UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 61/2005/QĐ-UBND
|
Nha Trang, ngày 12 tháng 8 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY
CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật
Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm
2004;
Căn cứ Nghị
định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá
tài sản trong tố tụng hình sự;
Theo đề nghị
của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1998/TTr-STC-VG ngày 26/7/2005 về
việc Quyết định ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng định giá
tài sản trong tố tụng hình sự tại tỉnh Khánh Hòa, Quyết định thành lập Hội đồng
định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại tỉnh Khánh Hòa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành Quy
chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự
tại tỉnh Khánh Hoà.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố, thủ trưởng các đơn vị có đại diện là thành viên Hội đồng định giá tài sản
trong tố tụng hình sự, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Lâm Phi
|
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2005/QĐ-UBND ngày 12/8/2005 của UBND tỉnh
Khánh Hòa)
Chương
I
NHỮNG
QUY ĐINH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này áp
dụng cho các Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại tỉnh Khánh Hòa
theo Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá
tài sản trong tố tụng hình sự (sau đây gọi tắt là Hội đồng định giá tài sản), nhằm
thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, để
phục vụ cho việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng
hình sự.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động
1. Hội đồng định
giá tài sản hoạt động độc lập, tuân theo pháp luật và phải bảo đảm nguyên tắc
trung thực, khách quan, dân chủ, công khai và kịp thời; bảo đảm tính chính xác
và phù hợp với thực tế.
2. Hội đồng định
giá tài sản làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Hội đồng chịu
trách nhiệm về kết luận của mình. Kết luận của Hội đồng định giá tài sản là một
trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải
quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự.
3. Thành viên của
Hội đồng định giá tài sản khi tham gia phiên họp định giá tài sản chịu trách
nhiệm cá nhân về ý kiến định giá của mình theo quy định của Nghị định số
26/2005/NĐ-CP và các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Chương II
HỘI ĐỒNG
ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Điều 3. Thành lập Hội đồng định giá tài sản
1. Chủ tịch UBND
tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh, gồm:
a) Một lãnh đạo
của Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng;
b) Một chuyên viên
về giá của Sở Tài chính là thành viên thường trực của Hội đồng;
c) Đại diện các
sở, các cơ quan, tổ chức chuyên môn cấp tỉnh là thành viên của Hội đồng.
2. Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang (gọi chung là cấp huyện) quyết
định thành lập Hội đồng định giá sản tài sản cấp huyện, gồm:
a) Một lãnh đạo
của phòng Tài chính - Kế hoạch làm Chủ tịch Hội đồng;
b) Một chuyên viên
về giá của phòng Tài chính - Kế hoạch là thành viên thường trực của Hội đồng;
c) Đại diện các
phòng, ban, các cơ quan chuyên môn cấp huyện là thành viên của Hội đồng.
3. Chủ tịch UBND
các cấp quyết định bổ nhiệm đích danh Chủ tịch Hội đồng và thành viên thường
trực của Hội đồng định giá tài sản cùng cấp tại Quyết định thành lập Hội đồng
định giá tài sản.
4. Căn cứ vào yêu
cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng các cấp, Chủ
tịch Hội đồng định giá tài sản cùng cấp lựa chọn thành viên phù hợp với yêu cầu
để thành lập Hội đồng định giá tài sản vụ việc cho từng vụ việc cụ thể. Số lượng
thành viên tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc phải có ít nhất là 3
người. Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản làm Chủ tịch Hội đồng định giá tài
sản vụ việc.
5. Trong trường
hợp do tính chất đặc biệt của vụ án, hoặc do yêu cầu phải bảo đảm bí mật, cơ
quan tiến hành tố tụng quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản riêng cho
vụ việc đó theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP. Hội đồng
định giá tài sản do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thành lập có các
quyền, nghĩa vụ, và tiến hành định giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Quy
chế này.
6. Hội đồng định
giá tài sản các cấp thực hiện yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng cùng cấp, trừ trường hợp đặc biệt theo Khoản 5 Điều này, hoặc định
giá lại theo Điều 16 của Quy chế này.
