Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Hướng dẫn 10/HD-VKSTC 2024 xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố vụ án hình sự

Số hiệu: 10/HD-VKSTC Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Hồ Đức Anh
Ngày ban hành: 29/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2024

HƯỚNG DẪN

NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Sơ đồ tư duy và sử dụng sơ đồ tư duy trong công tác giải quyết án hình sự được coi là một phương pháp làm việc mới, khoa học, hiệu quả, giúp Lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm bắt nhanh chóng, chính xác bản chất hành vi phạm tội và những vấn đề cần chứng minh của vụ án; làm chủ hệ thống chứng cứ, tài liệu để định hướng điều tra, quyết định truy tố và tranh tụng tại phiên tòa. Kỹ năng thiết lập và sử dụng thuần thục Sơ đồ tư duy sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay.

Thực hiện Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giao nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học, đề án năm 2023, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế hướng dẫn một số nội dung cơ bản để thực hiện như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi

Văn bản này hướng dẫn một số nội dung cơ bản về nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy và kỹ năng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm/ tái thẩm). Các vụ án hình sự được áp dụng có một trong các đặc điểm như quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất, mức độ hành vi phạm tội phức tạp, hậu quả thiệt hại lớn, nhiều bị can, nhiều bị hại; các vụ án thuộc diện cấp ủy Trung ương và địa phương chỉ đạo; các vụ án có bị can, bị cáo kêu oan; các vụ án dư luận xã hội quan tâm hoặc các vụ án hình sự khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị.

1.2. Đối tượng

Áp dụng đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát các cấp khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

2. Mục đích

- Góp phần nắm chắc tiến độ, kết quả chứng minh vụ án để đưa ra yêu cầu điều tra, quyết định truy tố, tranh tụng tại phiên toà, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, sử dụng Sơ đồ tư duy trong giải quyết các vụ án hình sự.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

1. Khái quát chung

1.1. Về chủ thể và thời điểm xây dựng sơ đồ tư duy

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm nghiên cứu chứng cứ, tài liệu, hồ sơ vụ án hình sự để xây dựng sơ đồ tư duy ngay sau khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị[1].

1.2. Đối tượng sử dụng sơ đồ tư duy

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sử dụng sơ đồ tư duy như tài liệu quan trọng trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, hệ thống chứng cứ, tài liệu để báo cáo vụ án hình sự, xây dựng cáo trạng và tranh tụng, đối đáp tại phiên tòa.

Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị sử dụng sơ đồ tư duy cùng với báo cáo án để đưa ra quan điểm xử lý và cho ý kiến chỉ đạo.

1.3. Số lượng sơ đồ tư duy trong vụ án hình sự

Quá trình giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể xây dựng một sơ đồ tổng thể vụ án để có một bức tranh tổng thể và cái nhìn khái quát nhất về vụ án, từ đó giúp định hướng giải quyết vụ án rõ ràng và đúng hướng. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ của từng vụ án khác nhau mà Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lựa chọn xây dựng một hay nhiều sơ đồ tư duy bổ trợ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Qua các giai đoạn tố tụng khác nhau, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chủ động và linh hoạt trong việc chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật kết quả giải quyết trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu mới thu thập được.

1.4. Cách thức sử dụng sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được sử dụng dưới dạng bản mềm để nghiên cứu hoặc in ra gửi kèm theo Báo cáo đề xuất, Cáo trạng hoặc sử dụng để thuyết minh khi trình chiếu báo cáo án trực tiếp với Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị; sử dụng cho hoạt động tranh tụng và đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa; được lưu trữ trong hồ sơ kiểm sát và không thay thế Báo cáo đề xuất theo quy định, quy chế ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Một số loại sơ đồ tư duy điển hình

