TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2017/CT-CA
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2017
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Hòa giải trong tố tụng dân sự ngày
càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh
chấp tại Tòa án; là phương thức hiệu quả để bảo đảm quyền quyết định và
tự định đoạt của đương sự. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả
các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian,
công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, vì phần
lớn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được
tự nguyện thi hành; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút
ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hòa giải còn có ý
nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải
quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp
phải mở phiên tòa xét xử; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa
án. Đồng thời, hòa giải góp phần hàn gắn những rạn nứt,
ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận
và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân - đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc
gia có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng
của công tác hòa giải, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ: “Khuyến khích việc
giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài...”.
Ngày 25-11-2015, tại kỳ họp thứ 10,
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII
đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 01-7-2016. Theo quy định của Bộ luật này thì hòa giải vừa
là một trong những nguyên tắc cơ bản vừa là trình tự, thủ
tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Các quy định về hòa giải
trong Bộ luật Tố tụng dân sự đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức
hòa giải, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại Tòa án
nhân dân.
Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ
án dân sự) thời gian qua cho thấy, các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về hòa giải bước đầu đã đi vào cuộc sống;
các Tòa án đã chú trọng tới công tác hòa giải và hòa giải thành được nhiều vụ
án phải giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,
công tác hòa giải tại Tòa án vẫn còn
những tồn tại, hạn chế nhất định như: Vẫn còn Thẩm phán
chưa xác định đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải trong tố tụng dân sự;
chưa coi trọng đúng mức công tác hòa giải; kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp hòa
giải còn có những hạn chế, thiếu hiệu quả; công tác tập huấn,
đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hòa giải chưa được tổ chức
thường xuyên v.v...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu
quả của công tác hòa giải trong tố tụng dân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
chỉ thị:
I. Yêu cầu, chỉ
tiêu hòa giải
1. Yêu cầu của công tác hòa giải
a) Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký
Tòa án phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công
tác hòa giải khi giải quyết vụ án dân sự để chủ động, tích
cực, kiên trì hòa giải.
b) Các vụ án dân sự phải được Tòa án
tiến hành hòa giải, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc
không tiến hành hòa giải được. Đây là quy định bắt buộc của
Bộ luật Tố tụng dân sự.
c) Tòa án có trách nhiệm tổ chức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các đương sự thỏa
thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
d) Thẩm phán phải
giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của
pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả
pháp lý của việc hòa giải thành.
đ) Trình tự, thủ tục hòa giải phải được
tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nghiêm cấm việc lợi
dụng hòa giải để tiêu cực, trục lợi trong quá trình giải
quyết vụ án dân sự.
e) Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các đương sự; không được lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của họ.
g) Nội dung thỏa thuận giữa các đương
sự không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Chỉ
tiêu hòa giải thành
a) Phấn đấu số lượng vụ án dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được hòa giải thành so với
số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động
mà Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ
từ 60% trở lên.
b) Phấn đấu 100% Quyết định công nhận
sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ
tục giám đốc thẩm; không có Quyết định
công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được.
II. Nhiệm vụ
1. Nghiên cứu, xây dựng giáo trình về
kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, sổ tay Thẩm phán về hòa giải vụ án dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, kỹ
năng hòa giải vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân.
2. Tổ chức tập huấn cho Thẩm phán, Thẩm
tra viên, Thư ký Tòa án các quy định của pháp luật về hòa
giải, kỹ năng, quy trình hòa giải trong tố tụng dân sự.
3. Tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh
nghiệm quốc tế về hòa giải trong tố tụng dân sự. Trước mắt,
từ tháng 12-2017, triển khai việc áp dụng thí điểm một số
kỹ năng hòa giải trong tố tụng dân sự
tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm của
chuyên gia quốc tế.
4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác hòa giải trong tố tụng dân sự.
5. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị, bố trí kinh phí phục vụ cho công tác hòa
giải.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về hòa giải; kịp thời thông tin, biểu dương những Thẩm phán, Tòa án có tỷ lệ hòa giải thành cao.
7. Phát động phong trào thi đua: “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa
giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; gắn kết quả của phong trào thi đua này với việc bình
xét các danh hiệu thi đua; đổi mới, hoàn thiện chỉ tiêu thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng
công tác hòa giải; trước mắt, 01 vụ án hòa giải thành được tính chỉ tiêu thi
đua bằng 02 vụ án đã xét xử.
III. Tổ chức thực
hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án
nhân dân tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc
các yêu cầu, chỉ tiêu và nhiệm vụ trong Chỉ thị này.
2. Giao Học viện Tòa án, Vụ Pháp chế
và Quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ
nêu tại mục 1 và 2 Phần II Chỉ thị này;
3. Giao Học viện Tòa án, Vụ Pháp chế
và Quản lý khoa học và Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ
nêu tại mục 3 Phần II Chỉ thị này;
4. Giao Cục Kế hoạch-Tài chính, Văn
phòng bố trí, đề xuất kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ
công tác hòa giải;
5. Giao Tạp chí
Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Văn phòng, Vụ Thi đua- Khen
thưởng và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu tại mục 6 Phần II
Chỉ thị này;
6. Giao Vụ Thi đua-Khen thưởng phối hợp
với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu tại mục 7 Phần II Chỉ
thị này;
7. Giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học
phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu tại mục 4 Phần
II Chỉ thị này; là đơn vị thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nơi nhận:
- Ủy ban Tư pháp của Quốc
hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ban Nội chính TW;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Các Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Các Đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC;
- Các Tòa án nhân dân;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).
|
CHÁNH ÁN
Nguyễn Hòa Bình
|
HƯỚNG DẪN
QUY TRÌNH, KỸ NĂNG HÒA GIẢI VỤ ÁN DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, KINH
DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 04/CT-CA ngày 03-10-2017 của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao)
Phần I
CHUẨN BỊ HÒA GIẢI
Bước 1. Lập, nghiên cứu hồ sơ
vụ án
1. Việc lập, nghiên cứu hồ sơ vụ
án thực hiện theo quy định tại Chương VII về chứng minh và chứng cứ, Chương
XIII về thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Trong quá trình lập, nghiên cứu hồ sơ vụ án Thẩm phán có trách nhiệm xác định đúng, làm rõ các nội dung sau:
- Quan hệ pháp luật tranh chấp;
- Yêu cầu cụ thể của các đương sự;
- Nguyên nhân phát sinh tranh chấp;
- Tính chất, mức độ tranh chấp;
- Vấn đề mấu chốt của tranh chấp;
- Xác định tư cách tham gia tố tụng của
các đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Quan hệ giữa các đương sự (quan hệ
tình cảm, quan hệ làng xóm, láng giềng, quan hệ hợp tác
kinh doanh,...);
- Tài liệu, chứng
cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự;
- Quy định pháp luật là căn cứ pháp
lý để giải quyết yêu cầu của đương sự;
- Các nội dung khác (nếu có).
3. Để thực hiện những yêu cầu trên đây, tùy từng vụ án mà Thẩm phán phải thực hiện các công việc
sau:
- Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Tìm hiểu thái độ tâm lý, nhân thân
của các đương sự; tiếp xúc, tác động tích cực, phân tích, giải thích đối với từng
đương sự về tình tiết vụ án, tài liệu, chứng cứ, các quy định của pháp luật, án
lệ, lẽ công bằng để các đương sự nhận thức được tính hợp pháp
trong từng yêu cầu của họ, trên cơ sở đó thuyết phục các đương sự hòa giải;
- Tham khảo ý kiến
của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có chuyên môn về
lĩnh vực tranh chấp;
- Tiếp xúc, đề nghị những người có ảnh hưởng, có uy tín hoặc có khả năng vận động, thuyết phục đương sự hỗ
trợ cho công tác hòa giải;
- Tìm hiểu phong tục, tập quán liên
quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa các đương sự.
