Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật thi hành án dân sự 2008 số 26/2008/QH12 áp dụng 2024

Số hiệu: 26/2008/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 14/11/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Luật số: 26/2008/QH12

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

LUẬT

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật thi hành án dân sự.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại (sau đây gọi chung là bản án, quyết định); hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.

Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;

e) Quyết định của Trọng tài thương mại.

2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.

2. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

3. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

5. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.

6. Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

7. Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định.

8. Chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả.

Điều 4. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định

Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Luật này phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.

Điều 5. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Điều 6. Thoả thuận thi hành án

1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.

Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.

2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

Điều 7. Quyền yêu cầu thi hành án

Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

Điều 8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong thi hành án dân sự

1. Tiếng nói và chữ viết dùng trong thi hành án dân sự là tiếng Việt.

Đương sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình nhưng phải có người phiên dịch. Đương sự là người dân tộc thiểu số mà không biết tiếng Việt thì cơ quan thi hành án dân sự phải bố trí phiên dịch.

2. Người phiên dịch phải dịch đúng nghĩa, trung thực, khách quan, nếu cố ý dịch sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Tự nguyện và cưỡng chế thi hành án

1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.

Điều 10. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên theo quy định của Luật này.

Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Giám sát và kiểm sát việc thi hành án

  1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

CHƯƠNG II

 HỆ THỐNG TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ CHẤP HÀNH VIÊN

Điều 13. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự

Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm:

1. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự:

a) Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

b) Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Cơ quan thi hành án dân sự:

a) Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);

b) Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);

c) Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu).

Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự; tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh

1. Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:

a) Bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự;

b) Chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn;

c) Kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

d) Tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

2. Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.

3. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.

5. Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

6. Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 của Luật này.

7. Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án cấp quân khu

1. Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.

2. Tổng kết thực tiễn công tác thi hành án theo thẩm quyền; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu trong việc quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án cấp quân khu theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

5. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án phạt tù trong quân đội trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.

6. Giúp Tư lệnh quân khu và tương đương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 172 của Luật này.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện

1. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật này.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này.

3. Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

4. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

5. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.

6. Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.

7. Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu.

Điều 17. Chấp hành viên

1. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

2. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên.         

Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:

a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

b) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp:

a) Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

5. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trong quân đội.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

6. Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.

7. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp.

Điều 19. Miễn nhiệm Chấp hành viên

1. Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây:

a) Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên;

b) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.

2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.

3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.

4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.

6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.

9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.

10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Điều 21. Những việc Chấp hành viên không được làm

1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.

2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.

3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.

4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.

5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:

a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;

c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.

8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

Điều 22. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

1. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

2. Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;

b) Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự;

c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;

d) Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;

đ) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;

e) Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;

h) Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;

i) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.    

2. Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.

Điều 24. Biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất của cơ quan thi hành án dân sự

Nhà nước bảo đảm biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ thi hành án, ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện, trang thiết bị cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 25. Trang phục, phù hiệu, chế độ đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự

Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự được cấp trang phục, phù hiệu để sử dụng trong khi thi hành công vụ, được hưởng tiền lương, chế độ phụ cấp phù hợp với nghề nghiệp và chế độ ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ.

CHƯƠNG III

THỦ TỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 26. Hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự

Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Điều 27. Cấp bản án, quyết định

Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật này phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành".

Điều 28. Chuyển giao bản án, quyết định

1. Đối với bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này thì Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.

3. Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự ngay sau khi ra quyết định. 

4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Toà án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.

Điều 29. Thủ tục nhận bản án, quyết định

Khi nhận bản án, quyết định do Toà án chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định.

Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Toà án đã ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan.

Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên. Trong trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết.

Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Điều 31. Đơn yêu cầu thi hành án

1. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

2. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.

Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.

3. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật này.

Điều 32. Thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án

1. Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự;

b) Gửi đơn qua bưu điện.

2. Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Điều 33. Nhận đơn yêu cầu thi hành án

1. Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn.

2. Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm nhận đơn yêu cầu;

b) Số, ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; tên cơ quan ra bản án, quyết định;

c) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;

d) Họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án; người được thi hành án;

đ) Nội dung yêu cầu thi hành án;

e) Tài liệu khác kèm theo.

Điều 34. Từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định;

b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;

c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

2. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án.

Điều 35. Thẩm quyền thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn;

b) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

c) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

d) Quyết định của Trọng tài thương mại;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;

e) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

g) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

h) Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.

3. Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn;

b) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự khu vực trên địa bàn;

c) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

đ) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.

Điều 36. Ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó.

Điều 37. Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án

1. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;

b) Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;

c) Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn;

d) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án trong trường hợp quyết định về thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án.

3. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:

a) Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;

b) Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ quyết định về thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ.

Điều 38. Gửi quyết định về thi hành án

Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Điều 39. Thông báo về thi hành án

1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết công khai;

c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

Điều 40. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân

1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.

2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.

Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.

Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo.

Điều 41. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ.

Điều 42. Niêm yết công khai

1. Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết.

2. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;

b) Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.

3. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ.

Điều 43. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu. 

2. Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.

Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp.

3. Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.

Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án

1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.

Điều 46. Cưỡng chế thi hành án

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Điều 47. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;

b) Án phí;

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.

Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

4. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 48. Hoãn thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được. 

Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

3. Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì phải ra ngay quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này không còn, hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền kháng nghị về việc không có căn cứ kháng nghị thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

Điều 49. Tạm đình chỉ thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị.

Trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.

Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;

c) Quyết định của Toà án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.

Điều 50. Đình chỉ thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.

2. Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 51. Trả đơn yêu cầu thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;

b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;

c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;

d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.

2. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Điều 52. Kết thúc thi hành án

Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây:

1. Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;

2. Có quyết định đình chỉ thi hành án;

3. Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.

Điều 53. Xác nhận kết quả thi hành án

Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.

Điều 54. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

1. Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hợp nhất thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Trường hợp sáp nhập thì tổ chức sáp nhập tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia, tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia, tách;

d) Trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó;  

đ) Trường hợp phá sản thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định về phá sản;

e)Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đó tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.

2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật này.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây.

Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án dân sự giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của Luật này.

4. Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự.

Điều 55. Ủy thác thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

2. Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.

Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

3. Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc uỷ thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ uỷ thác.

Điều 56. Thẩm quyền uỷ thác thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh uỷ thác thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác thi hành các bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên; bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;

b) Ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành vụ việc mà đương sự hoặc tài sản có liên quan đến quân đội trên địa bàn;

c) Ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện vụ việc khác, trừ những trường hợp quy định tại điểm a và điểm b của khoản này.

2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện ủy thác vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện khác có điều kiện thi hành.

3. Cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có điều kiện thi hành.

Điều 57. Thực hiện ủy thác thi hành án

1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.

2. Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác về việc nhận được quyết định ủy thác.

Điều 58. Bảo quản tài sản thi hành án

1. Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản;

b) Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;

c) Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.

2. Tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá được bảo quản tại Kho bạc nhà nước.

3. Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Người được giao bảo quản tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Biên bản giao bảo quản tài sản được giao cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người được giao bảo quản tài sản hoặc người đang sử dụng, bảo quản tài sản và lưu hồ sơ thi hành án.

5. Người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án

Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án.

Điều 60. Phí thi hành án dân sự

Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.

Chính phủ quy định mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự.

Điều 61. Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 đồng.

2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng.

4. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được tiến hành thường xuyên nhưng mỗi người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm. Trường hợp một người phải thi hành nhiều khoản nộp ngân sách nhà nước trong nhiều bản án, quyết định khác nhau thì đối với mỗi bản án, quyết định, người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm thi hành án một lần trong 01 năm.

Điều 62. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

Cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau đây:

1. Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt;

2. Bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự;

3. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm;

4. Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

5. Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Điều 63. Thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

1. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Toà án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Toà án cấp huyện) nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải mở phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

3. Phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm.

Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, trại giam, trại tạm giam nơi người được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đang chấp hành hình phạt tù.

Điều 64. Kháng nghị quyết định của Toà án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

1. Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Hết thời hạn kháng nghị, Viện kiểm sát không kháng nghị thì quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành.

2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, Toà án đã ra quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án phải chuyển hồ sơ và văn bản kháng nghị lên Toà án cấp trên trực tiếp.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kháng nghị, Toà án cấp trên trực tiếp phải mở phiên họp để xét kháng nghị.

Phiên họp xét kháng nghị do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp cần thiết, Toà án yêu cầu đại diện cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tham dự. Thẩm phán chủ trì phiên họp ra quyết định giải quyết kháng nghị.

Quyết định của Tòa án về giải quyết kháng nghị việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực thi hành.

4. Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định kháng nghị trước hoặc trong phiên họp xét kháng nghị thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc xét kháng nghị. Quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án bị kháng nghị có hiệu lực thi hành.

5. Trường hợp sau khi quyết định cho miễn, giảm thi hành án có hiệu lực mà phát hiện người phải thi hành án có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm, trốn tránh việc thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát đã đề nghị xét miễn, giảm có trách nhiệm đề nghị Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự xem xét việc kháng nghị quyết định miễn, giảm thi hành án theo thủ tục tái thẩm.

Điều 65. Bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án

Trường hợp cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp phải thi hành án đã áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án.

CHƯƠNG IV

BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Mục 1. BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN

Điều 66. Biện pháp bảo đảm thi hành án

1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

3. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

a) Phong toả tài khoản;

b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. 

Điều 67. Phong tỏa tài khoản

1. Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

2. Khi tiến hành phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này.

Điều 68. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng.

2. Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho đương sự.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;

b) Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.

Điều 69. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Mục 2. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Điều 70. Căn cứ cưỡng chế thi hành án

Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:

1. Bản án, quyết định;

2. Quyết định thi hành án;

3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Điều 72. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án

1. Trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế, trừ trường hợp phải cưỡng chế ngay.

2. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; 

b) Thời gian, địa điểm cưỡng chế;

c) Phương án tiến hành cưỡng chế;

d) Yêu cầu về lực lượng tham gia và bảo vệ cưỡng chế;

đ) Dự trù chi phí cưỡng chế.

3. Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án.

4. Căn cứ vào kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan Công an có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.

Điều 73. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;

e) Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:

a) Chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;

b) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này;

c) Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

4. Chấp hành viên dự trù chi phí cưỡng chế và thông báo cho người phải thi hành án biết ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày cưỡng chế đã được ấn định, trừ trường hợp cần thiết phải cưỡng chế ngay. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.

5. Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi tổ chức việc thi hành án thực hiện xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

6. Chi phí cưỡng chế thi hành án do đương sự nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. Sau khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

7. Chính phủ quy định mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

Điều 74. Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung

1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. 

Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Điều 75. Xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp

Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chấp hành viên yêu cầu mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để thi hành án theo quy định của Luật này.

Mục 3. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ TIỀN

Điều 76. Khấu trừ tiền trong tài khoản

1. Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế.

2. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển cho người được thi hành án theo quyết định khấu trừ.

Điều 77. Chấm dứt phong tỏa tài khoản

1. Việc phong toả tài khoản được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án;

b) Cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án;

c) Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

2. Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc phong toả tài khoản ngay sau khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 78. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 79. Thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án

1. Trường hợp người phải thi hành án có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người đó để thi hành án.

Khi thu tiền, Chấp hành viên phải để lại số tiền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người phải thi hành án và gia đình.

2. Chấp hành viên cấp biên lai thu tiền cho người phải thi hành án.

Điều 80. Thu tiền của người phải thi hành án đang giữ

Trường hợp phát hiện người phải thi hành án đang giữ tiền mà có căn cứ xác định khoản tiền đó là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền và cấp biên lai cho người phải thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.

Điều 81. Thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.

Mục 4. CƯỠNG CHẾ ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Điều 82. Thu giữ giấy tờ có giá

1. Trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án.

2. Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án.

Điều 83. Bán giấy tờ có giá

Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mục 5. CƯỠNG CHẾ ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 84. Kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ

1. Chấp hành viên ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.

Trường hợp người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên.

2. Khi kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án, tùy từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án.

3. Trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật sở hữu trí tuệ mà Nhà nước quyết định chủ sở hữu trí tuệ phải chuyển giao quyền của mình cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong thời gian nhất định thì Chấp hành viên không được kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án trong thời gian bắt buộc phải chuyển giao.

4. Chấp hành viên quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phải nộp số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp về sở hữu trí tuệ thu và quản lý thu nhập, lợi nhuận từ việc sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án.

5. Trường hợp người phải thi hành án đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà chưa được thanh toán hoặc mới được thanh toán một phần tiền thì Chấp hành viên ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao nộp khoản tiền chưa thanh toán để thi hành án.

Điều 85. Định giá quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền sở hữu trí tuệ được định giá theo quy định tại Điều 98 và Điều 99 của Luật này và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 86. Bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền sở hữu trí tuệ được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ.

Mục 6. CƯỠNG CHẾ ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ VẬT

Điều 87. Tài sản không được kê biên

1. Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

2. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:

a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;

b) Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;

c) Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;

d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;

đ) Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;

e) Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.

3. Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

a) Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Điều 88. Thực hiện việc kê biên

1. Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được uỷ quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.

Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khoá, phá khoá, mở gói thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.

2. Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.

Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.

Điều 89. Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.

2. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.

Điều 90. Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp

1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

Điều 91. Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án; trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án.

Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết.

Điều 92. Kê biên vốn góp

1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.

2. Đương sự có quyền yêu cầu Toà án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.

Điều 93. Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói

Khi kê biên đồ vật đang bị khoá hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khoá, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khoá hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khoá, phá khóa, mở gói.

Trường hợp cần thiết, sau khi mở khoá, phá khoá, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định tại Điều 58 của Luật này.

Việc mở khoá, phá khoá, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.

Điều 94. Kê biên tài sản gắn liền với đất

Khi kê biên tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo quy định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó.

Điều 95. Kê biên nhà ở

1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

3. Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết.

Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Việc kê biên nhà ở bị khoá được thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.

Điều 96. Kê biên phương tiện giao thông

1. Trường hợp kê biên phương tiện giao thông của người phải thi hành án, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó, nếu có.

2. Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng thì sau khi kê biên Chấp hành viên có thể thu giữ hoặc giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng, bảo quản nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.

Trường hợp giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng phương tiện giao thông thì Chấp hành viên cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.

3. Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với phương tiện bị kê biên.

4. Việc kê biên đối với tàu bay, tàu biển để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Điều 97. Kê biên hoa lợi

Trường hợp người phải thi hành án có tài sản mang lại hoa lợi, Chấp hành viên kê biên hoa lợi đó để bảo đảm thi hành án. Đối với hoa lợi là lương thực, thực phẩm thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại một phần để người phải thi hành án và gia đình họ sinh sống theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 87 của Luật này.

Điều 98. Định giá tài sản kê biên

1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.

Điều 99. Định giá lại tài sản kê biên

1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;

b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.

2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 của Luật này.  

Điều 100. Giao tài sản để thi hành án

1. Trường hợp đương sự thoả thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản về việc thoả thuận.

Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì người nhận tài sản phải được sự đồng ý của những người được thi hành án khác và phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng.

2. Việc giao tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thoả thuận.

Điều 101. Bán tài sản đã kê biên

1. Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức sau đây:

a) Bán đấu giá;

b) Bán không qua thủ tục đấu giá.

2. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.

Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.

Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

3. Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản;

b) Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.

4. Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.

Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên.

5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.

Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

6. Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Điều 102. Huỷ kết quả bán đấu giá tài sản

1. Đương sự, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.

2. Trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo bản án, quyết định của Toà án thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 103. Giao tài sản bán đấu giá

Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản thì thủ tục cưỡng chế giao tài sản được thực hiện theo quy định tại các điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này.

Điều 104. Xử lý tài sản bán đấu giá không thành

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.

Điều 105. Giải toả kê biên tài sản

1. Việc giải toả kê biên tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự thoả thuận về việc giải toả kê biên tài sản mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

b) Đương sự đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của Luật này;

c) Có quyết định của người có thẩm quyền hủy bỏ quyết định kê biên tài sản;

d) Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

2. Chấp hành viên ra quyết định giải toả kê biên và trả lại tài sản cho người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 106. Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản

1. Người mua được tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này cho người mua tài sản thi hành án, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

3. Hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự;

b) Bản sao bản án, quyết định;

c) Quyết định thi hành án, quyết định kê biên tài sản;

d) Văn bản bán đấu giá thành hoặc biên bản giao nhận tài sản để thi hành án;

đ) Giấy tờ khác có liên quan đến tài sản, nếu có.

4. Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất mà không có giấy chứng nhận hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu.

Giấy tờ được cấp mới có giá trị thay thế cho giấy tờ không thu hồi được.

Mục 7. CƯỠNG CHẾ KHAI THÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN

Điều 107. Cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án

1. Chấp hành viên cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án;

b) Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

2. Chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản. Quyết định ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng ký đối với tài sản đó và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản.

Việc thực hiện giao dịch, chuyển giao quyền sở hữu tài sản đối với tài sản đang khai thác phải được sự đồng ý của Chấp hành viên.

Điều 108. Hình thức cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án

Tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế khai thác để thi hành án theo các hình thức sau đây:

1. Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác.

Trường hợp tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất mà chưa khai thác thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản.

2. Người khai thác tài sản quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu mà người phải thi hành án không ký hợp đồng khai thác với người khác thì Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.

Điều 109. Chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản

1. Chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Việc khai thác tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án;

b) Người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của Chấp hành viên về việc khai thác tài sản;

c) Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án;

d) Có quyết định đình chỉ thi hành án.

2. Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì Chấp hành viên tiếp tục kê biên và xử lý tài sản đó để thi hành án.

Trường hợp việc cưỡng chế khai thác tài sản chấm dứt theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định, Chấp hành viên ra quyết định giải toả việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án.

Mục 8. CƯỠNG CHẾ ĐỐI VỚI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 110. Quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án

1. Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.

Điều 111. Kê biên quyền sử dụng đất

1. Khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự.

2. Khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đất của người phải thi hành án có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất và thông báo cho người có tài sản gắn liền với đất.

3. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, có chữ ký của những người tham gia kê biên.

Điều 112. Tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên

1. Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do người phải thi hành án quản lý, khai thác, sử dụng thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho người đó.

Trường hợp diện tích đất đã kê biên đang do tổ chức hoặc cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì tạm giao cho tổ chức, cá nhân đó.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này không nhận thì Chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng. Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào nhận thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành ngay việc định giá và bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

3. Việc tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ:

a) Diện tích, loại đất, vị trí, số thửa đất, số bản đồ;

b) Hiện trạng sử dụng đất;

c) Thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất;

d) Quyền và nghĩa vụ cụ thể của người được tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất.

4. Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên, người được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, để thừa kế, thế chấp, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất; không được sử dụng đất trái mục đích.

Điều 113. Xử lý tài sản gắn liền với đất đã kê biên

1. Trường hợp tài sản gắn liền với đất đã kê biên thuộc sở hữu của người khác thì xử lý như sau:

a) Đối với tài sản có trước khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Trường hợp người có tài sản không tự nguyện di chuyển tài sản thì Chấp hành viên hướng dẫn cho người có tài sản và người phải thi hành án thoả thuận bằng văn bản về phương thức giải quyết tài sản. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hướng dẫn mà họ không thoả thuận được thì Chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án và người có tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp người có tài sản là người thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà không hình thành pháp nhân mới thì người có tài sản được quyền tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với người trúng đấu giá, người nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn còn lại của hợp đồng mà họ đã ký kết với người phải thi hành án. Trường hợp này, trước khi xử lý quyền sử dụng đất, Chấp hành viên có trách nhiệm thông báo cho người tham gia đấu giá, người được đề nghị nhận quyền sử dụng đất về quyền được tiếp tục ký hợp đồng của người có tài sản gắn liền với đất;

b) Đối với tài sản có sau khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả lại quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày yêu cầu, mà người có tài sản không di chuyển tài sản hoặc tài sản không thể di chuyển được thì Chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất.

Đối với tài sản có sau khi kê biên, nếu người có tài sản không di chuyển tài sản hoặc tài sản không thể di chuyển được thì tài sản phải bị tháo dỡ. Chấp hành viên tổ chức việc tháo dỡ tài sản, trừ trường hợp người nhận quyền sử dụng đất hoặc người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đồng ý mua tài sản;

c) Người có tài sản gắn liền với đất của người phải thi hành án được hoàn trả tiền bán tài sản, nhận lại tài sản, nếu tài sản bị tháo dỡ nhưng phải chịu các chi phí về kê biên, định giá, bán đấu giá, tháo dỡ tài sản.

2. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất đã kê biên thì Chấp hành viên xử lý tài sản cùng với quyền sử dụng đất.

3. Đối với tài sản là cây trồng, vật nuôi ngắn ngày chưa đến mùa thu hoạch hoặc tài sản đang trong quy trình sản xuất khép kín chưa kết thúc thì sau khi kê biên, Chấp hành viên chỉ tiến hành xử lý khi đến mùa thu hoạch hoặc khi kết thúc quy trình sản xuất khép kín.