2.1. Sơ đồ hình tròn

Sơ đồ tư duy hình tròn là sơ đồ bao gồm một hay nhiều vòng tròn nhỏ để chỉ ra nội dung, vấn đề trọng tâm và những thông tin bổ trợ cho nội dung, vấn đề trọng tâm; phân tích, đánh giá, làm rõ các vấn đề phát sinh như các yếu tố cấu thành tội phạm; chứng cứ, tài liệu; diện đối tượng khi tiếp nhận một vụ án hình sự mới[2]. Tùy theo nội dung, mục đích của sơ đồ cần thể hiện, khi xây dựng sơ đồ tư duy hình tròn có thể đặt ra các câu hỏi như “Chúng ta cần làm rõ vấn đề gì trong vụ án này?” ở vòng tròn bên trong và xem sự tương tác được phát triển dần ở các vòng tròn bên ngoài, việc lấp đầy sơ đồ vòng tròn có thể phá vỡ khoảng cách và khuyến khích Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trình bày ý tưởng. Tuy nhiên, hạn chế của sơ đồ tư duy hình tròn là lượng thông tin có thể đưa vào trong sơ đồ là không nhiều, do đó, trường hợp xây dựng sơ đồ tư duy hình tròn thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần có thêm sơ đồ bổ trợ khác nhằm bổ sung thêm cho các thông tin đã trình bày[3].

2.2. Sơ đồ hình luồng hoặc đa luồng

Sơ đồ tư duy hình luồng hoặc đa luồng có mục đích để trình bày tổng thể các nội dung, vấn đề chính của vụ án hình sự; chỉ ra nguyên nhân, diễn biến hành vi phạm tội; các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; kết quả của một hoạt động khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự từ khám nghiệm hiện trường, giám định, định giá đến kết quả hỏi cung, ghi lời khai cũng như hậu quả, thiệt hại phát sinh trong vụ án; các ảnh hưởng, tác động, mối liên kết của các sự kiện, hành vi phạm tội; mối liên hệ giữa các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nhau; mối liên hệ giữa các lần phạm tội.... Cách sử dụng sơ đồ hình luồng hoặc đa luồng là bắt đầu với nội dung chính, các nhánh khác kết nối để làm rõ, giải thích cho nội dung chính...[4]

Sơ đồ tư duy hình luồng hoặc đa luồng có ưu điểm là có thể đưa ra được đầy đủ các nội dung cần thể hiện trên sơ đồ một cách mạch lạc, có hệ thống và có thể sử dụng trong hầu hết các tình huống phát sinh cần phải xây dựng sơ đồ tư duy. Riêng sơ đồ tư duy đa luồng còn có ưu điểm chỉ ra những điểm mâu thuẫn, khác nhau trong cùng một vấn đề được thu thập từ các nguồn chứng cứ khác nhau ở hai trục đối xứng, đối lập của sơ đồ đa luồng. Tuy nhiên, sơ đồ tư duy hình luồng hoặc đa luồng cũng có hạn chế khi sử dụng đó là dễ trở thành liệt kê các vấn đề nếu như Kiểm sát viên, Kiểm tra viên không chọn lọc từ khóa, thông tin theo nhóm vấn đề có sự liên kết logic, mạch lạc, hệ thống và khoa học[5].

2.3. Sơ đồ hình cây

Sơ đồ tư duy hình cây được sử dụng để phân loại, sắp xếp các thông tin chính, quan trọng trong vụ án, các nhánh nhỏ trong hình cây sẽ được sử dụng để cụ thể hóa các thông tin chi tiết, từ đó minh chứng, làm rõ cho các thông tin chính[6]. Dạng sơ đồ hình cây phổ biến và hiệu quả khi áp dụng để vẽ sơ đồ tư duy tổng thể vụ án về 4 yếu tố cấu thành tội phạm; vẽ sơ đồ dẫn chứng từng hành vi phạm tội cụ thể tương ứng với các bị can khác nhau; sơ đồ về các nhóm tội danh khác nhau trong vụ án hình sự hoặc sơ đồ về những hoạt động điều tra của Viện kiểm sát; sơ đồ chỉ ra vi phạm và căn cứ để trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sơ đồ tư duy hình cây có ưu điểm là các thông tin trong sơ đồ được trình bày mạch lạc, có hệ thống theo trục từ trên xuống. Tuy nhiên, hạn chế của sơ đồ tư duy hình cây là các thông tin được trình bày có độ dài, ngắn khác nhau nên về hình thức có thể sơ đồ không được cân xứng[7].

