UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
---------
|
Số: 79/2010/QĐ-UBND
|
Vinh, ngày 15 tháng 10 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM XỬ LÝ
TÌNH HUỐNG TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI ĐỂ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH GÂY PHỨC
TẠP VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI TRỤ SỞ CƠ QUAN ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, NHÀ RIÊNG CÁC ĐỒNG
CHÍ LÃNH ĐẠO CÁC CẤP"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và Uỷ
ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
Điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số
biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 07/8/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế tổ
chức tiếp công dân;
Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử
lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 700/TTr-CAT (PA38) ngày
25/5/2010; ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh tại Công văn số414/BC.TTR ngày
07/7/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này "Quy định về quy trình và trách nhiệm xử lý tình huống tụ tập
đông người để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gây phức tạp về an ninh,
trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng, Chính quyền, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo
các cấp".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Thái Văn Hằng
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM XỬ LÝ TÌNH HUỐNG TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI
ĐỂ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH GÂY PHỨC TẠP VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI
TRỤ SỞ CƠ QUAN ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, NHÀ RIÊNG CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO CÁC CẤP.
(Ban hành kèm theo Quyết định số:79/2010/QĐ.UBND ngày 15/10/2010 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy
định về trình tự, thủ tục, phân công nhiệm vụ trong phối hợp xử lý tình huống tụ
tập đông người để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (sau đây gọi tắt là
khiếu kiện) gây phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) tại trụ sở cơ quan Đảng,
Chính quyền, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo các cấp (xã, huyện, tỉnh) và các
trường hợp khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau khi xử lý
xong tình huống tụ tập đông người, việc giải quyết các vụ việc cụ thể được thực
hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Nguyên tắc xử lý
1. Vụ việc tụ
tập đông người xảy ra ở địa phương nào thì cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương
đó phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết theo phương châm: Cấp ủy Đảng
lãnh đạo, chính quyền điều hành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp, các ban, ngành,
đoàn thể tham gia, cơ quan chuyên môn làm tham mưu; thu nhỏ sự việc, không để
lây lan, kéo dài, không để xảy ra điểm nóng, gây rối chính trị, bạo loạn, cướp
chính quyền; không để xảy ra gây rối ANTT, không để kẻ địch lợi dụng hoạt động
khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành vấn đề chính trị xã hội phức
tạp.
2. Khi phát
hiện hoạt động tụ tập đông người phải khẩn trương làm rõ nguyên nhân, tính chất,
quy mô, hình thức, người chủ mưu, cầm đầu, địa điểm, thời gian xảy ra,… và triển
khai công tác phòng ngừa tại chỗ. Nếu không ngăn chặn được, đoàn người vẫn kéo
lên cấp trên thì bằng phương tiện thông tin nhanh nhất báo cho cơ quan cấp trên
(nơi quần chúng ý định sẽ kéo đến) biết để chủ động giải quyết, đồng thời tổ chức
lực lượng, phương tiện lên phối hợp vận động đưa công dân về giải quyết tại địa
phương.
3. Lực lượng
Công an chủ trì (trường hợp cần thiết thì cơ quan Quân sự phối hợp) nắm chắc
tình hình, tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của vụ việc để tính toán việc bố
trí, triển khai lực lượng vào thời điểm thích hợp nhằm can thiệp, góp phần giải
quyết vụ việc đảm bảo đúng pháp luật, không để kẻ địch lợi dụng chống phá.
4. Việc giải
quyết phải đúng chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công
dân.
5. Các cơ
quan thông tấn, báo chí chỉ đưa tin, tuyên truyền... theo thông tin chính thức
của người phát ngôn của cơ quan có thẩm quyền.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Quy trình xử lý tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, nhà
riêng các đồng chí lãnh đạo xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)
Lấy cấp cơ sở
nơi xảy ra vụ việc làm nòng cốt để tập trung giải quyết ổn định tình hình tại
chỗ và thực hiện theo các bước sau:
1. Tiếp nhận,
hướng dẫn, ổn định tình hình.