Mục 9. CƯỠNG CHẾ TRẢ VẬT, GIẤY TỜ, CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 114. Thủ tục cưỡng chế trả vật

1. Đối với vật đặc định, việc cưỡng chế được thực hiện như sau:

a) Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng trả vật cho người được thi hành án; nếu người đó không thi hành thì Chấp hành viên thu hồi vật để trả cho người được thi hành án;

b) Trường hợp vật phải trả giảm giá trị mà người được thi hành án không đồng ý nhận thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thoả thuận việc thi hành án. Việc thi hành án được thực hiện theo thoả thuận.

Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên cưỡng chế trả vật cho người được thi hành án. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả bị giảm giá trị;

c) Trường hợp vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thoả thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành theo thoả thuận.

Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được.

2. Đối với vật cùng loại thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế theo nội dung bản án, quyết định.

Trường hợp vật phải trả không còn hoặc hư hỏng, giảm giá trị thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án trả vật cùng loại hoặc thanh toán giá trị của vật cùng loại, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác.

3. Trường hợp người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng vật phải trả có thể tẩu tán, huỷ hoại vật đó thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 68 của Luật này.

Điều 115. Cưỡng chế trả nhà, giao nhà

1. Trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì Chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà.

Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.

2. Trường hợp người phải thi hành án cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người có tài sản bảo quản không đến nhận thì tài sản đó được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 126 của Luật này, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

4. Việc cưỡng chế để trả lại công trình xây dựng, vật kiến trúc theo bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 116. Cưỡng chế trả giấy tờ

1. Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án trả giấy tờ cho người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án.

Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để thi hành án.

2. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án.

Đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 117. Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

1. Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án.

Khi tiến hành giao đất phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.

2. Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.

Trường hợp người có tài sản gắn liền với đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản, giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.

Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này;

b) Trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

3. Việc cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá hoặc cho người nhận quyền sử dụng đất để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 10. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH NGHĨA VỤ BUỘC THỰC HIỆN HOẶC KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN CÔNG VIỆC NHẤT ĐỊNH

Điều 118. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định

1. Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

2. Hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên xử lý như sau:

a) Trường hợp công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu;

b) Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Điều 119. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được thực hiện công việc nhất định

Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu. Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định

1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Điều 121. Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc

1. Trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

2. Trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động.

Trường hợp người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án.

3. Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc hoặc được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này.

CHƯƠNG V

THI HÀNH ÁN TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Mục 1. THI HÀNH KHOẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC; TIÊU HUỶ TÀI SẢN; HOÀN TRẢ TIỀN, TÀI SẢN KÊ BIÊN, TẠM GIỮ TRONG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH HÌNH SỰ

Điều 122. Chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ kèm theo bản án, quyết định

1. Vật chứng, tài sản tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự do yêu cầu phục vụ việc xét xử mà chưa được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự tại thời điểm Toà án chuyển giao bản án, quyết định.

2. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được tiến hành tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Bên giao có trách nhiệm vận chuyển vật chứng, tài sản tạm giữ đến kho của cơ quan thi hành án dân sự.

Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể vận chuyển, di dời về bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự thì địa điểm giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ là nơi đang gửi, giữ hoặc nơi đang có tài sản.

3. Việc tiếp nhận tài sản phải có sự tham gia đầy đủ của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền, thủ kho, kế toán.

Điều 123. Thủ tục tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ

Việc tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được tiến hành theo thủ tục sau đây:

1. Thủ kho có trách nhiệm trực tiếp nhận, kiểm tra hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ và nhập kho thi hành án. Việc giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải được lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm giao nhận; số lượng, chủng loại, hiện trạng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ, có so sánh với biên bản thu giữ ban đầu của cơ quan Công an hoặc Toà án. Cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiếp nhận tài sản đủ và đúng với hiện trạng ghi trong biên bản thu giữ ban đầu. Trong trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ giao, nhận đã bị thay đổi so với biên bản thu giữ ban đầu thì Thủ trưởng cơ quan bên giao, bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, kết luận và cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi đã được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về những thay đổi đó.

Biên bản giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, nếu có.

2. Trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi có kết quả giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ là các chất ma tuý, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận dưới hình thức gói niêm phong kèm theo kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi giao, nhận phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản được niêm phong, có chữ ký của bên giao, bên nhận. Trường hợp niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu khả nghi trên đó thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiếp nhận khi có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 124. Xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước

1. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao vật chứng, tài sản tạm giữ đó cho cơ quan tài chính cùng cấp. Đối với tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước do cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành thì chuyển cho cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở.

Chi phí xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước do cơ quan tài chính nơi nhận vật chứng, tài sản tạm giữ chi trả theo quy định của pháp luật.

2. Khi chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ phải kèm theo quyết định thi hành án, bản án, quyết định hoặc bản sao bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự sao y bản chính.

3. Việc chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ phải có sự tham gia của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền, kế toán, thủ kho và đại diện cơ quan tài chính. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được lập biên bản, mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ, có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, nếu có.

4. Trường hợp quyết định tịch thu vật chứng, tài sản tạm giữ đã được thi hành nhưng sau đó phát hiện có sai lầm và đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định tịch thu thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở để làm thủ tục hoàn trả lại số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 125. Tiêu huỷ vật chứng, tài sản

1. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay.

2. Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết.

3. Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản.

Điều 126. Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự.

Trường hợp người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án.

2. Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.

Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.

Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.

3. Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này.

Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.

4. Trường hợp tài sản trả lại là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình bảo quản và đương sự từ chối nhận thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Ngân hàng nhà nước đổi tiền mới có giá trị tương đương để trả cho đương sự.

Đối với tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được không do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự mà đương sự từ chối nhận thì cơ quan thi hành án dân sự giao cho Ngân hàng nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Việc trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 127. Xử lý tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án

Chấp hành viên xử lý theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này đối với tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.

Điều 128. Thu án phí, tiền phạt và các khoản phải thu khác đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù

1. Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án và chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người phải thi hành án chuyển trại giam, trại tạm giam hoặc được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù hoặc chết thì Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người đó chấp hành hình phạt tù phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 129. Thủ tục trả lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù

1. Chấp hành viên gửi thông báo, quyết định về việc nhận lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thông qua Giám thị trại giam, trại tạm giam.

Trường hợp người được thi hành án uỷ quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thì văn bản uỷ quyền phải có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam. Chấp hành viên trả tiền, tài sản cho người được uỷ quyền.

2. Trường hợp người được thi hành án có yêu cầu và được nhận tiền, tài sản tại nơi đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật thì Chấp hành viên gửi tiền, tài sản cho người đó thông qua Giám thị trại giam, trại tạm giam. Chi phí cho việc gửi tiền, tài sản do người được thi hành án chịu. Khi giao tiền, tài sản cho đương sự, Giám thị trại giam, trại tạm giam lập biên bản và gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.

3. Trường hợp người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù từ chối nhận lại tiền, tài sản bằng văn bản có xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản để sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ theo quy định của Luật này.

Mục 2. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

Điều 130. Thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế sau đây:

a) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các điều 118, 119, 120 và 121 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;

b) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 71 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

c) Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 75 của Luật này để đảm bảo thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định về kê biên tài sản đang tranh chấp.

d) Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ;

đ) Biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều 71 và các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hoá khác.

2. Trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều 131. Thi hành quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trường hợp nhận được quyết định thay đổi hoặc áp dụng bổ sung quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra ngay quyết định thi hành án, đồng thời thu hồi quyết định thi hành án đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã bị thay đổi.

2. Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị thay đổi đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 132. Đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trường hợp Toà án hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ngay sau khi nhận được quyết định của Toà án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chấp hành viên làm thủ tục giải toả kê biên, trả lại tài sản, giải toả việc phong toả tài sản hoặc tài khoản của người có nghĩa vụ.

2. Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị Toà án hủy bỏ, nhưng cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được một phần hoặc thi hành xong thì việc giải quyết quyền lợi của đương sự được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 131 của Luật này.

Điều 133. Chi phí thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án

1. Chí phí thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và thực hiện theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

Trường hợp người yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì người đó phải thanh toán các chi phí thực tế do việc thi hành quyết định đó. Khoản tiền đặt trước được đối trừ, tài sản bảo đảm bị xử lý để thanh toán nghĩa vụ.

2. Trường hợp Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chi phí thi hành án được thanh toán từ ngân sách nhà nước.

Mục 3. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM

Điều 134. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bản án, quyết định đó chưa thi hành hoặc đã thi hành được một phần thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án. Trường hợp bản án, quyết định đó đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.

Điều 135. Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa

1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa thì việc thi hành được thực hiện theo quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa.

2. Đối với phần bản án, quyết định của Toà án cấp dưới không bị huỷ, bị sửa mà chưa được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án; nếu đã thi hành xong thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đã ra quyết định giám đốc thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.

3. Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.

Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.

Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.

Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị huỷ, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 136. Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

1. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới.

2. Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này.

Mục 4. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH VỀ PHÁ SẢN

Điều 137. Tạm đình chỉ, đình chỉ và khôi phục thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản

1. Sau khi nhận được văn bản của Toà án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này.

Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Toà án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản về kết quả thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản.

Việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật phá sản. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo Chấp hành viên bàn giao cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản các tài liệu thi hành án có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh, Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản phải gửi quyết định đó kèm theo toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản hoặc đình chỉ thủ tục phục hồi kinh doanh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu hồi quyết định đình chỉ thi hành án và tiếp tục thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản còn phải thi hành đã đình chỉ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc theo quy định của Luật này. 

Điều 138. Thi hành các quyết định của Toà án trong quá trình mở thủ tục phá sản

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp quy định tại Điều 139 của Luật này.

Chấp hành viên và Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để tổ chức thi hành.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải lập hồ sơ thi hành án phá sản.

Điều 139. Thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố phá sản

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thanh toán nợ phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì chủ nợ chưa được thanh toán nợ có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án giải quyết. Khi có quyết định giải quyết của Toà án, đương sự có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành theo quy định của Luật này.

CHƯƠNG VI

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KHÁNG NGHỊ VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Mục 1. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 140. Quyền khiếu nại về thi hành án

1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau:

a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;

Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.

Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.

Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

Điều 141. Những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết

1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này.

Điều 142. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên cơ quan thi hành án cấp quân khu.

6. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.

Điều 143. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;

b) Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;

c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

d) Được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có;

e) Được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

g) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này.

Điều 144. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại;

b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này;

c) Bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 145. Quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại;

b) Tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tạm ngừng việc thi hành án trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này, nếu xét thấy việc thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại.

2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại;

b) Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.

Điều 146. Thời hạn giải quyết khiếu nại

1. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

2. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

3. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.

4. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

Điều 147. Hình thức khiếu nại

Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại bằng một trong các hình thức sau đây:

1. Gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đơn của người khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại và yêu cầu giải quyết. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

2. Trình bày trực tiếp nội dung khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có trách nhiệm tiếp nhận việc khiếu nại phải hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

3. Khiếu nại thông qua người đại diện. Người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và việc khiếu nại phải thực hiện theo đúng thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 148. Thụ lý đơn khiếu nại

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.

Điều 149. Hồ sơ giải quyết khiếu nại

1. Việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại gồm có:

a) Đơn khiếu nại hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại;

b) Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;

c) Biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định;

d) Quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Tài liệu khác có liên quan.

2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số bút lục và được lưu giữ theo quy định của pháp luật.

Điều 150. Trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu

Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành xác minh, yêu cầu người bị khiếu nại giải trình, trong trường hợp cần thiết, có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Điều 151. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định.

2. Họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.

3. Nội dung khiếu nại.

4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

5. căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.

6. Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.

7. Giữ nguyên, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại.

8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra.

9. Hướng dẫn quyền khiếu nại lần hai của đương sự.

Điều 152. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai

1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền được quy định tại Điều 145 của Luật này và có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại; triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại để tổ chức đối thoại khi cần thiết; xác minh; trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Điều 153. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định.

2. Họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.

3. Nội dung khiếu nại.

4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.

6. Kết luận về nội dung khiếu nại và việc giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

7. Giữ nguyên, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại.

8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra.

Mục 2. TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 154. Người có quyền tố cáo

Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 155. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Điều 156. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo

1. Người bị tố cáo có các quyền sau đây:

a) Được thông báo về nội dung tố cáo;

b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

c) Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 157. Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết tố cáo

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.

2. Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu thì Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giải quyết.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.

3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. 

4. Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 158. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 159. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật.

Mục 3. KHÁNG NGHỊ VÀ GIẢI QUYẾT KHÁNG NGHỊ VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 160. Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát

1. Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.

Điều 161. Trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

Trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát.

2. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì giải quyết như sau:

a) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành;

b) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;

c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

3. Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị được quy định tại khoản 2 Điều này không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

CHƯƠNG VII

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 162. Hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

1. Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng.

2. Cố tình không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

3. Không thực hiện công việc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định.

4. Có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

5. Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.

6. Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng.

7. Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

10. Không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Điều 163. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Những người sau đây có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự:

a) Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án;

b) Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ án phá sản;

c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;

d) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu.

2. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 164. Xử phạt vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

1. Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và trình tự, thủ tục xử phạt cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử phạt vi phạm hành chính về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 165. Xử lý vi phạm

1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc Chấp hành viên thi hành án trái pháp luật; phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, huỷ hoại vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản bị kê biên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

4. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của Chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VIII

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 166. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong thi hành án dân sự

1. Thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước.

2. Chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự.

3. Phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành án dân sự.

4. Định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án dân sự.

Điều 167. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong thi hành án dân sự

1. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch về thi hành án dân sự;

c) Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự;

d) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự; đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên;

đ) Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự;

e) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự;

g) Quyết định kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự;

h) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án dân sự;

i) Tổng kết công tác thi hành án dân sự;

k) Ban hành và thực hiện chế độ thống kê về thi hành án dân sự;

l) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án dân sự.

2. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của Chính phủ.

Điều 168. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong thi hành án dân sự

1. Phối hợp với Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội:

a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự trong quân đội;

b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên và nhân viên làm công tác thi hành án dân sự trong quân đội;

c) Tổng kết, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án dân sự;

2. Thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án cho cơ quan thi hành án cấp quân khu; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự trong quân đội;

b) Quản lý hệ thống tổ chức, biên chế; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án trong quân đội; bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; khen thưởng, kỷ luật đối với quân nhân làm công tác thi hành án trong quân đội;

c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về thi hành án trong quân đội;

d) Quản lý, lập kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động thi hành án trong quân đội.

3. Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này theo quy định của Chính phủ.

Điều 169. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an trong thi hành án dân sự

1. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết.

3. Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án.

4. Chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Toà án xét, quyết định miễn, giảm hình phạt cho những người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.

Điều 170. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân tối cao trong thi hành án dân sự

1. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Chỉ đạo Toà án các cấp phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự, giải quyết các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.

Điều 171. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành án dân sự

1. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Kiểm sát và chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc kiểm sát thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.

Điều 172. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tư lệnh quân khu và tương đương trong thi hành án dân sự

1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quân khu và tương đương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu.

2. Yêu cầu cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo công tác, kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án trên địa bàn quân khu và tương đương.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu.

4. Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

Điều 173. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự

1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn.

2. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

4. Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

5. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

6. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành án ở địa phương.

Điều 174. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án dân sự

1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn.

2. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

4. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tự kiểm tra, đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

5. Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

6. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

Điều 175. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.

Điều 176. Trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự

1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong toả tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải toả việc phong toả tài khoản, phong toả tài sản của người phải thi hành án.

3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

Điều 177. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội trong thi hành án dân sự

1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án.

3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

Điều 178. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm trong thi hành án dân sự

1. Tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm ngay sau khi nhận được yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

3. Thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Điều 179. Trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án

1. Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế.

2. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

3. Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

4. Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.

Điều 180. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự

Cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự về các việc sau đây:

1. Giáo dục người đang chấp hành án hình sự thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án;

2. Cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự thông tin liên quan về người phải thi hành nghĩa vụ về dân sự đang chấp hành án hình sự; thực hiện việc thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đang chấp hành án hình sự;

3. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thu tiền thi hành án theo quy định của Luật này;

4. Kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự về nơi cư trú của người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù.

CHƯƠNG IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 181. Tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án

1. Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.

2. Cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.

Điều 182. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 183. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

 

 

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 26/2008/QH12

Hanoi, November 14, 2008

 

LAW

ON ENFORCEMENT OF CIVIL JUDGMENTS

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10;
The National Assembly promulgates the Law on Enforcement of Civil Judgments.

Chapter I.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Law prescribes principles, order and procedures for enforcement of civil judgments and rulings and fines, confiscation of assets, retrospective collection of illicitly earned money and assets, handling of material evidence and assets, court fees and civil rulings involved in criminal judgments and rulings, property parts of administrative judgments and rulings of courts, decisions on settlement of competition cases related to assets of judgment debtors by the Council for settlement of competition cases, and awards of commercial arbitrations (below collectively referred to as judgments and rulings); the system of civil judgment enforcement organizations and enforcers; rights and obligations of judgment creditors and judgment debtors, and persons with related interests and obligations; tasks and powers of agencies, organizations and individuals in civil judgment enforcement activities.

Article 2. Judgments and rulings to be enforced

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Judgments and rulings defined in Article 1 of this Law and having taken legal effect:

a/ Judgments and rulings or parts of judgments and rulings of first-instance courts against which are not appealed or protested against according to appellate procedures;

b/ Judgments and rulings of courts of appeal;

c/ Cassation or reopening trial rulings of courts;

d/ Foreign courts’ civil judgments and rulings, and foreign arbitral awards, which have been recognized and permitted for enforcement in Vietnam by Vietnamese courts;

e/ Competition case settlement decisions of the Council for settlement of competition cases, which are not voluntarily executed by involved parties within 30 days after they take legal effect or against which no lawsuits are initiated at court;

f/ Awards of commercial arbitrations;

2. The following judgments and rulings of first-instance courts shall be enforced immediately though they may be appealed or protested against:

a/ Judgments and rulings on alimony, salary or wage payment, severance allowance, job-loss allowance, working capacity loss allowance or compensation for loss of life or damage to health or mental harm, or reemployment of dismissed employees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3. Interpretation of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Involved parties include judgment creditor and judgment debtor.

2. Judgment creditor means an individual, agency or organization that enjoys rights and interests in an enforced judgment or ruling.

3. Judgment debtor means an individual, agency or organization that shall fulfill obligations in an enforced judgment or ruling.

4. Person with related rights and obligations means an individual, agency or organization that has rights and obligations directly related to the exercise of the right and performance of the obligation to execute a judgment by involved parties.

5. The statute of limitations for requesting judgment enforcement means a time limit for a judgment creditor or judgment debtor to request a civil judgment enforcement agency to organize judgment enforcement. Past this time limit, they will no longer have the right to request judgment enforcement under this Law.

6. To have conditions for judgment execution means that a judgment debtor has assets and incomes for fulfilling his/her property obligation, and performs the judgment-executing obligation by himself/herself or through another person.

7. Judgment enforcement charge means a sum of money payable by a judgment creditor upon receipt of money and assets under a judgment or ruling.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 4. Assurance of effect of judgments and rulings

Judgments and rulings defined in Article 2 of this Law shall be respected by agencies, organizations and all citizens.

Concerned individuals, agencies and organizations shall, within the ambit of their respective responsibilities, strictly abide by judgments and rulings and take responsibility before law for the enforcement thereof.

Article 5. Assurance of rights and legitimate interests of involved parties and persons with related rights and obligations

In the course of judgment enforcement, rights and legitimate interests of involved parties and persons with related rights and obligations shall be respected and protected by law.

Article 6. Judgment enforcement agreements

1. Involved parties may reach agreement on judgment enforcement, provided that agreement does not violate prohibitions prescribed by law and is not contrary to social morality. Outcomes of judgment enforcement under agreements will be recognized.

At the request of involved parties, enforcers shall witness the judgment enforcement agreement.

2. In case involved parties fail to strictly comply with their agreement, they may request a civil judgment enforcement agency to perform the unperformed part of their obligations under the judgment or ruling.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Judgment creditors and judgment debtors may base themselves on judgments or rulings to request civil judgment enforcement agencies to organize the judgment enforcement.

Article 8. Spoken and written languages in civil judgment enforcement

1. The spoken and written language officially used in civil judgment enforcement is Vietnamese.

Involved parties may use spoken and written languages of their nationalities but must have an interpreter. For involved parties who are ethnic minority people and do not speak Vietnamese, civil judgment enforcement agencies shall employ an interpreter.