2.4. Sơ đồ tư duy ngang/ dọc/ quy trình

Sơ đồ tư duy ngang/ dọc/ quy trình là sơ đồ được sử dụng để trình bày diễn biến của hành vi phạm tội theo trình tự thời gian hoặc trình bày quy trình thực hiện một nhiệm vụ cụ thể mà nội dung khi thực hiện nhiệm vụ có sự liên kết chặt chẽ với nhau và có sự tiếp diễn liên tục, vấn đề trước là cơ sở, tiền đề cho vấn đề tiếp theo[8]. Ưu điểm của sơ đồ tư duy ngang/ dọc/ quy trình là thể hiện được tính liên tục, sự liên kết chặt chẽ giữa các thông tin theo trình tự cụ thể[9].

2.5. Bảng biểu

Tùy theo từng vụ án, sơ đồ hóa nội dung báo cáo dưới dạng bảng biểu được sử dụng linh hoạt trong các trường hợp tổng hợp, đánh giá chứng cứ; tổng hợp đánh giá hành vi phạm tội; so sánh, đối chiếu lời khai của nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; so sánh tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của nhiều đối tượng; trích cứu lời khai của các đối tượng, bị can, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... theo các tiêu chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tự lựa chọn cho phù hợp với diễn biến, tình tiết cụ thể của từng vụ án[10].

3. Một số lưu ý khi xây dựng sơ đồ tư duy

3.1. Lưu ý về lựa chọn vụ án hình sự cần xây dựng sơ đồ tư duy

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chủ động phân tích, đánh giá quy mô, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội để quyết định việc xây dựng sơ đồ tư duy trong nghiên cứu và báo cáo vụ án hình sự hay không hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị. Một số tiêu chí gợi ý khi lựa chọn vụ án để xây dựng sơ đồ tư duy như: Vụ án diễn ra trong một khoảng thời gian dài; có nhiều bị can; có bị can kêu oan kéo dài; chứng cứ, tài liệu có nhiều mâu thuẫn; có hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; có liên quan đến một hay nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, giao thông, xây dựng...

3.2. Lưu ý lựa chọn hình thức sơ đồ tư duy

Khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể xây dựng một hay nhiều sơ đồ tư duy cùng loại hoặc khác loại, có ý nghĩa bổ trợ cho nhau trong cùng một vụ án hình sự. Sau khi xác định được nội dung và mục đích của sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lựa chọn hình thức sơ đồ phù hợp. Ví dụ, trường hợp bị can kêu oan thì xây dựng sơ đồ đa luồng có hai trục đối lập thể hiện nội dung chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với bị can, từ đó, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể so sánh, đánh giá được cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội.