4. Thẩm phán xây dựng kế hoạch
hòa giải, trừ trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải quy định tại Điều 206 hoặc trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được
quy định tại khoản 3 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 2. Xây dựng kế hoạch hòa giải
Khi xây dựng kế hoạch hòa giải, Thẩm
phán phải dự kiến những nội dung sau:
1. Xác định nội dung hòa giải
- Những vấn đề các đương sự đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất, còn tranh chấp;
- Những vấn đề mấu chốt mà nếu tháo gỡ
được sẽ tác động trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp giữa các đương sự;
- Thứ tự ưu tiên các vấn đề cần hòa
giải (tùy từng trường hợp mà Thẩm phán có thể tiến hành hòa giải vấn đề có mâu
thuẫn lớn trước hoặc vấn đề có mâu thuẫn nhỏ trước);
- Những yếu tố, điều kiện thuận lợi đối
với từng đương sự để đạt đến sự thỏa thuận;
- Phương án tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn giữa các đương sự.
2. Tình huống phát sinh và
phương án xử lý tại phiên họp
Dự kiến các tình huống phát sinh và
phương án xử lý đối với từng vấn đề tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp
cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi tắt là
phiên họp) như:
- Về sự vắng mặt
của đương sự;
- Về yêu cầu mới,
yêu cầu sửa đổi, bổ sung của đương sự;
- Về các tài liệu,
chứng cứ được cung cấp, giao nộp;
- Về các tình huống
căng thẳng, xung đột, bất hợp tác của đương sự;
- Các vấn đề
khác (nếu có).
3. Thành phần tham gia phiên họp
Thẩm phán xác định
thành phần tham gia phiên hợp như sau:
- Thành phần tham gia phiên họp theo
quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước;
đại diện tổ chức có chuyên môn, chuyên gia về lĩnh vực tranh chấp tham gia
phiên họp (nếu cần thiết);
- Người có uy tín, ảnh hưởng hoặc có
khả năng vận động, thuyết phục các đương sự (nếu cần thiết).
4. Thời gian hòa giải
Căn cứ vào tính chất, mức độ tranh chấp,
điều kiện, hoàn cảnh của các đương sự để lựa chọn thời điểm, thời gian hòa giải thích hợp đối với từng vụ án
để đạt được hiệu quả hòa giải cao nhất.
Bước 3. Chuẩn bị phòng hòa giải
Thẩm phán chuẩn
bị phòng hòa giải như sau:
1. Bố trí phòng hòa giải chuyên dụng
hoặc phòng họp khác phù hợp với số lượng người tham gia
hòa giải;
2. Sắp xếp vị trí chỗ ngồi của Thẩm phán, Thư ký, các đương sự hợp lý, tạo không khí thân thiện,
cởi mở: Bàn hình vuông hoặc hình chữ nhật; Thẩm phán, Thư ký ngồi cạnh nhau; phía bên phải Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi của
nguyên đơn; phía bên trái của Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi
của bị đơn; phía đối diện Thẩm phán, Thư ký là chỗ ngồi của
những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có);
3. Trường hợp vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người khuyết tật, người có nhược điểm
về thể chất và tinh thần thì bố trí phòng hòa giải phù hợp với đặc điểm về thể
chất và tâm lý của họ.
Bước 4. Triệu tập thành phần tham
gia phiên họp
1. Thông báo cho đương sự, người đại
diện hợp pháp của đương sự, người bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành
phiên họp và nội dung của phiên họp theo quy định tại Điều 208 Bộ
luật Tố tụng dân sự.
2. Gửi giấy mời cho các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan để tham gia phiên họp theo dự kiến tại mục 3 Bước 2
Hướng dẫn này.
