Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 38/2000/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Hoàng Văn Nghiên
Ngày ban hành: 19/04/2000 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 5/7/1994;
Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thành phố Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 1418/QĐ-UB ngày 23 tháng 4 năm 1996 của UBND thành phố Hà Nội và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Chánh Thanh tra thành phố, Giám đốc sở Tư pháp, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

QUY ĐỊNH

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số 38/2000/QĐ-Uỷ ban Hành chính ngày 19 tháng 4 năm 2000 của UBND thành phố Hà Nội).

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1:

1- Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền ký đối với mình khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

2- Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thuộc thành phố Hà Nội về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 2: Các cấp, các ngành thuộc thành phố Hà Nội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải có trách nhiệm:

- Tổ chức tiếp công dân đến trình bày nội dung cần khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Thụ lý hồ sơ để xem xét, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền.

ĐIỀU 3: Việc khiếu nại, tố cáo theo điều 1 Quy định này và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp có thẩm quyền thuộc thành phố Hà Nội phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Luật khiếu nại, tố cáo, được hướng dẫn bởi Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ và Quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thành phố Hà Nội này.

Chương 2:

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN.

Điều 4: Nơi tiếp công dân

1- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bố trí chung một địa điểm làm nơi tiếp công dân và có bộ phận cán bộ chuyên trách thường xuyên lo việc tổ chức tiếp công dân.

2- Thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp, các ngành thuộc thành phố phải bố trí địa điểm tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan mình; Nơi tiếp công dân được đặt ở vị trí thuận tiện, khang trang, lịch sự; UBND quận, huyện thành lập tổ tiếp dân chuyên trách, cử Phó Văn phòng hoặc Phó Chánh Thanh tra cùng cấp phụ trách công tác tiếp dân;

3- Nơi tiếp công dân được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, có niêm yết lịch tiếp công dân và công bố tên, chức danh người phụ trách việc tiếp công dân. Có bảng quy định ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người đến phản ánh kiến nghị và khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân.

Điều 5: Trách nhiệm của lãnh đạo

1 - Thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp, các ngành và các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội có trách nhiệm định kỳ tiếp công dân theo Luật định để xem xét, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

Phải bố trí cán bộ tiếp dân có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn và am hiểu pháp luật làm công tác tiếp dân;

2- Lực lượng Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bảo vệ an toàn trụ sở tiếp công dân của các cơ quan trên địa bàn mình quản lý. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo thẩm quyền để xử lý những người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật tại nơi tiếp công dân.

Điều 6: Trách Nhiệm Của Cán Bộ Tiếp Công Dân

1 - Cán bộ tiếp công dân chuyên trách hoặc từng việc liên quan phải trang phục chỉnh tề, có biển hiệu ghi rõ họ tên, chức danh, thái độ phải đúng mực; Khi tiếp công dân phải ghi chép đầy đủ những nội dung công dân trình bày vào sổ tiếp dân;

2- Giải thích, hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo trình bày đầy đủ, chính xác, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo; Nếu là vụ việc thuộc thẩm quyền thì tiếp nhận đơn thư và tài liệu liên quan mà người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp. Vào sổ nhận đơn thư, ghi giấy biên nhận cho công dân; Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền (trừ đơn tố cáo).

3- Có quyền từ chối không tiếp những trường hợp khiếu nại đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết cuối cùng theo quy định của pháp luật khi thấy vụ việc đó không có tình tiết mới phát sinh; Cán bộ tiếp dân cũng có quyền từ chối tiếp những người cố tình gây rối an ninh trật tự nơi tiếp công dân hoặc có những hành vi vi phạm nội quy tiếp công dân.

Điều 7: Trách nhiệm của công dân. tổ chức đến khiếu nại, tố cáo

1- Được hướng dẫn và giải thích về những nội dung mình đã trình bày;

2- Được quyền khiếu nại, tố cáo với thủ trưởng trực tiếp của cán bộ tiếp công dân nếu họ có những việc làm sai trái, cản trở, sách nhiễu trong khi làm nhiệm vụ; Đối với trường hợp tố cáo, công dân được quyền yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ của mình;

3- Cá nhân, đại diện tổ chức khi đến nơi tiếp công dân phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân; Nếu là người được uỷ quyền thì phải xuất trình giấy uỷ quyền hợp pháp có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4- Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã trình bày. Trường hợp nhiều người đến khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung thì cử từ 1 đến 3 người đại diện để trình bày.