Chính quyền địa
phương nơi có tụ tập đông người cử cán bộ tiếp nhận nội dung khiếu kiện của
công dân, hướng dẫn họ chấp hành đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố
cáo, phản ánh, kiến nghị và đảm bảo ANTT. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an,
Trung đội cơ động của xã thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nơi
có tụ tập đông người, ngăn chặn các hoạt động quá khích, vi phạm pháp luật, kìm
giữ không để xảy ra điểm nóng. Xác định rõ số đối tượng cầm đầu kích động, lôi
kéo, tiếp tay, cung cấp tiền, phương tiện, tổ chức người dân biểu tình, gây rối…
để triển khai lực lượng đấu tranh, vô hiệu hoá, đồng thời tập trung thu thập, củng
cố tài liệu chứng cứ vi phạm pháp luật của đối tượng để xử lý khi cần thiết.
Trường hợp người tham gia có mang theo băng cờ, khẩu hiệu có nội dung xấu, trái
pháp luật thì kiên quyết thu giữ.
2. Nắm, phân
tích, nhận định tình hình và đề xuất các biện pháp giải quyết.
a) Chủ tịch
UBND cấp xã nơi có tụ tập đông người khẩn trương báo cáo UBND huyện, thành, thị
(sau đây gọi chung là cấp huyện) và các ban, ngành, lực lượng liên quan cấp huyện
các nội dung cơ bản liên quan đến vụ việc tụ tập đông người (thời gian, địa điểm,
số lượng, người chủ mưu, cầm đầu, thành phần tham gia, ở địa phương nào, nội
dung nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn tới hoạt động tụ tập đông người…).
b) Chỉ đạo
các lực lượng liên quan tổ chức các biện pháp nắm chắc tình hình, làm rõ các nội
dung sự việc, tính chất, mức độ phức tạp để xây dựng phương án xử lý phù hợp.
c) Nếu vụ việc
phức tạp, vượt quá tầm kiểm soát, khẩn trương báo cáo Chủ tịch UBND huyện biết
chỉ đạo các ngành chức năng xuống cơ sở giúp địa phương nơi xảy ra vụ việc và đảm
bảo ANTT (xử lý như quy định tại Điều 4).
3. Giải
thích, đối thoại, vận động.
a) Chủ tịch
UBND cấp xã nơi có tụ tập đông người cử cán bộ hướng dẫn, giải thích, yêu cầu
những người tham gia khiếu kiện chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phản
ánh, kiến nghị và đảm bảo ANTT. Đồng thời trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải
thích trả lời những nội dung khiếu kiện của công dân và yêu cầu họ giải tán.
Trường hợp cần thiết, phối hợp với các ngành khối dân (Mặt trận Tổ quốc, Thanh
niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông dân…) cử cán bộ, sử dụng người có uy tín
tham gia vận động, giải tán đám đông. Lực lượng công an, quân sự huyện (nếu có)
và xã tổ chức giám sát chặt chẽ, tác động, răn đe, tách các đối tượng cầm đầu
lôi kéo, kích động, có hành vi manh động ra khỏi quần chúng nhân dân.
b) Các đồn
biên phòng (nếu có) đóng trên địa bàn nơi có tụ tập đông người phối hợp với
chính quyền cấp xã đảm bảo ANTT và tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng
nhân dân chấp hành đúng chính sách, pháp luật và giải tán đám đông.
