VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/HD-VKSTC
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 09
năm 2019
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VIỆN KIỂM SÁT TRUY TỐ TÒA ÁN XÉT XỬ
TUYÊN BỊ CÁO KHÔNG PHẠM TỘI
Thực hiện Chỉ thị
công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý các trường
hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, phục vụ tốt
các hoạt động sơ kết, tổng kết công tác của Ngành; đồng thời xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại
các kỳ họp của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện kiểm sát
các cấp và các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
thực hiện như sau:
I. YÊU CẦU CỦA
CÔNG TÁC QUẢN LÝ
1. Quản lý đầy đủ, xử lý kịp thời, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật các trường
hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; chấp hành
nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, thống kê theo đúng Quy chế, quy định của
Ngành và Hướng dẫn này.
2. Làm rõ nguyên nhân, xem xét và xử
lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo
không phạm tội do nguyên nhân chủ quan; xác định đây là một trong những căn cứ
xem xét khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo quản lý.
3. Thông qua phân tích, đánh giá các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo
không phạm tội, khẩn trương kháng nghị những trường hợp Tòa án xét xử không có
căn cứ, đồng thời rút kinh nghiệm công tác nghiệp vụ và có
biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, phòng ngừa; thụ lý, giải quyết kịp
thời yêu cầu bồi thường đối với những trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của
Viện kiểm sát theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước.
II. NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN
LÝ
1. Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải
có hình thức cụ thể để theo dõi, cập nhật đầy đủ, kịp thời những trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội;
thực hiện việc thông tin, báo cáo theo quy định tại điểm
a, khoản 1, Điều 20 Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và
quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và Hướng dẫn này; đồng
thời chịu trách nhiệm về việc không báo cáo hoặc báo cáo
không đầy đủ, chính xác, kịp thời những
trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý của cấp mình.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
các cấp, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc
Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Kiểm sát viên, Lãnh đạo thụ lý, giải quyết
vụ án báo cáo đề xuất quan điểm xử lý ngay đối với trường hợp Tòa án xét xử
tuyên bị cáo không phạm tội; chỉ đạo làm rõ
tính có căn cứ, tính hợp pháp của bản án để quyết định đường lối xử lý theo thẩm quyền của Viện
kiểm sát, cụ thể:
- Đối với trường hợp Tòa án xét xử
tuyên bị cáo không phạm tội không có căn cứ hoặc trái pháp luật, Viện kiểm sát
phải ban hành kháng nghị hoặc báo cáo đề xuất kháng nghị
và gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Đồng thời kiểm điểm
làm rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát
viên và những người có liên quan. Báo cáo đề xuất kháng
nghị cần nêu rõ: Lý lịch bị cáo; nội dung vụ án; quá trình tố tụng đối với vụ
án; nhận định và quyết định của bản án tuyên bị cáo không phạm tội; nhận xét, đề
xuất xử lý của Viện kiểm sát. Viện
trưởng Viện kiểm sát cấp trên phải trực tiếp nghe báo cáo
và cho ý kiến chỉ đạo đối với báo cáo đề xuất kháng nghị của
Viện kiểm sát cấp dưới, không để kéo dài, quá hạn kháng
nghị theo quy định của pháp luật.
- Đối với trường hợp Tòa án xét xử
tuyên bị cáo không phạm tội có căn cứ, đúng pháp luật, phải chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm
của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Lãnh đạo được phân công
thụ lý, giải quyết vụ án và xử lý vi phạm (nếu có); tổ
chức rút kinh nghiệm chung về công tác chỉ đạo,
điều hành và chuyên môn nghiệp vụ đối với cấp mình. Khi có yêu cầu bồi thường
phải tổ chức tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt
hại cho người bị oan.
3. Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo
theo dõi, quản lý chuyên đề Viện kiểm sát truy tố Tòa án
tuyên bị cáo không phạm tội đối với cấp mình và Viện kiểm sát
nhân dân cấp huyện trực thuộc; chủ động nắm thông tin, yêu cầu báo cáo và có ý
kiến chỉ đạo kịp thời đối với báo cáo của cấp dưới; thông báo rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn đến Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội
thuộc trách nhiệm quản lý của mình; chịu
trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao khi để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm
tội do nguyên nhân chủ quan của Viện kiểm sát cấp mình và cấp dưới trực thuộc.
4. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
cấp cao có trách nhiệm theo dõi, quản lý, rút kinh nghiệm những trường hợp Tòa
án tuyên không phạm tội của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát
nhân dân cấp tỉnh theo địa hạt tư pháp của cấp mình và của
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; kịp thời xử lý theo thẩm quyền tố tụng đối với kháng nghị hoặc đề xuất kháng nghị của Viện
kiểm sát cấp dưới; định kỳ tổng hợp, báo cáo chuyên đề gửi Viện kiểm sát nhân
dân tối cao (Vụ 7) để tổng hợp, theo dõi; chủ động ra thông báo rút kinh nghiệm
hoặc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề thực hành quyền công tố và kiểm
sát việc xét xử hình sự, nhằm không để xảy ra trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị
cáo không phạm tội thuộc phạm vi theo dõi, quản lý của cấp mình.
5. Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân
tối cao theo dõi, cập nhật kịp thời những trường hợp Tòa
án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội trong những vụ án do
đơn vị mình kiểm sát điều tra sau đó phân công Viện kiểm
sát địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; chủ động phối hợp với Viện kiểm sát địa phương, Viện
kiểm sát cấp cao và Vụ 7 để xem xét, kháng nghị kịp thời đối
với bản án tuyên bị cáo không phạm tội không có căn cứ hoặc trái pháp luật.
6. Vụ trưởng Vụ
7 chịu trách nhiệm phối hợp với Văn phòng, Cục 2 Viện kiểm
sát nhân dân tối cao để quản lý đầy đủ, chặt chẽ những trường
hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội trong toàn Ngành; tổ chức rút kinh nghiệm
các vi phạm, thiếu sót trong công tác nghiệp vụ, đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra việc Tòa án tuyên
bị cáo không phạm tội có căn cứ; tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối
cao xử lý, giải quyết kịp thời những trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo
đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm; chủ
trì, phối hợp xây dựng báo cáo chuyên đề Viện kiểm sát
truy tố, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội phục vụ công tác sơ kết, tổng
kết của Ngành, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc
hội; tham mưu tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề
công tác giải quyết án hình sự của Viện kiểm sát, góp phần hạn chế những trường
hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm
sát.
7. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
cấp huyện, cấp tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền
công tố và kiểm sát điều tra án hình sự thuộc Viện kiểm
sát nhân dân tối cao tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường của
người bị oan thuộc trách nhiệm của mình theo quy định của Luật trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước; báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trách nhiệm bồi thường của địa phương, đơn vị mình, chịu
trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao khi thực hiện không đầy đủ, không kịp thời đối với những trường hợp có yêu
cầu bồi thường thiệt hại do bị oan thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát.
III. CHẾ ĐỘ THÔNG
TIN, BÁO CÁO
1. Báo cáo định kỳ
Định kỳ hàng tháng, 06 tháng, 12
tháng và thời điểm xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao tại các kỳ họp Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện xây dựng báo cáo
về việc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội gửi Viện
kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, quản lý; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tổng hợp số liệu của hai cấp (tỉnh và huyện),
báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ
7); Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tổng hợp, báo cáo những trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm
tội của cấp mình và của cấp tỉnh thuộc địa bàn quản lý gửi Viện kiểm sát nhân
dân tối cao (Vụ 7) để tổng hợp, quản lý trong toàn Ngành. Viện kiểm sát nhân
dân các cấp không thực hiện báo cáo trong trường hợp không có số liệu phát sinh
trong kỳ báo cáo. Cụ thể như sau:
1.1. Mốc thời gian lấy số liệu
báo cáo
- Báo cáo tháng
lấy từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng báo cáo; Báo cáo 06 tháng từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 5
của năm báo cáo; Báo cáo 12 tháng từ ngày 01
tháng 12 của năm trước đến hết ngày 30 tháng 11 của năm báo cáo.
- Báo cáo phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp Quốc hội:
Báo cáo 06 tháng lấy từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 3
của năm báo cáo; Báo cáo 10 tháng từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết
ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo; Báo cáo 12 tháng từ ngày
01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 30 tháng 9 của năm
báo cáo.