2. Interpreters shall interpret or translate speeches or writings by involved parties in a verbatim, truthful and objective manner and shall be held responsible before law for intentionally incorrect interpretation or translation.

Article 9. Voluntary execution and coercive enforcement of judgments

1. The State encourages involved parties to voluntarily execute judgments.

2. Judgment debtors who have conditions for judgment execution but fail to voluntarily execute judgments will be subject to coercive enforcement of judgments under this Law.

Article 10. Responsibility to pay compensations for damage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 11. Responsibility of agencies, organizations and individuals to collaborate with civil judgment enforcement agencies and enforcers

1. Within the ambit of their tasks, powers and duties, agencies, organizations and individuals shall collaborate with civil judgment enforcement agencies in enforcing judgments.

2. Concerned agencies, organizations and individuals shall comply with requests of civil judgment enforcement agencies and enforcers under this Law.

All acts of obstructing or illegally intervening in activities of civil judgment enforcement agencies or enforcers shall be handled under law.

Article 12. Supervision and inspection of judgment enforcement

1. The National Assembly, People’s Councils and the Vietnam Fatherland Front shall supervise the operation of civil judgment enforcement agencies and other state agencies in enforcing civil judgments under law.

2. People’s procuracies at all levels shall, within the ambit of their tasks and powers, inspect the observance of judgment enforcement law by civil judgment enforcement agencies, enforcers and agencies, organizations and individuals involved in judgment enforcement in order to ensure judgment enforcement is conducted in a prompt, adequate and lawful manner.

Chapter II.

THE ORGANIZATIONAL SYSTEM OF CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT AGENCIES AND ENFORCERS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The organizational system of civil judgment enforcement agencies consists of:

1. Civil judgment enforcement management agencies:

a/ The civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry;

b/ The civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry.

2. Civil judgment enforcement agencies:

a/ Civil judgment enforcement agencies of provinces and centrally run cities (below collectively referred to as provincial-level civil judgment enforcement agencies);

b/ Civil judgment enforcement agencies of rural districts, urban districts, towns or provincial cities (below collectively referred to as district-level civil judgment enforcement agencies);

c/ Judgment enforcement agencies of military zones or equivalent levels (below collectively referred to as military zone-level judgment enforcement agencies).

The Government shall specify tasks and powers of civil judgment enforcement management agencies; and names and specific organizational structures of civil judgment enforcement agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To manage and direct civil judgment enforcement in their respective provinces or centrally run cities, covering:

a/ Assuring the uniform application of law on civil judgment enforcement;

b/ Directing civil judgment enforcement activities of district-level civil judgment enforcement agencies; providing professional guidance on civil judgment enforcement to enforcers and other civil servants of civil judgment enforcement agencies in their localities;

c/ Inspecting civil judgment enforcement activities of district-level civil judgment enforcement agencies;

d/ Reviewing the practical civil judgment enforcement work; making statistics and reports on civil judgment enforcement work under the guidance of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry.

2. To directly organize enforcement of judgments and rulings under Article 35 of this Law

3. To compile dossiers of request for exemption from or reduction of the obligation to execute civil judgments; to coordinate with police offices in compiling dossiers of request for remission or commutation of imprisonment sentences and amnesty for persons obliged to execute civil judgments who are serving imprisonment sentences.

4. To settle complaints and denunciations about civil judgment enforcement under their competence under this Law.

5. To manage civil servants, material foundations, funding sources and equipment for operation of local civil judgment enforcement agencies under the guidance and direction of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To report on civil judgment enforcement to provincial-level People’s Councils upon request.

Article 15. Tasks and powers of military zone-level judgment enforcement agencies upon request.

1. To directly organize the enforcement of judgments and rulings under Article 35 of this Law.

2. To review the practical civil judgment enforcement work according to their competence; making statistics and reports on civil judgment enforcement work under the guidance of the judgment enforcement management agency of the Defense Ministry.

3. To settle complaints and denunciations about judgment enforcement under their competence under this Law.

4. To coordinate with functional agencies of military zones in managing cadres, material foundations, funding sources and equipment for operation of military zone-level civil judgment enforcement agencies under the guidance and direction of the judgment enforcement management agency of the Defense Ministry.

5. To compile dossiers of request for exemption from or reduction of the obligation to execute civil judgments; to coordinate with the imprisonment sentence enforcement agency in the Army in compiling dossiers of request for remission or commutation of imprisonment sentences and amnesty for persons obliged to execute civil judgments who are serving imprisonment sentences.

6. To assist commanders of military zones and equivalent levels in performing their tasks and exercising their powers specified in Clause 1, Article 172 of this Law.

Article 16. Tasks and powers of district-level civil judgment enforcement agencies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To settle complaints and denunciations about civil judgment enforcement under their competence under this Law.

3. To manage civil servants, material foundations, funding sources and equipment assigned to them for operation under the guidance and direction of provincial-level civil judgment enforcement agencies.

4. To make statistics and reports on civil judgment enforcement work under law and the guidance of provincial-level civil judgment enforcement agencies.

5. To compile dossiers of request for exemption from or reduction of the obligation to execute civil judgments.

6. To assist district-level People’s Committees in performing their tasks and exercising their powers under Clauses 1 and 2, Article 174 of this Law.

7. To report on civil judgment enforcement to People’s Councils when so requested.

Article 17. Enforcers

1. Enforcers are persons tasked by the State to enforce judgments and rulings prescribed in Article 2 of this Law. Enforcers have three ranks: junior enforcer, intermediate-level enforcer and senior enforcer.

2. Enforcers shall be appointed by the Justice Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 18. Criteria for appointment of enforcers

1. Vietnamese citizens who are loyal to the Fatherland, honest, non-corruptible, possess good ethical quality and a law bachelor or higher degree, and have good health to fulfill assigned tasks may be appointed as enforcers.

2. Persons who fully satisfy the criteria specified in Clause 1 of this Article, and the following conditions may be appointed as junior enforcers:

a/ Having been engaged in legal work for 3 years or more;

b/ Having been trained in civil judgment enforcement profession;

c/ Passing the examination for selection of junior enforcers.

3. Persons who fully satisfy the criteria specified in Clause 1 of this Article, and the following conditions may be appointed as intermediate-level enforcers:

a/ Having worked as junior enforcers for 5 years or more;

b/ Passing the examination for selection of intermediate-level enforcers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Having worked as intermediate-level enforcers for 5 years or more;

b/ Passing the examination for selection of senior enforcers.

5. Persons who fully satisfy the criteria specified in Clause 2 of this Article and are army officers in active service may be appointed as military enforcers.

Criteria for persons to be appointed as military junior enforcers, intermediate-level enforcers and senior enforcers are as specified in Clauses 2, 3 and 4 of this Article.

6. Incumbent judges, procurators and investigators who are transferred to civil judgment enforcement agencies may be appointed as enforcers of equivalent ranks without having to take examination.

7. In special cases specified by the Government, persons who fully satisfy the criteria specified in Clause 1 of this Article and have been engaged in legal work for 10 years or more or 15 years or more may be appointed as intermediate-level or senior enforcers, respectively.

Article 19. Relief from duty of enforcers

1. Enforcers will be automatically relieved from duty in case they retire or are transferred to other agencies.

2. The Justice Minister shall consider and decide on relief from duty of enforcers in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Their professional qualifications and capacity are insufficient for fulfilling their tasks or they no longer satisfy the criteria for enforcers for other reasons.

3. The Government shall specify the order of and procedures for relief from duty of enforcers.

Article 20. Tasks and powers of enforcers

1. To promptly organize the enforcement of judgments or rulings assigned to them; to issue judgment enforcement decisions according to their competence.

2. To strictly enforce contents of judgments or rulings; to correctly apply legal provisions on the order of and procedures for judgment enforcement, ensuring the interests of the State and the rights and legitimate interests of involved parties and persons with related interests and obligations; and to strictly observe regulations on standard professional ethics of enforcers.

3. To summon involved parties and persons with related interests and obligations for judgment enforcement.

4. To verify assets and judgment execution conditions of judgment debtors; to request concerned agencies, organizations and individuals to supply documents for the verification of addresses and assets of judgment debtors or coordinate with concerned agencies in handling material evidence, assets and other matters related to judgment enforcement.

5. To decide on the application of measures to secure judgment enforcement and coercive measures to enforce judgments; to work out plans on coercive judgment enforcement; and to confiscate assets for judgment enforcement.

6. To request under law police offices to detain persons resisting the judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To decide on the application of coercive measures to recover money and assets already paid to involved parties in contravention of law, collect judgment enforcement charges and other amounts payable by involved parties.

9. To use support tools while on duty under the Governments regulations.

10. To perform other tasks assigned by heads of judgment enforcement agencies.

When performing their tasks or exercising their powers, enforcers shall comply with law and take responsibility before law for judgment enforcement and have their lives, health, honor, dignity and prestige protected by law.

Article 21. Prohibitions on enforcers

1. Prohibitions on civil servants as prescribed by law.

2. Providing advice to involved parties and persons with related interests and obligations, leading to unlawful judgment enforcement.

3. Illegally intervening in the handling of cases subject to judgment enforcement or abusing one’s influence to affect persons responsible for judgment enforcement.

4. Illegally using material evidence, money and assets involved in judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Their spouses, blood children or adopted children;

b/ Their blood parents, adoptive parents, paternal or maternal grandparents, uncles, aunts, and blood siblings or those of their spouses;

c/ Nephews and nieces whose blood parents are their blood siblings.

6. Using their enforcer cards, uniforms and badges or support tools in conducting activities beyond their assigned tasks and vested powers.

7. Harassing or troubling individuals, agencies or organizations in the course of judgment enforcement.

8. Intentionally enforcing judgments or rulings in violation of their contents; delaying or prolonging the enforcement of judgments assigned to them without adequate legal grounds.

Article 22. Heads and deputy heads of civil judgment enforcement agencies

1. Heads and deputy heads of civil judgment enforcement agencies shall be appointed among enforcers and relieved from duty by the Justice Minister. Heads and deputy heads of judgment enforcement agencies in the Army shall be appointed and relieved from duty by the Defense Minister.

2. The Government shall specify criteria, order and procedures for appointing and relieving from duty heads and deputy heads of civil judgment enforcement agencies and judgment enforcement agencies in the Army.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Heads of civil judgment enforcement agencies have the following tasks and powers:

a/ To issue judgment enforcement decisions according to their competence;

b/ To manage and direct judgment enforcement activities of civil judgment enforcement agencies;

c/ To request agencies, organizations and individuals to collaborate in organizing judgment enforcement;

d/ To request agencies which have made judgments or rulings to be enforced to explain in writing unclear or impractical points in these judgments or rulings for enforcement;

e/ To propose competent persons to make protests according to cassation or reopening procedures against judgments or rulings under law;

f/ To respond to recommendations or protests of procuracies; to settle complaints and denunciations about judgment enforcement or sanction administrative violations according to their competence; and to request competent state agencies to discipline or sanction administrative violators or examine violators for penal liability;

g/ To perform the tasks and exercise the powers of enforcers;

h/ To report and make statistics on judgment enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Deputy heads of judgment enforcement agencies shall perform tasks and exercise powers as assigned or authorized by heads of these agencies and be held accountable for assigned jobs.

Article 24. State payrolls, funding and material foundations of civil judgment enforcement agencies

The State shall assure payrolls, funding, working offices and support tools, information technology and other necessary means and equipment for civil judgment enforcement agencies.

Article 25. Uniform, badges and entitlements of civil servants engaged in civil judgment enforcement

Enforcers, verifiers and other civil servants engaged in civil judgment enforcement will be provided with uniforms and badges to wear while on duty, enjoy salaries and allowances suitable to their professions and other preferential entitlements under the Government’s regulations.

Chapter III.

CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT PROCEDURES

Article 26. Guidance on the right to request civil judgment enforcement

Upon making judgments, rulings or awards, courts, the Council for Handling of Competition Cases and commercial arbitrations shall explain to involved parties about the contents of, and at the same time clearly state in, these judgments, rulings or awards the right to request enforcement and the statute of limitations for filing such request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Courts, the Council for Handling of Competition Cases and commercial arbitrations that have made judgments, rulings and awards defined in Article 2 of this Law shall hand over to involved parties these judgments, rulings and awards written with the phrase “For enforcement.”

Article 28. Sending of judgments and rulings

1. For judgments and rulings defined at Points a, b, c and d, Clause 1, Article 2 of this Law, within 30 days after these judgments and rulings take legal effect, courts that have made them shall send them to competent civil judgment enforcement agencies.

2. For judgments and rulings to be enforced under Point a, Clause 2, Article 2 of this Law, within 15 days after making these judgments and rulings, courts shall send them to civil judgment enforcement agencies.

3. For rulings on application of provisional urgent measures, immediately after making them, courts shall send them to civil judgment enforcement agencies.

4. In case competent agencies have distrained or temporarily held assets, or seized material evidence or other documents related to the judgment enforcement, when sending judgments or rulings to civil judgment enforcement agencies, courts shall enclose copies of written records of distraint or temporary holding of assets or seizure of material evidence or other related documents.

Article 29. Procedures for receiving judgments and rulings

Upon receiving a judgment or ruling from a court, the civil judgment enforcement agency shall check it and record it in a book.

A judgment and ruling record book must clearly indicate ordinal numbers and dates of receipt of judgments and rulings as well as their numbers and dates, and names of issuing courts; full names and addresses of involved parties and titles of other related documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30. Statute of limitations for requesting judgment enforcement

1. Within 5 years after a judgment or ruling takes legal effect, the judgment creditor and judgment debtor may request a competent civil judgment enforcement agency to issue a judgment enforcement decision.

In case a time limit for fulfilling an obligation is set in the judgment or ruling, the 5-year statute of limitations will be counted from the date the obligation is due.

For judgments and rulings subject to periodical enforcement, the 5-year statute of limitations will apply to each period and be counted from the date the obligation is due.

2. In case of postponement or suspension of judgment enforcement under this Law, the postponement or suspension duration will not be counted into the statute of limitations for requesting judgment enforcement, unless judgment creditors agree to allow judgment debtors to postpone the judgment enforcement.

3. In case the judgment enforcement requesters can prove that he/she is unable to request judgment enforcement within the set time limit due to an objective obstacle or a force majeure circumstance, the duration when these objective obstacles or force majeure circumstance exists will not be counted into the statute of limitations for requesting judgment enforcement.

Article 31. Written requests for judgment enforcement

1. A written request for judgment enforcement contains the following principal details:

a/ Full name and address of the requester;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Full names and addresses of the judgment creditor and judgment debtor;

d/ Contents of the judgment requested to be enforced;

e/ Information on assets or judgment execution conditions of the judgment debtor.

2. The judgment enforcement requester shall clearly write the date of making the request and give his/her signature or fingerprint. For a legal entity, its written request must be appended the signature of its lawful representative and its seal.

In case the judgment enforcement requester makes his/her request orally at the civil judgment enforcement agency, a written record shall be made to record the detail specified in Clause 1 of this Article and bear the signature or fingerprint of the requester and the signature of the record maker. These written records are as valid as written requests for judgment enforcement.

Enclosed with the written request for judgment enforcement must be the judgment or ruling requested to be enforced and other related documents, if any.

3. Judgment enforcement requesters may request civil judgment enforcement agencies to apply measures to secure judgment enforcement specified in Article 66 of this Law.

Article 32. Procedures for sending written requests for judgment enforcement

1. The judgment enforcement requester may directly request or authorize another person to request judgment enforcement in either of the following ways:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Sending a written request by post.

2. The date of sending a written request for judgment enforcement is the date the judgment enforcement requester files the written request or makes an oral request at the civil judgment enforcement agency or the date of the postmark affixed by the sending post office.

Article 33. Receipt of written requests for judgment enforcement

1. Upon receiving a written request for judgment enforcement, the civil judgment enforcement agency shall check the details of the request and enclosed documents, record it in the judgment enforcement request book and issue a receipt to the request filer.

2. A judgment enforcement request book must fully show the following details:

a/ Date of receipt of the request;

b/ Number and date of issuance of the judgment or ruling; name of the issuing agency;

c/ Full name and address of the requester;

d/ Full names and addresses of the judgment debtor and judgment creditor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Other enclosed documents.

Article 34. Rejection of written requests for judgment enforcement

1. Civil judgment enforcement agencies may reject written requests for judgment enforcement in the following cases:

a/ The judgment enforcement requester has no right to request judgment enforcement or the contents of the written request for judgment enforcement are irrelevant to the contents of the judgment or ruling;

b/ The civil judgment enforcement agency requested to enforce the judgment is incompetent to do so;

c/ The statute of limitations for requesting judgment enforcement has expired.

2. Civil judgment enforcement agencies that reject written requests for judgment enforcement shall notify the request filers thereof.

Article 35. Competence to enforce judgments

1. District-level civil judgment enforcement agencies are competent to enforce the following judgments and rulings:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Appellate judgments and rulings of provincial-level courts over first-instance judgments and rulings of district-level courts of localities where civil judgment enforcement agencies are located;

c/ Cassation or re-opening rulings of provincial-level courts over judgments and rulings, which have taken legal effect, of district-level courts of localities where district-level civil judgment enforcement agencies are located;

d/ Judgments and rulings entrusted by district-level civil judgment enforcement agencies of other localities, provincial-level or military zone-level civil judgment enforcement agencies.

2. Provincial-level civil judgment enforcement agencies are competent to enforce the following judgments and rulings:

a/ First-instance judgments and rulings of provincial-level courts of the same localities;

b/ Judgments and rulings transferred by the Supreme People’s Court to them;

c/ Judgments and rulings of foreign courts, awards of foreign arbitrations recognized by Vietnamese courts for enforcement in Vietnam;

d/ Awards of commercial arbitrations;

e/ Decisions on handling of competition cases issued by the Council for Handling of Competition Cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Judgments and rulings falling under the enforcing competence of district-level civil judgment enforcement agencies defined in Clause 1 of this Article they pick up for enforcement when finding it necessary;

h/ Judgments and rulings defined in Clause 1 of this Article with involved parties residing or assets located overseas or which require judicial mandate for enforcement.

3. Military zone-level judgment enforcement agencies are competent to enforce the following judgments and rulings:

a/ Rulings on fines, confiscation of assets, retrospective collection of illicitly earned money and assets, handling of material evidence and assets, court fees and civil rulings in criminal judgments and rulings of military zone-level military tribunals or equivalent courts in their localities;

b/ Rulings on fines, confiscation of assets, retrospective collection of illicitly earned money and assets, handling of material evidence and assets, court fees and civil rulings in criminal judgments and rulings of regional military tribunals in their localities;

c/ Rulings on fines, confiscation of assets, handling of material evidence and assets, retrospective collection of illicitly earned money and assets, court fees and civil rulings in criminal judgments and rulings transferred by the central military tribunal to military zone-level judgment enforcement agencies;

d/ Civil judgments and rulings transferred by the Supreme People’s Court to military zone-level judgment enforcement agencies;

e/ Judgments and rulings entrusted by provincial-level, district-level or military zone-level civil judgment enforcement agencies for enforcement.

Article 36. Issuance of judgment enforcement decisions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Fines, retrospective collection of illicitly earned money and assets; court fees;

b/ Refund of money and assets to involved parties;

c/ Confiscation into the state budget or destruction of material evidence and assets;

d/ Recovery of the right to use land and other assets subject to remittance into the state budget;

e/ Decision on application of provisional urgent measures.

Within 5 working days after receiving judgments and rulings, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue judgment enforcement decisions.

Within 24 hours after receiving decisions on application of provisional urgent measures transferred by courts or handed directly by involved parties, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue judgment enforcement decisions and assign enforcers to organize the enforcement.

2. In addition to the cases specified in Clause 1 of this Article, heads of civil judgment enforcement agencies may issue judgment enforcement decisions only when receiving written requests for judgment enforcement.

The time limit for issuing judgment enforcement decisions is 5 working days after receiving written requests for judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37. Revocation, amendment, supplementation and cancellation of judgment enforcement decisions

1. Persons competent to issue judgment enforcement decisions shall issue decisions to revoke judgment enforcement decisions in the following cases:

a/ The judgment enforcement decision has been issued ultra vires;

b/ The judgment enforcement decision contains errors which may change the contents of the case subject to judgment enforcement;

c/ The ground for issuance of the judgment enforcement decision no longer exists;

d/ Cases specified in Clause 3, Article 54 of this Law.

2. Persons competent to issue judgment enforcement decisions and persons competent to settle complaints may issue decisions amending and supplementing or requesting amendments and supplementations to judgment enforcement decisions in case the latter contain errors which do not change the contents of cases subject to judgment enforcement.

3. Persons competent to issue judgment enforcement decisions and persons competent to settle complaints may issue decisions on cancellation or request cancellation of judgment enforcement decisions of heads of lower-level civil judgment enforcement agencies or enforcers directly under their management in the following cases:

a/ They detect that the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article are not remedied by heads of lower-level civil judgment enforcement agencies or enforcers under their direct management after being so requested;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Decisions on revocation, amendment, supplementation or cancellation of judgment enforcement decisions must clearly state grounds for, contents and legal consequences of the revocation, amendment, supplementation or cancellation.

Article 38. Sending of judgment enforcement decisions

Judgment enforcement decisions shall be sent to procuracies at the same level.

Decisions on coercive judgment enforcement shall be sent to People’s Committees of communes, wards or townships (below collectively referred to as commune-level People’s Committees) where coercive judgment enforcement is organized or to agencies or organizations related to the implementation of these decisions.

Article 39. Notification of judgment enforcement

1. Judgment enforcement decisions, notices, summons and other documents related to judgment enforcement must be notified to involved parties and persons with related rights and obligations for them to exercise their rights and perform their obligations according to the contents of these documents.

2. The notification shall be made within 3 working days after the issuance of any of the above documents, unless it is necessary to prevent involved parties from dispersing or destroying assets or shirking the judgment enforcement.

3. The notification shall be made in the following forms:

a/ Notices handed directly or sent through other agencies, organizations or individuals under law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Announcements on the mass media.

4. Notification expenses shall be borne by judgment debtors, unless it is prescribed by law that these expenses are covered by the state budget or paid by judgment creditors.

Article 40. Procedures for direct notification to individuals

1. Notices shall be delivered directly to individuals who are required to sign or press fingerprints for receipt certification.

2. In case persons to be notified are absent, notices shall be delivered to one of their relatives who has the full civil act capacity and lives together with them, including their spouses and children, their or their spouses’ grandparents, parents, uncles, aunts or siblings.

The delivery of notices must be recorded in writing. The date of making a written record is the date of proper notification.

In case persons to be notified have no relatives who have the full civil act capacity and live together with them, have such relatives but these persons refuse to receive notices, or are absent for an indefinite period, notification makers shall make written records of the impossibility of notification and have them signed by witnesses and publicly post up the notices under Article 42 of this Law.

3. In case persons to be notified have moved to new places, notices shall be delivered to the addresses of the new places.

Article 41. Procedures for direct notification to agencies and organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 42. Public notification

1. Notices shall be publicly posted up only when addresses of persons to be notified are unidentified or direct notification cannot be made, unless otherwise provided by law.

Civil judgment enforcement agencies shall directly post up notices or entrust commune-level People’s Committees of localities where persons to be notified reside or have last resided or individuals or organizations with sufficient conditions as defined by law to post up notices.

2. Public notification shall be made according to the following procedures:

a/ Posting up notices at offices of civil judgment enforcement agencies or commune-level People’s Committees or places where persons to be notified reside or have last resided;

b/ Making written records of public notification, clearly stating the date of notification, number and date of notices, and have them signed by witnesses.

3. The duration for publicly posting up a notice is 10 days from the posting date. The posting date is the date of proper notification.

Article 43. Announcements on the mass media

1. Announcements on the mass media shall be made under law or at request of involved parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case involved parties are determined to be absent from localities where they reside, announcements shall be published on a daily newspaper for two consecutive issues or broadcast twice on the central radio or television for 2 consecutive days.

3. The date of making an announcement for the second time on a mass medium is the date of proper notification.

Article 44. Verification of judgment conditions execution

1. In case they issue judgment enforcement decisions at its own will, enforcers shall verify judgment conditions execution of judgment debtors.

In case of requested judgment enforcement, if judgment creditors have applied necessary measures but are still unable to verify judgment debtors’ judgment execution conditions, they may request enforcers to do so. The request must be made in writing, clearly indicating the applied measures and enclosed with proof documents.

2. Within 10 days after issuing judgment enforcement decisions at their own will or receiving judgment creditors’ requests for verification, enforcers shall conduct verification. In case of implementation of decisions on application of provisional urgent measures, verification must be conducted without delay.

The verification must be recorded in writing with the certification of the head of the street population quarter, People’s Committee president, commune-level police chief or the head of the agency or organization which has conducted verification. A verification record must fully show verification results.

Article 45. Time limit for voluntary execution of judgments

1. The time limit for voluntary execution of a judgment is 15 days after the judgment debtor receives or is properly notified of, the judgment enforcement decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 46. Coercive enforcement of judgments

1. Upon the expiration of the time limit specified in Clause 1, Article 45 of this Law, judgment debtors with judgment execution conditions who fail to voluntarily execute judgments shall be coerced to do so.

2. No coercive enforcement of judgments shall be conducted from 22:00 hrs to 6:00 hrs, or weekends and holidays as provided by law and in other special cases specified by the Government.

Article 47. Order of payment of sums of money collected from judgment enforcement

1. Sums of money collected from judgment enforcement, after subtracting judgment enforcement expenses and the sum of money specified in Clause 5, Article 115 of this Law, shall be paid in the following order:

a/ Alimony; salary, wage, severance allowance, job-loss allowance and working capacity loss allowance; compensation for loss of life, damage to health or mental harms;

b/ Court fee;

c/ Other payables under enforced judgments or rulings.

2. In case there are many judgment creditors under a judgment, sums of money collected from judgment enforcement shall be paid as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Money collected under a coercive judgment enforcement decision shall be paid to the judgment creditors that has filed a request for judgment enforcement by the time of issuance of the decision. The remaining sum of money shall be paid to other judgment creditors under other judgment enforcement decisions by the time of payment.

Any remainders shall be paid to judgment debtors.

3. Proceeds from the sale of assets in collaterals or mortgages or sale of assets ruled to be distrained to secure the fulfillment of a specific obligation shall be paid first of all for the secured obligation after subtracting judgment enforcement expenses.

4. The order of payment of sums of money collected from enforcement of bankruptcy judgments must comply with the law on bankruptcy.

5. Within 10 days after collecting money, enforcers shall pay such money under Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 48. Postponement of judgment enforcement

1. Heads of civil judgment enforcement agencies may issue decisions to postpone judgment enforcement in the following cases:

a/ The judgment debtor falls seriously ill as certified by the health establishment of district or higher level, or has unidentified address, or cannot fulfill by himself/herself his/her obligation under the judgment or ruling for other plausible reasons;

b/ The judgment creditor agrees to let the judgment debtor postpone the judgment enforcement. The agreement on postponement must be made in writing, clearly indicating the postponement duration, and signed by involved parties. In this duration, the judgment debtor may, with the judgment creditor’s consent, bear no interest arising from the postponed judgment enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ There is a dispute over distrained assets which has been accepted by a court for settlement;

e/ The judgment enforcement is in the middle of the period for competent agencies to explain judgments and rulings and respond to petitions of civil judgment enforcement agencies under Clauses 2 and 3, Article 179 of this Law.

2. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on judgment enforcement postponement upon receiving requests of persons with protesting competence at least 24 hours before the time of coercive judgment enforcement set in coercion decisions. In case judgment enforcement agencies receive such requests less than 24 hours before the time of coercive enforcement set in decisions on coercive judgment enforcement, heads of civil judgment enforcement agencies may decide on judgment enforcement postponement when finding it necessary.

For judgments which have been partially or completely enforced, civil judgment enforcement agencies shall promptly notify such in writing to judgment enforcement postponement requesters.

Persons competent to protest against court judgments or rulings according to cassation or re­-opening procedures may request enforcement postponement only once for examination of their protests in order to avoid irremediable consequences.

The maximum duration of judgment enforcement postponement requested by persons competent to protest against judgments or rulings is 3 months after the date of making written requests for judgment enforcement postponement. In this duration, judgment debtors may bear no interest arising from the postponed judgment enforcement.

3. The time limit for issuing a judgment enforcement decision postponement is 5 working days after there emerges a ground as specified in Clause 1 of this Article. In the case specified in Clause 2 of this Article, a judgment enforcement decision postponement shall be promptly issued upon receipt of a competent person’s request.

4. Within 5 working days after the ground for judgment enforcement postponement specified in Clause 1 of this Article no longer exists or the expiration of the duration of judgment enforcement postponement requested by competent persons defined in Clause 2 of this Article or the receipt of notices of non-existence of grounds for protest from persons with the protesting competence, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions to continue judgment enforcement.

Article 49. Suspension of judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For judgments or rulings which have been partially or completely enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall promptly notify such in writing to protesters.

In the duration of judgment enforcement suspension due to protests, judgment debtors may bear no interest arising from the suspended judgment enforcement.

2. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue judgment enforcement decisions suspension upon receiving courts’ notices of acceptance of applications for opening of bankruptcy procedures for judgment debtors.

The time limit for issuing a judgment enforcement decision suspension is 5 working days after the receipt of a court notice.

3. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue a decision to continue judgment enforcement within 5 working days after the receipt of any of the following decisions:

a/ A competent person’s decision to withdraw the protest;

b/ A court’s cassation or re-opening ruling to uphold the protested judgment or ruling;

c/ A court’s ruling on suspension of procedures for bankruptcy or resumption of business operation of an enterprise or cooperative falling into bankruptcy.

Article 50. Termination of judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The judgment debtor dies without estate or after his/her death, his/her obligation under the judgment or ruling must not be transferred, as prescribed by law, to his/her heirs;

b/ The judgment creditor dies but his/her rights and interests under the judgment or ruling must not be transferred to his/her heirs or he/she dies without heirs;

c/ Involved parties agree in writing or the judgment creditor requests in writing the civil judgment enforcement agency to discontinue the judgment enforcement, unless the judgment enforcement termination affects rights and legitimate interests of a third party;

d/ The judgment or ruling is partially or wholly quashed;

e/ The judgment debtor is an organization which has been dissolved and has no assets while, as prescribed by law, its obligation must not be transferred to another organization;

f/ There is a decision on exemption from or reduction of the obligation to enforce the judgment;

g/ A court has decided to open bankruptcy procedures for the judgment debtor;

h/ The minor who had been consigned to another person for nurturing has become an adult.

2. The time limit for issuing a judgment enforcement termination decision is 5 working days after there emerges a ground for judgment enforcement termination specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Heads of civil judgment enforcement agencies shall decide to return written requests for judgment enforcement in the following cases:

a/ The judgment debtor has no assets for judgment enforcement or has assets the value of which is efficient only for paying expenses for coercive judgment enforcement or which are not allowed to be handled for judgment enforcement under law;

b/ The judgment debtor has no income or has low incomes which can only assure minimum living standards for him/her and his/her family;

c/ Distrained assets cannot be sold while the judgment creditor refuses to accept them for judgment enforcement;

d/ The judgment debtor is obliged to return specific objects but these objects no longer exist or are irreparably damaged, and involved parties do not otherwise agree.

2. When judgment debtors have judgment execution conditions, judgment creditors may request enforcement of judgments or rulings within the time limit specified in Clause 1, Article 30 of this Law, counting from the date judgment debtors are detected to have judgment execution conditions.

Article 52. Conclusion of judgment enforcement

Judgment enforcement automatically concludes in the following cases:

1. Involved parties have completely exercised their rights and fulfilled their obligations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. There is a decision on return of the written request for judgment enforcement.

Article 53. Certification of judgment enforcement results

Involved parties may request civil judgment enforcement agencies to certify judgment enforcement results.

Within 5 working days after receiving requests of involved parties, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue written certifications of judgment enforcement results.

Article 54. Transfer of the judgment execution right or obligation

1. The transfer of the judgment enforcement right or obligation of organizations is made as follows:

a/ In case of consolidation, the new organization shall continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments, unless otherwise provided for by law;

b/ In case of merger, the merging organization shall continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments, unless otherwise provided for by law;

c/ In case of separation or split-up, the agency issuing the separation or split-up decision shall clearly identify individuals and organizations to continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments under this decisions, unless otherwise provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ In case of dissolution, agencies competent to issue dissolution decisions shall notify civil judgment enforcement agencies thereof before issuing dissolution decisions. In case the judgment execution right or obligation of a dissolved organization is transferred to another organization, the latter shall continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments.

Civil judgment enforcement agencies, judgment creditors, persons with related rights and obligations may request competent agencies to reconsider dissolution decisions under law.

In case assets for judgment enforcement no longer exist due to the implementation of unlawful dissolution decisions, dissolution decision-issuing agencies shall fulfill the part of the obligation of dissolved organizations corresponding to these assets;

e/ In case of bankruptcy, the judgment execution right or obligation shall be exercised or performed under bankruptcy decisions;

f/ In case enterprises, which have not yet exercised their right or performed their obligation to execute judgments, are transformed into joint-stock companies, these joint-stock companies shall continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments.

2. In case judgment creditors or judgment debtors being individuals die, their judgment execution right or obligation shall be transferred to other persons under the law on inheritance.

3. In the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article, organizations and individuals that are transferred the judgment execution right or obligation may file written requests for judgment enforcement or shall continue exercising the right or performing the obligation to execute judgments under this Law.

Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue judgment enforcement decisions for new individuals and organizations corresponding to the transferred judgment enforcement right or obligation and issue decisions on withdrawal of previously issued judgment enforcement decisions.

For other judgment enforcement decisions and notices, civil judgment enforcement agencies may, on a case-by-case basis, uphold, withdraw or issue other appropriate decisions and notices under this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 55. Entrustment of judgment enforcement

1. Heads of civil judgment enforcement agencies may entrust judgment enforcement to civil judgment enforcement agencies in localities where judgment debtors have their assets, work, reside or are based.

2. In case judgment debtors have assets, work, reside or are based in more than one locality, heads of civil judgment enforcement agencies may entrust partial judgment enforcement to civil judgment enforcement agencies in localities where these judgment debtors have judgment execution conditions for fulfilling part of their obligation.

In case of entrusted performance of asset-related obligations, heads of civil judgment enforcement agencies shall entrust the performance to civil judgment enforcement agencies in localities where judgment debtors have their assets. If localities where assets exist cannot be identified or are concurrently places where judgment debtors work, reside or are based, the performance shall be entrusted to these places.

In case of performance of joint obligations, if judgment debtors reside or have assets in different localities, heads of civil judgment enforcement agencies shall entrust the whole judgment enforcement obligation to the civil judgment enforcement agency in a locality where these judgment debtors have judgment execution conditions.

3. Entrustment shall be made within 5 working days after the date of identification of grounds therefor. When it is necessary to entrust the enforcement of court rulings on application of provisional urgent measures, the entrustment shall be made right after grounds for entrustment are obtained.

Article 56. Competence to entrust judgment enforcement

1. Provincial-level civil judgment enforcement agencies may entrust the enforcement of the following judgments and rulings:

a/ Entrusting to provincial-level civil judgment enforcement agencies in other localities the enforcement of judgments and rulings on reemployment of laborers or payment of compensations for damage whereby judgment debtors are provincial-level or central state agencies; judgments and rulings involving foreign elements or related to intellectual property rights; awards of commercial arbitrations; or decisions on handling of competition cases of the Council for Handling of Competition Cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Entrusting to district-level civil judgment enforcement agencies the enforcement of other judgments and rulings, except the cases specified at Points a and b of this Clause.

2. District-level civil judgment enforcement agencies may entrust cases falling under their judgment enforcement competence to provincial-level civil judgment enforcement agencies in other localities, military zone-level judgment enforcement agencies or other district-level judgment enforcement agencies with enforcement conditions.

3. Military zone-level judgment enforcement agencies may entrust cases falling under their judgment enforcement competence to other military zone-level judgment enforcement agencies, provincial-level or district-level civil judgment enforcement agencies with enforcement conditions.

Article 57. Entrusting judgment enforcement

1. Before entrusting judgment enforcement, civil judgment enforcement agencies shall complete the handling of assets temporarily held, seized or distrained in localities related to entrusted sums of money. In case heads of civil judgment enforcement agencies have issued judgment enforcement decisions but find it necessary to entrust the enforcement, they shall issue decisions to revoke part or the whole of judgment enforcement decisions and issue decisions to entrust the enforcement to localities with enforcement conditions.

2. Entrusted civil judgment enforcement agencies may not return entrustment decisions to entrusting civil judgment enforcement agencies but shall continue the judgment enforcement under this Law, unless entrustment decisions contain obvious mistakes or errors about competence of agencies entrusted or contents of judgment enforcement.

Within 5 working days after receiving entrustment decisions, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue judgment enforcement decisions and notify in writing the entrusting civil judgment enforcement agencies of the receipt of the entrustment decisions.

Article 58. Preservation of assets for judgment enforcement

1. Assets for judgment enforcement shall be preserved in any of the following forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Preservation by individuals or organizations with preservation conditions;

c/ Preservation in warehouses of civil judgment enforcement agencies.

2. Assets being precious metals, gems, cash or valuable papers shall be preserved at the State Treasury.

3. A written record shall be made of the handover of assets for preservation, clearly indicating kinds and state of assets; time and date of handover; full names of enforcers, involved parties and persons assigned to preserve assets, and witnesses, if any; rights and obligations of persons assigned to preserve assets, and be signed by concerned parties. If any person refuses to sign the written record, the refusal and reason therefor shall be clearly stated in the record.

Persons assigned to preserve assets defined at Point b, Clause 1 of this Article will be paid remuneration and expenses for asset preservation. Asset preservation remuneration and expenses shall be borne by judgment debtors, unless otherwise provided for by law.

4. Written records of handover of assets for preservation shall be handed to involved parties, persons with related rights and obligations, persons assigned to preserve assets or current asset users or preservers, and filed into in judgment enforcement dossiers.

5. Persons assigned to preserve assets who violate asset preservation regulations shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned, disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they shall pay compensations under law.

Article 59. Judgment enforcement upon a change in asset prices at the time of judgment enforcement

In case a party, under a judgment or ruling, receives assets and is obliged to pay to the other party the asset value he/she receives, but at the time of judgment enforcement, the asset value changes and any involved party requests the asset valuation, these assets shall be valuated under Article 98 of this Law for judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Judgment creditors shall pay a civil judgment enforcement fee.

The Government shall specify civil judgment enforcement fee rates, procedures for collection, remittance, management and use of this fee.

Article 61. Conditions on judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances

1. Judgment debtors have no assets for payment of state budget remittances may be considered for exemption from the judgment execution obligation upon the expiration of the following time limits:

a/ Five years after the date of issuance of judgment enforcement decisions regarding court fee amounts subject to no ceiling level;

b/ Ten years after the date of issuance of judgment enforcement decisions regarding state budget remittances valued at less than VND 5,000,000.

2. Judgment debtors who have partially paid state budget remittances but have no assets for judgment enforcement may be considered for exemption from the remaining part of their obligation upon the expiration of the following time limits:

a/ Five years after the date of issuance of judgment enforcement decisions in case the remaining obligation part is valued at less than VND 5,000,000.

b/ Ten years after the date of issuance of judgment enforcement decisions in case the remaining obligation part is valued at less than VND 10,000,000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Five years after the date of issuance of judgment enforcement decisions in case the remaining obligation part is valued at between VND 10,000,000 and 100,000,000.

b/ Ten years after the date of issuance of judgment enforcement decisions in case the remaining obligation part is valued at over VND 100,000,000.

4. The judgment execution obligation exemption or reduction shall be considered regularly but a judgment debtor will be considered for exemption or reduction only once a year. In case a judgment debtor is obliged to pay many state budget remittances under different judgments or rulings, he/she will be considered for judgment execution exemption or reduction for each judgment or ruling only once a year.

Article 62. Dossiers of request for consideration of judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances

Civil judgment enforcement agencies shall compile dossiers to request competent courts to consider judgment execution obligation exemption or reduction. Such a dossier comprises the following:

1. A written request for consideration of judgment execution obligation exemption or reduction, made by the head of the civil judgment enforcement agency or the chairman of the procuracy in case of request for consideration of fine exemption or reduction;

2. The court judgment or ruling or judgment enforcement decision of the civil judgment enforcement agency;

3. A written record of verification of judgment execution conditions of the judgment debtor, made within 3 months before filing the request for exemption or reduction consideration;

4. Other document proving the eligibility of the judgment debtor for consideration of judgment execution obligation exemption or reduction, if any;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 63. Competence and procedures for considering judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances

1. Consideration of judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances falls under the competence of people’s courts of districts, towns or provincial cities, and zone-level military tribunals (below collectively referred to as district-level courts) in localities where civil judgment enforcement agencies organizing the judgment enforcement are located.

2. Within 2 working days after receiving dossiers of request for judgment execution obligation exemption or reduction, courts shall accept these dossiers for handling.

Within 20 days after accepting dossiers, judges assigned to handle cases shall hold a hearing to consider judgment execution obligation exemption or reduction.

3. A hearing to consider judgment execution obligation exemption or reduction shall be chaired by a judge and participated by representatives of the procuracy at the same level and the civil judgment enforcement agency that has requested exemption or reduction consideration.

In considering judgment execution obligation exemption or reduction, the representative of the civil judgment enforcement agency shall briefly present the dossier of request for exemption or reduction consideration, while the representative of the procuracy shall give opinions on the dossier. After examining the dossier and considering opinions of the representatives of the procuracy and the civil judgment enforcement agency, the judge shall issue a ruling on acceptance, partial acceptance or non-acceptance of the request.

4. Within 5 working days after issuing a ruling on judgment execution decision obligation exemption or reduction, the court shall send it to the person eligible for consideration of judgment execution obligation exemption or reduction, the procuracy at the same level, the immediately higher-level procuracy, the civil judgment enforcement agency that has requested consideration of judgment execution obligation exemption or reduction, the custody facility or detention camp where the person eligible for consideration of judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances is serving their imprisonment sentence.

Article 64. Protests against court rulings on judgment execution obligation exemption or reduction regarding state budget remittances

1. A court ruling on judgment execution obligation exemption or reduction may be protested by a procuracy according to appellate procedures. The time limit for a procuracy at the same level or an immediately higher-level procuracy to make a protest is 7 or 15 days, respectively, after receiving the ruling.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 7 days after receiving a procuracy’s protest decision, the court that has issued the ruling on judgment execution obligation exemption or reduction shall transfer the protest and its dossier to its immediately higher-level court.

3. Within 15 days after receiving a protest dossier, the immediately higher-level court shall hold a hearing to consider the protest.

A hearing to consider a protest shall be chaired by a judge and participated by a representative of the procuracy at the same level. When necessary, the court may request the representative of the civil judgment enforcement agency that has compiled the dossier of request for exemption or reduction consideration to attend the hearing. The judge chairing the hearing shall issue a ruling on protest settlement.

Court rulings on settlement of protests against judgment execution obligation exemption or reduction shall be enforced.

4. In case the procuracy withdraws its protest decision before or during the hearing to consider the protest, the court shall rule on cessation of the protest consideration. The protested court ruling on judgment execution obligation exemption or reduction shall be enforced.

5. After the ruling on judgment execution obligation exemption or reduction takes effect, if the judgment debtor is detected to have hidden or dispersed assets for requesting judgment execution obligation exemption or reduction or shirking judgment enforcement, the civil judgment enforcement agency and the procuracy that has requested exemption or reduction consideration shall request a competent court chief judge or procuracy chairman under the criminal procedure and civil procedure laws to consider filing a protest against the ruling on judgment execution obligation exemption or reduction according to re-opening procedures.

Article 65. Financial assurance of judgment enforcement from the state budget

In case agencies and organizations entirely funded by the state budget and obliged to execute judgments have applied all necessary financial measures but remain unable to enforce judgments, the state budget shall assure the fulfillment of their judgment execution obligation. The material liability of damage-causing parties shall be handled under law.

The Government shall specify the competence, conditions, subjects eligible and procedures for financial assurance of judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



MEASURES TO SECURE AND COERCE JUDGMENT ENFORCEMENT

Section 1. MEASURES TO SECURE JUDGMENT ENFORCEMENT

Article 66. Measures to secure judgment enforcement

1. Enforcers may, at their own will or when requested in writing by involved parties, promptly apply measures to secure judgment enforcement in order to prevent dispersal or destruction of assets or shirking of judgment enforcement. When applying measures to secure judgment enforcement, enforcers are not required to notify such in advance to involved parties.

2. Parties who request enforcers to apply security measures shall be held responsible before law for their requests. In case they make a wrongful request, causing damage to parties subject to security measures or third parties, they shall pay compensations.

3. Measures to secure judgment enforcement include:

a/ Blockading accounts;

b/ Seizing assets and papers;

c/ Suspending registration, transfer or change in the current state of assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Accounts shall be blocked in case of necessity to prevent the dispersal of money on accounts of judgment debtors.

2. To proceed with the blockade of accounts, enforcers shall hand account blockade decisions to agencies or organizations currently managing accounts of judgment debtors.

Agencies and organizations currently managing accounts shall promptly abide by enforcers’ account blockade decisions.

3. Within 5 working days after issuing account blockade decisions, enforcers shall apply coercive measures defined in Article 76 of this Law.

Article 68. Seizure of involved parties’ assets and papers

1. Enforcers who are performing the judgment enforcement task may seize or request concerned agencies, organizations or individuals to assist them in seizing assets and papers, which are currently managed and used by involved parties.

2. A written record of the seizure of assets and papers must be made and signed by enforcers and involved parties. In case involved parties refuse to sign, they must be signed by witnesses. Written records of seizure of assets and papers must be handed to involved parties.

3. Within 15 days after the date of seizing assets and papers, enforcers shall decide to:

a/ Apply measures to coerce the judgment enforcement in case they can determine that the seized assets and papers are possessions of judgment debtors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69. Suspension of registration or transfer of ownership or right to use or change in the current state of assets

When it is necessary to prevent involved parties from or these parties are detected to have committed acts of, transferring the ownership or right to use, dispersing, destroying or changing the current state of assets, enforcers shall issue decisions to suspend the registration or transfer of ownership or right to use or change in the current state of assets by judgment debtors and send these decisions to concerned agencies, organizations and individuals for suspension of registration or transfer of ownership or right to use or change in the current state of these assets.

Within 15 days after issuing decisions, enforcers shall distrain assets or terminate the suspension of transfer of ownership or right to use or change in the current state of assets.

Section 2. GENERAL PROVISIONS ON COERCIVE JUDGMENT ENFORCEMENT

Article 70. Grounds for coercive judgment enforcement

Grounds for coercive judgment enforcement include:

1. Judgments or rulings;

2. Judgment enforcement decisions;

3. Coercive judgment enforcement decisions, unless judgments or rulings declare the distraint of assets or blockade of accounts and courts rule on application of provisional urgent measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Deduction of money on accounts; recovery and handling of money and valuable papers of judgment debtors.

2. Subtraction of incomes of judgment debtors.

3. Distraint and handling of assets of judgment debtors, including also those held by third parties.

4. Exploitation of assets of judgment debtors.

5. Forcible transfer of objects, property rights and papers.

6. Forcible performance or non-performance of certain jobs by judgment debtors.

Article 72. Coercive judgment enforcement plans

1. Before conducting coercive judgment enforcement, enforcers shall work out plans thereon, except for cases subject to coercive enforcement without delay.

2. A coercive judgment enforcement plan contains the following principal details:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Time and place of coercive enforcement;

c/ Method of coercive enforcement;

d/ Forces to participate in and protect coercive enforcement;

e/ Estimated expenses for coercive enforcement

3. Coercive enforcement plans shall be promptly sent to the procuracies and public security offices at the same level, commune-level People’s Committees in localities where coercive enforcement is conducted or agencies and organizations related to coercive judgment enforcement are located.

4. Based on coercive enforcement plans of civil judgment enforcement agencies, public security offices shall work out enforcement protection plans, and arrange necessary forces and means to maintain order and protect scenes, promptly prevent and handle acts of dispersing assets, obstructing or opposing judgment enforcement, detain opposing persons, and institute criminal cases when seeing signs of crimes.

Article 73. Expenses for coercive judgment enforcement

1. Judgment debtors shall bear the following expenses for coercive judgment enforcement:

a/ Expense for notification of coercive judgment enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Expense for asset valuation, assessment and auction; expense for asset revaluation, except for the cases specified at Point a, Clause 2 and Point a, Clause 3, of this Article;

d/ Expense for rent, safekeeping and preservation of assets; expense for loading, unloading and transportation of assets; expense for employment of workers for and cost of building partitions or dismantlement; expense for hired measurement and placement of landmarks for coercive judgment enforcement;

e/ Expense for seizure of assets and papers;

f/ Payment for persons directly participating in and protecting coercive judgment enforcement.

2. Judgment creditors shall bear the following expenses for coercive judgment enforcement:

a/ Expense for verification under Clause 1, Article 44 of this Law; expense for asset revaluation upon their request, except for revaluation due to violations of valuation regulations;

b/ Part or the whole of expense for building partitions or dismantlement in case judgments or rulings require judgment creditors to bear this expense.

3. The state budget shall pay expenses for coercive judgment enforcement in the following cases:

a/ Expense for revaluation of assets due to violations of valuation regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Other necessary expenses under the Government’s regulations;

d/ Involved parties are entitled to exemption or reduction of expenses for coercive judgment enforcement under law.

4. Enforcers shall estimate expenses for coercive enforcement and notify them to judgment debtors at least 3 working days before the planned date of coercive enforcement, except for the case of coercive enforcement without delay. Expenses for coercive judgment enforcement are advanced by the state budget.

5. Expenses for coercive judgment enforcement shall be paid according to actually and reasonably paid amounts which are approved by heads of civil judgment enforcement agencies at the proposal of enforcers.

Heads of civil judgment enforcement agencies organizing judgment enforcement shall consider exemption from or reduction of expenses for coercive judgment enforcement.

6. Expenses for coercive judgment enforcement shall be paid by involved parties or deducted from collected sums of money or proceeds from the auction of distrained assets, including those held by third parties. After handling assets or collecting money, enforcers shall carry out procedures for promptly refunding paid advances.

7. The Government shall specify levels of remuneration for persons directly participating in and protecting coercive judgment enforcement and protection thereof; procedures for collection, remittance, exemption from and reduction of expenses for coercive judgment enforcement.

Article 74. Coercive enforcement regarding assets under common ownership

1. Before conducting coercive enforcement regarding assets, including land use rights, under common ownership of judgment debtors and other persons, enforcers shall notify co-owners of the coercive enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For common assets of husband and wife, enforcers shall identify their ownership proportions under the marriage and family law and notify them thereof. In case a spouse does not agree with the identification, he/she may, within 30 days after his/her ownership proportion is identified by the enforcer, institute a lawsuit to request a court to divide common assets. Past the above time limit, if involved parties do not institute a lawsuit, enforcers shall handle assets and pay to spouses of judgment debtors the value of asset proportions under their ownership.

2. Distrained assets under common ownership of which ownership proportions of co-owners have been identified shall be handled as follows:

a/ For dividable common assets, the enforcer shall apply coercive measures regarding the asset proportion owned by the judgment debtor;

b/ For undividable common assets or in case the division will considerably reduce the asset value, the enforcer may apply coercive measures regarding the whole asset and pay to other co-owners the value of asset proportions under their ownership.

3. Upon the sale of common assets, co-owners have the preemptive right to buy them.

Article 75. Handling of disputed assets upon coercive enforcement

In case of coercive enforcement regarding assets of a judgment debtor over which a dispute arises between the judgment debtor and another person, the enforcer shall continue with coercive enforcement and request involved and disputing parties to institute a court lawsuit or request a competent agency to settle the dispute. Enforcers shall handle distrained assets under court rulings or decisions of competent agencies.

Within 30 days after being requested by the enforcer, if involved and disputing parties do not institute a lawsuit or request a competent agency to settle the dispute, assets shall be handled for judgment enforcement under this Law.

Section 3. COERCIVE ENFORCEMENT REGARDING ASSETS BEING SUMS OF MONEY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Enforcers shall issue decisions on deduction of money from accounts of judgment debtors. Deducted sums of money must not exceed the judgment execution obligation and coercive enforcement expenses.

2. Right after receiving decisions on deduction of money from accounts of judgment debtors, agencies or organizations currently managing these accounts shall make deductions for transfer into accounts of civil judgment enforcement agencies or to judgment creditors under deduction decisions.

Article 77. Termination of account blockade

1. The account blockade shall be terminated in the following cases:

a/ Judgment debtors have fulfilled their judgment execution obligation;

b/ Concerned agencies or organizations have deducted sums of money from accounts of judgment debtors as requested by enforcers;

c/ There is a decision on judgment enforcement termination under Article 50 of this Law.

2. Enforcers shall issue decisions on termination of account blockade right after obtaining any ground specified in Clause 1 of this Article.

Article 78. Subtraction of incomes of judgment debtors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Subtraction from incomes of judgment debtors shall be made in the following cases:

a/ Under involved parties’ agreement;

b/ Under judgments or rulings which require such subtraction;

c/ Enforcement of judgments on alimony, periodical judgment enforcement, sums of money to be collected in judgment enforcement being small or other assets of judgment debtors being insufficient for judgment enforcement.

3. Enforcers shall issue decisions on subtraction of incomes of judgment debtors. The highest level of subtraction of salary, remuneration, pension and working capacity loss allowance is 30% of total monthly earned income, unless otherwise agreed by involved parties. For other incomes, the subtraction level shall be based on actually earned income amounts of judgment debtors, but must ensure the minimum living standard of these persons and their dependants under law.

4. Agencies, organizations, employers, social insurance agencies where judgment debtors receive their salaries, remunerations, pensions, allowances and other lawful incomes shall comply with the provisions of Clauses 2 and 3 of this Article.

Article 79. Collection of money from business activities of judgment debtors

1. In case judgment debtors have incomes from business activities, enforcers shall issue decisions on collection of money from these persons’ business activities for judgment enforcement.

Upon collection of money, enforcers shall leave minimum sums of money necessary for business activities and daily life of judgment debtors and their families.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 80. Collection of sums of money currently held by judgment debtors

Upon detecting that judgment debtors are holding sums of money and having grounds to believe that these sums of money belong to judgment debtors, enforcers shall issue decisions on collection of money for judgment enforcement. Enforcers shall make written records of money collection and issue receipts to judgment debtors. In case judgment debtors refuse to sign these written records, signatures of witnesses are required.

Article 81. Collection of money of judgment debtors currently held by third parties

Upon detecting that third parties are currently holding sums of money of judgment debtors, enforcers shall issue decisions on collection of these sums of money for judgment enforcement. Third parties currently holding sums of money of judgment debtors are obliged to hand over money to enforcers for judgment enforcement. Enforcers shall make written records of money collection, issue receipts to money-holding third parties and notify such to judgment debtors. In case money-holding third parties refuse to sign written records, signatures of witnesses are required.

Section 4. COERCIVE ENFORCEMENT REGARDING ASSETS BEING VALUABLE PAPERS

Article 82. Seizure of valuable papers

1. Upon detecting that judgment debtors are holding valuable papers or concerned agencies, organizations or individuals are holding valuable papers of judgment debtors, enforcers shall issue decisions on seizure of these papers for judgment enforcement.

2. Judgment debtors holding valuable papers or agencies, organizations or individuals holding valuable papers of judgment debtors shall hand over these papers to civil judgment enforcement agencies under law.

In case judgment debtors holding valuable papers or agencies, organizations or individuals holding valuable papers of judgment debtors fail to hand over these papers to civil judgment enforcement agencies, enforcers shall request competent agencies or organizations to transfer the value of these papers for judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The sale of valuable papers must comply with law.

Section 5. COERCIVE ENFORCEMENT OF ASSETS BEING INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

Article 84. Distraint, use and exploitation of intellectual property rights

1. Enforcers shall issue decisions on distraint of intellectual property rights held by judgment debtors.

In case judgment debtors being intellectual property rights holders license these rights to other agencies, organizations and individuals, these intellectual property rights shall still be distrained.

2. Upon distraint of intellectual property rights of judgment debtors, depending on each object of these intellectual property rights, enforcers shall seize papers related to intellectual property rights of judgment debtors.

3. In order to achieve defense or security objectives or assure people’s life and interests of the State and society specified in the Intellectual Property Law, the State may decide to compel licensing of intellectual property rights by their holders to other agencies, organizations and individuals for use for a definite period. In this case, enforcers may not distrain intellectual property rights of judgment debtors during the period of compelled licensing.

4. Enforcers shall decide to assign intellectual property rights to agencies, organizations and individuals for use or exploitation. These agencies, organizations and individuals shall remit earned sums of money, after subtracting necessary expenses, to civil judgment enforcement agencies for judgment enforcement.

When necessary, enforcers may request specialized or professional intellectual property organizations to collect and manage incomes and profits from the use and exploitation of intellectual property rights of judgment debtors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 85. Valuation of intellectual property rights

1. Intellectual property rights shall be valuated under Articles 98 and 99 of this Law and the law on intellectual property.

2. The Government shall specify the order, procedures, methods and competence for valuation of intellectual property rights.

Article 86. Auction of intellectual property rights

1. Intellectual property rights shall be auctioned under the law on asset auction and the law on intellectual property.

2. The Government shall specify the order, procedures, methods and competence for auction of intellectual property rights.

Section 6. COERCIVE ENFORCEMENT REGARDING ASSETS BEING OBJECTS

Article 87. Assets which must not be distrained

1. Assets banned from circulation under law; assets used in service of defense, security and public interests; assets allocated from the state budget to agencies and organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Quantities of food to meet essential needs of judgment debtors and their families during the period they have no new incomes or yields;

b/ Quantities of medicines needed for disease prevention and treatment for judgment debtors and their families;

c/ Necessary tools of disabled people and tools used for taking care of sick people;

d/ Ordinary worshipping objects according to local customs;

e/ Essential working tools of small value and used as major or sole means of living of judgment debtors and their families;

f/ Utensils necessary for the daily life of judgment debtors and their families.

3. The following assets of judgment debtors being enterprises, cooperatives or production, business or service establishments:

a/ Quantities of medicines needed for disease prevention and treatment for employees; food, foodstuff, tools and other assets used for serving meals for employees;

b/ Kindergartens, schools, medical establishments and other equipment, means and assets owned by these establishments and used for non-commercial purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 88. Distraint

1. At least 3 working days before distraining assets being real estate, enforcers shall notify the representative of the commune administration or the street population quarter where the coercive enforcement is to be conducted, involved parties and persons with related interests and obligations of the time and place of distraint and to-be-distrained assets, unless it is necessary to prevent involved parties from dispersing or destroying assets or shirking judgment enforcement.

In case involved parties are absent, they may authorize other persons to exercise their rights and perform their obligations. In case involved parties or their authorized persons are absent after being duly notified, enforcers shall still conduct the distraint, invite witnesses and clearly state such in written records of distraint. In case it is impossible to invite witnesses, enforcers shall still conduct the distraint and clearly state such in written records of distraint.

Upon distraint of objects, houses and architectural works, if judgment debtors or persons currently managing or using these assets are absent and when necessary to unpack or unlock these assets, enforcers shall comply with Article 93 of this Law.

2. Asset distraint must be recorded in writing. A written record of distraint must clearly state the time and date of distraint, full names of the enforcer, involved parties or their authorized persons, record maker, witness(es) and persons related to distrained assets, and distraint proceedings; and describe the state of each asset, requests of involved parties and opinions of witnesses.

Written records of distraint must be signed by involved parties or their authorized persons, witnesses, representatives of commune-level administrations or street population quarters where the coercive enforcement is organized, enforcers and record makers.

Article 89. Distraint of assets being land use rights or subject to compulsory ownership or security transaction registration

1. Before distraining assets being land use rights or subject to compulsory ownership or security transaction registration under law, enforcers shall request registration offices to supply information on assets or registered transactions.

2. After the distraint, enforcers shall notify in writing registration offices of the asset distraint for handling under Clause 1, Article 178 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In case judgment debtors have no more assets or have assets insufficient for judgment enforcement, enforcers may distrain and handle assets of judgment debtors currently in pledges or mortgages if the value of these assets is larger than the secured obligation and expenses for judgment enforcement.

2. Upon distraint of assets in pledges or mortgages, enforcers shall promptly notify such to pledgees or mortgagees. Upon handling of distrained assets, pledgees or mortgagees will be among the first to get paid under Clause 3, Article 47 of this Law.

Article 91. Distraint of assets of judgment debtors currently held by third parties

Upon detecting that third parties are currently holding assets of judgment debtors, including assets identified under other judgments or rulings, enforcers shall issue decisions on distraint of these assets for judgment enforcement. In case third parties fail to voluntarily hand over these assets, enforcers shall compel the handover thereof for judgment enforcement.

In case distrained assets are currently leased, lessees may continue the lease under signed contracts.

Article 92. Distraint of contributed capital

1. Enforcers shall request individuals, agencies and organizations to whom/which judgment debtors have contributed capital to supply information on judgment debtors’ capital contributions for distraint. When necessary, enforcers may request competent agencies to identify capital contributions of judgment debtors; or invite professional organizations or individuals to identify the value of capital contributions of judgment debtors for coercive judgment enforcement.

2. Involved parties may request courts to identify capital contributions of judgment debtors.

Article 93. Distraint of locked or packed objects

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When necessary, enforcers shall seal up objects after they are unlocked or unpacked and assign them to others for preservation under Article 58 of this Law.

A written record of the unlocking, unpacking or sealing up must be made and signed by involved persons and witnesses.

Article 94. Distraint of assets attached to land

Upon distraint of assets being construction works attached to land, enforcers shall also distraint land use rights, unless land use rights must not be distrained under law or the separation of distrained assets from land does not considerably reduce the value of these assets.

Article 95. Distraint of houses

1. The distraint of a house being the sole residence of a judgment debtor and his/her family may be conducted only after this person has been determined to have no other assets or have assets which are insufficient for judgment enforcement, unless the judgment debtor agrees to have his/her house distrained for judgment enforcement.

2. Upon distraint of a house, enforcers shall also distrain land use rights attached to the house. For a house attached to land under land use rights of another person, enforcers may distrain the house and land use rights for judgment enforcement only when the land use rights holder so agree. If the land use rights holder disagrees with the distraint, only the house of the judgment debtor may be distrained, provided the separation of the house from land does not considerably reduce the value of the house.

3. Upon distraint of a house of a judgment debtor which is currently leased or lent to others for dwelling, enforcers shall promptly notify current lessees or dwellers of the distraint.

In case distrained assets being leased houses or stores are auctioned when the lease or permitted dwelling duration remains valid, lessees may continue to lease or dwell in these houses under the Civil Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 96. Distraint of vehicles

1. Upon distraint of vehicles of judgment debtors, enforcers shall request judgment debtors or current managers or users of these vehicles to hand their registration certificates, if any.

2. For vehicles currently in use or operation, after the distraint thereof enforcers may seize or assign these vehicles to judgment debtors or their current managers or users for further use, operation and preservation without transfer, pledge or mortgage.

In case of assignment of vehicles to judgment debtors or their current managers or users for further use, operation, enforcers shall issue to these persons written records of the seizure of their registration certificates as permission for these vehicles to join traffic.

3. Enforcers may request competent agencies to prohibit the transfer, pledge, mortgage or lease of, or restrict traffic by, distrained vehicles.

4. The distraint of aircraft and seagoing ships for judgment enforcement must comply with the law on arrest of aircraft and seagoing ships.

Article 97. Distraint of yields

In case judgment debtors have assets which bring about yields, enforcers shall distraint these yields to assure judgment enforcement. For yields being food and foodstuff, upon the distraint thereof enforcers shall leave a portion sufficient for judgment debtors and their families to live on under Point a, Clause 2, Article 87 of this Law.

Article 98. Valuation of distrained assets

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 5 working days after the date of asset distraint, enforcers shall sign service contracts with valuation organizations in provinces or centrally run cities where distrained assets exist in the following cases:

a/ Involved parties cannot reach agreement on prices of assets and selection of valuation organizations;

b/ Valuation organizations selected by involved parties refuse to sign service contracts;

c/ Part of judgments or rulings specified in Clause 1, Article 36 of this Law is enforced.

3. Enforcers may valuate assets in the following cases:

a/ No service contract specified in Clause 2 of this Article can be signed;

b/ Distrained assets are raw, perishable or of small value, the prices of which cannot be agreed upon by involved parties. The Government shall specify assets of small value.

Article 99. Revaluation of distrained assets

1. Distrained assets shall be revaluated in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Involved parties request revaluation before public notification of asset auction.

2. Distrained assets shall be revaluated under Clauses 2 and 3, Article 98 of this Law.

Article 100. Handover of assets for judgment enforcement

1. In case involved parties reach agreement to let judgment creditors receive assets distrained for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement, enforcers shall make written records of such agreement.

In case of more than one judgment creditor, the asset recipient shall obtain the consent of other judgment creditors and pay to the latter sums of money in proportion to the values they are entitled to.

2. The handover of assets for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement shall be conducted within 5 working days after the agreement thereon is reached.

Article 101. Sale of distrained assets

1. Distrained assets shall be sold by the following modes:

a/ Auction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Distrained assets being movables valued at more than VND 10,000,000 and real estate shall be auctioned by auctioneering organizations.

Involved parties may reach agreement on auctioneering organizations within 5 working days after the date of valuation. Enforcers shall sign asset auction service contracts with auctioneering organizations selected by involved parties. In case involved parties cannot reach agreement on auctioneering organizations, enforcers shall select these organizations for signing asset auction service contracts.

Asset auction service contracts shall be signed within 10 days after the date of asset valuation.

An auction shall be conducted within 30 days, for movables, and 45 days, for real estate, from the date of contract signing.

3. Enforcers may auction distrained assets in the following cases:

a/ In provinces or centrally run cities where assets exist but no auctioneering organization is available or auctioneering organizations refuse to sign asset auction service contracts;

b/ Movables are valued at between VND 2,000,000 and 10,000,000.

An auction shall be conducted within 30 days, for movables, and 45 days, for real estate, after the date of asset valuation or receipt of written refusals of auctioneering organizations.

4. Enforcers may sell without holding an auction assets valued at under VND 2,000,000 or raw or perishable assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. One working day before an auction is opened, judgment debtors may receive back assets if they have fully paid judgment enforcement expenses and other actual and reasonable expenses for coercive judgment enforcement and organization of an auction.

Judgment debtors shall refund actual and reasonable expenses to parties registering to purchase assets. Expense levels shall be agreed by involved parties. If no agreement can be reached, involved parties shall request courts to rule on expense levels.

6. Auction procedures must comply with the law on asset auction.

Article 102. Cancellation of asset auction results

1. Involved parties and enforcers may institute lawsuits to request courts to settle disputes on asset auction results.

2. In case asset auction results are cancelled under court judgments or rulings, the handling of assets for judgment enforcement must comply with this Law.

3. The remedy of consequences and payment of compensations for damage caused by the cancellation of asset auction results must comply with law.

Article 103. Handover of auctioned assets

If judgment debtors or current managers or users of auctioned assets fail to hand over auctioned assets to purchasers, coercive handover of assets shall be carried out under Articles 114, 115, 116 and 117 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within 10 days after the date of unsuccessful auction, if involved parties do not request revaluation, enforcers shall issue decisions on reduction of asset prices for further auction. Each price reduction must not exceed ten per cent of the reserve price.

In case reduced asset prices are lower than enforcement expenses but judgment creditors refuse to receive assets for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement, these assets shall be returned to judgment debtors.

Article 105. Release of distrained assets

1. Distrained assets shall be released in the following cases:

a/ Involved parties reach agreement on release of distrained assets without affecting the rights and legitimate interests of a third party;

b/ Involved parties have fulfilled the judgment execution obligation and fully paid judgment enforcement expenses under this Law;

c/ There is a competent person’s decision to cancel the asset distraint decision;

d/ There is a judgment enforcement termination decision under Article 50 of this Law.

2. Enforcers shall issue decisions on release and return of distrained assets to judgment debtors within 5 working days after obtaining a ground specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Purchasers of assets involved in judgment enforcement and recipients of assets for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement have their ownership and use rights to these assets.

2. Competent state agencies shall carry out procedures for registration and transfer of asset ownership or use rights to purchasers or recipients of assets for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement. Civil judgment enforcement agencies shall supply all documents and papers specified in Clause 3 of this Article to purchasers and recipients of assets involved in judgment enforcement.

3. A dossier for registration of ownership or use right transfer comprises:

a/ A written request of the civil judgment enforcement agency;

b/ A copy of the judgment or ruling;

c/ The judgment enforcement decision and asset distraint decision;

d/ A written record of the successful auction or of the asset handover and receipt for judgment enforcement;

e/ Other asset-related deeds, if any.

4. For assets being land use rights without certificates or with their certificates irrecoverable, competent agencies shall grant land use rights certificates under the land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Newly granted certificates will replace irrecoverable certificates.

Section 7. COERCIVE EXPLOITATION OF ASSETS

Article 107. Coercive exploitation of assets for judgment enforcement

1. Enforcers may coerce the exploitation of assets of judgment debtors in the following cases:

a/ The value of assets of judgment debtors is much larger than the judgment execution obligation and these assets can be exploited for judgment enforcement;

b/ Judgment creditors agree with coercive exploitation of assets for judgment enforcement, provided the exploitation of assets does not affect the rights and legitimate interests of third parties

2. Enforcers shall issue decisions on coercive exploitation of assets. Such a decision must clearly state the form of exploitation; sum of money, and time limit, time, place and mode of remittance of money to the civil judgment enforcement agency for judgment enforcement.

Decisions on coercive exploitation of assets shall be promptly sent to agencies competent to manage or register these assets and commune-level People’s Committees in localities where these assets exist.

Transactions over and transfer of ownership of exploited assets are subject to approval of enforcers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Assets of judgment debtors may be coercively exploited for judgment enforcement in the following forms:

1. Assets which are being exploited by judgment debtors themselves or by other parties with the permission of judgment debtors may be further exploited by current exploiters.

For unexploited assets, including land use rights, enforcers shall request judgment debtors to sign asset exploitation contracts with organizations or individuals wishing to exploit these assets.

2. Exploiters of assets specified in Clause 1 of this Article shall remit proceeds from the asset exploitation to civil judgment enforcement agencies after subtracting necessary expenses.

3. Within 30 days after being requested, if judgment debtors fail to sign asset exploitation contracts with other parties, enforcers shall distraint and handle assets for judgment enforcement.

Article 109. Termination of coercive exploitation of assets

1. Enforcers may issue decisions on termination of coercive exploitation of assets in the following cases:

a/ The exploitation of assets is ineffective or impedes the judgment enforcement;

b/ Judgment debtors and asset exploiters fail to properly comply with enforcers’ requests for asset exploitation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ There is a decision on judgment enforcement termination.

2. In case the coercive exploitation of assets is terminated under Points a and b, Clause 1 of this Article, enforcers shall continue to distrain and handle these assets for judgment enforcement.

In case the coercive exploitation of assets is terminated under Points c and d, Clause 1 of this Article, enforcers shall, within 5 working days after the date of decision issuance, issue decisions on release and return of these assets to judgment debtors.

Section 8. COERCIVE ENFORCEMENT REGARDING ASSETS BEING LAND USE RIGHTS

Article 110. Land use rights which can be distrained or auctioned for judgment enforcement

1. Enforcers shall distrain land use rights of judgment debtors in case land use rights transfer is allowed under the land law.

2. Judgment debtors who have no land use right certificates and are eligible for the grant of land use right certificates under the land law or subject to land recovery under planning but having not yet received land recovery decisions shall still have their land use rights distrained and handled.

Article 111. Distraint of land use rights

1. Upon distraint of land use rights, enforcers shall request judgment debtors or current managers of land use rights-related papers to supply these papers to civil judgment enforcement agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case land of judgment debtors has assets attached to it and these assets are owned by other persons, enforcers may distrain only land use rights and notify the distraint to persons owning these assets.

3. A written record the distraint of land use rights must be made, clearly indicating locations, areas and boundaries of distrained land plots, and be signed by distraint participants.

Article 112. Temporary assignment of distrained land areas for management, exploitation or use

1. In case distrained land areas are currently managed, exploited or used by judgment debtors, enforcers shall temporarily assign these land areas to these debtors.

In case distrained land areas are currently managed, exploited or used by other organizations or individuals, these land areas shall be temporarily assigned to these organizations or individuals.

2. In case judgment debtors or organizations or individuals defined in Clause 1 of this Article refuse to receive distrained land areas, enforcers may temporarily assign these areas to other organizations or individuals for management, exploitation or use. In case no organization or individual receives distrained land areas, civil judgment enforcement agencies shall promptly valuate and auction these land areas under law.

3. A written record of the temporary assignment of distrained land for management, exploitation or use, must be made, clearly indicating:

a/ The area, category and location of land, land plot number and map number;

b/ The actual state of land use;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Specific rights and obligations of persons who are temporarily assigned land for management, exploitation or use.

4. In the duration of temporary assignment of distrained land for management, exploitation or use, temporary assignees may not convert the land use purpose, transfer, lease, sub-lease, donate, bequeath, mortgage or contribute land use rights; may neither alter the actual state of land use nor use land for improper purposes.

Article 113. Handling of assets attached to distrained land

1. In case assets attached to distrained land are owned by other persons, these assets shall be handled as follows:

a/ For assets formed before judgment debtors receive judgment enforcement decisions, enforcers shall request asset owners to voluntarily move their assets and return land use rights to judgment debtors. In case asset owners fail to voluntarily move their assets, enforcers shall guide asset owners and judgment debtors to reach agreement in writing on an asset handling method. Within 15 days after the guidance is provided, if these parties still fail to reach agreement, enforcers shall handle these assets together with land use rights in order to assure rights and legitimate interests of judgment debtors and owners of assets attached to land.

In case asset owners are land lessees or recipients of land use rights contributed as capital by judgment debtors without forming new legal entities, asset owners may continue signing land lease contracts or contracts on contribution of land use rights as capital with auction winners or recipients of land use rights for the remaining term of contracts they have signed with judgment debtors. In this case, before handling land use rights, enforcers shall notify bidders and persons requested to receive land use rights of the right of owners of assets attached to land to proceed with the signing of contracts;

b/ For assets formed after judgment debtors receive judgment enforcement decisions, enforcers shall request asset owners to voluntarily move their assets to return land use rights to judgment debtors. If 15 days after being requested, asset owners still fail to move their assets or their assets are immovable, enforcers shall handle these assets together with land use rights.

For assets formed after distraint, if asset owners fail to move their assets or their assets are immovable, these assets shall be dismantled. Enforcers shall organize the dismantlement, unless land use right recipients or land use right auction winners agree to purchase these assets;

c/ Owners of assets attached to land of judgment debtors may be refunded proceeds from the sale of assets or receive back assets in case these assets have been dismantled but shall bear distraint, valuation, auction and dismantlement expenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. For assets being short-term plants and animals not yet harvested or assets in an uncompleted closed production cycle, enforcers shall, after the distraint, handle these assets when the harvesting season sets in or the closed production cycle is completed.

Section 9. COERCIVE RETURN OF OBJECTS AND PAPERS AND COERCIVE TRANSFER OF LAND USE RIGHTS

Article 114. Procedures for coercive return of objects

1. For specific objects, the coercive return shall be conducted as follows:

a/ Enforcers shall request judgment debtors or current managers or users of these objects to return them to judgment creditors. If these persons fail to do so, enforcers shall seize and return these objects to judgment creditors;

b/ In case the value of objects has decreased and judgment creditors refuse to receive them back, enforcers shall guide involved parties in reaching agreement on judgment enforcement. The judgment enforcement shall be conducted according to the agreement.

In case involved parties cannot reach agreement, enforcers shall coerce the return of objects to judgment creditors. Involved parties may institute lawsuits to request courts to settle the damage caused by the decreased value of returned objects;

c/ In case objects no longer exist or are irreparably damaged and involved parties otherwise agree on judgment enforcement, enforcers shall conduct judgment enforcement according to the agreement.

In case involved parties cannot reach agreement, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions to return written requests for judgment enforcement. Involved parties may institute lawsuits to request courts to settle the damage caused by the non-existence or irreparable damage of returnable objects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case returnable objects no longer exist or are damaged or devalued, enforcers shall request judgment debtors to return fungible objects or pay the value of fungible objects, unless otherwise agreed by involved parties.

3. In case judgment debtors or current managers or users of returnable objects are likely to disperse or destroy these objects, enforcers may promptly apply measures to secure judgment enforcement specified in Article 68 of this Law.

Article 115. Coercive return or handover of houses

1. In case judgment debtors are obliged to return houses, enforcers shall compel judgment debtors and other persons present in these houses to get out, and at the same time request them to move by themselves their assets out of these houses. If these persons fail to voluntarily abide by enforcers’ requests, enforcers shall request coercion forces to move them and their assets out of these houses.

In case owners refuse to receive their assets, enforcers shall make written records clearly stating the quantity, category and state of each kind of asset, and assign assets to organizations or individuals having conditions to preserve, or preserve these assets in warehouses of civil judgment enforcement agencies and notify the place and time to their owners for receiving them back.

2. In case judgment debtors are intentionally absent though they have been notified of coercion decisions, enforcers shall conduct the coercion under Clause 1 of this Article.

3. Upon the expiration of a time limit of 3 months from the date of notification specified in Clause 1 of this Article, if owners of preserved assets do not show up to receive, these assets shall be handled under Clause 2, Article 126 of this Law, unless these owners have plausible reasons.

4. The coercive return of construction works or architectural objects under judgments or rulings shall be conducted under Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

5. In case of coercive handover of a house being the sole residence of a judgment debtor to a person who has purchased it through auction, if finding that the judgment debtor, after fulfilling judgment execution obligations, becomes unable to rent or to build a new home, the enforcer shall, before carrying out procedures for paying to the judgment creditor, retain a sum of money from the house sale proceeds for the judgment debtor to rent a home for one year at the average rent rate in the locality. The remaining judgment execution obligation shall be performed under this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Enforcers shall issue decisions on coercive return of papers by judgment debtors to judgment creditors. In case judgment debtors fail to return papers, enforcers shall force them to do so for judgment enforcement.

In case returnable papers are identified to be held by third parties, enforcers shall request these parties to hand over papers they are holding. If third parties fail to voluntarily hand over papers, enforcers shall force them to do so for judgment enforcement.

2. For irrecoverable papers which can be reissued, enforcers shall request competent agencies or organizations to issue decisions on revocation of these papers and issue new ones to judgment creditors.

For irrecoverable papers which cannot be reissued, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on return of written requests for judgment enforcement and guide involved parties in instituting lawsuits to request courts to settle the case.

Article 117. Coercive transfer of land use rights

1. In case judgments or rulings declare the obligation to transfer land use rights, enforcers shall organize the transfer of land areas subject to these land use rights to judgment creditors.

Land areas shall be handed over in the presence of representatives of land state management agencies of the same level and commune-level People’s Committees in localities where transferred land areas exist.

2. Assets attached to transferred land shall be handled according to the following provisions:

a/ In case they are formed after the judgments or rulings take legal effect, enforcers shall request owners of these assets to dismantle these assets or move them out of land areas to be transferred to judgment creditors. If asset owners fail to do so, enforcers shall coerce the dismantlement or movement of assets, unless otherwise agreed by involved parties. Expenses for coercion shall be borne by asset owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Upon the expiration of the notified time limit, if asset owners do not come to receive their assets, these assets shall be handled under Article 126 of this Law;

b/ In case assets attached to land are formed before first-instance judgments or rulings are made, but enforced judgments or rulings do not clearly declare the handling of these assets, civil judgment enforcement agencies shall request courts that have made such judgments or rulings to clearly explain the handling of these assets or request competent courts to review these judgments or rulings according to cassation or re-opening procedures.

3. The coercive transfer of land use rights to auction-winners or recipients for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement must comply with Clause 2 of this Article.

Section 10. COERCIVE PERFORMANCE OF THE OBLIGATION TO DO OR NOT TO DO CERTAIN JOBS

Article 118. Coercive performance of the obligation to do certain jobs

1. In case judgment debtors are obliged to do certain jobs under judgments or rulings but they fail to do so, enforcers shall decide to impose fines and set a time limit of 5 working days after the date of issuance of fine decisions for these judgment debtors to perform obligation.

2. Upon the expiration of the set time limit, if judgment debtors still fail to perform their obligation, enforcers shall:

a/ In case these jobs can be assigned to others to perform on judgment debtors’ behalf, assign the jobs to persons having conditions to perform. Expenses for job performance shall be borne by judgment debtors;

b/ In case these jobs must be performed by judgment debtors themselves, request competent agencies to examine judgment debtors, penal liability for the crime of failure to execute judgments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Enforcers shall decide to impose fines on judgment debtors who fail to voluntarily terminate the performance of jobs which must not be performed under judgments or rulings. When necessary, enforcers may request these judgment debtors to restore the original state. In case these judgment debtors still fail to terminate the performance of these jobs or to restore the original state, enforcers shall request competent agencies to examine their penal liability for the crime of failure to execute judgments.

Article 120. Coercive consignment of minors to assigned fosterers under judgments or rulings

1. Enforcers shall issue decisions on coercive consignment of minors to assigned fosterers under judgments or rulings. Before coercing the consignment of minors to assigned fosterers, enforcers shall collaborate with local administrations and socio-political organizations in localities in persuading involved parties to voluntarily execute judgments.

2. In case judgment debtors or current guardians of minors refuse to consign these minors to assigned fosterers, enforcers shall issue decisions to impose fines and set a time limit of 5 working days after the date of issuance of these decisions for these persons to consign minors to assigned fosterers. Upon the expiration of the set time limit, if these persons still fail to do so, enforcers shall coerce the consignment of minors or request competent agencies to examine their penal liability for the crime of failure to execute judgments.

Article 121. Coercive reemployment of laborers

1. In case employers refuse to reemploy laborers under judgments or rulings, enforcers shall issue decisions to impose fines on individual employers or heads of employing agencies or organizations, and at the same time set a time limit of 10 days after the date of issuance of these decisions for employers to reemploy laborers. Upon the expiration of the set time limit, if employers still fail to do so, enforcers shall request competent agencies to discipline them or examine their penal liability for the crime of failure to execute judgments.

2. In case employers cannot arrange reemployed laborers back to jobs under judgments or rulings, they shall arrange them to do other jobs with the same salary under the labor law.

In case reemployed laborers do not accept new jobs and request their employers to pay them amounts they are entitled to under the labor law, employers shall do so in order to terminate the judgment execution obligation.

3. Employers shall pay to laborers salary amounts during the period they cannot arrange these laborers to jobs under judgments or rulings, counting from the date written requests for judgment enforcement are made to the date laborers are reemployed or receive amounts they are entitled to under Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



JUDGMENT ENFORCEMENT IN SOME SPECIFIC CASES

Section 1. CONFISCATION INTO THE STATE BUDGET; DESTRUCTION OF ASSETS; REFUND OF SUMS OF MONEY OR RETURN OF ASSETS WHICH ARE DISTRAINED OR SEIZED UNDER CRIMINAL JUDGMENTS OR RULINGS

Article 122. Handover of seized material evidence or assets together with judgments or rulings

1. Seized material evidence and assets under criminal judgments or rulings to serve the adjudication which not yet been handed over to civil judgment enforcement agencies in the process of prosecution and adjudication under the Criminal Procedure Code shall be transferred to civil judgment enforcement agencies at the time courts hand over judgments or rulings.

2. The handover and receipt of seized material evidence and assets shall be conducted at warehouses of civil judgment enforcement agencies. Handing parties shall transport these material evidence and assets to warehouses of civil judgment enforcement agencies.

For seized material evidence and assets which cannot be transported or moved to warehouses of civil judgment enforcement agencies for preservation, places for their handover and receipt are places where these material evidence and assets are currently consigned or kept or exist.

3. The receipt of assets shall be attended by heads of civil judgment enforcement agencies or their authorized persons, warehouse keepers and accountants of these agencies.

Article 123. Procedures for receipt of seized material evidence and assets

The receipt of seized material evidence and assets shall be conducted according to the following procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Written records of handover and receipt of seized material evidence and assets must be signed by representatives and appended the seals of handing and receiving agencies, if any.

2. In case seized material evidence and assets are handed over in the form of sealed packages, civil judgment enforcement agencies shall receive them only when obtaining results of verification of the quantity, category and quality of each kind of material evidence or asset in sealed packages from competent agencies seized. For seized material evidence and assets being narcotics, civil judgment enforcement agencies shall receive them only in the form of packages enclosed with verification results of competent agencies.

Upon handover and receipt, written records thereof must be made, clearly stating the conditions of the sealed material evidence and assets, and signed by handing and receiving parties. In case seals are broken or show abnormal signs, civil judgment enforcement agencies shall receive the sealed material evidence and assets only when obtaining verification results of competent agencies.

Article 124. Handling of seized material evidence and assets which are pronounced to be confiscated into the state budget

1. For seized material evidence and assets which are pronounced under judgments or rulings to be confiscated into the state budget, civil judgment enforcement agencies shall, within 10 days after the date of issuance of judgment enforcement decisions, notify such in writing and hand over these material evidence and assets to finance agencies at the same level. Assets confiscated into the state budget by military zone-level judgment enforcement agencies shall be handed over to provincial-level finance agencies in localities where military zone-level judgment enforcement agencies are located.

Expenses for handling seized material evidence and assets ruled to be confiscated into the state budget shall be paid by finance agencies receiving these material evidence and assets under law.

2. The handover of seized material evidence and assets shall be accompanied with judgment enforcement decisions, judgments or rulings or their valid copies made by civil judgment enforcement agencies.

3. The handover of seized material evidence and assets shall be attended by heads of civil judgment enforcement agencies or their authorized persons, accountants, warehouse keepers and representatives of finance agencies. The handover and receipt of seized material evidence and assets shall be recorded in writing. Such a written record must specifically describe the current conditions of these material evidence and assets, and be signed by representatives and appended the seals of handing and receiving agencies, if any.

4. In case decisions on confiscation of seized material evidence and assets have been enforced but later detected to be erroneous and cancelled under decisions of competent agencies, civil judgment enforcement agencies shall coordinate with finance agencies at the same level or provincial-level finance agencies in localities where military zone-level judgment enforcement agencies are located in carrying out procedures for refunding sums of money already remitted into the state budget under law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within one month after the date of issuance of judgment enforcement decisions, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions to set up councils for destruction of material evidence and assets subject to destruction under judgments or rulings, unless immediate destruction is required by law.

2. A council for destruction of material evidence and assets is composed of an enforcer as its chairman, a representative of the finance agency at the same level as a member and representatives of professional agencies, when necessary.

3. Procuracies at the same level shall inspect the observance of law in the destruction of material evidence and assets.

Article 126. Return of seized money and assets to involved parties

1. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on return of seized money and assets in case it is pronounced under judgments or rulings that assets must be returned to involved parties.

In case parties are returned sums of money and assets already seized and concurrently obliged to pay money but fail to voluntarily execute judgments, enforcers shall handle these sums of money and assets for judgment enforcement.

2. After decisions on return of seized money and assets are issued, enforcers shall notify involved parties of the time and place for receiving back money and assets.

Past 15 days after the date of notification, if involved parties do not come to receive back sums of money, enforcers shall deposit these sums of money as demand savings at banks and notify involved parties thereof.

Upon the expiration of 3 months after the date of notification, if involved parties do not come to receive back assets without plausible reasons, enforcers shall handle assets under Articles 98, 99 and 101 of this Law and deposit collected sums of money as demand savings at banks and notify involved parties thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on destruction of unsold or irreparably damaged assets and organize the destruction under Article 125 of this Law.

For papers related to assets or the personal status of involved parties, if past one year after the date of notification involved parties do not come to receive back these papers, enforcers shall carry out procedures for transferring these papers to their issuers for handling under regulations.

4. In case returned assets being sums of money in Vietnam dong or foreign currencies are damaged and can no longer be used due to faults of procedural agencies or civil judgment enforcement agencies in the course of preservation and involved parties refuse to receive them back, civil judgment enforcement agencies shall request the State Bank to change them into new banknotes of equivalent par value before returning them to involved parties.

For assets being sums of money in Vietnam dong or foreign currencies which are damaged and can no longer be used not due to faults of procedural agencies or civil judgment enforcement agencies and involved parties refuse to receive them back, civil judgment enforcement agencies shall transfer them to the State Bank for handling under law.

5. The return of advanced court fee amounts under judgments or rulings must comply with Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article.

Article 127. Handling of assets pronounced under judgments or rulings to be distrained for securing judgment enforcement

Enforcers shall handle under Articles 98, 99, 100 and 101 of this Law assets which are pronounced under judgments or rulings to be distrained for security of judgment enforcement in case judgment debtors fail to voluntarily execute judgments.

Article 128. Collection of court fee, fines and other receivables from judgment debtors who are serving imprisonment sentences

1. Superintendents of custody facilities and detention camps where judgment debtors are serving imprisonment sentences shall collect sums of money and assets payable by judgment debtors or their relatives for judgment enforcement and transfer them under law to civil judgment enforcement agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 129. Procedures for returning money and assets to judgment creditors who are serving imprisonment sentences

1. Enforcers shall send notices and decisions on return of money and assets to judgment creditors who are serving imprisonment sentences through superintendents of their custody facilities or detention camps.

In case judgment creditors authorize other persons to receive money and assets, letters of authorization must be certified by superintendents of their custody facilities or detention camps. Enforcers shall return money and assets to authorized persons.

2. In case judgment creditors request and are allowed to receive money and assets at places where they are serving imprisonment sentences under law, enforcers shall send money and assets to these persons through superintendents of their custody facilities or detention camps. Expenses for the sending shall be borne by judgment creditors. Upon handover of money and assets to involved parties, superintendents of custody facilities or detention camps shall make written records thereof and send them to civil judgment enforcement agencies.

3. In case judgment creditors who are serving imprisonment sentences refuse to receive back sums of money and assets and their written refusal is certified by superintendents of their custody facilities or detention camps, enforcers shall handle these sums of money and assets for remittance into the state budget or destruction under this Law.

Section 2. ENFORCEMENT OF RULINGS ON APPLICATION OF PROVISIONAL URGENT MEASURES

Article 130. Procedures for enforcing rulings on application of provisional urgent measures

1. Within 24 hours after receiving judgment enforcement decisions, enforcers shall apply without delay the following security or coercive measures:

a/ Coercive measures specified in Articles 118, 119, 120 and 121 of this Law to secure the enforcement of rulings on banning involved parties from performing or forcing them to perform certain acts; consigning minors to individuals or organizations for care, fostering, nurturing and educating; and suspending enforcement of rulings on dismissal of employees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Coercive measures specified in Article 75 of this Law to secure the application of the provisional urgent measure of distraint of disputed assets.

d/ Security measures specified in Articles 66, 67, 68 and 69 of this Law to secure the enforcement of rulings on prohibiting the transfer of property rights to disputed assets, or change of the current state of disputed assets; blockading accounts at banks or other credit institutions; blockading assets in places where they are consigned for safekeeping or assets of obligors;

e/ Coercive measures specified in Clause 2, Article 71 and Articles 98, 99, 100 and 101 of this Law to secure the enforcement of rulings on permitting the harvest and sale of cash crops or other commodity products.

2. In case judgment debtors reside or have assets in other localities, heads of civil judgment enforcement agencies shall, depending on a case-by-case basis, issue decisions to entrust civil judgment enforcement agencies in localities where these persons reside or have assets to organize the enforcement of rulings on application of provisional urgent measures.

Article 131. Enforcement of rulings on alteration of provisional urgent measures or application of additional ones

1. When receiving court rulings on alteration of provisional urgent measures or application of additional ones, heads of civil judgment enforcement agencies shall promptly issue judgment enforcement decisions, and at the same time revoke judgment enforcement decisions regarding overturned rulings on application of provisional urgent measures.

2. In case overturned rulings on application of provisional urgent measures have been partially or completely enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall notify courts thereof and explain the right to request courts to handle the case to involved parties.

Article 132. Termination of enforcement of rulings on application of provisional urgent measures

1. In case courts rule to quash rulings on application of provisional urgent measures, upon receiving new court rulings, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on termination of enforcement of rulings on application of provisional urgent measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In case rulings on application of provisional urgent measures are quashed by courts but have been partially or completely enforced by civil judgment enforcement agencies, the interests of involved parties shall be settled under Clause 2, Article 131 of this Law.

Article 133. Expenses for enforcement of court rulings on application of provisional urgent measures

1. Expenses for enforcement of court rulings on application of provisional urgent measures shall be advanced by the state budget under Article 73 of this Law.

Persons who have requested courts to make rulings on wrongful application of provisional urgent measures shall pay actual expenses for the enforcement of these rulings. Advances shall be deducted and security assets shall be handled to cover these expenses.

2. In case courts apply provisional urgent measures at their own will, enforcement expenses shall be covered by the state budget.

Section 3. ENFORCEMENT OF CASSATION OR RE-OPENING RULINGS

Article 134. Enforcement of cassation or re-opening rulings upholding legally effective judgments or rulings

In case cassation or re-opening rulings uphold legally effective judgments or rulings which have not yet been enforced or have been partially enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on continued judgment enforcement. In case these judgments or rulings have been completely enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall notify such to courts which have made cassation or re­opening rulings, procuracies at the same level and involved parties.

Article 135. Enforcement of cassation rulings upholding lower-level courts’ lawful judgments or rulings which have been quashed or modified

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For parts of lower-level courts’ judgments or rulings which have not been quashed or modified and not yet been enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on continued judgment enforcement. If these parts have been completely enforced, heads of civil judgment enforcement agencies shall notify such to courts which have made cassation rulings, procuracies at the same level and involved parties.

3. For parts of court judgments or rulings quashing or modifying lower-level courts’ judgments or rulings which have been partially or completely enforced, involved parties may reach agreement on return of assets or restoration of property rights.

In case assets for judgment enforcement being movables subject to compulsory ownership registration or real estate are still in their operational conditions, the return of these assets to their owners shall be coerced.

In case assets have been lawfully transferred to third parties for bona fide possession through auctions or sold to persons who have become, under judgments or decisions of competent state agencies, owners of these assets but then no longer own these assets due to the fact that judgments or rulings are quashed or modified or the state of assets subject to judgment enforcement has been altered, original owners of these assets may not receive back their assets but may have the value of these assets refunded.

In case of claims for damages, agencies that have made judgments or rulings which have been quashed or modified shall settle them under law.

Article 136. Enforcement of cassation or re­opening rulings quashing legally effective judgments or rulings

1. In case cassation or re-opening rulings quash legally effective judgments or rulings and order that first-instance or appellate adjudication must be held again, judgment enforcement shall be conducted under new legally effective first-instance judgments or rulings or new appellate judgments.

2. In case cassation or re-opening rulings quash legally effective judgments or rulings and stop the handling of the cases, and the property part of quashed judgments or rulings has been partially or completely enforced. Clause 3, Article 135 of this Law must be complied with.

Section 4. ENFORCEMENT OF RULINGS ON BANKRUPTCY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.After receiving court notices of acceptance of applications for opening of bankruptcy procedures, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on suspension of assets-related enforcement with judgment debtors being enterprises or cooperatives falling into bankruptcy under Clause 2, Article 49 of this Law.

After issuing decisions on suspension of judgment enforcement, heads of civil judgment enforcement agencies shall notify courts which are settling requests for bankruptcy declaration of results of judgment enforcement for enterprises or cooperatives falling into bankruptcy.

2. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on suspension of assets-related judgment enforcement with judgment debtors being enterprises or cooperatives falling into bankruptcy right after receiving court rulings on opening bankruptcy procedures.

The continued performance of the property obligation by enterprises or cooperatives being judgment debtors in this case must comply with the Bankruptcy Law. Heads of civil judgment enforcement agencies shall direct enforcers in handing over to asset management and liquidation teams judgment enforcement documents related to the continued performance of the property obligation of enterprises or cooperatives falling into bankruptcy.

3. Within 5 working days after making rulings on termination of bankruptcy or business resumption procedures, judges who carry out bankruptcy procedures shall send these rulings enclosed with all dossiers related to judgment enforcement to civil judgment enforcement agencies which have issued decisions on termination of assets-related judgment enforcement with judgment debtors being enterprises or cooperatives falling into bankruptcy.

Within 5 working days after receiving rulings on termination of bankruptcy or business resumption procedures, heads of civil judgment enforcement agencies shall issue decisions on revocation of decisions on termination of judgment enforcement and resume judgment enforcement for the to be-performed part of the property obligation which has been terminated for enterprises or cooperatives, and assign enforcers to organize the enforcement of the case under this Law.

Article 138. Enforcement of court rulings in the course of opening bankruptcy procedures

1. Heads of civil judgment enforcement agencies shall issue no decision on enforcement of rulings made by judges carrying out bankruptcy procedures, including rulings on application of provisional urgent measures, except for cases specified in Article 139 of this Law.

Enforcers and asset management and liquidation teams shall organize enforcement under the rulings of judges carrying out bankruptcy procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 139. Performance of the property obligation of enterprises or cooperatives arising after rulings on bankruptcy declaration are made

In case enterprises or cooperatives have not yet paid debts arising after rulings on bankruptcy declaration are made, creditors with unpaid debts may file requests with courts for settlement. When obtaining court rulings on settlement, involved parties may request civil judgment enforcement agencies to issue judgment enforcement decisions and organize the enforcement under this Law.

Chapter VI.

COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS ABOUT AND PROTESTS AGAINST CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT

Section 1. COMPLAINTS ABOUT CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT AND SETTLEMENT THEREOF

Article 140. The right to complain about judgment enforcement

1. Involved parties and persons with related rights and obligations have the right to complain about decisions or acts of heads of civil judgment enforcement agencies or enforcers if they have grounds to believe that these decisions or acts are illegal or having infringed upon their rights and legitimate interests.

2. Statute of limitations for lodging complaints about decisions or acts of heads of civil judgment enforcement agencies or enforcers are as follows:

a/ Fifteen days after receiving decisions or knowing acts, for judgment enforcement decisions or acts before the application of security or coercive measures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Ten days after receiving decisions on or knowing acts of application of other security measures;

c/ Thirty days after receiving decisions on or knowing acts of application of coercive measures;

d/ Thirty days after receiving decisions or knowing acts after application of coercive measures.

In case due to objective obstacles or force majeure circumstances, complainants cannot exercise the right to lodge complaints within the set time limit, the period when these objective obstacles or force majeure circumstances exist will not be counted into the time limit for lodging complaints.

For further complaints, the statute of limitations is 15 days after receiving competent persons’ complaint settlement decisions.

Article 141. Cases in which complaints are not accepted for settlement

1. Complained decisions or acts are not directly related to rights and legitimate interests of complainants.

2. Complainants do not have the full civil act capacity and lawful representative, unless otherwise provided for by law.

3. Complainants’ representatives have no papers proving their lawful representation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. There have been effective complaint settlement decisions, except for the cases specified at Point b, Clause 4 and Point b, Clause 7, Article 142 of this Law.

Article 142. Competence to settle complaints about judgment enforcement

1. Heads of district-level civil judgment enforcement agencies shall settle complaints about illegal decisions or acts of enforcers managed by their agencies.

2. Heads of provincial-level judgment enforcement agencies shall settle the following complaints:

a/ Complaints about illegal decisions or acts of enforcers managed by their agencies;

b/ Complaints about illegal decisions or acts of heads of district-level civil judgment enforcement agencies;

c/ Complaints about complaint settlement decisions of heads of district-level civil judgment enforcement agencies. Complaint settlement decisions of provincial-level judgment enforcement agencies will be effective for enforcement.

3. The head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry shall settle the following complaints:

a/ Complaints about illegal decisions or acts of heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Justice Minister shall settle the following complaints:

a/ Complaints about complaint settlement decisions of the head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry specified at Point a, Clause 3 of this Article. Complaint settlement decisions of the Justice Minister will be effective for enforcement;

b/ When necessary, the Justice Minister may review complaint settlement decisions which are effective for enforcement specified in Clauses 2 and 3 of this Article.

5. Heads of military zone-level judgment enforcement agencies shall settle complaints about illegal decisions or acts of their enforcers.

6. The head of the judgment enforcement management agency of the Defense Ministry shall settle the following complaints:

a/ Complaints about illegal decisions or acts of heads of military zone-level judgment enforcement agencies;

b/ Complaints about complaint settlement decisions of heads of military zone-level judgment enforcement agencies. Complaint settlement decisions of the head of the judgment enforcement management agency of the Defense Ministry will be effective for enforcement.

7. The Defense Minister shall settle the following complaints:

a/ Complaints about complaint settlement decisions of the head of the judgment enforcement management agency of the Defense Ministry. Complaint settlement decisions of the Defense Minister will be effective for enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 143. Rights and obligations of complainants

1. Complainants have the following rights:

a/To lodge complaints by themselves or through their lawful representatives;

b/ To hire lawyers to provide legal consultancy in the complaining process;

c/ To receive complaint settlement decisions;

d/ To get access to proofs serving as grounds for complaint settlement; to show proofs relevant to complaints and give their opinions on these proofs;

e/ To have their rights and legitimate interests, which have been infringed upon, restored, and enjoy compensations for damage, if any;

f/ To lodge further complaints if disagreeing with first-time complaint settlement decisions of persons with complaint-settling competence;

g/ To withdraw their complaints at any stage of the process of complaint settlement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To lodge their complaints with persons with complaint-settling competence;

b/ To honestly report their cases and supply information and documents to complaint settlers; to be held responsible before law for the reported cases and supplied information and documents;

c/ To strictly abide by effective complaint settlement decisions and decisions of the Justice Minister and the Defense Minister specified at Point b, Clause 4 and Point b, Clause 7, Article 142 of this Law.

Article 144. Rights and obligations of complained persons

1. Complained persons have the following rights:

a/ To get access to grounds on which complainants have lodged complaints; to show proofs of the legality of complained decisions or acts;

b/ To receive complaint settlement decisions.

2. Complained persons have the following obligations:

a/ To explain complained decisions or acts, supply relevant information and documents when so requested by persons with complaint-settling competence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To pay compensations or indemnities and remedy consequences caused by their illegal decisions or acts under law.

Article 145. Rights and obligations of persons with complaint-settling competence

1. Persons with complaint-settling competence have the following rights:

a/ To request complainants, complained persons and persons with related interests and obligations to supply information and documents related to complaints;

b/ To suspend the enforcement of complained decisions or performance of complained acts or request civil judgment enforcement agencies to suspend judgment enforcement during the period of complaint settlement under this Law, if they believe that the judgment enforcement will affect rights and legitimate interests of involved parties or the settlement of complaints.

2. Persons with complaint-settling competence have the following obligations:

a/ To receive and settle complaints about decisions or acts;

b/ To notify in writing the acceptance of complaints for settlement and send complaint settlement decisions to complainants;

c/ To be held responsible before law for their settlement of complaints.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. For decisions or acts specified at Point a, Clause 2, Article 140 of this Law, the time limits for settlement of first-time and second-time complaints are 15 days and 30 days, respectively, from the date of acceptance of complaints.

2. For decisions or acts specified at Point b, Clause 2, Article 140 of this Law, the time limit for settlement of complaints is 5 working days from the date of acceptance of complaints.

3. For decisions or acts specified at Point c, Clause 2, Article 140 of this Law, the time limits for settlement of first-time and second-time complaints are 30 days and 45 days, respectively, from the date of acceptance of complaints.

When necessary, for complicated cases, the time limit for complaint settlement may be prolonged but must not exceed 30 days after the expiration of the original time limit.

4. For decisions or acts specified at Point d, Clause 2, Article 140 of this Law, the time limits for settlement of first-time and second-time complaints are 15 days and 30 days, respectively, from the date of acceptance of complaints.

Article 147. Forms of complaints

Complainants may lodge their complaints in any of the following forms:

1. Sending written complaints to agencies with complaint-settling competence. Such a written complaint must clearly state the date of complaint; full name and address of the complainant; full name and address of the complained person; complaining contents, reason for complaint and request for settlement. Written complaints must be signed or fingerprinted by complainants.

2. Orally presenting complaint contents at agencies with complaint-settling competence. Persons responsible for receiving complaints shall guide complainants in writing down their complaints or record presented complaint contents under Clause 1 of this Article, and have these documents signed or fingerprinted by complainants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 148. Acceptance of complaints

Within 5 working days after receiving complaints falling under their competence and outside the cases specified in Article 141 of this Law, persons with first-time complaint-settling competence shall accept these complaints for settlement and notify in writing complainants of the acceptance. In case they refuse to accept complaints for settlement, they shall notify and clearly state reasons for the refusal to complainants.

Article 149. Complaint settlement dossiers

1. Complaint settlement must be recorded in dossiers. A complaint settlement dossier comprises:

a/ A written complaint or a written record of complaint contents;

b/ A written explanation of the complained person;

c/ Written records of verification, inspection, conclusion and results of assessment;

d/ Complaint settlement decision;

e/ Other relevant documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 150. Order of settlement of first-time complaints

After accepting complaints, persons with complaint-settling competence shall conduct verification and request complained persons to vindicate themselves, and when necessary, may consult experts or organize dialogues to clarify complaint contents, requests of complainants and settlement directions.

Persons with complaint-settling competence shall issue decisions on settlement of complaints falling under their competence.

Article 151. Contents of a first-time complaint settlement decision

1. Date of issuance.

2. Full names and addresses of complainant and complained person.

3. Complaint contents.

4. Results of verification of complaint contents;

5. Legal grounds for settlement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Upholding, modification, cancellation or request for partial modification or cancellation of the complained decision or act, or forcible termination of the enforcement or performance of the complained decision or act.

8. The payment of compensation for damage and remedying of consequences caused by the illegal decision or act.

9. Guidance on the complainant’s right to lodge a further complaint.

Article 152. Procedures for settling second-time complaints

1. In case of further complaining, complainants shall lodge complaints enclosed with copies of first-time complaint settlement decisions and relevant documents with persons with second-time complaint-settling competence.

2. In the course of second-time complaint settlement, persons with complaint-settling competence have the rights provided for in Article 145 of this Law and may request first-time complaint settlers, concerned agencies, organizations and individuals to supply information, documents and proofs related to complaint contents; summons complained persons and complainants for organizing dialogues when necessary; verify complaint contents; consult experts, and take other measures provided for by law to settle complaints. When receiving requests, concerned agencies, organizations and individuals shall satisfactorily respond to them.

Persons with second-time complaint settlement competence shall issue complaint settlement decisions.

Article 153. Contents of a second-time complaint settlement decision

1. Date of issuance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Complaint contents.

4. Results of verification of complaint contents.

5. Legal grounds for the settlement.

6. Conclusions on complaint contents and settlement by the person with second-time complaint settlement competence.

7. Upholding, modification, cancellation or request for partial modification or cancellation of the complained decision or act, or forcible termination of the enforcement or performance of the complained decision or act.

8. The payment of compensation for damage and remedying of consequences caused by the illegal decision or act.

Section 2. DENUNCIATIONS ABOUT CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT AND SETTLEMENT THEREOF

Article 154. Persons with the right to denounce

Citizens may lodge denunciations with competent agencies, organizations or individuals about illegal acts of heads of civil judgment enforcement agencies, enforcers and other civil servants engaged in civil judgment enforcement who cause damage or threat to cause damage to the interests of the State, rights and legitimate interests of citizens, agencies and organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Denouncers have the following rights:

a/ To lodge written denunciations with or orally present denunciations to competent agencies, organizations or individuals;

b/ To request confidentiality of their full names, addresses and autographs;

c/ To be notified of denunciation settlement results;

d/ To request competent agencies, organizations and individuals to protect them when they are intimidated, bullied or at risk of being revenged.

2. Denouncers have the following obligations:

a/ To honestly present denunciation contents and supply related documents;

b/ To give their full names and addresses;

c/ To be held responsible before law for untruthful denunciations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Denounced persons have the following rights:

a/ To be notified of denunciation contents;

b/ To show proofs of the untruthfulness of denunciation contents;

c/ To have their infringed rights and legitimate interests and damaged honor restored; to be paid compensations for damage caused by wrongful denunciations;

d/ To request competent agencies, organizations and individuals to handle persons who make untruthful denunciations.

2. Denounced persons have the following obligations:

a/ To explain their denounced acts; to supply information and relevant documents when so requested by competent agencies, organizations and individuals;

b/ To strictly abide by handling decisions of competent agencies, organizations and individuals;

c/ To pay compensations for damage and remedy consequences caused by their illegal acts under law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Denunciations about illegal acts of persons managed by agencies or organizations shall be settled by heads of these agencies or organizations.

2. In case denounced persons are heads of civil judgment enforcement agencies, heads of immediately higher-level civil judgment enforcement agencies or the head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry shall settle denunciations.

In case denounced persons are heads of military zone-level judgment enforcement agencies, the head of the civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry shall settle denunciations.

The time limit for settling denunciations is 60 days after the date of acceptance. For complicated cases, it may be prolonged but must not exceed 90 days.

3. Denunciations about illegal acts showing signs of crime shall be settled under the Criminal Procedure Code.

4. Procedures for settling denunciations comply with the law on complaints and denunciations.

Article 158. Responsibilities of persons with denunciation-settling competence

1. Competent agencies, organizations and individuals shall, within the ambit of their tasks and powers, receive and promptly and lawfully settle denunciations; strictly handle violators; apply necessary measures to prevent damage; ensure that settlement decisions are strictly enforced, and be held responsible before law for their decisions.

2. Persons with denunciation-settling competence who fail to settle denunciations, settle denunciations irresponsibly or in contravention of law shall, depending on the nature and severity of their violations, be disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they shall pay compensations therefor under law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Procuracies shall inspect the observance of law in settling complaints or denunciations about civil judgment enforcement under law. Procuracies may request civil judgment enforcement agencies at the same level or lower levels and responsible agencies, organizations and individuals to ensure the grounded and lawful settlement of complaints and denunciations.

Section 3. PROTESTS AGAINST CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT AND SETTLEMENT THEREOF

Article 160. The right of procuracies to protest

1. Procuracies may protest against decisions or acts of heads of civil judgment enforcement agencies at the same level or lower levels and their enforcers under the Law on Organization of People’s Procuracies.

2.The time limit for procuracies at the same level or higher levels to protest is 15 days or 30 days, respectively, from the date of receipt of unlawful decisions or detection of violation acts.

Article 161. Replies to protests of procuracies

1. Heads of civil judgment enforcement agencies shall reply to protests of procuracies against their judgment enforcement decisions or those of enforcers under their management within 15 days after the date of receipt of protests.

If accepting protests of procuracies, heads of civil judgment enforcement agencies shall, within 5 working days after the date of reply to protests, comply with these protests.

2. In case heads of civil judgment enforcement agencies disagree with protests of procuracies, they shall act as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies whose decisions or acts are protested against shall report protests to the head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry and the Supreme People’s Procuracy. The head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry shall consider these protests and reply within 30 days after receiving reports. Written replies of the head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry will be effective for implementation.

c/ Heads of military zone-level judgment enforcement agencies whose decisions or acts are protested against shall report protests to the head of the civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry and the Central Military Procuracy. The head of the civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry shall consider these protests and reply within 30 days after receiving reports. Written replies of the head of the civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry will be effective for implementation.

3. In case written replies to protests specified in Clause 2 of this Article are found groundless, the Chairman of the Supreme People’s Procuracy may request the Justice Minister to reconsider effective written replies of heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies or the head of the civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry, or request the Defense Minister to reconsider effective written replies of heads of military zone-level judgment enforcement agencies or the head of the civil judgment enforcement management agency of the Defense Ministry.

Chapter VII.

HANDLING OF VIOLATIONS

Article 162. Acts of administrative violation in civil judgment enforcement

1. Failing to show up for judgment enforcement without plausible reasons after receiving the second notice or summons.

2. Intentionally failing to enforce a court ruling on application of provisional urgent measures or a judgment or ruling which must be enforced without delay.

3. Failing to perform a job which must be performed or to terminate the performance of a prohibited job under a judgment or ruling.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Dispersing or damaging assets to shirk the judgment enforcement obligation or the asset distraint.

6. Failing to comply with enforcers’ request for supply of information and documents related to assets handled for judgment enforcement without plausible reasons.

7. Illegally using, consuming, transferring, fraudulently exchanging, concealing or altering the state of distrained assets, which is not seriously enough for penal liability examination.

8. Opposing, obstructing or instigating others to oppose or obstruct the judgment enforcement; verbally abusing, blaspheming or offending judgment enforcers on duty; disturbing public order at places where judgment enforcement is conducted or other acts of obstructing civil judgment enforcement activities, which are not serious enough for penal liability examination.

9. Breaking the seals of or destroying distrained assets, which is not serious enough for penal liability examination.

10. Failing to abide by enforcers’ decisions on deduction of accounts and incomes or withdrawal of valuable papers of judgment debtors.

Article 163. Competence to sanction administrative violations

1. The following persons are competent to sanction administrative violations in civil judgment enforcement:

a/ Enforcers who are conducting judgment enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Heads of district-level civil judgment enforcement agencies;

d/ Heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies and military zone-level judgment enforcement agencies.

2. Levels of sanctions against administrative violations in civil judgment enforcement must comply with the law on handling of administrative violations.

Article 164. Sanctioning of violations and settlement of complaints and denunciations about sanctioning of administrative violations in civil judgment enforcement

1. Sanctioning principles and statute of limitations, aggravating and extenuating circumstances, specific sanctioning order and procedures must comply with the law on handling of administrative violations.

2. Complaints and denunciations about sanctioning of administrative violations in civil judgment enforcement and settlement thereof must comply with this Law and other relevant laws.

Article 165. Handling of violations

1. Judgment debtors who intentionally fail to abide by judgments or rulings or fail to voluntarily execute judgment enforcement decisions shall, depending on the nature and severity of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability under law.

2. Agencies, organizations and individuals that fail to execute judgment enforcement decisions shall, depending on the nature and severity of their violations, be administratively sanctioned. If causing damage, they shall pay compensations therefor. Violating individuals can also be disciplined or examined for penal liability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Heads of civil judgment enforcement agencies who intentionally fail to issue judgment enforcement decisions or issue unlawful ones, enforcers who fail to strictly enforce judgments or rulings, delay judgment enforcement, apply unlawful measures to coerce judgment enforcement, or breach ethical rules of enforcers shall be disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they shall pay compensations therefor under law.

Chapter VIII.

TASKS AND POWERS OF AGENCIES AND ORGANIZATIONS IN CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT

Article 166. Tasks and powers of the Government in civil judgment enforcement

1. To perform the unified state management of civil judgment enforcement nationwide.

2. To direct governmental agencies and provincial-level People’s Committees in enforcing civil judgments.

3. To coordinate with the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy in enforcing civil judgments.

4. To annually report on civil judgment enforcement to the National Assembly.

Article 167. Tasks and powers of the Justice Ministry in civil judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To issue or propose competent agencies to issue legal documents on civil judgment enforcement;

b/ To formulate and organize the implementation of policies and plans on civil judgment enforcement;

c/ To disseminate and educate about the law on civil judgment enforcement;

d/ To manage the organizational apparatus, state payrolls and operation of civil judgment enforcement agencies; to decide on establishment and dissolution of civil judgment enforcement agencies; to train, appoint and relieve from duty enforcers or verifiers;

e/ To professionally guide, direct and retrain enforcers, verifiers and other civil servants engaged in civil judgment enforcement work;

f/ To commend achievements, examine, inspect, and handle violations in civil judgment enforcement work; to settle complaints and denunciations about civil judgment enforcement;

g/ To decide on plans on allocation of funding sources and assurance of material facilities and means for the operation of civil judgment enforcement agencies;

h/ To enter into international cooperation in civil judgment enforcement;

i/ To review civil judgment enforcement work;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



k/ To report on civil judgment enforcement to the Government.

2. The civil judgment enforcement management agency of the Justice Ministry shall assist the Justice Minister in performing the state management of civil judgment enforcement and perform specialized management of civil judgment enforcement under the Government’s regulations.

Article 168. Tasks and powers of the Defense Ministry in civil judgment enforcement

1. To coordinate with the Justice Ministry in performing the state management of civil judgment enforcement in the Army:

a/ Issuing or proposing competent agencies to issue legal documents on civil judgment enforcement in the Army;

b/ Appointing and dismissing enforcers; professionally training and retraining enforcers, verifiers and staffs engaged in civil judgment enforcement in the Army;

c/ Reviewing and reporting civil judgment enforcement to the Government.

2. To perform the following tasks:

a/ Providing professional guidance on judgment enforcement to military zone-level judgment enforcement agencies; disseminating and educating about the law on civil judgment enforcement in the Army;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Examining, inspecting and settling complaints and denunciations and handling violations in judgment enforcement in the Army;

d/ Managing and working out plans on allocation of funding sources and assurance of material facilities and means for judgment enforcement activities in the Army.

3. The judgment enforcement management agency of the Defense Ministry shall assist the Defense Minister in performing the tasks and exercising the powers specified in this Article under the Government’s regulations.

Article 169. Tasks and powers of the Public Security Ministry in civil judgment enforcement

1. To coordinate with the Justice Ministry in issuing legal documents on civil judgment enforcement.

2. To direct police offices in protecting judgment enforcement activities, and coordinating with one another in protecting material evidence warehouses of civil judgment enforcement agencies when necessary;

3. To direct custody facilities and detention camps where judgment debtors are serving imprisonment sentences in collecting sums of money and assets payable by judgment debtors or their relatives for judgment enforcement.

4. To direct competent police offices in coordinating with civil judgment enforcement agencies in requesting courts to consider and decide on penalty remission or commutation for eligible judgment debtors under law.

5. To coordinate with the Justice Ministry in reviewing civil judgment enforcement work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To coordinate with the Justice Ministry in issuing legal documents on civil judgment enforcement.

2. To direct courts at all levels in coordinating with civil judgment enforcement agencies in enforcing civil judgments and settling requests of civil judgment enforcement agencies within the law-prescribed time limit.

3. To coordinate with the Justice Ministry in reviewing civil judgment enforcement work.

Article 171. Tasks and powers of the Supreme People’s Procuracy in civil judgment enforcement

1. To coordinate with the Justice Ministry in issuing legal documents on civil judgment enforcement.

2. To inspect and direct procuracies at all levels in supervising civil judgment enforcement under law.

3. To coordinate with the Justice Ministry in reviewing civil judgment enforcement work.

Article 172. Tasks and powers of command posts of military zones and equivalent levels in civil judgment enforcement

1. To direct the organization of coordination among concerned agencies in enforcing judgments or rulings in big and complicated cases impacting on political security and social order and safety in military zones and equivalent levels at the request of heads of military zone-level judgment enforcement agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To give written opinions on appointment and relief of duty of heads and deputy of heads of military zone-level judgment enforcement agencies.

4. To decide to commend or propose competent authorities to commend collectives and individuals that record achievements in civil judgment enforcement.

Article 173. Tasks and powers of provincial-level People’s Committees in civil judgment enforcement

1. To direct the organization of coordination among concerned agencies in enforcing civil judgments in their localities.

2. To direct the organization of coercive enforcement of judgments or rulings in big and complicated cases impacting political security and social order and safety in their localities at the request of heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies.

3. To give written opinions on appointment and relief of duty of heads and deputy heads of provincial-level civil judgment enforcement agencies.

4. To decide to commend or propose competent authorities to commend collectives and individuals that record achievements in civil judgment enforcement.

5. To request provincial-level civil judgment enforcement agencies to report on civil judgment enforcement in their localities.

6. To request provincial-level civil judgment enforcement agencies to inspect civil judgment enforcement in localities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To direct the organization of coordination among concerned agencies in enforcing civil judgments in their localities.

2. To direct the organization of coercive enforcement of judgments or rulings in big and complicated cases impacting political security and social order and safety in their localities at the request of heads of district-level civil judgment enforcement agencies.

3. To give written opinions on appointment and dismissal of heads and deputy heads of district-level civil judgment enforcement agencies.

4. To request provincial-level civil judgment enforcement agencies to inspect themselves and heads of provincial-level judgment enforcement agencies to inspect civil judgment enforcement in their localities.

5. To decide to commend or propose competent authorities to commend collectives and individuals that record achievements in civil judgment enforcement.

6. To request civil judgment enforcement agencies to report on civil judgment enforcement in localities.

Article 175. Tasks and powers of commune-level People’s Committees in civil judgment enforcement

Presidents of commune-level People’s Committees shall, within the ambit of their tasks and powers, coordinate with enforcers and civil judgment enforcement agencies in notifying judgment enforcement, verifying judgment enforcement conditions, applying measures to secure or coerce judgment enforcement and other tasks related to judgment enforcement in their localities.

Article 176. Responsibilities of the State Treasury, banks and other credit institutions in civil judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To strictly and promptly satisfy requests of enforcers for blockade of accounts and assets, deduction of sums of money from accounts, release of blockaded accounts or assets of judgment debtors.

3. To fully comply with other requests of enforcers and civil judgment enforcement agencies under this Law.

Article 177. Responsibilities of the Social Insurance in civil judgment enforcement

1. To supply accurate, adequate and timely information and data on incomes of judgment debtors currently paid through it at the request of enforcers and civil judgment enforcement agencies.

2. To strictly and promptly comply with requests of enforcers for subtraction of incomes of judgment debtors for judgment enforcement.

3. To fully comply with other requests of enforcers and civil judgment enforcement agencies under this Law.

Article 178. Responsibilities of asset and security transaction registration offices in civil judgment enforcement

1. To suspend or terminate realization of requests related to transactions in assets of judgment debtors registered with asset or security transaction registration offices right after receiving requests of enforcers and civil judgment enforcement agencies.

2. To register asset ownership or land use rights for asset purchasers and judgment creditors that receive assets for clearing against sums of money receivable under judgment enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 179. Responsibilities of judgment or ruling-making agencies in judgment enforcement

1. To assure that pronounced judgments or rulings are accurate, explicit, specific and suitable to reality.

2. To explain in writing unclear contents of pronounced judgments or rulings within 15 days after receiving requests of involved parties or civil judgment enforcement agencies.

For complicated cases, the time limit for reply is 30 days from the date of receipt of requests.

3. To respond to requests of civil judgment enforcement agencies for reviewing court judgments or rulings according to cassation or re-­opening procedures within 45 days after receiving these requests.

4. To accept and promptly handle requests of civil judgment enforcement agencies and involved parties for identification of ownership, division of assets or settlement of disputes over ownership or the right to use assets, which fall under the competence of courts and arise the course of judgment enforcement.

Article 180. Tasks and powers of agencies and organizations assigned to oversee and manage persons currently serving criminal sentences

Agencies and organizations assigned to oversee and manage persons currently serving criminal sentences under the Criminal Procedure Code shall, within the ambit of their tasks and powers, coordinate with civil judgment enforcement agencies in:

1. Educating these persons to strictly perform their civil obligations under court judgments or rulings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Collecting sums of money receivable under judgment enforcement under this Law;

4. Promptly notifying civil judgment enforcement agencies of places of residence of convicts who have completely served imprisonment sentences, entitled to amnesty or imprisonment penalty remission.

Chapter IX.

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 181. Mutual legal assistance regarding civil affairs in judgment enforcement

1. Requests for foreign legal assistance regarding civil affairs in judgment enforcement, acceptance and handling of foreign judicial mandate for judgment enforcement in the course of judgment enforcement must comply with the law on mutual legal assistance.

2. Civil judgment enforcement agencies which request foreign legal assistance regarding civil affairs in judgment enforcement shall compile judicial mandate dossiers under the law on mutual legal assistance.

Article 182. Effect

This Law takes effect on July 1, 2009.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 183. Implementation detailing and guidance

The Government, the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy shall, within the ambit of their tasks and powers, detail and guide the implementation of this Law’s articles and clauses as assigned, and guide other necessary provisions of this Law to meet state management requirements.

This Law was passed on November 14, 2008, by the XIIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Phu Trong

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật thi hành án dân sự 2008

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


542.898

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.51.49
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!