BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
*
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 183-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 9 năm 2024
|
QUY ĐỊNH
BẢO
VỆ CƠ QUAN, TỔ CHỨC, NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, TRUY TỐ,
XÉT XỬ, THI HÀNH ÁN
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Bộ Chính trị quy định về bảo vệ cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về bảo vệ cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (gọi tắt là hoạt
động tố tụng), thi hành án.
2. Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công
vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án; cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ và cấp ủy,
tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (gọi chung là cơ quan, tổ
chức, cá nhân).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công
vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án là việc sử dụng lực lượng, phương
tiện, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm,
xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ và người
thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động
tố tụng, thi hành án được bảo vệ gồm: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong
hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; cơ quan có thẩm
quyền quản lý, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
3. Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án được bảo vệ gồm: Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra,
viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, chánh án, phó chánh án toà án; thủ
trưởng, phó thủ trưởng cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự;
điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, chấp hành viên, giám thị,
phó giám thị, giám định viên tư pháp, cán bộ điều tra, kiểm tra viên, thư ký
toà án, thẩm tra viên, cán bộ thi hành án hình sự, cán bộ thi hành án dân sự và
người có thẩm quyền khác trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng,
thi hành án theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Hành vi vi phạm, xâm phạm cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án là các hành vi
trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, quy định, quy
trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức; xâm phạm
hoặc đe doạ xâm phạm đến an ninh, an toàn, trật tự, uy tín, sự tôn nghiêm của
cơ quan, tổ chức; vị trí công tác, việc làm, uy tín, danh dự, nhân phẩm, bí mật,
an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân, tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền,
lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án.
5. Thông tin, dữ liệu cá nhân của người thi hành
công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ gồm: Các dữ liệu
cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm và các thông tin cá nhân khác liên quan đến đời
sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được bảo vệ an toàn theo quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
6. Bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án là việc áp dụng các
biện pháp bảo vệ những công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm và
các quyền, lợi ích hợp pháp khác liên quan đến chế độ, chính sách, khen thưởng,
kỷ luật, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, danh hiệu
của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
7. Quyền, lợi ích hợp pháp khác của người thi
hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ gồm: Các quyền,
lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
8. Người thân của người thi hành công vụ trong
hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ gồm: Vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ,
cha vợ (chồng), mẹ vợ (chồng), cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi theo quy định
của pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ
1. Thực hiện đúng các chủ trương, nghị quyết, kết
luận và các quy định của Đảng; tuân thủ Hiến pháp, quy định của pháp luật, các
nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tố tụng, các nguyên tắc
tiến hành tố tụng, thi hành án của các cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ
trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
2. Bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ
trong hoạt động tố tụng, thi hành án phải được thực hiện kịp thời; gắn liền với
phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền
trong các cơ quan nhà nước.
3. Bảo đảm, bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật,
quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
4. Bảo đảm chủ động phòng ngừa, phát hiện, kịp thời
ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm
cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
5. Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án đề xuất đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung được khuyến khích, bảo vệ theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
Chương II
BẢO VỆ CƠ QUAN, TỔ CHỨC,
NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG, THI HÀNH ÁN
Điều 4. Những hành vi vi phạm,
xâm phạm cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án bị nghiêm cấm
1. Xâm phạm, đe doạ xâm phạm an ninh, an toàn, trật
tự, uy tín, sự tôn nghiêm đối với trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và địa điểm diễn ra các hoạt động tố
tụng, thi hành án.
2. Xâm phạm, đe doạ xâm phạm an toàn tài sản, hồ
sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các cơ sở giam giữ, các kho bảo vệ
vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ án, vụ việc.
3. Tấn công mạng, đường truyền dữ liệu, chiếm đoạt
thông tin, dữ liệu điện tử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng, thi hành án.
4. Làm lộ, lọt thông tin về hoạt động của cơ quan,
tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án, gây ảnh
hưởng đến hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc lộ, lọt thông tin cần được giữ bí
mật trong quá trình bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
5. Khiếu nại, tố cáo, phản ánh, lan truyền các
thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động, bôi nhọ, vu cáo, vu
khống, xúc phạm uy tín, sự tôn nghiêm, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc gây ảnh hưởng
tiêu cực đến vị trí công tác, việc làm của người thi hành công vụ.
6. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng
ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để trả thù, trù dập, gây ảnh hưởng
tiêu cực đến vị trí công tác, việc làm hoặc can thiệp, cản trở, tác động để người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái quy định.
