Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 13-L/CTN Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Lê Đức Anh
Ngày ban hành: 17/04/1993 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-L/CTN

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1993

 

PHÁP LỆNH

SỐ 13-L/CTN NGÀY 17/04/1993 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

CHỦ TỊCHNƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật tổ chức Quốc hội;

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh thi hành án dân sự đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 17 tháng 4 năm 1993.

PHÁP LỆNH

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Toà án; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân;
Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định việc thi hành các bản án, quyết định dân sự của Toà án.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Những bản án, quyết định dân sự của Toà án.

Những bản án, quyết định dân sự của Toà án nói trong Pháp lệnh này bao gồm bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định.

Điều 2

Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án.

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được các đương sự nghiêm chỉnh thi hành, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân tôn trọng.

Điều 3

Những bản án, quyết định được thi hành.

Những bản án, quyết định được thi hành theo Pháp lệnh này bao gồm:

1- Những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm đồng thời là chung thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

c) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

d) Quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

đ) Bản án, quyết định của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận.

2- Những bản án, quyết định của Toà án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của công dân, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị;

b) Quyết định khẩn cấp tạm thời để bảo đảm lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án.

Điều 4

Thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

1- Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án hoặc uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành án ra quyết định thi hành.

Đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, Toà án chuyển giao bản sao bản án, quyết định trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án cùng cấp nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm.

Đối với bản án, quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, phạt tiền, tịch thu tài sản và án phí, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, Toà án chuyển giao bản sao bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản kèm theo tang vật cho cơ quan thi hành án cùng cấp nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định đó, Toà án nhân dân tối cao chuyển giao bản sao bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản kèm theo tang vật cho cơ quan thi hành án nơi mở phiên toà xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm.

2- Đối với bản án, quyết định được thi hành theo yêu cầu của người được thi hành án, thì Toà án không chuyển giao bản sao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án mà cấp các bản sao đó cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dân sự.

3- Việc uỷ thác thi hành án dân sự do Chính phủ quy định.

Điều 5

Căn cứ để thi hành án.

Căn cứ để thi hành án bao gồm:

1- Những bản án, quyết định được thi hành quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh này;

2- Quyết định thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành hoặc quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.

Điều 6

Biện pháp thi hành án.

Khi bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành thì người phải thi hành án có nghĩa vụ tự nguyện thi hành; nếu không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.

Điều 7

Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành án.

1- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương mình.

2- Lực lượng cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc cưỡng chế thi hành án theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc của chấp hành viên.

3- Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, thực hiện yêu cầu của chấp hành viên trong việc thi hành án.

Điều 8

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan đến việc thi hành án.

Người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến việc thi hành án được tham gia vào việc thi hành án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 9

Kiểm sát việc thi hành án.

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cơ quan Nhà nước khác, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhằm bảo đảm việc thi hành án đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời theo quy định tại các Điều 19, 20 và 21 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 10

Quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự.

1- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong cả nước.

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giúp Chính phủ chuẩn bị các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác về công tác thi hành án dân sự;

b) Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện công tác thi hành án dân sự; trực tiếp quản lý hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự;

c) Thực hiện thanh tra Nhà nước về công tác thi hành án dân sự;

d) Quản lý công tác đào tạo cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự;

đ) Quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí, phương tiện cần thiết cho công tác thi hành án dân sự.

2- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của Chính phủ.

Cơ quan tư pháp địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự.

Điều 11

Quản lý Nhà nước về công tác thi hành và tổ chức việc thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự và tổ chức các cơ quan thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự.

Chương 2:

CHẤP HÀNH VIÊN, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN

Điều 12

Chấp hành viên.

Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Toà án quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh này và được pháp luật bảo vệ.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình chấp hành viên phải tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án được giao.

Điều 13

Nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên.