7. Nơi làm việc
và giao dịch của Hội đồng định giá tài sản các cấp được đặt tại cơ quan Tài
chính cùng cấp.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản
1. Hội đồng định
giá tài sản có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, thông tin hiện có liên quan đến
tài sản cần định giá;
b) Yêu cầu tổ chức,
cá nhân khác có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho
việc định giá tài sản;
c) Từ chối việc
định giá tài sản trong trường hợp các tài liệu, thông tin được cung cấp không
đầy đủ hoặc có lý do chính đáng khác;
d) Các quyền khác
theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng định
giá tài sản có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các
nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Quy chế này;
b) Thực hiện định
giá tài sản theo đúng thời hạn được yêu cầu; Trong trường hợp cần có thêm thời
gian để thực hiện định giá thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan yêu cầu định
giá biết;
c) Xác định đúng
giá trị của tài sản được yêu cầu định giá và chịu trách nhiệm về kết luận định
giá tài sản đó;
d) Các nghĩa vụ
khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của thành viên của Hội đồng định giá
tài sản
1. Thành viên của
Hội đồng định giá tài sản có quyền:
a) Đưa ra nhận
định, đánh giá về tài sản cần định giá;
b) Biểu quyết để
xác định giá của tài sản;
c) Được hưởng chế
độ bồi dưỡng vật chất khi tham gia định giá tài sản;
d) Các quyền khác
theo quy định của pháp luật.
2. Thành viên của
Hội đồng định giá tài sản có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ các
nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Quy chế này;
b) Tham dự các
phiên họp của Hội đồng định giá tài sản khi được yêu cầu;
c) Chịu trách nhiệm
về ý kiến định giá của mình;
d) Từ chối tham
gia Hội đồng định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại
Điều 10 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP.
Chương III
TRÌNH
TỰ, THỦ TỤC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Điều 6. Tiếp nhận yêu cầu định giá và thành lập Hội đồng định
giá tài sản vụ việc.
1. Khi nhận được
văn bản yêu cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng,
có nội dung đúng với quy định tại Điều 11 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, Chủ
tịch Hội đồng định giá tài sản có trách nhiệm tiếp nhận văn bản yêu cầu định
giá tài sản, gửi Thông báo đến các thành viên liên quan, và làm công tác chuẩn
bị các hồ sơ, tài liệu, điều kiện, phương tiện, địa điểm cho Hội đồng định giá
tài sản vụ việc làm việc. Thành viên thường trực của Hội đồng định giá tài sản
giúp Chủ tịch Hội đồng định giá theo dõi, thực hiện việc tiếp nhận văn bản yêu
cầu định giá tài sản, việc lựa chọn, quyết định thành viên tham gia định giá
tài sản và các thủ tục tiến hành định giá tài sản.
2. Khi xét thấy
việc định giá không đảm bảo một trong các điều kiện sau, Chủ tịch Hội đồng định
giá tài sản gửi văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu định giá thông
báo việc từ chối định giá hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ tài liệu:
a) Văn bản yêu
cầu định giá không đúng thủ tục, không đủ nội dung theo quy định tại Điều 11 của
Nghị định số 26/2005/NĐ-CP;
b) Yêu cầu định
giá không đúng thẩm quyền phân cấp theo Khoản 6 Điều 3 Quy chế này;
c) Thời gian tiến
hành định giá theo thủ tục quy định tại Quy chế này không đảm bảo thời hạn yêu
cầu định giá ghi trong văn bản yêu cầu định giá;
d) Hồ sơ, tài liệu
cần định giá gửi kèm văn bản yêu cầu định giá không có hoặc không đủ cho việc
định giá.
3. Căn cứ vào tính
chất của tài sản cần định giá, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản gửi Thông báo
đến đơn vị là thành viên có chuyên môn phù hợp, yêu cầu cử cán bộ tham gia Hội
đồng định giá tài sản vụ việc. Thông báo phải ghi rõ nội dung yêu cầu định giá
của cơ quan có thẩm quyền tố tụng, tên tài sản cần định giá, thời hạn thực hiện
định giá, thời gian và địa điểm họp định giá.
4. Thủ trưởng các
đơn vị là thành viên nhận được Thông báo có trách nhiệm lựa chọn, cử cán bộ thuộc
quyền tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc. Người được cử phải có phẩm
chất đạo đức tốt, có đủ trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm
về loại tài sản cần định giá và không thuộc các trường hợp không được tham gia
Hội đồng định giá tài sản theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số
26/2005/NĐ-CP. Việc cử người được thực hiện bằng văn bản gọi đến Chủ tịch Hội
đồng định giá tài sản trong trường hợp bình thường, hoặc xác nhận tên người
được cử trực tiếp trên Thông báo yêu cầu cử cán bộ trong trường hợp cấp bách
theo Điều 17 của Quy chế này.