Phần II
PHIÊN HỌP KIỂM
TRA VIỆC GIAO NỘP,TIẾP CẬN, CÔNG KHAI CHỨNG CỨ VÀ HÒA GIẢI1
Bước 1. Thủ tục bắt đầu phiên họp
1. Thủ tục bắt đầu phiên họp thực hiện
theo quy định tại khoản 1 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Khi kiểm tra
sự có mặt và căn cước của những người tham gia phiên họp, Thẩm phán phải lưu ý những vấn đề sau:
- Trường hợp có người vắng mặt thì phải
xem xét thận trọng, xác định có thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được
theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự hay không
để ra quyết định.
- Trường hợp đương sự phải có người đại diện theo quy định của pháp luật thì kiểm tra sự có mặt và tư
cách tham gia phiên hòa giải của người đại diện; trường hợp có người đại diện
theo ủy quyền thì xác định tính hợp pháp của việc ủy quyền (thủ tục và phạm vi ủy quyền).
Bước 2. Kiểm tra việc giao nộp, tiếp
cận, công khai chứng cứ
Trình tự, thủ tục kiểm tra việc giao
nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thực hiện theo quy định tại khoản
2 và khoản 3 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bước 3. Tiến hành hòa giải
Thủ tục tiến hành hòa giải được thực
hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán thực hiện các yêu cầu và kỹ năng sau:
1. Các yêu cầu mà
Thẩm phán phải thực hiện bao gồm:
a) Khi thực hiện quy định tại điểm a khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán phải giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của
pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả
pháp lý của việc hòa giải thành, hòa giải không thành (án phí, các chi phí tố tụng khác, chi phí thi hành án) để đương sự nhận thức được tính hợp pháp trong từng yêu cầu của họ, biết những lợi ích của hòa giải thành
mà không phân tích tính đúng, sai của đương sự, không tiết lộ đường lối xét xử
vụ án;
b) Sau khi từng đương sự, người tham
gia phiên họp trình bày ý kiến theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự mà
còn có nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu
họ trình bày bổ sung ngay về nội dung chưa rõ, chưa đầy đủ đó.
c) Thẩm phán
phân tích nội dung vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp, yêu cầu cụ thể của
đương sự, nguyên nhân phát sinh tranh chấp, các quy định
có liên quan đến nội dung tranh chấp để đương sự tự đánh giá được phần đúng, phần sai của mình để đi đến thỏa thuận với nhau những vấn đề chưa thống
nhất.
d) Sau khi thực hiện quy định tại điểm e khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự mà còn có nội
dung chưa rõ thì Thẩm phán tiếp tục yêu cầu đương sự trình
bày bổ sung để làm rõ nội dung chưa rõ.
đ) Sau khi thực hiện quy định tại điểm e khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự mà còn có nội
dung chưa thống nhất thì Thẩm phán phải:
- Nêu đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng nội
dung chưa thống nhất cần tiếp tục hòa giải;
- Đưa ra một số phương án giải quyết
tranh chấp để các đương sự lựa chọn;
- Phân tích lợi ích của việc giữ gìn
mối quan hệ, tình cảm giữa các đương sự (tình cảm gia
đình, tình cảm vợ chồng, quan hệ láng giềng, quan hệ đối tác kinh doanh,...) nhằm tác động
tâm lý tích cực giúp họ nghĩ đến quan hệ, tình cảm mà hòa giải; đồng thời quan
sát, nắm bắt kịp thời diễn biến tâm tư của các đương sự, chọn đúng thời điểm
tác động đến suy nghĩ, nhận thức của mỗi đương sự;
- Trường hợp đa số các đương sự đã thỏa
thuận được việc giải quyết tranh chấp, chỉ một hoặc một số đương sự không thiện
chí thỏa thuận hoặc còn một số điểm chưa thống nhất thì Thẩm phán có thể
giải thích, thuyết phục riêng để đạt được sự
thống nhất;
e) Trường hợp nội dung các đương sự
đã thống nhất có vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì Thẩm phán
phải giải thích quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức liên quan để các đương sự thỏa thuận lại.