Chấp hành viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Triệu tập đương sự, người có liên quan đến trụ sở cơ quan thi hành án hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án;

2- Định cho người phải thi hành án thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành;

3- Áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại chương IV của Pháp lệnh này;

4- Yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp xử lý tang vật, tài sản và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án;

5- Đề nghị Thủ Trưởng Cơ quan thi hành án nơi chấp hành viên công tác ra quyết định hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đình chỉ thi hành án, trả lại đơn yêu cầu thi hành án, phạt tiền hoặc trực tiếp phạt tiền người cố tình không thi hành án theo quyết định tại Điều 47 của Pháp lệnh này;

6- Yêu cầu Toà án đã ra bản án hoặc quyết định giải thích những điểm chưa rõ để thi hành;

7- Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành án và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

Điều 14

Trách nhiệm của chấp hành viên.

Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định của Toà án, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm phẩm chất đạo đức của người chấp hành viên, thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 15

Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng.

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có kiến thức pháp lý cần thiết và nắm vững nghiệp vụ thi hành án, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên, chấp hành viên trưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên, chấp hành viên trưởng làm nhiệm vụ thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 16

Chế độ đối với chấp hành viên.

Chấp hành viên được cấp trang phục, phù hiệu, thẻ chấp hành viên để sử dụng khi làm nhiệm vụ và được hưởng thang bậc lương riêng theo quy định của Chính phủ.

Điều 17

Cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự.

1- Các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự gồm có cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự địa phương.

2- Các cơ quan thi hành án dân sự gồm có cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và cơ quan thi hành án trong quân đội.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự do Chính phủ quy định.

Chương 3:

THỦ TỤC THI HÀNH ÁN

Điều 18

Cấp bản sao bản án, quyết định.

Khi bản án, quyết định của Toà án được thi hành thì Toà án đã tuyên bản án hoặc quyết định đó phải cấp cho người được thi hành án và người phải thi hành án bản sao bản án hoặc quyết định có ghi:"để thi hành".

Khi cấp bản sao bản án, quyết định, Toà án giải thích cho người được thi hành án biết quyền làm đơn yêu cầu thi hành án.

Điều 19

Quyền yêu cầu thi hành án.

Người được thi hành án căn cứ vào bản sao bản án, quyết định có quyền yêu cầu người phải thi hành án thi hành.

Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền để yêu cầu thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án phải được gửi kèm theo bản sao bản án, quyết định của Toà án.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án.

Điều 20

Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được bản sao bản án, quyết định chuyển giao của Toà án, thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành bản án, quyết định về trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa, phạt tiền, tịch thu tài sản và án phí; các quyết định khẩn cấp tạm thời để bảo đảm lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án.

Điều 21

Thời hiệu thi hành án.

1- Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được trả lại cho người có đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án không có tài sản để thi hành theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày người phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày việc thi hành bị ngừng.

2- Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan, tổ chức được thi hành án có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu cơ quan, tổ chức được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.

Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.

3- Trong trường hợp người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn, thì thời hạn thi hành án được tính từ khi trở ngại đó không còn.

Việc khôi phục thời hiệu thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xét và quyết định.

Điều 22

Tự nguyện thi hành án và cưỡng chế thi hành án.

1- Sau khi nhận được quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án, chấp hành viên định cho người phải thi hành án thời hạn không quá ba mươi ngày để tự nguyện thi hành.

Nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành mà người phải thi hành án không thi hành, thì chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại chương IV của Pháp lệnh này.

2- Trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán hoặc huỷ hoại tài sản, thì chấp hành viên quyết định kê biên ngay tài sản.

3- Không được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán hoặc huỷ hoại tài sản, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Điều 23

Chi phí cưỡng chế thi hành án.

1- Người phải thi hành án chịu mọi chi phí về việc cưỡng chế thi hành án.

2- Cơ quan thi hành án có thể xét miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

Chi phí cưỡng chế thi hành án, việc miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án do Chính phủ quy định.

Điều 24

Hoãn thi hành án.

1- Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án có quyền hoãn thi hành án trong những trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án ốm nặng mà theo bản án quyết định thì người đó có nghĩa vụ phải tự mình thực hiện;

b) Người được thi hành án yêu cầu hoặc đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành.

Khi điều kiện hoãn thi hành án không còn, thì bản án, quyết định được tiếp tục thi hành.