5. Căn cứ văn bản
hoặc xác nhận cử người của thủ trưởng các cơ quan là thành viên của Hội đồng
định giá tài sản, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản ra Quyết định phân công và
thành lập Hội đồng định giá tài sản vụ việc theo Khoản 4 Điều 3 của Quy chế này
để thực hiện yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 7. Căn cứ và phương pháp định giá tài sản
1. Việc định giá
tài sản phải dựa trên các căn cứ sau:
a) Giá phổ biến
trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;
b) Giá do các cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;
c) Giá trên tài
liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;
d) Giá trị thực
tế của tài sản cần định giá;
e) Các căn cứ khác
về giá trị của tài sản cần định giá.
2. Phương pháp
định giá: Việc định giá phải thực hiện theo các phương pháp định giá do Nhà nước
quy định, cụ thể:
a) Đối với tài
sản là đất đai: Thực hiện theo Nghị định số 188/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính
phủ về phương pháp xác định giá các loại đất, Thông tư số 114/2004/TT-BTC ngày
26/11/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP
ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá các loại đất và khung
giá các loại đất.
b) Đối với tài
sản là hàng hóa, dịch vụ và các loại tài sản khác: Thực hiện theo Quyết định số
06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy
chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Điều 8. Xem tài sản, nghiên cứu thông tin, tài liệu liên quan
đến tài sản cần định giá
1. Chủ tịch Hội
đồng định giá tài sản có trách nhiệm sao, chụp các hồ sơ, tài liệu liên quan
đến tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp,
gửi cho các thành viên được chọn tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc,
kèm theo Thông báo yêu cầu cử cán bộ, trước khi tổ chức phiên họp định giá ít
nhất là 3 ngày. Các thành viên Hội đồng định giá tài sản vụ việc có trách nhiệm
tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hồ sơ trước khi dự họp định giá. Khi cần thiết, Chủ
tịch Hội đồng định giá tài sản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
cung cấp bổ sung hồ sơ và sao gửi cho các thành viên Hội đồng định giá tài sản
vụ việc nghiên cứu bổ sung Tài liệu sao gửi phải được đóng dấu sao y của Sở Tài
chính. Các thành viên tiếp nhận hồ sơ phải sử dụng, bảo quản hồ sơ theo chế độ
bảo mật do Nhà nước quy định.
2. Chủ tịch Hội
đồng định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức cho các thành viên Hội đồng định
giá tài sản vụ việc xem tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá. Thời gian và
hình thức xem tài sản hoặc mẫu tài sản được tổ chức tùy vào loại tài sản cần định
giá, nhưng phải được thực hiện trước phiên họp định giá. Các thành viên Hội
đồng định giá tài sản vụ việc có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu tài sản hoặc
mẫu tài sản đầy đủ trước khi dự họp định giá. Tài sản hoặc mẫu tài sản do cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá cung cấp theo quy định tại
Điều 14 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP.
Điều 9. Khảo sát giá
Trong quá trình
nghiên cứu tài liệu, thông tin về tài sản cần định giá và thực hiện định giá,
các thành viên Hội đồng định giá tài sản vụ việc phải thực hiện việc khảo sát
giá bằng các hình thức sau:
1. Khảo sát giá
thị trường theo giá bán buôn hoặc giá bán lẻ đối với tài sản cùng loại hoặc tương
đương còn mới, có chất lượng đạt 100%;
2. Nghiên cứu bảng
giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để thực hiện tại địa
phương;
3. Tham khảo giá
trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá.
Điều 10. Phiên họp định giá tài sản
1. Phiên họp định
giá tài sản chỉ được tổ chức khi có đủ các thành viên của Hội đồng định giá tài
sản vụ việc, và sau khi các thành viên này thực hiện các bước quy định tại Điều
7, 8, 9 của Quy chế này.