Điều 8: Tiếp nhận và xử lý đơn

1- Cán bộ tiếp dân chỉ được nhận trực tiếp những đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp, ngành mình, đơn tố cáo và những đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhưng có căn cứ chứng minh rằng cấp dưới để quá thời hạn theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết;

2- Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo nhận được từ các nguồn chuyển đến đều được tập trung một đầu mối giao cho bộ phận tiếp dân của cơ quan, hoặc Văn phòng (nếu không thành lập bộ phận tiếp dân) để vào sổ theo dõi và phân loại cụ thể;

3- Đơn thuộc thẩm quyền của cấp, ngành mình thì lập phiếu xử lý (theo mẫu) trình thủ trưởng quyết định thụ lý, giải quyết hoặc giao Chánh Thanh tra cùng cấp quyết định thụ lý, và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kết luận trình Thủ trưởng quyết định giải quyết;

4- Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền của cấp, ngành mình giải quyết thì làm văn bản (theo mẫu) chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định và báo cho người có đơn biết (theo mẫu);

5- Khi nhận được đơn vượt cấp nói tại khoản 1 Điều này thì lập phiếu xử lý trình Thủ trưởng ra văn bản yêu cầu Thủ trưởng cơ quan cấp dưới quyết định thụ lý trong thời hạn 10 ngày, nếu không thực hiện thì xử lý theo điều 40 Quy định này và trực tiếp thụ lý.

Chương 3:

KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH.

I- KHIẾU NẠI VÀ VIỆC XỬ LÝ ĐƠN KHIẾU NẠI:

Điều 9: Người khiếu nại khi đến khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành thuộc thành phố Hà Nội phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định tại điều 17 Luật khiếu nại, tố cáo.

Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại. Người khiếu nại phải nêu rõ nội dung khiếu nại, cung cấp chứng cứ có liên quan, đủ các điều kiện như điều 1 Nghị định 67/1999/NĐ-CP quy định.

Điều 10: Cơ quan nhà nước thuộc thành phố hà Nội khi nhận được đơn khiếu nại thì xử lý theo quy định của điều 5 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP.

Đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc cơ quan báo chí chuyển đến nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, không phạm một trong các trường hợp quy định tại điều 32 Luật khiếu nại, tố cáo, đủ các điều kiện quy định tại điều 1 của Nghị định 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ thì thụ lý để giải quyết. Có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển đơn biết.

Trong trường hợp đơn chuyển đến không thuộc thẩm quyền, không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết hoặc thuộc các trường hợp quy định tại điều 32 Luật khiếu nại, tố cáo thì gửi trả lại và thông báo rõ lý do bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã chuyển đơn biết.

Điều 11: Thanh tra thành phố, quận, huyện, sở, ngành khi nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp thì trong thời hạn 7 ngày phải báo cáo để thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp ra quyết định thụ lý, hoặc uỷ quyền giải quyết khiếu nại theo Luật định.

II- THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI:

Điều 12:

1- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND quận, huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền quy định tại điều 19 Luật khiếu nại, tố cáo;

Nếu vụ việc khiếu nại có nội dung rõ ràng, có đủ căn cứ để giải quyết thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

Nếu vụ việc khiếu nại có nội dung chưa rõ ràng, tính chất vụ việc phức tạp, thì giao cán bộ thụ lý, hoặc thành lập tổ công tác (nếu thấy cần thiết) tiến hành thẩm tra xác minh để làm rõ các nội dung người khiếu nại yêu cầu. Và quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo thời hạn quy định tại điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo.

2- Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện phải được gửi đến người khiếu nại, người bị khiếu nại, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan và UBND quận, huyện, Chánh Thanh tra quận, huyện để tổng hợp theo dõi. Khi cần thiết thì công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại - đây là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

3- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện trong phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của điều 23 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 13:

1- Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền quy định tại điều 20 Luật khiếu nại, tố cáo.

a- Đối với khiếu nại quyết định hành chính và hành vi hành chính của mình thì Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định thụ lý giao nhiệm vụ cho các phòng, ngành thuộc UBND quận, huyện hoặc Chánh thanh tra quận, huyện xem xét, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.

b- Đối với khiếu nại mà Chủ tịch UBND xã, phường, trưởng phòng, ngành thuộc UBND quận, huyện đã giải quyết nhưng còn khiếu nại thì Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định giao nhiệm vụ cho Chánh Thanh tra quận, huyện tiến hành xem xét, kết luận và kiến nghị giải quyết

c- Đối với những vụ việc mà Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại, việc không phức tạp, Chủ tịch UBND quận, huyện có thể ra văn bản uỷ quyền cho Chánh Thanh tra cùng cấp ra quyết định giải quyết khiếu nại.

2- Quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND quận, huyện, của Chánh Thanh tra cùng cấp được uỷ quyền phải gửi tới người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để thực hiện, UBND thành phố, Chánh Thanh tra thành phố để báo cáo, tổng hợp theo dõi.

3- Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo Luật định.

Điều 14: Thủ trưởng cơ quan thuộc các sở, ngành thành phố có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền quy định tại điều 21 Luật khiếu nại, tố cáo.

Trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và được tiến hành như quy định tại điều 12 bản Quy định này. Quyết định giải quyết khiếu nại quy định tại điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Điều 15:

1- Giám đốc các sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền quy định tại điều 22 Luật khiếu nại, tố cáo.

a- Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chúc do mình quản lý trực tiếp thì Giám đốc sở, ngành ra quyết định giao cho trưởng phòng, ban chuyên môn thuộc sở hoặc Chánh Thanh tra sở xem xét, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.

b- Đối với khiếu nại mà thủ trưởng cơ quan thuộc sở đã giải quyết nhưng còn khiếu nại thì Giám đốc sở, ngành ra quyết định giao cho Chánh thanh tra sở tiến hành xác minh kết luận và kiến nghị giải quyết.

2- Giám đốc sở ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn quy định tại điều 36 và điều 43 Luật khiếu nại, tố cáo và có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại tới người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan và người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo, gửi UBND thành phố và Chánh Thanh tra thành phố để báo cáo, tổng hợp theo dõi. Quyết định giải quyết khiếu nại nêu tại điểm a khoản 1 điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Quyết định giải quyết khiếu nại nêu tại điểm b khoản 1 điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần tiếp theo.

3- Giám đốc sở có trách nhiệm thi hành, tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình, kiểm tra đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo Luật định.

Điều 16:

1- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền quy định tại điều 23 Luật khiếu nại, tố cáo;

a- Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình thì Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định giao cho Giám đốc các sở, ngành chuyên môn thuộc thành phố hoặc Chánh Thanh tra thành phố xem xét kết luận và kiến nghị việc giải quyết.

b- Đối với khiếu nại mà Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc sở, ngành thành phố đã giải quyết nhưng còn khiếu nại, mà nội dung thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố thì Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định giao cho Chánh Thanh tra thành phố tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết.

c- Đối với những vụ mà Chủ tịch UBND quận, huyện đã giải quyết, việc không phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố có thể ra văn bản uỷ quyền cho Chánh Thanh tra thành phố ra quyết định giải quyết.

d- Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định giải quyết hoặc trong trường hợp được uỷ quyền - Chánh Thanh tra thành phố ra quyết định giải quyết theo thời hạn quy định tại điều 36 và điều 43 Luật khiếu nại, tố cáo. Quyết định giải quyết đối với khiếu nại tại điểm a khoản 1 điều này là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Quyết định giải quyết đối với khiếu nại nêu tại điểm b, điểm c khoản 1 điều này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

2- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Chánh Thanh tra thành phố khi được uỷ quyền ra quyết định giải quyết có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại tới người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan. Nếu là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng thì gửi Tổng Thanh tra Nhà nước; Nếu là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tiếp theo đối với những vụ việc khiếu nại đó. Khi cần thiết thì công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

3- Chủ tịch UBND thành phố tổ chức chỉ đạo thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình, kiểm tra đôn đốc cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo luật định.