4. Chỉ đạo,
giải quyết đúng với nguyên nhân phát sinh tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện: Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác vận động quần chúng. Tập trung chỉ đạo
xử lý nghiêm túc, dứt điểm các nội dung công dân khiếu kiện, đưa các hoạt động
trở lại bình thường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền của cấp xã thì báo cáo đề
nghị cấp uỷ, UBND và các ban, ngành, lực lượng liên quan cấp huyện chỉ đạo giải
quyết vụ việc, trả lời công dân đúng thời gian quy định, đảm bảo đúng chính
sách, pháp luật, quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
5. Xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
a) Trong quá
trình xảy ra vụ việc, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì lực lượng Công an cấp
xã phải khẩn trương báo cáo Công an cấp huyện.
b) Công an cấp
huyện tiếp nhận, tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý theo pháp luật trên
cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ, đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, ổn định
tình hình, an toàn và không làm nảy sinh phức tạp mới. Việc bắt người có hành
vi vi phạm pháp luật liên quan đến các vụ khiếu kiện, công an cấp huyện phải thực
hiện đúng quy định của pháp luật và phải báo cáo xin ý kiến của Công an tỉnh,
trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc cần thiết phải “xử lý nóng” để
kịp thời đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Điều 4. Quy trình xử lý tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, nhà
riêng các đồng chí lãnh đạo cấp huyện
Thực hiện
theo các bước sau:
1. Tiếp nhận,
hướng dẫn, ổn định tình hình.
a) Thủ trưởng
cơ quan nơi có tụ tập đông người cử cán bộ tiếp nhận nội dung khiếu kiện của công
dân, hướng dẫn họ chấp hành đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo,
phản ánh, kiến nghị và đảm bảo ANTT. Khẩn trương báo cáo cấp uỷ, chính quyền cấp
huyện các nội dung cơ bản liên quan đến vụ việc tụ tập đông người (thời gian, địa
điểm, số lượng, người chủ mưu, cầm đầu, thành phần tham gia, ở địa phương nào,
nội dung nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn tới hoạt động tụ tập đông người…). Đồng
thời thông báo tình hình cho cơ quan Công an, Ban chỉ huy Quân sự, Đài phát
thanh, truyền hình cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công dân tham gia tụ tập đông
người và các cơ quan liên quan đến nội dung khiếu kiện của công dân để chủ động
đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý tình hình theo chức năng của từng đơn vị.
b) Công an
huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo
an ninh, trật tự nơi có tụ tập đông người, ngăn chặn các hoạt động quá khích,
vi phạm pháp luật, kìm giữ không để xảy ra điểm nóng. Xác định rõ số đối tượng
cầm đầu lợi dụng kích động, lôi kéo, tiếp tay, cung cấp tiền, phương tiện, tổ
chức người dân khiếu kiện, gây rối… để triển khai lực lượng đấu tranh, vô hiệu
hoá, đồng thời tập trung thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ vi phạm pháp luật
của đối tượng để xử lý khi cần thiết. Trường hợp người tham gia có mang theo
băng cờ, khẩu hiệu có nội dung xấu, trái pháp luật thì bố trí lực lượng kiên
quyết thu giữ. Tuỳ theo tính chất mức độ phức tạp có thể huy động lực lượng
khác trong huyện hoặc đề xuất huy động lực lượng ở các địa phương khác để đảm bảo
ANTT.
c) Đài phát
thanh, truyền hình cấp huyện thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phục vụ công tác
tuyên truyền và đấu tranh, xử lý vụ việc.
2. Nắm, phân
tích, nhận định tình hình và đề xuất các biện pháp giải quyết.
Các cơ quan
chức năng có liên quan khẩn trương tổ chức các biện pháp nắm tình hình, báo cáo
tham mưu cho cấp uỷ, UBND cấp huyện chỉ đạo giải quyết vụ việc, ổn định tình
hình, cụ thể:
a) Công an
huyện chủ trì (trường hợp cần thiết thì Quân sự huyện phối hợp) khẩn trương triển
khai các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ tính chất, quy mô, hình thức, nội dung và
nguyên nhân dẫn tới quần chúng bức xúc tụ tập đông người gây phức tạp báo cáo
Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, đề xuất cấp ủy, UBND cấp huyện các biện pháp
giải quyết. Chủ động nắm chắc số lượng người, thành phần tham gia, phân loại đối
tượng chủ mưu, cầm đầu, phần tử quá khích… để đi sâu tác động nghiệp vụ, phân
hoá, cô lập đối tượng.