2. Để thực hiện những yêu cầu trên đây, tùy từng trường hợp mà Thẩm phán thực hiện kỹ năng sau:
a) Thẩm phán phải giữ vai trò trung
gian, vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hòa giải;
b) Điều hành việc hòa giải linh hoạt,
mềm dẻo (lắng nghe ý kiến của các đương sự, giảm căng thẳng, tránh để các đương sự tổn thương tâm lý, bị xúc phạm,...);
c) Cử chỉ, tác
phong, thái độ thể hiện sự thân thiện; sử dụng ngôn ngữ dễ nghe, dễ hiểu, kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ pháp lý và ngôn ngữ đời
thường;
d) Phong cách giao tiếp thư thái, tự
tin; sâu sắc nhưng chia sẻ; mềm dẻo, quyết đoán đúng thời
điểm; vô tư và thân thiện; tập trung vào mâu thuẫn giữa các đương sự; không tập
trung vào quan hệ, đặc điểm tốt, xấu của mỗi đương sự; tập trung vào lợi ích chung, không tập trung vào thái độ,
cách cư xử của đương sự; không dùng ngôn ngữ tạo sự kích động
cho đương sự;
đ) Sử dụng linh
hoạt nhiều loại câu hỏi để tháo gỡ hiệu quả mâu thuẫn, tranh chấp giữa các
đương sự như: câu hỏi đánh giá; câu hỏi mở; câu hỏi đóng; câu hỏi gợi ý; câu hỏi
yêu cầu; câu hỏi tác động suy nghĩ; ...;
e) Kết hợp việc sử dụng lời nói với các tài liệu, chứng cứ và ý kiến của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham gia phiên họp để thuyết phục đương sự.
Bước 4. Lập Biên bản về kiểm tra
việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Biên bản về việc hòa giải và Biên bản hòa giải thành
1. Việc lập Biên bản về kiểm tra việc
giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và Biên bản về việc
hòa giải được thực hiện theo quy định tại khoản 1,2 và 3 Điều
211 Bộ luật Tố tụng dân sự và theo Mẫu số 34-DS, Mẫu số 35-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-01-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.
2. Trường hợp các đương sự thỏa thuận
được với nhau về tất cả các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập Biên bản hòa giải thành theo
quy định tại khoản 5 Điều 211 Bộ luật Tố tụng
dân sự và theo Mẫu số 36-DS ban hành kèm theo Nghị quyết
số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-01-2017 của Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng
dân sự.
Phần III
KẾT THÚC HÒA GIẢI
1. Trường
hợp hòa giải thành thì Thẩm phán thực hiện việc ra Quyết định
công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều
212 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cần lưu ý nội dung Quyết định
công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải đúng theo nội
dung các đương sự đã thỏa thuận được thể hiện trong Biên bản
hòa giải thành.
2. Trường
hợp qua hòa giải, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút (hoặc không có) yêu cầu phản tố, người có quyền lợi. nghĩa vụ
liên quan rút (hoặc không có) yêu cầu độc lập thì Thẩm phán căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định
đình chỉ giải quyết vụ án.
3. Trường hợp các bên đương sự chưa thỏa
thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng Thẩm phán nhận thấy các đương sự có thiện chí hoặc còn có khả năng tiếp tục
hòa giải thì kiên trì tổ chức các phiên họp tiếp theo. Trường hợp Thẩm phán nhận thấy không còn khả năng, cơ hội hòa giải
thành thì tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
1
Trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại
Chương XVIII của Bộ luật Tố tụng dân sự thì sau khi khai mạc
phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Tố tụng dân sự. Kỹ năng hòa giải
được thực hiện theo Hướng dẫn tại Phần này.