CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 127/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 11 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC NIÊM PHONG, MỞ NIÊM PHONG VẬT CHỨNG
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật tố
tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật thi
hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11
năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội
về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14
và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra
hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ,
tạm giam số 94/2015/QH13;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết
việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định khái niệm, nguyên tắc; trình
tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm
phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành
án.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân
liên quan đến niêm phong, mở niêm phong vật chứng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên
vẹn của vật chứng bằng cách:
a) Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an
toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi
là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên nhũng phần có thể mở để lấy,
đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;
b) Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn
hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên
những bộ phận quan trọng của vật chứng;
c) Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng
khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó
dán giấy niêm phong.
2. Mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và
mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng
kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc
không di chuyển được.
3. Giấy niêm phong là giấy có tính bền vững cao,
trên đó ghi tên cơ quan chủ trì tổ chức niêm phong vật chứng, họ tên, chữ ký hoặc
điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của những người tổ chức thực hiện
niêm phong vật chứng, người tham gia niêm phong vật chứng, thời gian niêm phong
vật chứng và đóng dấu của cơ quan chức năng.
4. Người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm
phong vật chứng là người được cơ quan, người có thẩm quyền giao tiến hành tố tụng
hình sự, thi hành án.
Điều 4. Nguyên tắc niêm phong,
mở niêm phong vật chứng
1. Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng
khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
2. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm
quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này.
3. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng
lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
4. Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Điều 5. Vật chứng cần niêm
phong và vật chứng không cần niêm phong
Mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm
phong, trừ các trường hợp sau:
1. Vật chứng là động vật, thực vật sống.
2. Vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án.
3. Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản.
4. Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.
Điều 6. Người tổ chức thực hiện
niêm phong, mở niêm phong vật chứng
1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều
tra viên.
2. Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
3. Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án.
Điều 7. Người tham gia niêm
phong, mở niêm phong vật chứng
1. Người tham gia niêm phong vật chứng:
a) Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã,
phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng;
b) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có
quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu
có);
c) Người bào chữa (nếu có).
2. Người tham gia mở niêm phong vật chứng:
a) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có
quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu
có);
b) Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết);
c) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở
niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết);
d) Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm
phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên
môn.
Chương II
NIÊM PHONG VẬT CHỨNG
Điều 8. Trình tự, thủ tục niêm
phong vật chứng
Một vật chứng có thể thực hiện niêm phong, mở niêm
phong một hoặc nhiều lần. Sau mỗi lần mở niêm phong, khi kết thúc sử dụng vật
chứng phải niêm phong lại theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Nghị định
này và gửi về nơi bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật. Việc niêm
phong vật chứng được thực hiện theo trình
tự, thủ tục như sau:
1. Chuẩn bị thực hiện niêm phong vật chứng
a) Người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng mời
hoặc triệu tập người tham gia niêm phong vật chứng;
Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan,
tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm
phong bị mất năng lực hành vi theo quy định của pháp luật hoặc đã chết, thì người
tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng mời người thân thích hoặc người đại diện
hợp pháp của họ tham gia niêm phong vật chứng;
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm
liên quan đến vật chứng cần niêm phong là bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm
giam thì khi niêm phong, người tổ chức thực hiện niêm phong mời người thân
thích của họ hoặc người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện chính quyền xã,
phường, thị trấn nơi tổ chức niêm phong vật chứng chứng kiến.
Đối với vật chứng cần điều kiện bảo quản đặc biệt
như chất độc, chất phóng xạ, chất nổ, chất cháy, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký
sinh trùng độc hại, mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người và các mẫu vật khác của
cơ thể người hoặc vật chứng khác có tính chất tương tự phải có sự tham gia của
cơ quan chuyên môn khi thực hiện niêm phong vật chứng. Trường hợp cơ quan
chuyên môn chưa đến kịp mà xét thấy cần phải niêm phong ngay để bảo đảm tính
nguyên vẹn của vật chứng thì vẫn có thể thực hiện niêm phong vật chứng nhưng phải
bảo đảm an toàn.
Đối với vật chứng không thể niêm phong được tại hiện
trường, thì phải niêm phong từng phần hoặc những phần quan trọng, sau đó đưa về
địa điểm do cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ án quyết định để tiến hành niêm
phong theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.
b) Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để niêm phong
vật chứng.