2- Khi cần thiết, người có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Toà án được quyền yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Cơ quan thi hành án được yêu cầu phải ra quyết định hoãn thi hành án. Thời hạn hoãn thi hành án không quá ba tháng, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án. Hết thời hạn đó mà không có kháng nghị thì cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục việc thi hành án.

Điều 25

Tạm đình chỉ thi hành án.

1- Người đã ra kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định đó.

2- Khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án có quyền tạm đình chỉ thi hành án cho đến khi điều kiện tạm đình chỉ không còn.

Điều 26

Đình chỉ thi hành án.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án có quyền đình chỉ việc thi hành trong những trường hợp sau đây:

1- Người phải thi hành án chết mà theo bản án, quyết định thì nghĩa vụ thực hiện không được chuyển cho người thừa kế;

2- Người được thi hành án chết mà quyền và lợi ích theo bản án, quyết định không được thừa kế;

3- Người được thi hành án là cá nhân, tổ chức kinh tế tư nhân tự nguyện yêu cầu không thi hành án nữa;

4- Bản án, quyết định bị Toà án có thẩm quyền huỷ bỏ;

5- Thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

Trong trường hợp quy định tại điểm 3 Điều này, người được thi hành án sau đó không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại.

Điều 27

Trả lại đơn yêu cầu thi hành án.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản sao bản án, quyết định cho người được thi hành án trong trường hợp có quyết định đình chỉ việc thi hành án hoặc có căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành, thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 của Pháp lệnh này.

Điều 28

Gửi các quyết định về thi hành án.

Các quyết định thi hành án, cưỡng chế thi hành án, hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đình chỉ thi hành án, khôi phục thời hiệu thi hành án, phạt tiền, trả lại đơn yêu cầu thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Toà án đã chuyển giao bản sao bản án, quyết định, đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến việc thi hành án.

Chương 4:

CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Điều 29

Kê biên tài sản.

1- Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án. Tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước, sau đó kê biên phần tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác. Nếu có tranh chấp về tài sản giữa người phải thi hành án với người khác thì cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án vẫn tiến hành kê biên và giao cho người đang giữ hoặc đang sử dụng tài sản đó bảo quản; người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản tranh chấp có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

2- Khi kê biên tài sản phải có mặt người phải thi hành án hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Người được thi hành án được thông báo về thời gian, địa điểm kê biên tài sản và có quyền có mặt khi kê biên tài sản. Nếu người được thi hành án vắng mặt hoặc người phải thi hành án hay người đã thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì chấp hành viên vẫn quyết định tiến hành kê biên.

3- Chấp hành viên chỉ kê biên tài sản của người phải thi hành án tương ứng với mức đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án.

Chấp hành viên phải chấp nhận đề nghị của người phải thi hành án về việc kê biên tài sản nào trước, nếu xét thấy đề nghị đó không trở ngại cho việc thi hành án.

Việc kê biên nhà ở chỉ được tiến hành khi những tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

Điều 30

Tài sản không được kê biên.

Không được kê biên những tài sản sau đây:

1- Lương thực, thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;

2- Công cụ lao động, quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;

3- Đồ dùng thờ cúng thông thường.

Điều 31

Định giá tài sản đã kê biên.

1- Tài sản đã kê biên được định giá tại chỗ theo sự thoả thuận giữa người được thi hành án và người phải thi hành án.

2- Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá có khó khăn, thì sau khi kê biên, chấp hành viên mời Hội đồng định giá gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan và do chấp hành viên chủ trì để đánh giá sơ bộ tài sản đã kê biên. Người được thi hành án, người phải thi hành án được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá.

Điều 32

Giao bảo quản tài sản kê biên.

1- Nếu người được thi hành không đồng ý nhận tài sản đã kê biên để thi hành án, thì chấp hành viên giao tài sản đã kê biên cho người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người đang sử dụng tài sản đó bảo quản.

Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì việc giao nhận phải theo thủ tục do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp quy định.

2- Chấp hành viên phải giải thích cho người được giao bảo quản tài sản đã kê biên về trách nhiệm của họ trong việc bảo quản tài sản.