3.3. Lưu ý lựa chọn thông tin/ trình bày nội dung

Quá trình xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lựa chọn thông tin đưa vào sơ đồ tư duy. Việc lựa chọn thông tin đóng vai trò quan trọng bởi tất cả các thông tin được đưa vào sơ đồ tư duy yêu cầu phải đảm bảo chính xác với sự thật khách quan của vụ án; những thông tin đưa vào sơ đồ phải làm rõ được nội dung, mục đích của sơ đồ. Ví dụ, khi xây dựng sơ đồ tư duy về tổng hợp chứng cứ của vụ án hình sự thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ, tài liệu và chia theo nhóm các loại chứng cứ, tài liệu có sự tương đồng để trình bày trong sơ đồ tư duy. Tương tự, sơ đồ tư duy về lời khai của bị hại thì phải đọc toàn bộ lời khai, đơn tố giác hay đơn yêu cầu của người bị hại sau đó chọn lấy thông tin chính, quan trọng và cần thiết để đưa vào sơ đồ. Sau khi xác định những thông tin chính, quan trọng, cần thiết, có ý nghĩa làm rõ nội dung, mục đích của sơ đồ thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải xác định các “từ khóa” đưa vào sơ đồ tư duy. Những từ khóa mang tính bao quát và những từ khóa chi tiết, diễn đạt đúng, đủ thông tin cần thiết nhưng vẫn phải ngắn gọn, rõ ràng.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể tạo các liên kết như ghi chú, chèn đính kèm bảng biểu, hình ảnh hoặc file chứng cứ, tài liệu (đã được số hoá) để minh chứng cho nội dung trình bày trên sơ đồ. Trường hợp in sơ đồ tư duy kèm theo báo cáo án thì đánh thứ tự các phụ lục để dễ dàng tìm kiếm, sử dụng; trường hợp trình chiếu sơ đồ tư duy khi báo cáo án thì có thể mở liên kết là phần ghi chú hoặc mở các tài liệu đã được chèn đính kèm.

3.4. Lưu ý về hoàn thiện sơ đồ tư duy

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần hoàn thiện sơ đồ tư duy vụ án hình sự về mặt hình thức và nội dung.

- Về hình thức: Cần đảm bảo cân đối, rõ ràng, dễ theo dõi, sử dụng một định dạng font chữ, có sự liên kết giữa các nhánh thông tin, màu sắc hài hòa.

- Về nội dung: Những nội dung của vụ án hình sự được thể hiện trên sơ đồ tư duy phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật và quy chế, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân; bảo đảm phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, ngắn gọn, rõ ràng, logic, đầy đủ, chính xác, có hệ thống và thể hiện được sự liên kết giữa các thông tin vụ án, thông tin sau phải có giá trị phân tích, giải thích, làm rõ thông tin phía trước và tất cả các thông tin đưa ra phải có sự liên quan với nhau nhằm làm rõ mục đích của sơ đồ tư duy. Trong quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chủ động, linh hoạt chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào sơ đồ tư duy khi có phát sinh chứng cứ, tài liệu mới.

- Về chữ ký: Sau khi xây dựng sơ đồ tư duy vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ký tên vào mục người lập sơ đồ.

3.5. Công cụ xây dựng sơ đồ tư duy và bảo mật thông tin

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần lựa chọn công cụ để xây dựng sơ đồ tư duy khi giải quyết vụ án hình sự một cách hiệu quả. Sơ đồ tư duy có thể được vẽ bằng tay hoặc sử dụng các phần mềm như Word, Excel, PowerPoint. Ngoài ra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể tham khảo sử dụng một số phần mềm xây dựng sơ đồ tư duy chuyên dụng (Xmind, Edrawmind...) trước khi có phần mềm chuyên dụng của ngành Kiểm sát nhân dân. Để đảm bảo tính bảo mật thông tin vụ án theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần tải phần mềm về máy vi tính và không kết nối mạng internet khi sử dụng.

III. KỸ NĂNG XÂY DỰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, sau khi lựa chọn được vụ án cần xây dựng sơ đồ tư duy hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy theo 04 bước sau:

Bước 1: Nghiên cứu kỹ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tổng hợp, xác định từ khóa thể hiện nội dung, mục đích của việc xây dựng sơ đồ tư duy để lựa chọn loại sơ đồ tư duy phù hợp, như sơ đồ tư duy tổng thể vụ án, sơ đồ tư duy về diễn biến hành vi phạm tội, sơ đồ tư duy về đánh giá chứng cứ... Đây chính là tên và là từ khóa trung tâm của sơ đồ tư duy. Sau khi xác định từ khoá trung tâm thì căn cứ vào mục đích, các nội dung cần thể hiện trên sơ đồ để lựa chọn hình thức sơ đồ phù hợp, đảm bảo trực quan.

