngồi bên cạnh hoặc ngay sau lái xe, gần cửa lên xuống.

5. Trên đường áp giải, đội hình xe đánh số và đi theo thứ tự từ trước ra sau là: xe dẫn đường, xe chở bị cáo, xe hộ tống, xe dự phòng…, xe chỉ huy. Tùy tình hình thực tế trên đường mà người chỉ huy điều chỉnh tốc độ xe của cả đoàn cho phù hợp.

6. Tại địa điểm xét xử, không cho bị cáo tiếp xúc với nhau hoặc tiếp xúc với người khác nếu không có lệnh của Chủ tọa phiên tòa. Nếu có bị cáo cần cách ly thì phải đưa vào phòng cách ly.

7. Việc áp giải bị cáo trở lại nơi giam giữ thực hiện tương tự như áp giải bị cáo đến nơi xét xử; cần chú ý kiểm tra tư trang, đồ vật của bị cáo mang theo và bàn giao lại nơi giam giữ; mở khóa tay, xích chân bị cáo (nếu có) và ký biên bản giao, nhận bị cáo cho trại giam, nhà tạm giữ.

Điều 9.

Việc áp giải bị cáo tại ngoại đến phiên tòa thực hiện như sau:

- Xác định đúng người đã có lệnh hoặc quyết định áp giải của Tòa án;

- Đọc và giải thích lệnh hoặc quyết định áp giải;

- Kiểm tra tư trang và đồ vật bị cáo mang theo (nếu có);

- Phổ biến cho bị cáo biết về quy định trên đường đi;

- Lập biên bản về việc áp giải;

- Tiến hành áp giải bị cáo đến phiên tòa. Trường hợp cần thiết, để bảo đảm an toàn cho việc áp giải thì có thể khóa tay bị cáo khi áp giải.

Điều 10.

1. Việc dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa thực hiện như sau:

- Xác định đúng người đã có lệnh hoặc quyết định dẫn giải của Tòa án;

- Đọc và giải thích lệnh hoặc quyết định dẫn giải;

- Giải thích về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng;

- Lập biên bản về việc dẫn giải;

- Tổ chức dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa (chú ý không được khóa tay, xích chân người làm chứng). Khi đến nơi xét xử, đưa người làm chứng vào khu vực riêng và chỉ đưa người làm chứng ra trước tòa khi có yêu cầu của Hội đồng xét xử.

2. Đối với người làm chứng là phạm nhân hoặc bị can thuộc vụ án khác đang bị giam giữ được Tòa án triệu tập, thì việc dẫn giải thực hiện như áp giải bị cáo đang bị tạm giam theo quy định tại Điều 8 của Quy trình này.

3. Trường hợp người làm chứng ở xa nơi xét xử, thời gian dẫn giải phải qua đêm thì trước khi dẫn giải, đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải trao đổi thống nhất với Tòa án về việc bố trí phương tiện dẫn giải, nơi ăn, nghỉ cho người làm chứng.

Điều 11.

1. Cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và hướng dẫn người vào phòng xử án bảo đảm đúng thành phần được Tòa án triệu tập; nơi xử án lưu động phải giới hạn bằng hàng rào; không cho người dưới 16 tuổi vào khu vực xử án (trừ trường hợp được Tòa án triệu tập). Kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc mang vũ khí, vật liệu nổ, chất độc, chất phóng xạ, truyền đơn, khẩu hiệu và các đồ vật có thể gây nguy hiểm vào khu vực xử án.

2. Trong trường hợp sức chứa của phòng xử án có hạn mà người đến dự quá đông thì người chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải thống nhất với Tòa án về giải pháp hạn chế số lượng người nhằm bảo đảm trật tự phiên tòa.

Điều 12.