3- Người được giao bảo quản tài sản được hưởng thù lao và được trả mọi chi phí cần thiết để về bảo quản tài sản, trừ trường hợp họ là người phải thi hành án hoặc là người đang sử dụng tài sản.

Điều 33

Biên bản kê biên, giao bảo quản tài sản.

Chấp hành viên lập biên bản kê biên, giao bảo quản tài sản. Trong biên bản phải ghi ngày, giờ kê biên, họ và tên chấp hành viên, người được thi hành án, người phải thi hành án và người chứng kiến, mô tả tình trạng từng tài sản, giá đã định, họ và tên người được giao bảo quản tài sản và những yêu cầu của đương sự hoặc ý kiến của người chứng kiến việc kê biên.

Chấp hành viên, đương sự, người chứng kiến và người được giao bảo quản tài sản ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người từ chối ký, thì việc đó phải ghi vào biên bản và ghi rõ lý do.

Biên bản được giao cho người được thi hành án, người phải thi hành án và người được giao bảo quản tài sản, mỗi người một bản.

Điều 34

Bán đấu giá tài sản đã kê biên.

1- Tài sản đã kê biên để thi hành án được bán đấu giá. Việc định giá được tiến hành theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 31 của Pháp lệnh này.

Danh mục tài sản và thời gian bán đấu giá phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thi hành án và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản và thông báo cho đương sự, chậm nhất là bảy ngày, trước ngày bán đấu giá.

2- Tài sản đã kê biên được bán cho người trả giá cao nhất, nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định, thì tài sản được bán cho người mua theo giá mà Hội đồng định giá đã định.

Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá.

Đối với tài sản không bán được, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án nhận; nếu người được thi hành án không nhận thì chấp hành viên trả tài sản cho người phải thi hành án và quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khác.

3- Tài sản đã kê biên nhưng còn tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều 29 và khoản 3 Điều 40 của Pháp lệnh này chỉ được bán đấu giá, sau khi có quyết định của Toà án xác định tài sản đó là của người phải thi hành án.

Điều 35

Xử lý tài sản đã tịch thu.

Tài sản đã tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá được giao cho cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý loại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản khác sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ của người bị tịch thu tài sản, chấp hành viên giao cho cơ quan tài chính xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 36

Bán đấu giá nhà.

Người muốn mua nhà phải nộp đơn và nộp trước một phần trăm (1%) trị giá nhà tại cơ quan thi hành án. Số tiền này được hoàn lại ngay, nếu họ không mua được nhà.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày bán đấu giá nhà, người mua được nhà phải trả đủ tiền tại cơ quan thi hành án; nếu họ không trả đủ tiền trong thời hạn đó thì số tiền nộp trước không được trả lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 37

Thứ tự thanh toán tiền bán tài sản.

Số tiền bán tài sản, sau khi trừ vào các chi phí về thi hành án, được thanh toán cho người được thi hành án theo thứ tự sau đây:

1- Tiền cấp dưỡng;

2- Tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ;

3- Tiền công lao động;

4- Các khoản phải trả Nhà nước;

5- Các khoản phải trả khác.

Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

Điều 38

Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

1- Thu nhập cùa người phải thi hành án bao gồm: tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức, thu nhập của xã viên hợp tác xã và các thu nhập hợp pháp khác.

2- Việc trừ vào thu nhập được áp dụng khi thi hành án về cấp dưỡng hoặc khi đã kê biên tài sản khác của người phải thi hành án, nhưng tài sản đó không đủ để thi hành án.

3- Mức cao nhất được trừ vào lương, trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp mất sức là năm mươi phần trăm (50%). Đối với những khoản thu nhập khác, thì mức trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng phải bảo đảm điều kiện sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án.

Điều 39

Thực hiện quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

1- Quyết định của chấp hành viên về trừ vào thu nhập được gửi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người phải thi hành án làm việc hoặc nhận thu nhập.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị nói trên có nghĩa vụ chuyển cho người được thi hành án số tiền được trừ vào thu nhập của người phải thi hành án và báo cho chấp hành viên đã ra quyết định đó biết.