Ví dụ: Cơ quan điều tra ra các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 08 bị can thực hiện hành vi Mua bán trái phép chất ma túy xảy ra trong thời gian khoảng 3 năm trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố và chuyển các chứng cứ, tài liệu đến Viện kiểm sát đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn các Lệnh, Quyết định trên. Thông tin cụ thể đối với 01 bị can như sau: “Họ và tên: Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1985; đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: lớp 7/12; con ông Nguyễn Văn Tình, sinh năm 1955 và bà Trương Thị Linh, sinh năm 1960; có vợ là Trần Thị Trinh, sinh năm 1989 và 02 con là Nguyễn Văn Tân, sinh năm 2010 và Nguyễn Thị Trang, sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: không. Nguyễn Văn Tuấn khai nhận đã góp 100 triệu đồng cùng với 07 đối tượng khác để mua 10 bánh Heroine. Đến ngày 05/8/2018, khi đang thực hiện giao dịch với A thì bị công an bắt quả tang. Kết luận giám định 10 bánh thu giữ có trọng lượng 3.482 gam, là Heroine. Nguyễn Văn Tuấn bị bắt tạm giam ngày 05/8/2018 về tội Mua bán trái phép chất ma túy, theo quy định tại khoản 4, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thấy (1)Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn nên cần làm rõ có hay không có hành vi phạm tội; (2)Vụ án có nhiều bị can, diễn biến hành vi phạm tội phức tạp, diễn ra trên nhiều địa bàn trong một khoảng thời gian dài nên cần xây dựng sơ đồ tư duy về 08 bị can và hành vi phạm tội tương ứng với 08 bị can đó để đánh giá xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không để đề xuất Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo đơn vị về việc có đủ căn cứ phê chuẩn các Lệnh, Quyết định.

Với mục đích xây dựng sơ đồ tư duy như trên, xác định từ khóa trung tâm của sơ đồ là: “Hành vi phạm tội của 08 bị can trong vụ án Mua bán trái phép chất ma túy”.

Bước 2: Tổng hợp, phân tích, xác định và ghi chú từ khóa/ thông tin chính, quan trọng, cần thiết để đưa vào sơ đồ tư duy.

(1) Cách thức, phương pháp xác định từ khóa: Khi lựa chọn thông tin đưa vào sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lưu ý bảo đảm đầy đủ các thông tin như sau:

- Từ khoá cấp 1 (thuộc nhánh cấp 1): Đây là các từ khoá có mối liên hệ với từ khoá trung tâm. Các từ khóa cấp 1 là những chi tiết nhằm làm rõ hơn nữa nội dung, đặc điểm của từ khoá trung tâm. Trong một sơ đồ tư duy chỉ có một từ khoá trung tâm nhưng có thể có một hoặc nhiều từ khóa cấp 1 có mối liên hệ và giá trị bổ trợ thông tin cho từ khóa trung tâm ngang nhau. Ví dụ, từ khóa cấp 1 cho ví dụ từ khóa trung tâm “Hành vi phạm tội của 08 bị can trong vụ án Mua bán trái phép chất ma túy” là tên của các bị can trong vụ án là “Bị can Nguyễn Văn Tuấn”.

- Từ khóa cấp 2 (thuộc nhánh cấp 2): Đây là các từ khóa hoặc hình ảnh có mối liên hệ với từ khóa cấp 1, nhằm trình bày chi tiết những nội dung, đặc điểm của từ khóa cấp 1. Trong một sơ đồ tư duy có thể có nhiều từ khóa cấp 2 có mối liên hệ và giá trị bổ trợ thông tin cho từ khóa cấp 1 ngang nhau. Ví dụ, từ khóa cấp 2 cho từ khóa cấp 1 “Bị can Nguyễn Văn Tuấn” là “Góp 100 triệu đồng cùng 07 đối tượng khác mua 10 bánh Heroine” và “Bắt quả tang và tạm giam ngày 05/8/2018”.