Việc duy trì bảo đảm trật tự trong quá trình xét xử thực hiện như sau:

1. Bảo vệ an ninh, trật tự trong phòng xử án:

a) Khi có yêu cầu của Hội đồng xét xử thì mới áp giải bị cáo vào phòng xử án; khoảng cách tối thiểu từ vị trí dành cho bị cáo tới vị trí của Hội đồng xét xử là 4 mét, khoảng cách giữa các hàng ghế dành cho bị cáo tối thiểu là 0,5 mét, giữa hai bị cáo có 1 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát và giữa khu vực dành cho bị cáo với khu vực dành cho người tham dự phiên tòa có cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ giám sát.

b) Cán bộ, chiến sĩ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm nhắc nhở những người đến dự phiên tòa chấp hành nội quy phiên tòa, chấn chỉnh kịp thời người có hành vi như: tư thế ngồi thiếu văn hóa, mất trật tự, đi lại lộn xộn, sử dụng điện thoại di động, quay phim, chụp ảnh trong phòng xử án khi không được sự đồng ý của Hội đồng xét xử.

c) Cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ phải giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không để xảy ra hành vi cướp vũ khí, tấn công, xúc phạm danh dự các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, khủng bố, gây rối, cướp và hủy hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc giữa các bị cáo hành hung lẫn nhau.

d) Trường hợp bị cáo đột xuất phát bệnh, cán bộ y tế khám cấp cứu tại chỗ, nếu thấy cần thiết thì phải báo cáo Chủ tọa phiên tòa đưa bị cáo đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế nơi gần nhất.

đ) Trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ ăn trưa những bị cáo cần cách ly phải đưa vào phòng cách ly, ăn uống tại chỗ.

2. Giữ gìn an ninh trật tự bên ngoài phòng xử án:

a) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các điểm chốt, giữa các khu vực từ bên ngoài vào nơi xử án, khu vực cách ly, các địa điểm tập kết xe, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi cản trở việc áp giải, hành hung hoặc đánh tháo bị cáo.

b) Không để xảy ra tiếng ồn gây mất trật tự, ảnh hưởng tới hoạt động xét xử, không để ùn tắc giao thông. Phải bố trí lối đi dự phòng trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn cho Hội đồng xét xử và công tác áp giải.

c) Nếu tình hình trật tự phiên tòa có những diễn biến phức tạp thì người chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải kịp thời báo cáo cấp lãnh đạo có thẩm quyền để tăng cường lực lượng.

Điều 13.

1. Cảnh sát bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành lệnh của Chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự phiên tòa.

2. Trong phòng xử án, nếu xảy ra hành vi vi phạm mà Chủ tọa phiên tòa chưa phát hiện thì Cảnh sát bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và báo cáo Chủ tọa phiên tòa.

3. Trường hợp người bị áp giải, dẫn giải thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên đường áp giải, dẫn giải hoặc bên ngoài phòng xử án đến mức phải bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì lực lượng làm công tác áp giải, dẫn giải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 14.

1. Quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Tòa án trong công tác bảo vệ phiên tòa:

a) Khi có phiên tòa cần bảo vệ, cơ quan Công an được yêu cầu phải đề nghị Tòa án trao đổi những thông tin có liên quan đến vụ án để phục vụ cho việc lập kế hoạch bảo vệ phiên tòa, dự kiến biện pháp cần áp dụng như áp giải bị cáo tại ngoại, dẫn giải người làm chứng, bắt bị cáo tại phiên tòa để bảo đảm thi hành án và các biện pháp cần thiết khác, họp bàn thống nhất với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác tổ chức bảo vệ phiên tòa.

b) Chỉ huy bảo vệ phiên tòa thông báo kịp thời đến Chủ tọa phiên tòa tình hình diễn biến sự việc có liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa.

2. Quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với lực lượng khác trong công tác bảo vệ phiên tòa:

a) Khi có vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều người hoặc nhiều cơ quan, thì người hoặc cơ quan phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết vụ việc, sau đó chuyển giao cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền chính giải quyết. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

b) Khi có vụ việc xảy ra mà thẩm quyền giải quyết ở mỗi giai đoạn khác nhau thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau, thì các cơ quan cùng bàn bạc thống nhất hướng giải quyết.

c) Trong trường hợp xảy ra các tình huống đặc biệt như khủng bố, bắt cóc con tin, cháy, nổ… thì chỉ huy lực lượng bảo vệ phiên tòa phải thông tin ngay cho cơ quan, lực lượng chuyên trách và khẩn trương triển khai phương án phối hợp như đã dự kiến.

Điều 15. Kết thúc buổi xét xử, khi người dự phiên tòa đã ra khỏi khu vực xét xử và có lệnh của người chỉ huy thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa mới được rời vị trí về tập kết tại địa điểm đã quy định.