2. Các thành viên
Hội đồng định giá tài sản vụ việc dự họp đúng thời gian và địa điểm theo Thông
báo của Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản, không được vắng mặt, không được ủy
quyền họp thay. Trường hợp bất khả kháng mà có một thành viên phải vắng mặt,
Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản cho hoãn phiên họp cho đến khi có mặt đủ các
thành viên được phân công tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc, hoặc bổ
sung, thay thế thành viên khác theo đúng thủ tục quy định tại Khoản 4, 5 Điều 6
của Quy chế này. Thành viên mới được bổ sung, thay thế có trách nhiệm thực hiện
đúng các bước quy định tại Điều 7, 8, 9 của Quy chế này trước khi tham dự phiên
họp.
3 . Mỗi thành viên
của Hội đồng định giá tài sản vụ việc phát biểu ý kiến của mình về giá trị của
tài sản trên cơ sở xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản đó
so với tài sản cùng loại còn mới, có chất lượng đạt 100%.
4. Hội đồng định
giá tài sản vụ việc quyết định giá của tài sản theo đa số. Trong trường hợp có
ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết
định. Trong trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định
thì thành viên của Hội đồng định giá tài sản vụ việc có quyền bảo lưu ý kiến
của mình; ý kiến đó được ghi vào Biên bản định giá tài sản.
5. Đại diện cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản, đại diện các bên
đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản cần định giá được tham
dự phiên họp định giá tài sản và có thể phát biểu ý kiến về việc định giá, nhưng
không được quyền biểu quyết về giá của tài sản. Các đối tượng này tham dự phiên
họp theo giấy mời của Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản Việc quyết định hoặc
chấp thuận mời đối tượng nào tham dự phiên họp do Chủ tịch Hội đồng định giá
tài sản quyết định, căn cứ vào yêu cầu phục vụ phiên họp định giá tài sản hoặc
theo đề nghị của các đối tượng liên quan.
Điều 11. Biên bản định giá tài sản
1. Hội đồng định
giá tài sản vụ việc phải lập biên bản về việc định giá tài sản. Biên bản định
giá tài sản phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ và trung thực toàn bộ quá trình định
giá tài sản.
2. Biên bản định
giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Họ tên chủ tịch
Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng định giá tài sản vụ
việc;
b) Họ, tên những
người tham dự phiên họp định giá tài sản;
c) Thời gian, địa
điểm tiến hành phiên họp định giá tài sản;
d) Kết quả khảo
sát giá trị của tài sản;
e) Ý kiến của các
thành viên của Hội đồng định giá tài sản vụ việc và những người tham dự phiên
họp định giá tài sản;
f) Kết quả biểu
quyết của Hội đồng định giá tài sản vụ việc về giá trị tài sản;
g) Thời gian, địa
điểm hoàn thành việc định giá tài sản;
h) Chữ ký của các
thành viên Hội đồng định giá tài sản vụ việc.
3. Biên bản định
giá tài sản phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản.
Điều 12. Kết luận định giá tài sản
1. Kết luận định
giá tài sản phải được lập thành văn bản và có nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản;
b) Hội đồng định
giá tài sản được yêu cầu; Họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các
thành viên của Hội đồng định giá tài sản vụ việc;
c) Số của văn bản
yêu cầu định giá hoặc Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định
tại Điều 7 của Nghị định sô 26/2005/NĐ-CP;
d) Ngày nhận yêu
cầu định giá hoặc Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định tại
Điều 7 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP;
e) Tên tài sản
cần định giá;
f) Thông tin, tài
liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;
g) Kết luận về
giá của tài sản;
h) Thời gian, địa
điểm hoàn thành việc định giá.
2. Kết luận định
giá tài sản phải có chữ ký của tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tài
sản vụ việc và phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản.
3 . Kết luận định
giá tài sản và biên bản định giá tài sản được gửi cho cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng yêu cầu định giá.
Điều 13. Hồ sơ định giá tài sản
1. Hồ sơ định giá
tài sản do Hội đồng định giá tài sản lập và gồm có các tài liệu sau đây:
a) Văn bàn yêu
cầu định giá tài sản hoặc Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản quy định
tại Điều 7 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP;
b) Biên bản định
giá tài sản;
c) Kết luận định
giá tài sản;
đ) Các tài liệu
khác liên quan đến việc định giá tài sản.