Người chủ trì tổ chức niêm phong vật chứng phải chỉ
đạo chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc niêm phong,
dán giấy niêm phong, bảo quản, di chuyển vật chứng.
2. Thực hiện niêm phong vật chứng
a) Kiểm tra vật chứng cần niêm phong để mô tả cụ thể,
đầy đủ, chính xác thực trạng của vật chứng vào biên bản niêm phong vật chứng;
b) Đóng gói hoặc đóng kín vật chứng cần niêm phong
(trường hợp vật chứng đóng gói hoặc đóng kín được.
c) Những người tổ chức thực hiện niêm phong, tham
gia niêm phong vật chứng ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên
người điểm chi) vào giấy niêm phong (viết hoặc điểm chỉ rõ ràng bằng mực khó
phai);
d) Đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện niêm
phong vật chứng hoặc của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức thực hiện
niêm phong vật chứng vào giấy niêm phong;
đ) Dán giấy niêm phong;
Đối với vật chứng đóng gói hoặc đóng kín, giấy niêm
phong phải dán đè lên những phần có thể mở được để lấy vật chứng hoặc có thể
tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;
Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc
không thể di chuyển được, giấy niêm phong phải dán đè lên những phần quan trọng
có tính xác định nguồn gốc, xuất xứ, đặc trưng của vật chứng và những phần
ghép, nối của vật chứng;
Tùy từng trường hợp cụ thể, phải có hình thức bảo vệ
giấy niêm phong cho phù hợp với điều kiện vận chuyển và bảo quản.
e) Kiểm tra niêm phong của vật chứng (giấy niêm
phong phải đảm bảo không bị rách, biến dạng; không bị mất, biến dạng các thông
tin ghi trên giấy niêm phong).
3. Kết thúc niêm phong vật chứng
Lập biên bản niêm phong vật chứng. Biên bản phải mô
tả đúng thực trạng của vật chứng trước và sau khi niêm phong, có đầy đủ chữ ký,
họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của những người tổ
chức thực hiện, tham gia niêm phong vật chứng theo quy định của pháp luật và
quy định của Nghị định này. Biên bản được lập, đưa vào hồ sơ vụ án và giao 01 bản
cho người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật
chứng được niêm phong.
Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan,
tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm
phong, người bào chữa không ký vào biên bản niêm phong, giấy niêm phong, thì
người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng phải lập biên bản ghi rõ lý do với
sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm
phong vật chứng.
Trong nhũng trường hợp: Người liên quan; đại diện
cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong (hoặc người thân thích, đại diện hợp
pháp của họ), người bào chữa không có mặt hoặc không đến, không có lý do
chính đáng theo yêu cầu của cơ quan, người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng;
vật chứng không có chủ sở hữu hoặc chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý
hợp pháp thì phải lập biên bản, ghi rõ lý
do và yêu cầu những người tham gia niêm phong ký vào biên bản.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm của người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng
1. Chủ trì thực hiện niêm phong vật chứng.
2. Mời, triệu tập người tham gia niêm phong vật chứng.
3. Kiểm tra vật chứng cần niêm phong.
4. Chuẩn bị điều kiện cần thiết để niêm phong vật
chứng.
5. Ký, ghi rõ họ tên vào giấy niêm phong; chú thích
họ tên người điểm chỉ (nếu có) vào giấy niêm phong.
6. Đóng gói hoặc đóng kín vật chứng (đối với vật chứng
đóng gói hoặc đóng kín được) và dán giấy niêm phong,
7. Kiểm tra niêm phong của vật chứng.
8. Ký, ghi rõ họ tên vào biên bản niêm phong vật chứng;
chú thích họ tên người điểm chỉ (nếu có) vào biên bản niêm phong vật chứng.
Điều 10. Trách nhiệm của người
tham gia niêm phong vật chứng
1. Có mặt tham gia niêm phong vật chứng khi có yêu
cầu của người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng.
2. Chứng kiến quá trình niêm phong vật chứng.
3. Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào giấy niêm
phong vật chứng.
4. Tham gia kiểm tra niêm phong của vật chứng.
5. Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản
niêm phong vật chứng.
Chương III
MỞ NIÊM PHONG VẬT CHỨNG
Điều 11. Trình tự, thủ tục mở
niêm phong vật chứng
1. Chuẩn bị mở niêm phong vật chứng
a) Người chủ trì tổ chức thực hiện mở niêm phong vật
chứng mời, triệu tập người tham gia mở niêm phong vật chứng có mặt đúng thời
gian, địa điểm được mời, triệu tập để mở niêm phong vật chứng.
Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan,
tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến việc mở niêm phong vật
chứng bị mất năng lực hành vi theo quy định của pháp luật hoặc đã chết, thì người
tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng mời người thân thích hoặc người đại
diện hợp pháp của họ tham gia mở niêm phong vật chứng.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm
liên quan đến vật chứng được niêm phong là bị can, bị cáo đang bị giam giữ thì
khi mở niêm phong, người tổ chức thực hiện mở niêm phong mời người thân thích
hoặc người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị
trấn nơi tổ chức mở niêm phong vật chứng chứng kiến.
b) Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mở niêm
phong vật chứng: Tiến hành thủ tục xuất kho vật chứng (đối với những vật chứng
được quản lý trong kho vật chứng) hoặc thông báo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan đang lưu giữ, bảo quản vật chứng.
2. Thực hiện mở niêm phong vật chứng
a) Kiểm tra niêm phong của vật chứng trước khi mở
niêm phong;
b) Gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín
vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín;
Gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không được
đóng gói hoặc không được đóng kín;
c) Kiểm tra vật chứng sau khi mở niêm phong.
3. Kết thúc mở niêm phong
Khi kết thúc mở niêm phong phải lập biên bản; biên
bản phải mô tả đúng tình trạng niêm phong trước khi mở, thực trạng của vật chứng
sau khi mở niêm phong và có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích
họ tên của người điểm chỉ) của người tổ chức, người tham gia mở niêm phong vật
chứng theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này. Biên bản do
người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng lập, đưa vào hồ sơ vụ án và
giao 01 bản cho người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm
liên quan đến vật chứng được niêm phong.
Trường hợp kiểm tra niêm phong không còn nguyên vẹn,
phải lập biên bản về tình trạng niêm phong của vật chứng, thực trạng của vật chứng
để điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định của pháp luật có liên
quan.
Trường hợp người liên quan (nếu có); đại diện cơ
quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong, người bào chữa không ký vào biên bản mở niêm phong vật chứng, thì
người tổ chức mở niêm phong vật chứng lập biên bản ghi rõ lý do với sự chứng kiến
của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng.
Trong những trường hợp: Người liên quan; đại diện
cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong (hoặc người thân thích, đại diện hợp pháp của họ), người bào chữa
không có mặt hoặc không đến, không có lý do chính đáng theo yêu cầu của cơ
quan, người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng; vật chứng không có chủ sở
hữu hoặc chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp thì phải lập
biên bản ghi rõ lý do và yêu cầu những người tham gia mở niêm phong ký vào biên
bản.
Trường hợp mở niêm phong phục vụ hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử, thi hành án, sau đó phải niêm phong lại thì thành phần thực
hiện niêm phong lại bao gồm: Những người tổ chức, người tham gia niêm phong;
người, đại diện cơ quan được giao quản lý vật chứng; người chứng kiến (là đại
diện chính quyền xã, phường, thị trấn, đại diện Viện kiểm sát hoặc người bào chữa
của bị can, bị cáo) nếu xét thấy cần thiết.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng
1. Chủ trì việc tổ chức thực hiện mở niêm phong vật
chứng.
2. Mời, triệu tập người, cơ quan, tổ chức có quyền
lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng.
3. Đề nghị và thực hiện thủ tục xuất kho vật chứng;
thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
4. Kiểm tra niêm phong trước khi mở niêm phong vật
chứng.
5. Mở niêm phong vật chứng.
6. Kiểm tra vật chứng sau khi mở niêm phong.
7. Ký, ghi rõ họ tên vào biên bản mở niêm phong vật
chứng; chú thích họ tên của người điểm chỉ (nếu có) vào biên bản mở niêm phong
vật chứng.
Điều 13. Trách nhiệm của người
tham gia mở niêm phong vật chứng
1. Có mặt tham gia mở niêm phong vật chứng khi có
yêu cầu của người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng.
2. Chứng kiến quá trình mở niêm phong vật chứng.
3. Tham gia kiểm tra niêm phong vật chứng trước khi
mở niêm phong vật chứng.
4. Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản mở
niêm phong vật chứng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng
01 năm 2018.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc niêm phong, mở
niêm phong vật chứng của cơ quan, người tiến hành tố tụng hình sự của Viện kiểm
sát, Tòa án.
2. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức,
đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b). XH 204
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|