ỦY BAN NHÂN DÂN
-
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2452/QCPH-UBND-TAND
|
Bình Thuận, ngày
19 tháng 9 năm 2018
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC CUNG CẤP THÔNG
TIN TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ; XEM XÉT THẨM ĐỊNH TẠI CHỖ; ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN; CHUYỂN
GIAO TÀI LIỆU, GIẤY TỜ TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ HÀNH CHÍNH
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
- Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày
24/11/2014;
- Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25/11/2015;
- Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 25/11/2015,
Để đảm bảo việc giải quyết các vụ án dân sự (bao gồm
các vụ án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thuộc Bộ luật Tố tụng dân sự)
và án hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được kịp thời, đúng quy định của
pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận
thống nhất ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Tòa án nhân
dân tỉnh trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ; xem xét thẩm
định tại chỗ; định giá tài sản; chuyển giao tài liệu, giấy tờ, với những nội
dung như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về phối hợp giữa Ủy ban nhân
dân tỉnh với Tòa án nhân dân tỉnh trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu,
chứng cứ; xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản; chuyển giao tài liệu, giấy
tờ cho Tòa án nhân dân hai cấp (Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố) phục vụ quá trình giải quyết các vụ án dân sự và án hành
chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; các cơ quan, đơn
vị thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự và án hành chính.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị và những quy định pháp luật
có liên quan, nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, chủ động và trách
nhiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án nhân dân các cấp giải quyết tốt các
vụ án dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm chế độ bảo mật các thông tin, tài liệu
liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Đối với Ủy ban nhân dân
tỉnh Bình Thuận
Chỉ đạo các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
1. Tổ chức, quán triệt quy định của pháp luật về
trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án; xem xét, cung cấp chứng cứ
theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và một số hoạt
động tố tụng dân sự, hành chính khác khi pháp luật có quy định đến từng cán bộ,
công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình để thực hiện nghiêm túc theo
quy định của pháp luật.
2. Khi có yêu cầu của Tòa án trong việc cung cấp
thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ; xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản;
chuyển giao tài liệu, giấy tờ bằng văn bản hoặc yêu cầu trực tiếp, Ủy ban nhân
dân các cấp, các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phải kịp thời thực
hiện trong thời hạn theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc cần thời
gian để rà soát, kiểm tra mới có thể cung cấp được thì phải có văn bản thông
báo lý do và hẹn thời gian cung cấp cụ thể để Tòa án đã yêu cầu được biết. Trường
hợp không thể cung cấp theo yêu cầu của Tòa án thì phải có văn bản nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản
nhắc lại của Tòa án (theo khoản 4, Điều 5 của Quy chế này) thì người đứng đầu
cơ quan đó phải có văn bản trả lời cho Tòa án những nội dung thông tin mà Tòa
án đã yêu cầu cung cấp, đồng thời có báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
lý do chậm cung cấp thông tin, tài liệu.
Điều 5. Đối với Tòa án nhân dân
tỉnh Bình Thuận
1. Triển khai thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân
cấp huyện triển khai thực hiện quy định của pháp luật có liên quan đến quá
trình giải quyết các vụ án dân sự và án hành chính cần có sự phối hợp của Ủy
ban nhân dân các cấp, các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào thì Tòa án
các cấp yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ,
tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết các vụ án dân sự và hành
chính; tránh tình trạng yêu cầu tràn lan, yêu cầu những vấn đề không cần thiết,
yêu cầu nhiều lần một vấn đề và thời gian quá gấp so với nội dung yêu cầu hoặc
yêu cầu những nội dung mà Ủy ban nhân dân các cấp đã nêu rõ quan điểm xử lý, giải
quyết trong Quyết định giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp, văn bản đã
được trả lời cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Đối với những vụ việc theo quy định pháp luật đã
phân cấp cho các Sở, ngành, địa phương hoặc đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm
quyền ủy quyền cho Sở, ngành, địa phương theo quy định (như ủy quyền về cấp
Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất cho tổ chức...) thì Tòa án gửi văn bản đến đúng cơ quan dược ủy quyền,
được phân cấp để yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin hồ sơ vụ việc.
4. Đối với những vụ việc đã được Tòa án gửi văn bản
yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản;
chuyển giao tài liệu, giấy tờ nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm phản hồi,
phúc đáp hoặc chậm thực hiện theo quy định thì Tòa án các cấp có văn bản nhắc
01 lần gửi đến người đứng đầu cơ quan đó, đồng thời gửi đến Ủy ban nhân dân cấp
có thẩm quyền để đôn đốc chỉ đạo kịp thời.
5. Ngoài tài liệu, chứng cứ mà các cơ quan, tổ chức
đang quản lý, lưu giữ, nếu Tòa án nhân dân các cấp có yêu cầu thu thập chứng cứ
mới thì phải chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh,
thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ mới theo quy định pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp triển khai
thực hiện nghiêm túc Quy chế này trong quá trình phối hợp công tác với Tòa án nhân
dân các cáp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh giúp
Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức triển khai thực hiện
các quy định nêu tại Quy chế này.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân
dân cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức
sơ kết (hoặc tổng kết) việc thực hiện Quy chế phối hợp bằng các hình thức phù hợp
(bằng Hội nghị trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng báo cáo...) nhằm bổ sung, khắc
phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế.
Điều 7. Xử lý trách nhiệm
Cá nhân, tổ chức để xảy ra thiếu sót đối với việc
cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ trong giải quyết các vụ án dân sự
và hành chính hoặc không thực hiện tốt công tác xem xét thẩm định tại chỗ; định
giá tài sản; chuyển giao tài liệu, giấy tờ cho Tòa án nhân dân các cấp theo Quy
chế này thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xem xét khi đánh giá việc hoàn thành
nhiệm vụ, khi bình xét thi đua hàng năm hoặc bị xử lý trách nhiệm theo quy định
của pháp luật.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
và thay thế Quy chế số 2629/QCPH/UBND-TAND ngày 06/10/2015.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những
khó khăn, vướng mắc hoặc có quy định mới của pháp luật thì Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân
tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh xem xét, kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỈNH
CHÁNH ÁN
Biện Văn Hoan
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hai
|