b) Chủ tịch
UBND cấp xã nơi có công dân tham gia tụ tập đông người, các ban ngành chức năng
liên quan đến nội dung khiếu kiện của công dân kịp thời nắm, báo cáo tình hình,
nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình để
tham mưu cho UBND cấp huyện các biện pháp giải quyết vụ việc. Chuẩn bị nội
dung, bố trí người có thẩm quyền trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích trả lời
và vận động những người tham gia trở về địa phương khi được Chủ tịch UBND cấp
huyện yêu cầu.
c) Nếu nội
dung khiếu kiện đã được tổ chức thanh tra, kiểm tra thì cơ quan nào được giao
nhiệm vụ chủ trì kiểm tra, thanh tra chuẩn bị nội dung tham mưu cho Chủ tịch
UBND cấp huyện trả lời, đối thoại cho công dân.
3. Giải
thích, đối thoại, vận động.
UBND cấp huyện
cử cán bộ hướng dẫn, giải thích và tổ chức để người tham gia khiếu kiện đến
đúng địa điểm quy định. Đồng thời trên cơ sở nội dung báo cáo của lực lượng
Công an và các cơ quan liên quan, chủ trì tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện
thực hiện tốt các nội dung sau:
a) Giao trách
nhiệm cho cơ quan chức năng liên quan đến nội dung khiếu kiện của công dân trực
tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích trả lời và vận động những người tham gia trở
về địa phương. Khi cần thiết đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Phó Chủ tịch
cùng một số cán bộ có thẩm quyền tiếp, đối thoại tại chỗ, hạn chế việc công dân
kéo đông người lên tỉnh, Trung ương khiếu kiện.
b) Phối hợp với
các tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Nông
dân… cử cán bộ, sử dụng người có uy tín tham gia vận động, giải tán đám đông. Lực
lượng công an tổ chức giám sát chặt chẽ, tác động, răn đe, tách các đối tượng cầm
đầu lôi kéo, kích động, có hành vi manh động ra khỏi quần chúng nhân dân.
c) Trường hợp
cần thiết thì UBND huyện lập Đoàn công tác gồm đại diện các ngành liên quan
tham gia xuống địa bàn làm rõ nội dung sự việc, tính chất, mức độ phức tạp để
chỉ đạo giải quyết trả lời công dân đúng thời gian quy định, đảm bảo đúng chính
sách, pháp luật, quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
4. Chỉ đạo,
giải quyết đúng với nguyên nhân phát sinh tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện: Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác vận động quần chúng, kiện toàn, củng cố
hệ thống chính trị cơ sở nơi có công dân tham gia tụ tập đông người. Tập trung
chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm túc, dứt điểm các nội dung
công dân khiếu kiện đưa các hoạt động trở lại bình thường.
5. Xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Trong quá
trình xảy ra vụ việc, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tiến hành củng cố hồ
sơ, chứng cứ để xử lý theo pháp luật trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ, đảm bảo
các yêu cầu chính trị, pháp luật, ổn định tình hình, an toàn và không làm nảy
sinh phức tạp mới, theo phương châm "xử lý cán bộ vi phạm trước, xử lý người
khiếu kiện vi phạm sau". Việc bắt người có hành vi vi phạm pháp luật liên
quan đến các vụ khiếu kiện, công an cấp huyện phải thực hiện đúng quy định của
pháp luật và phải báo cáo xin ý kiến của Công an tỉnh, trừ trường hợp bắt người
phạm tội quả tang hoặc cần thiết phải “xử lý nóng” để kịp thời đấu tranh, phòng
chống tội phạm.