Điều 16. Kết thúc phiên tòa, chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải tổ chức họp rút kinh nghiệm; viết báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; đề nghị khen thưởng; kỷ luật (nếu có).

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng phải thực hiện đúng Quy trình này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ của Ngành. Người có thành tích được khen thưởng theo quy định; nếu vi phạm Quy trình này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 18. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Quy trình này.

Điều 19. Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của công tác bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương chấp hành Quy trình này và các quy định có liên quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

 

QUY TRÌNH

THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 ngày 04 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy trình này quy định nhiệm vụ, trình tự thi hành án tử hình của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2.

1. Việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án tử hình của lực lượng Công an nhân dân phải được tổ chức chặt chẽ và có kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia thi hành án và người chứng kiến.

2. Quá trình thi hành án phải bảo đảm các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phưong nơi tổ chức pháp trường; góp phần trừng trị, răn đe tội phạm, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Chỉ huy các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ thi hành án tử hình phải nắm vững nhiệm vụ, nhận thức rõ trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và Quy trình này, thực hiện đúng điều lệnh Công an nhân dân.

Điều 3. Kế hoạch thi hành án tử hình chưa thực hiện phải được bảo vệ theo chế độ tài liệu mật.

Chương 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I: TỔ CHỨC, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 4.

Khi nhận được quyết định thi hành án tử hình, Phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) phụ trách Phòng Cảnh sát bảo vệ  và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:

1. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình hoặc cử Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư phám tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Thống nhất với lãnh đạo Tòa án nhân dân và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về thời gian, địa điểm thi hành án tử hình.

3. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng: Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, trại tạm giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình và nơi có pháp trường cố định, cơ quan điều tra đã điều tra vụ án, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát giao thông, Hồ sơ nghiệp vụ, Hậu cần, Công tác chính trị, Văn phòng, Cảnh sát cơ động, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) nơi có pháp trường, Công an các địa phương nơi có tuyến đường áp giải người bị thi hành án tử hình đi qua.

4. Tổ chức, điều động phương tiện, lực lượng, các điều kiện vật chất khác phục vụ công tác thi hành án tử hình và chỉ đạo các lực lượng Công an tham gia công tác này.

5. Báo cáo lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát tăng cường lực lượng Cảnh sát cơ động của Bộ để phục vụ nhiệm vụ áp giải và bảo vệ việc thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết.

Điều 5.

Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:

1. Tham mưu cho Phó giám đốc Công an cấp tỉnh phụ trách Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trong việc lập kế hoạch, xây dựng phương án, tổ chức lực lượng thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án.

2. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình (nếu được phân công).

3. Thừa ủy quyền của Phó giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ huy các lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án.

4. Chủ trì phối hợp với trại tạm giam kiểm tra và chuẩn bị pháp trường; nếu không có pháp trường cố định thì khảo sát tìm pháp trường; phối hợp với trại tạm giam, Cảnh sát cơ động (đối với Công an thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hồ Chí Minh) áp giải và hộ tống áp giải người thi hành án tử hình ra pháp trường.

5. Chủ trì phối hợp với Công an địa phương bảo vệ pháp trường, bảo đảm trật tự, an toàn pháp trường; phòng ngừa, ngăn chặn, trấp áp và bắt giữ kịp thời những người có hành vi gây cản trở việc thi hành án, tấn công lực lượng thi hành án hoặc giải thoát người bị thi hành án tử hình.

6. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp người bị thi hành án tử hình đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe dọa an toàn việc thi hành án tử hình. Yêu cầu lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ pháp trường trong trường hợp cần thiết.

7. Thành lập đội vũ trang thi hành án tử hình, tổ chức tập luyện động tác và yếu lĩnh bắn cho đội vũ trang thi hành án. Đội vũ trang thi hành án gồm 1 đội trưởng và 5 đội viên. Mỗi đội thi hành án thực hiện việc thi hành 1 người bị thi hành án tử hình; nếu thi hành từ 2 đối tượng trở lên thì cử thêm 1 người chỉ huy chung để chỉ huy các đội; mỗi đội có 1 hoặc 2 cán bộ, chiến sĩ dự bị.