2- Khi người phải thi hành án chuyển đến ở nơi khác, thì nơi trả thu nhập cho người đó phải chuyển quyết định của chấp hành viên đến nơi mới và báo cho chấp hành viên ra quyết định biết. Nơi trả thu nhập mới của người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành quyết định về việc trừ vào thu nhập của người đó.

Điều 40

Trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ.

1- Đối với tài sản của người phải thi hành án đang gửi ở ngân hàng, chấp hành viên yêu cầu Ngân hàng khấu trừ và chuyển cho người được thi hành án số tiền hoặc tài sản mà người phải thi hành án phải trả cho người đó.

2- Đối với tài sản của người phải thi hành án đang cho người khác vay, mượn, thuê hoặc gửi giữ, gửi sửa chữa, chấp hành viên yêu cầu người vay, mượn, thuê hoặc giữ chuyển cho người được thi hành án số tài sản mà người phải thi hành án phải trả cho người đó hoặc kê biên và bán tài sản đó để thi hành án theo quy định tại chương IV của Pháp lệnh này.

3- Nếu có tranh chấp về tài sản quy định tại khoản 2 Điều này, thì cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án vẫn tiến hành kê biên và giao cho người vay, mượn, thuê, giữ hoặc sửa chữa bảo quản tài sản đó; Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản tranh chấp có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 41

Cưỡng chế giao đồ vật.

Trong trường hợp người phải thi hành án bị cưỡng chế giao đồ vật cho người được thi hành án, thì chấp hành viên giao đồ vật đó cho người được thi hành án.

Điều 42

Cưỡng chế trả nhà.

Trong trường hợp cưỡng chế trả nhà cho người được thi hành án, thì chấp hành viên cho chuyển đồ đạc của người phải thi hành án ra khỏi nhà và giao nhà cho người được thi hành án.

Điều 43

Cưỡng chế chấm dứt hành vi trái pháp luật.

Khi người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt hành vi trái pháp luật thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế chấm dứt hành vi đó.

Chương 5:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN, CHẤP HÀNH VIÊN VÀ KHÁNG NGHỊ QUYẾT ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN

Điều 44

Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên.

1- Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại về hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên.

2- Đối với khiếu nại hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thì thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi chấp hành viên công tác giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Nếu đương sự còn khiếu nại về quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết và trả lời cho đương sự trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực thi hành.

Nếu đương sự còn khiếu nại quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc giải quyết khiếu nại đối với chấp hành viên thuộc cơ quan thi hành án cấp mình, thì thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giải quyết và trả lời cho đương sự trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

3- Đối với khiếu nại hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên trực tiếp giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu đương sự còn khiếu nại, thì thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giải quyết và trả lời cho đương sự trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

Đối với khiếu nại hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì thủ trưởng cơ quan quản lý công tác thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu đương sự còn khiếu nại, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4- Việc giải quyết khiếu nại hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Chính phủ quy định.

5- Việc tố cáo hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên được giải quyết theo Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điều 45

Kháng nghị quyết định thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án và quyết định của chấp hành viên.

1- Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị với cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới; với chấp hành viên trong việc thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

2- Cơ quan thi hành án, chấp hành viên có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị, theo quy định tại Điều 21 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 46

Khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành án dân sự, thì được khen thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Điều 47

Xử lý vi phạm.

1- Khi người phải thi hành án đã được giải thích mà không tự nguyện thi hành quyết định của cơ quan thi hành án buộc bản thân họ thực hiện hành vi nhất định, trừ việc giao nộp tài sản, thì chấp hành viên có quyền phạt tiền người đó từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng.

2- Khi cơ quan, tổ chức phải thi hành án không thi hành các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên thì thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

3- Người nào cố ý không thi hành bản án, quyết định của Toà án, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc chấp hành viên thi hành án trái pháp luật; phá huỷ niêm phong hoặc có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, huỷ hoại tài sản bị kê biên trong khi thi hành án, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 48

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 1993 và thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 1 tháng 1 năm 1990.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 49

Các quy định của Pháp lệnh này cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, nếu điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia không có quy định khác.

Điều 50

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1993

 

Lê Đức Anh

(Đã ký)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.027

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.88.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!