Điều 17:

1- Việc tạm đình chỉ thực hiện quyết định hành chính bị khiếu nại khi xét thấy việc thi hành sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện theo quy định của điều 35 Luật khiếu nại, tố cáo.

2- Việc tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại và quyết định giải quyết trước đó khi xét thấy việc thi hành các quyết định đó sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của điều 42 - Luật khiếu nại, tố cáo.

3- UBND thành phố Hà Nội trong những trường hợp cần thiết sẽ xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch UBND thành phố theo quy định tại điều 15 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 18: Người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản, không dùng các hình thức văn bản khác để thay cho quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì phải có các nội dung theo quy định của điều 38 Luật khiếu nại, tố cáo. Nếu là quyết định giải quyết khiếu nại lần tiếp theo hay quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng thì phải có các nội dung theo quy định của điều 45 Luật khiếu nại, tố cáo

III- THỜI HIỆU, THỜI HẠN VÀ VIỆC KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 19:

- Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính.

Trong trường hợp vì trở ngại khách quan (ốm đau, đi công tác...) mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

- Thời hạn ra quyết định thụ lý và ra quyết định giải quyết khiếu nại :

1- Đối với giải quyết khiếu nại lần đầu : trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định thụ lý để giải quyết theo luật định.

- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định thụ lý, đối với vụ việc phức tạp không kéo dài quá 45 ngày.

2- Đối với giải quyết khiếu nại tiếp theo và giải quyết khiếu nại cuối cùng: trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được đơn khiếu nại tiếp theo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Người giải quyết khiếu nại tiếp theo phải ra quyết định thụ lý đế giải quyết theo luật định.

Thời hạn giải quyết mỗi lần tiếp theo không quá 45 ngày kể từ ngày ra quyết định thụ lý giải quyết. Đối với vụ việc phức tạp không kéo dài quá 60 ngày.

Điều 20: Việc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân

Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính thực hiện theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ TUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 21:Cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức trực thuộc thành phố khi có khiếu nại quyết định kỷ luật hành chính phải làm đơn ghi rõ nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của mình và ký tên gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Trong thời hiệu 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật.

Điều 22: Khiếu nại lần đầu

- Người đã ra quyết định kỷ luật hành chính khi nhận được đơn khiếu nại, trong thời hạn 10 ngày phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.

- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đối với vụ việc phúc tạp cũng không được giải quyết quá 45 ngày và phải ra quyết định giải quyết khiếu nại với các nội dung theo điều 53 Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 23  Khiếu nại tiếp theo

- Khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, trong thời hạn 10 ngày mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo phải xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản, đối với vụ việc phức tạp cũng không được giải quyết quá 45 ngày. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Điều 24: Khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án

Thực hiện theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Chương 5:

TỐ CÁO, GIẢI QUYẾT TỐ CÁO.

I- THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 25:  Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và thủ trưởng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của điều 59 và điều 60 Luật khiếu nại, tố cáo.

1- Chủ tịch UBND phường, xã, trưởng các phòng, ngành thuộc UBND quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan thuộc sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và người do mình quản lý trực tiếp.

2- Chủ tịch UBND quận, huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, trưởng, phó phòng, ban thuộc UBND quận, huyện và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.

3- Giám đốc sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của trưởng, phó phòng ban thuộc sở, thủ trưởng, phó thủ trưởng các đơn vị thuộc sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.

4- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện; Giám đốc; phó giám đốc sở; Thủ trưởng, phó thủ trưởng các đơn vị trực thuộc UBND thành phố, những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.

Điều 26:

1- Chánh Thanh tra quận, huyện có thẩm quyền:

a- Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND quận, huyện khi được giao.

b- Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.

2- Chánh Thanh tra sở có thẩm quyền:

a- Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc sở khi được giao.

b- Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà thủ trưởng cơ quan thuộc sở đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.

3- Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội có thẩm quyền:

a- Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố khi được giao.

b- Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND quận, huyện; Giám đốc sở, ngành đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.

4- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan thanh tra theo quy định của điểm b mục 1, 2, 3 của điều này thủ trưởng cơ quan nhà nước đã giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện và thông báo kết quả cho cơ quan thanh tra đã có kiến nghị đó.

II- TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO:

Điều 27: Người tố cáo phải gửi đơn tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo, người bị tố cáo và nội dung tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ người tố cáo, trường hợp cần thiết thì ghi âm lời tố cáo, biên bản ghi phải có chữ ký xác nhận của người tố cáo.

Điều 28:

1- Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội khi nhận được đơn tố cáo thì xử lý như sau:

a- Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày phải ra quyết định thụ lý để giải quyết. Quyết định thụ lý phải được thông báo cho người tố cáo biết.

b- Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền thì chậm nhất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận phải chuyển đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo cùng các tài liệu do người tố cáo cung cấp (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết.

c- Nếu đơn tố cáo là đơn không ghi rõ họ, tên, địa chỉ, đơn nặc danh nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể có điều kiện để thẩm tra xác minh, thủ trưởng cơ quan tiếp nhận đơn nếu thấy đúng thẩm quyền giải quyết của mình thì ra quyết định thụ lý để giải quyết, nếu không đúng thầm quyền giải quyết thì chuyển đến người có thần quyền giải quyết.

d- Nếu tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân xử lý theo quy định của điều 71 Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 29: Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 60 ngày kể từ ngày ra quyết định thụ lý; Đối với vụ việc phức tạp thời hạn không quá 90 ngày.

- Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hoặc thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh phải ra quyết định về việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Trong quyết định phải ghi rõ người được giao nhiệm vụ, nội dung cần xác minh, thời gian tiến hành xác minh, quyền hạn, trách nhiệm của người được giao.

- Trong quá trình giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh phải thu thập các chứng cứ từ người tố cáo, tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các bằng chứng để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo. Việc thu thập chứng cứ từ người tố cáo, người bị tố cáo, các cơ quan, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung tố cáo đều phải lập thành văn bản có xác nhận của người cung cấp tài liệu, chứng cứ và lưu vào hồ sơ giải quyết.

- Sau khi kết thúc việc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải có văn bản kết luận về nội dung tố cáo và phải có những chứng cứ để chứng minh cho kết luận của mình. Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ theo luật định.

Điều 30  Trong quá trình giải quyết tố cáo cơ quan, cá nhân có nhiệm vụ giải quyết tố cáo phải giữ bí mật các thông tin có thể có hại cho người tố cáo. Khi nhận được thông tin người tố cáo bi đe doạ, trù dập, trả thù - thủ trưởng cơ quan giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo. Làm rõ hành vi đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31: Sau quá trình giải quyết tố cáo, căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, thủ trưởng cơ quan giải quyết tố cáo xử lý ngay như sau:

1- Nếu người bị tố cáo không vi phạm pháp luật, nội dung tố cáo sai sự thật thì phải kết luận rõ, thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo và cơ quan quản lý người bị tố cáo.

Đối với người cố tình tố cáo sai sự thật phải có biện pháp xử lý hành chính, trong trường hợp cần thiết cơ quan giải quyết tố cáo phải làm rõ hành vi cố tình tố cáo sai để chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự.

2- Trong trường hợp người bị tố cáo có vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ công vụ - thủ trưởng cơ quan giải quyết tố cáo phải có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ. Đồng thời áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để quyết định, kiến nghị xử lý được chấp hành nghiêm chỉnh.

3- Trong trường hợp người bị tố cáo có dấu hiệu phạm tội thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát để giải quyết theo quy định của Luật tố tụng hình sự.

4- Văn bản kết luận giải quyết tố cáo, quyết định xử lý tố cáo phải được gửi cho cơ quan thanh tra, cơ quan cấp trên trực tiếp. Thông báo cho người tố cáo kết quả giải quyết trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 32  Nội dung quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại thành phố Hà Nội:

1- Ban hành các văn bản pháp quy, các quyết định hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền về công tác khiếu nại, tố cáo.

2- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.

4- Thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đồng thời thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

5- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6- Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

7- Tổng kết kinh nghiệm, các chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 33: Uỷ ban nhân dân các cấp ở thành phố thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của mình. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Định kỳ 3 tháng một lần, chậm nhất là ngày 05 của tháng cuối quý, Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thành phố báo cáo UBND thành phố (qua Thanh tra thành phố) về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý của mình.

Điều 34: Thanh tra thành phố, quận, huyện, sở (trong hệ thống tổ chức Thanh tra Nhà nước) có trách nhiệm:

1- Tham mưu, giúp thủ trưởng cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Phải thường xuyên nhắc nhở thủ trưởng cùng cấp về những tồn tại của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2- Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại điều 63, Nghị định số 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ .

3- Thực hiện chế độ báo cáo, biểu mẫu theo quy định.

Chương 7:

GIÁM SÁT CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 35  Trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành thuộc thành phố đối với sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội

1- Thủ trưởng các cơ quan, khi nhận được yêu cầu báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, kịp thời theo đúng yêu cầu của Đoàn.

2- Khi Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội phát hiện có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị phải áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm, thì thủ trưởng cơ quan hữu quan có trách nhiệm phải xử lý kịp thời.

3- Các khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển đến phải được thủ trưởng cơ quan hữu quan xem xét, xử lý đơn theo luật định, giải quyết kịp thời vụ việc thuộc thẩm quyền và thông báo lại kết quả giải quyết trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết. Nếu đại biểu Quốc hội thấy việc giải quyết chưa thoả đáng và yêu cầu tìm hiểu thêm thì thủ trưởng cơ quan hữu quan phải giải trình trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Điều 36: Trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành thuộc thành phố đối với sự giám sát của Hội đồng nhân dân và đại biểu HĐND

1- Chánh Thanh tra thành phố, Chánh Thanh tra các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, trình UBND cùng cấp để báo cáo tại kỳ họp HĐND gần nhất.

2- Thủ trưởng các cơ quan, khi nhận được yêu cầu kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND, hoặc của Chủ tịch HĐND có trách nhiệm báo cáo theo đúng yêu cầu.

3- Các khiếu nại, tố cáo do thường trực HĐND, đại biểu HĐND chuyển đến phải được thủ trưởng cơ quan hữu quan xem xét, xử lý đơn theo luật định; Giải quyết kịp thời vụ việc thuộc thẩm quyền và phải báo cáo lại kết quả giải quyết vụ việc trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

Trường hợp vụ việc đã được giải quyết nhưng Thường trực HĐND, đại biểu HĐND không đồng ý và tiếp tục kiến nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét giải quyết và thông báo lại kết quả trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

Điều 37: Trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành thuộc thành phố đối với sự giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc

- Thủ trưởng các cơ quan hữu quan có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến và thông báo lại kết quả trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

- Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở có trách nhiệm xem xét giải quyết kiến nghị và thông báo về giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của mình với tổ chức thanh tra nhân dân.

Chương 8:

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 38: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật và của thành phố.

Điều 39  Người tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

1- Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

2- Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở ngại đến trình bày khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh.

3- Cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4- Không kịp thời xử lý hoặc làm sai lệch các thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.

5- Đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, bao che cho người khiếu nại, tố cáo

6- Không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc theo luật định.

7- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định.

Điều 40: Người có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo nếu không chấp hành thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà không áp dụng biện pháp cần thiết để xử lý kịp thời đối với cá nhân vi phạm theo luật định thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Thủ trưởng cơ quan các cấp, các ngành để quá thời hạn quy định mà không giải quyết khiếu nại, tố cáo, để cơ quan quản lý cấp trên thụ lý giải quyết thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 41: Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý ký luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

1- Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật

2- Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3- Đe doạ trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42  Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc thành phố có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Quy định này tới các đơn vị trực thuộc.

Điều 43  Khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hà Nội áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 67/1999/NĐ-CP và Quy định này. Trừ các khiếu nại liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 38/2000/QĐ-UB ngày 19/04/2000 về giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.447

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.93.73
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!