Đội trưởng đội vũ trang thi hành án tử hình được trang bị súng ngắn, đội viên đội vũ trang thi hành án tử hình được trang bị súng trường có lê; mỗi khẩu súng có 1 viên đạn và chuẩn bị cơ số đạn dự phòng.

Điều 6.

1. Trại tạm giam nơi tạm giam người bị kết án tử hình có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp và trại tạm giam nơi có pháp trường lựa chọn, kiểm tra và chuẩn bị pháp trường; nếu không có pháp trường cố định thì khảo sát tìm pháp trường;

b) Áp giải người bị thi hành án tử hình từ buồng giam tới nơi làm thủ tục thi hành án và ra pháp trường; áp giải người bị thi hành án từ pháp trường về trại tạm giam trong trường hợp hoãn thi hành án tử hình. Trường hợp người bị thi hành án tử hình là nữ thì mỗi người bị thi hành án phải có ít nhất một cán bộ nữ tham gia áp giải.

c) Chuẩn bị điều kiện làm việc trong trường hợp Hội đồng thi hành án tiến hành xem xét các thủ tục ngay tại trạm tạm giam;

d) Chuẩn bị đồ ăn, uống cho người bị thi hành án tử hình; giấy bút, máy ghi âm và vải đen để bịt mắt, bịt miệng người bị thi hành án;

đ) Chuẩn bị bia ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán của người bị thi hành án, ngày thi hành án và chôn cất thi thể người bị thi hành án tử hình sau khi thi hành;

e) Phân công người vẽ sơ đồ vị trí mộ người bị thi hành án;

g) Quản lý tư trang, đồ vật, thư của người bị thi hành án (nếu có) và thông báo, trao lại cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình sau khi bản án đã được thi hành.

2. Trại tạm giam nơi có pháp trường có trách nhiệm:

a) Phối hợp với các lực lượng để bảo vệ pháp trường;

b) Phối hợp với Công an địa phương nơi có pháp trường chôn cột, chuẩn bị dây  trói và có nhiệm vụ trói người thi hành án tử hình vào cột; chuẩn bị quan tài, vải trắng để khâm liệm; hạ xác, chôn cất người bị thi hành án sau khi bản án tử hình đã được thi hành.

3. Trong trường hợp trại tạm giam vừa là nơi tạm giam người bị kết án vừa là nơi có pháp trường thì có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này.

Điều 7.

1. Công an cấp huyện nơi tổ chức pháp trường có trách nhiệm:

a) Phân công cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương kiểm tra điều kiện về an toàn và tổ chức bảo vệ pháp trường trước khi tiến hành thủ tục thi hành án; bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn pháp trường trong quá trình thi hành án;

b) Chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho Hội đồng thi hành án và người đến chứng kiến (nếu là pháp trường lưu động);

c) Tại nơi thi hành án, phải lập hàng rào hoặc cử cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ tạo khoảng cách an toàn giữa người đến chứng kiến thi hành án với Hội đồng thi hành án (khoảng cách tối thiểu là 30 mét);

d) Chuẩn bị nơi tiếp nhận, giải quyết các trường hợp vi phạm pháp luật tại pháp trường;

đ) Phối hợp với trại tạm giam, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) nơi có pháp trường đào huyệt, hạ xác, chôn và cắm bia trên mộ của người bị thi hành án;

e) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có pháp trường chuẩn bị thủ tục lập giấy khai tử cho người bị thi hành án tử hình.

2. Công an cấp huyện nơi có tuyến đường áp giải có trách nhiệm phối hợp bảo vệ an toàn cho việc áp giải người bị thi hành án tử hình qua địa bàn.

Điều 8.

1. Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh đã tiến hành điều tra vụ án có trách nhiệm:

a) Cử cán bộ nắm tình hình chủ động phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời người có hành vi phạm tội hoặc kích động, gây rối, cản trở việc thi hành án;

b) Nắm diễn biến tư tưởng và ghi lại lời nói cuối cùng của người bị thi hành án trước khi thi hành án;

c) Mời phiên dịch trong trường hợp người bị thi hành án là người nước ngoài hoặc là người dân tộc thiểu số và không biết tiếng Việt;

2. Trường hợp vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an hoặc Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành điều tra, thì Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh nơi tổ chức thi hành án tử hình có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 của Điều này.

3. Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an cấp tỉnh nơi lưu trữ hồ sơ của người bị thi hành án tử hình có trách nhiệm:

a) Cung cấp hồ sơ của người bị thi hành án tử hình;

b) Lăn tay phục vụ giám định và lưu kết quả kiểm tra và hồ sơ của người bị thi hành án tử hình.

4. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Cử cán bộ làm nhiệm vụ giám định, khám nghiệm, chụp ảnh;

b) Giám định, đối chiếu vân tay, ảnh với hồ sơ, giấy chứng minh nhân dân của người bị kết án tử hình đã được lưu trữ, kiểm tra, xác định đúng người có quyết định thi hành án tử hình và báo cáo kết quả với Hội đồng thi hành án;

c) Khám nghiệm thi thể đã bị thi hành án tử hình để xác định kết quả thi hành án;

d) Chụp 3 kiểu ảnh của người bị thi hành án tử hình để lưu hồ sơ.

5. Đơn vị Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp áp giải, hộ tống áp giải và bảo vệ pháp trường.

6. Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh có trách nhiệm dẫn đường và tổ chức điều hành giao thông phục vụ việc thi hành án tử hình.

7. Phòng Hậu cần Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Điều động phương tiện phục vụ và bảo đảm các yêu cầu cần thiết theo kế hoạch;

b) Phân công một bác sỹ làm công tác y tế;

c) Thực hiện chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng làm nhiệm vụ và các chi phí khác phục vụ công tác thi hành án tử hình theo quy định.

8. Phòng Công tác chính trị Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chụp ảnh, ghi hình (nếu có điều kiện) quá trình thi hành án làm tài liệu nghiệp vụ;

b) Thông qua việc thi hành án để tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm;

c) Tham mưu, đề xuất khen thưởng kịp thời những cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

9. Văn phòng Công an cấp tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ theo dõi nắm tình hình, phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thi hành án tử hình.

Mục II: THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

Điều 9.

Theo chức năng, nhiệm vụ và theo sự phân công tại mục I Chương II của Quy trình này, các đơn vị có liên quan tiến hành thủ tục trước khi thi hành hình phạt tử hình như sau:

1. Áp giải người bị thi hành án tử hình từ buồng giam đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật trước khi thi hành hình phạt tử hình.

2. Thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án, lăn tay, kiểm tra căn cước đối chiếu với hồ sơ lưu, xác định đúng người bị thi hành án tử hình có quyết định thi hành án; chụp 1 kiểu ảnh đang làm thủ tục kiểm tra căn cước. Lập biên bản và báo cáo Hội đồng thi hành án về kết quả kiểm tra căn cước.

3. Thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án giao cho người bị thi hành án đọc quyết định thi hành án; quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị thi hành án có đơn xin ân giảm tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình và chụp 1 kiểu ảnh người bị thi hành án tử hình đang đọc các quyết định này.

Đối với người bị thi hành án là phụ nữ, sau khi Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra các tài liệu có liên quan đến điều kiện không thi hành hình phạt tử hình và xác định người bị thi hành án không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án tử hình để xem xét chuyển hình phạt thì thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án giao cho người bị thi hành án đọc các quyết định nêu trên.

Nếu người bị thi hành án tử hình không biết chữ thì người đọc các quyết định trên đây do Hội đồng thi hành án tử hình cử.

Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt thì Hội đồng thi hành án tử hình cử người phiên dịch đọc các quyết định nêu trên.

4. Cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống; nếu người bị thi hành án có yêu cầu thì cho viết thư hoặc ghi âm lời nói gửi lại thân nhân (thời gian khoảng 30 phút); sau đó dùng băng vải đen bịt mắt, bịt miệng, khóa tay, xích chân và áp giải người bị thi hành án bằng xe ô tô ra pháp trường. Đội hình đoàn xe thi hành án đi theo thứ tự từ trước ra sau là: xe dẫn đường, xe áp giải, xe hộ tống, xe dự phòng, xe y tế, xe chỉ huy.

5. Trường hợp Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án thì tổ chức áp giải người bị thi hành àn tử hình về nơi đã giam giữ.

Điều 10.

Việc chuẩn bị thi hành án tử hình thực hiện như sau:

1. Trói người bị thi hành án tử hình vào cột bằng nhiều nút buộc riêng rẽ theo từng vị trí trên thân thể như: tay, ngực, bụng, chân. Cán bộ áp giải kiểm tra lại, sau đó báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Sau khi Hội đồng thi hành án đọc bản án và giao nhiệm vụ cho đội vũ trang thi hành án, đội trưởng đội thi hành án tập hợp đội viên đứng thành một hang ngang phía trước người thi hành án với khoảng cách từ 5 đến 7 mét, giữa các đội viên cách nhau 0,75 mét, báo cáo xin lệnh của Hội đồng thi hành án.

Điều 11.

Việc thi hành án tử hình thực hiện như sau:

1. Được lệnh của Hội đồng thi hành án tử hình, đội trưởng đội thi hành án tử hình ra lệnh cho các đội viên đứng đối diện với người bị thi hành án, lắp đạn, giương súng và bắn. Bắn xong, đội trưởng ra lệnh tháo đạn, xuống súng.

2. Đội trưởng đội thi hành án tiến đến sát người bị thi hành án và bắn vào thái dương của người bị thi hành án theo hướng chếch từ trước ra sau; sau đó khám súng, cho súng vào bao, trở về vị trí chỉ huy và báo cáo Hội đồng thi hành án. Trường hợp thi hành án tử hình từ 2 người trở lên thì người chỉ huy chung báo cáo Hội đồng thi hành án và chỉ huy cho các đội bắn đồng loạt, sau đó thứ tự từ phải qua trái từng đội trưởng của các đội lên bắn viên đạn cuối cùng.

3. Được lệnh của Hội đồng thi hành án, giám định viên tiến hành kiểm tra tình trạng của người đã bị thi hành án. Trường hợp kết quả khám nghiệm cho thấy người đã bị thi hành án tử hình chưa chết thì đội thi hành án thực hiện lại động tác bắn như ban đầu.

4. Sau khi xác định người bị thi hành án tử hình đã chết, được lệnh của Hội đồng thi hành án, đội trưởng đội thi hành án hoặc người chỉ huy chung (trong trường hợp thi hành nhiều đối tượng) ra lệnh cho đội thi hành án trở về vị trí tập kết.

5. Chụp 1 kiểu ảnh của người bị thi hành án tử hình đã chết (mỗi người bị thi hành án chụp 1 kiểu ảnh).

6. Hạ xác, chôn người đã bị thi hành án tử hình tại pháp trường hoặc nghĩa địa gần kề pháp trường và cắm bia trên mộ. Không cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình đào mộ, di chuyển thi thể người đã bị thi hành án đi nơi khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép hoặc cần khai quật để khám nghiệm theo quyết định của cơ quan điều tra có thẩm quyền.

7. Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản việc thi hành án và giao cho chính quyền địa phương cấp xã nơi tổ chức pháp trường lập giấy khai tử cho người bị thi hành án tử hình và quản lý mộ. Sau khi Hội đồng thi hành án tử hình tuyên bố hoàn thành việc thi hành án và những người tham dự khác đã ra khỏi pháp trường thì mới được rút lực lượng bảo vệ pháp trường.

Điều 12.

1. Trong thời hạn 3 ngày sau khi bản án tử hình đã được thi hành, Giám thị trại tạm giam thông báo cho thân nhân người bị thi hành án tử hình biết và giao cho họ tiền, thư, đồ vật (nếu có), bản sao sơ đồ vị trí mộ của người bị thi hành án tử hình. Việc giao, nhận phải được lập thành văn bản.

2. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thi hành án, người chỉ huy phải tổ chức họp rút kinh nghiệm, đề nghị khen thưởng hoặc kỷ luật (nếu có) và báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án với lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình có trách nhiệm thực hiện đúng Quy trình này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Người có thành tích được khen thưởng theo quy định; nếu có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 14. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Quy trình này.

Điều 15. Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, các đơn vị chức năng thuộc quyền nghiêm chỉnh thực hiện Quy trình này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ  (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

           

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 ngày 04/07/2006 ban hành Quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa và Quy trình thi hành án tử hình do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.951

DMCA.com Protection Status
IP: 18.220.206.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!