2. Cơ quan Tài
chính có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ định giá của Hội đồng định giá tài
sản cung cấp. Hồ sơ định giá tài sản được lưu giữ ít nhất 30 năm, kể từ ngày kết
thúc việc định giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thành viên
thường trực Hội đồng định giá có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng định giá
hoàn chỉnh hồ sơ, đưa vào lưu giữ theo quy định.
Điều 14. Thời hạn tiến hành định giá và thực hiện các bước thủ
tục định giá
1. Thời hạn tiến
hành định giá được xác định theo văn bản yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng, nhưng không ít hơn tổng thời gian tối thiểu thực hiện
các bước thủ tục định giá quy định tại Khoản 2 Điều này, trừ trường hợp cấp
bách theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.
2. Thời hạn thực
hiện các bước thủ tục định giá được quy định như sau:
a) Trong thời hạn
2 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản phải có Thông báo yêu cầu cử cán
bộ tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc, gửi đến các thành viên liên quan,
hoặc Thông báo từ chối, đề nghị bổ sung hồ sơ tài liệu, gửi đến cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá.
b) Trong thời hạn
2 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo yêu cầu cử cán bộ tham gia Hội đồng định
giá tài sản vụ việc, thủ trưởng các cơ quan thành viên phải phân công cán bộ
tham gia Hội đồng định giá tài sản vụ việc, và gửi văn bản xác nhận việc phân
công đó đến Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản.
c) Trong thời hạn
từ 3 đến 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xác nhận việc phân công của các
thành viên, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản phải ra Quyết định phân công và
thành lập Hội đồng định giá tài sản vụ việc và tổ chức phiên họp định giá.
d) Trong thời hạn
3 ngày kể từ ngày có Biên bản định giá tài sản, Chủ tịch Hội đồng định giá tài
sản gửi Kết luận định giá tài sản đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
yêu cầu định giá.
e) Trường hợp có
các đối tượng khác theo Khoản 5 Điều 10 của Quy chế này tham gia phiên họp định
giá, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản phải gửi giấy mời đến người được mời ít
nhất 2 ngày trước ngày tổ chức phiên họp định giá.
3. Thời hạn thực
hiện các bước thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều này được xác định căn cứ vào
dấu Bưu điện đóng trên công văn giao dịch hoặc dấu xác nhận công văn đến của
Văn thư nơi nhận và được tính theo ngày làm việc.
Điều 15. Định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc
hoặc không còn
1. Trong trường
hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc không còn, thì việc định giá tài sản
được thực hiện trên hồ sơ của tài sản, trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu
thập được về tài sản cần định giá.
2. Việc định giá
tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này phải tuân theo các trình tự, thủ tục định
giá tài sản được quy định tại Quy chế này.
Điều 16. Định giá lại tài sản.
Hội đồng định giá
tài sản cấp tỉnh tiến hành định giá lại kết quả định giá của Hội đồng định giá
tài sản cấp huyện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Việc định giá lại được tiến hành theo Quy chế này và các quy định chung của Nghị
định số 26/2005/NĐ-CP.
Điều 17. Định giá tài sản trong trường hợp cấp bách
1. Trong trường
hợp cấp bách cần định giá tài sản ngay nhằm phục vụ cho công tác điều tra khi
cơ quan điều tra thực hiện việc bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ, tạm giam
theo Điều 82, 83, 86, 87 của Bộ Luật tố tụng hình sự, Chủ tịch Hội đồng định
giá tài sản quyết định việc rút ngắn thời gian và đơn giản các thủ tục thực
hiện định giá, nhưng vẫn phải đảm bảo các bước thủ tục cần thiết cho việc định
giá một cách chính xác.
2. Các trường hợp
định giá cấp bách phải được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định
giá xác định rõ trong văn bản yêu cầu định giá, và là căn cứ để Chủ tịch Hội
đồng định giá tài sản quyết định việc thực hiện định giá cấp bách.
Điều 18. Chi phí định giá tài sản
Chi phí cho hoạt
động định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản do cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản chi trả cho Hội đồng định giá tài
sản, được quản lý và chi tiêu theo quy định của Bộ Tài chính.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 19. Xử lý vi phạm
Thành viên của
Hội đồng định giá tài sản do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm các quy định tại
Quy chế này và các quy định chung của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, thì tùy theo
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Khiếu nại, tố cáo
Trong quá trình tiến hành định giá và kết luận định giá có phát
sinh khiếu nại, thì việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực hiện theo Điều
24 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP.