TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/KH-TANDTC
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 01 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THÍ ĐIỂM VỀ ĐỔI MỚI, TĂNG CƯỜNG HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT CÁC
TRANH CHẤP DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH TẠI HẢI PHÒNG
Để thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối
thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải
Phòng, coi đây là cơ sở thực tiễn để đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng Đề án
tổng thể báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; thực hiện ý kiến chỉ
đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp ngày 15-12-2017,
Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch Triển khai thí điểm về đổi mới, tăng
cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại
Hải Phòng, với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1.1. Mục đích
- Đổi mới, tăng cường nhận thức của các Thẩm phán,
Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại
trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính;
- Tiếp cận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng hòa
giải đã được áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới;
- Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công
tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
- Đổi mới mô hình tổ chức hòa giải, đối thoại tại
Tòa án nhân dân;
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải,
đối thoại.
1.2. Yêu cầu
- Các hoạt động triển khai thí điểm phải bảo đảm
phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; phù hợp với quy định của
pháp luật;
- Các hoạt động triển khai thí điểm nhằm góp phần
nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính;
- Việc triển khai thí điểm bảo đảm tiết kiệm; không
làm phát sinh thêm bộ máy tổ chức, biên chế cán bộ, công chức.
II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
2.1. Thời gian triển khai thí điểm: dự kiến
6 tháng.
2.2. Địa điểm triển khai thí điểm: Tại 06
Tòa án nhân dân cấp huyện của Hải Phòng và Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng;
trong trường hợp điều kiện cho phép, có thể tăng số lượng các Tòa án thực hiện
việc thí điểm.
III. NỘI DUNG THÍ ĐIỂM VÀ CÁC HOẠT
ĐỘNG
3.1. Nội dung thí điểm
- Thí điểm tổ chức bộ phận chuyên trách về hòa giải,
đối thoại bên cạnh Tòa án để thực hiện hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng (theo
sự tự nguyện của các đương sự, trước khi Tòa án thụ lý vụ án; kết quả hòa giải
được Tòa án xem xét, công nhận khi đương sự có yêu cầu) và hỗ trợ Thẩm phán tiến
hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng (những vụ án đã được Tòa án thụ lý theo
quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính);
- Thí điểm kết hợp kinh nghiệm của các chuyên gia
quốc tế trong việc thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng
dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Hướng dẫn ban hành kèm theo Chỉ thị số
04/CT-CA ngày 03-10-2017.
3.2. Các hoạt động
3.2.1. Chuẩn bị nhân sự
- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm về đổi
mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành
chính tại Hải Phòng do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp chỉ đạo, với
thành phần gồm 01 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 02 Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao chuyên trách giải quyết án dân sự; 01 Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao chuyên trách giải quyết án hành chính; đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức
- Cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và Chánh án Tòa
án nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo triển khai
thí điểm do lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế làm Tổ trưởng, với thành phần gồm cán bộ
cấp Vụ/Thẩm tra viên/chuyên viên/Thư ký Tòa án của các đơn vị thuộc Tòa án nhân
dân tối cao, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Phân công Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tập
huấn cho các Thẩm phán và những đối tượng tham gia triển khai thí điểm về các
quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại; quy trình, kỹ năng hòa giải, đối
thoại; trực tiếp làm việc với chuyên gia quốc tế trong quá trình triển khai thí
điểm;
- Mời chuyên gia quốc tế giới thiệu, tập huấn về
kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cho các Thẩm phán và những đối tượng tham gia triển
khai thí điểm; trực tiếp làm việc với các Thẩm phán Việt Nam trong quá trình giải
quyết các vụ việc tại các Tòa án thí điểm để chia sẻ cách thức và quy trình hòa
giải; thời gian thực hiện từ 3 đến 6 tháng, bắt đầu từ tháng 02-2018;
- Lựa chọn, xây dựng bộ phận chuyên trách về hòa giải,
đối thoại tại các Tòa án thí điểm, bao gồm 01 Thẩm phán chuyên trách về hòa giải
và các Hòa giải viên (các Thẩm phán nghỉ hưu, chuyên gia pháp luật, chuyên gia
tâm lý, chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành...);
- Thuê phiên dịch tiếng Anh.
3.2.2. Tập huấn lý thuyết
- Tập huấn các quy định của pháp luật Việt Nam về
hòa giải, đối thoại; quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại (2 ngày);
- Giới thiệu về quy trình, kỹ năng hòa giải theo
kinh nghiệm của chuyên gia quốc tế (từ 2 ngày đến 3 ngày);
- Lựa chọn những quy trình, kỹ năng quốc tế có tính
khả thi, phù hợp với pháp luật Việt Nam để triển khai ứng dụng trong thực tiễn.
3.2.3. Ứng dụng
Các Thẩm phán, Hòa giải viên áp dụng nội dung lý
thuyết đã được tập huấn để giải quyết các vụ việc cụ thể tại các Tòa án thí điểm
với sự tham gia trực tiếp của chuyên gia quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm.
IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
4.1. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức - Cán bộ
- Đề xuất nhân sự và dự thảo Quyết định thành lập
Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại
trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng và Tổ giúp việc
cho Ban Chỉ đạo trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành;
- Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế và
Quản lý khoa học, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng lựa chọn, xây dựng
bộ phận chuyên trách về hòa giải, đối thoại tại các Tòa án thí điểm.
4.2. Trách nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế
- Là đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo
triển khai thí điểm;
- Tiến hành các thủ tục mời chuyên gia quốc tế giới
thiệu, tập huấn về kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải theo quy định hiện hành của Đảng
và Nhà nước;
- Đề xuất việc thuê phiên dịch; biên dịch các tài
liệu phục vụ thí điểm; cử cán bộ hỗ trợ việc phiên dịch;
- Trực tiếp làm việc cùng chuyên gia quốc tế tại Hải
Phòng trong thời gian thí điểm; theo dõi và bám sát quá trình triển khai thí điểm;
kịp thời báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm
về các nội dung cần xin ý kiến cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình
triển khai thí điểm;
- Phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học
nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại
trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính.
4.3. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa
học
- Chuẩn bị tài liệu pháp luật trong nước về hòa giải,
đối thoại phục vụ cho công tác triển khai thí điểm;
- Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế làm việc với
chuyên gia quốc tế về chương trình và nội dung thí điểm;
- Triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể về
đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự,
hành chính trình Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao xem xét cho ý kiến để báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư
pháp Trung ương;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của
Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm.
4.4. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân thành phố Hải
Phòng
- Lựa chọn, đề xuất Thẩm phán chuyên trách về hòa
giải, đối thoại, các hòa giải viên tại các Tòa án thí điểm báo cáo Ban Chỉ đạo
triển khai thí điểm;
- Báo cáo Thành ủy Hải Phòng về Kế hoạch triển khai
thí điểm của Tòa án nhân dân tối cao;
- Phối hợp với các đơn vị của Tòa án nhân dân tối
cao chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc triển khai thí điểm;
- Xây dựng Báo cáo kết quả thí điểm về đổi mới,
tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành
chính tại Hải Phòng gửi Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm (qua Vụ Hợp tác quốc tế)
để nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể.
4.5. Trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc Tòa
án nhân dân tối cao
- Văn Phòng chủ trì phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài
chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân
thành phố Hải Phòng bố trí kinh phí và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho
việc triển khai thí điểm;
- Học viện Tòa án cử cán bộ tham gia quá trình thực
hiện thí điểm để nắm bắt nội dung, ứng dụng xây dựng giáo trình đào tạo cho các
chức danh tư pháp về hòa giải, đối thoại;
- Vụ Giám đốc kiểm tra 2, Vụ Giám đốc kiểm tra 3 cử
cán bộ tham gia quá trình thực hiện thí điểm để nắm bắt nội dung, phối hợp với
các đơn vị khác giúp việc cho Ban Chỉ đạo thí điểm về các vấn đề nghiệp vụ;
- Báo Công lý, Tạp Chí Tòa án nhân dân, Văn Phòng,
Vụ Tổng hợp phối hợp tuyên truyền, đưa tin về Kế hoạch triển khai thí điểm, kết
quả thực hiện thí điểm;
- Các đơn vị khác của Tòa án nhân dân tối cao thực
hiện các nhiệm vụ khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm.
V. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM
Kinh phí triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường
hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải
Phòng được bố trí từ nguồn ngân sách đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân năm
2018 và các nguồn kinh phí khác.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thí điểm việc đổi mới,
tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành
chính tại Hải Phòng. Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân
thành phố Hải Phòng nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này để bảo đảm chất
lượng và hiệu quả.
Nơi nhận:
- Đồng chí Chánh án TANDTC (để báo
cáo);
- Cáo Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để biết và phối hợp chỉ đạo;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Ban Nội chính TW;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Các Đ/c Thẩm phán TANDTC, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Cổng TTĐT TANDTC;
- Lưu: VT, VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Thúy Hiền
|