- Từ khoá cấp 3 (thuộc nhánh cấp 3): Đây là các từ khóa có mối liên hệ với từ khóa cấp 2, nhằm trình bày chi tiết những nội dung, đặc điểm của từ khóa cấp 2. Trong một sơ đồ tư duy có thể có nhiều từ khóa cấp 3 có mối liên hệ và giá trị bổ trợ thông tin cho từ khóa cấp 2 ngang nhau. Ví dụ, từ khóa cấp 3 cho từ khóa cấp 2 “Góp 100 triệu đồng cùng 07 đối tượng khác mua 10 bánh Heroine” là “Kết luận 10 bánh Heroine nặng 3.482 gam”.

Bước 3: Lựa chọn giải pháp: Công cụ xây dựng sơ đồ tư duy và hình thức sơ đồ (hình dáng). Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lựa chọn giải pháp xây dựng sơ đồ tư duy bằng tay hay phần mềm, nếu là phần mềm thì sẽ lựa chọn phần mềm nào đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra cả về mặt hình thức, nội dung và bảo mật thông tin. Việc hoàn thiện, chỉnh sửa, hệ thống các thông tin trong sơ đồ đảm bảo về hình thức phải cân đối, rõ ràng, màu sắc phù hợp để dễ theo dõi, dễ hiểu; về nội dung, các thông tin có trong sơ đồ phải phản ánh chính xác sự thật khách quan của vụ án, có sự liên kết logic và chặt chẽ với nhau.

Ví dụ, với tình huống nêu trên, có thể lựa chọn ứng dụng powerpoint để xây dựng sơ đồ tư duy hình luồng hoặc sơ đồ tư duy hình cây thể hiện 08 bị can và hành vi phạm tội tương ứng với 08 bị can đó về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Bước 4: Dự liệu những tình huống phát sinh bằng cách đặt ra các câu hỏi. Trên cơ sở dữ liệu từ khoá đã được thể hiện trên sơ đồ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công có thể đặt ra các câu hỏi dự kiến tình huống có thể phát sinh khi báo cáo án hoặc tranh tụng tại phiên tòa để chuẩn bị, phục vụ việc khai thác, sử dụng hiệu quả. Trường hợp sau khi đặt ra câu hỏi và có thể trả lời được vì đã có trong chứng cứ, tài liệu Cơ quan điều tra đã cung cấp, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ghi chú và bổ sung trực tiếp vào sơ đồ tư duy (nếu thấy cần thiết) hoặc đưa vào mục ghi chú/ chèn hình ảnh, file tài liệu vào sơ đồ tư duy; Trường hợp không thể trả lời câu hỏi do chưa có đủ thông tin, chứng cứ, tài liệu thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp, bổ sung hoặc đề ra yêu cầu điều tra để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ.

Ví dụ: Với tình huống và các dữ liệu nêu trên, cần dự liệu các tình huống về “Số lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bị can Nguyễn Văn Tuấn”; “Vai trò của Nguyễn Văn Tuấn khi so sánh tương quan với 07 đối tượng khác trong vụ án”; “Số tiền Nguyễn Văn Tuấn sẽ được hưởng lợi khi thực hiện xong hành vi mua bán ma túy”... Sau khi dự liệu tình huống, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể ghi chú trên sơ đồ những vấn đề cần yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trên đây là Hướng dẫn nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự (Kèm theo Hướng dẫn là 18 mẫu để tham khảo, ứng dụng linh hoạt và phù hợp với đặc điểm, nội dung, tính chất và quy mô của từng vụ án hình sự). Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế để tổng hợp, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/c);
- Các đ/c Phó Viện trưởng VKSTC (để b/c);
- Các Vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 (để t/h);
- VKSND cấp cao 1, 2, 3 (để t/h);
- VKSND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- VKSND cấp huyện (để t/h);
- VKS Quân sự các cấp (để t/h);
- Vụ 14, T2, T3, VP VKSNDTC;
- Lưu: VT, Vụ 3 (02 bản).