1.2. Thời điểm gửi báo cáo
- Báo cáo của Viện
kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo; Báo
cáo của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân cấp cao gửi Vụ 7 trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc
kỳ báo cáo;
- Vụ 7 tổng hợp số liệu, xây dựng báo
cáo gửi Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân
dân tối cao trong thời hạn 06 ngày làm việc, kể từ ngày kết
thúc kỳ báo cáo.
1.3. Nội dung báo cáo định kỳ và phụ lục
- Nêu đầy đủ,
chi tiết các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không
phạm tội thuộc cấp mình và cấp dưới thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý.
- Phân tích, đánh giá số liệu bị cáo Tòa án xét xử tuyên không phạm tội
thuộc trách nhiệm quản lý của cấp mình trong kỳ báo cáo,
so sánh tăng, giảm so với cùng kỳ (đối với kỳ 6 tháng, 12
tháng); lý do Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; nêu và phân tích vi phạm
của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố
và xét xử, những thiếu sót trong áp dụng các quy định của Bộ luật
hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự đối với vụ án Tòa án tuyên không tội; phân
tích những thiếu sót và vi phạm của Tòa án (đối với các vụ án Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm
tội đã được Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, giám đốc
thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án để điều
tra, xét xử lại theo hướng có tội); phân tích số vụ án Viện kiểm sát đã kháng
nghị, Tòa án cấp trên đã hủy án để điều tra hoặc xét xử lại theo hướng có tội hoặc Tòa án không chấp nhận
kháng nghị của Viện kiểm sát và y án sơ thẩm; lý do, biện pháp khắc phục, xử lý
của Viện kiểm sát (kháng nghị hoặc đề xuất
kháng nghị); kết quả giải quyết của Viện kiểm sát, Tòa án sau khi kháng nghị (nếu
có); việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người
bị oan.
- Phân tích những nguyên nhân khách
quan và chủ quan dẫn đến việc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; những
giải pháp cụ thể của đơn vị nhằm khắc
phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu
sót, vi phạm nhằm hạn chế trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên
bị cáo không phạm tội;
- Kết quả việc kiểm điểm trách nhiệm
cá nhân, tập thể để xảy ra trường hợp
Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm
tội và hình thức xử lý (nếu có). Báo
cáo kiểm điểm của cá nhân, tập thể theo Mẫu kèm theo Hướng dẫn này.
- Phụ lục chi tiết đối với từng vụ án
có bị cáo Tòa án xét xử tuyên không phạm tội (kèm theo Hướng dẫn này).
2. Báo cáo ban đầu
Khi phát sinh trường hợp Tòa án xét xử
tuyên bị cáo không phạm tội, Viện kiểm sát nhân dân các cấp
phải có báo cáo nhanh trong thời hạn 24 giờ về vụ việc gửi Viện kiểm sát nhân
dân cấp trên trực tiếp để theo dõi và chỉ đạo xử lý. Nội dung báo cáo nêu
ngắn gọn về lý lịch bị cáo; hành vi phạm tội; Tòa án đã xét xử và lý do tuyên bị cáo không phạm tội; xử lý
ban đầu của Viện kiểm sát.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp;
Thủ trưởng đơn vị thực hành quyền
công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm
quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn
này trong phạm vi trách nhiệm của cấp mình.
2. Cục 2 Viện kiểm sát nhân dân tối
cao có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, thống nhất số
liệu các trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội trong toàn ngành.
3. Vụ 7 chịu trách nhiệm làm đầu mối
tổng hợp, tham mưu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
quản lý thống nhất chuyên đề về Tòa án xét xử tuyên bị cáo
không phạm tội trên phạm vi toàn Ngành; định kỳ xây dựng
báo cáo những trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội để phục vụ
báo cáo sơ kết, tổng kết của Ngành và báo cáo của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phản ánh đến Vụ 7 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết
định./.
(Kèm theo Hướng dẫn này là Đề cương báo cáo, phụ lục thống kê danh sách các trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội và Mẫu báo cáo kết quả họp kiểm điểm của cá nhân, tập thể).
Nơi nhận:
- Đ/c Lê Minh Trí, Viện trưởng
VKSTC (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Viện trưởng VKSTC (để chỉ đạo);
- Văn phòng VKSND tối cao (để theo dõi);
- Các đơn vị (Vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, Cục 2) VKSND tối cao
(để t/h);
- VKSND cấp cao 1,2,3 (để t/h);
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, V7.
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Văn Quảng
|