Điều 5. Quy trình xử lý tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, nhà
riêng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các trường hợp khác hoặc các khu vực công cộng
Thực hiện
theo các bước sau:
1. Tiếp nhận,
hướng dẫn, ổn định tình hình.
a) Thủ trưởng
cơ quan nơi có hoạt động tụ tập đông người cử cán bộ tiếp nhận nội dung khiếu
kiện của công dân, hướng dẫn họ chấp hành đúng quy định của pháp luật về khiếu
nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và đảm bảo ANTT. Khẩn trương báo cáo Tỉnh uỷ,
UBND tỉnh các nội dung cơ bản liên quan đến vụ việc tụ tập đông người (thời
gian, địa điểm, số lượng, người chủ mưu, cầm đầu, thành phần tham gia, ở địa
phương nào, nội dung nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn tới hoạt động tụ tập
đông người…). Đồng thời thông báo tình hình cho Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự
tỉnh, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, UBND thành phố Vinh, UBND
cấp huyện (nơi có công dân tụ tập đông người) và các cơ quan liên quan đến nội
dung khiếu kiện của công dân để chủ động đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý tình
hình theo chức năng.
b) Thực hiện
các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nơi tụ tập đông người.
- Chủ tịch
UBND thành phố Vinh chỉ đạo Công an thành phố Vinh (trường hợp cần thiết có thể
báo cáo cấp có thẩm quyền điều thêm lực lượng quân sự) triển khai đủ lực lượng,
phương tiện đến ngay khu vực tụ tập đông người để tổ chức bảo vệ, đảm bảo an
ninh trật tự. Triển khai lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, tuyến không
để ùn tắc giao thông, hạn chế lưu lượng người và phương tiện giao thông đi vào
khu vực tụ tập đông người phức tạp. Bố trí lực lượng quay phim, chụp ảnh, lấy lời
khai, lập biên bản vi phạm, thu thập chứng cứ về các hành vi quá khích vi phạm
pháp luật… phục vụ xử lý đối tượng khi cần thiết. Trường hợp số người tham gia
có mang theo băng cờ, khẩu hiệu có nội dung xấu thì bố trí lực lượng kiên quyết
thu giữ.
- Công an tỉnh
chủ trì bố trí đủ lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm quần chúng
tụ tập đông người (trường hợp cần thiết có thể báo cáo cấp có thẩm quyền điều
thêm lực lượng quân sự), chủ động các biện pháp giải quyết khi số người tham
gia có hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn các mục tiêu bảo vệ, đặc biệt
là trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ,
UBND tỉnh; hướng dẫn quần chúng cử đại diện đến địa điểm tiếp dân đã quy định
và kiến nghị các ngành chức năng tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc, phản ánh, kiến
nghị của quần chúng, không để họ phải chờ đợi lâu.
2. Nắm, phân
tích, nhận định tình hình và đề xuất các biện pháp giải quyết.
Các cơ quan
chức năng có liên quan khẩn trương tổ chức các biện pháp nắm tình hình, báo cáo
tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết vụ việc, ổn định tình hình,
cụ thể:
a) Công an tỉnh
chủ trì, (trường hợp cần thiết thì Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp, nếu quần
chúng nhân dân tham gia khiếu kiện ở khu vực biên giới thì Bộ chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh phối hợp) khẩn trương nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân dẫn tới
quần chúng bức xúc, tụ tập đông người gây phức tạp báo cáo đề xuất Tỉnh ủy,
UBND tỉnh các biện pháp giải quyết. Chủ động nắm chắc các thành phần tham gia,
phân loại đối tượng, cũng như âm mưu ý đồ kích động tụ tập đông người để có đối
sách phù hợp, phục vụ yêu cầu tác động nghiệp vụ, phân hoá đối tượng kích động
chống đối, quá khích.
b) Chủ tịch
UBND cấp huyện nơi có công dân tham gia tụ tập đông người tập hợp các tình hình
có liên quan đến vụ việc báo cáo đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các biện pháp giải
quyết.
c) Các Sở,
ban, ngành chức năng liên quan đến nội dung khiếu kiện của công dân kịp thời nắm,
báo cáo tình hình, nội dung vụ việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của
đơn vị mình để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp giải quyết. Chuẩn
bị các nội dung để trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích trả lời và vận động
những người tham gia trở về địa phương khi được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
d) Giám đốc
các Sở, Thủ trưởng các ngành được UBND tỉnh giao chủ trì giải quyết nội dung
khiếu kiện có trách nhiệm chuẩn bị nội dung tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trả
lời cho công dân (Nếu vụ việc đã tiến hành thanh tra).