7. Chỉ đạo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án che giấu, không báo cáo,
báo cáo sai sự thật, báo cáo không đầy đủ, không thực hiện hoặc thực hiện không
đúng quy định, quy trình nghiệp vụ.
8. Thu thập, lưu giữ, khai thác, sử dụng, cung cấp,
chia sẻ, công khai thông tin, xâm phạm dữ liệu của cơ quan, tổ chức hoặc dữ liệu
cá nhân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án trái
quy định pháp luật; đăng tải, lan truyền các thông tin, hình ảnh, tài liệu bịa
đặt, sai sự thật nhằm kích động, bôi nhọ, vu cáo, vu khống, xúc phạm, xâm hại đến
sự tôn nghiêm, uy tín của cơ quan, tổ chức hoặc xúc phạm uy tín, danh dự, nhân
phẩm của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
9. Xâm phạm, đe doạ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ,
tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người
thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
10. Thiếu trách nhiệm, cố ý chậm trễ trong lãnh đạo,
chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong
hoạt động tố tụng, thi hành án.
11. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của
Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 5. Nội dung bảo vệ
1. Nội dung bảo vệ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
trong hoạt động tố tụng, thi hành án:
a) Bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự, uy tín, sự tôn
nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, trụ sở và địa điểm diễn ra các hoạt động tố tụng,
thi hành án.
b) Bảo vệ an toàn về tài sản, hồ sơ, tài liệu,
phương tiện, trang thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong
hoạt động tố tụng, thi hành án và các cơ sở giam giữ; các kho bảo quản vật chứng,
tài liệu, đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ án, vụ việc.
2. Nội dung bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt
động tố tụng, thi hành án:
a) Bảo vệ vị trí công tác, việc thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn.
b) Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và bí mật, an
toàn thông tin, dữ liệu cá nhân.
c) Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền,
lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi
hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án theo quy định của Đảng, pháp
luật của Nhà nước.
Điều 6. Biện pháp bảo vệ đối với
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án
1. Trụ sở và các tài sản, hồ sơ, tài liệu, phương
tiện, trang thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động
tố tụng, thi hành án và các cơ sở giam giữ; các kho bảo quản vật chứng, tài liệu,
đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ án, vụ việc phải được bố trí lực lượng công
an nhân dân, quân đội nhân dân hoặc lực lượng bảo vệ chuyên trách canh gác, bảo
vệ và các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với địa điểm diễn ra các hoạt động tố tụng,
thi hành án ở bên ngoài trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng, thi hành án thì tùy trường hợp cụ thể, được bố trí lực lượng bảo vệ và
các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật.
Đối với việc tổ chức các phiên toà lưu động, phiên
toà xét xử các vụ án hình sự có mức độ nguy hiểm cao (các vụ án nghiêm trọng, đặc
biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, tín ngưỡng, tôn
giáo, dân tộc, khiếu kiện đông người; liên quan đến tội phạm khủng bố, tội phạm
có tổ chức, tội phạm ma tuý, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham
nhũng, chức vụ) hoặc việc tổ chức cưỡng chế thi hành án; việc áp giải các đối
tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xây
dựng phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ, triển khai thực hiện các biện
pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hoạt động này.
3. Thiết lập, củng cố hệ thống an ninh mạng của cơ
quan, tổ chức để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tránh lộ, lọt bí mật nhà
nước, bí mật công tác trên không gian mạng và các phương tiện thông tin đại
chúng; thiết lập các biện pháp bảo mật thông tin hoạt động của cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức huấn luyện kỹ năng, biện pháp phòng vệ,
trang bị vũ khí, công cụ, thiết bị hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của
các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án theo
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
5. Trường hợp cơ quan, tổ chức, địa điểm diễn ra
các hoạt động tố tụng, thi hành án bị xâm phạm, đe doạ xâm phạm hoặc uy tín của
cơ quan, tổ chức bị bôi nhọ, xúc phạm thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời tiến
hành các biện pháp bảo vệ cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt các hành vi xâm phạm,
đe doạ xâm phạm; buộc khắc phục hậu quả, cải chính, gỡ bỏ, xin lỗi công khai; đồng
thời xem xét, truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên
quan.
6. Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
Điều 7. Biện pháp bảo vệ người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án
1. Bảo vệ vị trí công tác, việc thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn
a) Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không
được phép yêu cầu người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án
thực hiện những công việc vượt quá phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ
quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án có quyền
từ chối yêu cầu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc bố trí người
thi hành công vụ thực hiện những công việc ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được
giao hoặc gây ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư, khách quan khi thi hành công vụ.
b) Việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi
vị trí công tác, bố trí công tác khác, tạm đình chỉ công tác, tạm dừng thực hiện
nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng chức, cách chức,
giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương, tước danh hiệu đối với người thi hành công vụ
trong hoạt động tố tụng, thi hành án không được trái với quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước và phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục, thẩm quyền
quy định.
Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đề nghị cơ quan có thẩm
quyền xem xét lại quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị
trí công tác, bố trí công tác khác, tạm đình chỉ công tác, tạm dừng thực hiện
nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng chức, cách chức,
giáng cấp bậc hàm, hạ bậc lương, tước danh hiệu khi có căn cứ cho rằng quyết định
đó là trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc xâm hại đến quyền, lợi
ích hợp pháp của người thi hành công vụ.
c) Trường hợp bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm dừng,
kéo dài việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương,
nâng ngạch do bị trả thù, trù dập hoặc do bị phản ánh, tố cáo, tố giác bịa đặt,
sai sự thật, được cấp có thẩm quyền kết luận, thì được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương, nâng ngạch và thời gian được
tính từ ngày bị tạm dừng, kéo dài.
d) Trường hợp cấp có thẩm quyền kết luận người thi
hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án bị kỷ luật oan, sai do bị trả
thù, trù dập hoặc do bị phản ánh, tố cáo, tố giác bịa đặt, sai sự thật, thì cấp
có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải hủy bỏ, thu hồi hoặc thay đổi quyết định
kỷ luật cho phù hợp; xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ, chức danh hoặc vị
trí công tác, chức vụ tương đương hoặc xem xét bố trí công tác khác theo nguyện
vọng của người thi hành công vụ; tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi các quyền
lợi đã bị ảnh hưởng và bồi thường thiệt hại theo quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước; đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của các
tổ chức, cá nhân có liên quan.
đ) Trường hợp bị xử lý hình sự oan, sai đã được toà
án quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật hoặc được cơ quan có thẩm quyền
quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra thì các cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền phải kịp thời xem xét lại các quyết định kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính
đối với người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án, kể cả trường
hợp đã chết; tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi các quyền lợi đã bị ảnh hưởng
và bồi thường thiệt hại theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời
xem xét, truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và bí mật, an
toàn thông tin, dữ liệu cá nhân
a) Trường hợp người thi hành công vụ trong hoạt động
tố tụng, thi hành án bị xúc phạm, gây tổn hại uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc bị
xâm phạm bí mật, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân thì cấp có thẩm quyền phải
kịp thời áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh, phong toả, làm rõ sự thật và
chỉ đạo ngăn chặn, khắc phục, cải chính, gỡ bỏ, loại bỏ tác động tiêu cực, buộc
xin lỗi công khai và các biện pháp bảo vệ khác; đồng thời xem xét, truy cứu
trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
b) Khi giải quyết các vụ án, vụ việc có mức độ nguy
hiểm cao, nếu người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án đề
nghị thì tùy trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp bảo vệ
bí mật danh tính của người thi hành công vụ và người thân của họ; bảo mật, hạn
chế việc truy cập, tiếp cận thông tin, dữ liệu cá nhân của người thi hành công
vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành
án, cùng các biện pháp bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân khác.
3. Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền,
lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi
hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án
a) Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi thi hành công vụ và
trong trường hợp cần thiết khác; người thân của người thi hành công vụ trong hoạt
động tố tụng, thi hành án được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, quyền lợi, uy tín,
danh dự khi bị các hành vi xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm liên quan đến việc thực
thi công vụ của người thi hành công vụ.
b) Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khoẻ, tài
sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của
người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án đang bị xâm phạm hoặc
đe doạ xâm phạm, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải chỉ đạo, áp dụng
ngay các biện pháp bảo vệ sau:
- Bố trí lực lượng bảo vệ, tiến hành các biện pháp
cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt các hành vi xâm phạm, đe doạ xâm phạm.
- Trang bị cho người thi hành công vụ vũ khí, công
cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để thực hiện các biện pháp tự bảo vệ trong
trường hợp cần thiết. Việc cấp vũ khí, công cụ hỗ trợ được thực hiện theo đề
nghị của người thi hành công vụ và trên cơ sở xem xét tình hình thực tiễn, nguy
cơ xâm phạm đối với người thi hành công vụ và các quy định của pháp luật về quản
lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
- Áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không cho các đối
tượng có liên quan tiếp cận; giữ bí mật, thay đổi các thông tin, dữ liệu liên
quan đến người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ; đồng
thời di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, thay đổi tung tích, đặc điểm nhận
dạng nếu cần thiết.
- Xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các hành vi
xâm phạm, đe doạ xâm phạm.
c) Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án được hưởng các chế độ, chính sách chăm sóc sức khoẻ, y tế, khám, chữa
bệnh định kỳ theo quy định; được xem xét hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi
như thương binh, liệt sĩ và các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật nếu bị tổn hại tính mạng, sức khoẻ trong khi thi hành công vụ; được bảo
hiểm rủi ro nghề nghiệp và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác tương xứng với
tính chất, mức độ rủi ro nghề nghiệp. Trường hợp bị thiệt hại về vật chất, tinh
thần và các quyền, lợi ích hợp pháp khác thì được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại
theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
d) Khi giải quyết các vụ án, vụ việc có mức độ nguy
hiểm cao, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án cần
áp dụng các biện pháp cần thiết quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều này để bảo vệ
an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác cho
người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công vụ trong hoạt động
tố tụng, thi hành án.
4. Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước.
Điều 8. Các biện pháp phòng ngừa
rủi ro, loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm
Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm đối với các hành vi, quyết
định của mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án như sau:
1. Khi có căn cứ cho rằng nghị quyết, quyết định, kết
luận, mệnh lệnh của tập thể, người có thẩm quyền trái quy định của Đảng, pháp
luật của Nhà nước hoặc không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định, thì
người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án có quyền từ chối thực
hiện, được kiến nghị bảo lưu ý kiến bằng văn bản và đề xuất báo cáo xin ý kiến
cấp trên.
Trường hợp tập thể, người có thẩm quyền vẫn yêu cầu
thực hiện thì người thi hành công vụ phải chấp hành, nhưng không phải chịu
trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành. Trong trường hợp này, tập thể, người
có thẩm quyền ra các quyết định, mệnh lệnh trái quy định phải chịu trách nhiệm
và bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
2. Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp
phòng vệ chính đáng hoặc thực hiện nhiệm vụ trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất
ngờ hoặc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội.
3. Được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong trường
hợp:
a) Đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục, quy trình tố tụng,
thi hành án và vi phạm không phải do lỗi cố ý, không vì động cơ vụ lợi hoặc động
cơ cá nhân khác.
b) Chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần
thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp
có thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của vi phạm.
c) Trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh, quyết định
của cấp trên, người có thẩm quyền mà người thi hành công vụ không biết các mệnh
lệnh, quyết định đó trái pháp luật.
4. Được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật trong
trường hợp đã chủ động xin thôi giữ chức vụ, chức danh, nghỉ công tác trước khi
cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm
hình sự.
5. Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, được cơ quan
có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại có thể được loại trừ, miễn, giảm
trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của lực
lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngành Toà án, Kiểm sát, Tư pháp.
Điều 9. Trách nhiệm của cấp ủy,
tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc bảo vệ cơ
quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án
1. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao, cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
a) Tham mưu xây dựng, thể chế hoá, cụ thể hoá, tổ
chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo
vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành
án.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thực hiện
nghiêm quy chế làm việc, các quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức,
quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi
hành án; bảo đảm tính độc lập, vô tư, khách quan của điều tra viên, kiểm sát
viên, thẩm phán, chấp hành viên và người có thẩm quyền khác trong hoạt động tố
tụng, thi hành án.
c) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và
nhân dân về ý thức chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công
vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức
đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ cơ quan, tổ
chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án để kịp thời
điều chỉnh, chấn chỉnh các vi phạm, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công tác bảo
vệ.
đ) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng lực
lượng bảo vệ chuyên nghiệp, chuyên trách; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết
bị nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, trang thiết bị làm việc
phục vụ công tác bảo vệ theo quy định pháp luật.
e) Tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng, kịp thời,
đúng quy định đối với các yêu cầu, đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của cơ
quan, tổ chức, người thi hành công vụ; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản
ánh, báo cáo, tố giác, đề nghị xem xét lại các quyết định liên quan đến vị trí
công tác, việc làm của người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành
án.
g) Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm bảo
vệ chủ động nắm sát tình hình, dự báo chính xác các khả năng, tình huống có thể
xảy ra; kịp thời cảnh báo, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lôi
kéo, dụ dỗ, mua chuộc, bôi nhọ, vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
hoặc tấn công, đe doạ xâm phạm người thi hành công vụ và người thân của người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án; tiến hành xác minh; xây
dựng chương trình, kế hoạch, phương án bảo vệ và thực hiện các biện pháp bảo vệ
phù hợp theo Quy định này và quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, cần sự
tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, thì cơ quan có thẩm quyền quyết
định áp dụng biện pháp bảo vệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có
liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ; kịp thời giải quyết các khó
khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình bảo vệ.
h) Phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp
thời những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 4 Quy định này và
các hành vi vi phạm trong lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ.
i) Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan
chức năng trong thực hiện các biện pháp bảo vệ quy định tại Điều
6, 7, 8 Quy định này và quy định của pháp luật.
k) Bảo vệ, khen thưởng kịp thời người phát hiện, phản
ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về những hành vi vi
phạm, xâm phạm đến cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố
tụng, thi hành án.
2. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng,
cơ quan, đơn vị
a) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trách nhiệm quy định
tại Khoản 1 Điều này và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ
cơ quan, tổ chức người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
b) Gương mẫu thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành
công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
c) Chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi
phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện bảo vệ cơ quan, tổ chức, người
thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án tại cơ quan, tổ chức, đơn
vị mình.
d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, áp dụng các biện
pháp bảo vệ khi có các tình huống phát sinh.
đ) Chủ động trao đổi, đề xuất trong tập thể lãnh đạo
cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định chủ trương,
biện pháp bảo vệ. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các phương án, biện pháp bảo vệ được
cấp có thẩm quyền giao.
e) Các trách nhiệm khác theo quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, người thi hành công vụ được bảo vệ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án
1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được bảo vệ
trong hoạt động tố tụng, thi hành án
a) Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy
trình nghiệp vụ để ngăn ngừa có hiệu quả mọi tác động tiêu cực, không trong
sáng vào hoạt động tố tụng, thi hành án.
b) Chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát, nắm
tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm,
xâm phạm cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án.
c) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ
an ninh, an toàn trụ sở, tài sản và bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, hoạt động
của cơ quan, tổ chức theo quy định; chủ động phòng ngừa, thực hiện các biện
pháp tự bảo vệ an ninh, an toàn cho cơ quan, tổ chức và người thi hành công vụ.
d) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực cho cơ
quan có thẩm quyền về thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc cơ quan, tổ chức
bị vi phạm, xâm phạm.
đ) Tuân thủ yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền
quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; phối hợp với lực lượng bảo vệ trong thực
hiện các biện pháp bảo vệ.
2. Trách nhiệm của người thi hành công vụ được bảo
vệ trong hoạt động tố tụng, thi hành án
a) Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tự bảo vệ
an toàn bản thân khi thi hành công vụ; quản lý, bảo mật chặt chẽ thông tin, dữ
liệu cá nhân, bí mật đời tư; không để lộ, lọt trên không gian mạng.
b) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực cho cơ
quan có thẩm quyền về thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc bản thân bị đe
doạ, trả thù, trù dập, xâm hại tính mạng, sức khoẻ, tài sản, uy tín, danh dự,
nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của bản thân và người thân.
c) Tuân thủ yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền
quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; phối hợp với lực lượng bảo vệ trong thực
hiện các biện pháp bảo vệ.
d) Kịp thời đề nghị chấm dứt hoặc từ chối áp dụng
biện pháp bảo vệ khi không còn hành vi xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm; được quyền
yêu cầu bồi thường thiệt hại khi không được áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc việc
áp dụng không kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng cho người được bảo vệ.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 11. Khen thưởng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ
bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi
hành án được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước.
2. Kinh phí dùng cho biểu dương, khen thưởng, áp dụng
các biện pháp bảo vệ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp
luật.
Điều 12. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tại Điều 4 Quy định này hoặc vi phạm các quy định về lãnh đạo, chỉ
đạo, thực hiện công tác bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong
hoạt động tố tụng, thi hành án thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả mà bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Những hành
vi vi phạm, xâm phạm chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ Đảng và các
quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xử lý cho phù hợp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương,
Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và
các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể
hoá, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này.
2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ,
Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao và các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi,
bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ cơ quan, tổ chức,
người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các cá nhân có
liên quan, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Quy định này.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, tham mưu hoàn
thiện, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giám sát việc thực hiện
cơ chế bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng,
thi hành án.
4. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy
ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; định kỳ sơ kết, tổng kết
báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ
Chính trị (qua Ban Nội chính Trung ương) xem xét, quyết định.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lương Cường
|