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ
VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN KINH TẾ





Hồ Đức Anh



[1] Trường hợp giai đoạn khởi tố, điều tra, giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã phối hợp cùng xây dựng sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên căn cứ theo yêu cầu và đặc thù riêng của ngành Kiểm sát nhân dân để chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật các thông tin trong sơ đồ tư duy cho phù hợp và có tính ứng dụng cao.

[2] Ví dụ Mẫu số 16, 17

[3] Sơ đồ tư duy hình tròn có thể sử dụng cho những trường hợp như: Sơ đồ tư duy tổng thể vụ án về 4 yếu tố cấu thành tội phạm; Sơ đồ tư duy về đánh giá chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; Sơ đồ tư duy về đánh giá vai trò các đối tượng liên quan trong vụ án hình sự; Sơ đồ tư duy về những vấn đề cần chứng minh, làm rõ trong vụ án hình sự.

[4] Ví dụ Mẫu số 01, 03, 04, 05, 08, 09, 10, 15

[5] Sơ đồ tư duy hình luồng hoặc đa luồng sử dụng cho những trường hợp như sau: Sơ đồ tư duy tổng thể tóm tắt báo cáo trong giai đoạn khởi tố; Sơ đồ tư duy tổng thể về 4 yếu tố cấu thành tội phạm; Sơ đồ tư duy về việc thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá chứng cứ; Sơ đồ tư duy về việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; Sơ đồ tư duy về việc trưng cầu giám định/ định giá tài sản; Sơ đồ tư duy về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; Sơ đồ tư duy về các nhóm tội danh; nhóm chủ thể thực hiện hành vi vi phạm; Sơ đồ tư duy về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; Sơ đồ tư duy về việc hỏi cung bị can, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng; Sơ đồ tư duy về kết quả thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát; Sơ đồ tư duy về dòng tiền; Sơ đồ tư duy về hậu quả, thiệt hại; Sơ đồ tư duy về những hoạt động điều tra của Viện kiểm sát; Sơ đồ tư duy về những vi phạm, căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Sơ đồ tư duy đánh giá vai trò, hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, chứng cứ, tài liệu chứng minh đối với các bị can trong vụ án hình sự.

[6] Ví dụ Mẫu số 02, 06, 07.

[7] Thực tiễn áp dụng thấy hầu hết sơ đồ hình luồng hoặc đa luồng đều có thể áp dụng với sơ đồ tư duy hình cây. Tuy nhiên, sơ đồ tư duy hình cây có thể khai thác tối đa các ưu điểm trong những trường hợp sau: Sơ đồ tư duy tổng thể về 4 yếu tố cấu thành tội phạm; Sơ đồ tư duy về các nhóm tội danh; Sơ đồ tư duy về các chủ thể liên quan thực hiện hành vi vi phạm; Sơ đồ tư duy về những hoạt động điều tra của Viện kiểm sát; Sơ đồ tư duy về những vi phạm, căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Sơ đồ tư duy về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự.

[8] Ví dụ Mẫu số 11, 12, 13, 14.

[9] Sơ đồ tư duy ngang/ dọc/ quy trình có thể sử dụng trong những trường hợp như sau: Sơ đồ tư duy về các bước của một hoạt động cụ thể phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, ví dụ quy trình đấu thầu/ quy trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu/ quy trình giải ngân của Ngân hàng/ quy trình cấp phép đầu tư xây dựng dự án; Sơ đồ tư duy về dòng tiền trong các vụ án kinh tế; Sơ đồ tư duy về diễn biến hành vi phạm tội trong vụ án hình sự theo trình tự thời gian.

[10] Ví dụ Mẫu số 18.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 10/HD-VKSTC ngày 29/05/2024 nghiên cứu xây dựng sơ đồ tư duy trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.128

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.73.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!