3. Giải
thích, đối thoại, vận động.
Thủ trưởng cơ
quan nơi có hoạt động tụ tập đông người cử cán bộ hướng dẫn, giải thích và tổ
chức để số người tham gia đến đúng địa điểm quy định. Đồng thời trên cơ sở nội
dung báo cáo, đề xuất của lực lượng Công an (Quân sự nếu có) và các cơ quan
liên quan, chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND
tỉnh bố trí địa điểm, thời gian, cán bộ trực tiếp đối thoại với công dân theo
đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo các lực lượng tuyên truyền, vận động quần
chúng nhân dân giải tán.
a) Tổ chức tiếp
và trả lời nội dung khiếu kiện của công dân:
- Nếu vụ việc
đã được thanh tra, kiểm tra kết luận thì giao người có thẩm quyền (Giám đốc Sở
hoặc Thủ trưởng ban, ngành có cán bộ làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra) trả lời
cho công dân về kết quả giải quyết. Trường hợp cần thiết lãnh đạo UBND tỉnh chủ
trì trực tiếp đối thoại, trả lời với công dân, chỉ đạo giao trách nhiệm cho
chính quyền địa phương, các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm, đảm
bảo quyền lợi chính đáng của công dân, phù hợp với chính sách pháp luật.
- Nếu vụ việc
chưa được kiểm tra, thanh tra thì hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại,
tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật; giao cho cấp có
thẩm quyền giải quyết vụ việc đó khẩn trương xác minh kết luận báo cáo tham mưu
đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh thông báo kết quả cho công dân.
b) Tổ chức
tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân giải tán.
- Chủ tịch
UBND cấp huyện nơi có công dân tham gia tụ tập đông người lập đoàn công tác về
thành phố Vinh để phối hợp với các lực lượng liên quan vận động đưa họ về địa
phương để giải quyết.
- Chủ tịch
UBND thành phố Vinh chủ trì, phối hợp với các ban, ngành của Thành phố như: Mặt
trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Dân vận, Hội Nông dân… cử cán
bộ tham gia vận động, giải tán đám đông.
- Công an tỉnh
chủ trì (trường hợp cần thiết thì Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp) tổ chức
giám sát, tác động, tách các đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động, có hành vi
manh động ra khỏi quần chúng nhân dân.
- Trường hợp
cần thiết Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp với các
ban, ngành như: Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Dân vận,
Hội Nông dân… tham gia vận động, giải tán đám đông.
- Trường hợp
đám đông cố tình khiếu kiện chây lỳ thì Chủ tịch UBND thành phố Vinh chỉ đạo lực
lượng Công an (chủ trì) và các cơ quan liên quan kiên trì vận động giáo dục,
yêu cầu họ trở về địa phương; đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính về việc
tụ tập đông người trái pháp luật, yêu cầu họ giải tán.
4. Chỉ đạo,
giải quyết đúng với nguyên nhân phát sinh tình huống tụ tập đông người để khiếu
kiện: Tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện nơi có công dân tham gia tụ tập đông người
làm tốt công tác vận động quần chúng, kiện toàn củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Tập trung chỉ đạo giải quyết nội dung khiếu kiện của công dân.
a) Các Sở,
ban, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu giải quyết vụ việc theo chỉ đạo của
Chủ tịch UBND tỉnh.
b) Thanh tra
tỉnh hoặc các Sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh lập Đoàn Thanh
tra và khi có quyết định thanh tra phải tiến hành thanh tra kịp thời, chính
xác, khách quan, đúng luật, sớm báo cáo kết quả thanh tra và kiến nghị, đề xuất
hướng giải quyết để lãnh đạo tỉnh chuẩn y trả lời nội dung khiếu kiện của công
dân.
5. Xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Trong quá
trình xảy ra vụ việc, nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính… căn
cứ vào tính chất, mức độ lỗi phạm, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có hình thức
xử lý phù hợp, trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ, đảm bảo các yêu cầu chính trị,
pháp luật, ổn định tình hình, an toàn và không làm nảy sinh phức tạp mới.
Điều 6. Quy trình xử lý tình huống tụ tập đông người kéo ra Hà
Nội để khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng,
chính quyền, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Trung ương
1. Công an tỉnh
sau khi nhận được thông tin phải báo cáo ngay cho Bộ Công
an để chủ động
phối hợp tham mưu xử lý tình hình; đồng thời báo cáo tham mưu Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh về nguyên nhân, nội dung vụ việc và đề xuất UBND tỉnh lập tổ
công tác đi Hà Nội hoặc địa phương khác, nơi có công dân từ Nghệ An kéo đến để
phối hợp vận động đưa công dân về địa phương quản lý, giải quyết. Chỉ đạo Công
an địa phương trong tỉnh có người tham gia khiếu kiện tập trung xác định nguyên
nhân, bản chất vụ việc, người chủ mưu, cầm đầu... để tham mưu, đề xuất chủ
trương, biện pháp chỉ đạo, giải quyết đảm bảo chính xác, đúng chính sách pháp
luật.
2. Văn phòng
UBND tỉnh tham mưu ra quyết định lập đoàn công tác đến nơi có quần chúng tụ tập
đông người đưa những người tham gia khiếu kiện về địa phương giải quyết.
3. Các Sở,
ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ cử cán bộ có năng lực tham gia tổ công tác
của tỉnh phối hợp vận động người tham gia khiếu kiện và trực tiếp giải quyết vụ
việc theo chức năng thẩm quyền.
4. Chủ tịch
UBND cấp huyện nơi có công dân tham gia tụ tập đông người có trách nhiệm tham
gia vào đoàn công tác vận động của tỉnh. Chỉ đạo lực lượng Công an cử một số
cán bộ cùng tham gia với đoàn công tác để phối hợp với Công an sở tại nắm, xử
lý tình hình, quản lý đối tượng, thu thập củng cố tài liệu, chứng cứ vi phạm của
đối tượng lợi dụng khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị để gây rối, hoạt động
vi phạm pháp luật tại các cơ quan Trung ương phục vụ xử lý đối tượng khi cần
thiết.
5. Sau khi vận
động, đưa số người tham gia khiếu kiện từ Trung ương trở về địa phương, UBND tỉnh
chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp với MTTQ và các đoàn thể quần chúng
giúp đỡ địa phương củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở; rà soát lại các nội
dung khiếu kiện và quá trình giải quyết của chính quyền địa phương để tiếp tục
đề xuất các biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để công dân bức xúc,
tiếp tục kéo ra Trung ương gây phức tạp về ANTT.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Căn cứ chức
năng nhiệm vụ được giao Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thành, thị quán triệt, nắm vững và xây dựng kế hoạch để chủ động
xử lý khi có tình huống tụ tập đông người phức tạp xảy ra.
2. Thanh tra
tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Chủ tịch
UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị
phức tạp, kéo dài.
3. Sở Tài
chính tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phục vụ các đơn vị, địa phương trực
tiếp tham gia giải quyết tình huống tụ tập đông người phức tạp.
4. Công an tỉnh
chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này; chủ trì tham mưu, đề xuất xử
lý, giải quyết tình hình tụ tập đông người phức tạp trên địa bàn tỉnh; định kỳ
hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện Quy định này lên Thường trực Tỉnh ủy,
UBND tỉnh để chỉ đạo.
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá
trình tổ chức thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND
các huyện, thành phố, thị xã báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh và
Công an tỉnh) để xử lý./.